Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Aspirin có thật đa năng!?


Bên cạnh tính năng chống viêm, giảm đau, khả năng giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ đã biến Aspirin trở thành một trong những viên thuốc thông dụng nhất thế giới.

Tuy nhiên, thuốc luôn là con dao hai lưỡi và Aspirin dù thần thông tới đâu cũng không thể thoát khỏi “lời nguyền” này.
Aspirrin - từ viên thuốc đa năng
Hàng thập kỷ qua Aspirin đã được sử dụng như loại thuốc giảm đau, chống viêm và ngăn ngừa các bệnh tim mạch khá hữu hiệu. Chỉ cần một lượng nhỏ Aspirin (81 milligram) một ngày, người bệnh đã có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch và đột quỵ. 
Với liều lượng này, Aspirin giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông do ngăn chặn sự kết dính của các tiểu cầu lên các mảng xơ vữa làm dòng máu không bị ngăn chặn khi đến cung cấp ôxy cho các mô.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Italia cho thấy, Aspirin làm giảm nguy cơ chết vì bệnh tim, cũng như nguy cơ bị cơn đau tim, đột quỵ, đau ngực và các vấn đề tim mạch khác. Nghiên cứu được thực hiện trên 4.500 nam giới và phụ nữ, từ 50 tuổi trở lên và có ít nhất một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch như: cao huyết áp, đái tháo đường hay béo phì.
Họ được chỉ định: uống cả 2 viên thuốc Aspirin và vitamin E, chỉ uống Aspirin, chỉ uống vitamin E, hoặc không uống thuốc nào. Thời gian theo dõi trung bình là 3,6 năm. Nghiên cứu đã kết thúc trước thời hạn vì hiệu quả của Aspirin quá rõ ràng: với liều lượng 1 viên/ ngày, thuốc làm giảm nguy cơ chết vì cơn đau tim hay đột quỵ trong 50% trường hợp.
Cùng với những nghiên cứu trước đây, kết luận này đã giúp các bác sĩ "tự tin" hơn khi khuyên bệnh nhân sử dụng Aspirin liều thấp để phòng cơn đau tim đầu tiên và các cơn đột quỵ.
Aspirin - những nguy cơ tiềm ẩn
Tuy nhiên, Aspirin không phải là thuốc có khả năng ngăn chặn xơ vữa động mạch phát triển nếu không kết hợp làm giảm các yếu tố nguy cơ hình thành nên xơ vữa như hút thuốc, hạn chế hoạt động thể chất thường xuyên, ăn nhiều mỡ, béo phì hay những người có bệnh lý đi kèm như rung nhĩ, tăng mỡ máu.
Ngoài ra, đã có một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh aspirin có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng cho người dùng như xuất huyết dưới da, xuất huyết dạ dày... Từ những nghiên cứu này cho thấy những rủi ro của việc dùng aspirin cũng ngang bằng với lợi ích do chúng mang lại cho những người có bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, 75% bệnh nhân tim mạch có biểu hiện kháng aspirin. Điều đó không chỉ làm giảm hiệu lực của thuốc mà còn tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân.
Aspirin cũng có khả năng gây chảy máu dạ dày hoặc ruột nếu như người bệnh có kèm bệnh lý về viêm loét dạ dày-tá tràng hay những người có dùng kèm các thuốc khám viêm steroid. Khi phát hiện các dấu hiệu đau vùng bụng trên rốn, đi cầu phân đen hoặc có máu, nôn ra dịch đỏ cần phải ngưng ngay việc uống aspirin và nhanh chóng gặp bác sỹ để được kiểm tra.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) đã đưa ra kết luận: Khoảng 1% bệnh nhân uống Aspirin trong thời gian 28 tháng bị chảy máu dạ dày. Nhận xét này được đúc kết từ 24 nghiên cứu, thực hiện trên 66.000 người bệnh dùng Aspirin liều thấp. Những người ở độ tuổi từ 45-50 hoặc trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch nhằm phòng ngừa các cơn đau tim hoặc đột quị có thể xảy ra trong tương lai.
Một số nghiên cứu cho rằng, một người có nguy cơ xảy ra cơn đau tim nhưng không tử vong sẽ giảm đi 1/3 nếu như họ được sử dụng aspirin trước đó như một phương thức phòng ngừa. 
Aspirin cũng có khả năng gây dị ứng, tuy nhiên tỉ lệ này rất hiếm. Việc dùng Aspirin thường xuyên có thể làm cho triệu chứng thở tồi tệ hơn nếu bạn có bệnh hen suyễn. Nếu có vấn đề dị ứng với aspirin, có thể thay thế nhóm thuốc kháng tiểu cầu khác như clopidogrel.
Và mới đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Anh (MCA) đã đưa ra lệnh cấm dùng Aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi. MCA cho rằng, việc sử dụng aspirin ở các đối tượng dưới 16 tuổi sẽ dẫn tới một bệnh nguy hiểm cho não và gan mang tên Hội chứng Reye. Nguy cơ này tuy nhỏ (1/1 triệu) nhưng có thể dẫn tới tử vong.
Khoảng 140 sản phẩm do 50 công ty sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng của khuyến cáo này. MCA cũng đang xem xét khả năng áp dụng lệnh cấm cho tất cả các sản phẩm chứa thuốc giảm đau aspirin.
Kể từ năm 1986, Anh đã cấm sử dụng Aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi vì nguy cơ gây hội chứng Reye, với biểu hiện phù não và tổn thương gan. Nhờ đó tỷ lệ mắc bệnh này đã giảm. 
Aspirin - công dụng đang chờ kiểm chứng 
Có thể nói, Aspirin là một trong những loại thuốc tạo nên nhiều công dụng và tác hại trái chiều nhất của nền tân dược thế giới. Một số nghiên cứu của các chuyên gia y học thế giới trong năm 2011 ghi nhận Aspirin có khả năng ngăn ngừa ung thư như ung thư ruột, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư thực quản.
Tuy nhiên, hiệu quả ngăn ngừa của aspirin lên bệnh ung thư rất khác nhau, Chẳng hạn, một người trung niên có dùng aspirin trong vài năm, tỷ lệ giảm phát triển ung thư ghi nhận khoảng 20 - 25%, chỉ số này chỉ là là giảm tương đối yếu tố nguy cơ hình thành phát triễn ung thư chư không phải là giảm tuyệt đối. Ví dụ, một người có 5 trong 100 (chỉ số tuyệt đối) yếu tố nguy cơ phát triển một bệnh ung thư, với dùng aspirin làm giảm nguy cơ là 20%, nguy cơ của người đó còn 4 trong 100 yếu tố nguy cơ. 
Tại hội nghị về việc sử dụng thuốc aspirin để ngăn ngừa ung thư được tổ chức tại London, Anh, các chuyên gia y tế đã đưa ra những bằng chứng cho thấy loại thuốc này có tác dụng giảm nguy cơ đau tim và đột quị, phòng chống nghẽn mạch, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư ruột kết.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 1.000 người có biểu hiện ung thư ruột kết và kết quả cho thấy những người uống Aspirrin có nguy cơ phát bệnh giảm 19%.
Một nghiên cứu khác đối với 80.000 phụ nữ cũng cho thấy những người thường xuyên sử dụng Aspirin thì nguy cơ ung thư vú giảm 28% so với những người không dùng thuốc. Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn đang tìm được bằng chứng cho thấy aspirin có thể ngăn chặn chứng mất trí nhớ do lão suy thường xảy ra ở người trên 70 tuổi.
Song song với phát hiện khả năng ngăn ngừa ung thư, mới đây aspirin lại được cho là có khả năng kéo dài tuổi thọ cho các cơ quan cấy ghép.
Đó là do Aspirin có tác dụng chống sự viêm nhiễm - điều thường xảy ra với các bộ phận cấy ghép một thời gian dài sau khi được phẫu thuật, làm giảm tuổi thọ của chúng. Kết luận này được TS Zac Varghesse, thuộc Viện Hoàng gia London (Anh), đưa ra.
TS Varghesse cho biết, dù những ca phẫu thuật có thành công đến 90-99% thì sau 10 năm, khoảng 60% các cơ quan cấy ghép sẽ bị viêm nhiễm. Các tác nhân gây viêm nhiễm làm tích lũy một lượng lớn chất lipid trong tế bào. Điều này gây ra hiện tượng xơ hóa hoặc làm tổn thương bộ phận được cấy ghép ở cơ thể người bệnh. Những triệu chứng này thường rất khó chẩn đoán và xảy ra sau một thời gian dài.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons