Một số loại thuốc thông dụng có thể làm tăng cường độ của ánh sáng tới da, khiến nguy cơ sạm da, nám da, nổi mẩn hoặc xuất hiện những rối loạn về da.
Nhiều người tự bảo vệ da dưới ánh nắng chói chang khi đi biển hoặc khi phải gồng mình chống nắng trong đám... kẹt xe bằng những phương pháp rất “khoa học” như sử dụng kem chống nắng, trang bị những phương tiện rất “khí thế” như bao tay, khẩu trang. Thậm chí, có người “kín mít” như Ninja. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng một số loại thuốc thông dụng có thể làm tăng cường độ của ánh sáng tới da, khiến nguy cơ sạm da, nám da, nổi mẩn hoặc xuất hiện những rối loạn về da.
Những dược phẩm (DP) gây ra hiện tượng này được phân loại là "DP nhạy cảm với ánh sáng" (Sun-sensitizing drugs), có nghĩa là những DP sẽ gây tác dụng phụ lên da khi người sử dụng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số DP bị tác động bởi tia UVB sóng ngắn, nhưng phần lớn bị tác động bởi tia UVA sóng dài.
Có hai dạng DP chính khiến da nhạy cảm với ánh sáng. Dạng thứ nhất là các DP gây dị ứng với ánh sáng (photoallergy). Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi sử dụng một số DP bôi trực tiếp lên bề mặt da, tia tử ngoại (còn gọi là tia UV) từ ánh sáng mặt trời sẽ gây ra những thay đổi cấu trúc hóa học của thuốc, và cơ thể sẽ tạo ra những kháng thể để phản ứng lại.
Những phản ứng này sẽ tạo ra mẩn đỏ hoặc vết chàm trên da. Những phản ứng dị ứng thường xuất hiện vài ngày sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Dạng thứ hai phổ biến hơn, gọi là quang độc tính (phototoxicity). Có rất nhiều thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng. Dạng nhạy cảm này xảy ra khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ngay sau khi sử dụng một số DP, bao gồm dùng đường uống, đường chích...
Khi đó, DP trong cơ thể sẽ hấp thụ tia UV và sẽ thải vào da, làm cho tế bào da bị chết. Chỉ sau vài ngày sử dụng DP, những triệu chứng sạm, đỏ da, vết chàm sẽ xuất hiện rõ ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Với một số bệnh nhân, những triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng có thể tồn tại tới 20 năm kể từ ngày ngưng sử dụng thuốc. Thuốc dễ gây nhạy cảm với ánh sáng dạng này bao gồm những kháng sinh thuộc "gia đình" tetracycline, các loại thuốc kháng viêm không steroidal (nonsteroidal anti-inflammatory drugs- NSAIDs) chẳng hạn như ibuprofen, thuốc tim mạch như cordarone.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị phản ứng khi sử dụng các DP nhạy cảm với ánh sáng. Cũng có thể biểu hiện bệnh chỉ xuất hiện một lần rồi thôi, cũng có những phản ứng cứ tái đi, tái lại. Những bệnh nhân nhiễm HIV là nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi những DP gây nhạy cảm với ánh sáng nhiều nhất.
Ngoài DP, một số thực phẩm cũng có thể làm cho da bị nhạy cảm với ánh sáng nếu tiếp xúc với da hoặc khi lấy nước ép bôi vào da (để làm đẹp hoặc giảm đau...) như chanh, cần tây, cà rốt, trái sung...
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét