Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Hiện nay, không có thuốc chữa khỏi bệnh mà thuốc chỉ làm giảm triệu chứng, ổn định bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cũng phải dùng thuốc phù hợp mới phát huy hiệu quả.
Lupus ban đỏ hệ thống là gì?
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác.
Kháng nguyên được hình thành tại chỗ do nhiều nguyên nhân (chấn thương, tiếp xúc với hóa chất, vi khuẩn, thuốc, chất độc, tia xạ...). Chúng làm cho cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào của cơ thể, gây hại cho nhiều cơ quan, tổ chức. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh...
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh chính xác của lupus ban đỏ hệ thống chưa được biết rõ. Cơ chế bệnh sinh của bệnh là một quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch thể dịch, miễn dịch tế bào và yếu tố môi trường.
Một số triệu chứng trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh thường mắc ở lứa tuổi 10 - 40, nhiều nhất ở tuổi 20 - 40 và có khuynh hướng tăng. Bệnh hay gặp ở nữ, tỉ lệ mắc bệnh nữ/nam là 9/1. Đây là bệnh mạn tính, đan xen giữa đợt bùng phát và khoảng thời gian lui bệnh. Biến chứng đáng ngại của bệnh là: nhiễm khuẩn cơ hội, suy thận mạn, tổn thương não - mạch máu...
Dùng thuốc như thế nào?
Vấn đề dùng thuốc chữa bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn còn nan giải với y khoa toàn thế giới. Hiện nay, thuốc không chữa khỏi, chỉ làm giảm triệu chứng, ổn định bệnh. Do bệnh gây tác hại trên nhiều cơ quan nên phải dùng nhiều loại thuốc.
Hơn nữa, tình trạng bệnh, mức độ tiến triển ở mỗi cá nhân khác nhau nên khó có phác đồ điều trị thống nhất. Mục đích điều trị thường căn cứ vào mức độ nặng nhẹ và tiến triển của bệnh, bao gồm các giai đoạn tấn công, củng cố và duy trì. Cân nhắc cẩn thận giữa tác dụng và tác dụng phụ của mỗi loại thuốc tới các cơ quan khác trên cơ thể.
Các thuốc dùng trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống thường có tính độc, khó dùng trên cơ địa người bệnh khá phức tạp (bị tổn thương nhiều cơ quan) nên phải thận trọng. Dù là thuốc dạng uống hay dạng tiêm, nhất thiết người bệnh phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Cùng với việc dùng thuốc người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, dự phòng nhiễm khuẩn để nâng cao hiệu quả điều trị.
Thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu gồm:
Thuốc kháng viêm không steroid
Dùng trong các trường hợp lupus kèm viêm đau khớp, sốt và viêm nhẹ các màng tự nhiên nhưng không kèm tổn thương các cơ quan lớn. Thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng viêm, đau, thường kết hợp với corticoid hoặc có khi kết hợp thêm thuốc ức chế miễn dịch. Khi kết hợp hiệu quả kháng viêm, giảm đau đạt được tốt hơn. Nên tránh dùng ở bệnh nhân viêm thận.
Thuốc chloroquin chống sốt rét
Có tác dụng làm giảm tổn thương khớp, da, thường phối hợp với corticoid, hay kháng viêm không steroid, có khi kết hợp thêm thuốc ức chế miễn dịch. Người bệnh thường phải dùng thuốc kéo dài nên chọn dạng hydrochloroquin ít độc hơn.
Liệu pháp glucocorticoid
Dùng trong các trường hợp: Lupus ban đỏ có đe dọa tính mạng như có tổn thương thần kinh, giảm tiểu cầu, thiếu máu huyết tán hoặc lupus ban đỏ không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn. Mục đích chính của điều trị bằng glucocorticoid nhằm giảm viêm và ức chế miễn dịch. Tùy tình trạng bệnh mà thay đổi liều, dạng dùng hay cách phối hợp thuốc.
Trường hợp nhẹ, có thể dùng một mình glucocorticoid hay phối hợp glucocorticoid với thuốc chống sốt rét chloroquin hoặc thuốc giảm đau, kháng viêm, nhằm làm giảm các triệu chứng nhẹ và ngăn đợt bùng phát cấp tính. Trường hợp nặng, phối hợp thêm thuốc ức chế miễn dịch nhưng giảm liều glucocorticoid.
Do thuốc gây ức chế miễn dịch nên làm cho người bệnh giảm sức đề kháng, dễ bị nhiễm khuẩn. Tác dụng phụ của glucocorticoid có thể gây động kinh, cơn trầm cảm, loạn thần kinh cấp, đau khớp cơ, viêm tụy, loét và xuất huyết đường tiêu hóa...
Thuốc ức chế miễn dịch
Từ khi có các thuốc ức chế miễn dịch, tiên lượng bệnh đáp ứng với thuốc có khả quan hơn, nâng cao chất lượng, kéo dài thêm cuộc sống tới 20 năm. Tuy nhiên, các thuốc ức chế miễn dịch làm cho người bệnh giảm sức đề kháng, dễ nhiễm khuẩn.
Vì vậy, thuốc chỉ được dùng trong các trường hợp: Lupus ban đỏ thể nặng có khả năng đe dọa tính mạng như viêm cầu thận cấp nặng, có tổn thương thần kinh, giảm tiểu cầu và thiếu máu huyết tán hoặc lupus không đáp ứng với corticoid hoặc xuất hiện tác dụng phụ nặng của corticoid.
Các thuốc được lựa chọn là: mecophenolatmofetyl (làm giảm hầu hết các triệu chứng nặng, đặc biệt là các tổn thương ở thận, có tác dụng ngay khi các thuốc khác không đáp ứng).
Cyclophosphamid làm giảm triệu chứng protein niệu, giảm creatinin máu, cải thiện các triệu chứng về thận), cyclosporin A (ức chế chọn lọc trên tế bào lympho T, cải thiện tổn thương nội tạng, đặc biệt là thận)...
Theo DS Đức Trí - Sức khỏe và Đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét