Thời tiết thay đổi, hệ miễn dịch của trẻ kém nên rất dễ bị ốm. Trong trường hợp này, lựa chọn hàng đầu của các bậc cha mẹ giúp bé nhanh khỏi bệnh là cho bé uống thuốc kháng sinh. Chị Thu Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bé Na nhà mình mới được hơn 1 tuổi, vốn dĩ rất yếu và hay ốm vặt, nhưng được cái bé chỉ ốm nhẹ, hôm trước hôm sau là khỏi.
Lần này, bé ho đã gần một tuần mà không đỡ. Sốt ruột, mình mua kháng sinh về dùng. Mới được hai ngày thì bé tiêu chảy như tháo dạ khiến cả nhà cả nhà đứng ngồi không yên. Quá sốt ruột, tôi đưa bé đi bệnh viện khám và được các bác sĩ cho biết bé Na bị mất nước nặng vì tiêu chảy do dùng kháng sinh”.
|
Ảnh minh họa
|
Có thể gây mất nước nặng
Trao đổi với phóng viên Sức Khỏe Gia đình về tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ khi sử dụng thuốc kháng sinh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Có 2 nhóm vi khuẩn là có lợi và có hại.
Trong đó, đường ruột của trẻ chứa hàng triệu vi khuẩn có lợi giúp tiêu hóa thức ăn. Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn có hại không gây bệnh được do vi khuẩn có lợi lấn át. Nhưng khi uống kháng sinh, các vi khuẩn có lợi cũng sẽ bị tiêu diệt cùng với vi khuẩn có hại. Đó chính là nguyên nhân gây tiêu chảy.”
Theo bác sĩ Dũng, tình trạng tiêu chảy do uống kháng sinh xảy ra rất phổ biến. Thông thường, trẻ sẽ bị tiêu chảy sau khi uống kháng sinh 1-2 hôm, thậm chí sau khi ngừng uống vẫn bị tiêu chảy.
“Tiêu chảy do uống kháng sinh có rất nhiều thể trạng. Trong trường hợp nhẹ chỉ cần ngừng uống kháng sinh là trẻ hết tiêu chảy, nhưng cũng có trường hợp nặng nề hơn, bởi có những con vi trùng độc gây tiêu chảy kéo dài, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: mất nước nặng, viêm ruột, đau bụng, thậm chí ra máu… Nếu thây trẻ có các biểu hiện này, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chữa trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc”- bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Điều trị cần có tư vấn của bác sĩ
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi nghi ngờ bé tiêu chảy do kháng sinh, các bậc cha mẹ cần phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho bé ngay. Thực tế cho thấy, để phòng ngừa tiêu chảy cho con, nhiều mẹ đã tự ý mua các loại men vi sinh về cho con uống. Tuy nhiên, đây là thói quen rất nguy hiểm, bởi việc bổ sung men vi sinh loại nào còn phụ thuộc vào từng bé và cần phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ trong từng trường hợp, nếu không có thể sẽ “tiền mất tật mang”.
Làm gì khi bé bị tiêu chảy?
- Ngưng sử dụng thuốc kháng sinh, chuyển sang dùng thuốc khác như thuốc nam, thuốc đắp, miếng dán… tùy theo tình loại bệnh của trẻ.
- Cho bé uống đủ nước. Tuyệt đối không cho uống nước quả hay các đồ uống có gas, nó sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Vệ sinh nhẹ nhàng vùng quanh hậu môn cho bé, sử dụng các loại kem chống hăm để giảm đau rát cho bé.
- Bổ sung men vi sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Nhận biết tiêu chảy do dùng kháng sinh:
- Trẻ bị tiêu chảy trong và sau khi dùng kháng sinh, mức độ nhẹ
- Khi đại tiện trẻ phải rặn, hậu môn bị hăm đỏ
- Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân sống và lỏng
- Trẻ không bị sốt khi tiêu chảy, trong khi tiêu chảy do các nguyên nhân nhiễm khuẩn trẻ đều có sốt, mức độ tiêu chảy nặng hơn, kèm theo các biểu hiện khác như nôn, đau bụng.
Theo An Bình - Sức khỏe gia đình