Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Đừng gọi thuốc là "kẹo"

Kẹo ngậm ho chính là thuốc viên ngậm dùng trị ho nhưng hình dạng giống kẹo ngậm và khi ngậm thấy có vị ngọt, thơm ngon nên nhiều người gọi như thế.

Tuy nhiên, theo thiển ý, không nên gọi thuốc viên ngậm là kẹo ngậm. Bởi lẽ, khi gọi thuốc là kẹo người ta dễ tưởng lầm đó là thứ dùng sao cũng được.
Trên thế giới đã có nhiều báo cáo về tình trạng trẻ con nghe thuốc là kẹo (nhiều phụ huynh gọi như thế vì nghĩ trẻ sẽ dễ uống thuốc hơn) đã lén đánh cắp thuốc dùng và bị ngộ độc. Đối với thuốc, không nên dùng từ "kẹo" để gọi mà tốt nhất cứ gọi đúng tên là "thuốc".
Thuốc viên ngậm là thuốc mà người dùng không nuốt, giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ. Đây cũng là dạng thuốc dùng thích hợp đối với người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên (như bị nôn ói hoặc bị viêm loét dạ dày tá tràng…).
Trước đây, ngành dược có bào chế thuốc viên bao đường (nay gần như rất ít dùng dạng thuốc này), khi uống thấy có vị ngọt nên nhiều người nghĩ thuốc viên uống có thể ngậm như kẹo. Thật ra, chỉ có thuốc viên ghi rõ là dùng bằng cách ngậm thì mới ngậm, chứ các loại thuốc viên khác là không được ngậm.
Có loại thuốc, nếu ngậm không chỉ làm giảm chất lượng điều trị mà còn có thể bị tai biến do thuốc. Như viên nén bao tan ở ruột aspirin pH8, nếu ngậm thuốc viên bao tan ở ruột sẽ làm hỏng lớp bao, dược chất aspirin phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày.
Thuốc viên ngậm trị ho thường chứa các hoạt chất như tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol) hoặc chứa dược chất ức chế phản xạ ho như dextromethorphan... Có cả thuốc viên ngậm đông y như bổ phế ngậm. Thuốc viên ngậm có vị ngọt nhờ có tá dược làm ngọt là đường mía (saccharose) hoặc chất làm ngọt nhân tạo (như aspartam) dành cho người kiêng đường hay người bệnh tiểu đường.
Ta cần biết, ho là triệu chứng thường gặp. Riêng trẻ con rất dễ bị ho do viêm nhiễm đường hô hấp, dễ bị các bệnh tai mũi họng. Ta cũng cần biết ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ ho biểu hiện bằng sự thở hắt ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Cảm lạnh vào mùa mưa dễ khiến người lớn và trẻ bị ho. Một số chuyên gia khuyên chỉ cần giữ ấm, dinh dưỡng đầy đủ chất, uống nước nhiều hơn, đặc biệt là nước cam hoặc nước chanh để tăng sức đề kháng thì có khả năng tự khỏi sau một vài ngày và không cần dùng thuốc. Lúc này, cũng có thể dùng thuốc viên ngậm trị ho (chỉ dùng cho người lớn và trẻ tương đối lớn).
Dùng thuốc viên ngậm trị ho, nên lưu ý: Trước và sau khi đưa thuốc vào miệng, cần rửa tay sạch; ngậm cho thuốc tan từ từ, tránh nhai viên thuốc. Đối với trẻ, cho dùng thuốc viên ngậm trị ho vài ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa đi khám; nếu nghi ngờ bị viêm nhiễm, nhất thiết phải đưa đi khám bệnh ở bác sĩ chứ không cho trẻ ngậm "kẹo" trị ho.


Thuốc nào điều trị bệnh eczema hiệu quả?

Eczema là bệnh thường thấy nhất trong các bệnh da liễu. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ của bệnh nhân.

Vậy cần phải dùng thuốc gì điều trị bệnh và cách phòng bệnh thế nào?
Eczema là trạng thái viêm lớp nông của da, cấp hay mạn tính. Bệnh eczema không gây tử vong, nhưng gây ngứa ngáy, hoặc khô và căng da rất khó chịu. Bệnh thường xuyên tái phát. Như một số căn bệnh da khác, eczema cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ. 
Biểu hiện về lâm sàng của eczema rất đa dạng nhưng nói chung bao giờ cũng có đặc tính sau: ngứa, có mụn nước sắp xếp thành từng mảng giới hạn không rõ, tiến triển thành từng đợt, dai dẳng hay tái phát. Có thương tổn thuộc loại xốp bào.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh eczema
Hai yếu tố cơ bản phát sinh eczema là cơ địa dị ứng và tác nhân kích thích ở trong hay ngoài vào cơ địa ấy.
Do cơ địa: Có tính chất gia đình, di truyền, tiền sử trong gia đình có người bị chàm, dị ứng, hen suyễn. Các tác nhân kích thích bên trong kèm theo có thể bị viêm mũi xoang, xơ gan, viêm đại tràng, viêm tai xương chũm, các bệnh về thận...
Thuốc nào điều trị bệnh eczema hiệu quả?
Dùng hồ nước bôi ngoài da khi bị eczema giai đoạn đầu.
Do các dị nguyên: Việc dùng các thuốc như: lưu huỳnh, thủy ngân, thuốc tê, sunfamid, chlorocid, penicillin, streptomycin... là lý do thúc đẩy eczema tiến triển. Mặt khác bệnh eczema cũng phát sinh khi tiếp xúc với các hóa chất như: xi măng, thuốc nhuộm, nguyên liệu làm cao su, sơn xe, dầu mỡ, than đá, phân hóa học, thuốc trừ sâu, axit, kiềm,...
Các sản phẩm vi sinh có cơ chế dị ứng: vi khuẩn, nấm, siêu vi. Các yếu tố môi trường sống: khói, bụi, lạnh, nóng, ẩm, mặc trang phục được làm từ những chất liệu như len, vải được dệt không được mịn màng... Yếu tố tâm thần kinh cũng ảnh hưởng lên bệnh này, vì thế với một số người eczema cũng có thể nặng lên sau những chấn thương tâm lý, stress, lo âu căng thẳng.
Bệnh phát triển qua 4 giai đoạn: đỏ da, mụn nước, lên da non, liken hóa (hăm cổ trâu). Bệnh có thể trở thành mạn tính, da dày lên, ngứa gãi nhiều. Nhiều trường hợp bội nhiễm gây viêm da mủ, hoặc nhiễm khuẩn rất nặng.
Có thể chia làm hai loại eczema: eczema khô và eczema ướt (khi thương tổn là những mụn nước, hoặc đang rỉ dịch, rất ngứa và dễ bội nhiễm). Những người có biểu hiện eczema khô thường nứt nẻ, xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, nặng lên khi trời lạnh, hoặc khi tiếp xúc hóa chất, xà bông, chất tẩy rửa...
Cách điều trị bệnh eczema
Bệnh eczema không thể điều trị dứt hẳn được, đây còn là một vấn đề khó khăn. Việc điều trị là nhằm kiểm soát các cơn ngứa, giảm các biểu hiện viêm da, ngăn ngừa, hay trị liệu tình trạng bội nhiễm nếu có, làm giảm thiểu sự xuất hiện của những thương tổn mới trên da. 
Phải tùy theo tuổi và tổn thương của bệnh mà có cách điều trị phù hợp. Giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh eczema là tích cực tìm ra nguyên nhân gây bệnh để tránh hoặc hạn chế tiếp xúc kết hợp dùng thuốc uống với thuốc bôi ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các thuốc uống
Thuốc chống ngứa: Để chống ngứa, nên dùng một trong các thuốc chống dị ứng như sirô phenergan, sirô théralèn, chlorpheniramin...
Thuốc chống bội nhiễm: Tùy theo tình trạng bội nhiễm, bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh thích hợp. Trong trường hợp eczema có viêm da mủ, cần điều trị chống bội nhiễm bằng cách cho uống kháng sinh (amoxicilin, cephalosporin...).
Các thuốc bôi ngoài da
Hồ nước: Dùng trong giai đoạn đầu, da mới đỏ, chảy nước ít, có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa.
Dung dịch: Thường dùng dung dịch jarish, natri clorid 0,9%; thuốc tím 0,001%; vioform 1%. Dùng trong giai đoạn eczema bán cấp. Dùng gạc nhúng vào dung dịch, đắp nhiều lần lên nơi thương tổn. Không được dùng các dung dịch có axit boric cho trẻ em.
Thuốc nào điều trị bệnh eczema hiệu quả?
Thuốc mỡ: Chủ yếu dùng trong giai đoạn eczema mạn tính. Việc dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp tính đề phòng sẽ gây phản ứng mạnh. Các kháng sinh dạng thuốc mỡ như cream synalar-neomycin, cream celestoderm-neomycin, bôi khi có nhiễm khuẩn. 
Các thuốc mỡ chứa corticosteroid có thể sử dụng để bôi trên tổn thương eczema khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp eczema nhiễm khuẩn. Không nên bôi quá nhiều (diện tích rộng) vì có thể gây biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.
Để điều trị bệnh eczema hiệu quả, người bệnh cần đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: Bệnh nhân cần uống nhiều nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng các loại trà thanh nhiệt (actiso, hoa hòe, hoa cúc,...), nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin để giải độc cơ thể, bài trừ độc tố, nâng cao sức đề kháng, ăn thức ăn lỏng nhẹ. 
Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá, cà phê, hải sản, đồ hộp, thức ăn sống, lên men, các thức ăn chế biến có nhiều gia vị cay nóng. Giữ vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị bệnh. Tránh cọ xát, gãi, xát xà phòng vì sẽ làm vùng da bị bội nhiễm tạo nên những tổn thương khó lành. Có thể dùng chè tươi, lá bàng tươi nấu lấy nước để tắm. Bệnh nhân eczema nên tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng, dễ làm bệnh nặng thêm.


Phát hiện thuốc giảm đau gây nguy cơ đông máu

Trong một bài viết trên tạp chí Thấp khớp, xuất bản ngày 24/9, cho biết việc sử dụng các loại , kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm tăng nguy cơ máu đông ở tĩnh mạch. 
Những loại máu đông bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và thuyên tắc phổi (PE). Nguy cơ xuất hiện máu đông ở những bệnh nhân sử dụng  thuốc NSAID đã tăng lên đến 80%, các tác giả nghiên cứu cho hay. 
Thuốc giảm đau có thể gây đột qụy hoặc nhồi máu cơ tim vì hiện tượng cục máu đôngThuốc giảm đau có thể gây đột qụy hoặc nhồi máu cơ tim vì hiện tượng cục máu đông. Ảnh minh họa
Phân tích dựa trên 6 nghiên cứu cho thấy có 21.401 bệnh nhân đã mắc huyết khối tĩnh mạch (VTE), tức là xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch. Ngoài ra, ngày 24/9 Health Day cũng thông tin chi tiết về mối tương quan giữa việc sử dụng thuốc giảm đau NSAIDs và nguy cơ tăng hiện tượng cục máu đông. 
Thuốc chống viêm không steroid được tìm thấy trong các loại thuốc theo toa cũng như trong các loại chế phẩm có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Học viện chuyên Gải phẫu Chỉnh hình Mỹ đã liệt kê các thành phần phổ biến nhất trong NSAID bao gồm: aspirin, ibuprofen và naproxen thuộc những thương hiệu như Advil, Motrin, Aleve và nhiều sản phẩm aspirin do công ty Bayer sản xuất. Acetaminophen không nằm trong danh sách thuốc NSAID, tuy nhiên nó vẫn có thể được tìm thấy trong công thức của loại thuốc này.  
Đơn thuốc NSAIDs gồm chất ức chế COX-2. Vioxx và Bextra đã bị cấm khỏi thị trường do nguy cơ khiến bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ và các chứng bệnh lâm sàng Cleveland Clinic .. 
Celebrex vẫn có mặt trong toa thuốc nhưng tương tự như NSAIDs, thuốc này cũng được cảnh báo làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim cho người sử dụng.
Mặt khác, thành phần COX-2 trong thuốc gây nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa ít hơn so với các loại thuốc giảm đau khác và có thể phù hợp hơn đối với một nhóm bệnh nhân nhất định. 
Tờ Health Day đã trích dẫn lời của TS Steven Carsons, trưởng phân khoa bệnh thấp khớp, dị ứng và miễn dịch học tại BV Đại học Winthrop, cho rằng aspirin tiếp tục là một loại thuốc ngăn ngừa hiện tượng cục máu đông hiệu quả. Ông cũng nhận định thêm việc sử dụng naproxen không làm tăng nguy cơ đông máu. 
Tuy nhiên, hiện tượng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Máu đông gây nguy hiểm nhất khi chúng hình thành trong mạch máu ở tim và não, hoặc chảy từ những khu vực khác trong cơ thể đến. Hiện tượng này dễ gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ nhiệt khi cục máu đông chặn dòng lưu thông đến các bộ phận của não hoặc tim. 
Acetaminophen là thành phần hoạt chất trong hàng loạt các loại thuốc như Tylenol. Cho dù thuốc theo toa hay mua riêng lẻ tại các quầy, thì thành phần này luôn được sử dụng để giảm đau và hạ sốt tương tự như NSAIDs. 
Tuy nhiên, đây không phải là một loại thuốc kháng viêm không steroid, vì vậy Acetaminophen gây nguy cơ tổn thương gan. Đặc biệt, bệnh nhân không nên dùng nhiều hơn 4.000 mg Acetaminophen mỗi ngày. 
Tóm lại, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và các hướng dẫn sử dụng kèm theo về các loại thuốc giảm đau hoặc hạ sốt trước khi dùng. Cả NSAIDs và Acetaminophen có trong hàng loạt các dược phẩm khác nhau. Hơn nữa, liều lượng tích lũy trong một số thuốc còn vượt giới hạn an toàn cho phép.


Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Thuốc mới điều trị ung thư da giai đoạn cuối

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ mới đây đã phê chuẩn Odomzo (sonidegib) để điều trị cho bệnh nhân ung thư tế bào biểu mô giai đoạn cuối cục bộ đã tái phát sau phẫu thuật hoặc xạ trị, hoặc các bệnh nhân không thể làm phẫu thuật hoặc xạ trị.
Ung thư da là dạng ung thư phổ biến nhất và ung thư tế bào biểu mô chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại ung thư không phải là u hắc tố (non-melanoma). Ung thư tế bào biểu mô bắt đầu từ tầng da đầu tiên (gọi là lớp biểu bì) và thường phát triển ở những vùng đã từng thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời và các dạng tia cực tím khác. 

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, số lượng ca mắc mới ung thư da không phải u hắc tố có vẻ như đang tăng theo từng năm. Ung thư tế bào biểu mô giai đoạn cuối cục bộ là ung thư tế bào biểu mô chưa lan ra các phần khác của cơ thể, nhưng không thể được chữa trị bằng phẫu thuật và xạ trị.
Odomzo là thuốc viên dùng một lần mỗi ngày có tác dụng ngừng hoặc làm chậm lại sự phát triển của các tổn thương do ung thư. Tuy nhiên, thuốc cần được cảnh báo có nguy cơ gây chết thai hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ sử dụng khi mang thai. 

Các bệnh nhân nên kiểm tra tình trạng mang thai của mình trước khi điều trị bằng Odomzo và cả bệnh nhân nam lẫn bệnh nhân nữ nên được cảnh báo về các nguy cơ của thuốc và được khuyên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.
Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như co cơ, rụng tóc, rối loạn vị giác, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ xương, tiêu chảy, sút cân, chán ăn, đau cơ, đau bụng, đau đầu, nôn mửa và ngứa. 

Odomzo cũng có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng trên cơ xương, bao gồm tăng creatine kinase huyết thanh (với các báo cáo hiếm gặp về sự tiêu cơ vân, co thắt cơ, và nhức gân).


Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ

Các loại thuốc gây tê tại chỗ như novocain, lidocain, bupivacain thường được sử dụng để giảm đau trong các thủ thuật và tiểu phẫu thuật ở ngoài da và niêm mạc hoặc để phong bế các dây thần kinh cảm giác.
Nói chung, nếu được sử dụng đúng cách, các thuốc này thường chỉ tác dụng tại chỗ mà ít được hấp thu vào máu nên ít gây tác dụng phụ toàn thân. Bên cạnh các phản ứng dị ứng, tình trạng nhiễm độc do nồng độ thuốc trong máu cao quá mức cho phép cũng là một trong các tác dụng phụ thường gặp nhất với nhóm thuốc này.
Sau khi gây tê, nồng độ thuốc tê có thể tăng cao trong máu vì nhiều lý do khác nhau như thuốc gây tê được tiêm vào mạch máu, tốc độ tiêm quá nhanh, dùng vượt quá liều quy định hoặc do thuốc hấp thu vào máu quá nhanh khi gây tê ở một vùng giàu mạch máu (đặc biệt là các vùng niêm mạc).
Khi phong bế thần kinh liên sườn bằng các thuốc gây tê, thuốc cũng hấp thu nhanh hơn so với khi tiêm dưới da nên nồng độ thuốc trong máu cũng có thể tăng cao.
Các biểu hiện của nhiễm độc thuốc gây tê
Nhiễm độc thuốc gây tê chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch, trong đó, các biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương thường gặp hơn và xảy ra sớm hơn so với các biểu hiện ở hệ tim mạch.
Các biểu hiện nhiễm độc cấp tính thường xảy ra do nồng độ thuốc tăng nhanh trong máu. Do đó, khi tiêm nhanh một liều nhỏ của thuốc gây tê cũng có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc cấp tính.
Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ
Biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương: Các biểu hiện do kích thích hệ thần kinh trung ương thường xảy ra sớm, giai đoạn muộn là các biểu hiện do tác dụng ức chế thần kinh của thuốc.
Những trường hợp nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tê bì đầu chi, rối loạn vị giác, lú lẫn và buồn ngủ. Trong quá trình tiêm, thầy thuốc cần liên tục hỏi bệnh nhân về cảm giác của họ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có nhiễm độc thuốc, cần ngay lập tức ngừng tiêm.
Những trường hợp nặng, người bệnh có thể co giật, mất ý thức, hôn mê, suy hô hấp và ngừng thở. Tùy thuộc vào loại thuốc và tốc độ tăng của nồng độ thuốc trong máu, bệnh nhân có thể tỉnh lại sau một thời gian ngắn.
Các biểu hiện ở hệ tim mạch: Ở các trường hợp nhiễm độc nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh thường có nhịp tim nhanh và tăng huyết áp, đặc biệt là khi thuốc gây tê được tiêm kết hợp với adrenalin. Sau đó người bệnh thường biểu hiện nhịp tim chậm và tụt huyết áp.
Những trường hợp nặng, người bệnh có trụy tim mạch và rối loạn nhịp tim do tác dụng gây độc trực tiếp của thuốc tê trên tế bào cơ tim. Nói chung, bupivacain có độc tính trên cơ tim cao hơn so với lidocain. Rối loạn nhịp tim do thuốc gây tê có thể rất nặng và dai dẳng, khó điều trị. Nồng độ thuốc gây tê đủ để gây trụy tim mạch thường cao gấp 4-7 lần nồng độ thuốc đủ để gây ra co giật.
Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ
Dự phòng
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ, cần sử dụng đúng liều thuốc, lựa chọn những thuốc ít độc tính, giảm liều thuốc ở những người bệnh lớn tuổi hoặc có thể trạng gày yếu, tiêm thuốc chậm và lưu ý rút pit tông liên tục trong khi tiêm xem có máu ra không để đề phòng tiêm vào mạch máu.
Tiêm thuốc gây tê đồng thời với adrenalin (epinephrin) cũng là một biện pháp có thể giúp giảm tốc độ hấp thu thuốc vào máu. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phối hợp với adrenalin gây giảm nồng độ tối đa của thuốc gây tê trong máu khoảng 50%. Adrenalin thường được pha ở nồng độ 1/200.000, với liều tối đa là 200 microgam.
Cần lưu ý là việc tiêm phối hợp với adrenalin sẽ không giúp giảm được độc tính của thuốc gây tê nếu hỗn hợp thuốc được tiêm vào mạch máu.
Nên đặt sẵn đường truyền tĩnh mạch và chuẩn bị các thuốc và phương tiện cấp cứu trước khi gây tê. Sau khi gây tê, người bệnh cũng cần được theo dõi tại cơ sở y tế để phát hiện sớm các độc tính của thuốc có thể xảy ra sau đó.
Điều trị
Nếu người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm độc thuốc gây tê trong quá trình tiêm, cần ngay lập tức ngừng tiêm và mở đường truyền tĩnh mạch. Phải đảm bảo thông thoáng đường thở và cho bệnh nhân thở ôxy nồng độ cao nếu có. Cung cấp đủ ôxy giúp ngăn ngừa tổn thương não, tình trạng co giật và các rối loạn nhịp tim khó kiểm soát.
Nếu bệnh nhân co giật, có thể dùng diazepam tiêm tĩnh mạch hoặc đặt hậu môn. Các trường hợp hôn mê phải nhanh chóng đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Nếu bệnh nhân bị trụy tim mạch, cần điều trị bằng truyền dịch và các thuốc co mạch như ephedrin.
Nếu ephedrin không hiệu quả, có thể dùng adrenalin dung dịch 1:1000 tiêm dưới da 0,3ml hoặc dung dịch 1:10,000 tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 - 1ml. Điều trị các rối loạn nhịp tim nếu có, ép tim khi có ngừng tuần hoàn.
Nhiễm độc thuốc gây tê thường có tiên lượng tốt nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng nhiễm độc thường nhanh chóng hồi phục nếu được điều trị đúng.


Dùng thuốc ngủ đúng cách

Đối với một số người, việc sử dụng thuốc ngủ sẽ đem lại cảm giác minh mẫn, nhanh nhẹn mỗi khi thức dậy. Nhưng cũng có những người lại phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, uể oải do tác dụng phụ của thuốc ngủ gây nên. Do đó khi dùng thuốc ngủ cần lưu ý một số điểm sau đây:

- Thuốc ngủ có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng của chứng mất ngủ. Nó có thể giúp bạn nâng cao được chất lượng giấc ngủ và chống được triệu chứng mệt mỏi vì thiếu ngủ. Thuốc ngủ cũng phát huy tác dụng rất tốt khi bạn đang trong quá trình điều trị, có vấn đề gì trong cuộc sống và cần chìm vào giấc ngủ ngay. 

Tuy nhiên nó chỉ có tác dụng tốt nhất khi được dùng trong một thời gian ngắn. Nếu muốn điều chỉnh các rối loạn của giấc ngủ hoặc muốn chữa trị mất ngủ bằng thuốc ngủ thì hoàn toàn không phải là phương pháp thích hợp. 
Bạn có thể điều trị thuốc ngủ chỉ trong thời gian ngắn khi bạn đang tìm ra và “dứt điểm” nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ của bạn để điều chỉnh. Nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong một thời gian ngắn nhất, nói chung không dùng lâu hơn 3 tuần và không dùng mỗi đêm.
- Một số loại thuốc ngủ có thể gây ra các phản ứng phụ như chứng buồn nôn hoặc lơ mơ cả ngày hoặc có thể gây nghiện nếu như bạn dùng nó nhiều hơn vài tuần. Các tác dụng này có thể nguy hiểm cho người già vì dễ té ngã và những người đang điều khiển máy móc hoặc lái xe.
Dùng thuốc ngủ lâu ngày gây lờn thuốc (dùng một liều cao hơn để có kết quả như nhau) và lệ thuộc thuốc (gây triệu chứng uể oải khi ngưng dùng thuốc).

- Thuốc ngủ có rất nhiều loại khác nhau. Thế nên tốt nhất trước khi quyết định dùng nó, bạn phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự dùng thuốc ngủ hoặc dùng lại đơn thuốc ngủ mà không thông qua bác sĩ.

- Không uống thuốc ngủ với rượu và với bất kỳ loại thuốc nào khác có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương.

- Không dùng thuốc ngủ cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Những người bị bệnh đường hô hấp cũng không nên dùng thuốc ngủ vì nó ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng thở ở não.

- Thuốc ngủ được chuyển hóa ở gan và được bài tiết qua thận nên nếu chức năng gan, thận bị suy yếu, thuốc ngủ sẽ tồn tại trong cơ thể lâu dài hơn, do đó những người bị bệnh gan, thận, người cao tuổi càng hạn chế dùng thuốc ngủ càng tốt.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons