Vắc xin 5 trong 1 pentaxim giúp bảo vệ trẻ em phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn xâm lấn do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b ở trẻ em.
Những thông tin cần biết về vắc xin 5 trong 1 Pentaxim
Báo điện tử Tiền phong cho biết, vắc-xin Pentaxim do hãng Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất giúp phòng 5 loại bệnh khác nhau cho trẻ với chỉ 1 mũi tiêm, giúp bảo vệ trẻ em phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn.
Giúp bảo vệ trẻ em phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn xâm lấn do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b (viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết…) ở trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên.
Vaccine này không có tác dụng phòng nhiễm khuẩn do các týp Haemophilus influenzae khác hoặc phòng viêm màng não do các loại vi sinh vật khác gây ra.
Thành phần
- Bột pha tiêm: hộp 1 lọ bột vaccine Act-Hib đông khô + ống tiêm chứa vaccine DTaP-IPV 0,5 ml cho 1 liều tiêm chủng·
- Giải độc tố bạch hầu ≥ 30 IU·
- Giải độc tố uốn ván ≥ 40 IU·
- Giải độc tố ho gà: 25 mcg·
- Virus bại liệt týp 1 bất hoạt: 40 DU*a·
- Virus bại liệt týp 2 bất hoạt: 8 DU*a·
- Virus bại liệt týp 3 bất hoạt: 32 DU*a·
- Polysaccharide của Haemophilus influenzae týp b liên hợp với protein uốn ván: 10 mcg
- Các thành phần khác: sucrose, trometamol, hydroxid nhôm, môi trường Hanks không có đỏ phenol, formaldehyde, phenoxyethanol và nước cất.
Chú thích:
(* DU: đơn vị kháng nguyên D)
(a hoặc lượng kháng nguyên tương đương được xác định bằng một phương pháp hóa miễn dịch thích hợp)
Chống chỉ định
- Nếu trẻ có bệnh não tiến triển kèm co giật hoặc không co giật (bệnh thần kinh).
- Nếu trước đây trẻ đã có phản ứng mạnh trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vaccine: sốt cao từ 40°C trở lên, hội chứng khóc nhè dai dẳng, co giật khi sốt hoặc không kèm sốt; hội chứng giảm trương lực cơ - giảm phản ứng.
- Nếu trước đây trẻ có phản ứng dị ứng xảy ra sau khi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và nhiễm khuẩn Haemophilus influenzae týp b.
- Nếu trẻ dị ứng với các hoạt chất, bất cứ thành phần tá dược nào, neomycin, streptomycin và polymixin B.
Chú ý đề phòng và thận trọng trước khi dùng
- Bảo đảm không tiêm vaccine vào mạch máu (kim tiêm không được nằm trong mạch máu) hoặc tiêm trong da.
- Nên hoãn tiêm vaccine ở trẻ đang bị sốt hoặc có bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn hoặc bệnh mạn tính tiến triển.
- Nếu trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao không liên quan với lần tiêm vaccine trước đây, điều đặc biệt quan trọng là phải theo dõi nhiệt độ trong 48 giờ sau khi tiêm vaccine và dùng thuốc hạ nhiệt đề giảm sốt đều đặn trong 48 giờ.
- Nếu trẻ có phản ứng sưng phù chi dưới xảy ra sau khi tiêm một vaccine chứa thành phần Haemophilus influenzae týp b, thì nên tiêm vaccine bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt và vaccine Haemophilus influenzae týp b liên hợp ở hai vị trí tiêm khác nhau vào hai ngày khác nhau.
- Nếu trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị suy giảm miễn dịch, thì đáp ứng miễn dịch đối với vaccine sẽ giảm.
Danh mục tá dược gây ảnh hưởng được biết
- Formaldehyde.
- Sử dụng cùng với các dược phẩm khác: Trong trường hợp con bạn cần tiêm Pentaxim cùng lúc với các vắc-xin khác, hãy hỏi bác sĩ hay dược sĩ để biết thêm thông tin.
- Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu con bạn vừa mới dùng bất kỳdược phẩm nào, kể cả những dược phẩm mua không cần đơn của bác sĩ.
Tác dụng ngoại ý
- Các phản ứng tại chỗ như: đau, quầng đỏ, nốt cứng có thể gặp ở chỗ tiêm trong vòng 48 giờ sau khi tiêm.
- Các phản ứng toàn thân: sốt, dễ kích động, buồn ngủ, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, tiêu chảy, ói mửa, khóc nhè khó dỗ và kéo dài.
- Hiếm hơn, có thể thấy nổi mề đay, phát ban ngoài da, co giật kèm sốt hoặc không kèm sốt trong vòng 48 giờ sau khi tiêm.
- Tình trạng giảm trương lực cơ hoặc các đợt giảm trương lực cơ-giảm phản ứng đã được báo cáo.
- Sau khi tiêm các vaccine chứa thành phần Haemophilus influenzae týp b, phản ứng sưng phù chi dưới cũng đã được báo cáo. Những phản ứng này đôi khi đi kèm với sốt, đau và quấy khóc.
Vắc xin 5 trong 1 PentaximLiều lượng và cách dùng
- Liều lượng: Lịch tiêm chủng thường được khuyến nghị bao gồm tiêm chủng cơ bản với 3 mũi tiêm, cách nhau từ một đến hai tháng, kể từ khi trẻ được hai tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại một mũi trong năm thứ hai.
- Cách dùng:·
+ Hoàn nguyên vaccine bằng cách bơm hỗn dịch vaccine phối hợp bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào và bại liệt vào lọ bột vaccine liên hợp Haemophilus influenzae týp b.·
+ Lắc đều cho đến khi bột hòa tan hoàn toàn. Hỗn dịch sau khi hoàn nguyên màu trắng đục là bình thường.·
+ Vaccine phải được dùng ngay sau khi hoàn nguyên.
+ Dùng đường tiêm bắp. Tốt nhất, nên tiêm vaccine ở mặt trước-bên đùi (ở một phần ba giữa).
Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C (trong tủ lạnh). Không được để trong ngăn đá.
Cần cho trẻ dưới 5 tuổi tiêm phòng đúng lịch
Theo Infornet, PGS Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ, hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để phòng chống bệnh cho trẻ.
Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định an toàn tuyệt đối. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm).
Nếu trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đồng thời khi trẻ mắc bệnh còn là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Ông Phu cho biết qua giám sát dịch bệnh cho thấy phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số các bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Điều PGS Phu băn khoăn nhất là thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi ở trẻ 9 đến 12 tháng tuổi.
Theo ông Phu thì nguyên nhân dẫn đến việc các bậc phụ huynh không nắm được trẻ sau khi sinh cần được tiêm chủng những vắc xin phòng bệnh gì và lịch tiêm chủng như thế nào, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Do đó không chủ động cho con em mình đi tiêm chủng.
Thứ hai, đó là tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo đầy đủ vắc xin để tiêm cho trẻ đảm bảo đúng lịch.
Nguyên nhân hiện nay một số loại vắc xin tiêm theo hình thức dịch vụ như vắc xin vắc xin 6 trong 1- Infanrix Hexa (phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B và Haemophilus influenzae type B), vắc xin Pentaxim (phòng bệnh phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt và Haemophilus influenzae type B) không được các nhà sản xuất cung cấp một cách ổn định do đó dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc xin.
Bên cạnh đó vắc xin tiêm phòng Sởi trong vắc xin phòng Sởi và Rubella (MR) hoặc trong vắc xin phòng bệnh Sởi, Quai bi, Rubella (MMR) có lịch tiêm chủng vào lúc trẻ 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, còn nhiều người có tâm lý không đưa con đi tiêm chủng vì nhiều lý do khác như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm mà không đưa đi tiêm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm), trẻ bị mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi… do không được phòng bệnh đúng cách trong mùa đông xuân (như giữ ấm cho trẻ khi đi lại, cách ly với trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm…) dẫn đến mất cơ hội tiêm vắc xin phòng bệnh song cha mẹ lại không cho trẻ tiêm bù lại ngay và dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng. Đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Một lý do nữa khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, đó là ở các đô thị, trẻ di chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác song không kịp thời khai báo với cán bộ y tế xã, phường hiện tại mình sống để được tiêm chủng đúng lịch một cách kịp thời.
Để phòng bệnh cho trẻ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh các nhân cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách để trẻ không bị ốm, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch. Đặc biệt thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với trẻ hoãn tiêm cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể.
Lịch tiêm chủng cập nhật ngày 4/3/2015
Các bậc phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm chủng
Theo Thùy Linh - Gia Đình Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét