Sử dụng bừa bãi, lạm dụng kháng sinh khiến gia tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong.
Nhiều vi khuẩn đã nhờn với kháng sinh đặc trị |
Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.
Cụ thể năm 2011, toàn cầu có khoảng 640.000 trường hợp lao đa kháng thuốc; khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc 2 và bậc 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng.
Ký sinh trùng sốt rét Falciparum kháng với artemisinin đang nổi lên ở Đông Nam Á, kháng với chloroquine phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới.
Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng.
Đó là lý do tại sao WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Điều này được hiểu, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh thì trong tương lai không xa, chúng ta không có thuốc để trị bệnh.
Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh năm 2009 cho thấy có đến 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40 - 60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem.
Ngoài ra,báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ sử dụng kháng sinh trung bình ở nước ta là 274,7 DDD/100 ngày/giường. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với báo cáo của Hà Lan (58,1 DDD/100 ngày/giường và báo cáo từ 139 bệnh viện của 30 nước châu Âu là 49,6 DDD/100 ngày/giường).
Nguy cơ tử vong cao
Tại buổi lễ ký kết văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, vì thế việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh.
Song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới.
Đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng; chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại: là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, kháng thuốc có thể đảo lộn các thành tựu đạt được trong nhiều chương trình y tế và tác động nghiêm trọng tới công tác quản lý và kiểm soát các bệnh lây nhiễm, đồng thời là nguy cơ làm ảnh hưởng tới sự thành công của các phương pháp điều trị và can thiệp y học hiện đại.
Vị Bộ trưởng cũng cảnh báo, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong nông nghiệp và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
Chung quan điểm này, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng kháng thuốc mở rộng nhiều năm nay. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng. Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của thuốc mới. Chúng ta có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh".
Trong khi đó, theo Bộ trưởng thì khung pháp lý và hệ thống các văn bản quy định hiện hành chưa đủ để đối phó, giám sát và ngăn chặn những nguy cơ đa chiều của việc kháng thuốc. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng sự phối hợp về chính sách và hành động giữa các Bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ với sự hỗ trợ toàn diện của cộng đồng và các đối tác phát triển là hết sức cần thiết. Điều này giúp cải thiện tình trạng kháng kháng thuốc hiện nay ở nước ta.
Sáng 24/6, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức lễ ký kết văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và nhiều tổ chức quốc tế khác. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ký cam kết về phòng chống kháng thuốc.
Theo N. Huyền - Infonet
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét