Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Người Việt sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần

Sử dụng bừa bãi, lạm dụng kháng sinh khiến gia tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong.

Nhiều vi khuẩn đã nhờn với kháng sinh đặc trị 

Người Việt sử dụng kháng sinh gấp 5 lần so với các nước Châu Âu
Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.
Cụ thể năm 2011, toàn cầu có khoảng 640.000 trường hợp lao đa kháng thuốc; khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc 2 và bậc 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng.
Ký sinh trùng sốt rét Falciparum kháng với artemisinin đang nổi lên ở Đông Nam Á, kháng với chloroquine phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới.
Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. 
Đó là lý do tại sao WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Điều này được hiểu, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh thì trong tương lai không xa, chúng ta không có thuốc để trị bệnh.
Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh năm 2009 cho thấy có đến 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40 - 60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem.
Ngoài ra,báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ sử dụng kháng sinh trung bình ở nước ta là 274,7 DDD/100 ngày/giường. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với báo cáo của Hà Lan (58,1 DDD/100 ngày/giường và báo cáo từ 139 bệnh viện của 30 nước châu Âu là 49,6 DDD/100 ngày/giường).
Nguy cơ tử vong cao
Tại buổi lễ ký kết văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, vì thế việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh.
Song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới. 
Đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng; chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại: là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển­­­­­ bền vững của mỗi quốc gia; làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, kháng thuốc có thể đảo lộn các thành tựu đạt được trong nhiều chương trình y tế và tác động nghiêm trọng tới công tác quản lý và kiểm soát các bệnh lây nhiễm, đồng thời là nguy cơ làm ảnh hưởng tới sự thành công của các phương pháp điều trị và can thiệp y học hiện đại.
Vị Bộ trưởng cũng cảnh báo, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong nông nghiệp và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
Chung quan điểm này, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng kháng thuốc mở rộng nhiều năm nay. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng. Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của thuốc mới. Chúng ta có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh".
Trong khi đó, theo Bộ trưởng thì khung pháp lý và hệ thống các văn bản quy định hiện hành chưa đủ để đối phó, giám sát và ngăn chặn những nguy cơ đa chiều của việc kháng thuốc. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng sự phối hợp về chính sách và hành động giữa các Bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ với sự hỗ trợ toàn diện của cộng đồng và các đối tác phát triển là hết sức cần thiết. Điều này giúp cải thiện tình trạng kháng kháng thuốc hiện nay ở nước ta.
Sáng 24/6, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức lễ ký kết văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và nhiều tổ chức quốc tế khác. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ký cam kết về phòng chống kháng thuốc.
Theo N. Huyền - Infonet





NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317

Giữ thuốc trong nhà: Chuyện không nhỏ!

Nhiều nước thống kê hằng năm con số không nhỏ làm buồn lòng giới chức y tế về các trường hợp ngộ độc trong quá trình cất giữ, sử dụng thuốc trong gia đình.

Do không cất giữ thuốc tốt, để thuốc lẫn lộn với những vật dụng khác; trẻ em dễ dàng lấy thuốc, người lớn nhầm lẫn thuốc; thuốc cần giữ ở nhiệt độ thấp, cần để trong tủ lạnh nhưng lại để bên ngoài, lại bị ánh nắng chiếu vào, thế là thuốc hỏng, dùng chỉ có hại... Đó là nguyên nhân dẫn đến biết bao tai nạn, để lại những hậu quả đáng tiếc mà lẽ ra có thể phòng ngừa được.
Để thuốc nơi thoáng mát, khô ráo, không có nắng
Trong cuộc sống hằng ngày, có lúc chúng ta phải dùng đến thuốc. Hoặc là thuốc do bác sĩ khám bệnh ghi đơn để người bệnh đến nhà thuốc mua về dùng trong nhiều ngày; hoặc một số thuốc thông thường dùng để trị một số rối loạn nhẹ như sốt, đau nhức, ho, tiêu chảy, khó tiêu, đầy bụng... mà nhiều người thường mua sẵn trữ trong nhà để lúc hữu sự có thuốc dùng ngay.
Thuốc là sản phẩm đặc biệt liên quan đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng con người, nên cần phải cất giữ, bảo quản tốt chứ không thể để bừa bãi, lẫn lộn với mọi vật dụng khác trong gia đình. Có người để thuốc đang dùng trị bệnh một cách bừa bãi, đến giờ uống thuốc tìm mãi chẳng thấy đâu hoặc tìm được thì thuốc đã bị hỏng do để nơi không thích hợp.
Thuốc là sản phẩm đặc biệt liên quan đến sức khỏe, phải luôn bảo quản cẩn trọng Ảnh: Hoàng Triều
Thuốc là sản phẩm đặc biệt liên quan đến sức khỏe, phải luôn bảo quản cẩn trọng Ảnh: Hoàng Triều
Trong mỗi gia đình, với điều kiện cho phép, chúng ta nên mua hay đóng một cái tủ nhỏ có thể treo lên tường, vách hoặc đặt ở nơi dễ nhìn thấy với điều kiện: khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào (không nên để trong buồng tắm vì sự ẩm ướt làm cho thuốc mau hỏng). Tủ đặt như thế nào để trẻ con không tìm cách với tới được hoặc nếu trẻ con có thể với tới thì tủ phải có khóa cẩn thận.
Nếu không có điều kiện đóng hoặc mua tủ nhỏ, có thể tạm đặt thuốc trong ngăn kéo hoặc trong hộc tủ lớn. Cần phải đặc biệt lưu ý, nơi đặt thuốc phải là nơi thoáng mát, khô, không có ánh nắng chiếu vào và phải có khóa để trẻ con không mở ra lấy thuốc được.
Đối với thuốc dùng trong (tức loại để uống), ta nên sắp xếp riêng: thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ con, không nên để lẫn lộn.
Nếu thuốc có bao bì, nên để thuốc trong bao bì, kể cả bảng hướng dẫn sử dụng thuốc. Xin lưu ý, tất cả loại thuốc là viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc. 
Nếu là thuốc dành cho người lớn, nên ghi chú trên nhãn: "Người lớn". Nếu có hạn dùng (thường gọi là "đát", từ chữ expiry date) phải ghi rõ và thường xuyên theo dõi, nếu thuốc quá hạn dùng phải bỏ đi, thay thuốc mới vào. Để giữ nhãn tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên nhãn.
Bảo quản thuốc đặc biệt trong tủ lạnh
Ở đây xin đề cập thêm việc bảo quản một số thuốc rất đặc biệt tại nhà. Đó là các thuốc là chế phẩm sinh học cần được giữ ở nhiệt độ thấp, thí dụ thuốc insulin trị bệnh tiểu đường. Insulin là thuốc có bản chất là protein (chất đạm) cần phải giữ ở nhiệt độ thấp từ 4-80C, không được tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. 
Vì vậy, có lời khuyên khi mua insulin tại nhà thuốc, phải chắc chắn nhà thuốc bảo quản trong tủ lạnh và lấy từ tủ lạnh ra đưa cho bạn. Mua về nhà, trước khi dùng insulin, thuốc phải được cất giữ trong tủ lạnh (không để trong ngăn đá vì ở đó nhiệt độ rất thấp - 00C hoặc thấp hơn - để nước đông thành đá).
Khi lấy insulin ra khỏi tủ lạnh để dùng, cũng có lời khuyên: "Nên lấy thuốc insulin sắp được sử dụng ra khỏi tủ lạnh trước 4 giờ, bởi vì tiêm insulin lạnh sẽ đau hơn rất nhiều so với tiêm insulin ở nhiệt độ bình thường". Như vậy, cần lưu ý thêm, ngoài chỗ cất giữ thuốc thông thường trong nhà phải có thêm tủ lạnh để bảo quản các thuốc đặc biệt.
Tóm lại, xin hãy xem việc cất giữ thuốc trong gia đình là quan trọng. Thuốc chỉ an toàn và phát huy tác dụng cao nhất khi sử dụng thuốc đúng và tồn trữ, cất giữ thuốc tốt.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Người lao động




NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317

Viêm mũi do lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Thời tiết nóng nực, mấy ông trong xóm rủ nhau ra quán nước dưới gốc cây đa đầu làng ngồi cho mát. Khi đi, ông Long không quên cho lọ thuốc nhỏ mũi vào túi áo.
Gặp nhau ai cũng ta thán về cái thời tiết đầy khắc nghiệt này. Riêng ông Long còn thấy ngột ngạt hơn vì mũi cứ hay bị tắc làm ông không thở được. Giờ cũng vậy, ông thò tay vào trong túi áo lấy ngay ra lọ thuốc, rồi ngửa mặt lên nhỏ thuốc vào cả hai bên mũi. Một lúc sau ông phân bua:
- Quái lạ, sao dạo này nhỏ thuốc vào mà chẳng ăn thua gì cả, mãi mới có tác dụng và cũng chỉ được một lúc mũi lại ngạt tắc trở lại, hay là mình mua phải thuốc "rởm"?
- Để tôi nhỏ thử xem sao, sáng nay tôi cũng thấy có hiện tượng ngạt mũi mà chưa kịp mua thuốc nhỏ.
Nói vậy rồi ông San mượn ông Long lọ thuốc và nhỏ vào mũi của mình. Chỉ mấy phút sau ông San thấy mũi thông thoáng dễ chịu hẳn:
- Không phải thuốc rởm đâu. Tôi nhỏ đây này tác dụng ngay đấy chứ.
- Vậy mà tôi nhỏ thấy chẳng ăn thua gì, lại còn chẳng ngửi thấy cái gì nữa…
- Thế thì ông phải đi khám đi, có cái mũi để ngửi thì lại bị hỏng thế sao được.
- Vâng thế để sáng sớm mai tôi xuống huyện khám xem sao, chứ cứ lúc nào cũng phải gắn với lọ thuốc như thế này cũng không phải là tốt ông nhỉ.
Nói rồi hôm sau ông Long xuống bệnh viện huyện sớm. Ông phân bua với bác sĩ:
- Từ trước tới nay tôi có dùng thuốc lung tung đâu, chỉ dùng có đúng một loại thuốc này mà mũi bây giờ vẫn cứ bị ngạt tắc, lại còn nặng hơn thời kỳ đầu dùng thuốc nữa chứ. Bây giờ tôi chẳng còn phân biệt được mùi vị nữa… Đoạn vừa nói ông Long vừa rút ra trong túi áo mình lọ thuốc nhỏ mũi có tên xylomethazolin.
Nghe ông Long nói rồi mang cả vật chứng đến nữa, sau khi khám bác sĩ cho biết:
- Ông bị viêm mũi do thuốc. Do ông dùng quá nhiều thuốc gây co mạch này nên đã dẫn tới hiện tượng thiếu máu "chai lỳ" niêm mạc làm cho niêm mạc mũi đã bị xơ hóa, mất tính mềm mại, mất khả năng tự co hồi, giãn nở và còn làm mất khả năng đề kháng chống lại các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể qua đường mũi. 
Việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn, trường họp nặng có thể phải phẫu thuật để cắt cuốn mũi. Rồi bác sĩ giải thích thêm, xylomethazolin là một loại thuốc có tác dụng co mạch, khi nhỏ vào làm mũi dễ thở, nên dễ bị lạm dụng và dẫn đến hậu quả mũi sung huyết trở lại, nặng hơn. 
Một số người còn bị tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, loạn nhịp… do thuốc nhỏ mũi thấm xuống họng gây tác dụng toàn thân rất nguy hiểm. Vì vậy, để dùng thuốc an toàn, không nên dùng thuốc quá 3 ngày và thời gian dùng liên tục tối đa là 5 ngày.
Theo Bảo Lâm - Sức khỏe và Đời sống




NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317

Thuốc chống đông Warfarin - Thuốc cổ mà quý

Dù hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống đông mới ra đời nhưng warfarin vẫn là một thuốc gần như không thể thay thế đối với những bệnh nhân có van tim nhân tạo.
Thuốc chống đông Warfarin - Thuốc cổ mà quý
Khi dùng warfarin cần tránh những thực phẩm giàu vitamin K, không tự ý tăng giảm liều thuốc, không dùng thuốc mới..., nếu không có ý kiến bác sĩ.
Khi dùng warfarin cần tránh những thực phẩm giàu vitamin K, không tự ý tăng giảm liều thuốc, không dùng thuốc mới..., nếu không có ý kiến bác sĩ.
Warfarin là một thuốc chống đông phổ biến được dùng hiện nay. Warfarin với hai biệt dược ở Việt Nam là sintrom và coumadin. Warfarin là một thuốc điều trị quan trọng cho các bệnh nhân sau phẫu thuật thay van tim, những bệnh nhân rung nhĩ và những bệnh nhân có nguy cơ cao bị huyết khối.
Dù hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống đông mới ra đời nhưng warfarin vẫn là một thuốc gần như không thể thay thế đối với những bệnh nhân có van tim nhân tạo. Những bệnh nhân thay van tim cơ học, việc điều trị bằng warfarin là bắt buộc và những bệnh nhân này phải tuân thủ điều trị chặt chẽ. 
Chưa kể, warfarin là một thuốc chống đông rẻ tiền so với các thuốc chống đông mới nên nó vẫn thích hợp với đại bộ phận người dân nước ta. Tuy nhiên, việc sử dụng warfarin phải có những lưu ý nhất định, cũng như theo dõi chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả và tránh được các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo TS Phạm Như Hùng - Sức khỏe và Đời sống





NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317

5 thực phẩm cần tránh khi đang dùng kháng sinh

Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến việc dùng kháng sinh theo ba cách: ngăn cản khả năng hấp thu thuốc, làm chậm tỷ lệ hấp thu thuốc hoặc gây trở ngại cho việc phân hủy thuốc của cơ thể. Sau đây là một số loại thực phẩm mà bạn nên hạn chế tiêu thụ nếu đang phải uống thuốc kháng sinh nhằm tạo điều kiện để thuốc phát huy công dụng tốt hơn.
1. Thức ăn và đồ uống chứa nhiều axit
Những thực phẩm giàu axit như trái cây thuộc họ cam, quýt, sôcôla, nước ngọt, nước xốt cà chua… không nằm trong danh sách thực đơn dành cho những người đang phải dùng kháng sinh để điều trị bệnh vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc của cơ thể.
2. Những sản phẩm từ sữa, ngoại trừ sữa chua
Canxi vốn rất dồi dào trong những sản phẩm từ sữa sẽ ngăn cản khả năng hấp thu thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, sữa chua thì bạn có thể dùng vì chúng cung cấp các probiotic giúp hỗ trợ sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột.
Nhờ đó, bệnh sẽ nhanh phục hồi hơn khi thuốc kháng sinh tấn công vào các vi khuẩn (kể cả loại có hại lẫn có lợi) đang hiện diện bên trong cơ thể. Probiotic còn giúp ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy, vốn là một trong những tác dụng phụ rất phổ biến của thuốc kháng sinh.
3. Thuốc bổ sung canxi và sắt
Giống như canxi, sắt cũng gây trở ngại cho khả năng hấp thu thuốc kháng sinh một cách hiệu quả nhất. Do đó, nếu đang dùng kháng sinh, bạn chỉ nên dùng thêm các loại thuốc bổ sung sắt và canxi sau khi uống ít nhất là 3 giờ.
4. Thực phẩm giàu chất xơ
Những thức ăn giàu chất xơ luôn nằm trong nhóm thực phẩm lành mạnh nhưng chúng lại không phải là lựa chọn lý tưởng khi bạn đang phải dùng kháng sinh.
Những thực phẩm vốn có khả năng làm chậm tỷ lệ hấp thu thức ăn trong dạ dày này sẽ rất có ích trong trường hợp bạn đang muốn giảm cân, nhưng đồng thời chúng cũng khiến tỷ lệ hấp thu thuốc kháng sinh trong ruột trở nên chậm lại, gây ảnh hưởng không tốt cho quá trình điều trị bệnh.
5. Chất cồn
Thực tế là chất cồn không "quấy rầy" gì tới những viên thuốc kháng sinh mà bạn đang uống. Tuy nhiên, uống kháng sinh cùng với những loại đồ uống có chứa chất cồn lại có thể gây ra nhiều rắc rối cho cơ thể như tình trạng đầy hơi, hoa mắt hay chóng mặt. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên kiêng rượu, bia cho đến khi cơ thể phục hồi hoàn toàn và khỏe mạnh trở lại.
Theo Hồng Xuân - Phụ nữ TPHCM

Vì sao thuốc trị cảm ho rất nguy hiểm cho trẻ em?

Hiểu biết những thành phần có trong công thức của các thuốc trị cảm ho và sự nguy hiểm của những thành phần này là vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em

Cách đây chưa lâu, tất cả các nhà thuốc tây ở Mỹ và Úc đã phải “trùm mền” hàng trăm chế phẩm trị cảm ho dành cho trẻ em sau khi đã bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) “răn đe” rằng thuốc trị ho có thể gây nguy hiểm cho trẻ em dưới hai tuổi. Theo FDA, việc sử dụng các loại thuốc trị ho dành cho trẻ em mang nhiều tác hại hơn là lợi ích.
Hiểu biết được những thành phần có trong công thức của các thuốc trị cảm ho và sự nguy hiểm của những thành phần này là vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Dưới đây là những thuốc trị cảm ho phổ biến nhất, chúng ta có thể tìm thấy ở bất kỳ tiệm thuốc Tây nào.
Thuốc long đờm (Expectorants)
Loại thuốc này chứa hoạt chất guaifenesin có tác dụng làm giảm sự sung huyết (congestion) bằng cách làm loãng các chất nhờn. Theo ASHP (tổ chức của các dược sĩ tại Mỹ chuyên làm việc trong các bệnh viện) thì guaifenesin "không hề" chặn đứng nguyên nhân gây sung huyết ngực hoặc thúc đẩy tiến trình hồi phục. 
Guaifenesin là một độc chất đối với trẻ em nếu dùng quá nhiều. Guaifenesin là thành phần được sử dụng trong rất nhiều thuốc trị cảm ho. Vì vậy, nếu dùng nhiều loại thuốc trị cảm ho cùng lúc sẽ dẫn đến quá liều lượng, gây nguy hiểm.
Chất giảm sung huyết (Decongestants)
Phenylephrine và pseudoephedrine là những thuốc phổ biến nhất "chuyên trị" nghẹt mũi. Dù rất công hiệu nhưng những chất này thường làm cho trẻ em bị kích động, dễ nổi cáu. Chất giảm sung huyết "hành nghề" bằng cách làm co lại các mạch máu trong mũi, ngực và xoang mũi, nhờ đó ống mũi được thông thoáng hơn. Việc làm co mạch này sẽ tác động lên huyết áp của trẻ. 
Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều các chất giảm sung huyết, có thể làm chậm nhịp tim của trẻ. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Chất chặn ho (Cough suppressants)
Dextromethorphan (DM) vốn ngăn chặn trung tâm phản ứng ho ở não. Phản ứng phụ "khét tiếng" nhất của chất này là giảm thị giác, tăng nhịp tim, khó thở và mất tỉnh táo. DM nổi đình nổi đám do được nhóm thanh thiếu niên choai choai lạm dụng để "đi mây về gió". Hiện nay tại Úc, loại thuốc này khi bán phải kèm theo những điều kiện khắt khe nhằm tránh lạm dụng.
Kháng histamine (Antihistamines)
Các chất kháng histamine đầu tiên được dùng để trị phản ứng dị ứng. Do tình cờ khám phá ra những chất kháng histamine còn kiêm thêm khả năng gây buồn ngủ và làm giảm sự sản xuất chất nhầy nên người ta còn dùng chúng để trị cảm. 
Những chất kháng histamine phổ biến nhất là diphemhydramine, bropheniramine, carbinoxaimine, chlorpheniramine. Khi cho trẻ em uống thuốc có những chất này, phụ huynh phải hết sức thận trọng, vì có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Những thuốc trị cảm được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau bao gồm thuốc dạng lỏng, viên nhai, viên nén, miếng đặt trên lưỡi, kẹo ngậm, dịch treo (trước khi dùng dạng thuốc dịch treo, cần phải lắc kỹ). 
Nồng độ của các hoạt chất chứa trong các dạng bào chế kể trên thường là giống nhau. Khác nhau ở cách thức đưa thuốc vào cơ thể. Cần chọn dạng bào chế tiện lợi và an toàn cho trẻ. Đừng cho trẻ uống những loại viên nén không hòa tan được trong miệng hoặc kẹo ngậm vì có thể làm trẻ ngạt thở.
Luôn đọc kỹ nhãn thuốc để xem liều lượng các thuốc cảm ho khi cho trẻ dùng. Nếu không rõ về liều lượng, cần hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ. Để tránh ngộ độc, tốt nhất là đừng bao giờ cho trẻ uống nhiều hơn một loại các thuốc trị cảm ho, trừ khi có chỉ định rõ ràng của thầy thuốc. 
Tuyệt đối không được cho trẻ dùng những chế phẩm trị cảm ho nếu không có dòng chữ "Dùng cho trẻ em", vì những chế phẩm dùng cho người lớn bao giờ cũng chứa hàm lượng hoạt chất nhiều hơn các chế phẩm dùng cho trẻ em.
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường - Phụ nữ TPHCM





NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317

Sống thực vật suốt đời vì… phá thai bằng thuốc

Theo BS Nguyễn Đức Hiền, Phòng khám Đa khoa Đức Hiền, Hà Đông, Hà Nội thuốc phá thai cũng dễ gây dị ứng cho sản phụ và nhiều tác dụng phụ như: đau bụng kéo dài, buồn nôn, băng huyết...

Thậm chí, theo BS Hiền, có nhiều trường hợp sản phụ mua phải thuốc rởm, sau khi uống thuốc không có tác dụng nên thai nhi vẫn phát triển trong bụng mẹ.

Trước một loạt những ca tai biến do phá thai, đặc biệt là phá thai bằng thuốctại các phòng khám tư nhân trên địa bàn Hà Nội, đầu tháng 6 Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị trong và ngoài công lập để chấn chỉnh tình trạng này…
Thai 11 tuần vẫn nhận phá bằng thuốc
Vì điều kiện kinh tế không cho phép và đứa con lớn vẫn còn quá nhỏ nên khi “lỡ” có bầu đứa thứ hai, chị Lâm Bảo Anh (ở Thanh Trì, Hà Nội) quyết định phá thai. Sau khi khám thai, chị được một BS phòng khám tư nhân tư vấn và hướng dẫn mua thuốc về uống để ra thai. 

Theo lời BS này phá thai bằng thuốc cực kỳ đơn giản đối với thai nhi còn ít tuổi, hơn nữa vốn sợ dao kéo từ nhỏ nên chị Anh ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc về uống.
Uống thuốc buổi sáng thì buổi chiều chị bị đau bụng dữ dội và bắt đầu ra máu, kèm theo các hiện tượng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… Nghĩ mọi chuyện vẫn bình thường nên chị chỉ nằm nhà nghỉ ngơi, nhưng đến sáng hôm sau, các cơn đau càng dày hơn và mạnh hơn khiến chị choáng váng, đặc biệt máu ra rất nhiều. 

Không thể trì hoãn, chị vội vàng gọi điện thoại cho chồng đưa vào BV khám. Cũng may, chị mới bị tụt huyết áp và sốc do mất máu quá nhiều.

Tương tự như trường hợp của chị Bảo Anh, thời gian qua trên địa bàn Thủ đô xảy ra rất nhiều ca tai biến do phá thai bằng thuốc tại các cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo. Điển hình phải kể đến ca cấp cứu xảy ra cách đây không lâu tại BV Phụ sản Hà Nội.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân này có thai được hơn 11 tuần tuổi nhưng một phòng khám tư nhân vẫn nhận phá thai bằng thuốc cho chị. Chỉ uống đến liều thuốc thứ hai, người phụ nữ này đã rơi vào tình trạng hôn mê, trụy tim mạch và xuất huyết dữ dội. 

Tuy tính mạng được bảo toàn nhưng do bị mất máu quá nhiều, bệnh nhân có khả năng sẽ phải sống thực vật suốt đời…
Nghiêm cấm các cơ sở y tế “liều” phá thai bằng thuốc
Vì có quá nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, mặc dù nhận được rất nhiều lời đề nghị phá thai bằng thuốc từ các bệnh nhân, nhưng một nữ BS sản khoa khá nổi tiếng ở Hà thành ít khi tư vấn và chỉ định bệnh nhân phá thai bằng phương pháp này. 

Bởi theo chuyên gia này cho biết, phá thai bằng thuốc tuy đơn giản nhưng nguy cơ tai biến rất cao.
Cụ thể, phá thai bằng thuốc nhưng khi tử cung co bóp, chảy máu, thai vẫn không bị đẩy ra ngoài dẫn đến tình trạng thai chết lưu trong bụng mẹ. 

Khi gặp phải trường hợp này, bà mẹ sẽ dễ dàng bị nhiễm trùng màng ối, tử cung, viêm âm đạo… và nếu không phát hiện và can thiệp bằng y học, sản phụ sẽ bị rối loạn đông máu, băng huyết, thủng tử cung… nguy hiểm cho tính mạng và có thể dẫn đến vô sinh về sau.
Không chỉ có vậy, BS Nguyễn Đức Hiền, Phòng khám Đa khoa Đức Hiền, Hà Đông, Hà Nội cho hay, thuốc phá thai cũng dễ gây dị ứng cho sản phụ và nhiều tác dụng phụ như: đau bụng kéo dài, buồn nôn, băng huyết, rong huyết… Nhưng do ảnh hưởng của thuốc, thai nhi có nhiều nguy cơ bị khuyết tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến tương lai sau này…
Những cảnh báo này không phải bây giờ mới được đưa ra. Tuy nhiên, các hậu quả đau lòng vẫn xảy ra do nhận thức hạn chế và sự liều lĩnh của nhiều chị em. Trước vấn nạn kể trên, đầu tháng 6 Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị trong và ngoài công lập, các phòng khám chuyên khoa, sản phụ khoa yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các chỉ định phá thai an toàn, nhất là phá thai bằng thuốc.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tuân thủ đúng quy định của chuyên môn. Tại từng cơ sở phải đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định, xây dựng quy trình kỹ thuật phá thai an toàn bằng thuốc; theo dõi và chăm sóc bệnh nhân chặt chẽ trong những giờ đầu sau uống thuốc như dấu hiệu sinh tồn, tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo… Các đơn vị chỉ được phép phá thai đến 49 ngày.
Đặc biệt, công văn cũng nghiêm cấm các cơ sở y tế chưa được phép thực hiện phá thai bằng thuốc triển khai dịch vụ phá thai bằng thuốc. Chỉ có những cán bộ y tế đã được đào tạo và cấp chứng chỉ mới được phép thực hiện thủ thuật phá thai bằng thuốc tại các cơ sở y tế.

Theo Hải Long - Pháp luật Việt Nam



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons