Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Uống thuốc lúc nào để đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị?


Khi sử dụng các loại thuốc dùng đường uống, điều được người bệnh quan tâm đầu tiên là uống thuốc vào lúc nào để đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị.
Việc hướng dẫn thời gian uống thuốc hợp lý là một tiêu chí bắt buộc của công tác dược lâm sàng trong bệnh viện. Đối với việc dùng thuốc ngoại trú tại gia đình, trong cộng đồng, điều này cũng được đặt lên hàng đầu vì người bệnh tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ lại càng phải được chỉ dẫn thời gian dùng thuốc trong ngày sao cho hợp lý để thuốc đạt hiệu quả điều trị mà lại ít bị ảnh hưởng của thức ăn, đồ uống.
Liên quan đến mục đích dùng thuốc và nhịp thời gian
Chẳng hạn như đối với các loại thuốc ngủ, người bệnh cần được hướng dẫn uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Trừ trường hợp cần làm cho người bệnh ngủ vào ban ngày còn không ai lại hướng dẫn uống thuốc ngủ vào buổi sáng. Đối với các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thì cần phải uống ngay bất cứ lúc nào khi người bệnh đang bị sốt, đang bị đau. 
Trong những trường hợp ấy, không nên máy móc phải uống thuốc vào buổi sáng hay buổi tối mà sau lần đưa thuốc đầu tiên nên quan tâm đến khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, sao cho cứ mỗi một số giờ nhất định có một lượng thuốc theo yêu cầu vào cơ thể để có tác dụng giảm đau hạ sốt.
Yếu tố quan trọng thứ hai đó là ảnh hưởng của nhịp thời gian đối với tác dụng sinh học của thuốc, trong chuyên môn gọi là dược lý thời khắc. Cơ thể con người có một chu trình sinh học rất phức tạp, khép kín và có thể thay đổi theo nhịp ngày đêm, nhất là với các nhịp sinh học (ví dụ: nhịp tim) hoặc nồng độ của các chất nội tiết (ví dụ: các hoóc-môn).

Những thuốc có tác dụng sinh học tương tự như các hoóc-môn của cơ thể cần phải rất quan tâm đến thời điểm dùng thuốc sao cho không đi ngược lại các nhịp sinh lý tự nhiên của cơ thể. Điều này lý giải tại sao các thuốc loại corticoid nên uống vào buổi sáng, lúc khoảng 6 - 8 giờ vì khi đó nồng độ hydrocortison trong máu đạt mức cao nhất trong ngày. 
Uống các loại thuốc như: metylprednisolon, dexamethason vào thời điểm này sẽ không phá vỡ nhịp hoạt động của tuyến thượng thận là nơi bài tiết ra các chất đó và sẽ ít gây hiện tượng ức chế trục dưới đồi-yên-thượng thận là những tuyến sinh học quan trọng của cơ thể.
Các thuốc chống tăng huyết áp cũng nên uống vào buổi sáng, vì sự tăng huyết áp hay xảy ra vào buổi trưa và buổi chiều. Sau khi uống, thuốc phải trải qua quá trình hấp thu vào máu, đến khi cơ thể bị tăng huyết áp cũng là lúc hiệu quả của dược chất được phát huy tác dụng làm giảm huyết áp cho người bệnh. 
Tất nhiên, đối với một số thuốc chống tăng huyết áp mà bị ảnh hưởng hấp thu bởi thức ăn thì nên uống xa bữa ăn, ví dụ như captoprin. Đối với các thuốc làm giảm tiết acid dịch vị nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ vì nồng độ HCl tiết nhiều vào ban đêm. Các chất antacid, chất kháng thụ thể H2 và sucrafat thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng đều phải uống xa bữa ăn (sau lúc ăn 2 giờ hoặc trước bữa ăn 1 giờ). 
Dược lý thời khắc xác định thời gian cho thuốc tối ưu cho từng loại thuốc và cả liều thuốc tối ưu dựa trên cấu trúc sinh học theo thời gian của cơ thể. Để xác định thời gian cho thuốc tối ưu, người ta chú ý nhiều đến các chu kỳ sinh học theo chu kỳ ngày đêm và cố gắng làm sáng tỏ cơ chế sinh ra các chu kỳ sinh học này. Có giả thuyết cho rằng chính tuyến tùng (glande pinéale) là cơ quan điều khiển các chu kỳ sinh học. 
Tuyến này có sự đáp ứng với sự biến thiên ánh sáng do tuần hoàn ngày đêm từ bên ngoài tác động vào. Tín hiệu của bóng tối hoặc ánh sáng từ võng mạc của mắt theo dây thần kinh thị giác về tuyến tùng sẽ kích thích hoặc ức chế tuyến tùng tiết ra các chất điều khiển các chu kỳ sinh học. Trong các chất ấy, melatonin là chất được biết tương đối rõ. 
Người ta đã chứng minh rằng, ở một số loài vật, melatonin được tuyến tùng tiết ra chủ yếu vào ban đêm. Ánh sáng ban ngày tùy theo cường độ sẽ làm giảm hoặc ngưng sự tổng hợp và tiết ra melatonin. Vấn đề này sẽ được đề cập đến sâu hơn trong một chuyên đề khác.
Thuốc và thức ăn, đồ uống
Vấn đề tương tác giữa thuốc và thức ăn cần được quan tâm một cách sâu sắc bởi vì thức ăn và đồ uống có thể ảnh hưởng đến dược động học của thuốc do thức ăn làm thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của hoạt chất. Thậm chí trong một số trường hợp, thức ăn và đồ uống còn làm thay đổi tác dụng dược lý và độc tính của thuốc. Vì vậy, thuốc cần hướng dẫn cho bệnh nhân thời gian uống thuốc hợp lý để tránh các tương tác bất lợi của thức ăn và đồ uống đến tác dụng của thuốc trong cơ thể.
Các loại thuốc kích thích sự bài tiết dịch vị tiêu hóa như: rượu bổ khai vị, các thuốc điều trị thay thế men tiêu hóa như: pepsin, các enzyme tuyến tuỵ như: pancreatin nên uống trước khi ăn chừng 10 - 15 phút. Các loại thuốc vitamin, muối khoáng được thức ăn làm tăng hấp thu nên uống ngay trước bữa ăn vì bản thân thức ăn cũng là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng. Đối với một số thuốc kháng sinh không bị thức ăn làm giảm hấp thu mà lại kích ứng mạnh đường tiêu hóa cũng cần uống và lúc ăn như các kháng sinh nhóm quinolon, doxycylin.
Riêng trường hợp của thuốc aspirin là một thuốc giảm đau, hạ sốt, chống kết tập tiểu cầu thì cần lưu ý đến dạng bào chế để chọn thời điểm uống thuốc thích hợp. Aspirin là thuốc kích ứng đường tiêu hóa rất mạnh và lại bị thức ăn làm giảm hấp thu nên cần uống vào bữa ăn với các dạng thuốc lỏng hoặc viên sủi bọt. Với dạng thuốc viên nén aspirin thì cần nhai nát viên thuốc, uống với nhiều nước vào ngay khi ăn. 
Còn đối với dạng viên aspirin bao phim tan trong ruột thì lại phải uống vào lúc dạ dày rỗng và uống với nhiều nước để thuốc không lưu lại lâu ở dạ dày mà nhanh chóng được đưa xuống ruột. Trong trường hợp này nên uống trước bữa ăn khoảng 1 tiếng hoặc sau khi ăn 2 tiếng. Quy tắc này cũng được áp dụng cho các dạng thuốc được bào chế thành dạng viên bao tan trong ruột hoặc viên giải phóng chậm. 
Điều này có ghi trong các tờ hướng dẫn dùng thuốc mà các thầy thuốc phải đọc để hướng dẫn chu đáo cho bệnh nhân. Cần nhớ rằng nếu dạng aspirin viên nén mà uống sau khi ăn sẽ bị giảm sinh khả dụng đến 50%.
Những thuốc bị hấp thu quá nhanh lúc dạ dày đang rỗng cũng cần phải uống vào bữa ăn. Các thuốc như: levodopa, griseofulvin, hydralazin, carbamazepin, phenyltoin, diazepam… nếu uống lúc đói sẽ bị hấp thu nhanh vào máu gây các tác dụng không mong muốn do nồng độ tăng đột ngột cho nên cần phải uống vào bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ. Diazepam là thuốc ngủ nên uống ngay sau bữa ăn tối để đạt hiệu quả cao nhất.
Các thuốc cần uống xa bữa ăn là các thuốc bị giảm hấp thu do thức ăn như: các thuốc chống lao (rifampicin, rimifon…), các kháng sinh nhóm betalactam (amoxicilin, ampicilin,penicilin…), lincomycin, erythromycin… Các thuốc này đều kém bền trong môi trường acid dịch vị nên cần phải uống cách xa bữa ăn. 
Cần nhớ rằng các dạng thuốc cần giảm thời gian lưu trong dạ dày như các viên bao tan trong ruột, viên giải phóng kéo dài cũng phải uống xa bữa ăn. Một số thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày, tiêu hóa như sucrafat nên uống 1 giờ trước khi ăn để nó kịp tạo màng bao che niêm mạc trước khi thức ăn vào dạ dày. Các thuốc antacid phải uống au khi ăn 1 giờ để trung hòa lượng acid HCl thừa do dạ dày tiết ra để tiêu hóa thức ăn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Chọn thời điểm dùng thuốc thích hợp cần phải căn cứ vào bản chất của thuốc được lựa chọn, dạng bào chế sử dụng và mục đích dùng thuốc cũng như nhịp sinh học của cơ thể. Các thầy thuốc sau khi kê đơn, giao thuốc cho người bệnh cần hướng dẫn cụ thể đối với từng bệnh nhân. Trong điều kiện hiện nay, khi các đơn thuốc thường phối hợp nhiều loại thuốc, điều này rất quan trọng để giúp người bệnh sử dụng đúng cách, nâng cao hiệu quả, hạn chế tác dụng không mong muốn và mau khỏi bệnh.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons