Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Cần phân biệt để dùng cho đúng

Lâu nay do thói quen, sự thiếu hiểu biết và sự mập mờ của các nhà sản xuất cùng với việc giải thích không đầy đủ của nhân viên y tế khiến không ít các bà mẹ lạm dụng men tiêu hóa, hễ thấy con lười ăn là tự ý mua về cho uống. 
Ít người biết rằng men tiêu hóa và men vi sinh là hai chế phẩm khác hẳn nhau về bản chất, nhưng do thói quen, chúng hay được gọi dưới cái tên chung là men tiêu hóa!
Men tiêu hóa
Men bản chất là những protein có tác dụng xúc tác một phản ứng hóa học, phản ứng này bản thân nó không tiến hành hoặc tiến hành rất chậm nếu không có men.
Cần phân biệt để dùng cho đúng
​Nhiều bà mẹ lạm dụng men tiêu hóa khi thấy trẻ lười ăn.
Men tiêu hóa chính là các loại men (hay còn gọi là enzym) do cơ thể (chủ yếu từ ống và tuyến tiêu hóa) tiết ra để tiêu hóa thức ăn (cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu). Có một số men tiêu hóa quan trọng:
Men amylase của tuyến nước bọt: có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín.
Acid clohydric (HCl) và các men pepsin, lipase của dạ dày. Các sản phẩm này có tác dụng làm trương thức ăn, phân cắt các sợi collagen, phân cắt chất đạm thành những chuỗi polypeptid ngắn, tuy nhiên men pepsin của dạ dày chỉ có tác dụng tiêu hóa được 10 - 20% chất đạm của thức ăn. Còn men lipase của dạ dày có tác dụng rất yếu, chỉ tiêu hóa được dạng chất béo đã được nhũ tương hóa (chất béo của sữa, trứng).
Các men của dịch tụy là quan trọng nhất, bao gồm: men amylase có tác dụng tiêu hóa tinh bột mạnh hơn nhiều lần so với men amylase của nước bọt; men tiêu hóa chất đạm của tụy bao gồm: trypsin, chymotrypsin, carboxypolypeptidase, dưới tác dụng của chúng, chất đạm sẽ được phân giải thành các đoạn acid amin đơn giản hơn; men tiêu hóa mỡ của tụy là các men lipase (sau khi mỡ được nhũ tương hóa nhờ muối mật), dưới tác dụng của nó, phần lớn mỡ của thức ăn sẽ được tiêu hóa.
Gan bài tiết ra acid mật và muối mật, đóng vai trò quan trọng trong việc hòa tan các chất mỡ, tạo điều kiện cho các men lipase tiêu hóa mỡ hoạt động.
Men vi sinh
Hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là hệ tiêu hóa của trẻ. Ở đại tràng có khoảng 400 - 500 loại vi khuẩn khác nhau, chúng ngoài việc tham gia khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa còn đảm nhiệm chức năng bảo vệ đại tràng. 
Trong môi trường hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn có ích có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Một số vi sinh có ích cần thiết cho hệ tiêu hóa:
Lactobacillus sporogenes là một trong các vi sinh sản xuất acid lactic, acid hóa đường ruột và ngăn ngừa được sự phát triển của các vi khuẩn gây thối rữa.
Bacillus subtilis là vi sinh sản xuất men amylase, xúc tác cho phản ứng thủy phân tinh bột, glycogen.
Men bia thuộc họ Saccharomycetaceae, thường được chế dưới dạng khô nhằm tránh sự phân hủy các vitamin. Men bia khô có chứa các vitamin B1, PP, B2, B6, B5, biotin, acid folic, B12, acid aminobenzoic và isonitol. Đây là nguồn rất giàu vitamin và dưỡng chất, được dùng trong phòng và điều trị thiếu vitamin và suy dinh dưỡng.
Clostridium butyricum là vi sinh lên men butyric. Chúng đồng hóa được nitơ trong các hợp chất phức tạp như acid amin, peptid, protein..., ngoài ra chúng còn lên men được các loại đường, tinh bột, dextrin, pectin...
Ngày nay, dựa vào sự phát triển của công nghiệp dược, người ta đã sản xuất ra các chế phẩm vi sinh (men vi sinh) cũng hỗ trợ tiêu hóa, còn gọi là probiotic, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà trong thành phần sẽ có một hoặc nhiều các vi khuẩn trên. Các men vi sinh này thường được các bà mẹ lạm dụng nhiều nhất.
Một khái niệm khác cần biết nữa là prebiotic. Đây là chất xơ dùng để tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi phát triển. Trong sản phẩm thực phẩm công nghiệp thường có bổ sung cả hai thành phần probiotic và prebiotic để tăng hiệu quả phòng ngừa và điều trị rối loạn vi khuẩn đường ruột.
Khi nào cần dùng?
Việc sử dụng loại men tiêu hóa nào, số lượng, liều lượng... đều phải do thầy thuốc chỉ định và theo dõi sau khi thăm khám cụ thể.
Cơ thể bình thường có sự phối hợp chặt chẽ giữa các men tiêu hóa từ miệng đến ruột non. Khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc giảm bài tiết (tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật...), cơ thể sẽ thiếu các men tiêu hóa. 
Trong những trường hợp này, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn, trẻ cần cung cấp thêm một số men tiêu hóa của tụy. 
Trừ trường hợp bị tổn thương tuyến tiêu hóa bẩm sinh, còn thì chỉ nên dùng men tiêu hóa từng đợt 1 - 2 tuần, không nên dùng kéo dài; nếu không sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo.
Với những trẻ bình thường có biểu hiện chán ăn, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Với những trẻ này, không nên dùng men tiêu hóa dưới dạng thuốc vì ít có tác dụng. Trường hợp cần dùng phải tuân theo sự chỉ định của thầy thuốc.
Đối với những chế phẩm vi sinh, chỉ để dùng điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virut và trường hợp bị thiếu hụt loại vi khuẩn đường ruột có lợi. 
Do đó, chủ yếu thuốc được áp dụng cho những bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài vì kháng sinh có tác dụng phụ là tiêu diệt cả những vi khuẩn đường ruột có lợi, tạo đà cho vi khuẩn có hại phát triển, đặc biệt làm cho vi khuẩn yếm khí lây lan, sinh ra chứng đau bụng khó chữa.           

Thuốc trị cảm, cúm: Chớ dùng tùy tiện!

Cảm, cúm thông thường 

Cảm, cúm thông thường là bệnh bốn mùa của mọi người, thường xuất hiện nhiều nhất vào lúc giao mùa và đông xuân. Đông y gọi các chứng cảm, cúm là “thương phong”. Mùa rét là “phong hàn”. Mùa nóng là “phong nhiệt”. Mùa mát là “phong ôn”. Tùy trường hợp của từng người bệnh mà sau khi bắt mạch, thầy thuốc sử dụng các phương thang khác nhau có gia giảm để kê đơn, do đó khá an toàn cho người bệnh.

Nguyên nhân gây cảm, cúm theo Tây y là do các virut thông thường, gây bệnh đường hô hấp trên (mới nhiễm do tiếp xúc với người bệnh hoặc có sẵn trong cơ thể) gây ra khi sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu (do nhiễm lạnh, nhiễm nóng, nhiễm độc… đột ngột) với biểu hiện: hắt hơi, sổ mũi, có khi chảy nước mũi ròng ròng; có khi ớn rét, sợ gió. Tối đa chỉ 1 tuần là khỏi. 

Trường hợp nặng có thể gây nhức đầu, sốt cao, người mệt mỏi (có khi đến 2 tuần mới khỏi),… dễ bị biến chứng đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản... rất nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ, người yếu. Nếu cảm nặng sau 10 ngày không đỡ cần đi khám để điều trị kịp thời.

Các loại tân dược chữa cảm, cúm 

Tân dược chữa cảm cúm có thành phần chủ yếu là: paracetamol (acetaminophen) có tác dụng hạ sốt, giảm đau, phối hợp với các dược chất khác như: chlorpheniramin maleat (hoặc loratadin, fexofenadin) có tác dụng chống dị ứng; phenylpropanolamin hoặc pseudoephedrin hoặc phenylephrin. (Từ khi Bộ Y tế cấm dùng phenylpropanolamin do thuốc gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ với người bệnh tim mạch nặng, thì các hãng sản xuất thuốc chuyển sang dùng pseudoephedrin. 

Khi thuốc chứa pseudoephedrin bị gian thương thu gom để chiết pseudoephedrin sản xuất ma túy, Bộ Y tế khuyến cáo dùng phenylephrin thay thế thì các hãng sản xuất thuốc lại thay đổi công thức); với dextromethorphan có tác dụng giảm ho, tạo thành các biệt dược với hàng trăm tên khác nhau được quảng cáo thường xuyên trên truyền hình, báo in.
 
Còn lời cảnh báo về tác dụng có hại như: paracetamol uống hại gan, phenylpropanolamin và pseudoephedrin có thể gây đột quỵ cho người tăng huyết áp… thường đăng trên báo hoặc nhà sản xuất thuốc có ghi trong tờ hướng dẫn dùng thuốc để trong hộp thuốc thì rất ít người đọc, có khi đọc rồi lại quên ngay.

Với hàng trăm tên biệt dược chữa cảm, cúm của nhiều nhà sản xuất thuốc, công thức dược chất trong mỗi biệt dược phần lớn là khác nhau. 

Riêng dạng thuốc có: thuốc uống, thuốc đặt hậu môn, thuốc tiêm, trong đó thuốc uống có nhiều dạng nhất như: thuốc viên (viên nén, viên nén bao phim, viên nang cứng, viên nang mềm, viên sủi). Thuốc nước có: sirô chai 30ml, 60ml; gói 5ml đóng hộp 30 gói và dung dịch uống...

 Mua thuốc dễ dàng khiến người dùng tùy tiện

Lời khuyên cho người dùng tân dược chữa cảm, cúm

Tránh hại gan: Không sốt cao (trên 380C), không đau nhức: không dùng paracetamol (acetaminophen). Khi dùng thuốc có chứa paracetamol không dùng một lúc nhiều dạng thuốc (đã tiêm không uống, đã uống không đặt thuốc hậu môn) để tránh quá liều.

Tránh đột quỵ:
 Người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch nặng, cường giáp, đái tháo đường… không dùng các biệt dược chứa phenylpropanolamin (tuy đã bị cấm ở Việt Nam nhưng đề phòng trường hợp mang thuốc từ nước ngoài về), pseudoephedrin.

Không dùng chlorpheniramin maleat và các biệt dược có chứa chất này cho bệnh nhân:  Đang lên cơn hen, tắc cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, thiên đầu thống (glaucom góc hẹp), tắc môn vị, tá tràng, loét dạ dày, trẻ sơ sinh, người  mang thai 3 tháng cuối, người đang nuôi con bú.

Trường hợp nhẹ như: hắt hơi, chảy nước mũi trong… chỉ cần uống thuốc kháng histamin H1 như: chlorpheniramin maleat hoặc loratadin hoặc cetirizin… là khỏi.

Các loại đông dược (sản xuất công nghiệp) chữa cảm, cúm (được ghi trong danh mục Thuốc thiết yếu của Bộ Y tế)

Thuốc giải biểu:  

Viên khung chỉ (xuyên khung, bạch chỉ, hương phụ, cam thảo bắc) của nhiều cơ sở sản xuất khác nhau.

Cảm xuyên hương, cảm tế xuyên, comazin (gừng khô, quế và 4 dược chất như viên khung chỉ).

Đáng lưu ý là các thuốc có cùng công thức như cảm xuyên hương (ngoài các tên đã nêu trên có thể trên thị trường còn nhiều tên khác) chỉ dùng cho trường hợp cảm lạnh là tốt nhất. Không dùng cho người cảm nhiệt, cảm nắng (có thể làm cho bệnh nặng thêm). Cấm dùng cho phụ nữ có thai (đã có trường hợp gây thai chết lưu). Người đang nuôi con bú (giảm tiết sữa).

Các loại thuốc chứa tinh dầu như: cao Sao vàng, dầu Khuynh diệp, dầu Cửu long, dầu gió...  thường dùng để “đánh gió” hoặc bôi vào thái dương, cổ họng, ngực, bụng hoặc cho vào cốc nước sôi để xông mũi. Cần lưu ý khi dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi cấm dùng các loại có tinh dầu bạc hà vì tinh dầu bạc hà gây ức chế hô hấp, dẫn đến ngừng tim, ngừng thở.      



Cảnh giác với thuốc gây trướng bụng

Đầy hơi, trướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Chứng đầy hơi thường là loại bệnh chức năng, nghĩa là không do tổn thương thực thể như viêm loét dạ dày - tá tràng, khối u hay hẹp tắc ruột. 
Thông thường, chứng đầy hơi xảy ra khi thói quen ăn uống nhiều tinh bột, các loại thức ăn chứa nhiều sorbitol, thói quen hay nhai kẹo cao su, thiếu hụt enzyme lactase, suy tuyến tụy. Tuy nhiên cũng cần chú ý, khi sử dụng một số loại thuốc liều cao, kéo dài có thể dẫn tới tình trạng đầy hơi.
Vitamin E
Vitamin E là thuật ngữ chỉ một nhóm các chất có hoạt tính sinh học tương tự nhau là α, β, γ, δ tocoferol trong đó α - tocoferol có hoạt tính mạnh nhất, hoạt tính của 1mg α - tocoferol bằng 1 đơn vị vitamin E. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật như dầu cám, dầu lạc, trong các hạt nảy mầm, trong rau xanh; được hấp thu qua niêm mạc ruột và cần có sự nhũ hóa của acid mật.
Vitamin E có rất nhiều tác dụng quan trọng, trong đó nó có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào. Đồng thời nó có tác dụng hiệp đồng với vitamin C, vitamin A, selen, nhất là có tác dụng bảo vệ vitamin A không bị ôxy hóa.
Chính vì tác dụng chống ôxy hóa mà hiện nay, việc sử dụng vitamin E trong điều trị nhiều khi bị lạm dụng. Do đó cần phải lưu ý, khi dùng liều cao, kéo dài có thể gặp các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy...
Sắt
Sắt hàng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ thức ăn như gan, tim, trứng, thịt nạc, hoa quả. Ở người bình thường, nhu cầu sắt khoảng 0,5 - 1mg trong 24h, nhưng tăng gấp đôi ở phụ nữ khi hành kinh, và tăng 5 - 6 lần ở phụ nữ mang thai.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm cơ thể thiếu sắt, trong đó đáng chú ý là các nguyên nhân dẫn đến kém hấp thu sắt như viêm dạ dày mạn tính, lao dạ dày, sau cắt đoạn dạ dày, tiêu chảy mạn, trĩ, ung thư... hoặc do nhiễm giun, do tăng nhu cầu sử dụng sắt ở phụ nữ có thai, ở tuổi dậy thì.
Chính vì vậy, thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau cắt đoạn dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm ruột mạn tính, rong kinh, trĩ, nhiễm giun móc, phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ cho con bú.
Tuy nhiên cần chú ý, khi dùng đường uống, thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng lợm giọng, buồn nôn, táo bón, đầy hơi... khi dùng đường tiêm có thể gây nhức đầu, buồn nôn, sốt và đặc biệt khi dùng quá liều có thể gây tử vong.
Canxi
Canxi là khoáng chất phong phú nhất trong cơ thể, tham gia vào hầu hết các quá trình của sự sống và canxi còn có tên gọi là "nguồn gốc của sự sống". 
Từ việc hình thành xương, co giãn cơ bắp, nhịp đập quả tim, hoạt động thần kinh và tư duy bộ não cho đến sự phát triển, loại bỏ sự mệt mỏi, kiện não ích trí và làm chậm quá trình lão hóa,... 
Có thể nói, mọi hoạt động của sự sống đều liên quan mật thiết với canxi. Canxi trong cơ thể ổn định mới có thể ngăn ngừa tai biến mạch máu não, ung thư và bệnh tim để từ đó giúp kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên trong thực tế, không phải ai cũng có thể duy trì chế độ ăn uống để cung cấp đủ canxi, nhất là với các đối tượng có nhu cầu canxi cao hơn bình thường như phụ nữ có thai, trẻ em đang phát triển, người cao tuổi... khi đó cần phải sử dụng canxi bổ sung dưới dạng thuốc. Nhưng bên cạnh tác dụng tích cực, khi dùng canxi bổ sung có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:
Đầy hơi: Đây là tác dụng phụ thường gặp và thường xảy ra khi mới bắt đầu sử dụng canxi bổ sung. Khi đã quen dần với liều lượng bổ sung canxi hằng ngày, sự đầy hơi cũng không còn xảy ra.
Buồn nôn và ói: Bổ sung canxi liều cao lúc bụng đói có thể gây buồn nôn và nôn. Điều này gây ảnh hưởng tai hại cho hệ tiêu hóa. Trong trường hợp này, cần phải giảm liều lượng bổ sung canxi.
Táo bón: Đây cũng là một tác dụng phụ "kinh điển" của việc bổ sung canxi, với hệ lụy là tích lũy độc chất trong cơ thể gây trướng bụng và đau bụng.
Vitamin D
Vitamin D là một nhóm gồm từ D2 đến D7, trong đó hai chất có hoạt tính mạnh nhất là D2 và D3. D3 được tổng hợp ở các tế bào da nhờ ánh sáng tử ngoại, nếu được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng D3 tạo ra đủ cho nhu cầu vitamin D của cơ thể.
Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phosphat; nó làm tăng hấp thu canxi và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia vào quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. 
Do vậy vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định, khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm, khi đó canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng... người lớn sẽ bị loãng xương, thưa xương, xương dễ gãy..
Tuy nhiên, khi nào bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế, không nên tự ý sử dụng thuốc, vì bên cạnh các tác dụng như trên, nếu dùng thuốc không đúng có thể gây chứng tăng canxi huyết, tăng canxi niệu, thậm chí sỏi thận, tăng huyết áp, đau nhức khớp; có thể gặp tình trạng ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy và đặc biệt là tình trạng trướng bụng đầy hơi.


Điều cần biết khi dùng thuốc đặt dưới lưỡi

Yêu cầu để đặt được dưới lưỡi là thuốc phải rã ra dưới lưỡi nhanh, không có mùi vị khó chịu, không gây kích ứng niêm mạc miệng và lưỡi.
Thực tế, có loại bào chế riêng như viên chuyên đặt dưới lưỡi (subligual tablets), viên ngậm (oral release tablets) nhưng cũng có loại không có cách bào chế riêng nhưng vẫn đặt được dưới lưỡi, nếu đạt được các yêu cầu trên. Ví dụ: viên nang hay viên dập nifedipin vốn là dạng thuốc uống, nhưng khi cần thiết có thể bẻ viên dập hay tháo bỏ viên nang ra đặt vào dưới lưỡi.
Ưu điểm
Thứ nhất: dưới lưỡi có hai tĩnh mạch lớn, trong miệng có nhiều mạch máu nhỏ. Đặt thuốc vào dưới lưỡi, thuốc sẽ ngấm vào hai tĩnh mạch lớn, hoặc ngậm thuốc ở miệng thuốc sẽ đi vào các mạch máu nhỏ và có thể cả tĩnh mạch lớn, rồi vào thẳng hệ tuần hoàn mà không bị phá huỷ bởi dịch vị hay enzym trong đường tiêu hoá, không bị gan chuyển hoá như khi uống. Các viên alphachymotrypsin, progesteron, mehtyltestosteron... thường có cách dùng này.
Thứ hai: thuốc đi thẳng vào hệ thống tuần hoàn nên có hiệu quả nhanh, không kém như khi tiêm. Ví dụ: trong cơn tăng huyết áp cấp tính, nếu không hạ cấp thời huyết áp xuống (hoặc trong 1giờ, hoặc trong 24 giờ tuỳ theo cơn cấp) thì các cơ quan đích sẽ bị tổn thương, có thể dẫn tới tử vong. Nhưng nếu dùng viên catopril 50 mg đặt dưới lưỡi, chỉ trong vòng 15 phút huyết áp giảm được 60mmHg. 
Như vậy bằng cách dùng này, có thể đưa huyết áp từ mức cao nguy hiểm (trên 200mmHg) xuống mức chấp nhận được (150-160 mmHg), tránh được các biến cố. Tương tự, trong bệnh xơ vữa động mạch vành, có lúc máu không đi đến và cung cấp đủ ôxy cho cơ tim, dẫn đến sự thiếu máu cục bộ, gây chứng đau thắt ngực. 
Đặt viên nitroglycerin vào dưới lưỡi, sẽ làm giãn ngay mạch, thư giãn hệ mạch chủ yếu vùng tĩnh mạch, làm giảm máu trở về tĩnh mạch, kéo theo sự giảm áp suất trong tim và sự tái phân bố luồng mạch vành vào các lớp dưới (nhạy cảm với sự thiếu máu cục bộ) trong tim; mức tiêu thụ oxy của cơ tim do đó giảm đi, lập lại sự cân bằng cung-cầu ôxy, huỷ chứng đau thắt ngực, tránh được các biến cố nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Một số thuốc có tác dụng tại chỗ như viên nystatin dùng chữa nấm miệng, viên metronidazol chữa viêm lợi, viên erythromycin chữa viêm họng... khi dùng không đặt thuốc dưới lưỡi cho thuốc ngấm vào tĩnh mạch lớn, mà chỉ cho thuốc vào miệng (ngậm lại, không nhai, không nuốt) cho thuốc tự rã ra có tác dụng kéo dài tại đó. 
Nhiều tài liệu không xếp các loại thuốc này vào thuốc đặt dưới lưỡi. Có loại thuốc không thể đặt dưới lưỡi như loại viên giải phóng hoạt chất chậm hay các viên sủi bọt, viên có mùi vị khó chịu, gây kích ứng. Nhiều tài liệu coi chúng là các loại thuốc cấm đặt dưới lưỡi.
Như vậy, trong phạm vi hẹp, nói chính xác, thuốc đặt dưới lưỡi là thuốc dùng đặt vào dưới vòm lưỡi nhằm tránh các tác dụng bất lợi khi dùng uống, nhằm có tác dụng nhanh.
Cách dùng
Co lưỡi lên vòm miệng trên. Đặt thuốc vào dưới, rồi hạ lưỡi xuống. Nếu viên thuốc to, khô, khó rã thì có thể thấm nước trước, hoặc ngậm một ít nước đun sôi để nguội, đợi một lúc viên thuốc ngấm đủ nước (nhưng không bị rã ra) thì nuốt nước đi, rồi cứ để viên thuốc tự rã ra dưới lưỡi. Nếu làm không khéo, làm ẩm thuốc quá nhiều hay ngậm quá nhiều nước, để quá lâu, thuốc bị rã ra khi nuốt sẽ nuốt cả thuốc vào ruột nên không đạt yêu cầu


Chữa ngộ độc chì, thuốc gì?

Từ năm 2011 đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên "vấn nạn ngộ độc chì". Nhiều trường hợp khi nhập viện trẻ đã rơi vào tình trạng nguy kịch: co giật, li bì, hôn mê,…
Tác hại của chì
Chì là một kim loại nặng, kim loại màu, mềm, có nhiều công dụng trong đời sống con người, nhưng lại là một chất độc hại với sức khỏe con người và động vật.
Chữa ngộ độc chì, thuốc gì?
Trẻ ngộ độc chì đang được điều trị tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai.
Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, trong xương (khi đã vào xương thì khó thải loại, muốn thải loại phải mất 30 - 40 năm), gây tổn thương cho hệ thần kinh và não, chì tập trung ở chất xám của não và tủy sống. Đặc biệt là trẻ em mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 - 4 lần người lớn. Chì kìm hãm phản ứng ôxy hóa gluco để tạo ra năng lượng cho cơ thể. 
Chì gây thiếu máu: ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ; giảm lượng hồng cầu. Trên thận: chì gây tổn thương thận, giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu làm tăng acid uric trong máu gây bệnh gout. Trên hệ nội tiết, chì làm giảm chức năng tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận; ở trẻ em còn bị giảm tiết hormon và yếu tố tăng trưởng. Trên xương, chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, giảm chiều cao ở trẻ ngộ độc chì. 
Với hệ sinh sản, chì làm giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ, giảm tình dục, giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm tinh trùng, thay đổi hình thái và tính di chuyển của tinh trùng. Làm thai chậm phát triển, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, dễ sẩy thai, đẻ non. Trẻ sinh ra bị dị tật như: hở hàm ếch, u máu, u limpho, thần kinh chậm phát triển.
Khi nồng độ chì cao trong máu, gây phù não, phá hủy tế bào não, biểu hiện ra ngoài là co giật, hôn mê, sau đó tử vong. Nếu sống sót cũng để lại di chứng nặng nề.
Thuốc chữa ngộ độc chì
Sau khi loại thuốc chứa chì ra khỏi miệng và dạ dày nạn nhân dùng các loại thuốc tạo chelat với kim loại nặng (còn gọi là gắp kim loại nặng) như:
Dinatri calci edetat (được gọi là thuốc giải độc chì): Thuốc tiêm tạo phức với chì thành chất hòa tan để thải qua nước tiểu, làm giảm nồng độ chì trong máu và các nơi tích lũy chì ở cơ thể, làm mất toàn bộ độc tính và hoạt tính ion của chì. Hiệu lực: 1g thuốc sau khi tiêm tĩnh mạch thải được 3 - 5mg chì, bài tiết ra nước tiểu (bắt đầu trong vòng 1 giờ, đỉnh thải trừ trong khoảng 24 - 48 giờ) sau 2 giờ sẽ hết cơn đau bụng do chì. Chống chỉ định: Người bị bệnh thận nặng, đái ít, không đái được; người viêm gan. Thận trọng: khi dùng liều cao có thể gây hoại tử ống thận, có thể tử vong.
Thuốc kem bôi da (dinatri calci edetat 10%) điều trị tổn thương da với kim loại nặng.
Dimercaprol còn có tên là B.A.L, thuốc bổ trợ cho dinatri calci edetat trong ngộ độc chì cấp và mạn. Thuốc phải được dùng càng sớm càng tốt ngay sau khi tiếp xúc với kim loại nặng (chì, vàng, asen, thủy ngân). Sau khi tiêm, thuốc được phân bố vào các tổ chức trong cơ thể kể cả não, nồng độ cao nhất ở gan và thận, nồng độ đỉnh đạt 30 - 60 phút sau khi tiêm. Tác dụng xuất hiện sau 30 phút (người bệnh cảm nhận được mùi hăng của thuốc ở mũi) kéo dài 4 giờ (vì vậy cứ 3 - 4 giờ phải tiêm 1 lần để duy trì hiệu quả). 
Dimercaprol tạo phức với kim loại giải phóng trở lại nhóm SH tự do cho các enzym pyruvar - oxydase. Phức hợp dimedrol - kim loại nhanh chóng được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu (dimercaprol đặc biệt tốt khi giải độc chì cho trẻ em). Chống chỉ định: người bệnh thiếu hụt men gluco-6-phosphat dehydrogenase. Người bệnh suy gan.
Penicilamin là thuốc giải độc kim loại; tạo phức với chì thành chất hòa tan được để thải ra ngoài theo đường nước tiểu dưới dạng disulfit. Penicilamin hấp thụ tốt qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi uống 2 giờ. Thời gian bán thải là 2 - 3 giờ. Chuyển hóa chủ yếu ở gan. Chất chuyển hóa đào thải theo nước tiểu và phân. Uống vào lúc đói (trước ăn 2 giờ hoặc sau ăn 3 giờ). Liệu trình 30 - 60 ngày. Chống chỉ định: Người mang thai (thuốc có thể gây dị tật thai nhi), bệnh Lupus ban đỏ toàn thân. Người dị ứng penicilamin.
Chì có mặt ở đâu?
Chì có trong các vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày như: đồ chơi trẻ em (các thứ có màu sặc sỡ như: bóng bay màu đỏ, nhựa màu đỏ, đồ chơi có pin,...); pin, ắc quy chì, lưới đánh cá, đạn chì; ống nước bằng chì ở nhà cổ; đồ hộp gắn bằng chì; cầu chì trong đồ điện; sơn màu đỏ, đồ trang sức phụ nữ như: bút kẻ mắt, son môi; kính chống nắng...
Chì có trong một số thuốc khoáng vật Đông y như hồng đơn (Pb3O4), Mật đà tăng (PbO)... Hồng đơn có nhiều tên khác như: duyên đơn, hoàng đơn, tùng đơn, châu đơn. Châu phấn, đơn phấn, duyên hoàng thường được các lang y chế thành thuốc bôi ngoài chữa tưa lưỡi, nhiệt miệng gọi là "thuốc cam dùng ngoài".
Chì có trong xăng pha chì để giảm tiếng ồn và các ống xả của động cơ đốt trong dùng xăng pha chì; trong bồn chứa xăng pha chì; trong khói của động cơ dùng xăng pha chì (nay nhiều nước đã cấm dùng xăng pha chì); các cơ sở sửa chữa động cơ đốt trong, súc rửa tái chế bình ắc quy; tái chế hoặc sản xuất các sản phẩm chứa chì.
Chì có trong đất và nước ở các vùng có mỏ chì - thiếc đã và đang khai thác (chủ yếu là các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam có nhiều mỏ chì, mỏ chì - thiếc đã khai thác từ thời thuộc Pháp như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang... Miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình... Miền Nam có Lâm Đồng,...) mỏ đang khai thác có nơi hàm lượng chì trong đất và nước cao gấp 2 - 3 lần ngưỡng cho phép.


Thuốc trị mụn trứng cá gây dị tật thai nhi

PGS Nguyễn Duy Hưng – BV Da liễu Trung ương – Tổng thư ký hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh trứng cá là tình trạng viêm của đơn vị nang lông tuyến bã ở vùng có nhiều tuyến bã như mặt, ngực và lưng. 

Thuốc trị mụn trứng cá gây dị tật thai nhi
Tùy theo thể lâm sàng mà cách điều trị và hiệu quả điều trị khác nhau. Ảnh:Infonet
Trứng cá là bệnh ngoài da thông thường, phổ biến, có tới 90% thanh thiếu niên bị bệnh trứng cá nhưng chỉ 10% số bệnh nhân bị trứng cá phải điều trị và trong số họ có một số trường hợp gặp khó khăn trong điều trị. Bệnh thường tự khỏi trong đa số các trường hợp sau khoảng 20 tuổi. Tuổi mắc bệnh thường vào khoảng 13-16 tuổi, nữ thường bị bệnh sớm hơn nam.
Bệnh trứng cá không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại để hậu quả như các vết đỏ hoặc thâm sau khi mụn xảy ra do các mụn viêm và có thể tồn tại lâu trong vài tháng.
Sẹo lõm hoặc sẹo lồi do các mụn trứng cá mủ hoặc các mụn bọc, các cục hay nang trứng cá. Sẹo trứng cá gây tổn hại đến thẩm mỹ của người bệnh và là nỗi lo âu mỗi khi mụn mọc lên. Cách tốt nhất để tránh sẹo đó là điều trị sớm các mụn trứng cá viêm, các trứng cá thể nặng. Khi đã để lại hậu quả sẹo rồi thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và thường không đạt kết quả mỹ mãn.
Việc điều trị bệnh trứng cá, theo BS Hưng, khi điều trị người thầy thuốc cần phải đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh, cho liệu trình điều trị tuỳ theo mức độ bệnh của bệnh nhân, giải thích cho người bệnh về điều trị, các loại thuốc sử dụng và tác dụng phụ của thuốc, thời gian điều trị cần phải lâu trong 3-6 tháng và theo dõi trong 2-3 năm sau khi khỏi, người bệnh cần phải tuân thủ điều trị.
Điều trị bệnh trứng cá phải tác động vào các nguyên nhân gây ra bệnh trứng cá, nghĩa là làm giảm bài tiết chất bã, chống lại vi khuẩn, chống lại sừng hóa cổ tuyến bã.
Có nhiều thuốc chữa bệnh trứng cá nhưng nên kết hợp dùng thuốc tại chỗ (thuốc dùng ngoài), thuốc toàn thân (thuốc dùng trong). Tùy theo thể lâm sàng mà cách điều trị và hiệu quả điều trị khác nhau
Thuốc gây dị tật thai nhi
Thuốc hiện nay được các bác sĩ Việt Nam và thế giới dùng để điều trị trứng cá là Isotretinoin (Retinoic acid, 13-cis) hàm lượng 10, 20 mg là đồng phân của Tretinoin. Thuốc có tác dụng giảm tiết bã nhờn và giảm kích thước tuyến bã. Isotretinoin không phải là thuốc nội tiết như các "chuyên gia thẩm mỹ" nói mà nó thuộc loại vitamin A acid. 
Do vậy khi dùng không được dùng kèm với vitamin A vì gây quá liều gây độc, đồng thời không được dùng cùng lúc với các loại kháng sinh nhóm Cyclin (tetraxyclin, doxycyclin...) vì gây hội chứng tăng áp lực nội sọ lành tính. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, suy gan thận, tăng lipid máu, mẫn cảm với thuốc... Thuốc không gây vô sinh nhưng gây dị tật sọ, mặt, tim và tuyến ức thai nhi nên với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ thường được khuyến cáo không nên mang thai trong thời gian sử dụng thuốc.
Trong việc kê đơn điều trị với những người bị bệnh nặng, bác sĩ thường kê kháng sinh nhóm cyclin, tetracyclin uống 1g/ngày hoặc doxycyclin, minocin uống 200mg/ngày. Thời gian điều trị tuỳ thuộc vào đáp ứng của bệnh và dung nạp thuốc của cơ thể. Thời gian tối thiểu là 4-6 tuần, có thể kéo dài hơn. Nhóm thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ dưới 7 tuổi.
Hiện nay, với các bệnh nhân bị trứng cá nặng thì thuốc Isotretinoin dạng uống rất có hiệu quả với trứng cá thể này. Đợt điều trị khoảng 4-5 tháng. Thuốc này khi dùng phải có chỉ định của thầy thuốc do có một số tác dụng phụ, đặc biệt quan trọng là thuốc có thể gây quái thai ở thai phụ. Ngoài ra, Isotretinoin tương kỵ với nhóm cyclin, vì vậy không sử dụng đồng thời hai thuốc này. 
Còn thuốc nội tiết tố được chỉ định cho phụ nữ bị trứng cá, đặc biệt ở những người bị trứng cá nặng lên khi có kinh. Thuốc là loại viên tránh thai có oestrogen tác dụng ức chế testosteron và làm giảm bài tiết chất bã nên làm cho bệnh giảm đi.
Điều trị bệnh trứng cá cần phải quan tâm đến tâm lý người bệnh, đặc biệt chú trọng việc tư vấn để người bệnh hiểu được về bệnh này và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Đối với người bệnh cần hiểu rằng bệnh trứng cá cần điều trị trong thời gian nhiều tháng và theo dõi sau khi khỏi bệnh vài năm.


Thuốc nào kẹt lắm hãy uống?

Kẹt chỉ ở chỗ “khách hàng là thượng đế”, không lẽ không biên toa cho thuốc khi bệnh nhân cần ngủ cho được để mai còn kéo cày.
Nếu tưởng giấc ngủ là khoảng thời gian để ngưng hoạt động của cơ thể thì lầm. Đó chính là khoảnh khắc quý giá để cơ thể chủ động tổng hợp kháng thể, huy động thực bào, gia tốc tiến trình hồi phục, điều chỉnh thần kinh giao cảm, hưng phấn chức năng tư duy... 
Thiếu ngủ chính là đòn bẩy khiến sức đề kháng bị xói mòn. Nhưng không thể vì thế mà chấp nhận trả giá cao với phản ứng phụ của thuốc an thần.
Mua thuốc độc trả góp
Nhiều người đang vung tay quá trán với thuốc an thần chắc chắn đã "không uống không vào giường" nếu biết là:
- Tỉ lệ tai biến mạch máu não ở người quen dùng thuốc an thần cao gấp ba nếu so với người không lệ thuộc thuốc!
- Số trường hợp đau đầu kinh niên ở người dùng thuốc ngủ cao gấp bốn lần số người không cần thuốc!
- Tỉ lệ tử vong ở người nhồi máu cơ tim trước đó thường dùng thuốc an thần cao gấp đôi số nạn nhân tuy cũng vào phòng cấp cứu nhưng ít khi uống thuốc ngủ!
Đáng nói là theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart, CHLB Đức, không dưới 1/3 số người mất ngủ không nhất thiết phải dùng thuốc an thần loại hóa chất tổng hợp mà chỉ cần điều chỉnh nếp sinh hoạt, nhiều khi chỉ cần thay đổi vài thói quen xoay quanh giờ ngủ, thay vì nhanh tay mở tủ thuốc đầu giường!
 - 1Nguyên tắc đơn giản để dễ ngủ: Không vào giường nếu không buồn ngủ.
Giải pháp trong tầm tay
Theo chuyên gia về bệnh lý do stress ở ĐH y Munich, nhiều người đang mất ngủ đã có thể yên giấc hơn nhiều nếu áp dụng một số biện pháp sau:
- Không vào giường nếu chưa buồn ngủ. Không dùng giường ngủ như nơi làm sổ sách, đánh máy vi tính, đọc báo… vì cơ thể sẽ tiếp tục nhịp làm việc thay vì đổi hệ qua chế độ nghỉ ngơi!
- Không ngủ thì thôi nhưng hễ ngủ thì ráng tối thiểu bảy tiếng đồng hồ. Ngủ ít hơn là lý do gây tình trạng quen dần với giờ đánh thức mới khiến gia chủ choàng tỉnh khi đồng hồ mới gõ hai, ba tiếng!
- Tránh ngủ trễ và dậy trễ hơn vào cuối tuần vì nhịp sinh học bị xáo trộn khi bước vào ngày đầu tuần và sau đó gây mất ngủ cả tuần!
- Nên ngủ trưa khoảng 30 phút. Không cần lâu hơn và đừng ngả lưng sau 15 giờ.
- Đừng ngủ gà ngủ gật trước máy truyền hình vì khi vừa đứng lên vào giường thì trung khu điều hành giấc ngủ phát ngay tín hiệu đánh thức do tưởng đã xong giấc ngủ.
- Đừng bực tức nếu lỡ thức giấc nửa đêm, cũng đừng hối hả tìm lại giấc ngủ bằng mọi giá vì với trung khu thần kinh thì giấc ngủ đằng nào cũng đã vãn tuồng.
- Tránh ăn quá no sát giờ ngủ nhưng cũng đừng để bụng quá đói trước khi đi ngủ. Trung khu điều khiển giấc ngủ rất nhạy cảm với năng lượng nên thừa hay thiếu đều không hoạt động. 
Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở người bệnh tiểu đường nếu đường huyết đến tối vẫn còn cao, cũng như ở người có đường huyết quá thấp khi sắp lên giường.
- Đừng gây trở ngại cho hoạt động của trung khu điều khiển giấc ngủ bằng cách uống cà phê hay rượu bia vào buổi tối. Cho dù có ngủ được nhờ say mềm thì khi thức dậy khó tránh mệt nhừ. Hậu quả là "túy khách" khó tránh mất ngủ trong những đêm sau đó, trừ khi ngày nào cũng xỉn!
- Đừng chơi thể thao quá sát giờ ngủ vì dễ gây hao hụt canxi và magiê, hai khoáng tố vốn cần thiết để trấn an hệ thần kinh.
- Tránh xem phim tình tiết éo le hay bàn cãi công việc gay gắt trước giờ ngủ vì sau đó khó tránh nhập vai ngay trong giấc ngủ rồi trăn trở suốt đêm.
- Đừng vội vã dùng ngay thuốc ngủ khi vừa mất ngủ vì chỉ khiến gia chủ ngày càng lệ thuộc thuốc và bắt buộc tăng liều lượng để mua thuốc độc trả góp từng đêm. 
Trái lại nên thử áp dụng các phương pháp không dùng thuốc như thiền định, ấn huyệt, ngâm chân nước ấm, tắm nước nóng và nước lạnh…, cũng như ưu tiên cho dược thảo có tính an thần như lạc tiên, vông nem, sen…
- Đừng quên là nhiều khi nhờ cây thuốc có công năng giải độc cho cơ thể như actisô, linh chi… mà lại ngủ ngon.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons