Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

4 lưu ý khi bổ sung axit folic

Axit folic phòng tránh thiếu hụt hồng cầu, hỗ trợ điều trị viêm loét tá tràng, ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt là ngừa sẩy thai và khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

acid folic
Axit Folic là một loại vitamin nhóm B, rất cần thiết cho sự sống. Tác dụng lớn nhất của axit folic là bổ máu. Việc bổ sung axit folic gần như là bắt buộc đối với người thiếu máu, mệt mỏi, axit folic đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai. Điều đáng nói là axit folic rất dễ bị thay đổi tính hiệu dụng khi kết hợp với những loại thuốc khác, vì vậy cẩn thận là điều không thừa khi bổ sung vi chất này.
1. Không kết hợp với thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm thường được dùng trong việc điều trị chống viêm đau khớp với tác dụng nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng ngại là các loại thuốc chống viêm lại làm thay đổi chuyển hoá của axit folic, cụ thể là làm thay đổi hoạt tính của enzym didhydrofolat reductase. Do đó mà folic không thể trở thành một hạt nhân hoạt hoá cần thiết, làm mất đi tác dụng bổ máu và làm giảm tác dụng tổng hợp DNA, kích thích tạo tuỷ xương của loại vitamin này.
Bởi vậy, bạn không nên sử dụng các loại thuốc chống viêm như aspirin, sulphasalazin, sulindac, indomethacin, naproxen, axit salicylic, ibuprofen, piroxicam… khi đang bổ sung acid folic. Nếu việc điều trị với thuốc chống viêm và bổ sung acid folic là bắt buộc, bạn nên uống axit folic trước thuốc chống viêm ít nhất 4 tiếng đồng hồ.
2. Cẩn thận với thuốc dạ dày
Axit folic được hấp thu chủ yếu ở trong dạ dày, nhờ các loại acid có trong dạ dày. Nồng độ axit cao trong dạ dày tạo điều kiện cho folic dễ hoà tan và dễ được hấp thu hơn.
Tuy nhiên, trong điều trị các bệnh lý dạ dày, chúng ta phải thường xuyên dùng thuốc chống tiết acid để làm giảm nồng độ acid trong dạ dày. Tác dụng của thuốc sẽ giúp bạn chống lại tình trạng viêm loét nhưng lại vô tình làm giảm hấp thu acid folic.
Nếu như việc sử dụng cùng lúc hai loại thuốc này là bắt buộc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc tăng liều lượng axit folic nạp vào cơ thể, để bù trừ lại phần thiếu hụt do giảm hấp thu mà thuốc trị bệnh dạ dày gây ra.
3. Tránh xa thuốc hạ mỡ máu
Nếu bạn là nạn nhân của chứng tăng mỡ máu thì rất có thể bạn sẽ được uống đồng thời hai thứ thuốc là folic và thuốc hạ mỡ máu. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với cholestyramin, một loại thuốc hạ mỡ khá phổ biến, có tác dụng điều chỉnh lượng cholesterol trong máu. Bởi loại thuốc này sẽ làm thay đổi nghiêm trọng khả năng hấp thu của ruột, gây giảm hấp thu nghiêm trọng axit folic.
Các thử nghiệm y khoa cho thấy: Những người sử dùng cholestyramin trên 1 tháng có dấu hiệu thiếu folic. Nếu dùng thuốc kéo dài thì sẽ mắc bệnh thiếu folic thực thụ, ngay cả khi bạn vẫn bổ sung axit folic qua thực phẩm bạn ăn mỗi ngày.
Để đối phó với tình trạng này, chúng tôi khuyên bạn, nếu phải dùng chung, hãy uống viên bổ sung folic trước ít nhất 2 - 3h đồng hồ rồi mới uống thuốc điều chỉnh mỡ máu. Thêm nữa, bạn không nên dùng thuốc hạ mỡ máu này kéo dài. Giữa các đợt dùng thuốc nên cách nhau khoảng 2 tuần để cơ thể có thời gian bổ sung phần acid folic thiếu hụt từ các loại thực phẩm hoặc các viên uống bổ sung.
4. Nói không với rượu
Rượu (không ngoại trừ rượu thuốc) được chứng minh là thủ phạm gây ra sự giảm hấp thu folic trong ruột. Khi đi vào cơ thể, rượu phá huỷ gan nên làm giảm lượng folic dự trữ ở trong gan đồng thời tác động trực tiếp lên axit folic và làm giảm hoạt tính của nó.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm nghiệm và phát hiện, hầu hết những người nghiện rượu 2 năm đều bị thiếu axit folic.. Thí nghiệm trên động vật (khỉ) cho thấy, khi cho một con khỉ uống rượu thường xuyên, trong một thời gian ngắn, con vật này sẽ bị thiếu máu do thiếu axit folic. Lý giải điều này người ta giả thuyết cho rằng rượu đã làm thay đổi hoạt tính các chất bề mặt có tác dụng hấp thu folic.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons