Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Những người nên thận trọng khi bổ sung dầu cá


Hiểu đúng về dầu cá
Anh Trường Giang (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) làm công việc văn phòng, một ngày ngồi trước máy tính khoảng 9 tiếng. Mắt anh bị cận thị khoảng 1 độ, thỉnh thoảng anh hay bị mỏi mắt, chảy nước mắt. Một đợt, anh đi khám sức khỏe tổng quát thì nhận được kết quả là chỉ số mỡ trong máu cao. “Tôi có kể tình trạng của mình cho một số người bạn nghe thì họ khuyên là nên mua dầu cá uống, vừa bổ sung vitamin A tốt cho mắt, lại vừa giúp ổn định lại chỉ số mỡ trong máu”, anh kể.
Anh Giang uống dầu cá trong suốt một năm trời và cảm thấy đúng là mắt mình đỡ mỏi, không bị chảy nước mắt nữa. Tuy nhiên, khi đi khám sức khỏe thì hàm lượng cholesterol trong máu anh lại tăng cao hơn. “Tôi thắc mắc thì các bác sỹ trả lời rằng, dầu cá chỉ có tác dụng hỗ trợ, ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể do chế độ dinh dưỡng của tôi không tốt, ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia rượu thì dù có uống bao nhiêu dầu cá vẫn bị tăng mỡ máu”, anh chia sẻ.
Những người nên thận trọng khi bổ sung dầu cá
Sử dụng tùy tiện dầu cá có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (ảnh minh họa)
Theo BS Hoàng Oanh, nhiều người nhầm tưởng dầu cá là “thần dược” chữa được nhiều bệnh. Thực chất thì không phải như thế. “Dầu cá rất có hiệu quả đối với những người bị viêm khớp, đau lưng vì nó giúp giảm sưng, giảm đau. Dầu cá còn giúp giảm nguy cơ máu vón cục, ngăn ngừa các nếp nhăn, giúp tăng cân, tim khỏe mạnh… Tuy là thuốc bổ nhưng dầu cá không phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Nếu sử dụng tuỳ tiện, dầu cá sẽ bị phản tác dụng, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng”, bác sỹ Oanh nói.
Vị bác sỹ cho biết, dầu cá là thuốc hoặc thực phẩm chức năng có dạng viên nang mềm chứa vitamin tan trong dầu hoặc chất bổ dưỡng. Có 2 loại dầu cá thông dụng. Loại thứ nhất là dầu cá chứa vitamin tan trong dầu là vitamin A, D. Loại thứ hai là dầu cá chứa acid béo omega-3, omega-6.
Những người cần thận trọng khi dùng dầu cá
Đối tượng cần rất cẩn thận khi sử dụng dầu cá là trẻ nhỏ. Mặc dù hàm lượng DHA có trong dầu cá rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhưng chất EPA có trong dầu cá thì lại gây hại cho các cơ quan trong cơ thể trẻ.
Một số phụ huynh cho con uống dầu cá để bổ sung vitamin A, vitamin D với hy vọng trẻ phát triển tốt về mắt, xương. Đúng là nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị quáng gà, khô mắt, có thể dẫn đến mù mắt, dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp… Còn nếu trẻ thiếu vitamin D thì sẽ thiếu chất khoáng cho xương, răng, dẫn đến còi xương, chậm lớn.
Bổ sung dầu cá là biện pháp 2 trong 1 vì cung cấp cả 2 loại vitamin rất quan trọng này. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều dầu cá sẽ dẫn đến thừa vitamin A, có thể khiến trẻ sơ sinh bị tăng áp lực sọ não, gây lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác; quá liều vitamin D thì sẽ khiến trẻ bị chán ăn, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Vì thế, các bác sỹ khuyến cáo, hằng ngày, trẻ chỉ nên uống lượng dầu cá hoặc vitamin A, D tương ứng với 2.500 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và 400 IU vitamin D.
Bác sỹ Oanh cho biết: “Những người có bệnh về đường tiêu hóa cũng nên thận trọng khi sử dụng dầu cá. Bởi khi được bổ sung vào cơ thể một liều lượng dầu cá quá mức, hệ tiêu hóa không có khả năng để hấp thụ, tiêu hóa hết được. Lúc này dầu cá sẽ giải phóng khí sinh ra trướng bụng, đầy hơi, ấm ách, gây đau bụng dữ dội”.
Phụ nữ có thai và cho con bú thì không nên sử dụng dầu cá thô, vì các kim loại nặng, các chất ô nhiễm trong dầu cá có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi và mẹ. Phụ nữ mang thai khi sử dụng dầu cá cần tuân theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ, liều lượng uống không được quá 5.000 IU vitamin A/ngày.
Một nghiên cứu về ung thư tuyến tiền liệt của Mỹ công bố vào năm 2013 cho thấy, có mối liên hệ giữa dầu cá và ung thư tuyến tiền liệt. Cụ thể, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng ở những người đàn ông có nồng độ axit béo omega-3 cao. Như vậy, các axit béo có liên quan đến sự phát triển của các khối u tuyến tiền liệt. Do đó, những người mắc bệnh tuyến tiền liệt cũng nên lưu ý khi bổ sung dầu cá.
"Đặc biệt, những người có vấn đề máu hoặc đang sử dụng thuốc kháng đông như warfarin, heparin, nếu muốn sử dụng dầu cá thì cần hỏi ý kiến bác sĩ vì dầu cá có thể làm loãng máu. Người bị dị ứng với cá khi dùng dầu cá cần cẩn thận vì có thể bị nôn ói, tiêu chảy...", bác sỹ Oanh khuyến cáo.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons