Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Uống thuốc cũng phải học

Không phải chỉ cho vào miệng rồi nuốt, để thuốc có tác dụng, bạn cần đảm bảo nhiều điều hơn thế.

Thức uống thích hợp nhất để uống thuốc là nước lọc.
Thức uống thích hợp nhất để uống thuốc là nước lọc
Đi khám bệnh về, chị Nguyễn Thu H. 45 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM vào giường nằm nghỉ. Chị uống thuốc vừa được bác sĩ kê với một ngụm nước nhỏ trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Uống thuốc xong, chị yên tâm nằm ngủ. Những lần sau chị cũng uống như thế. Được mấy ngày chị thấy họng mình như có gai đâm, đau hơn cả lúc chưa đi khám bệnh.
Đồng thời, chị có cảm giác đau rát âm ỉ liên tục ở vùng ngực sau xương ức và vùng bụng trên rốn, đặc biệt là khi ăn uống. Chị lại phải đến bệnh viện để nội soi tiêu hóa. Tại đây, bác sĩ phát hiện có một vết loét đường kính 15mm ở thực quản (đoạn ống tiêu hóa nối từ họng đến dạ dày).
Nguyên nhân do chị H. uống thuốc với quá ít nước lại uống với tư thế không đúng, thuốc không trôi được xuống dạ dày mà đọng lại ở thực quản, hoạt chất bám vào thực quản gây kích ứng.
Loét thực quản vì uống thuốc sai
Trao đổi với phóng viên, BS Trần Ngọc Lưu Phương, BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM cho biết, nhiều bệnh nhân khi uống thuốc nhưng uống ít nước, thậm chí không cần nước; hoặc uống thuốc ở tư thế nằm hoặc nằm ngay sau khi uống thuốc, thuốc có thể chưa xuống đến dạ dày và lưu lại ở thực quản.
Vị trí thường bị tổn thương nhất là đoạn 1/3 giữa thực quản, đây là nơi hẹp nhất của thực quản. Nếu uống thuốc không đủ nước hoặc uống ở tư thế nằm sẽ làm cho các viên thuốc có vỏ mềm, nhất là các viên thuốc được bào chế dưới dạng viên nang (con nhộng), dễ bám dính trên thành thực quản.
Một số thuốc khi tan sẽ tạo ra các hợp chất có tính kiềm hoặc acid làm tổn thương trực tiếp và bỏng thành thực quản, có thể tạo ra ổ loét lớn với đường kính lên đến 30mm hoặc đồng thời nhiều ổ loét.
BS Phương cho biết thêm, nhiều người bệnh kể lại rằng do không biết tác hại của vấn đề này nên có khi nuốt nguyên cả viên thuốc mà không kèm nước. Loét thực quản do thuốc hay gặp ở người cao tuổi. 
Do đặc điểm sinh lý theo tuổi thì chức năng co bóp nhu động của thực quản để đẩy thuốc xuống dạ dày của người già thường kém hơn so với người trẻ. Bệnh cũng gặp ở nữ nhiều hơn nam giới do các thuốc dễ gây loét thực quản thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý da liễu và phụ khoa.
Học cách uống thuốc
Tư thế thích hợp nhất: Là uống thuốc ở tư thế ngồi hoặc đứng, sau khi uống khoảng 15-30 phút mới nằm xuống.
Đồ uống thích hợp là nước lọc
Nước là đồ uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hoà tan thuốc.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Khoa dược Đại học Y dược TPHCM phân tích: Việc uống thuốc không đúng cách có thể dẫn đến tương tác thuốc làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc và có thể gây ngộ độc. Nước làm thuốc dễ dàng trôi từ thực quản xuống dạ dày, tránh sự đọng viên thuốc hoặc hoạt chất trên thành thực quản.
Điều này đặc biệt quan trọng với người già vì ở đối tượng này lượng dịch tiết ít và thành thực quản khô nên khó dẫn thuốc. 
Nước không những làm tăng độ hoà tan, giúp cho thuốc khuếch tán đến khắp bề mặt ống tiêu hóa mà còn tạo điều kiện cho sự hấp thu tốt hơn vào máu, hiệu quả điều trị của thuốc được kịp thời. Lượng nước nhiều sẽ giúp thuốc bài xuất nhanh qua thận và do đó giảm được độc tính của nhiều loại thuốc.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức khuyên, lượng nước cần để uống thuốc phải từ 100-200ml. Tuy nhiên, ngoại lệ có một số loại thuốc chỉ cần dùng một lượng nước nhỏ chừng 30-50ml như kavet hoặc các thuốc dạng gói bột chữa viêm loét dạ dày theo cơ chế giảm toan (antacid), do cần tạo một lượng bột sánh giữ lâu trong dạ dày để tăng tác dụng trung hòa axit.
Những loại nước không nên dùng
Không nên uống thuốc với các loại nước như nước hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có ga vì các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu thuốc quá nhanh.
Không dùng sữa để uống thuốc vì i-on canxi trong sữa có thể tạo phức với nhiều loại thuốc, ví dụ tetracyclin nếu uống cùng với sữa sẽ bị cản trở hấp thu. 
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thuốc nên uống chung với sữa như dùng thuốc gây bào bọt dạ dày (Aspirin), hay dễ nôn ói (thuốc ngừa thai phải uống hàng ngày), hay cần chất béo để thuốc dễ hấp thu (vitamin A, vitamin D).
Không dùng nước chè, cà phê uống thuốc. Chất tanin trong nước chè có thể gây kết tủa nhiều loại thuốc chứa sắt hoặc alcaloid hay caffein có trong cà phê có thể làm tăng độ hòa tan của một số thuốc như Ergotamin nhưng lại cản trở hấp thu các loại thuốc liệt thần.
Không phải thuốc nào cũng bẻ nhỏ
Một số thuốc có tác dụng dài như thuốc tiểu đường, nếu bạn nhai, hoặc bẻ nhỏ sẽ tăng nguy cơ quá liều ngay lúc uống và làm giảm tác dụng ở thời điểm cuối ngày.
Một số thuốc bao tan trong ruột, nếu bạn bẻ nhỏ hay nhai thì sẽ khiến chúng kích thích niêm mạc dạ dày gây loét dạ dày. Bởi vậy khi gặp các thuốc có các ký hiệu Adalate LP, Procan SR, Adalat LA trong tên thuốc, hay thuốc được bao phim thì đừng bẻ mà uống cả viên. Nếu không chắc chắn, bạn nên hỏi dược sĩ.
Theo Hồng Duyên - Sức khỏe gia đình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons