Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu. Trong đó, thiếu máu do thiếu sắt (Fe) là bệnh lý thường hay gặp ở vùng dân cư có mức sống thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu. Trong đó, thiếu máu do thiếu sắt (Fe) là bệnh lý thường hay gặp ở vùng dân cư có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng kém, người bệnh mạn tính, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trẻ đẻ non...
Sắt là một vi chất dinh dưỡng rất cần trong quá trình tạo máu. Sắt trong cơ thể của mỗi người phụ thuộc vào lượng sắt trong chế độ ăn, khả năng hấp thu, dự trữ, nhu cầu và thải trừ.
Vai trò của sắt trong cơ thể
Sắt trong khẩu phần ăn có thể chia thành hai nhóm: Sắt trong thực phẩm nguồn gốc động vật có giá trị sinh học cao, nhất là các loại thịt, hấp thu vào khoảng 20 - 30%. Sắt từ nguồn thực phẩm thực vật ngũ cốc, đậu đỗ, rau quả thì giá trị sinh học thấp, hấp thu kém hơn khoảng 2-20%.
Không ăn ổi xanh khi uống thuốc có sắt
Sắt hàng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ thức ăn, nhưng nếu sắt không ở dạng hòa tan, cơ thể không hấp thu được. Bởi vậy, sắt trong thức ăn khi vào dạ dày sẽ được chuyển thành dạng hòa tan hóa trị 2 rồi đi xuống niêm mạc ruột.
Tại đây, sắt hóa trị 2 được apoferitin tiếp nhận và chuyển thành sắt hóa trị 3 feritin, hấp thu vào bên trong. Tiếp đó, feritin giao lại sắt cho betaglobulin để trở lại thành apoferitin quay về niêm mạc ruột nhận sắt hóa trị 2 mới, tiếp tục chu trình vận chuyển sắt.
Còn sắt từ máu thì đi vào tủy xương để tạo hồng cầu và vào các cơ quan tổ chức để cấu tạo men (enzym). Chính sắt quyết định màu của máu và cả tính chất chủ yếu của máu, nghĩa là khả năng liên kết ôxy và khả năng cho ôxy.
Khả năng đó là của phức chất hem - một hợp phần của phân tử hemoglobin. Khi cơ thể thiếu sắt, cả ruột non ruột già đều tích cực tham gia vào chu trình vận chuyển sắt. Còn khi đã đủ sắt, tác động của betaglobulin giảm, sắt ở dưới dạng feritin không chuyển thành apoferitin quay về niêm mạc ruột tiếp nhận sắt mới.
Tổng lượng sắt trong cơ thể có khoảng 3-5g, trong đó 57% có ở huyết cầu tố (hemoglobin). 23% ở cơ và enzym các tổ chức, 20% dưới dạng dự trữ trong gan, lách, tụy và thận. Khi cơ thể thiếu máu trong một thời gian dài sẽ gây ra bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Ai dễ có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt?
Phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ do lượng sắt mất đi theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, thậm chí có người còn bị rong kinh, rong huyết. Phụ nữ có thai cũng dễ bị thiếu máu vì nhu cầu sắt tăng cao để phát triển thai nhi và tăng khối lượng máu cho người mẹ, nhưng không được cung cấp đủ.
Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai thường bị thiếu máu do sắt dự trữ cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít. Trẻ không được bú sữa mẹ, ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, ăn nhiều chất bột, thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, nhiều giun sán, đặc biệt là giun móc, ảnh hưởng đến hấp thu sắt gây thiếu máu.
Mất máu cấp tính do bị thương hoặc xuất huyết đường tiêu hóa...
Thiếu máu thiếu sắt có đặc điểm là thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ. Trẻ em thiếu máu thường mệt mỏi, kém ăn, da xanh niêm mạc nhợt nhạt, tóc thưa dễ rụng, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức. Mặt khác, có thể gây rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động, ngôn ngữ và giảm trí thông minh, kết quả học tập kém hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi.
Người lớn thiếu máu thiếu sắt hay bị hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, đau ngực, kém minh mẫn, dễ mệt, hay quên, năng suất lao động giảm, phụ nữ thì kinh nguyệt không đều...
Những lưu ý khi dùng thuốc
Khi thiếu máu thiếu sắt cấp tính, hay kéo dài thì nhất thiết phải bổ sung bằng thuốc có chứa sắt:
Có thể dùng các loại viên thuốc chứa sắt đơn thuần được sản xuất ở dạng có hóa trị 2 như: viên sắt gluconat, sắt succinat, sắt fumarat, sắt oxalate...Muốn dùng viên sắt có hiệu quả thì không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng vì đã chuyển sang dạng sắt khó hòa tan.
Tác dụng phụ của viên thuốc sắt là buồn nôn, táo bón, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Để tránh táo bón, một số viên sắt người ta có cho thêm đại hoàng vào để nhuận tràng, nhưng nếu dùng nhiều đại hoàng sẽ bị tiêu chảy, ngừng dùng thuốc sẽ hết. Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người già không được dùng dạng viên mà dùng dạng sirô.
Viên sắt acid folic (một viên gồm có 60mg sắt và 0,40mg acid folic) dùng cho phụ nữ có thai.
Sắt phối hợp với một số chất khác, bào chế dưới dạng dung dịch hoặc sirô cho dễ uống. Trong số này có tot' héma, ferrolip, fer-C-B12, sắt peptonat hòa tan,...
Khi dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc, tránh bổ sung sắt quá liều lượng trong một thời gian dài có thể gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường. Những bệnh thiếu máu không do thiếu sắt (thiếu máu huyết tán, thiếu máu do nhiễm độc chì, thiếu máu do bệnh Thalassémie, suy tủy...) thì không được dùng loại thuốc có sắt.
Khi đang điều trị bằng thuốc có sắt, không nên uống nhiều nước trà và ăn quả xanh có nhiều tanin vì sẽ ức chế hấp thụ sắt. Đi tiêu phân có màu đen (do thuốc) - người bệnh có tiền căn viêm loét dạ dày cần lưu ý để tránh lầm tưởng là chảy máu dạ dày.
Với trẻ em khi cho uống dung dịch có sắt không cho thuốc tiếp xúc trực tiếp với răng vì dễ làm cho răng có màu nâu xỉn, không cho uống thuốc cùng với sữa bò hoặc uống vào sát thời điểm bú mẹ để tránh tạo thành chất sắt không hòa tan cản trở sự hấp thu sắt. Khi cho trẻ uống cần theo đúng chỉ dẫn về liều lượng số giọt hoặc thìa đong thuốc hợp với từng lứa tuổi của đứa trẻ.
Khi dùng thuốc nên ăn nhiều rau quả tươi có nhiều vitamin C giúp cho việc tăng hấp thu sắt. Sau khi dùng thuốc phục hồi đủ sắt thì ngừng thuốc mà chỉ duy trì bằng chế độ ăn giàu chất sắt, protein, vitamin. Nếu bị các bệnh gây ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt thì cần chữa trị cho lành bệnh.
Theo BS Vũ Hướng Văn - Sức khỏe và đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét