Thuốc khi vào cơ thể đa số được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận. Do vậy, ở hai cơ quan này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi bệnh nhân phải dùng thuốc, đặc biệt là đối với những bệnh nhân phải dùng thuốc lâu ngày. Rất nhiều loại thuốc gây ảnh hưởng đến thận theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thuốc trực tiếp gây hại cho thận
Các thuốc này có thể kể đến là: các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin, nhóm aminoglycosid, nhóm quinolon, nhóm sulfamid…; các thuốc chống viêm không steroid (NSAID); các thuốc kháng virut, các thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, các thuốc hạ áp có cơ chế gây giãn mạch và thuốc dự phòng cơn gout cấp…
Trong đó, nhóm aminoglycosid, cisplatin, mesalazin, amphotericin, các NSAID, vancomycin và penicilamin… là các thuốc hại thận rất mạnh. Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc kể trên khi có thuốc khác thay thế.
Không chỉ thuốc Tây y mà một số thuốc y học dân tộc cũng có thể gây hại cho thận
Các thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid như: streptomycin, neomycin, tobramycin, gentamycin gây suy thận sau khi dùng 7 - 10 ngày với tỷ lệ 10% các ca bệnh.
Streptomycin và neomycin gây nhiễm độc thận nặng, cho nên hiện nay, neomycin không dùng dạng tiêm và rất hiếm khi dùng dạng uống, streptomycin chỉ dùng trong điều trị lao. Gentamycin và tobramycin gây nhiễm độc thận trung bình, tuy nhiên, gentamycin lại có tần suất gây nhiễm độc thận cao nhất do hay được sử dụng và bị lạm dụng nhiều.
Các kháng sinh nhóm betalactam kể cả cephalosporin, vancomycin, miocyclin, erythromycin; các thuốc ức chế tiết acid dịch vi như cemitidin; thuốc chữa động kinh như phenobacbital; các thuốc chống rối loạn chuyển hóa lipid như clofibrat… có thể gây dị ứng miễn dịch ở ống thận, mô kẽ vì các tế bào ở vị trí này rất dễ nhạy cảm, có thể dị ứng với các thuốc nói trên mà không lệ thuộc vào liều.
Tuy tai biến kiểu này chỉ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng nên tần suất thấp nhưng rất khó đề phòng vì không thể biết trước.
Thuốc gián tiếp gây hại cho thận
Ngoài gây hại trực tiếp cho thận và chức năng thận, nhiều thuốc gây những rối loạn liên quan gián tiếp đến thận. Một số thuốc trực tiếp gây giữ nước và do đó có thể gây nặng hơn các biến chứng về tim mạch ở người bị suy thận, như: carbenoxolon, indomethacin.
Chất carbenoxolone là dẫn chất theo con đường sinh tổng hợp của acid glycyrrhizinic thông qua tác dụng ức chế enzym11-beta-hydroxyl-steroid dehydrogenase. Sự ức chế này làm tăng nồng độ corticosteroid nội sinh trong nội bào, gây co mạch và ứ natri làm giảm chức năng bài tiết của thận và gây tăng huyết áp một cách gián tiếp.
Các thuốc chống tăng huyết áp thuộc nhóm kháng thụ thể AT1 như: irbesartan, valsartan, losartan… có thể gây suy chức năng thận và suy chức năng gan. Do hậu quả của việc ức chế hệ thống Renin-Angiotensin nên đã có báo cáo về những thay đổi chức năng thận, bao gồm suy thận ở người mẫn cảm.
Cho dù những thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng thuốc, nhưng vì bệnh nhân tăng huyết áp thì thường phải dùng thuốc lâu dài và dùng thuốc ở nhà, nếu không được theo dõi kiểm tra chức năng thận thường xuyên thì rất có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở người bệnh suy tim sung huyết, việc tưới máu thận phụ thuộc vào lượng prostaglandin được sản xuất tại thận, dùng thuốc NSAID sẽ ức chế tác dụng tại chỗ của prostaglandin đối với thận, gây giảm dòng máu qua thận, giữ nước và làm xấu thêm tình trạng suy tim. Dùng digoxin ở người suy thận nặng sẽ làm tăng canxi huyết và/hoặc giảm kali huyết.
Các thuốc điều trị giảm mỡ máu như fibrate, statin cũng có thể gây hại thận rất mạnh do thuốc có thể gây ly giải cơ vân khiến cho các bắp cơ toàn thân đau nhức và yếu sức do viêm và tổn thương cơ ở mức độ rất nghiêm trọng.
Hai thận làm việc quá mức để cố gắng loại bỏ lượng cơ phân huỷ do dùng statin. Cơ bị ly giải phóng thích các protein vào máu. Những protein này sau đó sẽ tập trung ở thận và gây tổn thương thận, cuối cùng dẫn đến suy thận và có thể gây tử vong. Cũng may là biến chứng ly giải cơ vân rất hiếm gặp, chỉ xảy ra với tỉ lệ dưới 1/10.000.
Các thuốc ức chế men chuyển (captopril, quinapril, enalapril, lisinopril...) gây giảm tưới máu thận và suy thận cấp chức năng. Vì vậy, không chỉ định ức chế men chuyển trong tăng huyết áp do hẹp động mạch thận.
Các thuốc lợi tiểu giữ kali như: amilorid, spironolacton có thể gây tăng kali huyết nặng ở người suy thận. Các thuốc kháng tiết cholin như: atropin, scopolamin có thể gây rối loạn chức năng bàng quang và tiểu tiện không tự chủ đối với người có chức năng thận bình thường. Dùng acetazolamid, vitamin D liều cao, vitamin C liều cao dễ gây đọng tạo sỏi thận - tiết niệu.
Không chỉ thuốc tây y mà một số thuốc y học dân tộc nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây hại cho thận. Đặc biệt là các loại thuốc đóng gói sẵn và dán nhãn “gia truyền” bày bán trôi nổi trên thị trường mà không được Bộ Y tế (Cục quản lý Dược) cấp phép lưu hành thực sự là mối họa khôn lường. Nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu thì đã làm thận suy rất nặng.
Do vậy, lời khuyên được đưa ra là: chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự tư vấn tối thiểu của thầy thuốc về cách dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ có hại của thuốc (trong đó có tác dụng hại thận). Nếu có gì nghi ngờ về bệnh của mình thì cách tốt nhất là đến bác sĩ khám để có cách xử trí đúng đắn, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét