Tinidazol là dẫn chất imidazol tương tự metronidazol, có tác dụng với cả động vật nguyên sinh và vi khuẩn kỵ khí. Cơ chế tác dụng của tinidazol với vi khuẩn kỵ khí và nguyên sinh động vật là thuốc thâm nhập tế bào của vi sinh vật và sau đó phá hủy chuỗi ADN hoặc ức chế tổng hợp ADN.
Tinidazol có tác dụng phòng và điều trị các nhiễm khuẩn đường mật hoặc đường tiêu hóa, điều trị áp xe và điều trị các nhiễm khuẩn kỵ khí như viêm cân mạc hoại tử và hoại thư sinh hơi. Trên thực tế thường gặp các nhiễm khuẩn hỗn hợp, do vậy cần phải phối hợp tinidazol với các kháng sinh khác một cách hợp lý để có thể loại trừ được cả các vi khuẩn hiếu khí.
Ðể phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, có thể phối hợp tinidazol với gentamicin hoặc tinidazol với cephalosporin, dùng trước và trong khi phẫu thuật. Không nên dùng thuốc tiếp sau phẫu thuật, dùng thuốc dự phòng kéo dài không tăng tác dụng phòng ngừa mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiềm ẩn và kháng thuốc.
Tinidazol cũng thường phối hợp với các kháng sinh khác trong các trường hợp dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do các vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt các nhiễm khuẩn liên quan tới phẫu thuật đại tràng, dạ dày và phụ khoa.
Điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí như viêm màng bụng, áp xe; viêm nội mạc tử cung, viêm cơ nội mạc tử cung, áp xe vòi buồng trứng, viêm âm đạo không đặc hiệu; nhiễm khuẩn huyết; nhiễm khuẩn vết thương sau phẫu thuật; nhiễm khuẩn da và các mô mềm; nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phổi, viêm màng phổi mủ, áp xe phổi; nhiễm amip ở gan...
Khi dùng thuốc, cần lưu ý một số vấn đề như: trong thời gian uống thuốc không nên dùng các chế phẩm có rượu vì có thể có phản ứng đỏ bừng, co cứng bụng, nôn, tim đập nhanh.
Nếu dùng cùng lúc với cimetidin có thể làm giảm thải trừ tinidazol ra khỏi cơ thể. Có thể do cimetidin ức chế chuyển hóa tinidazol ở gan, nên làm tăng cả tác dụng điều trị lẫn độc tính. Nếu dùng cùng rifampicin có thể làm tăng thải tinidazol và làm giảm tác dụng điều trị.
Thuốc cũng có tác dụng không mong muốn nhưng ít gặp như viêm tĩnh mạch huyết khối, đau nơi tiêm (nếu là thuốc tiêm), buồn nôn, ăn không ngon, đau bụng; thay đổi vị giác nhất thời; chóng mặt nhức đầu, đau xương khớp…
Mặc dù hầu hết các phản ứng này thường tự hết và không có nguy cơ đe dọa tính mạng, nhưng nếu gặp một trong các trường hợp dị ứng trên, bệnh nhân cần ngừng điều trị và hỏi ý kiến của bác sĩ.
Theo ThS Nguyễn Vân Anh - Sức khỏe và đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét