Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Tác dụng phụ nghiêm trọng của một số thuốc thường dùng

Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) vừa có các thông báo cảnh báo một số thuốc thường dùng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các thông tin mới này không có nghĩa là mang tới một sự lo lắng cho người sử dụng, cũng không phải để khuyến khích họ lựa chọn sang các loại thuốc khác mà nó có ý nghĩa quan trọng để giúp mọi người nhận biết và phản ứng nhanh với các triệu chứng ban đầu của các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, trong đó có khả năng gây tử vong do thuốc.
Thuốc hạ sốt, giảm đau acetaminophen
Thông báo ngày 1/8/2013 cho biết, thuốc acetaminophen (paracetamol) là thuốc hạ sốt, giảm đau đang được dùng rất phổ biến để điều trị đau và sốt, có mặt rộng rãi trong nhiều đơn thuốc cũng như người bệnh tự sử dụng. 
Hoạt chất này cũng thường được phối hợp với các loại thuốc khác (bao gồm cả thuốc phiện) và các loại thuốc để điều trị cảm lạnh, ho, dị ứng, đau đầu và khó ngủ... có thể gây ra những phản ứng da nghiêm trọng. 
Đó là hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), viêm da do phản ứng cấp tính (AGEP) có thể gây tử vong.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của một số thuốc thường dùng 1
Acetaminophen có thể gây phản ứng da hiếm gặp nghiêm trọng
FDA yêu cầu các nhà sản xuất cần thêm vào nhãn thuốc lời cảnh báo về nguy cơ phản ứng da nghiêm trọng này đối với các thuốc có chứa acetaminophen. 
Nếu bạn sử dụng acetaminophen thấy có triệu chứng như phát ban, mụn nước... cần ngừng thuốc và đến cơ sở y tế ngay lập tức. 
Nếu bạn đã từng có một phản ứng da khi dùng acetaminophen, không dùng lại thuốc này trong những lần sau. Cần nói với bác sĩ về phản ứng dị ứng da của mình với acetaminophen để bác sĩ có thể dùng sang các loại thuốc hạ sốt, giảm đau khác.
Thuốc chống sốt rét mefloquine
Thông báo ngày 29/7/2013 cảnh báo về nguy cơ gây ra tác dụng phụ về tâm thần và thần kinh nghiêm trọng của thuốc chống sốt rét mefloquine hydrochloride. Các tác dụng phụ thần kinh có thể bao gồm: chóng mặt, mất thăng bằng hoặc ù tai. Các tác dụng phụ về tâm thần bao gồm cảm thấy lo lắng, nghi ngờ, chán nản hoặc có ảo giác...
Khi sử dụng thuốc để ngăn chặn bệnh sốt rét, nếu bệnh nhân có triệu chứng thần kinh hoặc tâm thần cần ngừng thuốc và thay thế bằng một loại thuốc khác. 
Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể tự phát hiện tác dụng phụ này và thông báo cho bác sĩ biết. 
Bệnh nhân không nên tự ngưng dùng mefloquine trước khi có ý kiến của thầy thuốc. FDA yêu cầu phải ghi cảnh báo này lên nhãn thuốc và sẽ tiếp tục đánh giá sự an toàn của mefloquine, sẽ có những thông tin tiếp theo tới công chúng.
Thuốc chống nấm chứa ketoconazol
Thông báo ngày 26/7/2013 cảnh báo, viên nén uống nizoral (ketoconazol) có tác dụng chống nấm có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và các vấn đề về tuyến thượng thận (gây suy thượng thận) và nguy cơ dẫn đến tương tác thuốc có hại với các thuốc khác khi dùng đồng thời.
Về tổn thương gan (nhiễm độc gan): FDA cho biết, viên nén nizoral có thể gây tổn thương gan dẫn đến phải ghép gan hoặc tử vong. Tổn thương gan nghiêm trọng đã xảy ra ở bệnh nhân dùng liều cao của nizoral trong thời gian ngắn hoặc  những người dùng liều thấp trong thời gian dài. Các tổn thương gan đôi khi hồi phục khi ngừng sử dụng thuốc nhưng cũng có khi không hồi phục.
Vấn đề về thượng thận (gây suy thượng thận): Viên nén nizoral có thể gây suy thượng thận bằng cách làm giảm sản xuất corticosteroid của cơ thể. Corticosteroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận, ảnh hưởng đến sự cân bằng của nước, muối khoáng và chất điện giải trong cơ thể. 
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên theo dõi chức năng tuyến thượng thận ở bệnh nhân dùng thuốc nizoral, người có vấn đề về tuyến thượng thận hoặc ở bệnh nhân bị stress...
Về tương tác thuốc: Nizoral viên có thể tương tác với các thuốc khác khi dùng đồng thời và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Ví như như rối loạn nhịp tim... Vì vậy, tất cả các thuốc mà bệnh nhân hiện đang dùng nên được đánh giá về tương tác với nizoral.
Hiện FDA đang tiến hành một số hoạt động liên quan đến viên nén uống nizoral (ketoconazol), bao gồm hạn chế sử dụng thuốc, chấp thuận thay đổi nhãn thuốc và thêm hướng dẫn thuốc mới để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 
Theo đó, viên nén uống nizoral không phải là thuốc điều trị đầu tay cho bất kỳ nhiễm trùng nấm nào. Nizoral nên được sử dụng để điều trị nhiễm nấm nhất định và chỉ khi liệu pháp kháng nấm thay thế không có sẵn hoặc không dung nạp.
Viên nén nizoral không được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm ở da, móng tay và không được sử dụng ở bệnh nhân có bệnh gan cấp tính hoặc mạn tính. 
FDA cũng đã phê duyệt một hướng dẫn thuốc mới có chứa thông tin về các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến thuốc nizoral và sẽ tiếp tục đánh giá sự an toàn của thuốc này.



Những lưu ý khi sử dụng các thuốc kháng axit

Các thuốc kháng axit không kê đơn thường được dùng để điều trị triệu chứng ợ nóng, khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Tuy nhiên, không nên sử dụng những thuốc này bừa bãi. Các chuyên gia y tế cho rằng, dùng các thuốc kháng axit không kê đơn để làm dịu triệu chứng ợ nóng trong một thời gian không có tác hại gì.
Trên thực tế, trong một số trường hợp GERD nặng, bạn có thể cần sử dụng thuốc kháng axit trong 2 tháng. Có vẻ như an toàn khi dùng thuốc kháng axit mỗi khi bạn bị trào ngược axit. Những thuốc không kê đơn này hoạt động bằng cách trung hòa axit trong dạ dày và làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào các thuốc không kê đơn có thể gây ra một số triệu chứng tiểm ẩn nguy cơ tử vong.
Dưới đây là một vài điều bạn cần lưu ý khi sử dụng các thuốc kháng axit:
- Luôn dùng các thuốc kháng axit sau bữa ăn một giờ.
- Nếu bạn phải thường xuyên dùng thuốc kháng axit, thậm chí cách nhau chưa đầy một tuần, bạn cần tư vấn bác sĩ.
- Thuốc kháng axit sẽ chỉ điều trị các triệu chứng lâm sàng của ợ nóng và GERD chứ không điều trị các triệu chứng nghiêm trọng như loét dạ dày tá tràng, sỏi túi mật, các rối loạn tiêu hóa hoặc hội chứng ruột kích thích. Tất cả những tình trạng này đều có thể có triệu chứng ợ chua.
Bạn nên ngừng dùng thuốc và tư vấn bác sĩ trong những trường hợp sau đây:
- Các triệu chứng không cải thiện sau khi dùng các thuốc kháng axit và sớm tái phát trong vài giờ.
- Triệu chứng tái phát sau mỗi bữa ăn.
- Bị buồn nôn và nôn sau khi dùng thuốc.
- Bị tiêu chảy sau khi dùng thuốc, một số thuốc kháng axit chứa magiê có thể gây ra tình trạng tương tự. Một số thuốc có thể dẫn tới các vấn đề về thận.
- Bị táo bón: Các thuốc kháng axit chứa nhiều canxi hoặc nhôm cũng có thể cản trở nhu động ruột.
- Bị đau khớp vì các thuốc kháng axit chứa nhôm có thể dẫn tới mất xương và loãng xương.
- Bị sốt, đầy bụng hoặc chuột rút sau khi dùng các thuốc kháng axit.



Chữa bệnh mụn rộp, thuốc gì?

Bệnh mụn rộp (ec - pet) do virus Herpes - simplex typ I và II gây nên. Đây là một bệnh ngoài da thường gặp, có thể xuất hiện bất kỳ ở vị trí nào trên cơ thể.

Bệnh thường hay gặp ở những vị trí như quanh môi, lỗ mũi, má và vùng sinh dục… Trư­ớc khi nổi tổn thư­ơng người bệnh th­ường có cảm giác khó chịu, ngứa, rát rấm rứt tại chỗ. Bắt đầu bằng một vết đỏ, nề, sau đó nhanh chóng xuất hiện các mụn nước thành cụm, tròn hoặc hình cầu, đều nhau.

Dịch ban đầu trong sau thành đục. Sau vài ngày, mụn nước vỡ, khô tại chỗ đóng vảy tiết vàng hoặc hơi nâu, gắn chặt, khi bong để lại một vết đỏ, sau đó trở lại bình thư­ờng, không thành sẹo, các hạch lympho lân cận có thể sưng và đau. Từ khi bắt đầu đến khi lặn tất cả khoảng 8 - 15 ngày.

Ở người suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, ecpet có bệnh cảnh lâm sàng trầm trọng hơn như­ loét trợt rộng vùng hậu môn, sinh dục, niêm mạc miệng... có thể có tổn th­ương não, màng não.

Để điều trị người ta có thể dùng các thuốc sau:

- Toàn thân uống acyclovir (dùng điều trị trước mắt và uống phòng tái phát): Đây là thuốc có tác dụng chọn lọc trên tế bào nhiễm virut Herpes. Nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt ngay khi nhiễm bệnh.

Ở những giai đoạn tái phát cần dùng thuốc ngay trong giai đoạn tiền triệu hoặc ngay lúc bắt đầu xuất hiện tổn thương. Thời gian dùng thuốc phòng ngừa tùy thuộc vào thời kỳ có nguy cơ dài hay ngắn.
Điều trị nên dừng lại sau mỗi 6 - 12 tháng để quan sát những thay đổi có thể xảy ra trong tiến trình tự nhiên của bệnh. Tuy nhiên, khi dùng thuốc người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như nổi ban da (có thể tự khỏi khi ngừng dùng thuốc); các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng cũng được báo cáo xuất hiện ở những người bệnh dùng thuốc viên nén.

Ngoài ra cũng có thể gặp một số tác dụng phụ về thần kinh (nhưng có hồi phục) như chóng mặt, tình trạng lẫn lộn, ảo giác, buồn ngủ… Có thể dùng thêm các thuốc kích thích miễn dịch như Immurong/Muren, T.F.X...

- Tại chỗ dùng kem bôi acyclovir 1%, bôi 5 lần/ngày. Mỗi lần cách nhau 4 giờ. Nên bôi vào tổn thương hoặc nơi tổn thương sắp xảy ra càng sớm càng tốt ngay sau khi nhiễm. Việc điều trị trong các giai đoạn tái phát đặc biệt quan trọng cần bắt đầu ngay trong giai đoạn tiền triệu hoặc ngay khi sang thương bắt đầu xuất hiện. Khi bôi dạng thuốc kem tại chỗ người bệnh có thể thấy cảm giác rát bỏng và xót tại chỗ bôi. Một số người bệnh có thể gặp hiện tượng nổi ban hoặc ngứa…

Ngoài ra bôi tại chỗ có thể dùng dung dịch millian, castellani. Dùng mỡ kháng sinh (nếu có bội nhiễm).

Cần chú ý, trong điều trị chú ý loại trừ những yếu tố thuận lợi làm bùng phát bệnh và nâng cao sức đề kháng cơ thể, kích thích miễn dịch cơ thể.



Trường hợp nào không được dùng men tiêu hóa?

Men tiêu hóa là tên gọi của một dòng sản phẩm có chức năng hỗ trợ tiêu hóa. Nó không chỉ là sản phẩm dành riêng cho trẻ em mà cho cả người trưởng thành và người lớn tuổi.

Cũng giống như các sản phẩm dược phẩm khác, người sử dụng có thể gặp những tác hại do sử dụng men tiêu hóa không đúng hướng dẫn.
Bản chất của men tiêu hóa
Men tiêu hóa là tên gọi một dòng sản phẩm có chức năng hỗ trợ tiêu hóa. Men tiêu hóa ở đây hoàn toàn khác với men vi sinh, vì chúng không phải là các vi khuẩn sinh học đông khô mà là các hợp chất hóa học thực thụ.
Một số loại men tiêu hóa dễ thấy trên thị trường như neopeptine, enzyplex, zymoplex, panse, digelase, triase, panthiacone. Không phải tất cả các enzym tiêu hóa trong cơ thể đều có thể chế biến được dưới dạng đông khô và làm thành viên uống men tiêu hóa hay cốm men tiêu hóa. Chỉ một số men trong đó được sử dụng vì những đặc tính dược lý và hóa học phù hợp. Thường thì các enzym của dạ dày, nước bọt và của tụy được bào chế để bổ sung hỗ trợ tiêu hóa.
Dù với loại nào thì chúng đều có chung một đặc tính là: trợ giúp cơ thể phân cắt những tảng thực phẩm lớn thành những mảnh thực phẩm nhỏ và dần dần thành những phân tử dinh dưỡng như đường đơn, axit amin, axit béo để cơ thể hấp thu. Vì lẽ đó, men tiêu hóa là một công cụ giúp cơ thể lấy lại sức trong những giai đoạn còn yếu ớt và chưa đủ sức tự mình tiêu hóa thức ăn.
Những trường hợp không dùng
Mặc dù men tiêu hóa là sản phẩm bổ sung để hỗ trợ tiêu hóa, nhưng không phải vì thế chúng ta có thể lạm dụng, dùng kéo dài. Để tận thu tác dụng có lợi, chúng ta cần biết cách dùng sao cho đúng.
Trước hết, không dùng men tiêu hóa với người bị chứng tăng tiết axit dạ dày, viêm loét dạ dày và viêm tụy. Mặc dù trong các chứng bệnh này người bệnh có thể xuất hiện hiện tượng sống phân và tiêu chảy. Sở dĩ không dùng men trong các trường hợp này là vì cơ thể đang dư thừa và hoạt hóa quá mạnh men tiêu hóa nội sinh. 
Cơ thể hiện tại không thiếu men tiêu hóa nên việc bổ sung thêm men tiêu hóa không những không khắc phục được hiện tượng tiêu chảy mà còn làm hoạt tính các men này trở nên mạnh mẽ quá mức, phá hủy luôn cả thành ống tiêu hóa.
Với bệnh nhân bị chứng tăng tiết axit, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm tụy thì men tiêu hóa bổ sung sẽ là nhân tố làm trầm trọng thêm bệnh và gây viêm loét ống tiêu hóa nặng hơn.
Cũng để bảo vệ sức khỏe ống tiêu hóa, bạn không nên dùng men tiêu hóa lúc đói. Vì khi dùng lúc đói, dạ dày hoàn toàn trống rỗng. Nồng độ axit trong dạ dày sẽ là chìa khóa kích hoạt các men tiêu hóa trong sản phẩm. 
Các men này được kích hoạt trong tình trạng không có thực phẩm sẵn có, chúng trở nên kích ứng niêm mạc dạ dày và chúng ta dễ bị viêm loét. Tuyệt đối không dùng men tiêu hóa trước bữa ăn, cũng không nên dùng men tiêu hóa sau khi ăn chừng 2 tiếng đồng hồ.
Không dùng men tiêu hóa kéo dài
Việc dùng men tiêu hóa kéo dài không những không thu được lợi ích như mong muốn mà còn làm thay đổi chức năng cơ quan tiêu hóa theo hướng rất xấu. Trong quá trình sinh tồn, cơ thể luôn tự điều chỉnh để phát triển tối đa những phần cần thiết và hạn chế dần những phần không cần thiết. Hành động uống men tiêu hóa kéo dài sẽ tức khắc tác động vào các cơ quan và bộ phận tiết men, làm các cơ quan này giảm tiết dịch tiêu hóa và mất chức năng.
Xin lưu ý các trường hợp không nên dùng men tiêu hóa là các trường hợp bị sống phân hoặc bị tiêu chảy có đau bụng kèm theo, các trường hợp đại tiện phân có máu hoặc nôn ra máu. Một số trường hợp khác bị rối loạn tiêu hóado nhiễm độc các hợp chất hóa học hoặc bị bỏng axit thì cũng tuyệt đối tránh xa thứ sản phẩm này.
Dùng khi nào?
 Tất cả những đối tượng bị rối loạn hoạt động tiết men tiêu hóa đều có thể dùng được men tiêu hóa. Trẻ em là đối tượng đầu tiên vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện và lượng men tiêu hóa thường tiết ra không đủ. Cho nên, trong một số trường hợp cụ thể, em bé đi sống phân thì chúng ta có thể dùng men tiêu hóa.
Trường hợp nào không được dùng men tiêu hóa?
Trẻ em là đối tượng dùng men tiêu hóa nhưng không được lạm dụng.
Đối tượng tiếp theo của men tiêu hóa đó là các trường hợp giảm tiết dịch men tiêu hóa, bệnh nhân bị chứng thiểu toan, giảm toan trong dạ dày, bệnh nhân bị viêm dạ dày thể teo đét. Khi đó, dùng men tiêu hóa thực sự hữu dụng. Nếu bạn là người hay bị rối loạn tiêu hóa, bụng ậm ạch, ăn lâu tiêu, một chút men tiêu hóa có thể sẽ có lợi.
Người mới ốm dậy, người thể lực yếu cũng là đối tượng nên dùng. Những người này, do sức khỏe thể trạng yếu, hệ tiêu hóa thường chưa tiết men đầy đủ. Trong những ngày đầu tiên, nên dùng men tiêu hóa để việc tiêu hóa được bình thường, giúp cơ thể hồi phục nhanh.



Dùng chung đơn thuốc - thói quen tai hại

Thay vì đi khám và được chẩn đoán đúng bệnh, nhiều người dùng ngay đơn thuốc của người khác. Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - BV Bạch Mai cho hay trong gần 40 năm trong ngành y đã chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp nguy kịch khi tự ý dùng thuốc, đặc biệt là việc dùng đơn thuốc của người khác để chữa bệnh cho mình. Tức là khi bị một bệnh nào đó, cảm thấy có những biểu hiện giống bệnh của một người khác từng đi khám và chữa trị, bệnh nhân đã tự khám, tự chẩn đoán bệnh và cho rằng bệnh của mình giống bệnh người kia. Do đó, thay vì đi khám để tìm ra bệnh thực sự, họ đã dùng ngay đơn thuốc của người khác.
PGS Dũng khuyến cáo điều này vô cùng nguy hiểm bởi cùng một biểu hiệu ra bên ngoài, các triệu chứng rất giống nhau, nhưng kể cả cùng một bệnh nhân, cũng có thể có các bệnh khác nhau.
“Cùng một biểu hiện ra bên ngoài có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, có thể 10 bệnh y như nhau, ngược lại, một bệnh cũng có rất nhiều biểu hiện. Đó là mới tính ở một cá thể, mở rộng với nhiều người, giới tính, độ tuổi, sự khác biệt này càng rõ ràng hơn. Mỗi cá thể sẽ có những phản ứng bệnh khác nhau, không ai giống ai. Vì thế người ta mới giao trách nhiệm cho người thầy thuốc”, PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, người bác sĩ có vai trò khám và tập hợp các triệu chứng, bao gồm triệu chứng do bệnh nhân và người nhà kể lại - triệu chứng chủ quan và triệu chứng khách quan là những dấu hiệu chỉ người thầy thuốc nhìn thấy. Nếu không cho thầy thuốc khám sẽ không có những triệu chứng khách quan đó, từ đó không thể chẩn đoán được bệnh. Tất nhiên các phương pháp sau đó sẽ sai hoàn toàn khi bệnh không được phát hiện chính xác.
Dùng chung đơn thuốc - thói quen tai hại
Một đơn thuốc luôn có nghĩa dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Ảnh minh họa
Một đơn thuốc luôn có nghĩa dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như trước kia nhưng bây giờ có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn mà thuốc dùng theo đơn thuốc cũ không còn hiệu quả. Bệnh của người này có vẻ giống người kia nhưng cách và thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm rất nguy hiểm.
Tại sao vẫn có người khỏi bệnh?
Trước thực tế nhiều người vẫn khỏi bệnh khi dùng đơn thuốc của người khác, PGS Dũng cho hay: “Nếu cứ làm như thế sẽ có những tỷ lệ đúng nhất định, điều đó tương tự việc gieo đồng xu, tức một sự ăn may trong khi tính mạng con người hoàn toàn không thể đánh cược theo cách đó”.
Vẫn theo bác sĩ, trong ngành y, đã áp dụng nhiều kỹ thuật, máy móc, sau này kể cả việc dùng người máy cũng không thể thay thể thay thế người thầy thuốc. Ngành y vốn dĩ là ngành khoa học không chính xác, dựa trên kinh nghiệm và số đông. Để hạn chế sai sót, nhất là với các ca bệnh nặng, người ta cần phải hội chẩn bao gồm nhiều chuyên gia đầu ngành. Sau đó phải có một người đứng ra quyết để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Người quyết là người chủ trì cuộc hội chẩn, có đủ kiến thức, năng lực.
Thực tế, những bệnh nhẹ có thể tự khỏi hoặc khỏi theo cách may rủi như trên nhưng khi được can thiệp, tức bệnh nhân được dùng đúng đơn thuốc cho mình, bệnh chắc chắn sẽ khỏe nhanh hơn, không bị di chứng. Chữa sai có thể khỏi nhưng chúng sẽ gây hại về sau.
Việc tự dùng thuốc trở nên nguy hiểm đặc biệt khi làm che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp). Thí dụ, khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau như bệnh vẫn còn (như viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung…), người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời và có thể xảy ra hậu quả rất đáng tiếc.
Do đó, PGS Dũng nhấn mạnh: tuyệt đối không bao giờ lấy thông tin trên internet để chẩn đoán bệnh, mua thuốc trên mạng, đến nhà thuốc hỏi mua về tự uống hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Khi bị rối loạn và nghĩ là mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị. 
Đối với đơn thuốc cũ của người khác, hoàn toàn không dùng để tự chữa trị cho mình. Kể cả với đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh trở lại cũng không nên tự ý dùng trở lại mà tốt nhất nên đi tái khám ở bác sĩ đã chữa bệnh trước đây. Vì chỉ có bác sĩ mới có đủ thẩm quyền cho dùng đơn thuốc cũ hoặc phải thay bằng đơn thuốc mới.

Vì sao cần được bác sĩ tư vấn khi sử dụng thực phẩm chức năng?

Theo nhiều chuyên gia, chúng ta không nên cấm các bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng (TPCN). Thực phẩm chức năng cần được hiểu đúng và tư vấn cho người bệnh.
Ảnh minh họa
Không nên cấm bác sĩ kê đơn
TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng, Cục An toàn thực Phẩm nói, tại sao lại ra thông tư cấm bác sĩ không được kê đơn có thực phẩm chức năng? Trong khi đó, thực phẩm chức năng cũng là giải pháp dinh dưỡng, cần được tư vấn cho người bệnh sử dụng đúng cách, không phải là để họ tự mua một cách vô tội vạ như hiện nay.
Ngoài ra, ông Đáng còn cho rằng, chúng ta đang thiếu một chương trình giáo dục về an toàn thực phẩm và thực phẩm chức năng trong giáo dục ở trường học. Ở Việt Nam không có nội dung này vì ngay cả bác sĩ cũng không hiểu nhiều về thực phẩm chức năng vì không được đào tạo chính khóa.
Còn PGS Lê Văn Truyền-Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng hiện nay không nên cấm bác sĩ kê đơn thuốc có thực phẩm chức năng.
Theo ông Truyền, nếu dùng không đúng thực phẩm chức năng, người tiêu dùng phải dùng sản phẩm không đúng cho sức khỏe. Khi đó, các bệnh mãn tính, tiềm tàng nó sẽ có thể phát triển đến giai đoạn nguy hiểm. Nếu dùng không đúng chi phí cơ hội bỏ ra nhiều, mất cả tính mạng do dùng không đúng, hiểu không đúng vì thực phẩm chức năng nó không có tác dụng ngăn ngừa bệnh mãn tính.
Đặc biệt hiện nay, người tiêu dùng không có đủ kiến thức để hiểu thực phẩm chức năng dùng cho mình như thế nào, ngừa bệnh gì. Hiện nay, họ còn thiếu sự tư vấn của người chăm sóc sức khỏe. “Nghiêm cấm bác sĩ kê đơn thuốc có thực phẩm chức năng nghĩa là họ không tư vấn được cho người tiêu dùng sử dụng như nào, tôi cho là đây là điều người tiêu dùng bị thiệt thòi. Tôi nghĩ chúng ta nên ngăn chặn sự lạm dụng thực phẩm chức năng trong bệnh viện cho người bệnh thì nên tìm cách khác để người bệnh được tư vấn về thực phẩm chức năng” – ông Truyền nói.
Người tiêu dùng chủ yếu mua theo quảng cáo
Hiện nay, người Việt Nam sử dụng ngày càng nhiều thực phẩm phẩm chức năng. Theo số thống kê, từ 40 - 60 % người Việt ở các thành phố lớn sử dụng TPCN. Trên thế giới ở các nước phát triển số người sử dụng thực phẩm chức năng còn cao hơn. Tuy nhiên theo ông Truyền, không phải là số người dùng là bao nhiêu mà việc sử dụng đó đã cần thiết hay chưa và có đúng đắn hay không vì vậy chúng tôi cho kiến thức của người dân cần được nâng lên để sử dụng đúng, hiểu đúng thực phẩm chức năng để có lợi cho sức khỏe của mình.
Ông Truyền cho rằng, hiện nay chúng ta không kiểm soát được truyền thông, quảng cáo về thực phẩm chức năng, nhiều quảng cáo còn loạn ngôn không có cơ sở khoa học xác định, người dân tiếp nhận thông tin sử dụng không cần biết có lợi hay có hại, lợi ích đến mức độ nào.
Người tiêu dùng mua sản phẩm thường theo tư vấn của người thân, của bạn bè và quảng cáo. Vì thế, vai trò của cơ quan quản lý giúp người tiêu dùng nhận thức được vấn đề và nói cho người tiêu dùng sản phẩm nào tốt cho sức khỏe, sản phẩm nào cần thiết vì hiện nay người tiêu dùng đang ở ma trận thực phẩm chức năng và họ thực sự yếu thế, thông tin, họ không đủ năng lực phán xét sản phẩm đó có tốt không, phán xét truyền thông có trung thực, khách quan khoa học hay không. Để cho người tiêu dùng thông minh chúng ta không thể đưa ra khẩu hiệu người tiêu dùng thông minh mà cần phải giúp họ hiểu ra.
Để phân biệt hàng thật hàng giả, các chuyên gia đều khuyên người tiêu dùng một điều quan trọng nhất là mua ở nơi được phép kinh doanh, không nên mua qua các kênh trôi nổi, thương mại điện tử, bán hàng online không có xác nhận của cơ quan quản lý.



Bổ sung vitamin thế nào để không bị bệnh?

Vitamin và chất khoáng là những chất có tỷ lệ thấp trong cơ thể. Nhưng là những chất rất quan trọng trong hoạt động sống còn của cơ thể.

Khi thiếu hay thừa những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau và đôi khi cũng nguy hiểm đến tính mạng.
Vitamin có nhiều loại, dựa vào tính chất vật lý người ta phân các vitamin này thành hai nhóm. Nhóm tan trong nước như vitamin B, C... nhóm tan trong mỡ như A, D, E...
Chất khoáng là những chất như: sắt, kẽm, đồng, vàng, canxi, magiê, natri, kali, chlor, phosphat, sulphat... Chất khoáng chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể, người nặng 50kg thì chất khoáng khoảng 2kg.
Mỗi ngày cơ thể phải cần một lượng tối thiểu về chất khoáng. Các chất này phải được cung cấp qua thức ăn, nước uống hay dưới dạng thuốc khi cần thiết vì cơ thể không tổng hợp được các chất này.
Không phải nhiều là tốt
Nhiều người trong chúng ta nghĩ dùng vitamin liều cao như là thuốc tăng lực. Nhưng chúng ta quên rằng vitamin cũng là thuốc, là chất hóa học nghĩa là khi dùng quá liều cũng sẽ bị ngộ độc. 
Vitamin A, D là hai vitamin tan trong mỡ hay gây ngộ độc khi dùng liều cao kéo dài. Vitamin A được biết là có vai trò quan trọng với thị lực và da, màng tế bào, có thể dùng điều trị các bệnh như vẩy nến, mụn, trứng cá, chứng tóc khô, dễ gãy... 
Thuốc dùng dễ dàng qua đường uống và người ta đã quan sát được khi ngộ độc vitamin A có thể gây ra phù não, tổn thương trầm trọng ở gan. Cả hai biến chứng này đều có thể nguy hiểm đến tính mạng nên chúng ta phải thận trọng khi dùng vitamin A liều cao kéo dài. Tốt nhất là khi dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Pyridoxine hay còn gọi là vitamin B6 thường dùng để điều trị tình trạng chóng mặt và rối loạn tiền mãn kinh. Khi dùng quá liều kéo dài có thể bị ngộ độc gây tổn hại hệ thần kinh trung ương.
Acid ascortbic hay còn gọi là vitamin C được biết như là thuốc làm tăng sức đề kháng. Khi thiếu vitamin C thì mạch máu dễ vỡ gây xuất huyết dưới da. Trước đây, bệnh được mô tả ở những thủy thủ lênh đênh trên biển nhiều tháng liên tục không ăn rau, trái cây tươi. 
Vitamin C mang nhiều lợi ích khi ta biết cách sử dụng. Vitamin C có nhiều trong cây xanh, rau quả như chanh, cam, quýt, bưởi, bắp cải... Nhu cầu cơ thể về vitaminn C cao hơn các loại vitamin khác rất nhiều. Người lớn cần khoảng 50-100mg, nghĩa là 1mg/kg thể trọng mỗi ngày; đối với trẻ con và phụ nữ có thai cần 100-200mg mỗi ngày. 
Vitamin C ngoài tác dụng tốt cho tim mạch còn có tác dụng tăng sức đề kháng chống lại bệnh cảm, cúm, điều này đã được biết từ vài chục năm trước đây: với liều dùng khá cao 1-4g/ngày trong vài ngày người ta có thể rút ngắn được 30% thời gian mắc bệnh cúm. Ngược lại, nếu chúng ta không biết cách sử dụng, dùng liều quá cao trên 2g/ngày kéo dài trong nhiều tháng có thể gây hại cho dạ dày vì bản thân vitamin là acid - là chất chua. 
Tệ hại hơn là liều cao vitamin C làm tăng oxalate canxi trong nước tiểu, những tinh thể này sẽ lắng đọng tại thận tạo thành sạn thận. Chỉ nên dùng khoảng 0,5-1g vitamin C mỗi ngày sẽ rất có lợi cho sức khỏe và chống được chứng xơ vữa động mạch... khi cần dùng lâu dài cũng nên hỏi qua ý kiến bác sĩ.
Thiếu lại càng nguy hiểm
Nếu chúng ta không cung cấp đủ vitamin thì sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà, giảm sức đề kháng, thiếu vitamin C gây chứng chảy máu dưới da, thiếu vitamin B1 gây phù, suy tim, thiếu vitamin D gây còi xương, thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh...
Chất khoáng cũng rất quan trọng tham gia vào nhiều phản ứng hóa học quyết định sự sống còn trong cơ thể và là thành phần cấu tạo chủ yếu của một vài cơ quan trong cơ thể như: canxi là thành phần cấu tạo chủ yếu của xương, sắt là thành phần cấu tạo chủ yếu của hemoglobin trong hồng cầu - là chất có chức năng vận chuyển oxygen trong máu.
Thiếu chất khoáng gây nhiều tác hại cho sức khỏe: thiếu canxi gây co giật tay chân, thiếu kali gây chuột rút, rối loạn nhịp tim...
Phòng ngừa thiếu vitamin và chất khoáng bằng cách nào?
Để phòng ngừa những tình trạng này chúng ta nên ăn uống thức ăn có chứa đầy đủ chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Còn trong điều kiện sức khỏe suy giảm, người già, người bệnh nặng kéo dài chúng ta nên dùng thêm thuốc có chứa đầy đủ các thành phần vitamin và chất khoáng cần thiết cho nhu cầu cơ thể. 
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở những người ở độ tuổi trung bình từ 48-78 tuổi thì sau 4-10 tuần bổ sung vitamin và chất khoáng có cải thiện rõ rệt về sức khỏe như: giảm được mệt mỏi, tập trung tư tưởng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, dễ ngủ và thời gian ngủ kéo dài hơn...
Vitamin và chất khoáng là những chất nền tảng của sự sống, chúng được cung cấp hàng ngày qua thức ăn, nước uống dễ dàng đến độ có lúc chúng ta quên đi sự cần thiết thực sự của nó. Cho đến khi sự thiếu thốn tích lũy lâu dần theo thời gian trở thành bệnh lý tức là lúc sức khoẻ suy giảm nhiều đôi khi đã khá muộn. Hãy cung cấp kịp thời những gì cơ thể cần.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons