Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Thuốc tránh thai - Vũ khí chống ung thư

Một nghiên cứu công bố trên tờ British Medical Journal cho thấy thuốc tránh thai làm giảm ít nhất 12% nguy cơ ung thư ở phụ nữ.

Theo nghiên cứu đăng trên tờ British Medical Journal, việc sử dụng thuốc tránh thai trong vòng ít nhất 8 năm làm giảm đến 12% các nguy cơ ung thư.
Còn nhóm các nhà nghiên cứu người Anh của trường đại học Aberdeen (Scotland), thì thuốc tránh thai có thể đẩy lùi các nguy cơ ung thư 12% nhưng với một vài điều kiện về thời gian.
Nghiên cứu được tiến hành trên 46.000 phụ nữ Anh tuổi trung bình là 29 vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu, đã kết hôn hoặc đang có mối quan hệ bền vững.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi họ trong suốt 36 năm. Các tác động của một loại hormon nhân tạo (thuốc tránh thai) không xuất hiện ngay lập tức, mà phải đợi đến 15 năm sau khi ngừng uống mới bộc lộ một ảnh hưởng sinh lý rõ rệt.
Trong số những phụ nữ được nghiên cứu, khoảng 23.000 người sử dụng thuốc tránh thai uống trong khoảng thời gian trung bình ít hơn 4 năm, trong khi những người khác chưa từng bao giờ uống thuốc.
So sánh hai nhóm phụ nữ, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giảm nguy cơ liên quan đến việc dùng thuốc tránh thai có thể đạt từ 3 - 12% với những phụ nữ uống thuốc tránh thai ít hơn 8 năm. Tỷ lệ này rất đáng kể với bệnh ung thư cột sống, trực tràng, màng trong tử cung và buồng trứng.
Tuy nhiên, với hơn 8 năm dùng thuốc, nghiên cứu lại cho thấy xu hướng ngược lại: Các nguy cơ ung thư tăng lên đến 22%; nhất là với các bệnh ung thư cổ tử cung, hệ thần kinh trung ương và tuyến yên.

Thuốc kháng sinh làm tăng bệnh sốt rét?

Sốt rét là bệnh gây nên bởi ký sinh trùng Plasmodium truyền từ người sang người, nhưng gần đây các nhà khoa học phát hiện thuốc kháng sinh có đóng góp không nhỏ làm tăng lây truyền bệnh sốt rét.

Mối liên quan giữa thuốc kháng sinh và lan truyền bệnh sốt rét
Tạp chí Nature Communications vừa cho biết các chuyên gia ở Trường cao đẳng Hoàng gia London (ICL) phát hiện ra mối liên quan giữa thuốc kháng sinh với nguy cơ lan truyền bệnh sốt rét, nhất là hai dòng thuốc penicillin và streptomycin. 
Sở dĩ hai kháng sinh này được chọn cho nghiên cứu là do chúng không được sử dụng cho điều trị bệnh sốt rét vì kém hiệu quả với ký sinh trùng sốt rét. Mục tiêu nghiên cứu là nhằm khám phá mức độ ảnh hưởng của hai loại kháng sinh nói trên đối với hệ sinh vật đường ruột của muỗi.
Thuốc kháng sinh làm tăng bệnh sốt rét?
Những triệu chứng điển hình khi bị sốt rét.
Trong nghiên cứu, máu bệnh nhân sốt rét được lấy để xét nghiệm, hai loại kháng sinh này được sử dụng dưới dạng máu chứa kháng sinh để làm mồi cho muỗi cái Anophelese, thủ phạm lan truyền sốt rét. 
Kết quả, các vi sinh vật đường ruột của những con muỗi hút máu có chứa kháng sinh giảm tới 70%. Một khi không có các vi sinh vật thì những con muỗi gây bệnh này dễ bị nhiễm sốt rét, làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ muỗi sang các đối tượng khác. 
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện thấy sự sống sót của muỗi cũng tăng lên đáng kể nếu chúng tiêu hóa kháng sinh. Điều này có nghĩa nếu bị nhiễm sốt rét, muỗi sẽ có thời gian sống dài hơn bình thường, làm cho số lượng muỗi truyền bệnh tăng lên đáng kể. 
Ngoài ra, loài muỗi hút máu có chứa kháng sinh còn có khả năng lây truyền bệnh trên quy mô rộng hơn so với những loài muỗi bình thường, tất cả những yếu tố này đều có thể làm tăng tỷ lệ lây lan bệnh sốt rét trong cộng đồng. Đặc biệt, khi tuổi thọ muỗi được nâng lên thì mức lan truyền bệnh sốt rét lại càng cao, làm trầm trọng thêm dịch sốt rét.
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Protozoa thuộc chi Plasmodium, chi này có bốn loài gây nhiễm bệnh. 
Nguy hiểm hơn cả là chi Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax, hai chi còn lại là Plasmodium ovale và Plasmodium malariae cũng gây bệnh nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. 
Nhóm các loài Plasmodium gây bệnh ở người thường được gọi chung là ký sinh trùng sốt rét, riêng loài P.knowlesi, phổ biến ở vùng Đông Nam Á, gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể gây nhiễm khuẩn nặng ở người. Triệu chứng giống như người mắc bệnh cúm: sốt cao và ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, da lạnh, sưng, ho khan, sưng lách và nôn ói... 
Căn bệnh thường gặp ở các nước nóng ẩm, khí hậu nhiệt đới. Riêng Mỹ, mỗi năm có thêm 1.500 ca mới, phần lớn là mang từ những vùng sốt rét trở về hoặc những người nhập cư từ những vùng chưa thanh toán dứt điểm sốt rét.
Tháng 12/2014, hãng tin Reuters, Anh cho biết, tỷ lệ tử vong vì sốt rét trong giai đoạn 2000 - 2014 trên quy mô toàn cầu giảm khoảng 47%, tương đương 584.000 người thiệt mạng mỗi năm. Kết quả này có được là do sử dụng liệu pháp kết hợp (ACT).
Liệu pháp này dựa trên cơ sở dùng artemisinin có nguồn gốc từ thảo dược của người Trung Quốc, tuy nhiên gần đây ký sinh trùng sốt rét lại đang có chiều hướng kháng thuốc thế hệ mới. Tại các vùng có dịch sốt rét, người ta sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị bệnh nhiệt đới, bệnh lao, HIV, bệnh cho trẻ sơ sinh bằng thuốc kháng sinh.
Việc dùng thuốc này có tác dụng làm tăng tỷ lệ sống sót cho trẻ sơ sinh và nhóm trẻ nhỏ nhưng mặt trái lại ít được quan tâm. Qua nghiên cứu ở 2 loại thuốc kháng sinh nói trên cho thấy, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh là có thật, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt rét cho con người.
Những nan giải hiện tượng kháng thuốc sốt rét và thuốc kháng sinh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), lan truyền sốt rét không chỉ do muỗi nhiễm bệnh mà còn do cả muỗi không nhiễm bệnh, đốt người mắc bệnh sau đó truyền cho người khỏe mạnh. 
Theo CDC, lợi ích của việc dùng thuốc kháng sinh là không thể phủ nhận, nhưng lạm dụng sẽ làm tăng đề kháng của vi khuẩn. Hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người ốm vì vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, trong số này có khoảng 23.000 người tử vong. 
Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển mà còn xuất hiện ở cả những nước công nghiệp phát triển ở Âu Mỹ, thậm chí còn xuất hiện cả những loại siêu khuẩn kháng kháng sinh.
ĐH Oxford, Anh mới đây đã công bố một nghiên cứu mẫu máu của 1.241 bệnh nhân sốt rét tại 10 quốc gia châu Á và châu Phi từ tháng 5/2011 đến tháng 4/2013. 
Đây là nhóm bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống sốt rét trong thời gian 6 ngày, 3 ngày dùng artemisinin và 3 ngày dùng artemisinin kết hợp với liệu pháp ACT để đánh giá mức độ ký sinh gây sốt rét bị tiêu diệt. Kết quả, sự kháng thuốc chống sốt rét đã xuất hiện ở nhiều nơi như miền Bắc và miền Tây Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Đông Myanmar. 
Theo WHO, hiện tượng kháng artemisinin hoặc các thế hệ thuốc sốt rét mới sẽ là thảm họa nếu tiếp tục tiến triển, vì vậy cộng đồng thế giới cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ mối nguy hiểm, chủ động phòng chống một cách hiệu quả, kể cả giải pháp tiêu diệt muỗi, nằm ngủ có mùng màn và thực hiện tốt mọi quy định về phòng chống và điều trị bệnh sốt rét do ngành y tế quy định.
Theo Khắc Nam - Sức khỏe và Đời sống

Dùng kháng sinh nhiều tăng nguy cơ tiểu đường?

Theo một nghiên cứu mới của ĐH Pennsylvania (Mỹ) công bố tuần rồi trên tạp chí y khoa European Journal of Endocrinology, người dùng kháng sinh càng nhiều thì rủi ro bị tiểu đường của họ càng cao.

Nghiên cứu được thực hiện với dữ liệu của khoảng 200.000 bệnh nhân tiểu đường ở Anh. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu lịch sử dùng kháng sinh của số bệnh nhân này trước thời điểm được chẩn đoán bị tiểu đường ít nhất một năm, sau đó so sánh với thực tế dùng kháng sinh của khoảng 800.000 người không bị tiểu đường.
Kết quả, so với người không dùng hoặc chỉ dùng một đợt penicillin, rủi ro bị tiểu đường type 2 của người dùng 2-5 đợt penicillin cao hơn 8% và cao hơn 23% nếu dùng từ năm đợt trở lên. 
Với kháng sinh quinolones, so với người không dùng hoặc dùng chỉ một lần, rủi ro bị tiểu đường của người dùng 2 - 5 lần cao hơn 15%, nếu dùng từ năm lần trở lên rủi ro bị tiểu đường type 2 sẽ cao hơn 37%. Tỉ lệ rủi ro bị tiểu đường type 2 của người không dùng và dùng chỉ một đợt kháng sinh là ngang nhau.
BS Ben Boursi - trưởng nhóm nghiên cứu nghi ngờ tiểu đường có liên quan đến việc kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột. Cũng theo ông, một số nghiên cứu trước đây cho thấy mất cân bằng vi khuẩn trong ruột có liên quan đến béo phì, kháng insulin và tiểu đường ở động vật và người.
Ông cũng khuyến cáo bên cạnh thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh, mọi người cũng nên cẩn trọng trong ăn uống vì hiện lượng kháng sinh trong thực phẩm rất nhiều, chẳng hạn từ thịt gia cầm, gia súc. Số lượng người bị tiểu đường type 2 tăng lên trong những năm gần đây có thể có liên quan đến vấn đề kháng sinh trong thực phẩm.
Theo Đăng Khoa - Pháp luật TPHCM

Những lưu ý khi dùng men tiêu hóa

Nhiều người dùng men tiêu hóa một cách vô tộ vạ không theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên vô tình lại mang họa vào thân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bạn hiểu gì về men tiêu hóa?
Theo DS Trịnh Thị An (Giảng viên trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh, Thành Trì, Hà Nội): "Men tiêu hóa bản chất là những protein có tác dụng xúc tác một phản ứng hóa học giúp cho thức ăn được cắt nhỏ ra, cơ thể sẽ dễ dàng hấp thu hơn".
Việc thiếu các men trên sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu. Các chất glucid, protid, lipid nếu không được hấp thụ sẽ bị khuẩn ruột làm cho lên men, dẫn đến hiện tượng tiêu chảy, đi ngoài phân sống...
Men tiêu hóa (hay còn gọi là enzym) do cơ thể (chủ yếu từ ống và tuyến tiêu hóa) tiết ra để tiêu hóa thức ăn (cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu).
Khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc giảm bài tiết (dùng thuốc kháng sinh dài ngày, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật...), cơ thể sẽ thiếu các men tiêu hóa cần phải bổ sung.
Theo sự chia sẻ của DS Trịnh Thị An thì không nên lạm dùng men tiêu hóa như là thuốc chữa bệnh. Khi dùng men tiêu hóa cũng cần có những lưu ý sau:
1. Chỉ nên sử dụng men tiêu hóa khi cơ thể thiếu men này thực sự, do khả năng tiết dịch của các tuyến tiêu hóa bị kém đi.
2. Việc sử dụng loại men tiêu hóa nào, số lượng, liều lượng bao nhiêu, dùng vào khi nào... đều phải do thầy thuốc chỉ định và theo dõi sau khi thăm khám cụ thể.
3. Hiểu đúng về men tiêu hóa, lưu ý men tiêu hóa không phải là thuốc chữa tiêu chảy: Nguyên tắc điều trị bệnh tiêu chảy là tìm ra nguyên nhân, bù nước và điện giải, dùng kháng sinh thích hợp khi cần thiết.
4. Nhiều người cứ nghĩ rằng men tiêu hóa (loại vi sinh) chữa được bệnh tiêu chảy và chỉ cho con mình uống men là đủ mà quên không bù nước khi mắc bệnh là rất nguy hiểm.
5. Khi dùng cần phải phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh vật (probiotic).
6. Đối với những men vi sinh, chỉ để dùng điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virus và trường hợp bị thiếu hụt loại vi khuẩn đường ruột có lợi.
7. Dùng men tiêu hóa từng đợt 1 - 2 tuần chứ không nên dùng kéo dài. Nếu dùng kéo dài thì sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết của hệ tiêu hóa, hoặc gây ra tình trạng phụ thuộc vào thuốc.
8. Không tự ý dùng men tiêu hóa cho trẻ con.
9. Việc sử dụng loại men nào, số lượng, liều lượng và thời gian ra sao đều phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi sau khi thăm khám cụ thể.
Theo Lê Ngọc - Sức khỏe gia đình

Thuốc vệ sinh mũi

Tủ thuốc gia đình bạn đã có những loại thuốc cơ bản để có thể xử trí những tình huống mà các thành viên trong gia đình bị bệnh vặt: thuốc hạ sốt, giảm đau, đau bụng, tiêu chảy…

Tuy nhiên chúng ta hay quên một loại khá cần thiết: thuốc nhỏ mũi, xịt mũi, vệ sinh mũi.
Các loại thuốc này rất hữu ích nếu chúng ta có vấn đề về mũi xoang, sổ mũi khi cảm cúm. Khi bạn bị sổ mũi, nhiễm trùng khoang mũi, xoang, có thể bạn loay hoay mua đủ loại thuốc để uống nhưng vẫn không thuyên giảm đáng kể vì bạn thiếu một động tác quan trọng: vệ sinh khoang mũi bằng nước muỗi.
Vệ sinh khoang mũi đúng cách giúp khoang mũi thông thoáng, sạch sẽ, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều và cũng giảm đáng kể cơ hội cho vi trùng phát triển.
Hình minh họa. Nguồn: Internet.
Tạm chia làm 3 loại nước mũi vệ sinh mũi:
- Đơn giản nhất, bạn có thể chọn những chai nước muối sinh lý NaCl 0.9% có kích thước nhỏ bằng ngón tay cái. Việc sử dụng loại này rất thân thiện. Bạn ngửa mũi lên và bóp nhẹ chai thuốc để nước muối nhiễu từng giọt vào trong lỗ mũi.
Tuy nhiên dạng giọt nước này khó đi sâu vào trong khoang mũi và lên trên.
- Dạng trình bày thứ hai là những chai nước muối xịt mũi đẳng trương 0.9% có thể cầm gọn trong lòng bàn tay: Xisat, Humer, Sterimar…
Đặc điểm của những chai nước muối xịt mũi phun sương này là có vòi ở đầu để hướng vào mũi dễ dàng và có van để khi bấm nhẹ vào thì nước muối đi vào mũi dưới dạng hạt phun sương nhỏ - làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu, đồng thời các hạt phun sương với kích thước nhỏ này có thể đi sâu vào khoang mũi, thậm chí đi cao lên trên.
- Dạng thứ ba là những chai nước muối xịt mũi ưu trương: QuiXX, Sterimar… tương tự dạng thứ hai nhưng nồng độ muối cao hơn và chống phù nề tốt hơn.
Việc sử dụng nước muối để vệ sinh mũi giúp
- Làm sạch khoang mũi
- Giữ ấm niêm mạc mũi
- Làm giảm phù nề ở mũi và mở rộng các lỗ xoang giúp dịch trong xoang được dẫn lưu thoát ra dễ dàng hơn
- Làm giảm sự phát triển của các vi khuẩn trong khoang mũi do có tính chất sát khuẩn
Một số chú ý khi dùng xác chai nước muối xịt mũi
- Dùng riêng cho từng cá nhân để đảm bảo bệ sinh
- Dùng xong nhớ đậy nắp lại để tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài
- Tránh để trẻ con tự sử dụng. Nếu không giữ đúng tư thế chai lúc xịt vòi xịt có thể gây trầy xước niêm mạc mũi
- Một điều quan trọng cần chú ý: có một số thuốc nhỏ mũi không phải là nước muối để vệ sinh mũi mà là những thuốc gây co mạch làm giảm nghẹt mũi do mạch máu trong khoang mũi phù nề (Otrivin, Nasivin…).
- Những loại này cần chỉ định của bác sĩ và có bác sĩ hướng dẫn sử dụng, không sử dụng tùy tiện.
Theo BS Vũ Minh Đức - Tạp chí Khỏe-health

Nhức nửa đầu: Dùng thuốc gì?

Migraine xảy ra không thường xuyên, chỉ kéo dài trong khoảng một vài giờ, một vài ngày, có cơn đau dữ dộị, kèm theo nôn, lại không chữa khỏi, có khi kéo dài hàng chục năm.

Do đó, làm cho năng suất lao động kém, chất lượng cuộc sống giảm sút, chi phí chữa bệnh khá lớn.
Nhức nửa đầu, từ thời cổ được Galien mô tả, gọi tên là Hermicranie có nghĩa là nhức một nửa sọ. Từ thế kỷ 17 đổi thành tên migraine. Migraine chiếm khoảng 30% trong tổng số nhức đầu chung. Nước ta chưa có thống kê, nhưng ở Pháp có khoảng 12% số người mắc trong đó có 5% là trẻ em, 10 - 15% ở nam, 20 - 30% ở nữ. Bệnh xuất hiện lần đầu ở tuổi 20, có khi ở trẻ 3 tuổi nhưng rất hiếm, không thấy xuất hiện lần đầu ở tuổi 50.
Nhức nửa đầu và bệnh sinh
Hiệp hội Nhức đầu Quốc tế (HIS= International Headache Society), chia ra 2 loại:
Migraine không có các rối loạn chức năng của vỏ não hoặc dưới, trước gọi là migraine chung (common migraine), nay gọi là migraine không có aura. Loại này có tiền chứng (mệt mỏi, cáu gắt..) song tiền chứng này cũng chỉ gặp trong số 20% người bệnh. 
Sau đó là cơn nhức đầu dữ dội; thường xảy ra vào ban đêm hay lúc sáng sớm mới ngủ dậy, ít khi xảy ra vào ban ngày; thường tăng đến mức độ tối đa trong vòng vài giờ. 
Thoạt đầu nhức một bên, ở thái dương hay trán - thái dương. Sau đó có thể lan ra toàn đầu và kết thúc cơn ở phía đối diện (gặp trong khoảng 25% trường hợp). Cơn đau giật giật theo nhịp đập ở mạch máu thái dương (do động mạch thái dương giãn). 
Khi làm việc động mạch thái dương đập nhanh mạnh hơn thì cơn đau cũng cũng giật giật nhanh mạnh theo. Người bệnh sợ tiếng động buộc phải nằm chỗ tối, yên tĩnh. Đau thường đi kèm với cảm giác buồn nôn, cảm thấy nặng nề, khó chịu, không ăn được, gầy.
Trong khi đang cơn, người bệnh có sắc mặt xanh nhợt, toàn thân lạnh, mạch nhanh (cũng có thể chậm nhưng ít hơn). Có người bệnh còn rất nhạy cảm với mùi. Sau một vài giờ hay vài ngày (72 giờ), cơn đau tự chấm dứt, thường vào ban đêm, sáng ra chỉ còn thấy nặng đầu âm ỉ.
Migraine có có các rối loạn chức năng của vỏ não hoặc ở dưới, trước đây gọi là migraine cổ điển (clasic migraine), nay gọi là migraine có aura: loại này khởi đầu bằng các rối loạn chức năng khu trú ở vỏ não hay thân não trước khi có cơn khoảng 4 phút kéo dài 5 - 20 phút, có khi dài hơn song không quá 60 phút. Sau đó là cơn nhức đầu dữ dội, nôn, sợ tiếng động, ánh sáng. Cơn đau thường ngắn hơn loại trên. Sau vài giờ hay đến 24h, cơn đau tự chấm dứt.
Theo HIS, rối loạn chức năng của vỏ não hay ở dưới (aura) gồm: rối loạn thị giác (ám điểm lóe sáng mạnh, đom đóm mắt, nhìn mờ hay bán manh…), rối loạn cảm giác (dị cảm môi miệng…), rối loạn ngôn ngữ (không vận ngôn được, nói lắp, loạn ngôn, loạn viết…), rối loạn tâm thần (suy nghĩ chậm chạp, lú lẫn, mộng mị...), rối loạn nghe ngửi. 
Rối loạn thường gặp nhất trước lúc có cơn là rối loạn thị giác (hoa mắt, nhìn mờ...) sau đó là rối loạn cảm giác, ngôn ngữ, cuối cùng là nhức đầu, rối loạn tâm thần. Các biểu hiện đó không xuất hiện đầy đủ, cơn đau đến rất nhanh, khó nhận ra và nhớ hết. Thông thường, người bệnh thấy hoa mắt, giảm thị lực, nhức mắt rồi cơn đau đến khu trú ở nửa đầu
Cơn đau mỗi tháng có thể chỉ một lần, có thể dày 2 - 4 lần. Khi lên cơn không đi khám được. Khi khỏi cơn khám không thấy triệu chứng. Cần ghi nhớ biểu hiện khi có cơn, trình bày lại đầy đủ; thầy thuốc kết hợp với khám với nghe kể sẽ chẩn đoán, cho thuốc thích hợp.
Bênh sinh nhức nửa đầu
Tuy còn tranh luận song các thuyết dưới đây lại đặt cơ sở cho việc dùng thuốc:
Thuyết mạch máu thể dịch: do các rối loạn chức năng nên có sự co mạch trong não; sau đó giãn mạch ngoài não gây ra cơn nhức đầu. Sau khi tìm ra serotonin (1967), thuyết này cắt nghĩa thêm: serotonin chứa trong các mạch, các tiểu cầu, các tế bào matocyte. Khi serotonin được giải phóng sẽ gây co mạch ở trong não (hệ cảnh trong) và giãn mạch ngoài ngoài não (hệ cảnh ngoài) gây ra nhức nửa đầu.
Thuyết neuron mạch máu: theo đó, migraine chủ yếu là do rối loạn thoáng qua của chức năng các neuron. Khởi đầu có sự kích thích tế bào não bởi một cơn sóng gọi là sóng "suy sụp lan tỏa", phát sinh đầu tại vùng chẩm, sau đó lan dần ra phía trước não (với tốc độ khoảng 2mm/phút) kèm theo sự giảm hoạt động điện não, giảm tưới máu não (khoảng 20%) do sự co mạch máu. 
Sóng "suy sụp lan tỏa" xâm lấn vào các vùng vỏ não mới, gây ra các rối loạn chức năng; xâm lấn vào vùng thân não có trung tâm vận mạch, gây ra co mạch (hệ cảnh trong) và giãn mạch (hệ cảnh ngoài). 
Sự co mạch trong não (hệ cảnh trong) sự giảm chuyển hóa các neuron làm chậm tốc độ dòng máu não, tạo ra sự rối loạn chức năng (aura) và sự giãn mạch ngoài não (hệ cảnh ngoài), gây kích thích các tận cùng thần kinh quanh mạch máu tạo ra cơn nhức nửa đầu. 
Như vậy, cuối cùng thuyết này vẫn lấy sự co giãn mạch để giải thích sự tạo thành migraine, dù coi đó nguyên nhân thứ phát.
Thuyết neuron mạch máu: theo đó, sự kích thích các tận cùng thần kinh quanh mạch máu vùng đầu hoạt hóa hệ thống tam thoa (dây thần kinh số V) dẫn truyền đau và phát động sự giải phóng tại chỗ các peptid thần kinh. 
Sự giải phóng trực tiếp (hướng tâm xuôi dòng) hoặc gián tiếp (ly tâm ngược dòng) gây ra viêm nguồn gốc thần kinh, kèm sự giãn mạch, tăng hoạt hóa các thụ thể đau của màng nuôi.Thuyết này thực chất là thuyết mạch máu cộng thêm vai trò của hệ thống tam thoa.
Thuốc nhức đầu thễ hệ cũ
Thuốc thế hệ cũ được chia làm 3 loại:
Loại chữa triệu chứng: dùng các kháng viêm không steroid (NSAIDs) thế hệ cũ, phổ biến nhất là aspirin, paracetamol, ibuprofen, naproxen. Áp đủng cho người cơ cơn đau thưa.
NSAIDs ức chế cyclo-oxygenase-2 (COX-2), giảm tiết ra prostaglandin gây đau nên làm giảm đau. Mặt khác, NSAIDs là ức chế cyclo-oxygenase-1 (COX-1), giảm tiết ra loại prostaglandin có chức năng bảo vệ niêm mạc dạ dày - ruột (các chất keo, chất kiềm natribicarbonat) nên gây viêm loét dạ dày - ruột.
Vì chỉ dùng chữa triệu chứng nhức nửa đầu trong thời gian rất ngắn nên NSAIDs không gây hại cho người bình thường. Với người có tiền sử hay đang bị viêm đau dạ dày - ruột không được dùng và cần chuyển sang dùng NSAIDs thế hệ mới (hầu như rất ít ức chế COX-1 nên không gây tác dụng phụ như NSAIDs thế hệ cũ). 
Vì cơn migraine gây nhức đầu rất dữ dội, tốt nhất lúc đầu với người bình thường nên dùng loại NSAIDs thông thường (phóng thích nhanh).
Một vài lưu ý: không dùng hai NSAIDs cùng một lúc. Không dùng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi, naproxen, flurbiprofen cho trẻ dưới 15 tuổi. Thuốc kéo dài thời gian chảy máu, cần theo dõi chức năng gan (nếu dùng nhiều lần với người có nhiều cơn). 
Thận trọng với người suy thận, người già giảm liều dùng). Không dùng cho người có thai trong 3 tháng đầu thai kỳ và trước khi đẻ). Thận trọng với người cho con bú. 
Không dùng cùng lúc với các thuốc làm tan cục máu đông (heaprin) vì có thể tăng nguy cơ chảy máu. Thận trong khi phải phối hợp với thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển (vì gây mất nước),chẹn beta (vì làm chậm nhịp tim, hạ HA).
Loại phòng xảy ra cơn đau:
Nhóm này có: ergotamin, dihydroergotamin. Chúng tác dụng đến quá trình bệnh lý đau. Khi mới có biểu hiện ban đầu (hoa mắt, giảm thị lực, nhức mắt), dùng thuốc này ngay sẽ làm cho cơn đau không xảy ra nên gọi là phòng xảy ra cơn đau, chứ không phải là thuốc phòng bệnh. Chúng gây co mạch, dùng phòng bệnh kéo dài sẽ gây ra hoại thư.
Cách dùng: đặt dưới lưỡi (1 - 2mg) cho đến khi tan hết (không nhai, nuốt, hút thuốc lá). Nếu chưa hết đau, dùng 1 - 2 lần nữa, khoảng cách giữa các lần dùng ít nhất là 30 phút (kể từ khi thuốc lần trước tan hết). 
Liều mỗi ngày của người lớn không quá 6mg trẻ em không quá 3mg; đều không dùng quá 2 đợt trong một tuần. Khoảng cách giữa các đợt ít nhất là 5 ngày. Chỉ dùng cho trẻ trên 6 tuổi khi không có thuốc thay thế.
Thận trọng dùng ergotamin trong bệnh cường giáp (vì làm nặng thêm các triệu chứng tim). Không dùng cho người có thai (vì gây sảy thai). Không dùng cho người cho con bú (vì bài tiết qua sữa gây hại cho trẻ). 
Không dùng cùng lúc với propanolol, erythromycin, tetraoleandomycin (vì gây tương tác co mạch ngoại vi nặng, giống như ngộ độc nấm cựa gà). Kèm theo dùng ergotamin cần dùng thuốc chống nôn metoclopramid.
Loại phòng ngừa cơn đau:
Trong nhóm này có flumarizin, pizotifen. Các thuốc này có tác dụng trực tiếp đến các yếu tố tạo thành cơn đau. Flumarizin ngăn sự tích tụ Ca++ trong tế bào thần kinh. Pizotifen chống lại sự tăng cường chất trung gian hóa học. Áp dụng cho người có cơn đau dày, để phòng cơn tái phát.
Flunarizin, thỉnh thoảng có thể gây buồn ngủ, mệt mỏi nhưng chỉ thoáng qua.Hiếm gặp hơn, sự mệt mỏi có thể tiến triển, sự lãnh đạm trì trệ cũng tăng. Trường hợp có sự suy kiệt, có hội chứng Parkinson quá mức (vận động chậm, không linh hoạt, loạn vận động mặt - miệng hay rùng mình), phải ngừng điều trị. 
Sau đó, có thể cho người bệnh làm quen trở lại thuốc với liều dùng thấp hơn. Dùng trong thời gian dài (trên 3 tuần) hay dùng liều cao (20 - 40mg/ngày), flunarizin có thể gây ra các rối loạn thần kinh, tương tự như các thuốc an thần kinh gây ra bao gồm các hội chứng chứng Parkinson (như nói trên).
Pizotifen gây buồn ngủ, tăng cân, nặng hơn có thể gây ngoại tháp.
Thuốc nhức nửa đầu thế hệ mới
Gần đây nghiên cứu sâu hơn, thấy: bình thường các kênh ion trong các nhân aminergic ở cuống não có chức năng điều hòa các luồng thần kinh vào não, tác động lên mạch máu não. Khi chức năng các kênh ion bị rối loạn, thì thông qua tác động của thần kinh, mạch máu não cũng rối loạn theo, dẫn đến cơn đau nửa đầu. Từ đó đưa ra một họ thuốc mới có tính chọn lọc trên thụ thể serotonin gọi là nhóm triptan.
Triptan làm co thắt mạch máu ở não, ức chế thần kinh ngoại biên, ức chế dẫn truyền qua neuron thứ hai, do cơ chế này mà kiểm soát được các cơn nhức nửa đầu.
Nhóm triptan có nhiều biệt dược: sumatriptan, rizatriptan, naratriptan, zolmitriptan, almotriptan, eletriptan.
Với một biệt dược cụ thể như sumatriptan, chất tìm ra đầu tiên, phân tích kết quả tim ra trên 24.089 người dùng, rút ra kết luận: ở liều 100mg/ngày, có 59% số người dùng chuyển từ đau nặng, vừa sang đau nhẹ hoặc không đau trong 2 giờ; 20% không còn đau trong 2h, kéo dài tới 24h không phải dùng thuốc giảm đau; có 6% bị tác dụng phụ ở thần kinh trung ương; có 1,9% bị tác dụng phụ ở hệ tim mạch. 
Các triptan khác được tìm ra sau này, phần lớn đều cho kết quả khá hơn: thường được dùng với liều thấp (eletriptan 40mg/ngày; zolmitrptan 25mg/ngày; rizatritan 5mg/ngày cũng cho kết quả tương tự như sumatriptan). Tuy nhiên, mỗi thuốc có độ dung nạp và sự thích hợp với người bệnh khác nhau.
Các triptan có các dạng bào chế tiêm, uống, ngậm, khí dung. Đa số người điều trị tại nhà thích dùng dạng uống.
Các triptan đều có tác dụng trên tim mạch. Thí dụ: một loại thuốc như rizatriptan có các chống chỉ định sau: không dùng trong thiếu máu cơ tim cục bộ, có tiền sử nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ thầm lặng có bằng chứng; co thắt động mạch vành; huyết áp cao không kiểm soát được; các bệnh tim mạch đáng kể khác; nhức nửa đầu ở đáy sọ của người liệt nửa người. Không dùng cho người mới dùng thuốc chủ vận 5HT1, chế phẩm từ nấm cựa gà, đang dùng hoặc ngưng dùng thuốc trầm cảm IMAO chưa đủ 14 ngày. 
Phải thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thẩm phân, thai nghén, cho con bú. Phải thận trọng khi dùng chung với thuốc trầm cảm SSRI. Các thuốc khác cũng có các tác dụng phụ tương tự nhưng mức độ khác nhau (phần lớn các thuốc tìm ra sau ít có tác dụng phụ hơn) nên tùy trường hợp các nhà sản xuất hướng dẫn phải thận trọng hay không được dùng khi người bệnh nhức nửa đầu có kèm theo các bệnh trên.
Theo đó, muốn dùng các triptan cần phải khám trước, hoặc khi cần dùng đợt khác phải tái khám để xem có bị kèm các bệnh khác đặc biệt là các bệnh tim mạch không? Người cao tuổi (nam trên tuổi 40, nữ tuổi mãn kinh), béo phì, bị đái tháo đường, rối loạn lipid máu, nghiện thuốc lá, rất có thể không được dùng hay phải dùng rất thận trọng với một triptan nào đó.
Tất cả các thuyết đều có điểm giống nhau là migraine có liên quan đến sự co mạch trong não, giãn mạch ngoài não, sự tích lũy Ca++ trong các tế bào thần kinh mạch máu, sự phóng thích serotonin. Đây là cơ sở để nghiên cứu ra thuốc điều trị.
​Theo DS.CKII Bùi Văn Uy - Sức khỏe và Đời sống

Thức ăn ảnh hưởng đến thuốc thế nào?

Khi mua thuốc về thông thường người bệnh chia liều uống thuốc theo bữa ăn mà không biết rằng có rất nhiều loại thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Những thức ăn này làm cho việc chữa bệnh kém hiệu quả hoặc tăng độc tính của thuốc gây độc cho cơ thể. Vậy thức ăn có liên quan tới quá trình uống thuốc điều trị bệnh như thế nào?
Làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày
Nếu uống thuốc lúc đói (dạ dày rỗng), thuốc chỉ lưu lại ở dạ dày khoảng 10-30 phút rồi được tống ngay xuống ruột. Trái lại, nếu uống thuốc sau bữa ăn (dạ dày đã chữa đầy thức ăn), thời gian lưu lại của thuốc ở dạ dày có thể từ 1-4 giờ. Điều này ảnh hưởng tới sinh khả dụng của nhiều thuốc.
Thức ăn ảnh hưởng đến thuốc thế nào?​Thời điểm uống thuốc quyết định hiệu quả chữa bệnh.
Các thuốc có độ tan kém như propoxyphen sẽ có lợi khi lưu lại ở dạ dày lâu vì thời gian này sẽ giúp thuốc chuyển thành dạng tan tốt hơn trước khi chuyển xuống ruột để hấp thu. Trái lại, các thuốc kém bền trong môi trường acid như ampicillin, erythromycin... nếu bị lưu lại lâu trong dạ dày sẽ tăng khả năng bị phá hủy và do đó giảm tác dụng. 
Với các thuốc được bào chế dưới dạng viên nang bao tan trong ruột, viên giải phóng chậm thì việc giữ lại ở dạ dày lâu là hoàn toàn bất lợi vì màng bao viên thuốc có thể bị vỡ, gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Các thuốc loại này nên uống trước bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ hoặc 1-2 giờ sau khi ăn.
Cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột
Nếu uống thuốc sau bữa ăn, thuốc sẽ bị khối thức ăn cản trở và di chuyển chậm trong ống tiêu hóa. Lợi dụng yếu tố này đối với các thuốc giải phóng chậm, thuốc cần tác dụng tại chỗ trong lòng ruột cần uống thuốc vào thời điểm sau khi ăn khoảng 1-2 giờ là thích hợp.
Ngoài ra, thức ăn kích thích sự tiết mật, đặc biệt là thức ăn giàu chất béo (điều này sẽ có lợi cho việc hấp thu các thuốc tan nhiều trong mỡ như thuốc chống nấm griseofulvin, các vitamin A, D, E, K...), hoạt hóa hệ thống men vận chuyển các chất qua thành ruột (nhờ vậy mà sự hấp thu các thuốc có bản chất là các hợp phần dinh dưỡng như các vitamin, glucoza, acid amin, các muối khoáng... sẽ dễ dàng hơn).
Ảnh hưởng của các hợp phần thức ăn đến sự hấp thu của thuốc
Bữa ăn giàu chất béo, quá nhiều đường, quá mặn hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày đến ruột. Điều này ảnh hưởng không tốt đến các thuốc kém bền vững trong môi trường acid của dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non.
Ảnh hưởng của thức ăn đến sự hấp thu thuốc còn phụ thuộc nhiều vào dạng bào chế của thuốc: các dạng thuốc rắn, thuốc có độ tan thấp bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhiều hơn các dạng thuốc lỏng, thuốc ở dạng dung dịch, cồn thuốc... Ví dụ: aspirin dạng viên nén uống sau khi ăn sẽ bị giảm tác dụng tới 50%, trong khi đó aspirin dạng sủi bọt lại không bị thức ăn cản trở hấp thu.
Như vậy, thức ăn làm ảnh hưởng nhiều tới quá trình hấp thu của thuốc, theo đó quyết định hiệu quả chữa bệnh. Vì vậy, khi mua thuốc hoặc được bác sĩ kê đơn, người bệnh nên hỏi rõ dược sĩ hoặc bác sĩ về thời điểm uống thuốc, nên uống trước hay sau ăn. 
Cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và xem kỹ đó có phải là loại viên nang bao tan trong ruột hay viên giải phóng chậm... hay không để dùng thuốc sao cho có hiệu quả nhất và tránh tai biến do việc sử dụng thuốc không đúng gây ra.
Theo BS. Đinh Ngọc San - Sức khỏe và Đời sống
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons