Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Nguy cơ ngộ độc vì lạm dụng thuốc chống say rượu bia

Tất cả các loại thuốc chống say rượu, bia chưa được chứng minh có tác dụng giải độc, giải rượu, hơn thế, chúng có thể sinh ra các bệnh về gan, tim mạch, dạ dày.

Chúng ta thường có thói quen sử dụng rượu, bia trong các buổi hội họp, bữa tiệc… Chúng nghiễm nhiên trở thành một đồ uống không thể thiếu. Nhiều người sử dụng thuốc chống say để bia rượu không ảnh hưởng tới sức khỏe và kéo dài cuộc vui.
Tuy nhiên, việc quá lạm dụng thuốc chống say rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. 
ThS.BS  Nguyễn Trung Nguyên, Trưởng khoa Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tất cả các loại thuốc giải rượu, chống say rượu cho tới nay chưa được chứng minh có tác dụng giải độc, giải rượu và chống ngộ độc rượu. 
Việc lạm dụng thuốc chống say hoặc sử dụng quá liều có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, chúng cũng làm cho người sử dụng rượu ỷ lại và uống nhiều rượu hơn dẫn đến nguy cơ ngộ độc, tác hại của rượu đến sức khỏe. 
Khi dùng quá nhiều chất cồn từ rượu, bia sẽ sinh ra các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần-hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và tim mạch. Chính vì vậy, khi bắt buộc sử dụng bia, rượu bạn nên trang bị cho mình một số cách làm giảm tác hại của chúng như:
- Nên ăn đồ ăn nhẹ trước khi uống rượu, bia.
- Không uống kết hợp với các loại nước ngọt có ga.
- Sau khi uống có thể ăn các loại trái cây có nhiều vitamin như bưởi, cam, quýt. 
- Cùng trò chuyện trong khi uống.
- Uống nước khi sử dụng rượu vì nước sẽ hòa loãng chúng trong cơ thể của bạn.




Thuốc tránh thai đường uống có thể gây nhiễm trùng tiết niệu tái phát

Tăng cân là một trong những tác dụng phụ rõ rệt của việc sử dụng kéo dài thuốc tránh thai đường uống, ngoài ra bạn cũng có thể gặp nhiễm trùng tiết niệu (UTI).

Tuy nhiên, thuốc tránh thai không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên tình trạng này. Những biện pháp tránh thai khác như vòng âm đạo, dụng cụ tử cung và viên đặt âm đạo cũng có thể góp phần gây ra vấn đề này. 
Nhưng vì thuốc tránh thai là một biện pháp được sử dụng phổ biến nhất, nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu do sử dụng phương pháp này cũng lớn hơn.
Các thuốc tránh thai đường uống đôi khi có hàm lượng estrogen thấp hơn, đây là loại hormon rất quan trọng trong việc duy trì mô âm đạo khỏe mạnh và cân bằng vi khuẩn ở khu vực này. Mất cân bằng vi khuẩn và khô âm đạo do sử dụng kéo dài thuốc tránh thai uống có thể khởi phát UTI và các nhiễm nấm men khác.
Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện năm 2005 và đăng trên tờ European Urology chỉ ra rằng có mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài và UTI tái phát. 
Tuy nhiên, gel estrogen bôi tại chỗ giúp khắc phục các triệu chứng của UTI và ngăn chặn tình trạng này. Bôi gel estrogen cũng giúp phục hồi tuần hoàn máu trong khu vực và giảm đau khi giao hợp. Dưới đây là một số điều bạn có thể thực hiện để phòng ngừa UTI khi dùng thuốc tránh thai đường uống

Vệ sinh sau khi “yêu”
Cách tốt nhất để tránh UTI là vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau khi “yêu”. Nhớ là vi khuẩn từ khu vực hậu môn có thể xâm nhập vào đường tiểu và gây ra cảm giác bỏng rát, kích ứng hoặc các triệu chứng UTI khác, vì vậy cũng cần vệ sinh sạch sẽ vùng này. Sử dụng nước ấm là tốt nhất nhưng tránh thụt rửa âm đạo.
Đi tiểu trước và sau khi “yêu”
Nhịn tiểu trước khi bước vào cuộc yêu làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và việc đi tiểu sau khi “yêu” giúp loại bỏ những vi khuẩn xấu ra khỏi vùng kín. Vì vậy đi tiểu trước và sau khi “yêu” là cách đơn giản mà hiệu quả để phòng tránh nguy cơ UTI.
Đổi thuốc tránh thai
Nếu sau khi thực hiện những biện pháp trên mà bạn vẫn bị tái phát UTI, cách tốt hơn cả là tư vấn bác sĩ để thay đổi thuốc.



Lạm dụng testosteron: Nguy hiểm!

Testosteron là hormon sinh dục nam, có tác dụng mạnh trên sự đồng hóa và trên đặc tính giới.

Nó là nhân tố quyết định đến việc hình thành những đặc điểm của đàn ông, biến một cậu nhỏ thành một chàng thanh niên nam tính và mạnh mẽ... Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có những tác dụng phụ nguy hiểm.
Vai trò của testosteron
Testosteron có tác động mạnh vào trung khu tình dục trên vùng dưới đồi, có tác dụng kích thích mạnh sự ham muốn tình dục. Sự hưng phấn ham muốn tình dục là hoạt động của hệ thần kinh dựa trên những kích thích sinh dục. 
Tất cả những kích thích thuộc dạng kích thích sinh dục như nhìn một bức tranh gợi cảm, động chạm vào vùng nhạy cảm, ôm hôn... là những kích thích sinh dục điển hình. Biểu hiện của kích thích sinh dục trên nam giới chính là ham muốn khiến cương cứng dương vật nếu như không bị chứng rối loạn cường dương.
Không nên sử dụng thuốc một cách bừa bãi. Ảnh minh họa
Testosteron không có tác dụng làm cương cứng trực tiếp dương vật vì nó không phải là chất có thể làm thay đổi lưu lượng máu (một yếu tố quyết định nhất tới chuyện có cương hay là không) tới cơ quan sinh dục, nhưng nó có thể tác động một cách gián tiếp làm tăng hưng phấn trung tâm tình dục, khiến trung tâm này giải phóng nhiều chất trung gian NO. 
Nhờ có NO mà mao mạch thể hang vô cùng nhạy cảm có thể giãn ra để tăng lưu lượng máu tới bộ phận sinh dục nam giới. Chính vì tác dụng này mà nó còn được gọi là thuốc kích dục.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi thuốc khác, testosteron cũng chỉ có giới hạn nhất định trong khắc phục chứng bệnh giảm ham muốn. Vì hệ thần kinh vốn rất nhạy cảm, dễ trở nên “trơ” với những gì quá quen thuộc. Vì vậy, nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ có một lúc nào đó, trung tâm tình dục sẽ “lãnh cảm” với chính testosteron.
Và mặt trái của thuốc
Các mặt trái của testosteron chính là do những tác dụng chính của hormon này sở hữu. Thứ nhất, vô cùng đáng ngại là nó làm nam tính hoá. Có tác dụng phụ này là vì nó là một chất làm biến đổi giới tính mạnh mẽ, làm xuất hiện những đặc điểm giới tính nam đặc trưng và duy trì cho đến hết đời. Các đặc điểm ấy bao gồm mọc nhiều lông chân, lông tay, lông mu, lông nách, mọc nhiều râu. Tóc trở lên cứng hơn, da xù xì hơn. Cơ bắp trở lên rắn chắc cuồn cuộn... 
Chính testosteron đã làm một cậu bé “nhẵn thín” trở nên rậm rạp và giọng nói thì ồm ồm đặc trưng. Mặt tự nhiên đầy trứng cá vì tuyến bã hoạt động quá mạnh. Nếu chúng ta sử dụng các thuốc dạng này quá nhiều thì việc xuất hiện những đặc điểm giới tính thứ phát là đương nhiên và nếu bạn là nữ thì bạn sẽ mang những đặc điểm con trai lúc nào không hay.
Thứ hai, đó là do thuốc làm ức chế hoạt động của tuyến yên. Tuyến yên là một tuyến được coi là tuyến nội tiết tổng chỉ huy cho toàn hệ thống nội tiết. Nó sẽ tiết ra những chất kích thích để sản xuất các hormon thứ cấp dưới nó nhưng lại là những hormon trực tiếp của các cơ quan trong đó có hormon sinh dục nam testosteron.
Sự tổng hợp và sản xuất ra testosteron nhất loạt tuân theo sự điều khiển của tuyến yên. Khi chúng ta sử dụng thuốc kích dục chứa hormon sinh dục nam khiến cơ thể dư thừa testosteron. Điều này được báo về trung tâm chỉ huy tuyến yên làm tuyến yên giảm hoạt động để hạ thấp hoá nồng độ chất nam tính trong máu. 
Vô hình trung, sau một thời gian, tuyến yên bị suy. Cơ thể không còn khả năng sản xuất đủ hormon sinh dục nữa vì thiếu sự kích thích của tuyến này. Hiện tượng này làm suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng vì thiếu hụt testosteron thứ cấp. Ở một mức độ báo động nào đó, nó có thể làm vô sinh.
Một rối loạn bệnh lý khác đáng chú ý đó là tổn thương gan do thuốc. Cần nhớ một quy luật là thuốc được chuyển hoá đầu tiên ở gan nên việc sử dụng dẫn chất của hormon sinh dục nam sai quy cách có thể làm tổn thương tế bào gan. 
Tổn thương tế bào gan đã được ghi nhận ở trường hợp điều trị vô sinh dài ngày bằng testosteron với biểu hiện là viêm gan vàng da do ứ mật. Đặc biệt là với các dẫn xuất của nhóm 17 alkyl như ethylestrenol, stanozolol, danazol, oxymetholone.
Mặc dù những tổn thương này là có thể hồi phục được nhưng nó sẽ gây ra nhưng tổn thương của tế bào gan. Vì thế, trong chiến lược quản lý bệnh, người ta không sử dụng thuốc này cho người bị bệnh gan.
Ngoài các tác dụng trên thì thuốc còn gây ra những tác dụng khác nữa như rối loạn mỡ máu, ham muốn tình dục không kiểm soát nhưng đó là những tác dụng phụ ít gặp.
Để dùng thuốc được an toàn, không nên sử dụng thuốc một cách bừa bãi. Trường hợp sử dụng thuốc để điều trị dậy thì chậm hay vô sinh do thiếu hụt testosteron cần phải được theo dõi cẩn thận. Không nên lạm dụng thuốc này trong việc chỉ để tăng hay có thêm ham muốn tình dục, vì thuốc tác động vào hệ nội tiết, một hệ thống vô cùng nhạy cảm và phức tạp nên rất dễ xảy ra những rối loạn khó kiểm soát.



Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Sử dụng metformin trong đái tháo đường, cần lưu ý gì?

Metformin được dùng trong các trường hợp mắc tiểu đường không nhiễm toan thể cétone, không lệ thuộc insuline ở người trưởng thành (tiểu đường typ II).

Sử dụng metformin như thế nào?
Metformin không kích thích việc tiết insulin như trường hợp các sulfamid và không có tác dụng hạ đường huyết ở người không mắc bệnh tiểu đường. Thuốc làm giảm tình trạng tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường mà không gây ra các tai biến hạ đường huyết (trừ trường hợp nhịn đói hoặc dùng kết hợp với các thuốc hiệp đồng tác dụng). 
Tác dụng của thuốc làm gia tăng sử dụng glucose ở tế bào, cải thiện liên kết insulin - thụ thể (récepteur), ức chế sự tân tạo glucose ở gan và làm chậm hấp thu glucose ở ruột. Ngoài tác dụng điều trị tiểu đường, metformin còn tạo thuận lợi cho sự chuyển hóa của lipoprotein (thường bị rối loạn ở người đái tháo đường không phụ thuộc insulin) làm giảm cholestérol toàn phần và LDL-cholestérol, cũng như triglycéride toàn phần.
Người bệnh cần lưu ý đến các tác dụng bất lợi khi sử dụng metformin
Không dùng thuốc này trong các trường hợp có nhiễm khuẩn, chấn thương (những trường hợp này phải được điều trị đái tháo đường bằng insulin), giảm hoặc rối loạn chức năng thận; người mang thai; nghiện rượu; thiếu dinh dưỡng. Phải ngưng tạm thời metformin cho người bệnh chiếu chụp Xquang có tiêm các chất cản quang có chứa iod, vì sử dụng những chất này có thể ảnh hưởng cấp tính đến chức năng thận.
Điều trị bằng metformin chỉ được coi là hỗ trợ, không phải là thay thế cho việc điều tiết chế độ ăn hợp lý. Bởi vậy, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn, vì dinh dưỡng điều trị là một khâu trọng yếu trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Metformin không phù hợp điều trị cho người cao tuổi, vì ở đối tượng này thường có suy giảm chức năng thận. Nếu dùng cần phải kiểm tra creatinin trước khi bắt đầu điều trị.
Và những lưu ý
Các bất lợi thường gặp nhất khi dùng metformin là về tiêu hóa. Những tác dụng này thường liên quan đến liều và xảy ra vào lúc bắt đầu điều trị nhưng thường là nhất thời. Người bệnh hay gặp triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đầy thượng vị, táo bón, ợ nóng. 
Có thể làm dịu bớt các rối loạn này bằng cách dùng tạm loại bột trơ (có tác dụng băng niêm mạc dạ dày ruột) hoặc các dẫn xuất atropine hoặc các thuốc chống co thắt. Để ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa, nên uống metformin trong bữa ăn hoặc vào cuối bữa ăn, và chia đều làm 2 hoặc 3 lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ. 
Ngoài ra có thể gặp mày đay, da nhạy cảm với ánh sáng. Đối với người bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin (typ 1), metformin không bao giờ thay thế được insulin, nhưng nếu phối hợp với insulin sẽ giúp giảm liều lượng insulin sử dụng và đạt tình trạng ổn định hơn về đường huyết. Việc định lượng đường trong máu mao mạch cho phép gia giảm liều lượng insulin sử dụng hàng ngày.
Metformin có thể dẫn đến hoặc tạo điều kiện gây tình trạng nhiễm toan acid lactique. Biến chứng chuyển hóa này gây tỷ lệ tử vong cao trong trường hợp không điều trị sớm. Trên bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc, phải cảnh giác khi xuất hiện tình trạng vọp bẻ cơ (chuột rút), kèm theo rối loạn tiêu hóa, đau bụng và suy nhược toàn diện. 
Phải ngưng điều trị ngay, khi nồng độ acid lactique trong máu tĩnh mạch tăng cao hơn bình thường, kèm theo tình trạng tăng créatinine trong máu.  Nhiễm toan acid lactique thể hiện qua tình trạng khó thở kiểu nhiễm toan, đau bụng, hạ thân nhiệt, nặng có thể dẫn đến hôn mê. Khi nghi ngờ có nhiễm toan chuyển hóa, nên ngừng ngay việc điều trị bằng metformine và cho bệnh nhân nhập viện khẩn cấp.
Một số thuốc gây tăng đường huyết như corticoid, thuốc lợi tiểu nhóm thiazide, thuốc uống tránh thai...) có thể làm thay đổi diễn biến của bệnh đái tháo đường. Trong trường hợp phải dùng các thuốc này, hoặc phải tăng liều, hoặc phải kết hợp với sulfamid hạ đường huyết, hoặc phải sử dụng insulin. Dùng metformin riêng lẻ hiếm khi dẫn đến hạ đường huyết, tuy nhiên phải cảnh giác với việc gia tăng tiềm lực thuốc khi dùng kết hợp với insulin hoặc sulfamid hạ đường huyết khác.
Không uống rượu hoặc các thức uống có chứa cồn trong thời gian dùng thuốc vì sẽ gây nguy hiểm làm tăng nguy cơ gây nhiễm toan acid lactique.

Chớ coi thường khi uống thuốc tẩy giun

Các chuyên gia cảnh báo về những nguy hiểm khi uống thuốc tẩy giun, bởi lâu nay nhiều người nghĩ đơn giản khi sử dụng các loại thuốc này.


Cho coi thuong khi uong thuoc tay giun
Tai biến xảy ra bất cứ lúc nào
Tháng 5 vừa qua, sau khi uống thuốc tẩy giun, một số học sinh Trường Tiểu học Trần Phú, P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và mệt lả. Bảy em có biểu hiện nặng nhất được giáo viên đưa đến BVĐK tỉnh Bình Định cấp cứu. May mắn sức khỏe các em sau đó đã ổn định.
Không may mắn như những học sinh này, một năm trước, trạm y tế xã Nậm Nhoóng phối hợp với trường Mầm non Nậm Nhoóng, H.Quế Phong, tỉnh Nghệ An tổ chức cho các em học sinh điểm trường Mầm non Ná Hốc uống thuốc tẩy giun. 
Sau đó, một số em có triệu chứng buồn nôn, ngất xỉu và được gia đình đưa đi trạm y tế xã cấp cứu. Một bé năm tuổi đã tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã quyết định dừng chương trình tẩy giun cho trẻ 24 - 60 tháng tuổi.
Chuyên gia ký sinh trùng, GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội) giải thích: các loại thuốc tẩy giun đang lưu hành đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, đừng nghĩ đơn giản khi sử dụng thuốc tẩy giun.
Cần tẩy giun sáu tháng một lần
Hiện Việt Nam có hơn 45 triệu người nhiễm giun. Hằng năm người dân tiêu tốn 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun và nhiễm giun, kéo theo một loạt nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhận thức của người Việt Nam về tẩy giun định kỳ còn chưa đầy đủ. 
Kết quả thu nhận được sau khi tiến hành khảo sát nhỏ về mức độ nhận thức của người dân về tẩy giun định kỳ sau khi kết thúc chiến dịch tại TPHCM cho thấy, 56,4% phụ huynh không tẩy giun định kỳ sáu tháng một lần cho trẻ; trong đó, 4,1% chưa bao giờ tẩy giun cho con, 9,9% phụ huynh không nhớ đã tẩy giun cho con hay chưa và gần 42,5% trẻ em được tẩy giun cách đây từ một năm trở lên.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khuyến cáo, việc tẩy giun cần được tiến hành định kỳ sáu tháng một lần. Thời gian quá dài hay quá ngắn đều không tốt. 
Nếu thời gian cho mỗi lần tẩy giun cách nhau vài năm có thể không loại bỏ hết giun ra khỏi cơ thể. Ngược lại, thời gian quá ngắn thì không cần thiết bởi nguy cơ tái nhiễm giun chưa xuất hiện.
Dùng thuốc cũng phải “học”
Cũng như các loại thuốc, thuốc tẩy giun là thuốc bán theo đơn nên khi sử dụng phải có chỉ định và tư vấn của bác sĩ. Thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ như chóng mặt, tiêu chảy, đau dạ dày, đau đầu, nôn, nổi mề đay, mệt… với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc. Đó là lý do vì sao một số người uống thuốc tẩy giun có thể biểu hiện một hoặc các triệu chứng trên.
GS.TS Nguyễn Văn Đề cho rằng, tỷ lệ tai biến do thuốc tẩy giun chủ yếu do chưa sàng lọc kỹ trước khi sử dụng những trường hợp chống chỉ định, dẫn đến hậu quả không mong muốn. Một nguyên tắc cần thiết khi dùng thuốc tẩy giun là kiểm tra sức khỏe trước khi dùng, không nên cho uống đại trà vì một số người mắc những bệnh không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy cần có sự theo dõi của bác sĩ.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, phải uống thuốc tẩy giun khi ăn no. Nếu sau khi uống thấy mệt cần bổ sung nước, nước đường, sữa… thì các triệu chứng sẽ mất dần. Nếu có biểu hiện mệt nặng, nôn thì nên vào viện ngay để có hướng điều trị đúng. 
Đừng bao giờ nghĩ uống thuốc tẩy giun là không được ăn gì, bởi thuốc tẩy giun có cơ chế ức chế giun hấp thu glucose nên dù ăn gì giun cũng không sống được.



Tác dụng phụ nghiêm trọng của một số thuốc thường dùng

Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) vừa có các thông báo cảnh báo một số thuốc thường dùng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các thông tin mới này không có nghĩa là mang tới một sự lo lắng cho người sử dụng, cũng không phải để khuyến khích họ lựa chọn sang các loại thuốc khác mà nó có ý nghĩa quan trọng để giúp mọi người nhận biết và phản ứng nhanh với các triệu chứng ban đầu của các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, trong đó có khả năng gây tử vong do thuốc.
Thuốc hạ sốt, giảm đau acetaminophen
Thông báo ngày 1/8/2013 cho biết, thuốc acetaminophen (paracetamol) là thuốc hạ sốt, giảm đau đang được dùng rất phổ biến để điều trị đau và sốt, có mặt rộng rãi trong nhiều đơn thuốc cũng như người bệnh tự sử dụng. 
Hoạt chất này cũng thường được phối hợp với các loại thuốc khác (bao gồm cả thuốc phiện) và các loại thuốc để điều trị cảm lạnh, ho, dị ứng, đau đầu và khó ngủ... có thể gây ra những phản ứng da nghiêm trọng. 
Đó là hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), viêm da do phản ứng cấp tính (AGEP) có thể gây tử vong.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của một số thuốc thường dùng 1
Acetaminophen có thể gây phản ứng da hiếm gặp nghiêm trọng
FDA yêu cầu các nhà sản xuất cần thêm vào nhãn thuốc lời cảnh báo về nguy cơ phản ứng da nghiêm trọng này đối với các thuốc có chứa acetaminophen. 
Nếu bạn sử dụng acetaminophen thấy có triệu chứng như phát ban, mụn nước... cần ngừng thuốc và đến cơ sở y tế ngay lập tức. 
Nếu bạn đã từng có một phản ứng da khi dùng acetaminophen, không dùng lại thuốc này trong những lần sau. Cần nói với bác sĩ về phản ứng dị ứng da của mình với acetaminophen để bác sĩ có thể dùng sang các loại thuốc hạ sốt, giảm đau khác.
Thuốc chống sốt rét mefloquine
Thông báo ngày 29/7/2013 cảnh báo về nguy cơ gây ra tác dụng phụ về tâm thần và thần kinh nghiêm trọng của thuốc chống sốt rét mefloquine hydrochloride. Các tác dụng phụ thần kinh có thể bao gồm: chóng mặt, mất thăng bằng hoặc ù tai. Các tác dụng phụ về tâm thần bao gồm cảm thấy lo lắng, nghi ngờ, chán nản hoặc có ảo giác...
Khi sử dụng thuốc để ngăn chặn bệnh sốt rét, nếu bệnh nhân có triệu chứng thần kinh hoặc tâm thần cần ngừng thuốc và thay thế bằng một loại thuốc khác. 
Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể tự phát hiện tác dụng phụ này và thông báo cho bác sĩ biết. 
Bệnh nhân không nên tự ngưng dùng mefloquine trước khi có ý kiến của thầy thuốc. FDA yêu cầu phải ghi cảnh báo này lên nhãn thuốc và sẽ tiếp tục đánh giá sự an toàn của mefloquine, sẽ có những thông tin tiếp theo tới công chúng.
Thuốc chống nấm chứa ketoconazol
Thông báo ngày 26/7/2013 cảnh báo, viên nén uống nizoral (ketoconazol) có tác dụng chống nấm có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và các vấn đề về tuyến thượng thận (gây suy thượng thận) và nguy cơ dẫn đến tương tác thuốc có hại với các thuốc khác khi dùng đồng thời.
Về tổn thương gan (nhiễm độc gan): FDA cho biết, viên nén nizoral có thể gây tổn thương gan dẫn đến phải ghép gan hoặc tử vong. Tổn thương gan nghiêm trọng đã xảy ra ở bệnh nhân dùng liều cao của nizoral trong thời gian ngắn hoặc  những người dùng liều thấp trong thời gian dài. Các tổn thương gan đôi khi hồi phục khi ngừng sử dụng thuốc nhưng cũng có khi không hồi phục.
Vấn đề về thượng thận (gây suy thượng thận): Viên nén nizoral có thể gây suy thượng thận bằng cách làm giảm sản xuất corticosteroid của cơ thể. Corticosteroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận, ảnh hưởng đến sự cân bằng của nước, muối khoáng và chất điện giải trong cơ thể. 
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên theo dõi chức năng tuyến thượng thận ở bệnh nhân dùng thuốc nizoral, người có vấn đề về tuyến thượng thận hoặc ở bệnh nhân bị stress...
Về tương tác thuốc: Nizoral viên có thể tương tác với các thuốc khác khi dùng đồng thời và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Ví như như rối loạn nhịp tim... Vì vậy, tất cả các thuốc mà bệnh nhân hiện đang dùng nên được đánh giá về tương tác với nizoral.
Hiện FDA đang tiến hành một số hoạt động liên quan đến viên nén uống nizoral (ketoconazol), bao gồm hạn chế sử dụng thuốc, chấp thuận thay đổi nhãn thuốc và thêm hướng dẫn thuốc mới để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 
Theo đó, viên nén uống nizoral không phải là thuốc điều trị đầu tay cho bất kỳ nhiễm trùng nấm nào. Nizoral nên được sử dụng để điều trị nhiễm nấm nhất định và chỉ khi liệu pháp kháng nấm thay thế không có sẵn hoặc không dung nạp.
Viên nén nizoral không được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm ở da, móng tay và không được sử dụng ở bệnh nhân có bệnh gan cấp tính hoặc mạn tính. 
FDA cũng đã phê duyệt một hướng dẫn thuốc mới có chứa thông tin về các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến thuốc nizoral và sẽ tiếp tục đánh giá sự an toàn của thuốc này.



Những lưu ý khi sử dụng các thuốc kháng axit

Các thuốc kháng axit không kê đơn thường được dùng để điều trị triệu chứng ợ nóng, khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Tuy nhiên, không nên sử dụng những thuốc này bừa bãi. Các chuyên gia y tế cho rằng, dùng các thuốc kháng axit không kê đơn để làm dịu triệu chứng ợ nóng trong một thời gian không có tác hại gì.
Trên thực tế, trong một số trường hợp GERD nặng, bạn có thể cần sử dụng thuốc kháng axit trong 2 tháng. Có vẻ như an toàn khi dùng thuốc kháng axit mỗi khi bạn bị trào ngược axit. Những thuốc không kê đơn này hoạt động bằng cách trung hòa axit trong dạ dày và làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào các thuốc không kê đơn có thể gây ra một số triệu chứng tiểm ẩn nguy cơ tử vong.
Dưới đây là một vài điều bạn cần lưu ý khi sử dụng các thuốc kháng axit:
- Luôn dùng các thuốc kháng axit sau bữa ăn một giờ.
- Nếu bạn phải thường xuyên dùng thuốc kháng axit, thậm chí cách nhau chưa đầy một tuần, bạn cần tư vấn bác sĩ.
- Thuốc kháng axit sẽ chỉ điều trị các triệu chứng lâm sàng của ợ nóng và GERD chứ không điều trị các triệu chứng nghiêm trọng như loét dạ dày tá tràng, sỏi túi mật, các rối loạn tiêu hóa hoặc hội chứng ruột kích thích. Tất cả những tình trạng này đều có thể có triệu chứng ợ chua.
Bạn nên ngừng dùng thuốc và tư vấn bác sĩ trong những trường hợp sau đây:
- Các triệu chứng không cải thiện sau khi dùng các thuốc kháng axit và sớm tái phát trong vài giờ.
- Triệu chứng tái phát sau mỗi bữa ăn.
- Bị buồn nôn và nôn sau khi dùng thuốc.
- Bị tiêu chảy sau khi dùng thuốc, một số thuốc kháng axit chứa magiê có thể gây ra tình trạng tương tự. Một số thuốc có thể dẫn tới các vấn đề về thận.
- Bị táo bón: Các thuốc kháng axit chứa nhiều canxi hoặc nhôm cũng có thể cản trở nhu động ruột.
- Bị đau khớp vì các thuốc kháng axit chứa nhôm có thể dẫn tới mất xương và loãng xương.
- Bị sốt, đầy bụng hoặc chuột rút sau khi dùng các thuốc kháng axit.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons