Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Say nóng say nắng, dùng thuốc gì?

Say nắng say nóng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao.

Say nắng, say nóng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao. Rối loạn bệnh lý này thường xảy ra ở những người già yếu, trẻ em có sức chịu nóng kém, người mới ốm dậy, người lao động quá sức, người làm việc căng thẳng trong điều kiện nắng nóng gay gắt...

Trong say nắng say nóng có nhiều rối loạn khác nhau, nhưng đứng về mặt điều trị thì có ba rối loạn đáng lưu ý là: thân nhiệt tăng quá cao là do cơ thể bị nhận thêm nhiệt từ môi trường cộng với tình trạng tăng sản sinh nhiệt do lao động. 

Mặc dù cơ thể luôn có phản ứng điều hòa để làm mát cơ thể. Song do nhiều lý do khác nhau mà các cơ chế này hoặc thực hiện không hiệu quả hoặc quá khả năng không điều hòa kịp dẫn đến cơ thể bị tăng thân nhiệt. 

Thường ở những trường hợp bị nặng, thân nhiệt có thể lên đến trên 39oC như những trường hợp sốt cao thực thụ. Tình trạng mất quá nhiều muối và nước là rối loạn đáng lưu ý thứ hai. 

Đây là hậu quả của việc mất mồ hôi mà không được bù nước kịp thời. Và rối loạn thứ ba là nhiễm nội độc tố quá lớn. Tình trạng nhiễm nội độc tố dẫn đến suy đa phủ tạng chỉ xuất hiện từ ngày thứ 2 từ khi say nóng, say nắng mức độ nặng trở đi. Các nội độc tố này được cho là xuất hiện từ các rối loạn chuyển hóa, hấp thu.
Theo các rối loạn trên, thuốc có thể cải thiện tình hình bao gồm các thuốc dưới đây:
Thuốc hạ nhiệt: 
Thuốc đầu tiên nên dùng nhất đó là thuốc hạ thân nhiệt, ưu tiên dùng paracetamol. Thuốc này có tác dụng ức chế các prostaglandin là các chất gây tăng thân nhiệt điển hình và là các chất giải phóng mạnh dưới tác dụng của thân nhiệt tăng cao. Thân nhiệt tăng cao làm hủy hoại tế bào và làm tăng giải phóng các chất này. Ức chế thành công các prostaglandin chúng ta có thể hạ được thân nhiệt như mong muốn.
Để có hiệu quả, việc lựa chọn dạng thuốc dùng là rất quan trọng. Nếu như thân nhiệt của người bệnh chỉ từ 39-40oC thì chúng ta có thể dùng dạng viên sủi 1 viên 500mg liều duy nhất. Nhớ là phải hòa tan thuốc trong cốc nước rồi mới uống và uống ngay khi có dấu hiệu tăng thân nhiệt. Trong trường hợp này, bạn không cần uống thuốc sau ăn.
Nhưng nếu như thân nhiệt của bạn tăng trên 40oC thì bạn cần phải dùng dạng thuốc tiêm truyền để thuốc nhanh phát huy tác dụng. Efferalgan được bào chế hẳn dưới dạng truyền đóng trong chai pha chế sẵn. Có thể dùng trực tiếp dạng này ở người bệnh có thân nhiệt trên 40-410C thì mới có khả năng hạ nhiệt thành công và chỉ thực hiện việc tiêm truyền tại các cơ sở y tế.
Say nóng say nắng, dùng thuốc gì?
Các thuốc giãn cơ:
Mặc dù say nắng say nóng không làm tăng co thắt cơ nhưng việc dùng thuốc giãn cơ là cần thiết. Trong nỗ lực hạ thân nhiệt thì cơ chế làm giãn mạch là một cơ chế “vàng”. Mạch ngoại vi giãn ra, máu được chuyển từ trung tâm ra ngoại vi để thải nhiệt nên có hiệu ứng hạ thân nhiệt vô cùng lớn. 
Thuốc giãn cơ làm giảm trương lực cơ, giảm chèn ép mạch máu nên có thể góp phần hạ nhiệt ở một mức độ nhất định. Chúng ta chỉ cần dùng thuốc giãn cơ với liều duy nhất là ổn. Thuốc hay được dùng là dantrolen.
Dung dịch bù nước điện giải: 
Đây là dung dịch muối, đường. Uống dung dịch này rất có ý nghĩa, vừa cung cấp nước cho cơ thể tránh bị mất nước do ra quá nhiều mồ hôi lại vừa cung cấp điện giải - vốn là một chất đang bị rối loạn nghiêm trọng dưới tiết trời nắng nóng gay gắt. 
Dung dịch tốt nhất có thể dùng là oresol vẫn được dùng để trị tiêu chảy. Một gói pha với 1 lít nước và cho người bệnh uống từ từ. Chừng 15 phút lại cho uống khoảng 100ml (một ngụm to). 
Sau đó người bệnh sẽ tỉnh dần. Nếu không đi mua kịp thì bạn có thể tự pha chế với công thức đường: muối là 5:1. Làm sao cho đủ 18g (15g đường, 3g muối) rồi pha trong 1 lít nước là thành công. Nhớ là chỉ uống nước nguội hoặc nước mát, không uống nước lạnh. Trường hợp thân nhiệt tăng cao trên 390C, chúng ta phải xem xét tới khả năng truyền dịch điện giải để bù nước nhanh và làm mát nhanh.
Thuốc corticoid: 
Thuốc corticoid không được phép tự sử dụng trong các trường hợp này mà chỉ được phép dùng tại các tuyến bệnh viện và có bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ hồi sức cấp cứu. Thuốc có tác dụng ức chế và giảm bớt tác dụng gây viêm đa phủ tạng của các nội độc tố nhằm giải thoát cho trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Việc dùng thuốc phải hết sức cân nhắc và chỉ dùng ở những bệnh nhân nặng (bị đột qụy do nóng).
Ngoài các thuốc trên, một số thuốc khác có thể có tác dụng như dopamin, noradrenalin, adrenalin… Đây là các thuốc dùng trong hồi sức tích cực và chỉ được sử dụng do bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu những trường hợp đe dọa là trụy tuần hoàn.
Ngoài việc dùng thuốc thì cấp cứu làm mát cho bệnh nhân say nóng say nắng là quan trọng nhất. Người ta thấy nếu như chúng ta cấp cứu nhanh và hạ thân nhiệt cấp tốc trong vòng 30 phút đầu tiên thì khả năng cứu sống bệnh nhân là rất cao. Nhưng nếu như chúng ta chậm trễ thì có dùng thuốc cực mạnh, khả năng cứu nạn là rất mong manh.
Các biện pháp cấp cứu làm mát cấp tốc là: đưa vào chỗ râm mát, thoáng gió, cởi bỏ quần áo, tránh tụ tập đông người, lau nước mát vào mặt, chườm nước đá vào nách, bẹn, bật quạt liên tục. Tuyệt đối không cho uống chè đường, cà phê hay bất cứ chất kích thích nào khác. Vì nếu bệnh nhân hôn mê thì sẽ rất nguy hiểm còn nếu bệnh nhân tỉnh thì chỉ càng làm cho chuyển hóa sinh nhiệt tăng lên mà thôi.
Theo BS lê Thanh Huyền - Sức khỏe và Đời sống

Uống thuốc cũng phải học

Không phải chỉ cho vào miệng rồi nuốt, để thuốc có tác dụng, bạn cần đảm bảo nhiều điều hơn thế.

Thức uống thích hợp nhất để uống thuốc là nước lọc.
Thức uống thích hợp nhất để uống thuốc là nước lọc
Đi khám bệnh về, chị Nguyễn Thu H. 45 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM vào giường nằm nghỉ. Chị uống thuốc vừa được bác sĩ kê với một ngụm nước nhỏ trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Uống thuốc xong, chị yên tâm nằm ngủ. Những lần sau chị cũng uống như thế. Được mấy ngày chị thấy họng mình như có gai đâm, đau hơn cả lúc chưa đi khám bệnh.
Đồng thời, chị có cảm giác đau rát âm ỉ liên tục ở vùng ngực sau xương ức và vùng bụng trên rốn, đặc biệt là khi ăn uống. Chị lại phải đến bệnh viện để nội soi tiêu hóa. Tại đây, bác sĩ phát hiện có một vết loét đường kính 15mm ở thực quản (đoạn ống tiêu hóa nối từ họng đến dạ dày).
Nguyên nhân do chị H. uống thuốc với quá ít nước lại uống với tư thế không đúng, thuốc không trôi được xuống dạ dày mà đọng lại ở thực quản, hoạt chất bám vào thực quản gây kích ứng.
Loét thực quản vì uống thuốc sai
Trao đổi với phóng viên, BS Trần Ngọc Lưu Phương, BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM cho biết, nhiều bệnh nhân khi uống thuốc nhưng uống ít nước, thậm chí không cần nước; hoặc uống thuốc ở tư thế nằm hoặc nằm ngay sau khi uống thuốc, thuốc có thể chưa xuống đến dạ dày và lưu lại ở thực quản.
Vị trí thường bị tổn thương nhất là đoạn 1/3 giữa thực quản, đây là nơi hẹp nhất của thực quản. Nếu uống thuốc không đủ nước hoặc uống ở tư thế nằm sẽ làm cho các viên thuốc có vỏ mềm, nhất là các viên thuốc được bào chế dưới dạng viên nang (con nhộng), dễ bám dính trên thành thực quản.
Một số thuốc khi tan sẽ tạo ra các hợp chất có tính kiềm hoặc acid làm tổn thương trực tiếp và bỏng thành thực quản, có thể tạo ra ổ loét lớn với đường kính lên đến 30mm hoặc đồng thời nhiều ổ loét.
BS Phương cho biết thêm, nhiều người bệnh kể lại rằng do không biết tác hại của vấn đề này nên có khi nuốt nguyên cả viên thuốc mà không kèm nước. Loét thực quản do thuốc hay gặp ở người cao tuổi. 
Do đặc điểm sinh lý theo tuổi thì chức năng co bóp nhu động của thực quản để đẩy thuốc xuống dạ dày của người già thường kém hơn so với người trẻ. Bệnh cũng gặp ở nữ nhiều hơn nam giới do các thuốc dễ gây loét thực quản thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý da liễu và phụ khoa.
Học cách uống thuốc
Tư thế thích hợp nhất: Là uống thuốc ở tư thế ngồi hoặc đứng, sau khi uống khoảng 15-30 phút mới nằm xuống.
Đồ uống thích hợp là nước lọc
Nước là đồ uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hoà tan thuốc.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Khoa dược Đại học Y dược TPHCM phân tích: Việc uống thuốc không đúng cách có thể dẫn đến tương tác thuốc làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc và có thể gây ngộ độc. Nước làm thuốc dễ dàng trôi từ thực quản xuống dạ dày, tránh sự đọng viên thuốc hoặc hoạt chất trên thành thực quản.
Điều này đặc biệt quan trọng với người già vì ở đối tượng này lượng dịch tiết ít và thành thực quản khô nên khó dẫn thuốc. 
Nước không những làm tăng độ hoà tan, giúp cho thuốc khuếch tán đến khắp bề mặt ống tiêu hóa mà còn tạo điều kiện cho sự hấp thu tốt hơn vào máu, hiệu quả điều trị của thuốc được kịp thời. Lượng nước nhiều sẽ giúp thuốc bài xuất nhanh qua thận và do đó giảm được độc tính của nhiều loại thuốc.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức khuyên, lượng nước cần để uống thuốc phải từ 100-200ml. Tuy nhiên, ngoại lệ có một số loại thuốc chỉ cần dùng một lượng nước nhỏ chừng 30-50ml như kavet hoặc các thuốc dạng gói bột chữa viêm loét dạ dày theo cơ chế giảm toan (antacid), do cần tạo một lượng bột sánh giữ lâu trong dạ dày để tăng tác dụng trung hòa axit.
Những loại nước không nên dùng
Không nên uống thuốc với các loại nước như nước hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có ga vì các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu thuốc quá nhanh.
Không dùng sữa để uống thuốc vì i-on canxi trong sữa có thể tạo phức với nhiều loại thuốc, ví dụ tetracyclin nếu uống cùng với sữa sẽ bị cản trở hấp thu. 
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thuốc nên uống chung với sữa như dùng thuốc gây bào bọt dạ dày (Aspirin), hay dễ nôn ói (thuốc ngừa thai phải uống hàng ngày), hay cần chất béo để thuốc dễ hấp thu (vitamin A, vitamin D).
Không dùng nước chè, cà phê uống thuốc. Chất tanin trong nước chè có thể gây kết tủa nhiều loại thuốc chứa sắt hoặc alcaloid hay caffein có trong cà phê có thể làm tăng độ hòa tan của một số thuốc như Ergotamin nhưng lại cản trở hấp thu các loại thuốc liệt thần.
Không phải thuốc nào cũng bẻ nhỏ
Một số thuốc có tác dụng dài như thuốc tiểu đường, nếu bạn nhai, hoặc bẻ nhỏ sẽ tăng nguy cơ quá liều ngay lúc uống và làm giảm tác dụng ở thời điểm cuối ngày.
Một số thuốc bao tan trong ruột, nếu bạn bẻ nhỏ hay nhai thì sẽ khiến chúng kích thích niêm mạc dạ dày gây loét dạ dày. Bởi vậy khi gặp các thuốc có các ký hiệu Adalate LP, Procan SR, Adalat LA trong tên thuốc, hay thuốc được bao phim thì đừng bẻ mà uống cả viên. Nếu không chắc chắn, bạn nên hỏi dược sĩ.
Theo Hồng Duyên - Sức khỏe gia đình

Aspirin kéo giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung

Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại Viện Ung thư Roswell Park ở New York nêu khả năng dùng aspirin thường xuyên và lâu dài có thể kéo giảm đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Trong khảo sát được công bố trên tờ Journal of Lower Genital Tract Disease, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của 26.831 bệnh nhân đến khám bệnh tại Viện Ung thư Roswell Park , trong số này có 328 bệnh nhân ung thư cổ tử cung. Tất cả số người nói trên được yêu cầu cung cấp thông tin về thời gian và tần suất dùng aspirin và/hoặc acetaminophen trong khoảng 16 năm.
Dùng aspirin thường xuyên và lâu dài giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung Ảnh: Forbes
Dùng aspirin thường xuyên và lâu dài giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung Ảnh: Forbes
Các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung giảm trong khoảng từ 41% đến 47% - tỉ lệ giảm cao nhất thuộc về nhóm người dùng aspririn 7 lần hoặc hơn mỗi tuần trong thời gian 5 năm hoặc hơn. Họ nhận thấy việc sử dụng acetaminophen không kéo giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Kirsten Moysich, khuyến cáo: "Sử dụng aspirin vẫn là lựa chọn phòng ung thư hấp dẫn bởi nhiều người thích uống thuốc phòng ngừa hơn là thay đổi thói quen như bỏ hút thuốc lá, theo chế độ ăn lành mạnh hoặc luyện tập thể dục tích cực".
The

Trị mụn: Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

Để tránh hậu quả đáng tiếc do dùng sai thuốc trị mụn, tốt nhất bạn nên đến bác sĩ để được hướng dẫn chữa trị trong trường hợp bị mụn nhiều.

Mụn trứng cá là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa, chất bã nhờn ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Khi nhân mụn thành hình, thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes ở lỗ chân lông, gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ.
Có thể giảm mụn mà không cần thuốc
Đa số các thanh niên đến tuổi hoặc vừa qua tuổi dậy thì đều nổi mụn trứng cá ở mặt. Nổi mụn ở tuổi dậy thì được xem là hiện tượng tự nhiên do sự phát triển mạnh các nội tiết tố sinh dục trong cơ thể và hiện tượng này có thể kéo dài một thời gian nữa. 
Các bạn trẻ không nên quá lo lắng để rồi dùng quá nhiều loại kem gọi là trị mụn (dùng loại không thích hợp có thể bị mụn nhiều hơn) hoặc dùng loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mân mê mụn quá nhiều đưa đến nhiễm trùng sẽ để lại sẹo xấu.
Các bạn trẻ không nên quá lo lắng để rồi dùng quá nhiều loại kem trị mụn Ảnh: Hoàng Triều
Các bạn trẻ không nên quá lo lắng để rồi dùng quá nhiều loại kem trị mụn Ảnh: Hoàng Triều
Có thể làm giảm nổi mụn bằng cách:
- Ăn uống điều độ (nên ăn nhiều rau quả để tăng cường chất bổ dưỡng và tránh táo bón).
- Không lạm dụng những gia vị cay nóng hoặc thức uống kích thích như cà phê, trà...
- Tránh lo lắng phiền muộn (lạc quan thoải mái trong cuộc sống có thể giúp cải thiện rối loạn kể cả chuyện nổi mụn).
- Rửa mặt hằng ngày khoảng 4-5 lần với nước thường hoặc nước pha muối (pha 1 hoặc 2 muỗng cà phê muối ăn vào 1 lít nước), lưu ý tránh sử dụng xà bông không thích hợp với da mặt làm mụn nổi nhiều hơn.
- Luôn đội mũ khi ra nắng.
Khi nào nên dùng thuốc trị mụn?
Nếu thấy nổi mụn nhiều, đặc biệt có dấu hiệu viêm nhiễm, có thể tự mua và dùng loại thuốc bôi cho tác dụng tại chỗ như thuốc bôi ngoài da chứa benzoyl peroxyd hoặc thuốc bôi chứa kháng sinh như erythromycin hoặc clindamycin. 
Các thuốc bôi loại này có tác dụng làm tiêu nhân mụn và diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm ở mụn. Khi dùng loại thuốc trị mụn bôi ngoài da, nên bôi thử trên một vùng da nhỏ, mỏng ở mặt trước cẳng tay rồi để yên trong 6-8 giờ, nếu không thấy phản ứng gì đặc biệt mới bôi lên mặt (chỉ bôi chỗ mụn).
Nếu tình trạng mụn nặng, có thể bôi một số thuốc trị mụn khác nhưng các thuốc loại này cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định và hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt, nếu có nhiễm khuẩn nặng (mụn bọc có mủ), bác sĩ phải cho dùng thêm thuốc uống là kháng sinh và phải uống trong thời gian dài, có khi nhiều tháng. Đối với các bạn nữ trẻ chưa lập gia đình mà bị nổi mụn, bác sĩ có thể cho dùng thuốc là nội tiết tố (hormon), đặc biệt là thuốc tránh thai.
Vì sao phải dùng thuốc hormon?
Không chỉ ở các em nam khi đến tuổi dậy thì, cơ quan sinh dục phát triển, bài tiết hormon sinh dục nam là testosteron làm tuyến bã ở da mặt hoạt động quá đáng đưa đến nổi mụn mà trong cơ thể người nữ vẫn có testosteron tuy rất ít, vì thế ở người nữ vẫn có thể bị nổi mụn. 
Đối với người trưởng thành, thậm chí ở tuổi trung niên, vẫn có thể bị mụn do không có sự cân bằng các hormon sinh dục, hormon sinh dục nam hoạt động quá đáng. Trong điều trị mụn có khi phải dùng thuốc hormon sinh dục nữ và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có trường hợp bác sĩ chỉ định dùng thuốc tránh thai cho phụ nữ (tuyệt đối không dùng cho nam giới). 
Bởi lẽ thuốc tránh thai chính là thuốc chứa hormon sinh dục nữ (như thuốc tránh thai phối hợp thông dụng chứa cả estrogen và progesteron là 2 hormon sinh dục nữ) để đối kháng với hormon sinh dục nam.
Isotretinoin: Dùng sai rất nguy hiểm!
Trường hợp bị trứng cá nặng mà các thuốc dùng đã nêu không hiệu quả, bác sĩ có thể cho dùng thuốc isotretinoin (biệt dược nổi tiếng trước đây là Roaccutane). Đây là thuốc nếu dùng sai thì rất nguy hiểm vì có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt có thể gây quái thai. Khi bác sĩ quyết định dùng isotretinoin trị mụn cho người nữ trong tuổi còn sinh nở bắt buộc phải có bản thỏa thuận điều trị và chữ ký của người được điều trị. 
Trong đó, người được điều trị cam kết là đã biết rõ thuốc này có thể gây quái thai. Thậm chí ở các nước phương Tây, bác sĩ phải cho thuốc tránh thai kèm theo thuốc isotretinoin để bảo đảm người nữ không có thai trong suốt thời gian trị mụn. Người nữ đang dùng thuốc isotretinoin nếu muốn có thai phải ngưng dùng isotretinoin 1 tháng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Sức khỏe và Đời sống

Uống vitamin quá liều làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim

Một nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm đã cho kết quả: uống vitamin quá liều làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim.

Hầu hết mọi người khi bổ sung các loại vitamin đều tin rằng chúng sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy nếu uống vitamin quá liều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
TS Tim Byers, thuộc trung tâm Ung thư của trường Đại học Colorado cho biết: “Các bằng chứng cho thấy những người dùng quá liều các loại vitamin có nguy cơ bị ung thư cao hơn”.
Cách đây hai thập kỷ, có nghiên cứu cho biết những người ăn nhiều rau xanh và hoa quả  thường có ít khả năng bị ung thư hơn. Vì vậy Tiến sĩ Bryers đã bắt đầu nghiên cứu xem liệu rằng uống quá nhiều vitamin và khoáng chất có làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh hay không.
Ông nói: “Khi chúng tôi bắt đầu thử nghiệm mô hình bổ sung thực phẩm chức năng (dietary supplement) trên động vật đã cho kết quả đầy hứa hẹn. Vì thế, chúng tôi đã chuyển qua thử nghiệm trên người. 
Nghiên cứu được thực hiện trong suốt 10 năm trên hàng ngàn bệnh nhân đang dùng thực phẩm chức năng. Chúng tôi thấy rằng, những viên thuốc bổ sung đó thực sự không giúp ích gì cho sức khỏe của họ. Thực tế, một số người còn bị ung thư nhiều hơn trong khi đang uống vitamin”.
uong-vitamin-qua-lieu-lam-tang-nguy-co-mac-benh-ung-thu-va-benh-timUống quá nhiều vitamin làm tăng khả năng nhiễm các bệnh về tim và ung thư
Một thử nghiệm trong việc khám phá những ảnh hưởng của việc bổ sung beta-keratin (chất sừng) cho thấy uống quá liều sẽ làm tăng 20% nguy cơ bị cả ung thư phổi và bệnh tim.
Ở một thử nghiệm khác cho thấy axit folic, vốn được coi là có tác dụng làm giảm những khối u bướu nhỏ trong ruột già, thực tế lại cho kết quả ngược lại.
TS Bryers nói: “Nghiên cứu này không phải để “đe dọa” mọi người về việc bổ sung vitamin hay khoáng chất. Nếu uống đúng liều, vitamin tổng hợp rất tốt cho bạn. Nhưng nên nhớ không có một sự thay thế nào tốt hơn là những thực phẩm dinh dưỡng. Ăn uống đủ dưỡng chất hàng ngày là cách để có được vitamin và khoáng chất tốt nhất”.
uong-vitamin-qua-lieu-lam-tang-nguy-co-mac-benh-ung-thu-va-benh-timCách bổ sung vitamin và khoáng chất tốt nhất là ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày
Cuối cùng, ông kết luận: “Chúng tôi khám phá ra rằng uống thêm vitamin và khoáng chất có hại nhiều hơn là có lợi”. Kết quả của nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội nghiên cứu ung thư Mỹ (American Association for Cancer Research Annual Meeting).
Theo Thanh Giang - Afamily/ Trí thức trẻ

Chối bỏ kháng sinh

Lạm dụng kháng sinh dẫn tới nguy cơ kháng thuốc, khi mắc bệnh sẽ khó điều trị và tốn kém, không ít bà mẹ quay sang “chia tay” với kháng sinh để bé tự “chiến đấu” với bệnh tật.


"Trường phái" không kháng sinh
Trường phái này xuất phát từ quan điểm: uống thuốc, dù đúng liều, đúng bệnh cũng không tốt; "can thiệp" sớm bằng thuốc là tước mất "công ăn việc làm" của hệ miễn dịch; chưa so tài cao thấp với các loại vi trùng gây bệnh đã có "tiếp viện" là kháng sinh thì cơ thể sẽ yếu ớt, dễ nhiễm bệnh. Đáng sợ hơn cả là tác dụng phụ của thuốc. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ khiến phần lớn phụ huynh ngần ngại khi cho con uống thuốc.
Chẳng hạn, kháng sinh sẽ gây tai biến cho cơ thể như: dị ứng, nhiễm độc các cơ quan, tiêu chảy. Tác hại thứ hai nghiêm trọng hơn là nếu sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, sẽ gây hiện tượng vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Thực tế cho thấy, có nhiều thuốc kháng sinh hiệu quả trong điều trị trước kia nay đã bị nhiều loại vi khuẩn "lờn mặt", uống vào cũng như không. Vì vậy, khi nhiễm bệnh, phải mua thuốc kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền hơn mới hết bệnh.
Do đó, không ít phụ huynh ngại cho con dùng kháng sinh. Thậm chí có người tự quyết định không dùng để tạo cơ hội cho hệ miễn dịch "đánh đông dẹp bắc"… Tuy nhiên, khi không dùng kháng sinh, không ít phụ huynh đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, dưới dây là những trường hợp từ thực tế:
Một cô con dâu bị mẹ chồng mắng vì không dùng kháng sinh tâm sự: "Khi con bệnh, tôi cho cháu đến một bác sĩ (BS) có uy tín và được tiếng là không lạm dụng kháng sinh. Bé bị ho, đi khám BS chỉ chẩn đoán viêm mũi, họng rồi cho nước biển về xịt và uống thuốc ho. Kết quả là gần một tháng cháu không khỏi. Khi tái khám, BS kiểm tra họng và tai rồi cho biết: vẫn bình thường. 
Thấy bé không ổn, hay rên la và ho nhiều, tôi đưa bé đi khám BS khác thì hóa ra con đã bị viêm tai giữa mất rồi. Trước đây tôi luôn ủng hộ trường phái hạn chế dùng kháng sinh, để cơ thể tự đề kháng, bây giờ thì tôi không biết làm sao, cái nào đúng, cái nào sai? Đã thế, tôi còn bị mẹ chồng mắng cho một trận là hành con, để con ốm tới ốm lui, người như dải khoai!".
Một người mẹ khác kể: "Con trai tôi ho từ tuần trước, bình thường cứ ho là ông bà bắt uống kháng sinh. Nhưng lần này tôi kiên trì làm theo hướng dẫn của bạn bè: ngâm chân bé vào nước ấm, giữ ấm cổ, rửa mũi bằng nước muối... Không hiểu tôi có làm sai công đoạn nào không mà sang ngày thứ năm bé ho dữ dội. Ông bà ngoại xót cháu, mắng cho tôi một trận. Cuối cùng, tôi đành im lặng đưa con đi BS và bắt đầu cho cháu uống kháng sinh, mặc dù thật lòng không muốn".
Cũng có người coi việc cho trẻ uống nhiều kháng sinh là chuyện chẳng đặng đừng. "Con tôi cứ húng hắng ho, uống siro hôm nay thì mai phổi đã "ran rít, cọt kẹt" mặc dù không sổ mũi, không sốt. Lần nào bệnh cháu cũng phải uống Klacid, Cefimex... Tôi cũng chịu khó xịt rửa mũi cho con hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm bàn chân, lau mồ hôi lúc con ngủ nhưng lần nào giữ lâu thì năm tháng cháu phải uống kháng sinh một lần, có khi chỉ sau hai tháng lại uống. Khổ ghê!".
"Trường phái" lạm dụng và tùy tiện ?
Theo BS Cao Xuân Minh - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (TP.HCM) thì các nước trên thế giới quản lý kháng sinh rất chặt chẽ, các nhà thuốc chỉ bán khi có toa BS. Ở nước ta ngược lại, các nhà thuốc bán đủ loại kháng sinh mà không cần hỏi giấy BS. Sai lầm lớn nhất mà đa phần mắc phải là ra nhà thuốc kể bệnh và dùng thuốc của nhân viên bán hàng. Việc sử dụng thuốc này dẫn đến hàng loạt sai lầm sau:
- Bệnh cảm, cúm, nhiễm virus thông thường chưa cần dùng kháng sinh đã dùng. Đây là cách mà chúng ta "tập trận" cho vi khuẩn bình thường, đến khi chúng đủ "binh mã" gây bệnh thì thuốc đã lờn, uống vào cũng không tác dụng. Hiện đã có những bệnh ngoài cộng đồng khi vào bệnh viện đã đa kháng thuốc, ví dụ như bệnh viêm phổi cộng đồng. Thậm chí có những bệnh không đáp ứng điều trị. Dùng không đúng loại kháng sinh, không đúng liều, không đúng thời gian cũng dẫn đến lờn thuốc.
- Cũng có trường hợp tuy đưa con đi BS điều trị bệnh nhưng mắc sai lầm trong sử dụng thuốc theo toa. Cụ thể, khi thấy bé hết bệnh, phụ huynh thường tự ý ngưng không cho con dùng cho đến hết toa, phần vì ngại con uống nhiều thuốc quá hại gan thận, phần tiết kiệm chi phí. Song, đây là sai lầm cần tránh vì thuốc dùng không đủ liều sẽ gây lờn thuốc. Như vậy, bản thân kháng sinh không có "tội", mà chỉ trở nên nguy hiểm khi bị dùng sai, lạm dụng.
- Khi con ốm, cần theo dõi kỹ bệnh tình. Trợ thủ tốt nhất cho các BS nhi khoa là các bậc cha mẹ. BS chỉ khám bệnh căn cứ vào triệu chứng và lời khai bệnh, nhưng đa số các bé không biết nói hoặc biết cũng không nói được những gì bé đang cảm nhận. Vì thế, cha mẹ cần để ý triệu chứng của bé để cung cấp thông tin giúp BS chẩn bệnh.
Dùng sao cho đúng?
Kháng sinh ra đời đã cứu hàng tỷ sinh mệnh. Do đó điều cần làm không phải là cự tuyệt hay hạn chế hoặc lạm dụng, mà là dùng thế nào cho đúng? Theo BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khối Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TPHCM, BS chỉ cho kháng sinh khi có ổ nhiễm trùng. 
Khi BS chẩn đoán sốt siêu vi thường sẽ không kê đơn thuốc có kháng sinh. Nhưng có không ít trường hợp khởi đầu là nhiễm siêu vi, nhưng khi đề kháng của bé giảm trong quá trình bị bệnh lại không được chăm sóc kỹ lưỡng, cộng thêm thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nên bị bội nhiễm trên nền nhiễm siêu vi, buộc phải điều trị kháng sinh.
Ngoài sốt siêu vi thông thường, có nhiều loại siêu vi gây bệnh trầm trọng có thể tử vong nếu không phát hiện kịp thời như: sốt xuất huyết, viêm não, tay-chân-miệng…
Vì vậy, cần theo dõi bé thật kỹ. Nếu bé sốt, cho uống thuốc hạ sốt. Nếu nhiệt độ hạ, bé tươi tỉnh, vui chơi ăn uống bình thường, khỏe dần thì tốt; nhưng nếu uống thuốc hạ sốt mà không hạ, bé vẫn li bì, ói mửa, bỏ ăn, bỏ bú, bỏ chơi thì dù bệnh ngày đầu tiên cũng cần đi đến BS chuyên khoa. Ngay cả trường hợp bệnh đường tiêu hóa, sau khi cho uống bù nước mà thấy bé sốt cao lừ đừ thì cần đi cấp cứu vì có những con vi trùng độc lực mạnh, gây nhiễm trùng máu, dẫn đến tử vong
Một số loại thuốc các mẹ cho con uống được như: thuốc bổ, nước muối sinh lý nhỏ mắt nhỏ mũi, thuốc hạ sốt theo cân nặng… nhưng với kháng sinh thì bắt buộc phải có chỉ định của BS, đặc biệt là BS chuyên khoa. Ngay cả việc dùng kháng sinh cũng có quy luật, mỗi nhóm vi khuẩn có kháng sinh điều trị riêng. Khi dùng thuốc không giảm, BS sẽ đổi kháng sinh. Phụ huynh cho bé dùng kháng sinh thì cần dùng đúng theo chỉ định của BS về thời gian, tối thiểu từ năm-bảy ngày.
Rèn kháng thể cho bé
Việc rèn kháng thể cho bé cần thực hiện từ khi bé khỏe mới có tác dụng giữ gìn sức khỏe, chống lại bệnh tật khi dịch bệnh bùng phát.
- Cho bé bú sữa mẹ trong năm đầu đời. Đây là nguồn kháng thể cho con mà không một ai có thể tặng cho bé ngoài mẹ. Tận dụng sữa mẹ ngay từ những giọt đầu tiên sau khi bé chào đời.
- Thức ăn nấu xong, để ấm cho bé dùng ngay, không dùng thức ăn hâm đi hâm lại hoặc mua ở hàng quán vì dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, làm kiệt quệ sức đề kháng và sự phát triển của bé. Cho bé dùng thêm sữa chua, giúp bé tiêu hóa tốt.
- Tập cho con những thói quen tốt như ngủ đúng giờ, không thức khuya, vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Các bé sơ sinh cần được mẹ rơ lưỡi. Khi bé lớn thì tập cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý để tiệt trùng vùng hầu họng.
- Tập thể dục cho bé. Với bé sơ sinh là những bài tập nằm trên giường vươn vai, nắn chân. Bé lớn hơn thì gọi dậy sớm để cùng mẹ nghe nhạc và làm vài động tác lắc lư. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con đến nơi thoáng mát để chạy nhảy, vui chơi…
Cuối cùng là tập cho bé thói quen rửa tay sau khi cầm, nắm bất cứ thứ gì, đặc biệt là ôm ấp thú cưng, sờ tay vịn cầu thang nơi công cộng… Thói quen vệ sinh này sẽ ngăn ngừa cho bé rất nhiều bệnh nguy hiểm.
Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM

Những loại thuốc giảm đau nguy hiểm với phụ nữ

Thuốc giảm đau, trị cảm cúm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng cho các bộ phận cơ thể, thậm chí gây sảy thai. Vì vậy, chị em cần lưu ý khi sử dụng.

Meftal Spa 
Meftal spa là loại thuốc giảm đau, điều trị chứng đau cơ, khớp, răng, đau bụng kinh, đau nửa đầu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bênh nhân có thể bị sốc thuốc nếu dùng loại thuốc này  thường xuyên và với số lượng lớn. Ngoài ra, Meftal Spa có thể gây u nang buồng trứng dễ dấn đến ung thư hoặc vô sinh. 

Nimesilide 

Nimesilide là thuốc giảm đâu chỉ định cho các trường hợp đau cấp tính như gãy xương, viêm khớp mãn tính, chấn thương, bệnh lý tai - mũi - họng. Các chuyên gia cảnh báo, người sử dụng thuốc Nimesilide trong thời gian dài có thể mắc các bệnh về thận.
Paracetamol 
Paracetamol là loại thuốc quen thuộc chủ trị chứng đau đầu nhẹ. Tuy nhiên, nó cũng là "lưỡi hái tử thần" với bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc dùng quá liều, không đúng chỉ định. Ngoài ra, các bác sĩ cảnh báo, loại thuốc này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan.
Alprazolam
Thuốc Alprazolam có tác dụng ngắn chống lo âu, chống trầm cảm. Các bác sĩ thường kê đơn loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân mắc chứng trạng lo âu, hoảng sợ. Alprazolam tan trong lipid do đó nó dễ dàng tác động đến vào hệ thần kinh trung ương.
Những người thường xuyên uống thuốc Alprazolam có thể gây rối loạn rụng trứng ở phụ nữ. Các chuyên gia y khoa khuyên bạn nên sử dụng các biện pháp thư giãn tinh thần tự nhiên như nghỉ ngơi, giải trí hay ăn một miếng chocolate thay vì dùng thuốc.
Dart Tablets 
Loại thuốc giảm đau đầu, đau cơ thể này có thể có tác dụng ngược đối với bệnh nhân. Mặc dù cơ quan chức năng đã cấm lưu hành nhưng thuốc Dart Tablets vẫn khá phổ biến. Loại thuốc này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Nó có thể dẫn đến sảy thai, chết lưu nếu sử dụng không đúng cách.
Fina Steroid
Fina Steroid có tác dụng tăng cường cơ bắp và kích thích thèm ăn. Những người tập thể hình thường sử dụng loại thuốc này để tăng hiệu quả tập luyện. Tuy nhiên, nó rất độc đối với phụ nữ mang thai. Fine Steroid có thể gây sảy thai và nhiễm độc thận. Loại thuốc này đặc biệt nguy hiểm cho cơ thể phụ nữ trong thời gian mang bầu.
Viên nén vitamin A 
Bác sĩ chỉ định vitamin A cho các trường hợp ra nhiều máu trong thời kỳ kinh nguyệt, nhiễm trùng âm đạo, nấm và hội chứng tiền kinh nguyệt PMS. Phụ nữ thường xuyên sử dụng viên nén vitamin liều cao có thể mắc chứng mệt mỏi, chán ăn, khó chịu trong dạ dày. Nhiều trường hợp có thể bị sảy thai.
Viên nén vitamin C
Vitamin C là loại thuốc chống oxy hóa phổ biến giúp con người duy trì độ cứng của xương, mạch máu và các cơ. Nhiều người thường sử dụng vitamin C khi chữa bệnh cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, phụ nữ có thai nên rất cẩn trọng khi dùng thuốc này liều cao vì có khả năng gây sảy thai.

Dùng thuốc giảm đau đúng cách

Có tới 35% bệnh nhân dùng thuốc giảm đau lâu ngày bị mắc các bệnh về tâm thần và có nguy cơ gây nghiện thuốc.

Uống thuốc giảm đau theo đơn
Việc bác sĩ kê đơn sử dụng loại thuốc giảm đau phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ bị đau của mỗi người và tùy theo độ tuổi. Chính vì vậy, không thể dùng đơn thuốc giảm đau của người này dành cho người khác.
Người Việt ta thường có thói quen mỗi khi bị đau xương khớp là ngay lập tức ra hiệu thuộc tự ý mua thuốc giảm đau về uống không cần có đơn thuốc của bác sĩ.
Chính từ việc uống thuốc bừa bãi không theo đơn này khiến cho nhiều người bị nhờn thuốc hoặc gây ra những tác dụng phụ không đáng có như: táo bón, béo phì, rụng tóc, loạn kinh, loét dạ dày…
Bạn có thể tham khảo cách dùng thuốc giảm đau xương khớp sau:
Đau nhẹ: Dùng một trong các thuốc giảm đau thông dụng nhất là Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen... việc chọn lựa tùy theo sự nhạy cảm của từng người, những chống chỉ định và sự tương tác của chúng với những thuốc cũng khác nhau.
Đau vừa: Phối hợp thuốc codein, oxycodon với Paracetamol, thuốc giảm đau, chống viêm hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ. Có thể dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn như codein hoặc dextropropoxyphen. 
Ngoài ra có thể dùng một số loại cao nấu từ xương các động vật quý như: cao gấu, cao hổ, cao khi, mật gấu để xoa bóp vùng bị nhức mỏi, viêm khớp rất hiệu quả. Tuy nhiên, chú ý không bôi vào vùng vết thương hở.
Đau nặng: Dùng thuốc giảm đau loại mạnh: Morphin, Hydromorphon, Methadon... phối hợp với thuốc chống viêm không chứa chất steroid như Asprin, Indometacin. Thường gặp trong các trường hợp bị chấn thương xương khớp nặng... 
Nhưng chú ý, dùng những loại nàu dễ gây ra hiện tượng quen thuốc, nghiện thuốc, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian quy định.
Chú ý sự tương tác của thuốc
Theo các chuyên gia thì có khá nhiều loại thuốc có thể gây nên hiện tượng tương tác thuốc với loại thuốc giảm đau và ngược lại. Ví dụ như thuốc Aspirin có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát huy tác dụng của thuốc đái tháo đường.
Hoặc bạn không nên ăn một số thức ăn như: tôm cua, uống sữa, nước trà, cà phê ngay sau khi vừa uống thuốc. Điều này, sẽ làm giảm tác dụng của thuốc đối với bệnh, nhiều chất còn gây tác dụng ngược với thuốc sẽ làm cho bạn khó chịu, đầy bụng, thậm chí ngộ độc thuốc.
Nhiều người thường do sợ đắng nên hay tự ý bẻ đôi thuốc ra hoặc chia nhỏ liều để uống cho dễ. Nhưng ít ai biết được rằng hành động này sẽ làm mất tác dụng của thuốc hoặc gây ra những tác dụng phụ ngược lại làm ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, biện pháp tốt nhất làm bạn nên uống thuốc theo đúng quy định của bác sĩ.
Dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến các hậu quả sau:
- Ù tai khó nghe rõ, hai mắt nhìn mờ.
- Chóng mặt, buồn nôn, khó chịu.
- Đau bụng, tiêu chảy nhẹ, hoặc có thể bị chướng bụng khó tiêu.
- Chân tay mềm, người mệt mỏi không muốn ăn.
Theo Thảo Đan - Sức khỏe gia đình

Vitamin D thành "thuốc độc" khi dùng quá liều

Dù cô con gái 8 tháng tuổi ăn, ngủ bình thường nhưng trước thời tiết nóng bức mùa hè chị Mai Hương vẫn quyết định cho con uống bổ sung vitamin A, D, C tăng sức đề kháng.

Thuốc bổ hóa thuốc độc
Sáng nào cũng vậy, trước khi đi làm chị Hương lại chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc ra trước bàn rồi dặn bà sau khi cho cháu ăn xong thì uống. Sau một tháng uống thuốc, con chị Hương lười ăn hơn, cân nặng không thay đổi thậm chí suốt ngày nôn, ọe, người lúc nào cũng mềm như dải khoai, quấy khóc liên tục. Cực chẳng đã, chị phải bế con đến bệnh viện. Sau khi các bác sĩ thăm khám, chị Hương mới tá hỏa khi biết nguyên nhân là do con uống quá liều vitamin.
Thuốc bổ - con dao hai lưỡi

BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, việc bổ sung vitamin khi trẻ bị thiếu là hết sức cần thiết, nhưng nếu bổ sung một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ, lạm dụng vitamin lại dẫn đến tình trạng mắc một số bệnh do thừa vitamin. 

Trường hợp con chị Thu vẫn còn may, bởi trẻ được đưa đến viện sớm. Bởi, đã có trường hợp đến viện trong tình trạng bị ngộ độc do thừa vitamin A. Trẻ đến viện trong tình trạng nôn liên tục do tăng áp lực nội sọ. Có trẻ ôm đầu khóc, rối loạn thần kinh gần như không làm chủ được mọi hành vi.
Theo bác sĩ Hải việc các phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ khá phổ biến hiện nay không những không có lợi cho trẻ mà vô tình làm cho trẻ thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc... Chính điều này làm giảm hấp thụ các vitamin nhóm B; vitamin E liều cao khiến cạn kiệt dự trữ vitamin A trong trẻ.
Bên cạnh đó, việc uống quá nhiều vitamin C liều cao khiến phá hủy vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ cơ xương... Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ thừa vitamin nhưng vẫn còi xương, chậm lớn. 
“Ngoài ra, nếu trẻ bị thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Thừa vitamin D có thể làm trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp bị thiểu năng. Bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh…”- BS Hải nói.
Không tùy tiện sử dụng
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, khi chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng bị thiếu vitamin cần phải bổ sung.
Bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C) hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...).
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nếu các bậc phụ huynh quyết định cho con bổ sung vitamin và khoáng chất bằng thuốc thì cần chú ý dùng đúng chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng xấu do quá liều. Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể dùng liều cao hơn, theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa.
Phụ huynh khi sử dụng vitamin và khoáng chất dưới dạng phối hợp (đa vitamin, đa khoáng chất...) phải phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ dưới một tuổi và dưới bốn tuổi. Trong trường hợp trẻ phải dùng thuốc dài ngày, dùng liều cao hoặc dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần vitamin và chất khoáng trong một viên thuốc, phải tham khảo thầy thuốc chuyên khoa nhi. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.
Đặc biệt, vitamin không thay thế được thức ăn, vitamin luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...). Vì thế, các bậc phụ huynh vẫn phải duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.
Để bổ sung an toàn vitamin D cho trẻ lứa tuổi sơ sinh này, FDA - cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ khuyến nghị:

Đảm bảo rằng em bé của bạn không nhận được hơn 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Đây là liều khuyến cáo bổ sung vitamin D hàng ngày cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và một phần bú sữa mẹ của Học viện Nhi khoa Mỹ.

Chỉ sử dụng ống nhỏ giọt đi kèm với sản phẩm. Vì ống nhỏ giọt này được sản xuất đặc biệt để đi kèm cho sản phẩm đó. Không sử dụng một ống nhỏ giọt từ các sản phẩm khác; Cần đảm bảo các ống nhỏ giọt được đánh dấu để các đơn vị đo lường rõ ràng và dễ hiểu. Trường hợp bạn không thể xác định rõ liều lượng vitamin D cung cấp bởi các ống nhỏ giọt, hãy nói chuyện với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bổ sung cho trẻ sơ sinh.

Theo Quỳnh Anh - Infonet

Thai phụ uống paracetamol, con trai giảm tiết testosterone

Sử dụng paracetamol trong thời gian mang thai có thể khiến hormone testosterone giảm sản sinh ở đứa con trai trong bụng mẹ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của con trai sau này.

Thí nghiệm được các nhà khoa học Anh tại ĐH Edinburgh thực hiện trên chuột.

Tylenol, một trong những tên thương mại thông dụng của paracetamolẢnh: Medical Xpress
Tylenol, một trong những tên thương mại thông dụng của paracetamol. Ảnh: Medical Xpress
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, các nhà khoa học đã thí nghiệm tác dụng của paracetamol lên sự tiết testosterone của chuột được cấy ghép mô tinh hoàn người.
Họ cho chuột dùng liều paracetamol hằng ngày - hoặc chỉ trong 24 giờ hoặc suốt 7 ngày. Kết quả cho thấy paracetamol không gây ảnh hưởng đến sự tiết testosterone sau 24 giờ dùng thuốc.
Tuy nhiên, testosterone giảm sản sinh 45% sau 7 ngày dùng paracetamol. Từ kết quả nói trên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nếu cần thiết, thai phụ nên dùng liều lượng thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể để hạ sốt và giảm đau nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu lên thai nhi.
Testosterone được tiết ra từ tinh hoàn, là hormone thiết yếu cho sức khỏe nam giới. Giới khoa học nghĩ rằng testosterone ở bào thai giảm sản sinh có thể liên quan đến nguy cơ tăng khả năng vô sinh, tinh hoàn ẩn, thậm chí mắc bệnh ung thư tinh hoàn về sau này.
Theo Trúc Lâm - Người lao động

Tác hại của thuốc nhuận tràng

Nhiều người tin rằng thuốc nhuận tràng có thể chữa trướng bụng, táo bón... thậm chí, nhiều phụ nữ còn dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân nhanh chóng, thì các chuyên gia lại không nghĩ vậy.

TS.BS Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Quân đội 354, Hà Nội) cho biết: Nếu đã được gọi là thuốc thì loại nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Nếu dùng đúng cách, nó sẽ trở thành biệt dược cho sức khỏe của bạn. Nếu dùng bừa bãi, nó sẽ trở thành độc dược khiến bạn khốn đốn.
Thuốc nhuận tràng cũng vậy. Nếu bạn dùng chúng không đúng theo chỉ định của thầy thuốc thì có thể dẫn tới hiện tượng tiêu chảy, đau bụng, mất nước quá nhiều dẫn đến suy nhược, thậm chí là tử vong nếu mất nước quá nhiều mà không được tiếp nước kịp thời.
Tự tạo phương thuốc nhuận tràng
Để phòng chống chứng táo bón, BS Vũ Đức Chung khuyên: Sẽ không có loại thuốc nhuận tràng nào sánh được một chế độ ăn uống điều độ và giàu chất xơ thực vật. Đây chính là phương thuốc nhuận tràng tuyệt diệu bạn có thể làm cho chính mình và người thân.
Không quá khó để bạn tìm chất xơ khi nó có rất nhiều trong gạo, ngũ cốc toàn phần, rau các loại và trái cây khô. Nhưng cần lưu ý, khi ăn bạn nên nhai kỹ để nghiền nhỏ thực phẩm và giúp các men tiêu hóa trong dạ dày và ruột được tiết ra đầy đủ.
Ngoài ra, người bị chứng táo bón nên uống nhiều nước, từ 1,5 - 2 lít/ngày và hạn chế dùng các chất kích thích ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa như: trà, cà phê, thuốc lá, nước có ga… Tránh stress, tham gia luyện tập thể dục thể thao đều đặn cũng nằm trong lời khuyến cáo nên làm để chóng táo bón.
Bên cạnh đó bạn cũng nên tập cho mình thói quen massge vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại chừng 15 phút mỗi ngày. Thói quen này sẽ kích thích các nhu động ruột, giúp việc đẩy phân ra ngoài trở nên dễ dàng hơn.
Cần lưu ý tác hại của thuốc nhuận tràng
BS Vũ Đức Chung đã cảnh báo những tác hại nguy hiểm của thuốc nhuận tràng như sau:
1. Gây lệ thuộc thuốc
Nếu bạn dùng thuốc nhuận tràng sai mục đích, dùng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến màng nhầy và hoạt động cơ năng của ruột, khiến ruột trở nên chai mòn mất khả năng tự vận động, không chịu co bóp vì đã lệ thuộc quá nhiều vào thuốc. Nhiều người sau thời gian dài dùng thuốc nhuận tràng đã không thể đi ngoài được nếu không có thuốc.
2. Gây rối loạn tiêu hóa, trầm cảm
Loại thuốc này chỉ có tác dụng ngắn hạn, người bị táo bón chỉ nên dùng trong 2 - 3 ngày. 
Nếu lạm dụng quá lâu, thuốc sẽ ảnh hưởng không tốt lên màng nhày ruột gây rối loạn tiêu hóa làm cho người bệnh thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón, khi ăn sẽ không thấy ngon miệng, khả năng hấp thụ thức ăn kém hơn, người gầy yếu, xanh xao. Bệnh càng diễn ra lâu ngày thì người bệnh càng dễ bị căng thẳng thần kinh và bị trầm cảm.
Theo H.D - Sức khỏe gia đình

Điều chị em cần phải nhớ khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp


Thuốc tránh thai khẩn cấp là một trong những biện phải tránh thai có hiệu quả cao nếu được dùng đúng theo chỉ dẫn. Đúng như tên gọi, thuốc được dùng trong những trường hợp khẩn cấp, khi các biện pháp tránh thai khác không có hiệu quả hoặc như bạn - quên không dùng biện pháp tránh thai nào. 

Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp tránh thai được các bác sĩ khuyến khích dùng, nó chỉ nên được dùng trong trường hợp nhỡ nhàng và dùng không quá 2 lần trong 1 tháng vì càng dùng nhiều thì hiệu quả càng giảm. Đặc biệt, khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, chị em cần ghi nhớ một vài điều sau đây thì thuốc mới đạt hiệu quả tránh thai cao:

thuốc tránh thai khẩn cấpThuốc tránh thai khẩn cấp là một trong những biện phải tránh thai có hiệu quả cao nếu được dùng đúng theo chỉ dẫn. Ảnh minh họa

- Tất cả các thuốc tránh thai khẩn cấp (loại 1 viên hay 2 viên) đều cân được uống càng gần thời điểm quan hệ tình dục không được bảo vệ càng tốt.
 
- Thuốc cũng có tác dụng phụ: Có tới 50% số phụ nữ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp bị buồn nôn và nôn. Như vậy, hiệu quả của thuốc sẽ bị giảm, chưa kể các tác dụng phụ khác như kinh nguyệt không đều, rong huyết, đau đầu, chóng mặt...
 
- Nếu sau khi uống bị nôn thì phải uống ngay liều khác để thay thế. Nếu sau khi uống 2 giờ mới nôn thì không cần uống bù. Nếu bạn uống loại 2 viên thì nhất thiết phải uống đủ 2 liều mới có tác dụng, hiệu quả tránh thai mới cao.
 
- Không dùng viên tránh thai khẩn cấp khi có thai hoặc bị dị ứng với thuốc tránh thai.

Trong trường hợp của bạn, rất có thể bạn không thích hợp với loại thuốc đó nên liên tục bị nôn sau khi uống. Bạn đã không uống đủ liều nên bạn cần phải theo dõi xem mình có mang thai ngoài ý muốn hay không. 

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý để tránh sử dụng lại loại thuốc đó trong lần sau (nếu không may phải dùng đến thuốc thì hãy chọn loại khác). Nếu có dấu hiệu chậm kinh, bạn nên đi khám để được biết nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc hay do có thai.

Thuốc gì gây viêm gan?

Thực tế tổn thương gan do thuốc xảy ra rất đa dạng. y văn thường dùng thuật ngữ "viêm gan do thuốc" để chỉ các trường hợp thuốc sử dụng có ảnh hưởng đến bệnh lý viêm gan.

Gan là một cơ quan nội tạng có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hóa các chất được hấp thu vào cơ thể con người, trong đó có cả các loại thuốc điều trị. Vì vậy, gan rất dễ bị tác động ảnh hưởng xấu của thuốc và thuốc đã trở thành một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh lý về gan.
Cơ chế gây tổn thương gan của thuốc
Bản thân thuốc là chất độc hại đối với gan nhất là khi dùng liều cao thì nguy cơ gây độc xảy ra càng nhiều. Mặc dù lúc khởi đầu dùng thuốc thường không có biểu hiện dị ứng quá mẫn nhưng những lần sau sử dụng lại thuốc với liều lượng tương tự thì gan sẽ bị tổn thương. 
Tuy nhiên, khi sử dụng với liều thấp hơn thì gan không bị ảnh hưởng. Một trường hợp minh chứng là khi sử dụng tetracyclin, thuốc có thể làm ức chế tổng hợp chất protein của vi khuẩn; do ty lạp thể tế bào gan và vi khuẩn có nhiều điểm giống nhau nên tetracyclin cũng có khả năng ức chế tổng hợp chất protein của ty lạp thể tế bào gan. 
Nếu sử dụng thuốc với liều thông thường sẽ không thấy rõ ảnh hưởng nhưng khi dùng với liều cao hay thì nồng độ thuốc tăng cao trong bào tương của tế bào gan đủ để ức chế sự tổng hợp các protein, gây nên sự thoái hóa mỡ trong tế bào gan dẫn đến tình trạng suy gan.
Trường hợp thuốc ít độc hay không độc nhưng chất chuyển hóa có thể có ảnh hưởng đến gan vì chất chuyển hóa sẽ trực tiếp gây độc cho gan, đặc biệt là khi có thêm các chất thúc đẩy hoạt động của cytochrom P450 có vai trò quan trọng trong chuyển hóa thuốc. 
Cytochrom P450 góp phần cấu tạo màng trong ty thể hay mạng lưới nội chất của tế bào gan; nơi chuyển hóa hàng ngàn nội độc tố, ngoại độc tố, thuốc và những phân tử không cần thiết khác có thể có hại cho gan. 
Bình thường chất chuyển hóa ít hoặc không độc, không ảnh hưởng trực tiếp đến gan nhưng nếu chúng liên kết với các thành phần của tế bào gan như: axít nucleic, protein, lipid không bão hòa thì có thể làm thay đổi cấu trúc tế bào gan hoặc các hoạt động chức năng tế bào gan dẫn đến tình trạng suy giảm hay hoại tử tế bào gan. 
Thực tế có trường hợp biến đổi trở thành hapten dễ gây viêm gan dị ứng. Hapten còn được gọi bán kháng nguyên, đây là một kháng nguyên không toàn năng có trọng lượng phân tử thấp, không có tính sinh miễn dịch nhưng có tính đặc hiệu kháng nguyên; khi hapten được gắn với một chất protein sẽ tạo thành một phức hợp thì phức hợp này có tính sinh miễn dịch; trong thực nghiệm nếu chỉ đưa hapten vào cơ thể thì bản thân hapten không tạo ra đáp ứng nhưng khi được liên kết cộng hợp với protein sẽ tạo ra kháng thể phản ứng ngay cả với hapten và cộng hợp protein đó. Khi sử dụng thuốc lần sau sẽ có sự tái phát gây nguy hiểm.
Gan rất dễ bị tác động ảnh hưởng xấu của thuốc và thuốc đã trở thành một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh lý về gan.
Theo TTƯT.BS Nguyễn Võ Hinh - Sức khỏe và Đời sống

Thuốc chữa sẩn ngứa do côn trùng đốt

Khi bị côn trùng đốt thì tại chỗ bị đốt sẽ nổi lên những sẩn tịt. Nếu để ý thấy giữa sẩn có điểm châm kim rớm dịch hay rớm máu, và đặc biệt là ngứa nhiều.

Sau vài ngày do gãi ngứa, các sẩn chợt ra (sẩn chợt) màu đỏ, có khi nhiễm khuẩn có mủ (gọi là sẩn chợt nhiễm khuẩn). Đa phần sẩn chợt sẽ khỏi, một số lâu ngày thành sẩn cục, cộm cứng màu thâm đen, rất ngứa, tồn tại lâu dài, dai dẳng, khó điều trị.
Một số thuốc sau có thể dùng để điều trị sẩn ngứa do côn trùng đốt như:
Cồn iốt: được dùng để chấm vào những sẩn tịt ban đầu sau khi đã được nặn nhẹ máu ra. Tuy nhiên cần lưu ý, thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, dị ứng như viêm da do iốt, đốm xuất huyết (không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với iốt). Dùng chế phẩm nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng sẽ gây nhiều tác dụng không mong muốn (vị kim loại, tăng tiết nước bọt, đau rát hơn).
Thuốc chữa sẩn ngứa do côn trùng đốtThuốc mỡ để điều trị sẩn ngứa do côn trùng đốt.
Các dung dịch màu (dung dịch xanh metylen 1%, dung dịch tím metin 1%): Dùng để bôi vào các sẩn chợt nhiễm khuẩn. Các thuốc này có tính sát khuẩn tại chỗ để phòng chống bội nhiễm.
Kem, mỡ kháng sinh kết hợp corticoid: Thường được dùng cho các tổn thương viêm, nhiễm trùng, khi tổn thương khô. Không bôi thuốc dạng này khi tổn thương còn đang chảy dịch. Bôi thuốc ngày 2 lần.
Thuốc mỡ salicylic: Đây là loại thuốc có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da... được dùng bôi vào các sẩn cục. Bôi axit salicylic tại chỗ trên da với lượng vừa đủ lên vùng da cần điều trị, xoa nhẹ, 1 - 3 lần/ngày. 
Mặc dù axit salicylat dùng tại chỗ ít được hấp thu hơn nhiều so với uống nhưng vẫn có thể xảy ra phản ứng phụ. Ðể hạn chế sự hấp thu acid salicylic, không nên dùng thời gian dài, nồng độ cao, bôi trên diện rộng hay bôi trên vùng da bị viêm hoặc nứt nẻ. Các tác dụng phụ thường gặp khi bôi thuốc là cảm giác bị châm đốt, kích ứng da nhẹ.
Thuốc chống dị ứng chlopheniramin: Được dùng uống để chống ngứa. Nhưng thuốc có tác dụng an thần từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng, chóng mặt… nên khi dùng thuốc cần tránh làm việc đòi hỏi sự tỉnh táo như làm việc trên cao, lái xe… Ngoài ra, có thể dùng kem chống ngứa bôi tại chỗ như promethazin. Thuốc có tác dụng làm giảm ngứa, hạn chế phản ứng cào gãi nên giảm viêm nhiễm, giảm lan rộng tổn thương. Bôi thuốc ngày 2 - 3 lần.
Để phòng bệnh ở vùng có côn trùng hoặc đi qua vùng có côn trùng cần mặc quần áo dài che kín, đi giầy tất và xoa dầu Dep chống côn trùng đốt.
Theo Dược sĩ Nguyễn Thị An - Sức khỏe và Đời sống

Dùng nhiều thuốc cùng lúc, làm sao bớt hại?

Khi kê đơn thuốc từ hai loại trở lên, người thầy thuốc phải cân nhắc đến sự tương tác giữa các thuốc, làm sao phải có lợi, nếu không thì hại chỉ nhỏ và ít nhất.

Ít khi đi khám bệnh mà thầy thuốc chỉ ghi một loại thuốc trong đơn, ngược lại có đến 3 - 4 loại, thậm chí cả 5 - 6 loại. Lắm lúc người bệnh không đi khám mà tự đến nhà thuốc mua dưới sự hướng dẫn của nhân viên bán thuốc, cũng phải mua 4 - 5 loại thuốc.

Dùng nhiều thuốc cùng lúc Làm sao bớt hại?
Tương tác thuốc sẽ xảy ra khi dùng từ hai thuốc trở lên.
Có một điều ít ai chú ý là cứ hai thứ thuốc vào cơ thể thì đã có tương tác với nhau rồi, khỏi phải cần đến nhiều thứ thuốc. Tương tác có lợi là khi thuốc hỗ trợ nhau tăng cường tác dụng. Tương tác bất lợi là làm giảm tác dụng của nhau, có khi gây ra độc tính. 
Nếu tương tác bất lợi ít thì có thể bỏ qua vì phần lợi mà thuốc đem đến quan trọng hơn. Nhưng cũng có những trường hợp quá hại, không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong. Khi đề cập đến phần hại của tương tác, cần quan tâm đến những điều sau:
Sự tương tác làm giảm tác dụng của thuốc
Một thuốc muốn có tác dụng cần phải được hấp thu vào máu. Nếu lượng thuốc được hấp thu ít hay thời gian để thuốc vào đến máu kéo dài thì tác dụng của thuốc sẽ bị giảm đi.
Tại dạ dày, độ acid dịch vị có ảnh hưởng đến sự hấp thu của một số loại thuốc. Vì vậy, các thuốc trung hòa acid dạ dày thường dùng trong các chứng đau do thừa acid dạ dày như hydroxyd aluminum, hydroxyd magnesium hay thuốc ức chế sự bài tiết dịch vị cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine hay thuốc ức chế bơm proton (kết quả là ức chế bài tiết dịch vị) omeprazole, rabeprazole, pantoprazole; tất cả các thuốc này làm giảm sự hấp thu của những thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, meloxicam,tenoxicam, piroxicam, diclofenac...) và cả amoxcyclin, tetracyclin.
Những thuốc có khả năng tạo một màng bao phủ niêm mạc đường tiêu hoá như sucralfat, bismuth để trị viêm loét dạ dày hay smecta trị tiêu chảy cũng ngăn cản sự hấp thu của các thuốc dùng chung với nó, vì lớp màng nhầy này vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc nhưng lại cũng ngăn cản thuốc không cho thấm vào các mao mạch trong đường tiêu hóa.
Lại có khi các thuốc uống cùng với nhau xảy ra phản ứng tạo thành phức hay tủa làm sự hấp thu của thuốc bị giảm đi. Như tetracyclin khi uống chung với các thuốc chứa calci hay sắt sẽ làm giảm rõ rệt sự hấp thu của kháng sinh này lẫn thuốc kèm theo. Vì vậy không nên uống tetracyclin với sữa hay uống chung với các thuốc chứa calci, sắt.
Nếu xảy ra sự tương tác bất lợi giữa hai loại thuốc đều cần thiết thì nên uống cách nhau 2 - 3 giờ.
Tác dụng của thuốc bị giảm cũng có khi là do các thuốc dùng chung có tác dụng đối nghịch nhau. Chẳng hạn: acetylcystein là thuốc có tác dụng long đờm, giúp dễ ho khạc để làm thông thoáng đường hô hấp, nếu dùng chung với một thuốc giảm ho dextromethorphan thì bệnh nhân sẽ không giảm ho nữa, như vậy sẽ mất tác dụng của thuốc long đờm. Sự phối hợp này có thể rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì các bé chưa biết khạc, đờm nhớt sẽ ứ lại không thoát ra được khỏi đường hô hấp, sẽ làm tắc và nhiễm khuẩn nặng hơn.
Ngay cả các loại vitamin, mà đa số mọi người đều nghĩ là bổ cũng có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc khác. Nếu dùng liều cao vitamin C có thể làm mất tác dụng của vitamin B12 khi dùng chung. Vitamin B6 làm mất tác dụng của levodopa trong điều trị bệnh Parkinson.
Tương tác làm tăng độc tính của thuốc
Tác dụng phụ của thuốc có thể tăng lên khi dùng chung với một thuốc khác. Chẳng hạn: paracetamol là một thuốc giảm đau hạ sốt rất hay dùng, nhưng độc với gan. Tính độc này tăng lên khi dùng chung với isoniazid. 
Vì vậy, bệnh nhân lao khi đang được điều trị với isoniazid thì phải thận trọng khi dùng paracetamol. Các thuốc chống động kinh barbituric, phenytoin cũng làm tăng độc tính ở gan của paracetamol.
Thuốc aspirin do làm giảm sự kết tập tiểu cầu nên khi dùng chung với thuốc chống đông máu warfarin, clopidogrel sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Các thuốc kháng viêm không steroid có phản ứng phụ là viêm loét dạ dày, nếu phối hợp với nhau sẽ gây xuất huyết tiêu hóa. Khi dùng chung erythromycin với lovastatin sẽ dễ làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân.
Tương tác có lợi
Khi dùng các thuốc có chứa sắt, nếu dùng thêm vitamin C sẽ tăng hấp thu sắt. Đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường mà dùng thêm sâm thì sẽ làm tăng tác dụng hạ đường máu (vì vậy cần giảm liều thuốc điều trị đái tháo đường).
Sự tương tác thuốc nói chung rất phức tạp. Nhưng trong điều trị vẫn phải cần đến phối hợp thuốc. Do đó, người thầy thuốc sẽ cân nhắc liều dùng sao cho phối hợp thuốc là có lợi hay giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hay kết hợp thuốc mà phải có chỉ định của thầy thuốc mới được dùng.
Theo BS Ngô Văn Tuấn - Sức khỏe và Đời sống

Kẹo ngậm ho là thuốc gì?

Kẹo ngậm ho chính là thuốc viên ngậm dùng trị ho nhưng hình dạng giống viên kẹo ngậm và người ngậm thấy có vị ngọt thơm ngon như kẹo nên nhiều người gọi như thế.

Trước đây ngành dược có bào chế thuốc viên bao đường (nay rất ít dùng dạng thuốc này), khi uống thấy có vị ngọt nên nhiều người nghĩ thuốc viên uống có thể ngậm như ngậm kẹo. Thật ra, chỉ có thuốc viên được ghi rõ là dùng bằng cách ngậm thì mới ngậm chứ các loại thuốc viên khác là không được ngậm. 
Có thuốc nếu ngậm, không chỉ làm giảm chất lượng điều trị của thuốc mà còn có thể bị tai biến do thuốc; như: viên nén bao tan ở ruột Aspirin pH8, nếu ngậm thuốc viên bao tan ở ruột sẽ làm hỏng lớp bao, dược chất aspirin phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày.
Thuốc viên ngậm là thuốc người dùng không nuốt mà thuốc được giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi và để cho tan nhằm để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ. 
Thuốc viên ngậm được bào chế có mùi thơm, vị ngọt nên thích hợp cho việc ngậm cho tan. Đây cũng là dạng thuốc dùng thích hợp trong các trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên mà bị nôn ói, hoặc bị bệnh đường tiêu hóa như bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Thuốc viên ngậm có vị ngọt là nhờ có tá dược làm ngọt là đường mía (saccharose) hoặc chất làm ngọt nhân tạo (như aspartam) dành cho người kiêng đường hay người bệnh đái tháo đường.
Kẹo ngậm ho chính là thuốc viên ngậm dùng trị ho nhưng hình dạng giống viên kẹo ngậm và người ngậm thấy có vị ngọt thơm ngon như kẹo nên nhiều người gọi như thế. Tuy nhiên theo thiển ý, không nên gọi là thuốc viên ngậm là kẹo ngậm. 
Bởi vì, khi gọi thuốc là kẹo người ta dễ tưởng lầm đó là thứ dùng tùy tiện sao cũng được. Trên thế giới đã có nhiều báo cáo trẻ con nghe thuốc là kẹo (nhiều phụ huynh gọi như thế nghĩ là trẻ sẽ dễ uống thuốc hơn) lén đánh cắp thuốc dùng và bị ngộ độc. Đối với thuốc, không nên dùng từ "kẹo" để gọi mà cứ gọi là thuốc là tốt hơn cả.
Thuốc viên ngậm trị ho thường chứa các hoạt chất giúp giảm ho như: các tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol), hoặc chứa dược chất ức chế phản xạ ho như dextromethorphan… Có cả thuốc viên ngậm Đông y như: bổ phế ngậm.
Kẹo ngậm ho là thuốc gì?
Ta cần biết, ho là triệu chứng thường gặp. Riêng ở trẻ con rất dễ bị ho do dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, dễ bị các bệnh tai mũi họng đưa đến cơ quan thụ cảm ho bị kích thích. Ta cũng cần biết ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. 
Chính nhờ ho biểu hiện bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt. Có một số trường hợp như bị hen phế quản, viêm phế quản cấp, cần ho để tống xuất đàm nhớt mà lại dùng thuốc ức chế phản xạ ho là không có lợi, chỉ có hại.
Riêng cảm lạnh vào mùa mưa dễ khiến người lớn và trẻ bị ho. Một số chuyên gia khuyên chỉ cần giữ ấm, dinh dưỡng đầy đủ chất, uống nước nhiều hơn, đặc biệt là nước cam hoặc nước chanh để tăng sức đề kháng thì có khả năng tự khỏi sau một vài ngày và không cần dùng thuốc. Lúc này cũng có thể dùng thuốc viên ngậm trị ho (chỉ dùng cho người lớn và trẻ tương đối lớn).

Hỏng mắt vì thuốc sốt rét?

Các thuốc sốt rét tổng hợp (chloroquin) hay từ thiên nhiên (quinin) đều gây độc cho mắt. Do loại thuốc tổng hợp còn dùng để chữa viêm khớp dạng thấp, luput ban đỏ rải rác... dài hạn hay chữa sán liều khá cao nên độc dễ xảy ra hơn.
Với thuốc tổng hợp: chloroquin

Thuốc có thể gây độc cho mắt theo các mức độ khác nhau:

Tích tụ lipid ở mô lưới: Việc tích tụ lipid ở mô lưới không quan trọng vì sau khi ngừng dùng thuốc, lipid tích tụ này sẽ tan dần.

Rối loạn vận động mắt: Biểu hiện thường gặp là nhìn một thành hai, sa mi mắt trên, mắt điều tiết kém, có khi không điều tiết được. Tuy nhiên, sau khi ngừng thuốc sẽ giảm dần, các vận động mắt được hồi phục đến mức bình thường.

Tổn thương võng mạc: Tổn thương võng mạc ít gặp hơn (khoảng 6% người bệnh) nhưng nguy hiểm hơn vì không hồi phục được sau khi ngừng thuốc.

Tai biến này được ghi nhận năm 1957. Đến năm 1983 mới tính được liều tối đa cho phép dùng mà không bị tai biến là 6,5mg/kg/ngày cho dạng hydroxychloroquin (bd: plaquenil) và 4mg/kg/ngày cho dạng chloroquinsulfat (bd: nivaquin).

Chloroquin là một hợp chất có ái lực đối với biểu mô sắc tố võng mạc. Thuốc hợp với melanin, tích lũy lại ở võng mạc nhiều năm sau khi đã ngừng dùng. Một trong các nguy cơ gây độc cho mắt là dùng lâu dài thuốc trị sốt rét và trị luput ban đỏ. Ở người suy thận suy gan việc đào thải thuốc giảm, sự tích lũy thuốc nhanh và nhiều hơn, dễ gây độc hơn. Khi dùng thuốc cho các đối tượng này cần thận trọng.

Biểu hiện độc cho mắt thường thấy như sau: Lúc đầu thấy một vùng tối trước mắt, gọi là bị " ám điểm trung tâm". Nếu ngừng dùng thuốc ngay thì biểu hiện này sẽ mất đi. Nhưng nếu cứ tiếp tục dùng thuốc thì thị lực ở cả hai mắt đều bị giảm, trong đáy mắt xuất hiện quanh hoàng điểm một vùng vàng rồi sau này trở thành đen sậm, đáy mắt mất sắc tố chung quanh lõm trung tâm hoàng điểm tạo ảnh, gọi là "mắt bò".

Vào giai đoạn cuối, thị lực giảm đi rất nhanh, không thể hồi phục. Người bệnh có thể nhận biết việc giảm thị lực song chỉ có thầy thuốc dùng dụng cụ soi đáy mắt mới xác định được các tai biến ở hoàng điểm. Tai biến xảy ra có khi không có các dấu hiệu báo trước. 
Để tránh tai biến khi dùng chloroquin kéo dài phải khám mắt định kì (nếu dùng liều 6,5mg/kg/ngày thì khám mỗi 1 năm, nếu dùng liều cao hơn 6,5mg/kg/ngày thì khám mỗi 6 tháng). Do độ độc với mắt của nivaquin cao hơn plaquenil nên khi dùng nivaquin phải theo dõi chặt chẽ hơn.
Với thuốc chiết từ thiên nhiên: quinin
Độc cấp tính: Biểu hiện dễ nhận biết là mờ mắt hoặc đổi màu. Không chỉ gặp khi dùng điều trị sốt rét mà còn gặp khi một số người dùng phá thai với liều cao.

Độc mạn tính: Thoái hóa dây thần kinh thị giác (teo gai thị): ở mắt bình thường, dây thần kinh thị giác có màu hồng khi bị ngộ độc sẽ bị bạc trắng, các mạch máu võng mạc co nhỏ lại.

Phù võng mạc: Động mạch trung tâm võng mạc bị tắc, gây phù võng mạc. Võng mạc bị phù trắng như bông. Hoàng điểm có màu đỏ như quả anh đào, các mạch máu võng mạc co nhỏ lại. Do thế, thị lực giảm sút nhanh có khi mù.

Những tai biến này xảy ra khi dùng quinin kéo dài không theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.

Người bệnh có thể nhận biết thị lực giảm sút nhưng chỉ có thầy thuốc dùng dụng cụ soi đáy mắt mới xác định được teo thần kinh thị giác, phù võng mạc.

Có trường hợp người bệnh có thể nhận biết các biểu hiện khác thường như: không nhận được màu, hay nảy đom đóm mắt, thấy mọi vật xung quanh có màu đỏ hay xanh lục, thị trường bị thu hẹp (giống như nhìn qua một cái ống), quáng gà, bị ảo giác. 
Thời gian từ khi có các biểu hiện khác thường đến khi có các tai biến nghiêm trọng ở võng mạc khá dài. Nếu trong quá trình dùng thuốc thấy có biểu hiện khác thường này thì phải ngừng thuốc, nếu không sẽ dẫn đến các tai biến nghiêm trọng (teo thần kinh thị giác, phù võng mạc).

Tuy có nhiều thuốc mới trị sốt rét, thấp khớp dạng thấp, luput ban đỏ, sán... hai thuốc chloroquin, quinin hiện vẫn còn dùng khá phổ biến trong cộng đồng. Cách tránh ngộ độc cho mắt là dùng đúng liều, không dùng kéo dài, khi nhận biết các dấu hiệu bất thường thì cần ngừng thuốc ngay nhằm tránh các diễn biến xấu.
Cách tránh ngộ độc cho mắt là dùng đúng liều, theo đúng chỉ định của thầy thuốc
Theo DS Hà Thủy Phước - Sức khỏe và Đời sống
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons