Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Thuốc điều trị phỏng

Hàng ngày, phỏng vẫn diễn ra thường xuyên, không những gây nên nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bệnh mà còn gây tốn kém chi phí và thời gian điều trị.

Tìm hiểu về phỏng
Phỏng gây ra do sơ ý, bất cẩn hay tai nạn… với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng, có thể để lại di chứng hay thậm chí dẫn đến tử vong.
Có nhiều tác nhân gây ra phỏng như: do nhiệt, điện, hóa chất, bức xạ hay sự cọ xát.
Phỏng làm tổn thương da và các mô sâu dưới da. Tùy theo độ sâu và mức độ lan rộng của da. Phỏng được chia làm 3 loại:
Phỏng độ 1: tổn thương ở lớp biểu bì của da, với các biểu hiện da đỏ, đau và rất nhạy cảm khi chạm vào.
Phỏng độ 2: tổn thương ở lớp bì của da, với các biểu hiện da đỏ, đau, nhạy cảm khi chạm vào và thường xuất hiện các mụn nước ở trên da.
Phỏng độ 3: tổn thương suốt chiều sâu của da và các mô dưới da, với các biểu hiện da có màu trắng, đen, kém nhạy cảm khi chạm vào và không đau (do các dây thần kinh cảm giác ở dưới da bị tổn thương), ít xuất hiện mụn nước.
Ngoài ra tùy theo mức độ tổn thương, phỏng chia làm 2 loại:
Phỏng nhẹ: phỏng độ 1 và phỏng nhỏ độ 2 (với diện tích bị phỏng nhỏ hơn lòng bản tay) được xếp vào phỏng nhẹ và điều trị tại nhà.
Lưu ý với phỏng nhẹ, trước khi điều trị cần rửa sạch vùng da bị phỏng dưới vòi nước mát từ 15 - 20 phút và tránh làm vỡ mụn nước.
Phỏng nặng: phỏng độ 3, phỏng lớn độ 2, phỏng do hóa chất và phỏng ở tay, chân, mặt, háng được xếp vào phỏng nặng, cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Thuốc điều trị phỏng
Các thuốc sử dụng trong điều trị phỏng phải dựa trên mức độ tổn thương mà phỏng gây ra:
Thuốc giảm đau: trong trường hợp phỏng nhẹ, có thể giảm đau với paracetamol hay các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như: ibuprofen, diclophenac…
Trong trường hợp phỏng nặng, có thể giảm đau với các thuốc giảm đau opioid như: codein, tramadol…
Thuốc sát trùng ngoài da: các dung dịch thuốc sát trùng như: oxy già, povidone-iodine, cetrimide, chlor hexidine… được thoa trực tiếp lên vùng da bị phỏng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh: được sử dụng để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và giúp mau lành vết thương do phỏng gây ra.
Tùy theo vị trí tác dụng, thuốc kháng sinh được chia làm 2 loại:
Tác dụng toàn thân: thuốc kháng sinh sử dụng qua đường uống hay qua tiêm truyền tĩnh mạch. Các nhóm thuốc kháng sinh thường được sử dụng:
Nhóm beta - lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin...).
Nhóm aminoglycosid (streptomycin, kanamycin...).
Nhóm quinolon (offloxacin, ciprofloxacin...).
Tác dụng tại chỗ: thuốc kháng sinh sử dụng qua dạng thuốc dùng ngoài (thuốc mỡ, kem…) có chứa neomycin, polymycin, sulfadiazine bạc…).
Thầy thuốc sẽ chọn lựa loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị (dùng riêng lẻ hay phối hợp kháng sinh) tùy theo mức độ phỏng và sự đáp ứng điều trị của thuốc.
Cần lưu ý:
Thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ với mức độ nhẹ như: dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy… hoặc thậm chí nghiêm trọng như: sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong!
Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài có thể gây ra rối loạn cân bằng tạp khuẩn đường ruột và nhiễm nấm candida ở da, miệng, ruột…
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch như lactat ringer giúp bù muối cho cơ thể, để ngăn ngừa biến chứng sốc (mất nước, rối loạn điện giải…) do phỏng gây ra.
Vắcxin: trong phẫu thuật ghép da ở phỏng độ 3, để ngăn ngừa uốn ván, bệnh nhân cần được tiêm ngừa vắcxin phòng uốn ván.
Ngoài ra, một số loại thuốc mỡ, kem… có nguồn gốc từ dược liệu (mù u, nghệ, lô hội, rau má…) cũng được sử dụng trong điều trị phỏng.
Theo DS Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và đời sống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons