Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Đầu năm nói chuyện dùng thuốc


Những ngày tết nếu đang phải uống thuốc thì nên quan tâm đến các thức ăn, đồ uống có tác dụng thế nào đến thuốc dùng hàng ngày. đặc biệt, người đang bị các bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc...
Bệnh mạn tính - đừng quên uống thuốc
Đối với người có nguy cơ đường huyết cao đang dùng thuốc trị đái tháo đường (ĐTĐ)… cần hết sức chú ý việc dùng thuốc. Nếu chỉ lơi là một ngày không dùng thuốc có thể làm cho đường huyết tăng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hàng năm cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, số người có xét nghiệm đường huyết cao lại tăng đột biến, nhiều người ở trong tình trạng hôn mê vì đường huyết lên quá cao, do bỏ thuốc hoặc ăn uống thất thường.
Dịp Tết khiến chúng ta có nhịp điệu cuộc sống bị đảo lộn, ăn ngủ thất thường, không tập thể dục, bỏ thuốc đang điều trị, hết thuốc chưa kịp mua, không tiêm được insulin, không giữ được chế độ ăn thường ngày, ăn quá nhiều vì tâm lý cho rằng “no ba ngày Tết”, do phải tiếp khách đã dùng quá nhiều cà phê, chè, thuốc lá, rượu... Vì vậy, trong những ngày Tết cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, kiêng các thao tác liên quan đến chữa bệnh, không ngừng uống thuốc nếu đang sử dụng, không vì vui mà quên uống thuốc, tiêm thuốc.
Tránh tương tác bất lợi giữa thuốc và đồ uống
Các loại rượu, bia nói chung trên thị trường đều có ancol etylic. Chất này ở liều cao gây co thắt hạ vị, làm chậm sự tháo sạch của dạ dày, do đó làm giảm tốc độ hấp thu và giảm sự tiếp thu sinh học của các thuốc như penicilin V, diazepam (còn gọi là seduxen)... Ancol etylic còn làm thay đổi tính thấm của màng, làm thuốc dễ khuếch tán, làm tăng tác động lên hệ thần kinh trung ương, do đó làm tăng độc tính của nhiều loại thuốc như Levadopa dùng cho bệnh nhân bị bệnh liệt rung (parkinson), Pheno barbital (gardenan) dùng điều trị mất ngủ do các nguyên nhân khác nhau.
Đối với bệnh nhân, cần dùng thuốc ngày Tết, tốt nhất là kiêng rượu, cà phê, nước trà trong thời gian uống thuốc. Trong cà phê, nước chè có hoạt chất là caffein, chất này có tác dụng kích thích hệ thần kinh, gây khó ngủ. Caffein còn làm thay đổi độ hấp thu của một số thuốc, do làm tăng độ acid của dạ dày. Cà phê, nước chè còn làm kết tủa và giảm hấp thu qua đường tiêu hóa của nhiều loại thuốc như Aminazin (clopromazin), Haloperidol... 
Để tránh các đồ uống kích thích có thể dùng nước đun sôi để nguội. Nước trắng có ưu điểm là giúp thuốc chóng đi tới tá tràng là nơi thuốc dễ hấp thu, tăng sự tan rã của các dạng tế bào, tăng độ tan của hoạt chất, gia tăng độ tiếp thu sinh học của thuốc. Nước trắng còn giúp thải trừ thuốc qua đường tiết niệu tốt hơn. 
Ngay cả các loại nước ngọt có ga, các loại nước trái cây, hoa quả cũng không thích hợp cho người đang dùng các loại thuốc kháng sinh như: erythromycin, cephalexin, amoxycilin... vì các thức uống này có độ chua gây phản ứng tương tác làm giảm hoạt tính thuốc.
Trong những ngày Tết, khi tiếp khách hoặc khi dự tiệc, nên tế nhị quan tâm đến người đang phải dùng các loại thuốc như thuốc chữa đau dạ dày - loét tá tràng, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị các bệnh mạn tính khác như đau đầu, đau xương khớp... Nên tiếp khách ngày tết bằng các loại đồ uống trung tính kèm với các loại mứt, hoa quả ai cũng có thể dùng được. Tránh tụ tập chè chén, uống rượu bia quá đà đễ gây ra các tai nạn giao thông trong mấy ngày tết làm mất đi không khí xuân vì phải vào bệnh viện.



Thuốc nào có thể qua sữa mẹ?

Bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú phải dùng thuốc chữa bệnh đều rất phân vân, lo lắng về ảnh hưởng của thuốc thông qua sữa mẹ đối với sức khỏe của con.

Đã có nhiều bà mẹ lựa chọn giải pháp tạm thời ngừng cho con bú trong giai đoạn dùng thuốc. Tuy nhiên, có rất nhiều nguy cơ nếu không thể cho con bú, vì thế cần xem xét một số điều sau.
Một ít thuốc tiết qua sữa có làm cho việc bú mẹ nguy hiểm hơn so với dùng sữa bình không? Hầu như không đáng lo ngại. Nói cách khác, thái độ thận trọng nghĩa là tiếp tục cho con bú chứ không phải là chuyển sang bú bình. Cần lưu ý rằng, ngừng cho bú 1 tuần có thể làm cho trẻ thôi bú vĩnh viễn vì trẻ không chịu bú mẹ nữa.
Cho con bú khi người mẹ dùng thuốc, nhìn nhận thế nào? Hầu hết thuốc mà người mẹ dùng đều có trong sữa nhưng thường chỉ ở mức rất nhỏ. Mặc dù một số rất ít thuốc vẫn có thể gây ra vấn đề cho trẻ dù với lượng rất nhỏ nhưng đa số không như vậy. Khi mẹ cho bú mà phải dùng thuốc chữa bệnh cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được thay thế bằng loại thuốc an toàn chứ không cần ngừng cho bú.
Tại sao phần lớn thuốc mà người mẹ dùng chỉ có trong sữa với lượng rất nhỏ? Vì nồng độ thuốc trong máu mẹ thường chỉ tính bằng microgram, thậm chí nanogram (một phần triệu hay một phần tỷ của gram) trong khi người mẹ dùng thuốc ở liều milligram (một phần nghìn của gram) hoặc gram. 
Hơn nữa, không phải mọi thứ thuốc có trong máu mẹ đều có thể chuyển qua sữa. Chỉ có loại thuốc không gắn với protein trong máu mẹ mới có thể chuyển qua sữa. Nhiều thuốc hầu như gắn hoàn toàn với protein trong máu mẹ, do đó trẻ không nhận được lượng thuốc tương tự như liều lượng người mẹ dùng mà luôn thấp hơn nhiều.
Các bà mẹ không nên quá lo lắng vì ảnh hưởng của thuốc tới con
Thuốc như thế nào được coi là an toàn?
Hầu hết, thuốc là an toàn nếu đảm bảo các tiêu chí sau:
- Thuốc thường chỉ được dùng cho trẻ em: Lượng thuốc qua sữa ít hơn nhiều so với khi trẻ dùng trực tiếp.
- Thuốc được coi là an toàn khi mang thai: Điều này không phải bao giờ cũng đúng, vì khi mang thai, cơ thể mẹ lại giúp cho thai không tiếp nhận thuốc. Do đó, về lý thuyết, sự tích tụ chất độc lại có thể xảy ra khi cho con bú chứ không xảy ra khi mang thai (mặc dù điều này hiếm khi diễn ra).
- Thuốc không được hấp thụ ở dạ dày hay ruột: Những thuốc này bao gồm nhiều loại thuốc tiêm, tuy không phải tất cả. Ví dụ, thuốc gentamycin (và nhiều thuốc khác thuộc dòng kháng sinh), heparin, interferon, thuốc gây tê tại chỗ, omperazole...
- Thuốc không thải trừ qua sữa mẹ: Một số thuốc chỉ vì quá to nên không thể chuyển qua sữa mẹ, ví dụ heparin, interferon, insulin.
Những thuốc nào được coi là an toàn khi cho con bú? Một số thuốc thường dùng được xem là an toàn khi cho con bú, bao gồm:
- Acetaminophen (tylenol, tempra), rượu (với lượng hợp lý), aspirin (liều thông thường, trong thời gian ngắn). Hầu hết, thuốc chống động kinh, thuốc hạ huyết áp, tetracyclin, codein, thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen), prednisone, thyroxin, warfarin, các thuốc chống trầm cảm, metronidazole (flagyl)...
- Thuốc bôi ngoài da, thuốc hít (như thuốc chữa hen) hay thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi đều gần như an toàn khi cho con bú.
- Thuốc gây tê tại chỗ hay khu vực dùng cho người mẹ không được hấp thụ vào dạ dày trẻ và an toàn. Những thuốc dùng trong gây mê toàn thân cho mẹ chỉ đi vào sữa mẹ với lượng rất nhỏ (giống như các thuốc khác) và rất khó có thể tác động đến trẻ. Những thuốc này có thời gian bán thải rất ngắn và bị thải trừ rất nhanh khỏi cơ thể mẹ. Người mẹ có thể cho con bú ngay sau khi tỉnh.
- Gây miễn dịch (tiêm hay uống vaccin) cho mẹ không đòi hỏi phải ngừng cho bú. Trái lại, việc gây miễn dịch cho mẹ còn giúp trẻ phát triển sự miễn dịch nếu như chất có trong vaccin vào sữa. Trong thực tế, hầu hết các vaccin đều không đi vào sữa.
- Chụp Xquang hay scan (phương pháp chẩn đoán hiện đại dựa trên hình ảnh): Xquang thông thường không đòi hỏi bà mẹ ngừng cho con bú ngay cả khi có dùng chất cản quang (ví dụ chụp bể thận với thuốc tiêm tĩnh mạch). Lý do là thuốc không đi vào sữa và dù có thì trẻ cũng không hấp thụ. Cũng như vậy với CT scan (chụp cắt lớp vi tính) và MRI scan (cộng hưởng từ) không cần ngừng cho bú dù có làm lần thứ hai.
- Còn phương pháp chẩn đoán bằng chất phóng xạ? Khi mẹ cần đến phương pháp chẩn đoán có dùng chất đồng vị phóng xạ (để có hình ảnh tổn thương ở phổi, hệ bạch mạch, xương) thì nên dùng chất technetium vì chất phóng xạ này có thời gian bán thải là 6 giờ, có nghĩa là sau 12 giờ, 75% chất technetium đã được thải trừ và nồng độ trong sữa đã rất thấp.
Sau khi thăm dò bằng chất phóng xạ, bà mẹ đều có thể cho con bú, chỉ nên chờ qua 12 giờ (với technetium). Thăm dò tuyến giáp trạng với chất phóng xạ lại khác vì chất iodine phóng xạ tập trung nhiều ở sữa, được trẻ hấp thụ và sẽ đi đến tuyến giáp của trẻ rồi tồn tại ở đó lâu dài. Điều này rõ ràng đáng lo ngại nhưng may mắn là loại thăm dò này không mấy khi cần làm cho bà mẹ cho con bú.


Cách dùng thuốc chống dị ứng an toàn


Các thuốc này người bệnh có thể tự mua dùng hoặc dùng theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên khi dùng các thuốc này cần cảnh giác những bất lợi do chúng gây ra….

Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin đường uống: Gồm các dạng thuốc viên và dung dịch, được dùng trong các trường hợp ngứa, chảy nước mũi, phát ban (nổi mề đay), bao gồm các thuốc như: Loratadin, cetirizin, desloratadin... Một số thuốc kháng histamin đường uống có thể gây khô miệng và buồn ngủ, nhất là các kháng histamin thế hệ 1 như: Diphenhydramin, chlorpheniramin… Nói chung các thuốc kháng histamin thường gây an thần không nên dùng khi lái xe hoặc làm các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo.
Kháng histamin dạng xịt, nhỏ mũi: Giúp giảm hắt hơi, ngứa mũi hoặc chảy nước mũi, nghẹt mũi, gồm các thuốc azelastin, olopatadin… Khi dùng các thuốc này người bệnh có thể thấy có vị đắng trong miệng, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu, rát mũi, chảy máu mũi, buồn nôn, chảy nước mũi, đau họng và hắt hơi.
Thuốc kháng histamin nhỏ mắt: Thường được kết hợp với các thuốc khác như ổn định tế bào mast hoặc thuốc thông mũi. Thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể giảm bớt các triệu chứng như: Ngứa, tấy đỏ và sưng mắt. Bạn có thể cần phải sử dụng những loại thuốc này nhiều lần trong ngày, bởi vì những tác động có thể kéo dài chỉ một vài giờ. 
Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể bao gồm đỏ mắt, chảy nước mắt, nhức nhẹ hoặc đau đầu. Thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể làm tăng nguy cơ viêm mắt khi bạn đang đeo kính áp tròng.
Cách dùng thuốc chống dị ứng an toàn 1
Thuốc corticoid dạng xịt có thể gây tác dụng phụ khó chịu, kích ứng mũi
Các loại corticoid
Các thuốc corticosteroid (viết tắt là corticoid) khi sử dụng nhất thiết phải có đơn của bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng các loại thuốc này vì bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc còn gây ra nhiều tác dụng phụ có hại nguy hiểm cho người sử dụng. Vì vậy, khi dùng các thuốc này cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như liệu trình điều trị. Thuộc loại này bao gồm các dạng thuốc sau:
Thuốc dạng xịt mũi: Có tác dụng ngăn chặn và làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng của viêm mũi dị ứng, giúp đỡ nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa, chảy nước mũi. Trên thị trường bao gồm các loại thuốc như: Fluticason, mometason, budesonide… Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể bao gồm mùi khó chịu, kích ứng mũi và chảy máu cam.
Corticoid dạng hít: Các loại thuốc này thường được thực hiện trên cơ sở hàng ngày như là một phần của điều trị hen suyễn. Ví dụ như: Fluticason, budesonid, beclomethason… Các tác dụng phụ có thể gây khô miệng, họng và nhiễm khuẩn nấm miệng.
Dạng thuốc nhỏ mắt: Được sử dụng để điều trị kích ứng mắt nặng do sốt và viêm kết mạc dị ứng. Ví dụ như: Dexamethason, fluorometholon, hay prednisolon… Tuy nhiên khi sử dụng các loại thuốc này cần lưu ý, thuốc có thể gây mờ mắt. Sử dụng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Kem bôi da chứa corticoid: Bao gồm các thuốc như hydrocortison, triamcinolon, flucina… Đây là các thuốc hay được người dân tự ý mua về sử dụng, đôi khi không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian trên 1 tuần cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ. Tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng da và đổi màu. Sử dụng lâu dài có thể gây mỏng da, teo da….
Corticoid đường uống: Gồm dạng thuốc viên và dung dịch, được sử dụng để điều trị các triệu chứng nghiêm trọng gây ra bởi tất cả các loại phản ứng dị ứng. Vì chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn, corticoid đường uống thường được quy định đối với khoảng thời gian ngắn. Sử dụng lâu dài có thể gây đục thủy tinh thể, loãng xương, yếu cơ, loét dạ dày và chậm phát triển ở trẻ em. Corticoid đường uống cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh cao huyết áp.
Người bệnh cần lưu ý
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ lựa chọn loại thuốc và dạng thuốc dùng cho thích hợp và hiệu quả. Các thuốc chống dị ứng vẫn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Một số loại thuốc dị ứng có thể gây ra vấn đề không tốt cho cơ thể khi kết hợp với các thuốc khác hoặc có chống chỉ định trong một số trường hợp. 
Vì vậy khi dùng thuốc chống dị ứng người bệnh cần nói cho bác sĩ biết nếu mình đang mang thai; cho con bú; bị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, tăng nhãn áp… hoặc đang dùng bất cứ loại thuốc nào.
Khi sử dụng thuốc chống dị ứng người bệnh cần theo dõi các tác dụng phụ do thuốc gây ra và thông báo cho bác sĩ biết khi mình gặp phải những bất lợi này để bác sĩ có cách xử trí kịp thời, thích hợp; tránh tai biến do thuốc gây ra.



Những cách bổ sung testosteron không cần thuốc



Nhiều người trong chúng ta tin rằng chỉ có các thuốc mới làm tăng hàm lượng testosteron trong khi trên thực tế có nhiều cách để làm tăng hàm lượng hormon này một cách tự nhiên.
Testosteron có liên quan tới ham muốn tình dục và hình thành cơ bắp ở nam giới. Nhiều người trong chúng ta tin rằng chỉ có các thuốc mới làm tăng hàm lượng testosteron trong khi trên thực tế có nhiều cách để làm tăng hàm lượng hormon này một cách tự nhiên, an toàn hơn mà không cần dùng thuốc.
Thử HIIT và tập tạ
Tập tạ là một trong những cách tự nhiên để tăng hàm lượng testosteron. Ngoài ra, HIIT (phương pháp tập luyện giảm mỡ nhanh) là một dạng tập luyện huy động tất cả các cơ trong một thời gian ngắn. Nó giống như chạy nhanh trong 1 phút và ngồi nghỉ 1 phút và lặp lại. HIIT kéo dài khoảng 4-5 phút. Khi vận động mạnh các cơ, cơ thể sẽ sản sinh testosteron để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Hạn chế sử dụng đường
Insulin có thể thay đổi hàm lượng testosteron và làm giảm hàm lượng này rõ rệt. Do vậy, hãy tránh xa các loại thực phẩm có đường.
Bổ sung vitamin D3
Bạn nên hấp thu nhiều vitamin D3 từ chế độ ăn uống hàng ngày vì nó giúp cơ thể sản sinh testosteron. Trên thực tế, loại vitamin này là một hormon và nó làm tăng hàm lượng testosteron, miễn dịch và sức khoẻ  xương. Phần lớn chúng ta đều có thể bị thiếu hụt vitamin D. Nhiều người không nhận đủ ánh sáng mặt trời và đó có thể là nguyên nhân khiến hàm lượng này suy giảm.
Có đời sống tình dục tích cực
Đời sống tình dục của bạn cũng có thể ảnh hưởng tới hàm lượng testosterone.
Duy trì tư thế đúng
Một nghiên cứu mới đây khẳng định rằng thậm chí tư thế của bạn cũng ảnh hưởng tới hàm lượng testosteron một cách tích cực hoặc tiêu cực tuỳ thuộc vào tư thế đúng hay sai.
Bổ sung kẽm
Ăn nhiều các loại rau có lá và nếu có thể là thịt đỏ để nhận kẽm vào trong cơ thể. Kẽm có vai trò sản sinh nhiều testosteron. Nếu não quyết định sản sinh testosteron nhiều hơn, chế độ ăn của bạn nên chứa đủ kẽm. Tuy nhiên, dư thừa kẽm cũng không tốt cho sức khoẻ.
Không loại bỏ chất béo
Mặc dù quá nhiều chất béo là nguy hiểm, tuy nhiên cơ thể vẫn cần chất béo. Hàm lượng testosteron đòi hỏi một số dạng chất béo. Ăn nhiều cá hồi, hạt lanh, bơ sữa, các loại hạt và bơ.
Giảm thiểu căng thẳng
Căng thẳng nhiều có nghĩa cơ thể sản sinh nhiều cortisol và ít testosteron. Căng thẳng có thể làm tổn hại tới hệ miễn dịch của bạn, kích hoạt chất béo, giảm khối cơ…



Ảnh hưởng khi dùng thuốc hormon sinh dục kéo dài



Hormon sinh dục là các nội tiết tố được duy trì trong cơ thể ở mức độ nào đấy để duy trì các biểu hiện cơ bản của giới tính là nam hoặc nữ. Nếu các hormon này duy trì ở mức phù hợp thì nó sẽ giúp cân bằng giới tính hoặc những cảm xúc bản thân, giúp bạn tránh xa một số bệnh tật. Ngược lại, nếu các hormon này quá thấp hoặc quá cao trong cơ thể đều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và giới tính của con người.
Một số hormon sinh dục đặc trưng
Testosteron đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cảm xúc tình dục. Testosteron thường liên kết mật thiết với các đặc tính của các cá thể nam nhưng nó cũng có mặt trong cơ thể của các cá thể nữ. Hormon này được sản xuất bởi các tế bào Leydig ở tinh hoàn của nam giới và trong buồng trứng ở nữ giới. 
Ngoài ra, các tuyến thượng thận của cả hai giới cũng sản xuất DHEA testosteron là một tiền chất của testosteron. Đây là một hormon có thể làm cho nam biến thành nữ. Nếu cơ thể có quá nhiều hormon testosteron sẽ khiến giọng nói ồm ồm và tăng sự phát triển của khối lượng cơ bắp. Testosteron cũng làm tăng sự ham muốn tình dục ở cả hai giới.
Estrogen là hormon nữ giới được sản xuất trong buồng trứng cũng như trong các tế bào chất béo nhất định của cơ thể. Estrogen giúp tăng trưởng và phát triển hoàn thiện các bộ phận sinh dục nữ, vú và lông ở vùng mu. Do đó, nếu thiếu hụt estrogen có thể gây ra sự suy giảm tình dục ở giới nữ. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng khô âm đạo và các triệu chứng khác trong thời kỳ mãn kinh.
Progesteron được sản xuất trong buồng trứng ở nữ giới. Nó là một trong những loại hormon kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể, có vai trò trong việc duy trì thai kỳ, giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho sự thụ thai, mang thai và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng ở nữ giới. Nếu nồng độ progesteron cao sẽ gây ra các triệu chứng tiền kinh nguyệt như hiện tượng căng ngực, cảm giác phù nề và cảm xúc không ổn định. Khi nồng độ progesteron thấp sẽ khiến kinh nguyệt không đều.
Tuyến yên và mối liên quan với các tuyến nội tiết khác trong cơ thể
Thuốc hormon - “Con dao hai lưỡi”
Các thuốc hormon thường được dùng trong chuyên ngành nam khoa và phụ khoa để điều trị một số triệu chứng liên quan đến giới tính và các bệnh về sinh dục. Việc sử dụng các thuốc này cần phải được theo dõi chặt chẽ và có sự điều chỉnh liều lượng cần thiết khi có triệu chứng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ thể. 
Các thuốc hormon đều có mặt trái của nó đã được cảnh báo trước. Hiện nay có những người chuyển giới cũng thường xuyên phải sử dụng hormon này để duy trì bản sắc giới mà họ mong muốn. Nhưng việc dùng thuốc hormon để duy trì giới tính là một “con dao hai lưỡi” với những hệ quả tiêu cực đến sức khỏe vì các hormon sinh dục là nhóm thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn. 
Các androgen sinh dục nếu dùng thường xuyên không những tác động đến các yếu tố phụ của giới tính như lông, râu, tóc, mô mỡ trên cơ thể mà còn có thể gây ung thư và các bệnh về tim mạch. Trong suốt cuộc đời sau khi phẫu thuật chuyển giới, những người này phải dùng thuốc nội tiết nam hoặc nữ. Những thuốc này không hề rẻ và họ bị áp lực kiếm tiền để chi phí cho việc này.
Một vấn đề nữa đặt ra là họ phải được điều trị đúng phác đồ, được các thầy thuốc chuyên về nội tiết sinh dục theo dõi chặt chẽ để nếu có trục trặc gì, họ sẽ được điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay người chuyển giới thường tự dùng thuốc theo mách bảo hoặc theo đơn mang về từ nơi mà họ đã phẫu thuật tự nguyện. 
Khi tự điều trị, họ sẽ không biết được dạng thuốc nội tiết nào là tốt, liều lượng thuốc như thế nào phù hợp, cần điều chỉnh gì khi có trục trặc. Vì thế, việc dùng thuốc sai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chẳng hạn, việc dùng thuốc nội tiết tố nữ dạng uống ethinyl estradiol có thể làm thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối (gây đột tử). 
Điều trị chuyển giới giống như điều trị một bệnh mạn tính phải dùng thuốc suốt đời mà muốn an toàn thì người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa kê toa thuốc, theo dõi định kỳ, điều chỉnh liều lượng. Nếu sử dụng thường xuyên các thuốc hormon nội tiết tố sinh dục sẽ làm thay đổi cơ thể. Testosteron giúp lông trên cơ thể người nữ thành nam phát triển nhiều hơn. 
Sự phân bố mỡ của cơ thể cũng thay đổi dưới tác động của nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, nội tiết tố sinh dục không làm thay đổi bộ xương. Testosteron giúp giọng nói của người nữ thành nam trở nên trầm hẳn sau ba tháng dùng thuốc, nhưng estrogen lại không thể giúp giọng của người nam thành nữ trở nên thánh thót hơn được.



Dùng thuốc chống ngạt mũi coi chừng tai biến


Thuốc chống ngạt mũi được dùng phổ biến để điều trị các bệnh tai - mũi - họng. Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc chống ngạt mũi cũng phải cẩn trọng để tránh gặp tai biến.

Rất thông thường
Khi bị ngạt mũi rất ít người nghĩ tới chuyện đi khám bệnh ngay mà thường mua thuốc về nhỏ hoặc xịt mũi. Có ba lý do khiến người bệnh ngại đi khám: bệnh không nguy hiểm, dễ mua thuốc và cách dùng thuốc đơn giản.
Sở dĩ thuốc được ưa dùng trong cả bệnh viện và trong cộng đồng là do tác dụng của thuốc. Công dụng của thuốc đều dựa trên một nguyên lý chung là kích thích hệ vận mạch tại chỗ của mũi theo hướng hoạt hóa hệ giao cảm, tác dụng vào thụ cảm thể alpha của adrelanin. Khi gắn vào thụ cảm thể này sẽ gây ra hoạt tính như một adrenalin chính hiệu. Nghĩa là mạch máu bị co lại, thành mạch giảm tính thấm và chống thoát dịch khỏi mạch. Từ đó hiệu năng được thể hiện.
Mặc dù có nhiều tác nhân khác nhau gây ra viêm mũi như phấn hoa, virut, vi khuẩn, nấm mốc, chấn thương hay do lạnh thì đều gây ra hiện tượng là giãn mạch máu mạnh và thoát dịch. Dịch mũi mà chúng ta vẫn thấy thực chỉ là do nước trong lòng mạch thoát ra mà thôi. Làm co mạch lại và chống thoát mạch sẽ làm giảm sổ mũi và chống ngạt mũi.
Hiện nay có nhiều loại thuốc có thuộc tính chống ngạt mũi như ephedrin, naphazolin, oxymetazolin, pseudoephedrin, phenylephrin, levo-methamphetamin, phenylpropanolamin, tetrahydrozolin…Trong đó 3 loại thuốc đầu rất phổ biến tại nước ta, thường được bào chế dưới dạng lọ xịt hoặc lọ nhỏ mũi.
Và những biến cố
Mặc dù những chứng bệnh có ngạt mũi ít khi nguy hiểm tới tính mạng và việc dùng thuốc lại đơn giản nhưng thuốc lại không hề dễ tính với một số bệnh có chống chỉ định với những thuốc này.
Thứ nhất, đó là tác dụng phụ liên quan đến tác dụng chính. Vì thuốc ứng dụng điều trị được là do hoạt tính kích thích giao cảm của nó nên những người cần hạn chế hoạt tính giao cảm thực sự dùng là không tốt. Ví dụ như người bị tăng huyết áp, nếu dùng thuốc co mạch này nhiều lần trong một ngày sẽ gây ra hoạt tính cường giao cảm và làm huyết áp tăng lên.
Nếu như huyết áp đang cao thì nó hoàn toàn có thể kích thích tạo ra một cơn tăng huyết áp kịch phát, thậm chí gây ra đột quỵ não. Với những người có nhịp tim nhanh và/hoặc rối loạn nhịp tim không đồng đều, nếu dùng thuốc có hoạt tính cường giao cảm như thuốc chống ngạt mũi thì chỉ càng làm cho tim hưng phấn, nhịp tim càng nhanh, người càng hồi hộp và cơ thể thì càng mệt. Vì thế, những người bị cường giao cảm hoặc bị những bệnh gây ra cường giao cảm thì nên hạn chế thuốc này.
Biến cố thứ hai cũng liên quan tới tác dụng chính đó là tác dụng làm co mạch. Không giống mạch máu ở những chỗ khác, mạch máu của mũi rất nhạy cảm và rất dễ biến đổi. Nó dễ co vào và giãn ra như một chiếc điều hòa vạn năng, vì nó thực hiện nhiệm vụ làm ấm và làm ẩm luồng không khí hít vào.
Nếu chúng ta làm cho mạch máu co lại nhiều quá hoặc lâu quá thì niêm mạc mũi bị teo lại, khí thở khô và niêm mạc mất chức năng. Lúc này thì việc phục hồi lại niêm mạc sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, để an toàn không được dùng thuốc nhiều lần trong ngày và không dùng thuốc quá 5 ngày.



Khi nào cần dùng acid folic


Đối với phụ nữ mang thai ngoài được khuyên ăn uống đầy đủ chất còn được khuyên là dùng thêm acid folic. Bởi đây là một vitamin tổng hợp nhóm B có ảnh hưởng tới nhiều quá trình chuyển hóa.

Dùng trong trường hợp nào?
Đối với phụ nữ mang thai ngoài được khuyên ăn uống đầy đủ chất còn được khuyên là dùng thêm acid folic. Bởi đây là một vitamin tổng hợp nhóm B có ảnh hưởng tới nhiều quá trình chuyển hóa, trong đó có sự tổng hợp DNA. 
Khi kết hợp với vitamin C, acid folic được chuyển thành chất rất cần thiết cho sự tổng hợp cả DNA và RNA của cơ thể và là yếu tố không thể thiếu được cho tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường. Nếu thiếu acid folic sẽ gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và gây dị tật cho thai nhi.
Ngoài việc bổ sung cho phụ nữ mang thai, acid folic còn được dùng trong các trường hợp: điều trị và phòng tình trạng thiếu aid folic (không do chất ức chế), thiếu acid folic trong chế độ ăn, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic do kém hấp thu hay tiêu chảy kéo dài, bổ sung acid folic cho người bệnh đang điều trị bằng các thuốc kháng acid folic như methotrexat, người bệnh đang điều trị động kinh bằng các thuốc như hydantoin hay đang điều trị thiếu máu tan máu khi nhu cầu acid folic tăng lên…
Thực phẩm chứa nhiều acid folic
Và những lưu ý
Cần lưu ý, không được dùng acid folic riêng biệt hay dùng phối hợp với vitamin B12 với liều không đủ để điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ chưa chẩn đoán được chắc chắn. Các chế phẩm đa vitamin có chứa acid folic có thể nguy hiểm vì che lấp mức độ thiếu thực sự vitamin B12 trong bênh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12. 
Những phụ nữ đã có tiền sử mang thai lần trước mà thai nhi bị bất thường ống tuỷ sống thì có nguy có cao mắc lại tương tự ở lần mang thai sau, vì vậy nên bổ sung acid folic từ trước khi mang thai.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons