Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Vì sao gây mê có thể tử vong?

Một trong những nguyên nhân gây tử vong là tác dụng phụ của thuốc gây mê. Tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu...

Vậy, những đối tượng nào có thể gặp nguy hiểm trong quá trình gây mê?

Ai dễ gặp biến chứng khi gây mê?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh, Chủ nhiệm bộ môn Gây mê - hồi sức Đại học Y Dược và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM - cho biết: kỹ thuật gây mê ra đời đã góp phần thành công trong các cuộc phẫu thuật phức tạp như: mổ tim, mổ gan, ghép tạng… Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thuốc khác, thuốc gây mê có những tác dụng phụ, gây ra tai biến.

Một cuộc khảo sát trên 200.000 bệnh nhân được gây mê ở Pháp cho thấy, cứ 13.200 ca sẽ có một ca chết; tỷ lệ này sẽ cao hơn ở các nước đang phát triển. 

Cũng theo một nghiên cứu ở Pháp vào năm 2006, bệnh nhân tử vong trong gây mê thì biến chứng đường hô hấp chiếm 38% và tim mạch chiếm 61% (bao gồm: sốc phản vệ, thiếu máu cơ tim, giảm thể tích tuần hoàn, giảm lượng máu, tụt huyết áp).

Những cuộc phẫu thuật lớn bắt buộc phải gây mê - (ảnh chụp tại BV Nhi Đồng 2)

Một trong những nguyên nhân gây tử vong là tác dụng phụ của thuốc gây mê. Tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu; đặc biệt là trên những người mắc bệnh nặng, có nguy cơ cao như: bệnh tim (van tim, mạch vành), tiểu đường, bệnh về máu, hen suyễn, bệnh phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Mặt khác, sự lựa chọn thuốc gây mê trên những bệnh nhân này cũng bị giới hạn.

Ở người bệnh bình thường (không mắc bệnh lý mạn tính), BS dễ dàng lựa chọn thuốc gây mê ít tác dụng phụ.

Với bệnh nhân mổ tắc ruột, viêm ruột thừa… (thường bị mất nước, ói mửa nhiều, tiêu chảy) dễ dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn, mạch co lại để cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng, nên BS sẽ không sử dụng các loại thuốc gây mê có tác dụng dãn mạch mà chỉ giới hạn trong các loại thuốc có tác dụng co mạch. Tuy nhiên, những loại thuốc này có tác dụng phụ nhiều hơn.

Hoặc ở những bệnh nhân bị sốc mất máu, sốc nhiễm trùng, sốc tim, BS thường dùng những loại thuốc gây mê liều cao; điều này đồng nghĩa với nguy cơ tác dụng phụ nhiều hơn. Dù đã có nhiều loại thuốc gây mê mới, hạn chế các tác dụng phụ, nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn các loại thuốc gây mê thế hệ cũ.

ThS.BS Phan Thị Minh Tâm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, BV Nhi Đồng 2 - chia sẻ: "Nếu những bệnh nhân có tiền căn dị ứng trứng gà, đậu phộng… thì BS sẽ tránh sử dụng các loại thuốc gây mê như người bệnh bình thường. Tuy nhiên, không phải ca nào BS cũng đánh giá được hết các nguy cơ xảy ra cho người bệnh".

Tử vong do sốc phản vệ


Đặc biệt, có những trường hợp người bệnh chưa từng bị dị ứng với thuốc, không mắc các bệnh nguy hiểm, nhưng vẫn xảy ra rủi ro khi thực hiện gây mê. ThS.BS Phan Thị Minh Tâm dẫn chứng, những bệnh nhân mắc các bệnh tiềm ẩn như bị sốt cao ác tính do gen, khi thực hiện gây mê thì bệnh này mới bùng phát và tử vong rất nhanh. Những trường hợp sốc phản vệ, rối loạn nhịp tim với thuốc gây mê dễ dẫn đến tử vong.

Biến chứng thường xảy ra ở giai đoạn bắt đầu gây mê, vài giờ đầu sau gây mê và lúc bệnh nhân chờ hồi tỉnh. Có những trường hợp, sau khi mổ bệnh nhân đã có vẻ tỉnh, nhưng cơ thể chưa thải hết thuốc mê ra ngoài, khiến bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng hôn mê trở lại và dẫn đến tử vong.

Ngoài tác dụng phụ của thuốc gây mê, người bệnh còn đối diện với tác dụng phụ của nhiều loại thuốc khác hỗ trợ trong quá trình gây mê như: thuốc vận mạch, thuốc co mạch, thuốc dãn mạch, thuốc tăng co bóp cơ tim…

Thiếu nhân lực

Tai biến trong quá trình gây mê còn do không đủ BS đảm bảo chuyên môn. Nếu BS gây mê không cho thuốc mê đủ liều lượng, nồng độ cũng khiến bệnh nhân "thức giấc giữa chừng" và tâm sinh lý bị xáo trộn. 

Những tình huống này rất nguy hiểm, người bệnh bị đau dẫn đến huyết áp tăng vọt, thiếu máu cơ tim, vỡ mạch máu… và tử vong. 

Ngược lại, nếu BS cho thuốc quá liều sẽ khiến tình trạng hôn mê sau mổ không hồi tỉnh, tử vong. Vì cơ chế của thuốc gây mê sâu là nhằm ức chế tim mạch, tuần hoàn cơ thể, mạch máu; do đó, nếu ức chế quá lâu thì tim mạch sẽ ngừng đập…

Để kiểm soát được mức độ mê do thuốc gây ra, một số bệnh viện đã trang bị máy đo độ mê nông hay sâu, nhưng vì đắt tiền nên rất ít bệnh viện trang bị.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh khẳng định: "Đội ngũ BS gây mê hiện nay đang thiếu và yếu". Nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM chỉ có cử nhân gây mê, điều dưỡng gây mê, một BS gây mê phải luân chuyển ba-bốn phòng mổ; nhiều trường hợp BS điều trị kiêm luôn khâu gây mê.

Ngay tại một bệnh viện hạng I, mỗi ngày tiếp nhận gần 3.000 bệnh nhân đến khám, nhưng chỉ có ba BS gây mê hồi sức. 3 BS này phải chia nhau làm việc suốt 24 giờ, "canh" cho 20 bệnh nhân đang thở máy, 35 bệnh nhân chờ tỉnh sau quá trình phẫu thuật gây mê.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh, ngành gây mê thiếu nhân lực vì BS gây mê buộc phải biết rành rẽ từng loại phẫu thuật khác nhau (học cắt phổi, ghép tạng, mổ bắt con, gây mê trẻ con, nội soi...), nhưng thu nhập thấp, không được khám bệnh ngoài giờ, lại không được xã hội quan tâm. 

Chưa kể, khi thực hiện gây mê cho người bệnh, BS gây mê cũng hít phải những thuốc mê độc hại. Trong khi đó, ở nước ngoài, lương của BS gây mê cao hơn BS sản khoa, nhi khoa, khoảng 500.000 USD/năm. Thực tế ở Việt Nam, nhiều BS gây mê ra trường đã phải chuyển sang chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, BS gây mê yếu chuyên môn là do hiện nay Việt Nam chỉ đào tạo BS gây mê tổng quát. Mặt khác, thời gian đào tạo BS gây mê nội trú của Việt Nam chỉ có ba năm, còn ở nước ngoài đến 5 năm. Với những BS gây mê muốn học chuyên sâu thì hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí của mỗi bệnh viện.

Thep Phụ nữ TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons