Nếu tưởng giấc ngủ là khoảng thời gian để ngưng hoạt động của cơ thể thì lầm. Đó chính là khoảnh khắc quý giá để cơ thể chủ động tổng hợp kháng thể, huy động thực bào, gia tốc tiến trình hồi phục, điều chỉnh thần kinh giao cảm, hưng phấn chức năng tư duy...
Thiếu ngủ chính là đòn bẩy khiến sức đề kháng bị xói mòn. Nhưng không thể vì thế mà chấp nhận trả giá cao với phản ứng phụ của thuốc an thần.
Mua thuốc độc trả góp
Nhiều người đang vung tay quá trán với thuốc an thần chắc chắn đã "không uống không vào giường" nếu biết là:
- Tỉ lệ tai biến mạch máu não ở người quen dùng thuốc an thần cao gấp ba nếu so với người không lệ thuộc thuốc!
- Số trường hợp đau đầu kinh niên ở người dùng thuốc ngủ cao gấp bốn lần số người không cần thuốc!
- Tỉ lệ tử vong ở người nhồi máu cơ tim trước đó thường dùng thuốc an thần cao gấp đôi số nạn nhân tuy cũng vào phòng cấp cứu nhưng ít khi uống thuốc ngủ!
Đáng nói là theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart, CHLB Đức, không dưới 1/3 số người mất ngủ không nhất thiết phải dùng thuốc an thần loại hóa chất tổng hợp mà chỉ cần điều chỉnh nếp sinh hoạt, nhiều khi chỉ cần thay đổi vài thói quen xoay quanh giờ ngủ, thay vì nhanh tay mở tủ thuốc đầu giường!
Nguyên tắc đơn giản để dễ ngủ: Không vào giường nếu không buồn ngủ.
Giải pháp trong tầm tay
Theo chuyên gia về bệnh lý do stress ở ĐH y Munich, nhiều người đang mất ngủ đã có thể yên giấc hơn nhiều nếu áp dụng một số biện pháp sau:
- Không vào giường nếu chưa buồn ngủ. Không dùng giường ngủ như nơi làm sổ sách, đánh máy vi tính, đọc báo… vì cơ thể sẽ tiếp tục nhịp làm việc thay vì đổi hệ qua chế độ nghỉ ngơi!
- Không ngủ thì thôi nhưng hễ ngủ thì ráng tối thiểu bảy tiếng đồng hồ. Ngủ ít hơn là lý do gây tình trạng quen dần với giờ đánh thức mới khiến gia chủ choàng tỉnh khi đồng hồ mới gõ hai, ba tiếng!
- Tránh ngủ trễ và dậy trễ hơn vào cuối tuần vì nhịp sinh học bị xáo trộn khi bước vào ngày đầu tuần và sau đó gây mất ngủ cả tuần!
- Nên ngủ trưa khoảng 30 phút. Không cần lâu hơn và đừng ngả lưng sau 15 giờ.
- Đừng ngủ gà ngủ gật trước máy truyền hình vì khi vừa đứng lên vào giường thì trung khu điều hành giấc ngủ phát ngay tín hiệu đánh thức do tưởng đã xong giấc ngủ.
- Đừng bực tức nếu lỡ thức giấc nửa đêm, cũng đừng hối hả tìm lại giấc ngủ bằng mọi giá vì với trung khu thần kinh thì giấc ngủ đằng nào cũng đã vãn tuồng.
- Tránh ăn quá no sát giờ ngủ nhưng cũng đừng để bụng quá đói trước khi đi ngủ. Trung khu điều khiển giấc ngủ rất nhạy cảm với năng lượng nên thừa hay thiếu đều không hoạt động.
Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở người bệnh tiểu đường nếu đường huyết đến tối vẫn còn cao, cũng như ở người có đường huyết quá thấp khi sắp lên giường.
- Đừng gây trở ngại cho hoạt động của trung khu điều khiển giấc ngủ bằng cách uống cà phê hay rượu bia vào buổi tối. Cho dù có ngủ được nhờ say mềm thì khi thức dậy khó tránh mệt nhừ. Hậu quả là "túy khách" khó tránh mất ngủ trong những đêm sau đó, trừ khi ngày nào cũng xỉn!
- Đừng chơi thể thao quá sát giờ ngủ vì dễ gây hao hụt canxi và magiê, hai khoáng tố vốn cần thiết để trấn an hệ thần kinh.
- Tránh xem phim tình tiết éo le hay bàn cãi công việc gay gắt trước giờ ngủ vì sau đó khó tránh nhập vai ngay trong giấc ngủ rồi trăn trở suốt đêm.
- Đừng vội vã dùng ngay thuốc ngủ khi vừa mất ngủ vì chỉ khiến gia chủ ngày càng lệ thuộc thuốc và bắt buộc tăng liều lượng để mua thuốc độc trả góp từng đêm.
Trái lại nên thử áp dụng các phương pháp không dùng thuốc như thiền định, ấn huyệt, ngâm chân nước ấm, tắm nước nóng và nước lạnh…, cũng như ưu tiên cho dược thảo có tính an thần như lạc tiên, vông nem, sen…
- Đừng quên là nhiều khi nhờ cây thuốc có công năng giải độc cho cơ thể như actisô, linh chi… mà lại ngủ ngon.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét