Do chủ quan, không hiếm người tự mua thuốc theo cảm tính mà không lường được hậu quả do tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Những ngày qua, cư dân mạng đặc biệt quan tâm đến chia sẻ của một bà mẹ đã cho con gái 6 tuổi của mình sử dụng cao dán chống say tàu xe khi về quê mà không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như chưa hỏi qua ý kiến của bác sĩ.
Đến khi thấy con có những biểu hiện bất thường như lơ mơ, không nhận thức được xung quanh, tự gây thương tích cho mình… gia đình chị hốt hoảng tìm hiểu.
Lúc này, người nhà mới hay loại cao dán này cấm dùng cho trẻ dưới 8 tuổi. Người từ 8 - 15 tuổi chỉ nên dùng 1/2 miếng.
Do cơ thể còn non yếu, chưa đủ tuổi dùng thuốc này nên bé nhà chị đã bị rơi vào trạng thái ảo giác và rối loạn tinh thần.
Hiện em bé đã qua cơn nguy hiểm nhưng dòng chia sẻ của bà mẹ này đã khiến không ít người giật mình vì thói quen tự dùng thuốc của bản thân.
Nói về hậu quả của các trường hợp bố mẹ tự ý cho con dùng thuốc mà không được bác sĩ kê đơn, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ:
''Đối với trẻ nhỏ, cơ thể còn non yếu nên việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn tới những triệu chứng cho trẻ như nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa, thậm chí phát ban tại các niêm mạc như hậu môn, miệng… gây hội chứng nhiễm độc da dị ứng.
Khi tới bệnh viện thường đã quá nặng, chữa trị khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó một số bậc cha mẹ tự ý cho con uống mà không để ý đến liều lượng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, nếu quá liều có thể gây nhiễm độc gan…''.
Ảnh minh họa
Các phóng viên của báo Đất Việt đã có cuộc khảo sát nhỏ tại một số hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội và không khó để thấy khá nhiều người dân đến mua thuốc mà không cần đơn chỉ định của bác sĩ.
Người dân chỉ tả sơ qua về triệu chứng bệnh, còn người bán chỉ cần nghe qua, không có bất cứ hành động thăm khám nào nhưng vẫn ''tự tin'' chẩn bệnh và bán thuốc cho bệnh nhân.
Thậm chí vì doanh thu mà nhiều nhà thuốc còn ''quên'' luôn việc khuyến cáo các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra cho người bệnh.
Chị Hoa ở Cầu Giấy cho biết: ''Khi bị cảm cúm, sốt hay viêm họng thông thường gia đình tôi tự uống thuốc theo tư vấn của người bán thuốc. Nếu khoảng 2 - 3 ngày không khỏi thì mới đến bệnh viện để khám vì vào viện mất rất nhiều thời gian mà tôi cũng không xin nghỉ làm ở cơ quan được''.
Không chỉ chủ quan không đi khám mà nhiều bà mẹ còn ''vô tư'' mua thuốc không rõ nguồn gốc với hy vọng con mình uống sẽ nhanh tăng cân.
Năm 2012, hàng loạt trẻ em nhập viện do nhiễm độc chì sau quãng thời gian dài dùng thuốc cam. Di chứng để lại là quá lớn như hôn mê, liệt, thậm chí có bé bị ảnh hưởng đến thần kinh trong suốt cuộc đời.
Khoa Chống độc, BV Bạch Mai, nơi từng tiếp nhận không ít bệnh nhân gặp phản ứng dị ứng do tự ý dùng thuốc, trong đó có cả những trường hợp đã tử vong.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Khoa chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo người dân:
''Dù bệnh nặng hay nhẹ cũng nên tìm đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, chẩn bệnh. Tuyệt đối không nghe đồn thổi hoặc tự áp dụng loại thuốc điều trị của người khác để dùng cho bản thân mình.
Không phải tất cả các loại bệnh đều phải dùng thuốc như: cảm lạnh ta có thể ăn một bát cháo hành nóng, uống nước gừng. Viêm họng do lạnh cần giữ ấm, súc miệng bằng nước muối chứ không cần dùng đến kháng sinh. Sốt do virus chỉ cần uống thuốc đề kháng như vitamin, bù nước bằng điện giải là đủ…''.
Theo các chuyên gia y tế, một số loại thuốc có thể hợp với người này nhưng lại gây nguy hiểm với người kia.
Ví dụ như kháng sinh penicillin, vitamin B1, nếu tự ý sử dụng rất có thể xảy ra phản ứng dị ứng của cơ thể, đặc biệt có thể xảy ra sốc phản vệ rất dễ đưa đến tử vong.
Tự ý dùng bừa bãi thuốc coticoides để trị đau nhức và dùng lâu ngày sẽ xảy ra các tai biến hết sức đáng tiếc như loãng xương, phù, cao huyết áp nhưng nếu dùng đúng thì thuốc có tác dụng chống viêm rất tốt.
Đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Dù đã có nhiều cải tiến nhưng việc khám chữa bệnh tại nước ta vẫn còn nhiều bất cập khiến tâm lý người bệnh ngại đến thăm khám.
Tuy nhiên, nếu quá chủ quan, tin vào khả năng ''chỉ cần uống thuốc là khỏi'' có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính sức khỏe của mình.
Vì vậy, dành thời gian để tìm hiểu kỹ loại thuốc mình định sử dụng hoặc tìm đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ tránh được trường hợp ''tiền mất tật mang'' cho bản thân mình và gia đình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét