This is featured post 1 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
This is featured post 2 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
This is featured post 3 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
3 thói quen dùng thuốc của phụ huynh có thể hại chết con trẻ
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Lạm dụng thuốc ho
BS Nguyễn Trí Đoàn, Giám đốc Y khoa Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ cho biết, hiện nay nhiều người trong chúng ta đang có xu hướng dùng thuốc bừa bãi mà không lường được tác hại của việc đó, nhất là đối với trẻ em.
Một số sai lầm trong cách cho trẻ uống thuốc có thể nguy hiểm cho trẻ.
Cách đây 10 năm, thế giới đã khuyến cáo không sử dụng thuốc ho cho trẻ dưới 2 tuổi vì có thể bị suy hô hấp, dễ bị viêm phổi, lừ đừ và tăng nguy cơ tử vong.
Sau đó, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo là không dùng thuốc ho cho trẻ dưới 6 tuổi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc mua thuốc ho quá dễ dàng, các phòng khám còn kê toa cho trẻ em cũng rất phổ biến.
Hễ trẻ bị ho, bố mẹ liền vội chạy ra hiệu thuốc tự cắt thuốc ho cho con, thậm chí bác sĩ còn khuyến khích mua sẵn thuốc để ở trong nhà để khi trẻ bị ho thì cho uống ngay.
Theo phân tích của BS Đoàn, ho không phải là bệnh mà là cơ chế giúp tống vi trùng, virus, chất nhầy ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi.
Ho có thể là triệu chứng của cảm lạnh thông thường hoặc là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.
Ở nước ta, đặc điểm của thời tiết và khí hậu là điều kiện thuận lợi cho trẻ dưới 6 tuổi dễ bị ho và cảm sốt. Trong số này có một số là do nhiễm khuẩn (dùng kháng sinh theo phác đồ), phần còn lại khá lớn là do nhiễm virut sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên nhiều người vẫn cho trẻ dùng các thuốc ho, thuốc cảm OTC và tưởng là do hiệu quả của thuốc.
Nhưng những nghiên cứu của Mỹ cho biết, thuốc ho, thuốc cảm OTC không đưa lại lợi ích gì về lâm sàng, trong khi đó lại đưa đến một tỷ lệ cao về tai biến, trong đó có một tỷ lệ cao các trường hợp nặng gây tử vong.
Do đó, khi trẻ ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói thì cha mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, ăn cháo hoặc súp và theo dõi nhiệt độ cơ thể của con.
Cha mẹ không nên tùy tiện cho con uống thuốc ho nếu không muốn gây hại cho trẻ.
Tùy tiện dùng thuốc hạ sốt
Tương tự như khi trẻ bị ho, phần lớn cha mẹ cũng đều "tá hỏa" mỗi khi trẻ bị nóng, sốt hơn so với nhiệt độ bình thường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS Đoàn, cha mẹ hoàn toàn cần bình tĩnh và không cần quá lo lắng về điều này.
"Chúng ta nên hiểu rằng sốt không phải là bệnh mà chỉ là một phản ứng bình thường của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn. Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể.
Do đó, các bố mẹ không cần phải quá lo lắng khi con mình bị sốt", BS Đoàn nhấn mạnh.
Vẫn theo BS Đoàn, ở trẻ em, hầu hết các cơn sốt từ 37,8 đến 40 độ C đều không nguy hiểm, phần lớn là từ các bệnh do virut như cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Một vài nguyên nhân khác có thể là do bệnh từ vi khuẩn như viêm họng do liên cầu nhóm A hoặc nhiễm trùng đường tiểu.
Hầu hết các cơn sốt do virut sẽ kéo dài khoảng 2-3 ngày. Tổn thương não xuất hiện chỉ khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 420C, nhưng bộ ổn định nhiệt của não bộ sẽ giữ những cơn sốt dưới mức nhiệt độ này cho dù không uống thuốc hạ sốt.
Vì vậy, khi trẻ sốt, cha mẹ chỉ cần khuyến khích con uống nhiều nước và nghỉ ngơi chứ không nên dùng thuốc hạ sốt liên tục.
Trẻ chỉ thật sự cần dùng đến thuốc hạ sốt khi chúng quấy, trằn trọc khó chịu, không ngủ được. Nếu đang ngủ yên giấc thì ba mẹ tuyệt đối không nên đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc.
Dùng nhiều kháng sinh
BS Đoàn khuyến cáo, việc tùy tiện dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian, tùy tiện…, đang đẩy chúng ta đứng trước nguy cơ bị hạn chế về các phương thuốc điều trị. Điều này lại càng trở nên nguy hiểm với trẻ con.
Theo BS Đoàn, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi trùng, không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi.
Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy…
thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
Kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong.
Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh, về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.
"Cách hạn chế tác hại của kháng sinh là ngưng sử dụng ngay bây giờ nếu như không cần thiết.
Ngưng sử dụng kháng sinh càng sớm thì cơ thể trẻ sẽ càng có nhiều thời gian được "huấn luyện" về miễn dịch.
Từ đó, sức đề kháng của trẻ sẽ dần khỏe mạnh trở lại, trẻ sẽ ít bị những bệnh nhiễm khuẩn hơn hoặc nếu có mắc bệnh thì cũng dễ dàng "lướt" qua bệnh" - BS Đoàn khuyến cáo.
Theo Tùng Chi - Đời sống và Pháp luật
Tiết lộ đáng sợ của bác sĩ sản khoa về thuốc tránh thai
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Những ngày qua, thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông về việc uống thuốc tránh thai có thể làm teo não khiến không ít phụ nữ hoang mang, lo lắng.
Trên một số diễn đàn, nhiều người đã chia sẻ những câu hỏi hồ nghi “thần dược chữa cháy” có gây ra tác dụng khủng khiếp như vậy hay không? Thậm chí, nhiều bạn gái đã tìm đến các phòng khám để được tư vấn trước thông tin “sốc” này. PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu để có câu trả lời.
Tiết lộ đáng sợ của bác sĩ sản khoa
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, trên một số trang web có đăng tải nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia thần kinh học của đại học California (Los Angeles, Mỹ) đã đưa ra thông tin “sốc”, bên cạnh việc gây ra một số phản ứng phụ không mong muốn ở người dùng như thay đổi tâm trạng, tăng cân và nôn mửa, thuốc tránh thai còn có thể làm teo não người sử dụng?!
Nhóm nghiên cứu đưa ra phát hiện, hai vùng não then chốt, chịu trách nhiệm về cảm xúc và quá trình ra quyết định mỏng hơn ở những phụ nữ uống thuốc tránh thai.
Các chuyên gia đã rút ra kết luận trên khi tiến hành nghiên cứu với 90 phụ nữ, trong đó 44 người dùng kết hợp các biện pháp tránh thai và 46 người còn lại không sử dụng bất kỳ dạng tránh thai hoóc môn nào.
Nhiều bạn gái lo lắng trước thông tin uống thuốc tránh thai gây teo não. Ảnh minh họa.
|
Nhóm nghiên cứu cho biết, vùng vỏ não trán ổ mắt và vùng vỏ não đai sau có thể teo rút khi phản ứng với các hoóc môn tổng hợp tồn tại trong thuốc tránh thai. Các chất nhân tạo trong thuốc tránh thai đã ức chế những hoóc môn tự nhiên, kích hoạt các thay đổi về hình dạng và chức năng não.
Sau khi thông tin gây sốc trên xuất hiện, trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về tác dụng phụ của thuốc tránh thai. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đã đến các trung tâm sản khoa để được tư vấn.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung- trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Quan hệ tình dục trước hôn nhân hiện nay dần trở nên phổ biến trong giới trẻ. Tình yêu chỉ vừa mới bắt đầu, chỉ khoảng vài tháng, thậm chí vài tuần, nhiều bạn trẻ tuổi mười tám, đôi mươi đã đưa tình yêu từ con tim lên thẳng... giường ngủ.
Và rồi, chính từ sự dễ dãi như vậy, các bạn trẻ thiếu hụt kiến thức giới tính nghiêm trọng, lại không thể bộc lộ với người khác để hiểu thế nào là tình dục an toàn mới dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Đó là lý do nhiều bạn gái mới 17, 18 tuổi đã cay đắng bỏ học giữa chừng để làm mẹ và vô số những sinh linh bé bỏng bị “bỏ rơi” chỉ vì cha mẹ chúng còn quá trẻ. Cũng có rất nhiều bạn trẻ vì thiếu kiến thức đã sử dụng thuốc tránh thai vô tội vạ dẫn đến hậu quả khôn lường”.
BS Dung kể lại, có một bạn gái tên D.A. (Hà Nội) đã đến trung tâm xin tư vấn. Cô gái này cho biết, vì người yêu đi làm ở xa nên hai người thỉnh thoảng mới được gặp nhau. Theo như lời D.A. tâm sự thì hai người đã yêu nhau được hai năm nay và dự định khi nào D.A. ra trường, có công ăn việc làm thì cả hai sẽ cưới.
Chính vì thế mà cả hai đã “đi quá giới hạn” với nhau cả năm nay. Mỗi lần về gặp nhau, cứ sau một lần “quan hệ”, D.A. lại uống một viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Một đêm hai người “gần gũi” ba lần là ba lần D.A. uống thuốc.
D.A. nghĩ rằng như vậy mới đảm bảo việc ngừa thai. Sau vài tháng như vậy, người D.A. cứ gầy rộc đi, người lúc nào cũng mệt mỏi, kinh nguyệt thì thất thường, luôn chóng mặt, buồn nôn. Thậm chí, cô từng bị ngất đột ngột vì sử dụng thuốc tránh thai quá nhiều.
“Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ về việc sử dụng thuốc tránh thai gây những tác dụng phụ như thế nào. Đặc biệt, gần đây cũng có một số trường hợp thắc mắc về việc uống bất kỳ loại thuốc tránh thai nào cũng có thể gây teo não tức thời”, bác sỹ Dung nói.
Theo BS Dung, với tác dụng ngừa thai sau khi đã “quan hệ”, thuốc tránh thai khẩn cấp đang được giới trẻ coi như một loại "thần dược chữa cháy”. Tuy nhiên, ít người biết rằng việc lạm dụng loại thuốc này sẽ hạn chế sự phát triển và rụng trứng, nếu dùng quá liều có thể dẫn tới vô sinh. Ngay cả việc uống thuốc tránh thai hàng ngày cũng có thể dẫn đến hệ luỵ khôn lường nếu không theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Có thể gây tai biến mạch máu não
Trước thông tin các bạn trẻ lo ngại về việc uống thuốc tránh thai sẽ gây teo não, trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Sản A - BV Từ Dũ (TPHCM) nhận định: “Nhiều năm làm trong nghề, tôi cũng đã từng tư vấn cho rất nhiều bạn trẻ về việc sử dụng thuốc tránh thai làm sao có hiệu quả. Theo tôi, việc bạn gái lạm dụng thuốc tránh thai có thể gây tai biến mạch máu não, chứ không có chuyện sử dụng thuốc tránh thai sẽ gây teo não ngay lập tức.
Chính tai biến đó khiến vỡ mạch máu, làm tổn thương não và có nguy cơ gây teo não về sau. Lạm dụng thuốc tránh thai ảnh hưởng đến mạch máu, trong đó có mạch máu não, làm tổn thương nguồn máu “nuôi” não. Teo não chỉ là hậu quả của việc lạm dụng thuốc”.
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Sản A - BV Từ Dũ - TPHCM.
|
Cũng theo BS Lê Thị Thu Hà, uống thuốc tránh thai khẩn cấp - loại biệt dược chứa liều lượng hoóc môn sinh dục sẽ gây ảnh hưởng đến nội tiết. Vì thế, ngay cả khi sử dụng thuốc tránh thai hoặc bất kỳ thuốc nội tiết nào đi nữa, người sử dụng không biết họ thuộc cơ địa nào, có chống chỉ định hay không nên việc tự ý sử dụng sẽ vô cùng nguy hiểm.
Ví dụ, thuốc tránh thai chống chỉ định với bệnh viêm gan, người bị hội chứng đau nửa đầu... Nhiều chị em không biết, không để ý, cứ nghĩ đơn giản là ai cũng có thể uống thuốc tránh thai nên rất dễ dẫn đến tai biến.
Tai biến là hậu quả của việc dùng thuốc không đúng, trên cơ địa không được sử dụng. Bản thân thuốc tránh thai không có tội lỗi gì hết. Tôi nghĩ việc đưa thông tin đơn thuần rằng thuốc tránh thai gây teo não chắc chẳng ai dám dùng hết. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ có thai ngoài ý muốn khiến việc phá thai gia tăng, điều đó còn nguy hiểm hơn.
Thuốc tránh thai là một biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa việc có thai ngoài ý muốn, tốt với các đối tượng sử dụng được. Song, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì, ngay cả thuốc bổ, mọi người cũng không được sử dụng tràn lan”, bác sỹ Hà khuyến cáo.
Các loại thuốc gây hại cho thận
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc độc cho thận khi có thuốc khác thay thế.
Thận tiếp xúc và bài tiết thuốc ra khỏi cơ thể chính nó cũng bị thuốc gây những tổn thương hoặc làm suy giảm chức năng và nói tắt là "thuốc hại thận".
Trong quá trình loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể, hoạt động của thận sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, nói nôm na là "thận hại thuốc". Ngược lại, thận tiếp xúc và bài tiết thuốc ra khỏi cơ thể thì chính nó cũng bị thuốc gây những tổn thương hoặc làm suy giảm chức năng và nói tắt là "thuốc hại thận".
Có rất nhiều thuốc có thể làm hại thận cấp tính hoặc mạn tính. Nguy hiểm ở chỗ là nhiều khi thuốc làm hại thận từ từ, không dễ gì phát hiện từ lúc đầu và đến khi phát hiện thận đã bị thuốc làm suy ở mức độ rất nặng, thậm chí phải chạy thận nhân tạo. Thông thường để phát hiện thận bị suy, người ta làm xét nghiệm đo creatinin máu.
Nhiều thuốc chỉ mới ảnh hưởng nhẹ đến chức năng thận đã làm tăng creatinin máu, nhưng có nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu thì ôi thôi, đã làm thận suy rất nặng.
Các thuốc hại thận có thể kể: các kháng sinh thuộc nhóm penicillin, cephalosporin, aminoglycosid, sulfamid, quinolon…; các thuốc chống viêm không steroid NSAID; các thuốc lợi tiểu như: furosemid; thuốc ức chế men chuyển…
Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc độc cho thận khi có thuốc khác thay thế. Ví dụ như: không dùng các aminoglycosid, amphotericin, cisplatin, mesalazin, các NSAID, penicilamin và vancomycin… là các thuốc hại thận rất dữ.
Ngoài gây hại thận và chức năng thận, nhiều thuốc gây những rối loạn liên quan gián tiếp đến thận. Một số thuốc trực tiếp gây giữ nước và do đó có thể gây nặng hơn các biến chứng về tim mạch ở người bị suy thận, như: carbenoxolon, indomethacin.
Ở người bệnh suy tim sung huyết, việc tưới máu thận phụ thuộc vào lượng prostaglandin được sản xuất tại thận, dùng thuốc NSAID sẽ ức chế tác dụng tại chỗ của prostaglandin đối với thận gây giảm dòng máu qua thận, giữ nước và làm xấu thêm tình trạng suy tim. Dùng digoxin ở người suy thận nặng sẽ làm tăng canxi huyết và/hoặc giảm kali huyết.
Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali như: amilorid, spironolacton có thể gây tăng kali huyết nặng ở người suy thận.
Dùng thuốc kháng tiết cholin như: atropin, scopolamin có thể gây rối loạn chức năng bàng quang và đái không tự chủ đối với người có chức năng thận bình thường. Dùng acetazolamid, vitamin D liều cao, vitamin C liều cao dễ gây đọng tạo sỏi thận - tiết niệu.
Thuốc hại thận ở đây còn có thể hiểu là thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng thận, như: có thuốc gây dương tính giả xét nghiệm độ đục nước tiểu (turbidimetric test): tolbutamid, kháng sinh penicillin, cephalosporin (liều cao), sulfisoxazol…; có thuốc làm tăng creatinin máu do cạnh tranh bài tiết ở niệu quản: triamteren, amilorid, trimethoprim, cimetidin, hoặc làm tăng creatinin máu trong xét nghiệm theo phương pháp Jaffe: vitamin C, kháng sinh cephalosporin.
Vì luôn luôn có nguy cơ "thuốc hại thận", nên phải xem việc dùng thuốc là rất hệ trọng. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về các dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ có hại của thuốc (trong đó có tác dụng hại thận).
Nếu có gì nghi ngờ về bệnh của mình thì cách tốt nhất đến bác sĩ khám để có cách xử trí đúng đắn, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi, tốt nhất nên dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - VOV
BV Việt Đức
BV Việt Đức
Chọn thuốc điều trị viêm da dầu hiệu quả
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Viêm da dầu là bệnh hay gặp vào mùa hè, mùa đông. Bệnh viêm da dầu mặc dù là bệnh da lành tính nhưng gây phiền phức cho người bệnh vì màu da thương tổn đỏ.
Viêm da dầu là bệnh hay gặp vào mùa hè, mùa đông. Bệnh viêm da dầu mặc dù là bệnh da lành tính nhưng gây phiền phức cho người bệnh vì màu da thương tổn đỏ, vảy da bong liên tục ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống, nhưng nếu điều trị đúng và duy trì điều trị có thể khỏi bệnh hoặc làm giảm các triệu chứng phiền phức của bệnh gây nên.
Viêm da dầu là gì?
Viêm da dầu là một dạng viêm da mạn tính không rõ căn nguyên, đặc trưng bởi tình trạng bong vảy ở mặt và da đầu. Bệnh diễn biến dai dẳng, điều trị khó khăn, hay tái phát làm người bệnh đôi khi thất vọng, chán nản.
Một số nghiên cứu cho biết, tỷ lệ mắc bệnh trong dân chúng khoảng 2-5%. Những người bị bệnh thường hay có cơ địa tiết bã nhờn, một số người sau đó phát triển bệnh vẩy nến.
Những bệnh nhân Parkinson, liệt mặt, người nhiễm HIV, sử dụng một số thuốc thần kinh, suy dinh dưỡng, thiếu kẽm, sang chấn tâm lý... có nguy cơ cao bị viêm da dầu.
Hình ảnh viêm da dầu trên đầu
Viêm da dầu thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi hoặc ở người lớn trên 30 tuổi, bệnh thường gặp hơn ở nam giới, có tính gia đình và nặng lên vào mùa lạnh. Bệnh xuất hiện ở các vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động mạnh là mặt, đầu, ngực, lưng và các nếp gấp lớn.
Viêm da dầu thường xuất hiện từ từ, gây ra vảy gàu khô và dính ở da đầu, đôi khi gây ngứa và không làm rụng tóc. Trong những trường hợp nặng, vảy da có thể xuất hiện ở sau tai, trong ống tai, cung lông mày, sống mũi, quanh mũi, ngực hoặc vai.
Trẻ mới sinh có thể mắc bệnh lan tỏa, triệu chứng toàn thân rất nặng, có tiêu chảy, da toàn thân đỏ và có thể đe dọa tính mạng trẻ, gọi là đỏ da toàn thân Leiner.
Một điểm cần lưu ý là bệnh viêm da dầu dễ phát hiện, nhưng một số trường hợp có thể nhầm với bệnh vảy nến hoặc là khởi đầu của vảy nến. Bệnh cũng có thể nhầm với nấm nông da, nấm Candida kẽ, lupus ban đỏ bán cấp và một số bệnh da khác.
Một điều đáng quan tâm là người bệnh thấy da bị đỏ, bong vảy da nhiều và chữa lâu khỏi nên cứ cho rằng mắc nấm nông ngoài da, họ cứ đi chữa chạy khắp mọi nơi, hậu quả là bôi quá nhiều loại thuốc và bệnh trở nên khó chữa.
Điều trị viêm da dầu
Cho đến nay đã có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm da dầu như bôi mỡ coticoid, thuốc kháng nấm tại chỗ, uống và bôi vitamin A acid, zinci - pyrithyon, hắc ín,... nhằm kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Các thuốc có corticoid được sử dụng nhiều và có hiệu quả trong điều trị, hiện nay có nhiều kem bôi corticoid phối hợp với thuốc chống nấm như clotrimazol và kháng sinh dùng rất tốt cho bệnh viêm da dầu.
Với viêm da dầu trên đầu: dùng các loại dầu gội chống nấm như selenium sulfide, zinc pyrithione, ketoconazol shampoo 2% gội 2-3 lần/tuần, có thể dùng duy trì lâu dài. Trường hợp nặng có thể bôi dung dịch lotion hoặc gel corticoid nhẹ trong 1-2 tuần.
Trường hợp có vảy dày cần được điều trị bằng các loại kem có chứa corticosteroid hoặc salicylic acid. Việc điều trị thường phải kéo dài nhiều tuần, nếu sau khi ngừng điều trị mà bệnh tái phát thì việc điều trị có thể bắt đầu lại từ đầu.
Mặt và thân mình: dùng thuốc bôi corticoid dạng kem hay lotion bôi trong 1-2 tuần, sao đó bôi kem pimecrolimus 1%. Các kem dưỡng ẩm cần bôi nhiều lần trong ngày và bôi duy trì, đặc biệt vào mùa thu đông.
Glucocorticoid bôi tại chỗ thường được sử dụng 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp. Sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc hai lần mỗi tuần tại nơi tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát. Tác dụng phụ của glucocorticoid bôi tại chỗ tùy thuộc vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng thuốc, thường gặp nhất là rạn da, nổi trứng cá, giãn mạch, teo da...
Lưu ý khi dùng kem chứa corticoid cho tổn thương ở da mặt hoặc cho trẻ em, nên ưu tiên sử dụng những loại có tác dụng nhẹ như hydrocortison, dexamethason. Những loại glucocorticoid có tác dụng mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng. Ngoài ra, có thể dùng thuốc glucocorticoid đường uống hoặc tiêm.
Với loại thuốc này, dù cải thiện tốt các triệu chứng lâm sàng nhưng ít khi được sử dụng do bệnh thường tái phát mạnh hơn sau khi ngưng thuốc. Trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ, có thể dùng một đợt glucocorticoid đường uống ngắn ngày nhưng phải lưu ý giảm dần liều trước khi ngừng thuốc.
Thuốc điều trị toàn thân: có thể dùng itraconazol uống trong 2 tuần. Cần xem xét về thể trạng của người bệnh, dinh dưỡng và bổ sung các vitamin nhóm B (vitamin B3, B6), vitamin H, uống kẽm.
Điều trị duy trì: rất cần thiết để tránh tái phát và hạn chế bệnh nặng lên. Bôi kem dưỡng ẩm, kem bôi ketoconazol 2% và shampoo dùng duy trì. Có thể bôi mỡ bong vảy da salicylic 2%. Khi bệnh nặng lên có thể bôi kem hydrocortison 1-2,5% trong 1 tuần. Mỡ bôi pimecrolimus 1% hoặc tacrolimus 0,03% vừa có hiệu quả vừa an toàn và dùng lâu dài.
Chiếu tia cực tím tại chỗ: được sử dụng trong những trường hợp nặng và không đáp ứng với các điều trị bằng thuốc. Tác dụng phụ hay gặp là nổi ban đỏ, rát và ngứa da, rối loạn sắc tố.
Tuy nhiên, người bệnh cũng nên đi khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và được chỉ định điều trị cụ thể, không tự ý chữa hoặc dùng các loại thuốc, nhất là các thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, bệnh sẽ nặng lên, điều trị sẽ càng khó khăn.
Theo DS Thanh Hoài - Sức khỏe và đời sống
Thuốc điều trị phỏng
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Hàng ngày, phỏng vẫn diễn ra thường xuyên, không những gây nên nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bệnh mà còn gây tốn kém chi phí và thời gian điều trị.
Tìm hiểu về phỏng
Phỏng gây ra do sơ ý, bất cẩn hay tai nạn… với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng, có thể để lại di chứng hay thậm chí dẫn đến tử vong.
Có nhiều tác nhân gây ra phỏng như: do nhiệt, điện, hóa chất, bức xạ hay sự cọ xát.
Phỏng làm tổn thương da và các mô sâu dưới da. Tùy theo độ sâu và mức độ lan rộng của da. Phỏng được chia làm 3 loại:
Phỏng độ 1: tổn thương ở lớp biểu bì của da, với các biểu hiện da đỏ, đau và rất nhạy cảm khi chạm vào.
Phỏng độ 2: tổn thương ở lớp bì của da, với các biểu hiện da đỏ, đau, nhạy cảm khi chạm vào và thường xuất hiện các mụn nước ở trên da.
Phỏng độ 3: tổn thương suốt chiều sâu của da và các mô dưới da, với các biểu hiện da có màu trắng, đen, kém nhạy cảm khi chạm vào và không đau (do các dây thần kinh cảm giác ở dưới da bị tổn thương), ít xuất hiện mụn nước.
Ngoài ra tùy theo mức độ tổn thương, phỏng chia làm 2 loại:
Phỏng nhẹ: phỏng độ 1 và phỏng nhỏ độ 2 (với diện tích bị phỏng nhỏ hơn lòng bản tay) được xếp vào phỏng nhẹ và điều trị tại nhà.
Lưu ý với phỏng nhẹ, trước khi điều trị cần rửa sạch vùng da bị phỏng dưới vòi nước mát từ 15 - 20 phút và tránh làm vỡ mụn nước.
Phỏng nặng: phỏng độ 3, phỏng lớn độ 2, phỏng do hóa chất và phỏng ở tay, chân, mặt, háng được xếp vào phỏng nặng, cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Thuốc điều trị phỏng
Các thuốc sử dụng trong điều trị phỏng phải dựa trên mức độ tổn thương mà phỏng gây ra:
Thuốc giảm đau: trong trường hợp phỏng nhẹ, có thể giảm đau với paracetamol hay các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như: ibuprofen, diclophenac…
Trong trường hợp phỏng nặng, có thể giảm đau với các thuốc giảm đau opioid như: codein, tramadol…
Thuốc sát trùng ngoài da: các dung dịch thuốc sát trùng như: oxy già, povidone-iodine, cetrimide, chlor hexidine… được thoa trực tiếp lên vùng da bị phỏng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh: được sử dụng để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và giúp mau lành vết thương do phỏng gây ra.
Tùy theo vị trí tác dụng, thuốc kháng sinh được chia làm 2 loại:
Tác dụng toàn thân: thuốc kháng sinh sử dụng qua đường uống hay qua tiêm truyền tĩnh mạch. Các nhóm thuốc kháng sinh thường được sử dụng:
Nhóm beta - lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin...).
Nhóm aminoglycosid (streptomycin, kanamycin...).
Nhóm quinolon (offloxacin, ciprofloxacin...).
Tác dụng tại chỗ: thuốc kháng sinh sử dụng qua dạng thuốc dùng ngoài (thuốc mỡ, kem…) có chứa neomycin, polymycin, sulfadiazine bạc…).
Thầy thuốc sẽ chọn lựa loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị (dùng riêng lẻ hay phối hợp kháng sinh) tùy theo mức độ phỏng và sự đáp ứng điều trị của thuốc.
Cần lưu ý:
Thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ với mức độ nhẹ như: dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy… hoặc thậm chí nghiêm trọng như: sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong!
Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài có thể gây ra rối loạn cân bằng tạp khuẩn đường ruột và nhiễm nấm candida ở da, miệng, ruột…
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch như lactat ringer giúp bù muối cho cơ thể, để ngăn ngừa biến chứng sốc (mất nước, rối loạn điện giải…) do phỏng gây ra.
Vắcxin: trong phẫu thuật ghép da ở phỏng độ 3, để ngăn ngừa uốn ván, bệnh nhân cần được tiêm ngừa vắcxin phòng uốn ván.
Ngoài ra, một số loại thuốc mỡ, kem… có nguồn gốc từ dược liệu (mù u, nghệ, lô hội, rau má…) cũng được sử dụng trong điều trị phỏng.
Theo DS Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và đời sống
Trinidazo - Nhiều tác dụng, lắm nguy cơ
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Tinidazol là dẫn chất imidazol tương tự metronidazol, có tác dụng với cả động vật nguyên sinh và vi khuẩn kỵ khí. Cơ chế tác dụng của tinidazol với vi khuẩn kỵ khí và nguyên sinh động vật là thuốc thâm nhập tế bào của vi sinh vật và sau đó phá hủy chuỗi ADN hoặc ức chế tổng hợp ADN.
Tinidazol có tác dụng phòng và điều trị các nhiễm khuẩn đường mật hoặc đường tiêu hóa, điều trị áp xe và điều trị các nhiễm khuẩn kỵ khí như viêm cân mạc hoại tử và hoại thư sinh hơi. Trên thực tế thường gặp các nhiễm khuẩn hỗn hợp, do vậy cần phải phối hợp tinidazol với các kháng sinh khác một cách hợp lý để có thể loại trừ được cả các vi khuẩn hiếu khí.
Ðể phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, có thể phối hợp tinidazol với gentamicin hoặc tinidazol với cephalosporin, dùng trước và trong khi phẫu thuật. Không nên dùng thuốc tiếp sau phẫu thuật, dùng thuốc dự phòng kéo dài không tăng tác dụng phòng ngừa mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiềm ẩn và kháng thuốc.
Tinidazol cũng thường phối hợp với các kháng sinh khác trong các trường hợp dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do các vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt các nhiễm khuẩn liên quan tới phẫu thuật đại tràng, dạ dày và phụ khoa.
Điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí như viêm màng bụng, áp xe; viêm nội mạc tử cung, viêm cơ nội mạc tử cung, áp xe vòi buồng trứng, viêm âm đạo không đặc hiệu; nhiễm khuẩn huyết; nhiễm khuẩn vết thương sau phẫu thuật; nhiễm khuẩn da và các mô mềm; nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phổi, viêm màng phổi mủ, áp xe phổi; nhiễm amip ở gan...
Khi dùng thuốc, cần lưu ý một số vấn đề như: trong thời gian uống thuốc không nên dùng các chế phẩm có rượu vì có thể có phản ứng đỏ bừng, co cứng bụng, nôn, tim đập nhanh.
Nếu dùng cùng lúc với cimetidin có thể làm giảm thải trừ tinidazol ra khỏi cơ thể. Có thể do cimetidin ức chế chuyển hóa tinidazol ở gan, nên làm tăng cả tác dụng điều trị lẫn độc tính. Nếu dùng cùng rifampicin có thể làm tăng thải tinidazol và làm giảm tác dụng điều trị.
Thuốc cũng có tác dụng không mong muốn nhưng ít gặp như viêm tĩnh mạch huyết khối, đau nơi tiêm (nếu là thuốc tiêm), buồn nôn, ăn không ngon, đau bụng; thay đổi vị giác nhất thời; chóng mặt nhức đầu, đau xương khớp…
Mặc dù hầu hết các phản ứng này thường tự hết và không có nguy cơ đe dọa tính mạng, nhưng nếu gặp một trong các trường hợp dị ứng trên, bệnh nhân cần ngừng điều trị và hỏi ý kiến của bác sĩ.
Theo ThS Nguyễn Vân Anh - Sức khỏe và đời sống
Thuốc gì trị chứng mẫn cảm?
Thứ Hai, tháng 6 01, 2015
sống khỏe
No comments
Các triệu chứng mẫn cảm có thể xuất hiện ngay trong vài giây nhưng cũng có thể muộn hơn sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.
Các bệnh do cơ thể quá mẫn cảm
Hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người diễn ra rất phức tạp nên cũng có nhiều nguy cơ xảy ra các sai sót và hiện tượng mẫn cảm (dị ứng) là một trong những sai sót đó.
Hiện tượng dị ứng là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít nguy hại.
Một số thực phẩm dễ gây dị ứng
Các loại phản ứng viêm dị ứng và dẫn tới các bệnh lý liên quan đến dị ứng thường gặp là hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mày đay, sốc phản vệ... Biểu hiện và mức độ của các triệu chứng dị ứng ở mỗi cá thể tùy thuộc vào loại bệnh bị mắc, mức độ mẫn cảm của cơ thể cũng như số lượng và cách tiếp xúc của dị nguyên gây bệnh.
Điều trị bệnh như thế nào?
Để điều trị các bệnh dị ứng nói chung thì cơ bản là phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh, sử dụng các thuốc chống dị ứng nhằm giảm triệu chứng và thuốc làm giảm mẫn cảm đặc hiệu.
Thuốc chống dị ứng
Do phản ứng viêm dị ứng với sự giải phóng của các hoạt chất trung gian là cơ chế gây bệnh chủ yếu của hầu hết các bệnh dị ứng, nên các thuốc chống dị ứng hiện nay đều được phát triển theo hướng tác dụng ức chế phản ứng viêm dị ứng hoặc kháng lại các hoạt chất trung gian, giúp giảm các triệu chứng dị ứng cấp tính.
Trong những năm gần đây đã có nhiều nhóm thuốc chống dị ứng mới ra đời theo xu hướng này. Trong đó có các thuốc kháng histamin thế hệ mới, kháng leukotriene, kháng thromboxane, kháng các cytokine của tế bào T, ổn định màng tế bào mast và nhiều tác nhân kháng lại các tế bào và phân tử khác.
Thuốc kháng histamin: vai trò quan trọng của histamin và thụ thể histamin H1 trong các bệnh dị ứng đã được hiểu biết ngày càng đầy đủ. Các loại thuốc thế hệ mới cũng đã ra đời ngày càng nhiều với mục đích tăng cường hiệu quả và giảm thiểu khả năng tương tác thuốc cũng như các tác dụng có hại của thuốc.
Các thuốc kháng H1 và thế hệ 2 như loratadine, cetirizine, fexofenadine, levocetirizin, deslorratadine... hiện được ưa sử dụng hơn so với các thuốc thế hệ cũ do thuốc thế hệ mới ít gây buồn ngủ và tác dụng nhanh, ít nguy cơ gây tương tác thuốc và ít tác dụng phụ hơn so với chế phẩm gốc.
Các thuốc kháng leukotriene: Leukotriene là một nhóm các hoạt chất trung gian có vai trò không nhỏ trong các phản ứng viêm dị ứng và có thể trực tiếp gây ra nhiều triệu chứng dị ứng như co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhày, giãn mạch...
Hiện nay khá nhiều thuốc kháng leukotriene ra đời như montelukast, zafirlukast, zileuton hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này đã được chứng minh trong điều trị các bệnh dị ứng như mày đay mạn tính, viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
Thuốc giảm mẫn cảm đặc hiệu
Thuốc kháng IgE: kháng thể IgE có vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản và nhiều bệnh lý dị ứng khác. Sự kết hợp của kháng thể này với kháng nguyên gây bệnh sẽ khởi động chuỗi phản ứng viêm dị ứng.
Các thuốc kháng IgE tổng hợp như omalizumab có khả năng liên kết và bất hoạt các kháng thể IgE tự do, gây giảm nồng độ kháng thể IgE tự do trong máu tới 90%. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, omalizumab có hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp hen phế quản nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.
Các thuốc kháng thromboxane A2: do có một số bằng chứng về vai trò của thromboxane A2 trong đợt cấp và quá trình phát triển của các bệnh dị ứng nên các nhà khoa học đã có ý tưởng sử dụng các chất kháng lại hoạt chất này trong điều trị các bệnh dị ứng. Hiện nay, các thuốc kháng thromboxane A2 như ozagrel, ramatroban và seratridust đã được chứng minh hiệu quả rõ rệt trong điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Thuốc kháng cytokine của tế bào lympho Th2: các tế bào lympho Th2 đặc hiệu kháng nguyên được cho là có vai trò khởi phát các phản ứng dị ứng. Điều này đã đưa đến khả năng kiểm soát các bệnh dị ứng bằng cách sử dụng các thuốc ức chế các cytokine của tế bào Th2, suplatast là một trong những dẫn xuất đầu tiên của nhóm này.
Thuốc đã được chứng minh là có khả năng ức chế sản xuất các kháng thể dị ứng IgE, ngăn ngừa sự xuất hiện các đợt dị ứng cấp tính ở chuột. Hiện nay, nghiên cứu sử dụng các thuốc này trên lâm sàng vẫn đang tiếp tục được tiến hành và có thể là một hướng đi nhiều hứa hẹn.
Theo ThS Nguyễn Vân Anh - Sức khỏe và đời sống