Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Thuốc kháng sinh làm tăng bệnh sốt rét?

Sốt rét là bệnh gây nên bởi ký sinh trùng Plasmodium truyền từ người sang người, nhưng gần đây các nhà khoa học phát hiện thuốc kháng sinh có đóng góp không nhỏ làm tăng lây truyền bệnh sốt rét.

Mối liên quan giữa thuốc kháng sinh và lan truyền bệnh sốt rét
Tạp chí Nature Communications vừa cho biết các chuyên gia ở Trường cao đẳng Hoàng gia London (ICL) phát hiện ra mối liên quan giữa thuốc kháng sinh với nguy cơ lan truyền bệnh sốt rét, nhất là hai dòng thuốc penicillin và streptomycin. 
Sở dĩ hai kháng sinh này được chọn cho nghiên cứu là do chúng không được sử dụng cho điều trị bệnh sốt rét vì kém hiệu quả với ký sinh trùng sốt rét. Mục tiêu nghiên cứu là nhằm khám phá mức độ ảnh hưởng của hai loại kháng sinh nói trên đối với hệ sinh vật đường ruột của muỗi.
Thuốc kháng sinh làm tăng bệnh sốt rét?
Những triệu chứng điển hình khi bị sốt rét.
Trong nghiên cứu, máu bệnh nhân sốt rét được lấy để xét nghiệm, hai loại kháng sinh này được sử dụng dưới dạng máu chứa kháng sinh để làm mồi cho muỗi cái Anophelese, thủ phạm lan truyền sốt rét. 
Kết quả, các vi sinh vật đường ruột của những con muỗi hút máu có chứa kháng sinh giảm tới 70%. Một khi không có các vi sinh vật thì những con muỗi gây bệnh này dễ bị nhiễm sốt rét, làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ muỗi sang các đối tượng khác. 
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện thấy sự sống sót của muỗi cũng tăng lên đáng kể nếu chúng tiêu hóa kháng sinh. Điều này có nghĩa nếu bị nhiễm sốt rét, muỗi sẽ có thời gian sống dài hơn bình thường, làm cho số lượng muỗi truyền bệnh tăng lên đáng kể. 
Ngoài ra, loài muỗi hút máu có chứa kháng sinh còn có khả năng lây truyền bệnh trên quy mô rộng hơn so với những loài muỗi bình thường, tất cả những yếu tố này đều có thể làm tăng tỷ lệ lây lan bệnh sốt rét trong cộng đồng. Đặc biệt, khi tuổi thọ muỗi được nâng lên thì mức lan truyền bệnh sốt rét lại càng cao, làm trầm trọng thêm dịch sốt rét.
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Protozoa thuộc chi Plasmodium, chi này có bốn loài gây nhiễm bệnh. 
Nguy hiểm hơn cả là chi Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax, hai chi còn lại là Plasmodium ovale và Plasmodium malariae cũng gây bệnh nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. 
Nhóm các loài Plasmodium gây bệnh ở người thường được gọi chung là ký sinh trùng sốt rét, riêng loài P.knowlesi, phổ biến ở vùng Đông Nam Á, gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể gây nhiễm khuẩn nặng ở người. Triệu chứng giống như người mắc bệnh cúm: sốt cao và ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, da lạnh, sưng, ho khan, sưng lách và nôn ói... 
Căn bệnh thường gặp ở các nước nóng ẩm, khí hậu nhiệt đới. Riêng Mỹ, mỗi năm có thêm 1.500 ca mới, phần lớn là mang từ những vùng sốt rét trở về hoặc những người nhập cư từ những vùng chưa thanh toán dứt điểm sốt rét.
Tháng 12/2014, hãng tin Reuters, Anh cho biết, tỷ lệ tử vong vì sốt rét trong giai đoạn 2000 - 2014 trên quy mô toàn cầu giảm khoảng 47%, tương đương 584.000 người thiệt mạng mỗi năm. Kết quả này có được là do sử dụng liệu pháp kết hợp (ACT).
Liệu pháp này dựa trên cơ sở dùng artemisinin có nguồn gốc từ thảo dược của người Trung Quốc, tuy nhiên gần đây ký sinh trùng sốt rét lại đang có chiều hướng kháng thuốc thế hệ mới. Tại các vùng có dịch sốt rét, người ta sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị bệnh nhiệt đới, bệnh lao, HIV, bệnh cho trẻ sơ sinh bằng thuốc kháng sinh.
Việc dùng thuốc này có tác dụng làm tăng tỷ lệ sống sót cho trẻ sơ sinh và nhóm trẻ nhỏ nhưng mặt trái lại ít được quan tâm. Qua nghiên cứu ở 2 loại thuốc kháng sinh nói trên cho thấy, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh là có thật, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt rét cho con người.
Những nan giải hiện tượng kháng thuốc sốt rét và thuốc kháng sinh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), lan truyền sốt rét không chỉ do muỗi nhiễm bệnh mà còn do cả muỗi không nhiễm bệnh, đốt người mắc bệnh sau đó truyền cho người khỏe mạnh. 
Theo CDC, lợi ích của việc dùng thuốc kháng sinh là không thể phủ nhận, nhưng lạm dụng sẽ làm tăng đề kháng của vi khuẩn. Hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người ốm vì vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, trong số này có khoảng 23.000 người tử vong. 
Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển mà còn xuất hiện ở cả những nước công nghiệp phát triển ở Âu Mỹ, thậm chí còn xuất hiện cả những loại siêu khuẩn kháng kháng sinh.
ĐH Oxford, Anh mới đây đã công bố một nghiên cứu mẫu máu của 1.241 bệnh nhân sốt rét tại 10 quốc gia châu Á và châu Phi từ tháng 5/2011 đến tháng 4/2013. 
Đây là nhóm bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống sốt rét trong thời gian 6 ngày, 3 ngày dùng artemisinin và 3 ngày dùng artemisinin kết hợp với liệu pháp ACT để đánh giá mức độ ký sinh gây sốt rét bị tiêu diệt. Kết quả, sự kháng thuốc chống sốt rét đã xuất hiện ở nhiều nơi như miền Bắc và miền Tây Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Đông Myanmar. 
Theo WHO, hiện tượng kháng artemisinin hoặc các thế hệ thuốc sốt rét mới sẽ là thảm họa nếu tiếp tục tiến triển, vì vậy cộng đồng thế giới cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ mối nguy hiểm, chủ động phòng chống một cách hiệu quả, kể cả giải pháp tiêu diệt muỗi, nằm ngủ có mùng màn và thực hiện tốt mọi quy định về phòng chống và điều trị bệnh sốt rét do ngành y tế quy định.
Theo Khắc Nam - Sức khỏe và Đời sống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons