Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Giờ uống thuốc cũng rất quan trọng


Bà Thúy đang khỏe mạnh, bỗng dưng cảm. Chắc do năm nay tuổi cao hơn, lại thời tiết giao mùa, khí trời độc nên bà mới bị đau đầu rồi choáng ngất như thế, chứ trước đây bà không bị ốm và cũng chẳng tốn tiền mua thuốc bao giờ. Thế mà lần này bà phải đi cấp cứu. Nhưng bà Thúy không phải cảm như cả nhà tưởng mà bà bị tai biến mạch máu não.
Bác sĩ cho biết, bà bị tăng huyết áp từ lâu mà không được phát hiện. Bây giờ các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường gặp rất nhiều ở người trẻ tuổi, do vậy cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ từ khi còn trẻ để phát hiện bệnh sớm mà điều trị, chứ để đến lúc bệnh nặng, xảy ra tai biến rồi mới đi chữa trị thì kết quả điều trị không cao mà lại tốn kém. Cũng may bà Thúy mới bị tai biến nhẹ, chưa bị liệt nên việc điều trị nhanh và khả năng hồi phục cao.
Bà Thúy được ra viện, tuy nửa người bên trái có yếu hơn, nhưng bà vẫn tự vận động được, bà chăm chỉ luyện tập chắc chỉ một thời gian ngắn là sẽ đi lại được bình thường thôi. Nghĩ vậy nên ngày nào bà cũng cố tự luyện tập và tự phục vụ bản thân chứ không nhờ ai giúp đỡ. Bà còn chăm chỉ uống thuốc không bỏ quên bữa nào.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bà Thúy lại thấy bụng dạ cồn cào, có lúc nóng rát, kèm theo ợ chua, sau đó đau liên tục vùng thượng vị rất khó chịu. Bà sợ quá, vội đến bác sĩ khám bệnh. Sau khi nội soi dạ dày, bác sĩ kết luận: bà bịviêm loét dạ dày. Vậy là phải uống cả thuốc điều trị bệnh loét dạ dày nữa. Điều đáng nói, cái bệnh dạ dày này là do bà uống thuốc không đúng theo hướng dẫn mới khổ chứ.
Chả là cái thuốc aspegic bác sĩ cho bà uống mỗi ngày 1 gói với lời dặn uống sau bữa ăn, nhưng bà lại nhớ nhầm là uống trước bữa ăn nửa tiếng, thế nên mới ra nông nỗi này. Mà bác sĩ còn ghi rõ trong đơn chứ có phải là dặn miệng không đâu. Đúng là cái tai biến khiến trí nhớ của bà giảm đi nhiều.
Lần này thì bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng lắm: Thuốc để điều trị khỏi bệnh, nhưng nếu dùng không đúng cách sẽ có hại đấy bác ạ. Vì thế nên bác phải tuân thủ thời điểm uống thuốc đúng theo hướng dẫn. Có những thuốc hấp thụ tốt khi ăn no, có những thuốc phải uống lúc đói mới đạt được sự hấp thụ tốt nhất. 
Có những thuốc có thể gây tác động tại chỗ trực tiếp đến niêm mạc dạ dày - như trường hợp thuốc của bác, nên cần phải uống chung với thức ăn hoặc sau khi ăn no, để hạn chế tác dụng phụ trực tiếp trên niêm mạc dạ dày, có thể gây viêm, loét dạ dày - tá tràng.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

           DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE      
             VĂN PHÒNG 0906143408      

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Thuốc giảm đau, an thần: Sát thủ giấu mặt


Phổ biến nhất trong các tân dược sát nhân là thuốc giảm đau oxydone. Trào lưu lạm dụng thuốc giảm đau khai sinh tại Mỹ, nơi mỗi năm có trên 200 nghìn trường hợp phải cấp cứu tại bệnh viện vì lý do sử dụng quá liều. Đáng lưu ý, trong nhóm tuổi 25-64, số người thiệt mạng vì uống quá liều thuốc giảm đau mỗi năm thường lớn hơn con số nạn nhân tử vong vì tai nạn xe hơi.
Oxydone (hoặc oxytocin) là thuốc giảm đau có thành phần gần như heroin. Thời gian đầu các bác sĩ bị choáng, khi chứng kiến thực tế, cùng với thời gian, thay vì uống, ngày càng nhiều người bệnh bắt đầu đưa viên thuốc lên mũi hít, tán nhỏ trộn lẫn thuốc lá hút hoặc tự chích vào tĩnh mạch, để tăng hiệu ứng tác dụng - y chang trường hợp phiên bản ma túy bán rong. Trong khi có thể mua thoải mái bằng đơn và lạm dụng không bị áp lực xã hội.
Danh sách những nhân vật nổi tiếng và được công chúng yêu thích đã mất cuộc sống bởi oxycontin hoặc hỗn hợp của nó với ma túy thật kinh hoàng. Các chuyên gia tìm thấy hợp chất oxycontin trong cơ thể nữ huyền thoại âm nhạc thế giới Whitney Houston, hoàng đế nhạc pop Michael Jackson nghe nói cũng nghiện oxycontin, còn nghệ sĩ trẻ Heath Ledger lừng danh sau phim Batman (Người nhện) đã được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau này vài tuần trước khi qua đời.
Thuốc giảm đau, an thần: Sát thủ giấu mặt
Lạm dụng thuốc giảm đau, an thần có thể dẫn đến tử vong
Sạt nghiệp, tan nát gia đình
Andrew Christian bắt đầu uống oxycontin sau tai nạn giao thông bị chấn thương vai.
- Ấn tượng đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là công lực kỳ diệu của tân dược. Uống một phần tư viên tôi đã hết đau và thế giới bên ngoài dường như chẳng là gì đối với tôi - nạn nhân tường thuật. Cho dù cố gắng thận trọng, sau vài tuần chàng trai đã tăng liều đến cả viên, và sau vài tuần đến 4-5 viên/ngày.
- Về sau tôi uống thuốc không phải để đầu óc khoan khoái hơn, mà bởi thiếu thuốc tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Oxycontin đã cho phép tôi hoạt động bình thường - Andrew giải thích. Trong vòng một năm kể từ lần đầu uống thuốc mày râu đã tiêu sạch tài khoản tiết kiệm và mắc nợ thẻ tín dụng - tất cả nhằm mục đích có tiền mua thuốc.
- Khi đã vài lần gõ cửa một phòng khám xin đơn thuốc, bác sĩ quen mặt hỏi tôi, anh có biết nhiều người nghiện oxycontin chuyển sang dùng heroin, bởi đều là cùng một hợp chất, trong khi giá ma túy rẻ hơn. Nghe bác sĩ mách nước, nghĩ đến tài khoản cá nhân trống rỗng và gia đình tan vỡ, tôi mới tỉnh ngộ...
Văn sĩ nhập viện vì thuốc an thần
Thuốc an thần, chống hoảng loạn, giúp dễ ngủ và giãn cơ xanax (alprazolam) mà nhà văn Ba Lan Juliusz Strachota bị nghiện cũng là sản phẩm khá phổ biến. Trải nghiệm của mình mới đây đã được nạn nhân mô tả trong cuốn sách “Thư giãn kiểu Mỹ”. Năm 2008 nhà văn được bác sĩ điều trị kê đơn xanax. 
Bác sĩ chỉ định, bệnh nhân uống hai tháng sẽ phát huy tác dụng chấm dứt tâm thế sợ hãi cùng những triệu chứng trầm cảm gắn với tình trạng khó khăn gia đình. Hai tuần sau xanax đã hết. Thời gian quá nhanh, để có thể quay lại gặp bác sĩ kê đơn thuốc đầu tiên. Lẽ ra cơ số đủ dùng cho hai tháng. Vậy nên tôi quyết định gõ cửa phòng khám khác - Juliusz kể lại.
- Để cảm thấy dễ chịu và thoải mái tôi tự ý tăng liều từ 2 viên/ngày theo chỉ định của bác sĩ lên 10 viên, rồi 20 viên/ngày. Sau hai năm, nếu không ngáp ngủ, có nghĩa không thể nằm giường, cuộc sống của tôi là nỗ lực săn lùng xanax - nạn nhân nghiện tân dược mô tả. Cứ sau vài ngày nhà văn lại tìm gặp bác sĩ, để được kê đơn. 
Dù đã áp dụng nhiều mánh khóe, cuối cùng các bác sĩ từ chối kê đơn vì đã nhận ra thủ đoạn dối trả của con nghiện. Nghe bạn bè mách nước, từ Ba Lan Juliusz bay sang Bangkok, nơi có thể mua xanax không cần đơn bác sĩ và với giá rẻ hơn. Sau chuyến đi văn sĩ nghiện biệt dược buộc phải nhập viện vì lý do ngộ độc thuốc, bước ngoặt dẫn đến con đường dài vật lộn giành lại cuộc sống.
Vấn nạn Anh quốc
Tại Anh quốc nghiện thuốc giảm đau, an thần... cũng là vấn đề ngày càng nan giải. Trong vài năm qua con số nạn nhân cấp cứu vì sử dụng quá liều xanax tăng từ 46 nghìn lên 125 nghìn trường hợp/năm. Năm 2014 những nghiên cứu của tổ chức DrugScope cho thấy, còn tân dược khác là thủ phạm các ca ngộ độc nghiêm trọng ngày càng phổ biến tại Quốc đảo.
Trong công việc thường nhật nhân viên các trung tâm cai nghiện bắt đầu nghe nói đến hai biệt dược pregabalin và gabapentin. Thuốc sử dụng để điều trị chứng động kinh, chống co giật, giảm đau và các trạng thái lo sợ, nhưng dân nghiện ma túy và tù nhân tìm mua ngày càng nhiều, vì sản phẩm dễ mang lậu hơn so với heroin. Năm 2013 hai tân dược này đã được kê trên tám triệu đơn, tức 50% nhiều hơn so với hai năm trước đó. Chỉ riêng pregabalin và gabapentin trong năm 2013 đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của 41 công dân tại Vương quốc này.



Ẩn họa khi sử dụng thuốc Tăng Phì Hoàn (Ceng Fui Yen)

Mặc dù thuốc Tăng Phì Hoàn cấm lưu hành từ năm 2005. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người đã “rỉ tai” cùng nhau sử dụng loại “thần dược” này mà không biết những ẩn họa đang rập rình.


Mặc dù cấm lưu hành nhưng loại thuốc Tăng Phì Hoàn (Ceng Fui Yen) được xem như “thần dược” giúp tăng cân vẫn được bán và có rất nhiều người sử dụng
Cấm nhưng vẫn bán
Phần lớn các tiệm đông y trên địa bàn TP Quy Nhơn đều có bán loại thuốc Tăng Phì Hoàn, giá dao động từ 90 - 100 ngàn đồng/hộp 30 viên, thông tin ghi trên vỏ hộp thuốc toàn bằng chữ Trung Quốc. 
Loại thuốc này được giới thiệu như “thần dược” giúp “ăn ngon, ngủ yên”, cơ thể sẽ mau tăng cân… được in trên một tờ giấy nằm bên trong vỏ hộp (viết bằng chữ Trung Quốc) có mấy hàng chữ Việt nói về nguyên nhân cơ thể gầy ốm là do suy nhược, không hấp thu được các chất dinh dưỡng, không có sự nghỉ ngơi thích đáng, tối không ngủ được. 
Tăng Phì Hoàn sẽ đáp ứng được những khiếm khuyết trên của cơ thể, tác dụng bồi dưỡng cường tráng cơ năng, ngủ ngon...
Tại một hiệu thuốc đông y trên đường Trần Hưng Đạo, chúng tôi vào hỏi mua thuốc Tăng Phì Hoàn và hỏi về công dụng của thuốc, có tác dụng phụ không, thì chủ hiệu thuốc cho biết: Thuốc này giúp ăn ngon, ngủ yên chứ không có hại gì cho sức khỏe. Uống thuốc này rất mau tăng cân là do ăn được, ngủ được.
Tiếp xúc với một số người đã từng sử dụng và đang sử dụng thuốc Tăng Phì Hoàn, họ đều khẳng định: Thuốc có tác dụng rất nhanh, khi uống vào ăn ngủ nhiều, tăng cân rất nhanh, da dẻ hồng hào; chỉ có điều mặt mày múp míp như bị sưng, tâm trí lúc nhớ lúc quên, ngưng uống thuốc thì bị giảm cân và ăn ít đi... nên lại phải dùng tiếp.
Một thanh niên (đề nghị giấu tên) kể: “Cơ thể tôi cao nhưng gầy ốm, tôi có ý định đi xuất khẩu lao động nên mẹ tôi mua thuốc Tăng Phì Hoàn về cho tôi uống. Ban đầu, tôi uống 2 viên/ngày thì cảm giác rất thèm ngủ và ngủ li bì, ăn “không biết no”, mới ăn xong đã “bụng đói cồn cào” và thèm ăn. Uống thuốc 1 tuần tôi tăng 4kg. Giờ tôi uống còn mỗi ngày 1 viên thuốc, nghe người ta nói thuốc này dùng cũng có hại, nhưng hiện cũng có nhiều người dùng”.
Còn chị Nguyễn Ánh Dương (khu vực 1, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), cho biết: “Trước đây chồng tôi có dùng loại thuốc này và tăng cân rất nhanh, nhưng người lúc nào cũng thấy mệt mỏi, thèm ngủ. Nghe người ta nói thuốc Tăng Phì Hoàn này gây hại, làm giảm trí nhớ nên chồng tôi không dùng nữa. Khi ngừng sử dụng thuốc thì cảm thấy chán ăn, không muốn ngủ, xuống cân liên tục và cuối cùng trở nên gầy hơn so với lúc chưa uống”.
“Thần dược” hay “độc dược”?
Để tìm hiểu công dụng của loại thuốc này, chúng tôi tra cứu thông tin và gặp một số dược sĩ, được biết loại thuốc Tăng Phì Hoàn do Công ty TNHH Dược phẩm Welip-Malaysia sản xuất, đã bị Cục Quản lý dược cấm lưu hành từ năm 2005 và bị thu hồi trên phạm vi toàn quốc do ngụy tạo tân dược, có thành phần không đúng như hồ sơ xin nhập khẩu. Thuốc có chứa hai thành phần tân dược không đăng ký hồ sơ nhập khẩu là cyproheptadine và dexamethasone, hai thành phần này không có lợi cho người sử dụng, đặc biệt là bệnh nhi.
Thành phần chất Cyproheptadine có tác dụng chính là chống dị ứng, trị các trường hợp dị ứng cấp như: Nổi mề đay, viêm mũi dị ứng…Tác dụng phụ: làm buồn ngủ và kích thích thèm ăn nên thường được dùng để giúp ăn ngon, ngủ yên, lên cân. Tuy nhiên, khi ngưng dùng thuốc đột ngột có thể dẫn đến chán ăn, buồn nôn. 
Còn thành phần chất Dexamethasone (một loại thuốc Corticoid) nếu lạm dụng sẽ gây ra rất nhiều tác hại cho người dùng, như: Tăng cân do giữ natri, đào thải kali; cao huyết áp, vết thương chậm lành; làm xương xốp do giảm hấp thu calci nên khi té ngã dễ bị gãy xương; loét dạ dày - tá tràng, dễ gây xuất huyết tiêu hóa; làm tăng tiết mồ hôi, co giật, rối loạn kinh nguyệt, ảo giác, vui vẻ thái quá, tăng nhãn áp…
Thiết nghĩ, loại thuốc Tăng Phì Hoàn này rất nguy hiểm, người gầy nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ chuyên môn  trước khi áp dụng các biện pháp giúp tăng cân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những ai lưu hành loại thuốc này để đảm bảo sức khỏe cho người dân. 



Tên thuốc na ná nhau - Cười và... mếu


Không hiểu do sự bí thế trong đặt tên hay là do sự trùng hợp tình cờ ngẫu nhiên, nhiều công ty dược phẩm chẳng liên quan đến nhau nhưng lại có những thuốc với tên gọi na ná nhau. Nếu không để ý kỹ rất có thể một bệnh nhân bị đau đầu sẽ uống nhầm phải thuốc dùng trong sản khoa...
Ergotamin/Ergometrin
Sự giống nhau tới mức không tưởng đó là 2 thuốc ergotamin và ergometrin. Hai tên này chỉ khác nhau mấy chữ cái phía đuôi.
Nguyên bản, ergotamin là thuốc co mạch máu ngoại vi, tác dụng lên thụ cảm thể alpha trên thành mạch máu. Thuốc này có tác dụng điều trị bệnh đau nửa đầu. Chỉ cần dùng 1 viên, sau 30 phút cơn đau đầu đã thuyên giảm rõ rệt...
Nhưng nếu không để ý kỹ, người ta có thể lấy nhầm sang thuốc ergometrin là thuốc có tác dụng đặc hiệu lên mạch máu tử cung, làm co mạch máu tử cung nên có tác dụng cầm máu. Đây cũng là thuốc khá mạnh trong việc cầm máu ở những trường hợp chuyển dạ mà chảy máu không tự cầm, tai biến trong nạo hút thai. Mặc dù một bộ phận nằm tít dưới chậu hông, chẳng liên quan gì đến não bộ, nhưng khổ nỗi, người ta cứ hay bị nhầm nó để đem chữa cho người đau đầu và hậu quả là càng uống vào càng đau đầu thêm.
Avelox/Levonox (Lovenox)
Avelox là thuốc dùng để trị các nhiễm khuẩn tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp ở mức độ nặng. Nhưng trên thực tế, Avelox nhiều khi đã bị vô tình nhầm tên với Levonox. Levonox (enoxaparin) được ra đời nhằm vào các bệnh nhân bị rối loạn tăng đông  máu hoặc các bệnh nhân có nguy cơ cao bị tăng đông. 
Thuốc được bào chế dưới dạng xy-lanh tự tiêm và không cần pha thuốc do nhà sản xuất sợ sai liều. Các bà mẹ điều trị rối loạn nội tiết, hiếm muộn, ít hormon trong thai kỳ có thể sẽ được dùng kèm thêm thuốc này. 
Rõ ràng là một bên “đánh” vào vi khuẩn, một bên “đánh” vào đông máu, nhưng chẳng may do cách phát âm na ná nhau nên nhiều khi người ta đã đè một bệnh nhân nhiễm khuẩn ra để kê thêm cho liều chống đông máu, mặc dù 2 bệnh không có liên quan gì với nhau.
Cần chú ý kỹ tên thuốc để tránh nhầm lẫn
Klion/Klacid
Sự nhầm lẫn truyền kỳ kéo dài cũng hay mắc phải với cặp bài trùng Klion/Klacid. Klion là một kháng sinh dùng trong nhiễm khuẩn tiêu hóa, sinh dục rất điển hình. Trong khi đó, chỉ vì chung 1 chữ “K” đứng đầu, kháng sinh này đã bị nhầm sang kháng sinh khác là Klacid,  là dòng kháng sinh đặc hiệu cho đường hô hấp trên và dưới. Đây là một kháng sinh rất mạnh có dạng bào chế cho cả người lớn và trẻ em.
Khác nhau là thế, nhưng nếu bệnh nhân không nhớ tên thuốc và người bán thuốc chỉ nhìn đơn kê láng máng là dễ bắt một người nam giới bị viêm đường hô hấp uống thuốc điều trị bệnh viêm đường âm đạo, mặc dù anh ta chẳng có đường âm đạo để mà viêm.
Ikaran/Tanakan
Ikaran là một sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ ở Pháp, quốc gia rất khó tính về thuốc và các sinh phẩm y tế. Ikaran được dùng để chuyên trị bệnh đau nửa đầu. Ngay khi bệnh nhân than phiền về triệu chứng đau nửa đầu của mình, bác sĩ sẽ cho sử dụng ngay Ikaran. 
Thuốc tác dụng chủ yếu vào cơ chế điều hòa vận mạch. Nó không hề có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn não. Nhưng chắc có lẽ nó cùng vần “an” nên nhiều lúc Ikaran đã bị nhầm điều chuyển thành Tanakan.
Tanakan là một thuốc tăng cường tuần hoàn não điển hình. Thuốc chuyên trị bệnh thiếu máu não gây ra đau đầu, mất ngủ, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, được các bác sĩ và bệnh nhân tin dùng bởi công hiệu của thuốc. 
Do giống với Ikaran ở vần “an” nhưng lại khác về cơ sở tác dụng. Nó không thể và không có khả năng cắt cơn đau nửa đầu, nhưng người ta đôi khi cứ nhầm lẫn nó với Ikaran như một anh em song sinh vậy. Thật ra, chúng không có họ hàng gì với nhau.
Spartein/Sparmaverin
Nói đến sự nhầm lẫn thì sự trùng hợp tên do tính tương tự sẽ khá thú vị tới mức trái khoáy với cặp thuốc Spartein và Sparmaverin.
Một đằng Spartein là một thuốc gây tăng co bóp cơ. Nó là một alcaloid của cây Kim tước, có tác dụng làm tăng sức co bóp cơ tim, làm cơ tim co bóp mạnh hơn, khỏe hơn nhằm chống lại tình trạng suy tim. Người bệnh tim được sử dụng thuốc này sẽ thấy hết khó thở, hài hòa và cảm thấy cuộc đời lại đáng yêu trở lại.
Nhưng còn Sparmaverin lại là thuốc chống lại sự co bóp cơ trơn. Thuốc này sau khi được uống vào, tất cả các cơn đau co thắt của hệ tiêu hóa được xóa bỏ hoàn toàn. Bạn đau do sỏi, có hề gì, Sparmaverin sẽ cắt cơn. Bạn đau do co thắt tử cung, đau khi hành kinh, không sao, có Sparmaverin là sẽ bình trị tất.
Hai thứ khác nhau là thế, nhưng chắc là do cùng có chữ S, cũng có khi là do phát âm vần đầu “Spar” giống nhau nên nhiều nhà thuốc cứ nghĩ Spartein là biệt dược đặc biệt của Sparmaverin. Và họ đã không ngần ngại điều chuyển một bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc chống đau tiêu hóa sang dùng thuốc suy tim, mặc dù quả tim “80 năm sau vẫn chạy tốt”.
Cenzitax/Cezirnate
Cezirnate (Cefuroxim) là sản phẩm của một công ty sản xuất trong nước, một kháng sinh dòng beta lactam thế hệ 2. Nhìn chung, đây là thuốc điều trị viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm mũi, viêm họng, viêm tai, viêm thanh quản, đôi khi người ta cũng dùng điều trị viêm phế quản và viêm phổi. Thuốc này có bản chất kháng sinh nên khi uống, người bệnh cảm thấy mệt, có khi chỉ muốn nằm một chỗ.
Thế nhưng, chẳng hiểu sao người ta vẫn cứ nhầm Cezirnate với Cenzitax. Đây không phải là beta lactam, không dây mơ rễ má gì với kháng sinh. Cenzitax là thuốc làm giãn mạch máu não, nhất là mạch máu tiền đình, được dùng để chống rối loạn tiền đình, chống say tàu xe khi dùng cùng với Nautamin.
Một đằng thuốc tác động vào não, một đằng thuốc tác động vào đường hô hấp. Nhưng có hề chi, khi người ta bị nhầm lẫn thì chập chúng làm một là một điều đã có. Chỉ có mỗi người bệnh, tự nhiên đang bị mệt đến chết do say tàu xe, “táng” thêm ít kháng sinh thì coi như nằm bẹp luôn, chả thiết gì chơi với bời.
Prospan/Proscar
Trong đợt đi mua thuốc dạo trước, chúng tôi còn có một trường hợp nhầm lẫn chút xíu nhưng là đỉnh cao của nhầm lẫn. Người nhà bệnh nhân vốn có một trường hợp là cháu nhỏ bị ho. Cháu bé được bác sĩ kê cho thuốc ho Prospan về uống. Đây là một sản phẩm trị ho chiết xuất từ cây thường xuân. Tác dụng chính của thuốc là long đờm, giảm ho, thường được các bà mẹ tự mua cho uống để chữa ho cho trẻ em.
Do người nhà không nhớ, lại đang bán thuốc cho một người lớn tuổi khác, nhân viên quầy thuốc đã lỡ tay đưa cho thuốc Proscar, trong khi đó Proscar hoàn toàn không dính dáng gì tới Prospan. Proscar là một thuốc chuyên để điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. 
Bà mẹ đưa thuốc cho chúng tôi thắc mắc là bé nhỏ (3 tuổi) liệu uống thuốc viên cứng có sao không? Chúng tôi trả lời là không, có cách cho uống. Nhưng chúng tôi không kê thuốc cứng. 
Kiểm tra lại hóa ra chỉ là cùng “Pros”, nhưng lại khác nhau rõ rệt phía đuôi. Vậy là khi khách hàng đông quá, người nhà không nhớ tên thuốc nên nhân viên bán thuốc đã hồn nhiên vô tư bán cho một trẻ em thuốc để điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, bệnh mà chắc phải 70 năm sau bé may ra mới bị tiền liệt tuyến.
Thay lời kết
Vì tên thuốc nhiều khi có những sản phẩm tên tương tự nhau, cho nên bác sĩ cần viết tên thuốc đúng và rõ. Bệnh nhân cần mang đơn thuốc đi mua và nhân viên bán thuốc cần xem tên thuốc và bệnh được chẩn đoán. Làm như vậy chúng ta sẽ không lâm phải cảnh cười nghiêng cười ngả, cười cả ra cái mếu.



Dị ứng thuốc không chừa ai


Thực tế cho thấy, 10 - 20% người sử dụng thuốc sẽ gặp phải các triệu chứng dị ứng, tùy cấp độ khác nhau.
Thấy bụng lục bục đau, rồi tiêu chảy, chị B.M.Ph. lấy thuốc biseptol có sẵn trong nhà ra để uống. Được 15 phút thì chị chợt nhớ đã từng bị dị ứng với thuốc này một lần. Tìm cách để ói, đưa thuốc ra khỏi cơ thể nhưng đã muộn. Chỉ một lúc sau chị bắt đầu thấy người nóng bừng, ngứa ngáy ở lòng bàn chân, bàn tay, ngạt mũi và thở vướng ở họng... rồi toàn thân nổi mề đay. 
Cũng may, là bác sĩ nên chị Ph. đã biết “tự xử” tình trạng dị ứng của mình bằng thuốc telfast. Một lúc sau thì hiện tượng dị ứng dịu dần. Chị tự nhủ: Mình là bác sĩ mà đôi khi lãng quên nên dùng thuốc còn “ẩu” thế, hèn gì mà hiện tượng dị ứng thuốc ở bệnh nhân chẳng gặp thường ngày...
Ảnh minh họa. Internet
Ảnh minh họa. Internet
Biểu hiện của dị ứng thuốc
ThS.Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y) cho biết, một số triệu chứng khi bệnh nhân bị dị ứng thuốc là: cơ thể đột ngột nổi ban đỏ ngứa, nhất là các vùng quanh mắt, quanh miệng, ở gan bàn chân, bàn tay, da đầu,... Hoặc một số triệu chứng như bốc hỏa ở vùng mặt, vùng trên ngực, có thể đi kèm với ngạt sổ mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt...
Ngoài ra, một số triệu chứng tiền dị ứng có biểu hiện như: người bệnh có cảm giác bồn chồn, lo lắng, sợ sệt sau khi dùng thuốc và sau đó có cảm giác khó thở như vướng gì đó ở họng. Nặng hơn sẽ sốt cao tới  38 - 39oC, kèm theo cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau sưng khớp và nổi nhiều hạch.
Những biểu hiện dị ứng thuốc trên da và niêm mạc, hay những triệu chứng xuất hiện trên cơ thể là những biểu hiện thường gặp nhất và tương đối sớm khi cơ thể có những phản ứng dị ứng với thuốc. Đối với cơ địa từng người, cơ thể dị ứng có thể ở mức độ nhẹ - nặng, thậm chí rất nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
Những nguy cơ gây dị ứng thuốc
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới dị ứng, những người có tiền sử về dị ứng (dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, đặc biệt là người dị ứng thuốc...) sẽ có khả năng dị ứng cao hơn khi sử dụng thuốc.
Tuổi tác và giới tính cũng có vai trò rõ rệt trong nguy cơ dị ứng: Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ dị ứng ở nữ nhiều hơn nam.
Sử dụng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, dùng quá liều lượng, dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc, dùng trong thời gian kéo dài, kết hợp nhiều loại thuốc một lần và không biết chúng phản ứng chéo, tương kỵ lẫn nhau.
Cách phòng và điều trị khi mắc phải
ThS.Đằng cho biết thuốc là thực phẩm hỗ trợ, là sản phẩm để điều trị bệnh, thế nhưng không vì thế mà chúng ta có thể sử dụng nó một cách tùy tiện. Đấy chính là cách chúng ta tự bảo vệ sức khỏe của mình.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mọi người cần nhớ không tùy ý sử dụng thuốc nếu không có hướng dẫn sử dụng và đơn thuốc bác sĩ; cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng; không tự ý mua thuốc sử dụng nhất là thuốc kháng sinh hay một số loại thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt hay bôi da cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Chủ động thông báo trực tiếp với bác sĩ nếu cơ thể có mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng cũng như có một số biểu hiện tiền dị ứng, người bệnh lập tức ngưng sử dụng thuốc và tới bệnh viện để điều trị, lưu ý không được tự điều trị ở nhà theo cảm tính hay bằng các phương pháp dân gian.   




Tramadol gây khó thở nghiêm trọng ở trẻ


Tramadol là một opioid được phê duyệt để điều trị đau trung bình hoặc đau khá nặng ở người lớn. Trong cơ thể, tramadol bị chuyển hóa ở gan thành dạng opioid có hoạt tính là O-desmethyltramadol. Một số người bệnh có kiểu gien làm tăng tốc độ và mức độ chuyển hóa tramadol sang dạng hoạt tính so với thông thường.
Ở những người này, nồng độ dạng hoạt tính trong huyết tương của tramadol có thể cao hơn mức bình thường, dẫn đến khó thở và nguy hiểm đến tính mạng. Gần đây, một trẻ 5 tuổi ở Pháp sau khi uống một liều duy nhất tramadol dạng dung dịch uống giảm đau sau cắt bỏ amidan và VA đã bị khó thở nghiêm trọng, dẫn đến cấp cứu và nhập viện. Sau đó, cán bộ y tế đã phát hiện ra em bé này có gen chuyển hóa nhanh và có nồng độ O-desmethyltramadol trong máu cao hơn.
Khi trẻ được kê đơn tramadol, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu bất thường như thở chậm hay thở nông, khó thở, thở thành tiếng, rối loạn hoặc buồn ngủ bất thường. Khi đó, cần cho trẻ dừng tramadol và đưa trẻ đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Hiện có các loại thuốc giảm đau khác không gây tác dụng phụ như thở chậm hoặc khó thở như tramadol và được FDA cấp phép điều trị trên trẻ em.



Vì sao kháng sinh đang ngày càng mất tác dụng?

Hiện nay việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị có nhiều sự chọn lựa do xuất hiện khá nhiều loại thuốc KS với các tên biệt dược khác nhau.

Ðồng thời do thuốc kháng sinh (KS) được bán và mua tương đối dễ dàng mặc dù đó là loại thuốc phải kê đơn, nên cũng xuất hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh tràn lan, thiếu hiểu biết gây ra hậu quả nguy hiểm là ngày càng có nhiều thuốc KS bị vi khuẩn (VK) kháng lại, tức là thuốc không còn hiệu lực điều trị nữa.
Hiện tượng “nhờn thuốc” gia tăng
Mỗi một loại thuốc KS chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số nhóm vi khuẩn. Vì vậy, nếu chọn KS không có tác dụng mạnh đối với nhóm VK đang gây bệnh để điều trị thì không những không hiệu quả mà còn gây ra những bất lợi khác như làm cho KS đó dễ bị kháng thuốc đối với những nhóm VK. Một trong những sai lầm rất phổ biến hiện nay là khi bị cảm cúm, người ta hay dùng thuốc KS để điều trị ngay cả khi không có chỉ định của thầy thuốc. Bệnh cúm do virus gây ra.
Khi dùng KS để điều trị bệnh cảm lạnh hoặc những bệnh do nhiễm virus không những không có tác dụng mà còn có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Sử dụng KS thường xuyên khi không có dấu hiệu của sự nhiễm khuẩn sẽ tạo nên những dòng VK không đáp ứng với điều trị. Điều này được gọi là sự kháng thuốc của VK mà chúng ta thường gọi là “nhờn thuốc”. 
Khi một loại VK “nhờn” một loại KS nào đó tức là KS đó đã bị mất tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của loại VK đó. Hiện tượng VK kháng thuốc thường xảy ra khi một loại KS được sử dụng trong thời gian dài. Việc các thầy thuốc lạm dụng KS phổ rộng trong điều trị dễ làm cho VK kháng thuốc nhanh hơn với loại KS đó. Vì vậy nên ưu tiên sử dụng loại KS phổ hẹp, tức là KS chỉ điều trị được một vài loại VK.
Vì sao kháng sinh đang ngày càng mất tác dụng?
Kháng sinh đồ - kim chỉ nam để lựa chọn kháng sinh phù hợp
Tình trạng dùng thuốc KS không đủ liều, không đủ thời gian quy định hiện nay rất phổ biến và làm cho nguy cơ VK kháng thuốc tăng. Một số VK sau một thời gian dài tiếp xúc với KS ở nồng độ mà thuốc KS không tiêu diệt được chúng sẽ trở nên thích ứng được với KS đó. Một trong những loại VK thường có kiểu kháng thuốc này là VK gây bệnh lao. 
Chính vì vậy, trong điều trị lao, việc tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc rất quan trọng. Quần thể VK lao trong tổn thương lao chỉ bị quét sạch khi dùng thuốc liên tục 8-9 tháng và sử dụng loại hóa chất điều trị lao này với liều lượng thích hợp. Trong điều trị lao cũng phải phối hợp ít nhất hai thuốc để loại trừ khả năng kháng thuốc của VK.
VK biến đổi làm trầm trọng thêm tình trạng kháng thuốc
Bên cạnh đó, khi môi trường bất lợi cho sự phát triển, VK sẽ có nhiều đột biến về gene để hình thành nên các phân nhóm nhằm thích nghi với môi trường sống. Một số loại VK, khi tiếp xúc với KS bị tiêu diệt phần lớn, số ít còn lại sẽ có những biến đổi về di truyền để thích nghi, nói đúng hơn là để kháng lại loại KS đó. 
Các VK này tiếp tục sinh sôi và tạo nên những thế hệ VK kháng thuốc di truyền. Ngoài ra, một số VK khi đề kháng với loại KS này cũng sẽ có khả năng đề kháng luôn với một hoặc vài loại KS khác. Hiện tượng này được gọi là kháng thuốc chéo. Nguyên nhân là do các loại KS này có cùng cơ chế tác động lên VK hoặc có cấu trúc hóa học gần giống nhau.
Các VK kháng KS có thể được điều trị bằng nhiều loại KS kết hợp cùng lúc, một số trường hợp bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị bằng các loại KS mạnh hơn và ít được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt, việc chọn lựa KS để điều trị những trường hợp này không thể thiếu kỹ thuật làm KS đồ. Như vậy để tránh tình trạng VK kháng KS, người bệnh không nên tự ý sử dụng KS hoặc tự ý ngừng điều trị trước thời gian quy định của thầy thuốc.
Việc lựa chọn KS tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: vị trí nhiễm khuẩn, tuổi bệnh nhân, tình trạng lâm sàng... trong đó KS đồ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chọn lựa KS. Trong bệnh viện, KS đồ được sử dụng thường xuyên và được xem là kim chỉ nam để lựa chọn KS thích hợp cho từng bệnh nhân. 
Dùng KS đúng quy định, đúng phác đồ, không lạm dụng, dùng đúng liều lượng và thời gian là góp phần giảm tỷ lệ kháng thuốc. Nếu chúng ta cứ dùng một cách thiếu hiểu biết thì trong tương lai, con người sẽ không còn vũ khí để chống lại VK nữa vì KS đã bị vô hiệu hóa bởi tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons