Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Thực phẩm chức năng: Bát nháo chất lượng, hỗn loạn giá cả

Ngay trong đầu tháng 6/2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội đã phát hiện Cty VQTech sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, thu hơn 20 tấn hàng giả. 
Trước đó, tháng1/2015, 10 tấn collagen, thực phẩm chức năng giả cũng bị bắt giữ tại Hà Nội. Riêng việc thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra về TPCN của Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Sở Y tế Hà Nội và TPHCM trong 6 tháng qua đã xử lý khoảng 156 DN, rút giấy phép hơn 20 DN, phạt tiền hơn 5 tỷ đồng.
Thách thức cơ quan chức năng
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho rằng, những mánh lới tinh vi của ngành công nghiệp thực phẩm chức năng giả đang là một thách thức lớn với các cơ quan chức năng.
thuc-phm-chuc-nang
Việt Nam là 1 trong 3 thị trường thức phẩm chức năng có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Thiếu tá Trần Tuấn Phương, PC46 Công an Hà Nội thẳng thắn cho biết, cách thức mà đối tượng sản xuất và tiêu thụ TPCN giả thường rất tinh vi. Các đối tượng thường lập Cty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. 
Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm này thì đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả vào và tung ra thị trường. 
Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu TPCN, các đối tượng nhập về đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ mạt nhưng khi ra sản phẩm thành phẩm bán ra thị trường thì lại được "phù phép" thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia hay một số nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng và bán với giá từ vài trăm tới hàng triệu đồng. 
Thậm chí qua các vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, các đối tượng đã đầu tư trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng.
Bịt lỗ hổng quản lý
Theo các báo cáo của Bộ Y tế và số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor từng đưa ra đánh giá: Việt Nam là 1 trong 3 thị trường TPCN có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
Tuy nhiên, số liệu từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy, từ năm 2014 đến nay đã cấp khoảng 1 vạn giấy phép sản phẩm TPCN, nhưng chỉ có 5 lô hàng vi phạm do lực lượng công an, hải quan, thị trường phát hiện!?
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, cơ quan quản lý mặc định điều kiện sản xuất TPCN như điều kiện sản xuất thực phẩm thường là không ổn. Đáng ra, điều kiện sản xuất TPCN phải cao hơn thực phẩm thường, tiệm cận thuốc. 
"Trong khi thuốc đông y, đông dược cũng có nguồn gốc dược liệu là chính thì bắt sản xuất theo dây chuyền GMP-WHO, còn TPCN cũng chủ yếu thành phần từ dược liệu thì lại bỏ ngỏ" - PGS Phong Lan trăn trở.
Theo quy định hiện hành, DN tự sản xuất TPCN, tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường. Đến khi dư luận lên tiếng nghi ngờ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm. 
Chính vì kẽ hở này mà theo một chủ DN TPCN thì có DN nhập khẩu về vài chục chai TPCN chính gốc ở Mỹ, sau đó tự tổ chức sản xuất làm giả, làm nhái ngay chính sản phẩm nhập khẩu đó để tung ra thị trường. Đến khi bị "sờ gáy" thì đem mấy sản phẩm chính gốc ra cho nhà chức trách kiểm nghiệm. Thế là xong!
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN. Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Truyền thì TPCN nói chung là hỗ trợ chữa bệnh, là tiệm cận với thuốc nên không thể uống bừa bãi, lung tung. 
Do đó tiến tới cần có quy chế bắt buộc phải kiểm nghiệm lâm sàng. "Nếu nói TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan thì phải kiểm nghiệm lâm sàng xem có tác dụng vậy không thì mới cấp phép cho bán ra thị trường"- ông Truyền kiến nghị.
Trong khi đó, TPCN hiện nay vẫn do Cục An toàn thực phẩm quản lý chính mà chưa phân cấp về các địa phương. Có chăng là khi cần thì Cục An toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan ban ngành. Do đó, công tác thanh tra, hậu kiểm vẫn nhiều bất cập.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons