Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Các tác dụng phụ cần xử trí ngay

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ và thuốc điều trị tăng huyết áp (THA) cũng không có ngoại lệ.

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ và thuốc điều trị tăng huyết áp (THA) cũng không có ngoại lệ. 
Do phải sử dụng liên tục, dài ngày nên người bệnh cần tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc là điều cần thiết. Hơn nữa, người bệnh cần thông tin và hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để kiểm soát được các tác dụng phụ khi dùng thuốc.
THA, khi nào cần dùng thuốc?
Không phải ai bị THA cũng phải điều trị ngay bằng thuốc. Thông thường, THA cấp độ nhẹ và vừa (140/90 - 160/99mmHg) nếu không kèm các yếu tố nguy cơ sẽ được áp dụng biện pháp không dùng thuốc. Nếu sau 6 tháng, HA chưa được cải thiện mới phải dùng thuốc. 
Các biện pháp không dùng thuốc có thể giúp bệnh nhân kiểm soát HA được khuyên nên áp dụng như: ăn giảm mặn, giảm mỡ và cholesterol. Chế độ ăn thêm kali, magie và canxi, bỏ rượu. Vận động thể lực đều đặn, kiểm soát cân nặng đẩy lùi tình trạng thừa cân béo phì, giảm stress…
Các tác dụng phụ cần xử trí ngay
Khi dùng thuốc trị THA cần thông tin chặt chẽ với bác sĩ để tránh tác dụng phụ
Cho dù áp dụng biện pháp không dùng thuốc hay dùng thuốc hoặc cả 2 biện pháp thì nguyên tắc điều trị là phải đưa được huyết áp (HA) về mức an toàn, ổn định hay còn gọi là "HA đích". Không hạ HA cao xuống quá nhanh để không gây thiếu máu cục bộ não và cơ tim đột ngột, trừ một số trường hợp cấp cứu.
Các tác dụng phụ của thuốc hạ HA
Hãy thông tin ngay cho bác sĩ, dược sĩ nếu trong quá trình dùng thuốc điều trị THA gặp các biểu hiện sau đây để kịp thời xử trí:
Hạ HA thế đứng
Một số thuốc HA có thể gây hạ HA quá mức và quá nhanh (HA tâm thu giảm ít nhất 20mmHg và/hoặc HA tâm trương giảm ít nhất 10mmHg khi đứng trong vòng 3 phút) gây ra hiện tượng choáng váng, xây xẩm mặt mày khi đứng và có thể dẫn đến ngất xỉu. Hạ HA thế đứng làm tăng nguy cơ té ngã với nhiều hệ lụy. Do đó, việc phòng ngừa hạ HA thế đứng cần phải được chú trọng đặc biệt ở người cao tuổi.
Các thuốc điều trị THA có tác dụng phụ gây hạ HA thế đứng gồm: nhóm thuốc chẹn alpha (prazosin, alfuzosin, terazosin); thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin II (captopril); thuốc lợi niệu: indapamid, hydroclorothiazid (hiếm gặp), triamterene; thuốc hủy thần kinh giao cảm (methyldopa, clonidin)…
Ho khan
Ho là một trở ngại lớn đối với người bệnh THA khi phải điều trị bằng nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril, benazepril, lisinopril, perindopril, quinepril...). Thuốc có thể gây ho khan, thậm chí ho dữ dội, mạn tính kéo dài, ho nhiều về đêm mà không phụ thuộc vào liều dùng. Nghĩa là nếu như ai đó đã mẫn cảm với thuốc thì có thể bị ho ngay từ liều điều trị thông thường. 
Sau khi đã bị ho, người bệnh cũng không ho tăng thêm khi tăng liều điều trị. Nhưng chỉ cần dừng thuốc từ 3-5 ngày là cơn ho có thể tự hết. Một số trường hợp ho kéo dài và phải sau 2 tháng ngừng thuốc, cơn ho mới chấm dứt hẳn. 2 trong số các thuốc trên bị chỉ ra nhiều nhất vì tác dụng phụ gây các biến chứng hô hấp là captopril và enalapril.
Tỷ lệ bị ho do thuốc ức chế men chuyển khá cao (từ 5 - 30%) nên không ít trường hợp phải uống "oan" rất nhiều kháng sinh, thuốc ho, xông họng vì cứ ngỡ bị ho do viêm họng hoặc co thắt phế quản, mà các cơn ho vẫn không dứt. Đáng ngại hơn, khi bị ho, nhiều người bệnh dùng thuốc long đờm khiến cơn ho ngày càng dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt.
Rối loạn tình dục
Bệnh THA qua nhiều cơ chế làm giảm lượng máu chảy đến dương vật ở nam giới, gây khó khăn cho việc cương và duy trì sự cương cứng đủ để có thể giao hợp và đạt cực khoái. Với nữ, bệnh làm cho lượng máu tới âm đạo giảm, gây khô âm đạo, khó đạt được đỉnh điểm cảm giác nên từ đó cũng giảm ham muốn tình dục.
Đã vậy, một số loại thuốc điều trị THA hiện nay lại là nguyên nhân gây rối loạn tình dục, cụ thể là rối loạn cương dương ở nam giới. Điều tồi tệ này làm một số người không thể duy trì dài hạn thuốc trị THA. Rủi thay, ngưng thuốc thì có đến 70% bệnh nhân lại bị HA tăng lên. Những thuốc trị THA có thể gây rối loạn cương dương là thuốc lợi tiểu (hydrochlorothiazide), thuốc ức chế beta (propanolol, atenolol).
Cách xử trí 2 loại thuốc này khi gặp tác dụng bất lợi trên tình dục có khác nhau. Đối với thuốc lợi tiểu, nếu đang sử dụng mà bị rối loạn cương dương, bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng cho đến khi kiểm soát được HA. 
Nếu vẫn còn bị rối loạn cương dương hoặc HA tăng trở lại, nên nói với bác sĩ điều trị để đổi thuốc khác không gây rối loạn cương dương hoặc phối hợp thuốc điều trị THA để kiểm soát HA tốt hơn và giảm nguy cơ bị rối loạn cương dương. Nếu đang sử dụng thuốc ức chế beta mà bị rối loạn cương dương, tốt nhất là ngưng thuốc và chuyển sang thuốc khác ít hoặc không gây rối loạn cương dương.
Một số thuốc trị THA hiếm khi gây rối loạn cương dương là thuốc ức chế men chuyển (enalapril, lisinopril), thuốc ức chế alpha (prazosin), thuốc chẹn kênh canxi (nifidipine, amlodipine), thuốc đối kháng thụ thể angiotensin (losartan, irbesartan).
Các tác dụng phụ khác
Các cảnh báo khác của thuốc trị THA bao gồm rối loạn nhịp tim, chóng mặt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, suy nhược, ù tai, khô mắt, rối loạn giấc ngủ... 
Một số thuốc trị THA có tác dụng làm tăng men gan, suy gan, vàng da… dẫn đến chán ăn, suy nhược. Một vài thuốc HA khi sử dụng lâu dài có thể làm tăng ure và creatinin huyết thanh, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận.
Người bệnh lưu ý
Việc gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc trị THA không phải là hiếm. Nếu bệnh nhân ngưng dùng thuốc, cần phải báo với bác sĩ.
Trong một số trường hợp, việc dừng thuốc rất nguy hiểm, có thể gây ra cơn THA kịch phát. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy xin ý kiến bác sĩ về các loại thuốc an toàn nhất để sử dụng vì nhiều nhóm thuốc hạ HA có thể gây hại cho thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
Theo DS Thanh Hoài - Sức khỏe và đời sống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons