Khi mua thuốc về thông thường người bệnh chia liều uống thuốc theo bữa ăn mà không biết rằng có rất nhiều loại thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Những thức ăn này làm cho việc chữa bệnh kém hiệu quả hoặc tăng độc tính của thuốc gây độc cho cơ thể. Vậy thức ăn có liên quan tới quá trình uống thuốc điều trị bệnh như thế nào?
Làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày
Nếu uống thuốc lúc đói (dạ dày rỗng), thuốc chỉ lưu lại ở dạ dày khoảng 10-30 phút rồi được tống ngay xuống ruột. Trái lại, nếu uống thuốc sau bữa ăn (dạ dày đã chữa đầy thức ăn), thời gian lưu lại của thuốc ở dạ dày có thể từ 1-4 giờ. Điều này ảnh hưởng tới sinh khả dụng của nhiều thuốc.
Thời điểm uống thuốc quyết định hiệu quả chữa bệnh.
Các thuốc có độ tan kém như propoxyphen sẽ có lợi khi lưu lại ở dạ dày lâu vì thời gian này sẽ giúp thuốc chuyển thành dạng tan tốt hơn trước khi chuyển xuống ruột để hấp thu. Trái lại, các thuốc kém bền trong môi trường acid như ampicillin, erythromycin... nếu bị lưu lại lâu trong dạ dày sẽ tăng khả năng bị phá hủy và do đó giảm tác dụng.
Với các thuốc được bào chế dưới dạng viên nang bao tan trong ruột, viên giải phóng chậm thì việc giữ lại ở dạ dày lâu là hoàn toàn bất lợi vì màng bao viên thuốc có thể bị vỡ, gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Các thuốc loại này nên uống trước bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ hoặc 1-2 giờ sau khi ăn.
Cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột
Nếu uống thuốc sau bữa ăn, thuốc sẽ bị khối thức ăn cản trở và di chuyển chậm trong ống tiêu hóa. Lợi dụng yếu tố này đối với các thuốc giải phóng chậm, thuốc cần tác dụng tại chỗ trong lòng ruột cần uống thuốc vào thời điểm sau khi ăn khoảng 1-2 giờ là thích hợp.
Ngoài ra, thức ăn kích thích sự tiết mật, đặc biệt là thức ăn giàu chất béo (điều này sẽ có lợi cho việc hấp thu các thuốc tan nhiều trong mỡ như thuốc chống nấm griseofulvin, các vitamin A, D, E, K...), hoạt hóa hệ thống men vận chuyển các chất qua thành ruột (nhờ vậy mà sự hấp thu các thuốc có bản chất là các hợp phần dinh dưỡng như các vitamin, glucoza, acid amin, các muối khoáng... sẽ dễ dàng hơn).
Ảnh hưởng của các hợp phần thức ăn đến sự hấp thu của thuốc
Bữa ăn giàu chất béo, quá nhiều đường, quá mặn hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày đến ruột. Điều này ảnh hưởng không tốt đến các thuốc kém bền vững trong môi trường acid của dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non.
Ảnh hưởng của thức ăn đến sự hấp thu thuốc còn phụ thuộc nhiều vào dạng bào chế của thuốc: các dạng thuốc rắn, thuốc có độ tan thấp bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhiều hơn các dạng thuốc lỏng, thuốc ở dạng dung dịch, cồn thuốc... Ví dụ: aspirin dạng viên nén uống sau khi ăn sẽ bị giảm tác dụng tới 50%, trong khi đó aspirin dạng sủi bọt lại không bị thức ăn cản trở hấp thu.
Như vậy, thức ăn làm ảnh hưởng nhiều tới quá trình hấp thu của thuốc, theo đó quyết định hiệu quả chữa bệnh. Vì vậy, khi mua thuốc hoặc được bác sĩ kê đơn, người bệnh nên hỏi rõ dược sĩ hoặc bác sĩ về thời điểm uống thuốc, nên uống trước hay sau ăn.
Cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và xem kỹ đó có phải là loại viên nang bao tan trong ruột hay viên giải phóng chậm... hay không để dùng thuốc sao cho có hiệu quả nhất và tránh tai biến do việc sử dụng thuốc không đúng gây ra.
Theo BS. Đinh Ngọc San - Sức khỏe và Đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét