Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh hơn, phải dùng nhiều thuốc hơn và thường là bệnh mạn tính. Một bệnh đã phải dùng vài ba thuốc nhân lên với vài ba bệnh.
Vì thế người cao tuổi là đối tượng tiêu thụ thuốc nhiều nhất nên khi sử dụng cần cảnh giác với các tác dụng phụ không mong muốn (ADR) ở đối tượng này. Tỷ lệ ADR ở lứa tuổi 60-70 có thể gấp đôi tỷ lệ ở người 30-40 tuổi.. .
Một số nguy cơ do thuốc
- Rối loạn giấc ngủ: Khi điều trị bệnh cho người cao tuổi một số thuốc gây nên sự rối loạn này như thuốc giãn phế quản (gây khó ngủ), thuốc lợi tiểu (gây mất ngủ do tiểu tiện đêm), thuốc corticoid (dùng lâu ngày có thể gây chứng ngừng thở khi ngủ)…
- Tụt huyết áp tư thế đứng: (rất hay xảy ra với người cao tuổi), đó là các thuốc an thần, gây ngủ; các thuốc chống parkingson, các thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng histamin H1 (chlopheniramin, các thuốc cảm cúm). Người cao tuổi khi uống thuốc này nên thận trọng trong việc đổi tư thế. Ví dụ, khi uống thuốc đang ngồi đứng dậy phải từ từ. Nếu đứng bật dậy rất dễ gây tụt huyết áp tư thế đứng (thấy choáng váng) rất nguy hiểm.
- Rối loạn nhận thức: có một số thuốc có tác dụng phụ gây lú lẫn, hay quên, mất trí nhớ như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật (phenytoin hay barbiturat), thuốc trị tăng huyết áp… Thậm chí một số kháng sinh cũng có những tác dụng phụ này. Ở người cao tuổi, đây là rối loạn rất dễ nhầm với hiện tượng lão suy làm sút giảm trí tuệ.
- Mất thăng bằng tư thế, gây ngã ở người cao tuổi: cùng với tuổi tác khả năng giữ thăng bằng của cơ thể giảm kết hợp với tác dụng phụ của thuốc (làm cho cơ thể mất khả năng điều hoà tư thế) rất dễ gây ngã. Ngã của người cao tuổi rất nguy hiểm vì lúc này xương đã bị loãng (mất can-xi trong xương, mất cả độ mềm dẻo của xương) nên xương giòn rất dễ gãy và khó liền. Một số thuốc cần lưu ý như thuốc trị tăng huyết áp (dễ gây hạ huyết áp tư thế đứng), thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm (làm rối loạn sự giữ thăng bằng làm người cao tuổi dễ ngã )…
- Giảm điều hoà thân nhiệt: ở người cao tuổi khả năng điều hoà thân nhiệt giảm. Một số thuốc: nhóm phenothiazin, benzodiazepin, opid (codein, proprapamin)... rất dễ gây hạ thân nhiệt ở người cao tuổi. Nếu hạ quá không biết để cấp cứu kịp thời rất dễ gây tử vong.
- Rối loạn hoạt động tình dục: Không chỉ do quá trình tuổi tác mà có nhiều loại thuốc trong thời gian sử dụng ảnh hưởng đến hoạt động tình dục ở người cao tuổi. Ví dụ, các thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương (thuốc chống trầm cảm, thuốc trị tăng huyết áp như methyldopa, chẹn beta, reserpin…) có thể làm giảm ham muốn, gây "bất lực" ở nam giới.
Người cao tuổi không nên tự ý sử dụng thuốc.
|
Và lưu ý khi sử dụng
Người cao tuổi do giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch nên hay bị táo bón. Do vậy tỷ lệ người cao tuổi dùng thuốc nhuận tràng cũng nhiều hơn. Khi dùng một thuốc nào đó cùng với thuốc nhuận tràng rất có thể thuốc đó sẽ bị tống ra ngoài sớm (do thuốc nhuận tràng làm tăng nhu động ruột) sẽ làm giảm hấp thu làm cho tác dụng của thuốc dùng đồng thời với thuốc nhuận tràng giảm hoặc mất tác dụng. Khi bán thuốc cho người cao tuổi nên hỏi xem họ có đang dùng thuốc nhuận tràng hay không (có thể tự dùng hoặc bác sĩ kê dùng).
Cùng với tuổi tác càng cao thì trí nhớ của người cao tuổi sẽ giảm nên khi dùng thuốc người cao tuổi có thể quên tên thuốc, liều dùng hoặc nhầm lẫn thuốc, liều dùng... Điều này sẽ rất nguy hiểm nên khi dùng thuốc cần có sự trợ giúp của người thân (con, cháu..)
Đau xương khớp, loãng xương ở người cao tuổi khiến họ ngại vận động nên uống thuốc ở tư thế nằm làm cho thuốc không xuống tới dạ dày kết hợp với lượng nước uống ít nên thuốc đọng lại ở thực quản (gây loét với một số thuốc), gây sỏi thận (như sulffamid) nếu uống ít nước. Vì thế, khi uống thuốc nên ở tư thế đứng, và uống với nhiều nước.
Song song với việc lựa chọn những thuốc đặc hiệu trong điều trị thì việc lựa chọn những thuốc có dạng dễ sử dụng là một việc làm cần lưu tâm.
Độ tinh tường của mắt người cao tuổi bị giảm sút nên cần ưu tiên những thuốc có nhãn to rõ để người già dễ đọc, dễ lấy chính xác. Trong các loại thuốc uống, thì có lẽ những thuốc dạng viên là gây khó chịu nhất với người cao tuổi, nhất là những viên thuốc đóng kích cỡ quá to vì chúng rất khó nuốt. Hãy ưu tiên sử dụng những thuốc dạng viên nhỏ hay dạng nước trong kê đơn điều trị.
Để phát huy cao nhất hiệu quả điều trị của thuốc và hạn chế thấp nhất các tai biến do thuốc gây nên người cao tuổi không nên tự ý sử dụng thuốc. Khi đang sử dụng thuốc nếu thấy có biểu hiện bất thường, không nên tự ý bỏ hoặc ngừng thuốc hay thay thế thuốc khác mà phải báo cho bác sĩ biết để có cách xử lý phù hợp.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét