Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

10 điều cần biết về thuốc tránh thai


21-1442831049-oralpill-1224-1443061440.j
Ảnh: Boldsky.
Boldsky chỉ ra 10 điều chị em cần phải biết khi sử dụng thuốc tránh thai:
Cần được tư vấn trước khi uống
Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc ngừa thai, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn dùng đúng loại thuốc và đúng liệu trình.
Người mắc bệnh lý cần cẩn trọng
Nếu bạn đã qua 35 tuổi, bị bệnh tiểu đường hay béo phì, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc tránh thai.
Thuốc chỉ có tác dụng ngừa thai
Thuốc tránh thai chỉ giúp ngừa mang thai chứ không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Người đau đầu không nên uống
Những người đang bị đau nửa đầu hoặc đau đầu không nên tự ý sử dụng thuốc ngừa thai. Nếu cần, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ phụ khoa.
Phụ nữ đang cho con bú không nên uống
Những bà mẹ mới sinh trong vòng 6 tháng và đang cho con bú con thì không nên uống thuốc tránh thai. Loại thuốc này sẽ có hại cho em bé cũng như sức khỏe của mẹ.
Xuất hiện đốm máu bất thường
Sử dụng thuốc ngừa thai có thể xuất hiện những đốm máu nhẹ ở giữa chu kỳ. Bạn không cần phải lo lắng vì đó là dấu hiệu bình thường.
Thuốc tránh thai gây béo phì
Nhiều phụ nữ lầm tưởng thuốc tránh thai là nguyên nhân dẫn đến béo phì. Thuốc tránh thai có tác dụng phụ, tuy nhiên béo phì không nằm trong số tác dụng phụ đó.
Thuốc gây khuyết tật ở trẻ
Có rất nhiều người đã đổ lỗi cho thuốc tránh thai vì cho rằng chúng làm khuyết tật ở trẻ. Bạn nên biết rằng những viên thuốc không có bất kỳ ảnh hưởng gì đối với sức khỏe của trẻ.
Thuốc gây ung thư vú
Hầu hết phụ nữ tin rằng lý do chính cho sự khởi nguồn của bệnh ung thư vú là những viên thuốc tránh thai họ đã uống. Các nhà khoa học đã kết luận thuốc tránh thai không liên quan đến bất kỳ loại ung thư nào.
Người bị máu đông cần cảnh giác
Nếu bạn có tiền sử máu đông thì không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào liên quan đến kiểm soát sinh đẻ.



Dùng thuốc qua mũi có hại không?

Có thể dùng đường mũi để đưa thuốc vào cơ thể với hai mục tiêu: trị bệnh tại chỗ (local) và trị bệnh toàn thân (systemic).

Trong đó bao gồm cả một số loại vaccin chủng ngừa (thay vì phải dùng đường tiêm), thậm chí là các vitamin.
Tác dụng trị liệu tại chỗ được dùng cho các loại thuốc như thuốc trị nghẹt mũi, dị ứng... Còn trị liệu toàn thân được dùng cho các loại thuốc như trị hen suyễn (có thuốc symbicort turbuhaler), thuốc trị nhức nửa đầu (migraine, thiên đầu thống, có thuốc imigran nasal spray)... và để chủng ngừa thì có trường hợp dùng vaccin ngừa cúm (thuốc flu-mist). Ngay cả vitamin, đã có thuốc vitamin B12 dùng qua đường mũi (nascobal).
Một số ưu điểm
Thuốc hấp thu qua niêm mạc mũi, không bị chuyển hóa như qua đường tiêu hóa. Thuốc uống (thuốc viên, thuốc nước) khi uống đều phải qua giai đoạn chuyển hóa ở gan và bị phân hủy bởi tác động của nhiều loại men chuyển hóa.
Ví dụ, các loại thuốc như desmopressin trị đái tháo nhạt, đái dầm được bào chế dưới dạng bơm, xịt vào mũi để tránh bị phân hủy khi đi qua đường tiêu hóa hoặc thuốc sumatriptan trị nhức đầu kiểu "migraine" dùng cách đưa qua đường mũi vừa cho tác động nhanh hơn vừa tránh bị phản ứng gây nôn khi uống thuốc dưới dạng viên.
Những giới hạn và tác hại
Những loại thuốc phải dùng thường xuyên và đưa vào cơ thể nhiều lần trong ngày không thích hợp với đường mũi vì có thể gây hại cho tế bào màng mũi khi dùng liên tục.
Hơn nữa, dùng thuốc qua đường này khó kiểm soát chính xác số lượng thuốc được hấp thu qua đường mũi. Vì thế, bệnh nhân dùng thuốc qua đường mũi phải được hướng dẫn tỉ mỉ cách bơm xịt và hít thở đúng để thuốc (đặc biệt là thuốc trị suyễn, COPD) không bị thất thoát.
Cần lưu ý, thuốc dùng qua mũi vẫn có thể gây ngộ độc, đặc biệt là trẻ em nếu dùng thuốc không đúng. 
Ví dụ, dầu gió, cao xoa (còn gọi là dầu cù là) rất thông dụng và để có tác dụng thông mũi, sát trùng đường hô hấp và giảm đau thì trong dầu gió hay cao xoa chứa nhiều loại tinh dầu bay hơi như: tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu long não (camphor), đặc biệt, một số dầu xoa có chứa thêm methyl salicylat, tinh dầu bạch đàn (tinh dầu khuynh diệp), tinh dầu thông...
Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì bà mẹ dùng dầu gió xức cho mình và làm dầu này dính trên mũi của trẻ. Nguyên nhân là do menthol, camphor có tác dụng kích ứng hô hấp trẻ sơ sinh, khi trẻ hít phải các chất này sẽ làm trẻ ngưng thở do suy hô hấp.
Phụ nữ cho con bú cũng tránh không nên dùng thuốc thoa có chứa methyl salicylat vì thuốc có thể dính ở đầu vú, trẻ ngậm vú sẽ nuốt phải methyl salicylat và ngộ độc. Vì vậy, không nên dùng dầu gió, cao xoa, thuốc thoa có chứa tinh dầu cho trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú.
 Dùng thuốc qua đường mũi không đúng sẽ gây hại.
Dùng thuốc qua đường mũi không đúng sẽ gây hại
Một loại thuốc dùng qua mũi là thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch chống sung huyết nhằm trị nghẹt mũi, sổ mũi có thể trở thành tai họa cho trẻ nhỏ.
Khi thời tiết thay đổi, trẻ em dễ bị nghẹt mũi, sổ mũi, làm cho trẻ bỏ bú, bỏ ăn, gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Một số cha mẹ tự mua thuốc nhỏ mũi co mạch nhỏ cho trẻ và có trường hợp trẻ bị ngộ độc.
Từ năm 1985 - 2012, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã xác định có 96 trường hợp trẻ em ở Mỹ từ 1 tháng đến 5 tuổi bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin. Còn ở nước ta trong thời gian qua, BV Nhi đồng 1 TPHCM đã cấp cứu cho một số trẻ nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái vì được cho nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin.
Ta cần biết, bị sổ mũi, nghẹt mũi là do ở niêm mạc mũi bị rối loạn như bị dị ứng gây giãn mạch, tiết dịch và có hiện tượng sung huyết. Vì thế, khi dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm thần kinh) như naphazolin (nasoline, rhinex 0,05%), oxymetazolin, xylometazolin... làm cho co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa.
Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận... đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng, phải được cấp cứu tại bệnh viện.
Vì vậy, đối với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà người lớn là bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi.
Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng "bật lại" (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị.
Như vậy, chính thuốc nhỏ mũi loại này gây ra một loại bệnh gọi là "bệnh viêm mũi do thuốc" mà việc điều trị bệnh này rất khó khăn. Vì vậy, có khuyến cáo không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá 5 ngày. Trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần nhỏ mũi thường xuyên nên dùng dung dịch natri clorid 0,9%, còn gọi là dung dịch "nước muối sinh lý" để nhỏ.


Thuốc hạ huyết áp giúp giảm viêm do chấn thương sọ não

Một nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng viêm sau khi bị chấn thương sọ não là do một protein sản sinh từ gan gây ra.

Hơn thế, dạng protein này có thể bị một loại thuốc vốn dùng để chữa trị cao huyết áp ngăn chặn.
Theo trang tin Medical News Today, các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Georgetown phát hiện chấn thương sọ não khiến gan sản sinh protein gây phản ứng viêm tăng lên gấp 1.000 lần. Tình trạng gây viêm như vậy khiến tế bào thần kinh chết nhiều hơn và dòng máu chảy bị giới hạn, gây tổn thương thêm. Do đó, hạn chế viêm có ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp này.
Telmisartan có thể giúp giảm viêm sau khi bị chấn thương sọ não Ảnh: MNT
Telmisartan có thể giúp giảm viêm sau khi bị chấn thương sọ não Ảnh: MNT
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện thuốc telmisartan có thể ngăn chặn sự sản sinh của một phần tử trong quá trình gây viêm của loại protein này trong thí nghiệm trên chuột. Telmisartan từng được Liên đoàn Tim học Mỹ nêu tác dụng giữ mạch máu khỏi hẹp lại và tăng cường dòng máu chảy nên được dùng để chữa trị cao huyết áp.
Nhóm nghiên cứu nêu khả năng có thể sử dụng telmisartan trong khoảng 6 giờ sau khi bị chấn thương sọ não để giúp hạn chế viêm, tổn hại thần kinh, chảy máu và sưng bên trong não. Chủ nhiệm nghiên cứu, GS Sonia Villapol, cho biết: "Nghiên cứu này xác lập mối liên kết giữa khu vực ngoại vi với não, nêu bật tầm quan trọng của việc điều chỉnh tổn hại ngoại vi trong nỗ lực giảm nhẹ hậu quả do não bị tổn thương".


Thuốc chống động kinh dùng không đúng gây tử vong?

Hiện nay có lời đồn đại về thuốc chống động kinh như: “Thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng”, thậm chí: “Thuốc chống động kinh dùng thế nào đó có thể gây tử vong!”. điều này làm cho người bệnh động kinh hay người thân của họ không an tâm cho dùng thuốc chữa bệnh. Thực hư như thế nào?

Động kinh là sự rối loạn chức năng thần kinh trung ương theo từng cơn do có sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Trong dân gian còn gọi động kinh là kinh phong, phong xù, kinh giật. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân động kinh có thể bình phục gần như hoàn toàn, hòa nhập tốt với xã hội và có cuộc sống ổn định.

Thuốc chống động kinh còn gọi là thuốc chống co giật được dùng hiện nay rất đa dạng. Việc lựa chọn thuốc điều trị sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, khả năng kinh tế của bệnh nhân.

Mục tiêu của điều trị động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn, với việc giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các thuốc chống động kinh không điều trị khỏi hẳn bệnh động kinh, nhưng nếu dùng thuốc trong thời gian dài, khi ngừng thuốc có một số trường hợp cơn động kinh không tái phát. Nhưng để kiểm soát tốt thường là phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt đời. Còn nếu để tình trạng cơn co giật kéo dài mà không được điều trị thì bệnh nhân có các nguy cơ: chậm phát triển thể chất, sa sút tâm thần, bệnh nhân bị cô lập với cuộc sống xã hội, chấn thương do co giật và có thể tử vong.
Tùy vào thời điểm ra đời có thể chia thuốc chống động kinh ra 2 nhóm
- Thuốc thế hệ cũ, ra đời các nay đã lâu đời (như phenobarbital lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1912), gồm có: phenobarbital, carbamazepin, phenytoin, acid valproic hay valproat…
- Thuốc thế hệ mới, ra đời trong thời gian gần đây (như: pregabalin được sử dụng vào năm 2004), gồm có: gabapentin, lamotrigin, oxcarbazepin, topiramat, levetiracetam, pregabalin…
Thuốc chống động kinh mới hơn có xu hướng ít tác dụng phụ hơn nhưng hiệu quả điều trị chưa chắc hơn các thuốc cổ điển. Bởi vì, sự lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, có bệnh nhân lại thích hợp với thuốc cổ điển hơn. Cả hai loại thuốc mới và cũ thường hiệu quả như nhau trong bắt đầu điều trị động kinh.
Người nhà nên giúp người bệnh tuân thủ việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Người nhà nên giúp người bệnh tuân thủ việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Trên các phương tiện thông tin đại chúng có khi nhận định chưa đúng khi nói về thuốc chống động kinh như: "thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng". Ngoại trừ người ta dùng Gardenal (tên biệt dược trước đây của phenobarbital) dùng liều rất cao để tự tử, cho tới nay chưa có báo cáo chính thức nào cho thấy dùng thuốc chống động kinh ở liều điều trị lại làm cho bệnh nhân tử vong. 
Gardenal cũng là thuốc gây tác dụng phụ có hại vào loại bậc nhất của nhóm thuốc chống động kinh (như gây dị ứng nặng là hội chứng Lyell có thể đưa đến tử vong) và nay gần như không còn được dùng trị động kinh nữa. 
Các thuốc chống động kinh khác đang được sử dụng hiện nay đều không thỏa mãn tiêu chí đồn đại: "thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng", cho nên người bệnh có thể an tâm dùng thuốc chữa bệnh.
Còn thắc mắc: "thuốc chống động kinh dùng không đúng gây tử vong" thì thế nào? Dùng không đúng thuốc chống động kinh có 2 trường hợp. Nếu dùng liều thuốc thấp không đủ thì nồng độ thuốc có trong cơ thể người bệnh dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc sẽ làm cho người bệnh phát bệnh lên cơn động kinh. Còn nếu dùng liều thuốc quá cao sẽ đưa đến ngộ độc thuốc đưa đến bị các rối loạn, như quá liều valproat có thể gây ngủ gà, blốc tim và hôn mê sâu; nếu được cấp cứu kịp sẽ chữa khỏi. Chỉ trừ trường hợp dùng thuốc trị động kinh có khoảng cách an toàn hẹp (khoảng cách giữa liều điều trị và liều chết quá nhỏ) như Gardenal thì dùng liều quá cao sẽ bị tử vong ngay (chính vì thế mà trước đây người ta hay dùng Gardenal để tự tử).
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống động kinh cho người bệnh luôn lưu ý
- Khởi động việc điều trị chỉ bằng một thuốc. Bởi vì sử dụng phối hợp hai thuốc ngay từ đầu, nếu không có hiệu quả thì khó lòng có thể đánh giá được thuốc nào là thuốc không tác dụng.
- Khởi đầu bằng liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng, tức liều có tác dụng ngăn chặn cơn động kinh xảy ra. Tránh dùng liều cao ngay từ đầu vì sẽ gây ra tác dụng phụ có hại.
- Uống đủ liều và liên tục trong thời gian mà bác sĩ chỉ định. Không được dừng bỏ thuốc, thậm chí chỉ một lần bỏ uống thuốc trong ngày. Chỉ cần bỏ một lần không uống vì bất kỳ lý do gì đều có thể làm giảm nồng độ dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc. Và bệnh động kinh có nguy cơ bị tái phát với mức độ nặng hơn, cơn mau hơn nếu bỏ thuốc như vậy.
- Sau 2 năm điều trị mà không thấy có một cơn động kinh nào tái diễn, bác sĩ tiến hành cho việc ngừng thuốc. Trước khi ngừng, phải giảm liều thuốc dần dần mà không dừng thuốc đột ngột. Nếu ngừng thuốc đột ngột sẽ gây động kinh tái diễn, động kinh xuất hiện mau hơn và cả động kinh kháng trị. Trước khi ngừng hẳn thuốc phải có thời gian giảm liều từ từ, kéo dài trong khoảng 3 - 6 tháng. Trong thời gian giảm liều mà có cơn động kinh xuất hiện thì lại phải tiếp tục điều trị động kinh trong tối thiểu 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm dùng lại thuốc này. Như vậy, có khi người bệnh phải dùng thuốc kéo dài mãi.


Trẻ dễ gặp nguy nếu dùng thuốc bổ không đúng

Theo các dược sĩ  khoa Dược, BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), thuốc bổ, hay còn gọi là đa sinh tố, là hỗn hợp chứa nhiều hơn một vitamin, có thể kèm thêm khoáng chất và các chiết xuất thảo dược. Tuy nhiên nếu dùng sai cách, thuốc bổ chẳng những không giúp ích mà còn có hại.
Cụ thể, khi thấy trẻ thấp còi, sợ xương của bé phát triển không tốt, phụ huynh mua Calci về cho con uống nhưng không biết uống Calci liều cao, kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận, làm giảm hấp thu của các chất khoáng  khác như sắt, kẽm, magiê, phốt pho.
thuoc-bo-6149-1443236780.jpg
Cho rằng "thuốc bổ không có hại" là cách nghĩ sai lầm của rất nhiều phụ huynh.
Một số bà mẹ sợ con thiếu máu, muốn bé được bổ máu thì mua các viên tổng hợp để bổ sung chắt sắt, song loại thuốc bổ này nếu uống quá liều hoặc kéo dài sẽ khiến trẻ dễ bị táo bón. 
Các loại vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K thì có thể gây ngộ độc vì khi sử dụng dồn dập bởi chúng không thải kịp mà tích lũy ở gan gây hại. Ngộ độc vitamin A có thể gây tăng áp lực nội sọ, vitamin D có thể dẫn đến táo bón cho trẻ.
Một số vitamin khác có thể gây độc cấp hoặc thậm chí sốc phản vệ như quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, dị ứng với vitamin nhóm B (B1, B6, B12), có thể gây mày đay thậm chí sốc phản vệ.
Cũng theo các dược sĩ, khi cho trẻ dùng thuốc bổ không đúng cách, các bé còn có thể bị rối loạn tiêu hóa dẫn đế đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Một số bé bị biếng ăn (do mất thăng bằng chất dinh dưỡng), hoặc chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ. Nếu các biểu hiện này nặng dần hoặc kéo dài, cha mẹ nên đưa bé ngay đến bác sĩ để được thăm khám và cho cách xử trí hợp lý.
Lời khuyên của các bác sĩ là không nên tùy tiện dùng thuốc bổ cho bé. Các bà mẹ nên hỏi ý của bác sĩ chuyên khoa cách dùng như thế nào, dùng trong bao lâu và liều lượng ra sao.
Ngoài ra, phụ huynh cần cung cấp cho bác sĩ biết về các thông tin về những loại thuốc trẻ đang sử dụng, đặc biệt là thuốc chống đông như Wafarin có thể gây nhiều phản ứng. Cũng cần tránh những loại thuốc điều trị và thuốc bổ mà trẻ từng bị dị ứng khi sử dụng trước đây
Nên dùng thuốc bổ cho bé trong trường hợp trẻ không thể ăn (trẻ bệnh) hoặc không chịu ăn (biếng ăn, không thích ăn thức ăn giàu vitamin). Trẻ với chế độ ăn hợp lý sẽ có lượng  vitamin cần thiết cho  cơ thể nên không cần phải  dùng thêm thuốc bổ.
Thường nên uống vào ban ngày và tốt nhất là buổi sáng. Các viên vitamin đơn lẻ có thể uống trước hay sau ăn đều được. Riêng các viên đa sinh tố (multivitamin) nên uống sau ăn thì  sẽ ít khó chịu hơn.
Thuốc bổ ở dạng lỏng thường có kèm theo dụng cụ để đo lượng thuốc (ống hoặc muỗng có chia vạch ml, ống nhỏ giọt), phụ huynh nên sử dụng dụng cụ đó để đong thuốc cho trẻ.
Một số thuốc có hình dáng, mùi vị như kẹo nên cần để xa tầm với của trẻ, đối với trẻ lớn nên nói cho bé biết đó là thuốc, không phải kẹo để tránh để tự tiện dùng quá liều.


Những điều bạn phải biết để uống thuốc đúng cách

Uống thuốc với nước trà, uống thuốc với sữa, hoặc uống thuốc trong khi uống rượu đều là những cách uống thuốc không đúng. 5 điều dưới đây sẽ giúp bạn biết cách uống thuốc khoa học.

Nước dùng để uống thuốc nhiều khi chưa được người bệnh chú ý, dẫn đến tình trạng uống thuốc với nước trà, uống thuốc với sữa, hoặc uống thuốc trong khi uống rượu… đã gây nên tình trạng tương tác giữa thuốc với các đồ uống trên, nhiều khi gây nguy hiểm cho người bệnh…
1. Nước (ở đây là nước đun sôi để nguội, nước lọc tinh khiết) là đồ uống (dung môi) thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ hay tương tác nào khi hòa tan thuốc. Nước còn là phương tiện để dẫn thuốc (dạng viên) vào dạ dày - ruột, làm tăng độ tan rã của thuốc và hòa tan hoạt chất, giúp cho thuốc được hấp thu dễ dàng.
Vì vậy, khi uống thuốc cần uống đủ nước (ít nhất từ 100 - 200ml cho mỗi lần uống thuốc) và uống trong tư thế người thẳng để thuốc có thể trôi dễ dàng xuống dạ dày, tránh đọng viên thuốc tại thực quản có thể gây kích ứng, loét thực quản, đặc biệt đối với người cao tuổi.
Không dùng sữa để uống thuốc vì sẽ làm giảm hoặc mất tác dụng chữa bệnh của thuốc. Ảnh: TL
Trong quá trình dùng thuốc điều trị, cũng nên uống nhiều nước hàng ngày, có thể uống từ 1,5 - 2 lít nước/ngày để làm tăng tác dụng của thuốc (đối với các loại thuốc tẩy), tăng thải trừ và làm tan các dẫn xuất chuyển hóa gây hại của thuốc đối với cơ thể.
Ví dụ như khi uống các sulfamid kháng khuẩn chẳng hạn… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, khi uống các thuốc tẩy sán, tẩy giun như niclosamid, mebendazol thì lại cần uống ít nước hơn bình thường để duy trì nồng độ thuốc cao trong ruột, sẽ có hiệu quả cao hơn.
2. Không dùng nước quả, nước khoáng hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có gas để uống thuốc vì các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu quá nhanh, sẽ gây độc…
3. Không dùng sữa để uống thuốc vì trong thành phần của sữa có chứa canxi. Nhiều thuốc tạo phức với canxi của sữa sẽ không được hấp thu (ví dụ như kháng sinh tetracyclin, lincomycin, muối Fe...), do đó sẽ giảm hoặc không có tác dụng chữa bệnh.
4. Bên cạnh đó, cũng không dùng cà phê hay nước chè để uống thuốc. Hoạt chất cafein, tanin có trong cà phê, nước chè cũng sẽ làm tăng hoặc giảm tác dụng hoặc gây kết tủa một số thuốc điều trị… không những làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị bệnh mà còn gây tai biến.
5. Trong quá trình dùng thuốc, nhiều người vẫn uống rượu, điều này vô cùng nguy hiểm. Rượu có rất nhiều ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, hệ tim mạch, sự hấp thu của đường tiêu hóa. Người nghiện rượu còn bị giảm protein huyết tương, suy giảm chức năng gan, nhưng lại gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc của gan, vì thế, rượu có tương tác với rất nhiều thuốc và các tương tác này đều là bất lợi.
Do đó, khi đã dùng thuốc thì không uống rượu. Với người nghiện rượu cần phải dùng thuốc, thầy thuốc cần kiểm tra chức năng gan, tình trạng tâm thần... để chọn thuốc và dùng liều lượng thích hợp, trong thời gian dùng thuốc cũng phải ngừng uống rượu.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons