Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Tên thuốc na ná nhau - Cười và... mếu


Không hiểu do sự bí thế trong đặt tên hay là do sự trùng hợp tình cờ ngẫu nhiên, nhiều công ty dược phẩm chẳng liên quan đến nhau nhưng lại có những thuốc với tên gọi na ná nhau. Nếu không để ý kỹ rất có thể một bệnh nhân bị đau đầu sẽ uống nhầm phải thuốc dùng trong sản khoa...
Ergotamin/Ergometrin
Sự giống nhau tới mức không tưởng đó là 2 thuốc ergotamin và ergometrin. Hai tên này chỉ khác nhau mấy chữ cái phía đuôi.
Nguyên bản, ergotamin là thuốc co mạch máu ngoại vi, tác dụng lên thụ cảm thể alpha trên thành mạch máu. Thuốc này có tác dụng điều trị bệnh đau nửa đầu. Chỉ cần dùng 1 viên, sau 30 phút cơn đau đầu đã thuyên giảm rõ rệt...
Nhưng nếu không để ý kỹ, người ta có thể lấy nhầm sang thuốc ergometrin là thuốc có tác dụng đặc hiệu lên mạch máu tử cung, làm co mạch máu tử cung nên có tác dụng cầm máu. Đây cũng là thuốc khá mạnh trong việc cầm máu ở những trường hợp chuyển dạ mà chảy máu không tự cầm, tai biến trong nạo hút thai. Mặc dù một bộ phận nằm tít dưới chậu hông, chẳng liên quan gì đến não bộ, nhưng khổ nỗi, người ta cứ hay bị nhầm nó để đem chữa cho người đau đầu và hậu quả là càng uống vào càng đau đầu thêm.
Avelox/Levonox (Lovenox)
Avelox là thuốc dùng để trị các nhiễm khuẩn tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp ở mức độ nặng. Nhưng trên thực tế, Avelox nhiều khi đã bị vô tình nhầm tên với Levonox. Levonox (enoxaparin) được ra đời nhằm vào các bệnh nhân bị rối loạn tăng đông  máu hoặc các bệnh nhân có nguy cơ cao bị tăng đông. 
Thuốc được bào chế dưới dạng xy-lanh tự tiêm và không cần pha thuốc do nhà sản xuất sợ sai liều. Các bà mẹ điều trị rối loạn nội tiết, hiếm muộn, ít hormon trong thai kỳ có thể sẽ được dùng kèm thêm thuốc này. 
Rõ ràng là một bên “đánh” vào vi khuẩn, một bên “đánh” vào đông máu, nhưng chẳng may do cách phát âm na ná nhau nên nhiều khi người ta đã đè một bệnh nhân nhiễm khuẩn ra để kê thêm cho liều chống đông máu, mặc dù 2 bệnh không có liên quan gì với nhau.
Cần chú ý kỹ tên thuốc để tránh nhầm lẫn
Klion/Klacid
Sự nhầm lẫn truyền kỳ kéo dài cũng hay mắc phải với cặp bài trùng Klion/Klacid. Klion là một kháng sinh dùng trong nhiễm khuẩn tiêu hóa, sinh dục rất điển hình. Trong khi đó, chỉ vì chung 1 chữ “K” đứng đầu, kháng sinh này đã bị nhầm sang kháng sinh khác là Klacid,  là dòng kháng sinh đặc hiệu cho đường hô hấp trên và dưới. Đây là một kháng sinh rất mạnh có dạng bào chế cho cả người lớn và trẻ em.
Khác nhau là thế, nhưng nếu bệnh nhân không nhớ tên thuốc và người bán thuốc chỉ nhìn đơn kê láng máng là dễ bắt một người nam giới bị viêm đường hô hấp uống thuốc điều trị bệnh viêm đường âm đạo, mặc dù anh ta chẳng có đường âm đạo để mà viêm.
Ikaran/Tanakan
Ikaran là một sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ ở Pháp, quốc gia rất khó tính về thuốc và các sinh phẩm y tế. Ikaran được dùng để chuyên trị bệnh đau nửa đầu. Ngay khi bệnh nhân than phiền về triệu chứng đau nửa đầu của mình, bác sĩ sẽ cho sử dụng ngay Ikaran. 
Thuốc tác dụng chủ yếu vào cơ chế điều hòa vận mạch. Nó không hề có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn não. Nhưng chắc có lẽ nó cùng vần “an” nên nhiều lúc Ikaran đã bị nhầm điều chuyển thành Tanakan.
Tanakan là một thuốc tăng cường tuần hoàn não điển hình. Thuốc chuyên trị bệnh thiếu máu não gây ra đau đầu, mất ngủ, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, được các bác sĩ và bệnh nhân tin dùng bởi công hiệu của thuốc. 
Do giống với Ikaran ở vần “an” nhưng lại khác về cơ sở tác dụng. Nó không thể và không có khả năng cắt cơn đau nửa đầu, nhưng người ta đôi khi cứ nhầm lẫn nó với Ikaran như một anh em song sinh vậy. Thật ra, chúng không có họ hàng gì với nhau.
Spartein/Sparmaverin
Nói đến sự nhầm lẫn thì sự trùng hợp tên do tính tương tự sẽ khá thú vị tới mức trái khoáy với cặp thuốc Spartein và Sparmaverin.
Một đằng Spartein là một thuốc gây tăng co bóp cơ. Nó là một alcaloid của cây Kim tước, có tác dụng làm tăng sức co bóp cơ tim, làm cơ tim co bóp mạnh hơn, khỏe hơn nhằm chống lại tình trạng suy tim. Người bệnh tim được sử dụng thuốc này sẽ thấy hết khó thở, hài hòa và cảm thấy cuộc đời lại đáng yêu trở lại.
Nhưng còn Sparmaverin lại là thuốc chống lại sự co bóp cơ trơn. Thuốc này sau khi được uống vào, tất cả các cơn đau co thắt của hệ tiêu hóa được xóa bỏ hoàn toàn. Bạn đau do sỏi, có hề gì, Sparmaverin sẽ cắt cơn. Bạn đau do co thắt tử cung, đau khi hành kinh, không sao, có Sparmaverin là sẽ bình trị tất.
Hai thứ khác nhau là thế, nhưng chắc là do cùng có chữ S, cũng có khi là do phát âm vần đầu “Spar” giống nhau nên nhiều nhà thuốc cứ nghĩ Spartein là biệt dược đặc biệt của Sparmaverin. Và họ đã không ngần ngại điều chuyển một bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc chống đau tiêu hóa sang dùng thuốc suy tim, mặc dù quả tim “80 năm sau vẫn chạy tốt”.
Cenzitax/Cezirnate
Cezirnate (Cefuroxim) là sản phẩm của một công ty sản xuất trong nước, một kháng sinh dòng beta lactam thế hệ 2. Nhìn chung, đây là thuốc điều trị viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm mũi, viêm họng, viêm tai, viêm thanh quản, đôi khi người ta cũng dùng điều trị viêm phế quản và viêm phổi. Thuốc này có bản chất kháng sinh nên khi uống, người bệnh cảm thấy mệt, có khi chỉ muốn nằm một chỗ.
Thế nhưng, chẳng hiểu sao người ta vẫn cứ nhầm Cezirnate với Cenzitax. Đây không phải là beta lactam, không dây mơ rễ má gì với kháng sinh. Cenzitax là thuốc làm giãn mạch máu não, nhất là mạch máu tiền đình, được dùng để chống rối loạn tiền đình, chống say tàu xe khi dùng cùng với Nautamin.
Một đằng thuốc tác động vào não, một đằng thuốc tác động vào đường hô hấp. Nhưng có hề chi, khi người ta bị nhầm lẫn thì chập chúng làm một là một điều đã có. Chỉ có mỗi người bệnh, tự nhiên đang bị mệt đến chết do say tàu xe, “táng” thêm ít kháng sinh thì coi như nằm bẹp luôn, chả thiết gì chơi với bời.
Prospan/Proscar
Trong đợt đi mua thuốc dạo trước, chúng tôi còn có một trường hợp nhầm lẫn chút xíu nhưng là đỉnh cao của nhầm lẫn. Người nhà bệnh nhân vốn có một trường hợp là cháu nhỏ bị ho. Cháu bé được bác sĩ kê cho thuốc ho Prospan về uống. Đây là một sản phẩm trị ho chiết xuất từ cây thường xuân. Tác dụng chính của thuốc là long đờm, giảm ho, thường được các bà mẹ tự mua cho uống để chữa ho cho trẻ em.
Do người nhà không nhớ, lại đang bán thuốc cho một người lớn tuổi khác, nhân viên quầy thuốc đã lỡ tay đưa cho thuốc Proscar, trong khi đó Proscar hoàn toàn không dính dáng gì tới Prospan. Proscar là một thuốc chuyên để điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. 
Bà mẹ đưa thuốc cho chúng tôi thắc mắc là bé nhỏ (3 tuổi) liệu uống thuốc viên cứng có sao không? Chúng tôi trả lời là không, có cách cho uống. Nhưng chúng tôi không kê thuốc cứng. 
Kiểm tra lại hóa ra chỉ là cùng “Pros”, nhưng lại khác nhau rõ rệt phía đuôi. Vậy là khi khách hàng đông quá, người nhà không nhớ tên thuốc nên nhân viên bán thuốc đã hồn nhiên vô tư bán cho một trẻ em thuốc để điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, bệnh mà chắc phải 70 năm sau bé may ra mới bị tiền liệt tuyến.
Thay lời kết
Vì tên thuốc nhiều khi có những sản phẩm tên tương tự nhau, cho nên bác sĩ cần viết tên thuốc đúng và rõ. Bệnh nhân cần mang đơn thuốc đi mua và nhân viên bán thuốc cần xem tên thuốc và bệnh được chẩn đoán. Làm như vậy chúng ta sẽ không lâm phải cảnh cười nghiêng cười ngả, cười cả ra cái mếu.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons