Sau bữa đi ăn thịt chó về, ông Lân thấy ngón chân cái có biểu hiện đỏ lên, sưng tấy và rất đau. Ngày hôm sau đau đến nỗi ông không đi được, mặt lúc nào cũng nhăn nhó. Gia đình bàn đi tính lại, cuối cùng quyết định chở ông lên bệnh viện để khám xem sao. Bác sĩ khám rồi cho làm xét nghiệm, chẩn đoán ông bị gút (người ta còn gọi là bị thống phong).
Bác sĩ kê đơn thuốc và dặn ông cần uống thuốc theo đúng chỉ định, dặn kỹ ông nếu khi uống thuốc thấy những biểu hiện khác thường thì đến gặp bác sĩ ngay. Bác sĩ còn dặn dò ông tránh uống rượu, không ăn quá nhiều đạm động vật, rồi hẹn ngày tái khám.
Bác sĩ cũng cho ông biết về những biến chứng của gút như có thể dẫn đến viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, hủy hoại khớp. Một số ít có thể bị sỏi thận hoặc nặng hơn nữa là suy thận. Nghe vậy nên ông Lân tự nhủ: Mình phải uống thuốc cho đầy đủ.
Triệu chứng điển hình của bệnh gút là sưng, nóng đỏ, đau ở các khớp một cách đột ngột. Ảnh: TL
|
Thuốc trị gút ông dùng có tên là colchicin. Trên đường về nhà ông sốt sắng nói cậu con trai cả rẽ ngay vào hiệu thuốc bên đường mua về uống luôn. Đến ngày thứ ba các triệu chứng sưng, đau khớp đã giảm, ông đi lại được, song cũng từ hôm uống thuốc bụng ông lại chẳng yên tý nào.
Thi thoảng ông lại thấy đau bụng, buồn nôn, rồi có lần ông nôn thật. Lại thấy có những triệu chứng (mặc dù không giống lần trước) song cũng khó chịu không kém nên chưa đến ngày tái khám ông lại nhờ cậu con trai đưa lên bệnh viện để hỏi bác sĩ:
- Thưa bác sĩ, được bác sĩ cho thuốc uống, bệnh của tôi đã đỡ song tôi lại cứ thấy đau bụng, buồn nôn…
Và ông được bác sĩ giải thích:
- Đó là tác dụng không mong muốn của thuốc. Đối với thuốc này có tác dụng điều trị gút rất tốt song bên cạnh đó lại có nhược điểm là có thể gây ra các triệu chứng như bác đã gặp phải. Khi phải dùng với liều cao thuốc có thể gây tiêu chảy nặng, chảy máu dạ dày - ruột, nổi ban, tổn thương thận hoặc viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu (trị liệu dài ngày)…
Tuy nhiên các triệu chứng này chỉ xảy ra ở một số ít người dùng thuốc. Một lời khuyên cho những người dùng thuốc này là khi uống thuốc mà thấy có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, nôn và tiêu chảy cần ngừng dùng thuốc vì đó là các dấu hiệu báo động sớm về khả năng có thể sẽ bị ngộ độc nặng hơn.
Trị liệu chỉ được tiếp tục khi hết các triệu chứng trên và thường sau 24 - 48 giờ. Bây giờ đến đây rồi bác hãy an tâm nhé, chúng cháu sẽ khám lại và có thể thay sang dùng thuốc khác.
- May quá, tôi nhớ lời dặn dò của bác sĩ nên kịp thời phát hiện ra những bất thường khi dùng thuốc và đến với bác sĩ ngay.
MÙA ĐÔNG DỄ GÂY RA TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO, ĐỘT QUỴ CHO NGƯỜI MẮC BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP. NHỮNG SAI LẦM NHIỀU NGƯỜI ĐANG MẮC PHẢI DƯỚI ĐÂY SẼ KHIẾN BỆNH THÊM NẶNG.
Các bạn trẻ từ 25 tuổi trở lên cũng cần phải kiểm tra huyết áp định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Ảnh: P.T
Sai lầm thường hay gặp
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – giảng viên Khoa Nội (Học viện Quân Y) cho biết,tăng huyết áp (THA) là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý tim mạch. Nhiều trường hợp những biểu hiện của bệnh THA không được rõ ràng nên người bệnh chủ quan. Cũng từ đó đã có những lầm tưởng hết sức nguy hiểm về căn bệnh này.
* Tăng huyết áp là do thần kinh căng thẳng
Một số người nghĩ rằng, THA là do bị căng thẳng về thần kinh. Bởi vậy họ thường chỉ uống thuốc khi bản thân cảm thấy khó chịu, căng thẳng về tinh thần. Nhưng THA không chỉ do căng thẳng về tinh thần mà nó là một bệnh. Có những người dù sống trong điều kiện thoải mái, nhẹ nhàng vẫn bị THA.
* Ngừng thuốc khi huyết áp về bình thường
Sau khi uống thuốc một thời gian, trị số huyết áp trở lại mức bình thường, nhiều người liền ngừng uống thuốc vì cho rằng đã hoàn toàn khỏe mạnh, uống tiếp sẽ gây tụt huyết áp. Điều này thực sự nguy hiểm vì huyết áp đã về bình thường là do tác dụng của thuốc, nếu ngừng thuốc huyết áp sẽ tăng trở lại.
Hơn nữa, khi huyết áp tăng cao thường không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận biết và có thể gây ra các tai biến nguy hiểm. Điều trị THA chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải điều trị lâu dài, liên tục nên phần lớn người THA đều phải uống thuốc huyết áp suốt đời.
*Chỉ người già mới bị
GS.TS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Ban quản lý Dự án Phòng, chống tăng huyết áp cho biết, không hiếm người cho rằng chỉ người cao tuổi mới bị THA. Không phải chỉ người cao tuổi mới mắc bệnh và càng không phải người trẻ tuổi là không mắc bệnh.
Theo điều tra gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố của nước ta, tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%. Trong đó có 52% không biết mình bị THA; 30% số người biết bị THA nhưng không điều trị; 64% số người biết bị THA đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.
* Mùa lạnhkhông nên chơi thể thao
Do bệnh THA có thể dẫn đến tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim nên nhiều người nghĩ không nên chơi thể thao, nhất là mùa lạnh càng nên kiêng. Thực tế, người THA cần phải luyện tập một cách đều đặn để giúp ổn định huyết áp, mạch máu lưu thông…
Người THA có thể chọn một số môn nhẹ nhàng như đi bộ, chạy chậm, bơi lội, bóng bàn… Nên tập vừa sức mình, tốt nhất là mỗi ngày tập 20 - 30 phút hoặc tập 3 lần mỗi tuần, không nên tập kéo dài hơn về thời gian và nặng về cường độ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người bệnh THA vận động tay chân thường xuyên trong ngày rất tốt cho tim mạch.
Sống khỏe với bệnh tăng huyết áp trong mùa lạnh
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho biết, huyết áp về mùa đông tăng cao hơn huyết áp về mùa hè khoảng 5mmHg. Hơn nữa, huyết áp rất khó khống chế do nhiệt độ thấp, các mao mạch sẽ co lại để thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Mồ hôi lại ra ít khiến dung lượng máu tăng lên. Nhiệt độ thay đổi đột ngột, nguy cơ chủ yếu là gây ra biến chứng, đặc biệt là xuất huyết não, đứt mạch máu do thiếu máu và tử vong do nhồi máu cơ tim.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên THA, tuy nhiên khoảng >95% các trường hợp không phát hiện được nguyên nhân. Để sống khỏe với THA trong mùa lạnh, người mắc bệnh THA cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống đều đặn thuốc huyết áp. Không nên tùy tiện dừng uống bởi sẽ dễ THA đột biến sau 40 giờ ngừng thuốc.
Ngoài ra, cần điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nên tắm bằng nước ấm và tuyệt đối tránh tắm quá lâu hoặc tắm khuya. Không nên tắm gội cùng một lúc, ra ngoài tập thể dục vào lúc sớm vì lúc này nhiệt độ còn thấp, sự chênh lệch với nhiệt độ cơ thể dễ khiến các mạch máu co lại, tăng nguy cơ huyết áp.
Thậm chí, bệnh nhân có thể bị đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não. Tốt nhất vận động trong nhà trong những ngày giá lạnh. Khi ra ngoài nên mặc quần áo ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân để tránh nguy cơ bị nhiễm lạnh. Hạn chế những yếu tố gây lo âu quá mức, không nên quá căng thẳng, bức xúc…
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, để điều trị THA, người bệnh cần sử dụng một số thuốc hạ áp để đạt được huyết áp mục tiêu. Tuy nhiên có một số trường hợp THA kháng trị (đã sử dụng từ 3 loại thuốc hạ áp trở lên, trong đó đã có thuốc lợi tiểu) nhưng vẫn chưa đạt được huyết áp mục tiêu (< 140/90 mmHg). Trong trường hợp này gần đây người ta có áp dụng một kĩ thuật mới là triệt phá các thần kinh giao cảm quanh động mạch thận bằng sóng RF.
Việc điều chỉnh lối sống hợp lý phối hợp với điều trị các bệnh lý khác và yếu tố nguy cơ đi kèm cũng hết sức cần thiết. Cần hình thành chế độ ăn nhạt, không sử dụng rượu, bia và các chất cồn quá nhiều, hạn chế ăn mỡ động vật và thức ăn chứa nhiều cholesterol. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và chế phẩm từ đậu. Không hút thuốc vì nó ảnh hưởng đến nội mạc của mạch máu, gây ra xơ vữa mạch và gây nhồi máu cơ tim.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét