Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Dùng thuốc chống ngạt mũi coi chừng tai biến


Thuốc chống ngạt mũi được dùng phổ biến để điều trị các bệnh tai - mũi - họng. Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc chống ngạt mũi cũng phải cẩn trọng để tránh gặp tai biến.

Rất thông thường
Khi bị ngạt mũi rất ít người nghĩ tới chuyện đi khám bệnh ngay mà thường mua thuốc về nhỏ hoặc xịt mũi. Có ba lý do khiến người bệnh ngại đi khám: bệnh không nguy hiểm, dễ mua thuốc và cách dùng thuốc đơn giản.
Sở dĩ thuốc được ưa dùng trong cả bệnh viện và trong cộng đồng là do tác dụng của thuốc. Công dụng của thuốc đều dựa trên một nguyên lý chung là kích thích hệ vận mạch tại chỗ của mũi theo hướng hoạt hóa hệ giao cảm, tác dụng vào thụ cảm thể alpha của adrelanin. Khi gắn vào thụ cảm thể này sẽ gây ra hoạt tính như một adrenalin chính hiệu. Nghĩa là mạch máu bị co lại, thành mạch giảm tính thấm và chống thoát dịch khỏi mạch. Từ đó hiệu năng được thể hiện.
Mặc dù có nhiều tác nhân khác nhau gây ra viêm mũi như phấn hoa, virut, vi khuẩn, nấm mốc, chấn thương hay do lạnh thì đều gây ra hiện tượng là giãn mạch máu mạnh và thoát dịch. Dịch mũi mà chúng ta vẫn thấy thực chỉ là do nước trong lòng mạch thoát ra mà thôi. Làm co mạch lại và chống thoát mạch sẽ làm giảm sổ mũi và chống ngạt mũi.
Hiện nay có nhiều loại thuốc có thuộc tính chống ngạt mũi như ephedrin, naphazolin, oxymetazolin, pseudoephedrin, phenylephrin, levo-methamphetamin, phenylpropanolamin, tetrahydrozolin…Trong đó 3 loại thuốc đầu rất phổ biến tại nước ta, thường được bào chế dưới dạng lọ xịt hoặc lọ nhỏ mũi.
Và những biến cố
Mặc dù những chứng bệnh có ngạt mũi ít khi nguy hiểm tới tính mạng và việc dùng thuốc lại đơn giản nhưng thuốc lại không hề dễ tính với một số bệnh có chống chỉ định với những thuốc này.
Thứ nhất, đó là tác dụng phụ liên quan đến tác dụng chính. Vì thuốc ứng dụng điều trị được là do hoạt tính kích thích giao cảm của nó nên những người cần hạn chế hoạt tính giao cảm thực sự dùng là không tốt. Ví dụ như người bị tăng huyết áp, nếu dùng thuốc co mạch này nhiều lần trong một ngày sẽ gây ra hoạt tính cường giao cảm và làm huyết áp tăng lên.
Nếu như huyết áp đang cao thì nó hoàn toàn có thể kích thích tạo ra một cơn tăng huyết áp kịch phát, thậm chí gây ra đột quỵ não. Với những người có nhịp tim nhanh và/hoặc rối loạn nhịp tim không đồng đều, nếu dùng thuốc có hoạt tính cường giao cảm như thuốc chống ngạt mũi thì chỉ càng làm cho tim hưng phấn, nhịp tim càng nhanh, người càng hồi hộp và cơ thể thì càng mệt. Vì thế, những người bị cường giao cảm hoặc bị những bệnh gây ra cường giao cảm thì nên hạn chế thuốc này.
Biến cố thứ hai cũng liên quan tới tác dụng chính đó là tác dụng làm co mạch. Không giống mạch máu ở những chỗ khác, mạch máu của mũi rất nhạy cảm và rất dễ biến đổi. Nó dễ co vào và giãn ra như một chiếc điều hòa vạn năng, vì nó thực hiện nhiệm vụ làm ấm và làm ẩm luồng không khí hít vào.
Nếu chúng ta làm cho mạch máu co lại nhiều quá hoặc lâu quá thì niêm mạc mũi bị teo lại, khí thở khô và niêm mạc mất chức năng. Lúc này thì việc phục hồi lại niêm mạc sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, để an toàn không được dùng thuốc nhiều lần trong ngày và không dùng thuốc quá 5 ngày.



Khi nào cần dùng acid folic


Đối với phụ nữ mang thai ngoài được khuyên ăn uống đầy đủ chất còn được khuyên là dùng thêm acid folic. Bởi đây là một vitamin tổng hợp nhóm B có ảnh hưởng tới nhiều quá trình chuyển hóa.

Dùng trong trường hợp nào?
Đối với phụ nữ mang thai ngoài được khuyên ăn uống đầy đủ chất còn được khuyên là dùng thêm acid folic. Bởi đây là một vitamin tổng hợp nhóm B có ảnh hưởng tới nhiều quá trình chuyển hóa, trong đó có sự tổng hợp DNA. 
Khi kết hợp với vitamin C, acid folic được chuyển thành chất rất cần thiết cho sự tổng hợp cả DNA và RNA của cơ thể và là yếu tố không thể thiếu được cho tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường. Nếu thiếu acid folic sẽ gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và gây dị tật cho thai nhi.
Ngoài việc bổ sung cho phụ nữ mang thai, acid folic còn được dùng trong các trường hợp: điều trị và phòng tình trạng thiếu aid folic (không do chất ức chế), thiếu acid folic trong chế độ ăn, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic do kém hấp thu hay tiêu chảy kéo dài, bổ sung acid folic cho người bệnh đang điều trị bằng các thuốc kháng acid folic như methotrexat, người bệnh đang điều trị động kinh bằng các thuốc như hydantoin hay đang điều trị thiếu máu tan máu khi nhu cầu acid folic tăng lên…
Thực phẩm chứa nhiều acid folic
Và những lưu ý
Cần lưu ý, không được dùng acid folic riêng biệt hay dùng phối hợp với vitamin B12 với liều không đủ để điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ chưa chẩn đoán được chắc chắn. Các chế phẩm đa vitamin có chứa acid folic có thể nguy hiểm vì che lấp mức độ thiếu thực sự vitamin B12 trong bênh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12. 
Những phụ nữ đã có tiền sử mang thai lần trước mà thai nhi bị bất thường ống tuỷ sống thì có nguy có cao mắc lại tương tự ở lần mang thai sau, vì vậy nên bổ sung acid folic từ trước khi mang thai.



Báo động về nạn thuốc giả!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là thuốc bị nhiễm khuẩn, thuốc không có hoạt chất hay không đúng hoạt chất, thuốc có đúng hoạt chất nhưng không đúng liều lượng. Thuốc giả là thuốc bất hợp pháp và gây tác hại đến sức khỏe.
Như vậy, phân loại thuốc giả của WHO được mở rộng bao gồm thuốc giả và thuốc kém chất lượng.
Hiện nay, thuốc giả đang tràn ngập nhiều nơi trên thế giới, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Thuốc giả không chỉ gây ra “tiền mất tật mang” mà còn đe dọa đến tính mạng!
Mới đây, chính quyền Ấn Độ điều tra và kết luận thuốc giả là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng trăm trẻ sơ sinh tại Bệnh viện phụ sản GB Pant ở Kashmir trong 3 năm qua. Và gần 8.000 bệnh nhân thiệt mạng tại một bệnh viện ở bang Jammu & Kashmir trong vòng 5 năm qua do được điều trị bằng một loại thuốc kháng sinh không có hoạt chất trị bệnh!
Vào năm 2008, 149 người Mỹ đã bị tử vong sau khi uống thuốc heparin (thuốc chống đông máu, ngăn ngừa huyết khối tim mạch) giả do Trung Quốc sản xuất!
Nạn thuốc giả hiện là vấn đề toàn cầu, khi không còn khu trú ở một quốc gia riêng lẻ mà lan tràn từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ châu lục này sang châu lục khác. Mức độ sản xuất thuốc giả đang ngày càng quy mô và tinh vi, nếu chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài cũng không thể phân biệt được thuốc giả, thuốc thật!
Đặc biệt, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước có nền công nghiệp dược phát triển hàng đầu trên thế giới cũng chính là các quốc gia sản xuất thuốc giả với quy mô lớn và nghiêm trọng hơn là có sự tiếp tay của một số công ty dược phẩm lớn tại các nước này.
WHO ước tính tại các thành phố lớn ở Ấn Độ, cứ 5 viên thuốc bán ra có 1 viên thuốc giả. Thuốc giả đã tăng trưởng lên mức chiếm lĩnh 10 - 20% toàn bộ thị trường.
Vừa qua, FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã lên tiếng cảnh báo chất lượng và độ an toàn của các loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ và nghiêm cấm nhập một số loại thuốc từ Ấn Độ. FDA cũng đã khởi kiện công ty Ranbaxy (một công ty dược phẩm lớn của Ấn Độ) với mức phạt 500 triệu USD do tiếp tay sản xuất thuốc giả!
Tại Trung Quốc, cảnh sát đã bắt giữ 1.300 người tình nghi sản xuất và buôn bán thuốc giả, với tang vật gồm nhiều loại dược phẩm giả (từ thuốc cảm cúm… đến thuốc tim mạch) và 9 tấn nguyên liệu thô trị giá 2,2 tỉ NDT!
Ở nước ta, trên các phương tiện truyền thông báo, đài vẫn thường ngày đưa tin các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành và thu hồi. Vào ngày 24/2/2014, trong buổi lễ ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội, cùng các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an Hà Nội, phát biểu: “Thuốc giả không chỉ tồn tại ở các nhà thuốc tư nhân, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mà đã thâm nhập vào một số chuỗi cung ứng như công ty, nhà thuốc bệnh viện”.
Qua đó, cho chúng ta thấy được mức độ nghiêm trọng của tình hình thuốc giả đang tràn lan ở nước ta hiện nay, gây ra những thiệt hại lớn lao về sức khỏe, tính mạng và kinh tế.
Tuy hoàn cảnh của mỗi nước khác nhau, nhưng hầu hết chính phủ các nước đều có những nỗ lực chống lại nạn thuốc giả. Ở nước ta, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, công an, hải quan, quản lý thị trường…, người dân cần chú ý:
- Không mua thuốc giá rẻ, trôi nổi, có nguồn gốc không rõ ràng.
- Nên mua thuốc ở các nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện, công ty dược phẩm có uy tín, đảm bảo được nguồn gốc rõ ràng của thuốc.




Một số loại thuốc ngừa tai biến vữa xơ động mạch

Các thuốc ngăn cản tiểu cầu kết tập lại gần như đóng vai trò then chốt trong điều trị các biến chứng cấp tính cũng như dự phòng tái phát biến chứng của bệnh vữa xơ động mạch.

Khi mảng vữa xơ động mạch (VXĐM) bị đứt gãy, tạo điều kiện cho dòng máu tiếp xúc trực tiếp với các chất gây đông máu chứa trong mảng vữa xơ khiến tiểu cầu bị kết vón tại đó rồi hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông dòng máu và có thể gây tai biến. 
Do đó, các thuốc ngăn cản tiểu cầu kết tập lại gần như đóng vai trò then chốt trong điều trị các biến chứng cấp tính cũng như dự phòng tái phát biến chứng của bệnh vữa xơ động mạch.
Một số thuốc thường dùng
Aspirin: là acid acetyl-salicylic, ban đầu, nó được sử dụng làm thuốc điều trị hạ sốt và giảm đau. Sau đó, người ta phát hiện ngoài tác dụng trên, nó còn có tác dụng kéo dài thời gian chảy máu. Đến 1967, aspirin chính thức được sử dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch.
Aspirin được chỉ định rộng rãi trong bệnh huyết khối - nghẽn mạch như: nhồi máu cơ tim; đau thắt ngực không ổn định; tai biến thiếu máu não.
Các chỉ định này không những áp dụng trong điều trị giai đoạn cấp tính mà còn có tác dụng dự phòng tái phát cũng như dự phòng các tai biến huyết khối - nghẽn mạch ở những vị trí khác.
Hình ảnh vữa xơ động mạch
Ngoài ra, aspirin cũng được chỉ định rất rộng rãi trong dự phòng tiên phát các tai biến huyết khối - nghẽn mạch ở những bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao như: loạn nhịp tim (đặc biệt rung nhĩ), suy tim...
Thuốc phải luôn được uống sau bữa ăn để giảm bớt tác dụng gây kích ứng dạ dày (trừ các trường hợp cấp cứu). Có một dạng aspirin được bào chế chỉ hấp thu trong ruột (aspirin pH8), tránh được tổn thương dạ dày sau khi uống và thích hợp cho BN có bệnh ở dạ dày tá tràng, tuy nhiên, phải luôn nhớ là dạng này chỉ có tác dụng giảm kích ứng dạ dày tại chỗ chứ không giảm được tác dụng phụ trên dạ dày qua cơ chế tác động toàn thân.
Clopidogrel: là dẫn chất thienopyridin, có cấu trúc hoá học giống ticlopidin, cũng có tác dụng chống kết tập tiểu cầu. Hiện nay, đây là thuốc được sử dụng rộng rãi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc có tác dụng làm giảm tới 50% các biến chứng tim mạch chính (nhồi máu cơ tim, đột tử) ở những bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp.
Biến chứng đáng sợ nhất của clopidogrel cũng như các thuốc chống viêm non steroid là chảy máu đường tiêu hoá. Tuy nhiên, nếu tôn trọng chống chỉ định chặt chẽ và tuân thủ cách sử dụng thuốc thì tỷ lệ này cũng rất thấp.
Các tác dụng phụ khác có thể kể đến là: rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, nôn, tiêu  chảy, viêm dạ dày...; nổi mẩn da; có thể gặp giảm tiểu cầu (rất hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/200.000 bệnh nhân).
Chỉ định: Thuốc được chỉ định trong các trường hợp nhằm dự phòng huyết khối gây tắc động mạch như:
- Nhồi máu cơ tim cấp (trong vòng 35 ngày); tai biến thiếu máu não (trong vòng 6 tháng) và bệnh viêm tắc động mạch.
- Hội chứng mạch vành cấp không có đoạn ST chênh lên.
Chống chỉ định: tăng mẫn cảm với thuốc hoặc các chế phẩm của thuốc; suy gan nặng; đang có chảy máu chưa cầm được như chảy máu đường tiêu hoá, chảy máu nội sọ; không nên sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Một số thuốc khác (ngày nay ít được sử dụng):
Dipyridamol: thuốc có đặc tính chống kết vón tiểu cầu, đồng thời còn có tác dụng giãn động mạch vành, làm tăng cung lượng động mạch vành. Tuy nhiên, hoạt tính chống kết vón tiểu cầu yếu, do vậy chỉ định hạn chế. Hiện nay, thuốc chỉ sử dụng cho bệnh nhân có chống chỉ định với aspirin, thienopyridin.
Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc là: đôi khi có đau đầu, bừng nóng mặt, hạ huyết áp do thuốc làm giãn mạch; có thể có nổi mẩn, nôn mửa, tiêu chảy.
Chống chỉ định: khi có truỵ tim mạch, hạ huyết áp.
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Ticlopidin: Ticlopidin cũng là một dẫn chất thienopyridin, có khả năng ức chế mạnh kết tập tiểu cầu.
Tác dụng phụ: rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, tiêu chảy; dị ứng thuốc: ngứa, nổi mẩn, nổi ban ở da, đôi khi có tăng các men gan và viêm gan thể ứ mật; giảm bạch cầu (1 - 2%), giảm tiểu cầu, hiếm gặp giảm sản tuỷ xương. Có thể có chảy máu; làm tăng cholesteron, triglycerid, LDL, VLDL máu trong những tháng đầu dùng thuốc.




Hệ lụy do uống thuốc dạ dày không đầy đủ


Viêm loét dạ dày vẫn là một trong các bệnh có tỷ lệ gặp cao trong cộng đồng. Thế nhưng người bệnh lại thường chữa trị không đến nơi đến chốn dẫn tới những biến chứng nặng nề.

Dùng thuốc tùy tiện
Bệnh nhân Đỗ Thị Th., 55 tuổi (Khoái Châu, Hưng Yên) bị bệnh viêm dạ dày cách đây 3 năm. Ban đầu, bà thấy đau bụng lâm râm vùng sát mũi ức. Khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh, bà được bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn uống thuốc trong 7 ngày, rồi khám lại. 
Thế nhưng uống được 3 ngày, bà thấy hết đau và tự ý bỏ thuốc. Vài tháng sau, bệnh tái phát. Bà không đi khám nữa mà dùng theo đơn thuốc cũ. Và cũng như lần trước, uống thuốc thấy đỡ tưởng là bệnh đã khỏi nên lại dừng thuốc. 
Đến lần thứ ba, bệnh lại tái phát, bà lại mang “võ” cũ ra dùng nhưng không ổn. Đi khám và làm các xét nghiệm tại Bệnh viện 103, bác sĩ kết luận bà bị ung thư dạ dày. Bác sĩ còn cho biết đây có thể là hệ lụy từ việc uống thuốc không đầy đủ.
Việc không tuân thủ trong điều trị, hay dùng thuốc theo đơn cũ này cũng là tình trạng phổ biến ở những người bệnh dạ dày.
Đến hệ lụy
Đối với các loại vitamin, uống vài ba ngày rồi dừng có thể sẽ không gây ra những tác hại đáng kể nào,  nhưng với thuốc điều trị viêm loét dạ dày thì lại khác. Việc uống thuốc tùy tiện thực sự tai hại với khả năng điều trị khỏi của bệnh. Chúng tôi muốn đề cập tới ở đây 3 khía cạnh của việc uống thuốc tùy tiện, đó là tự uống thuốc, tự dừng thuốc và tự ý thay đổi thuốc. Những hành động không đúng này có thể đưa bạn vào ba tình huống nguy hiểm sau đây:
Biến dễ khỏi thành khó khỏi
Sự cố đầu tiên đó là biến bệnh của bạn từ một ca bệnh dễ điều trị thành một ca bệnh khó điều trị. Thường thì ban đầu chúng ta không bị loét dạ dày mà có thể sẽ bị viêm dạ dày trước. Cần phải hiểu rằng, viêm dạ dày không đồng nhất với loét dạ dày. Viêm dạ dày thì nhẹ hơn, điều trị đơn giản và nhanh trong khi đó loét dạ dày thì nặng hơn, điều trị phức tạp và lâu hơn.
Khi bị viêm dạ dày nếu chịu khó dùng thuốc đúng theo bác sĩ chỉ định có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu không tuân thủ điều trị, uống thuốc nhát ngừng có thể tự chúng ta biến viêm thành loét dạ dày.
Tăng độ kháng thuốc
Nguyên nhân của viêm loét dạ dày là có nhiều. Tổ hợp các yếu tố được cho là có vai trò gây bệnh là rượu bia, thuốc lá, dùng thuốc nhiều tác dụng phụ, dạ dày tăng toan (tiết nhiều axit), nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, dạ dày giảm tiết nhày… Nhưng có một yếu tố cố định và gần như bao giờ cũng được nhắc tới là axit (đây cũng là một yếu tố đáng kể nhất gây ra chứng bệnh này). Người ta vẫn hay nói vui với nhau rằng, không có axit thì không có loét. Việc không uống thuốc quy chuẩn sẽ gây ra tăng tiết axit.
Đó là vì trong phác đồ điều trị bao giờ người ta cũng dùng một loại thuốc giảm tiết axit, được gọi tắt là thuốc giảm tiết như cimetidin, quamatel, omeprazol, lanzoprazol… Dùng đúng thì chúng ức chế tiết axit rất hiệu quả. Nhưng dùng nửa vời thì chúng lại gây ra một phản xạ ngược: tăng tiết axit. Nghĩa là nếu đang dùng theo đà khỏi bệnh mà đột ngột dừng lại thì đồng loạt các tế bào tiết axit sẽ tăng tiết chất này. Hậu quả là axit được tiết ra nhiều hơn. Bệnh đi vào con đường nặng hơn, khó đáp ứng với điều trị hơn. Bệnh có nguy cơ kháng thuốc đang sử dụng.
Ung thư dạ dày
Những hệ lụy trên cũng đủ để người bệnh phải đi tới đi lui tới bệnh viện và phòng khám. Chán ngán là thế nhưng xem ra nó vẫn còn may mắn vì họ vẫn còn cơ hội để sửa sai và tiếp tục sống. Còn với biến chứng thứ ba này thì thực sự không may mắn. Họ sẽ rơi vào cảnh khốn cùng của bệnh tật, đó là ung thư. Người bệnh không những không được điều trị khỏi mà còn bị kết thúc cuộc sống của mình sớm hơn so với tuổi “trời đã định”.
Đây không phải là thông tin phóng đại cho việc dùng thuốc tùy tiện, song người ta thấy rằng có một tỷ lệ đáng kể số người bị biến chứng sang ung thư dạ dày từ loét, giới y học vẫn gọi đó là loét ung thư hóa. Người ta khảo cứu và thấy rằng, nếu một người bị loét dạ dày mà do nhiễm vi khuẩn HP thì họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn gấp từ 3-6 lần so với người khác. Và nếu như họ điều trị không đúng thì họ có thể bị nguy cơ ung thư cao từ 6-12 lần so với người điều trị khỏi.
Việc loét ung thư hóa là do loét dạ dày không được điều trị bài bản. Chúng cứ gần khỏi rồi lại tái phát. Lâu dần, chúng bị viêm mạn tính và trở thành những tế bào biến dị dạng ung thư. Điều này rất dễ xảy ra với người già, người loét tái phát, người điều trị muộn và người điều trị tự do.
Bởi vậy, người bệnh cần uống đúng thuốc, uống đủ thuốc, tuân thủ liệu trình điều trị (đủ ngày) và có sự kiêng khem cẩn thận theo hướng dẫn của thầy thuốc



Rối loạn nhịp tim nặng do dùng thuốc

Buổi sáng hôm ấy ông Cường vừa thức dậy thì bị ngất xỉu, cả nhà tưởng ông bị đột quỵ vội đưa ông đi cấp cứu.




Sau khi làm các xét nghiệm và hỏi các triệu chứng trước đó thì bác sĩ kết luận ông bị ngất xỉu do tình trạng kali trong máu quá cao vì dùng thuốc lợi tiểu dẫn đến rối loạn nhịp tim nặng.
Chả là ông Cường bị bệnh đái tháo đường từ rất lâu năm rồi, còn bị biến chứng suy thận nữa nên hay gặp khó khăn trong vấn đề tiểu tiện. Thấy ông ốm đau triền miên nên mấy bạn già từ hồi trong quân ngũ đến thăm. Một ông còn mách cho ông dùng thuốc lợi tiểu aldacton để giúp đi tiểu dễ dàng. 
Quả là thuốc tốt nên rất hiệu nghiệm, ông uống thuốc được vài ngày thì việc tiểu tiện bớt khó khăn hơn nhiều, nhưng lại xuất hiện triệu chứng lạ như hay buồn nôn, đau đầu và đặc biệt cứ thấy trống ngực đập thình thịch và có lúc cảm tưởng như sắp ngất xỉu. Đến sáng hôm đó thì ông xỉu ngay khi mới thức dậy.
Bác sĩ giải thích cho ông biết: Aldacton là thuốc lợi tiểu giữ kali. Trong trường hợp của ông bị suy thận, vốn dĩ đã làm tăng kali máu rồi lại dùng thêm nhóm thuốc này nữa khiến tình trạng tăng kali máu càng cao. Do vậy dẫn đến rối loạn nhịp tim nặng với các triệu chứng ông gặp phải. May mà ông đến bệnh viện kịp thời, nếu không thì tình trạng loạn nhịp nặng rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây đột tử do rung thất.
Bác sĩ còn cho biết thêm: Aldacton là thuốc lợi tiểu rất tốt nhưng nó chống chỉ định đối với bệnh nhân bị suy thận. Do vậy, dù bệnh nhân bị bí tiểu do bất kỳ nguyên nhân gì thì cũng cần phải tới gặp bác sĩ để được khám và tư vấn dùng thuốc, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng mà nguy hiểm cho sức khỏe.



Khó chịu sau ăn - Dùng thuốc gì?

Nhiều người than phiền về tình trạng ậm ạch, khó tiêu sau khi ăn, nhất là trong dịp Tết đến xuân về. Hội chứng này thường là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau liên quan đến đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, đôi khi nó chỉ là biểu hiện của tình trạng ăn quá nhiều, quá nhanh, ăn nhiều chất béo, ăn quả chua hoặc ăn phải một số gia vị hoặc thực phẩm không phù hợp, khó tiêu hóa...
Nếu người bệnh có dấu hiệu đau bụng, khó chịu, buồn nôn, đầy hơi, trướng bụng thì cần phải đi khám để tìm ra bệnh cụ thể. Chứng ăn không tiêu cũng có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng về tâm lý, mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ chất, người lười vận động... Vì vậy, cần xem xét kỹ trước khi quyết định dùng thuốc.
Nhu động ruột kém thường gây khó chịu sau ăn.
Nhu động ruột kém thường gây khó chịu sau ăn
Chứng bệnh này liên quan mật thiết đến một số căn bệnh ở đường tiêu hóa như bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh khó tiêu dạng đầy hơi... Khi đó, cần dùng thuốc theo phác đồ trị bệnh cụ thể. 
Việc sử dụng một số thuốc kháng viêm, giảm đau để điều trị các bệnh khác cũng có thể gây ra các phản ứng có hại do thuốc, nhất là khi sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), các glucocorticoid, các kháng sinh... có thể gây loét đường tiêu hóa và cũng gây ra tác dụng có hại là khó chịu sau ăn, ăn không tiêu, ợ hơi, cảm giác buồn nôn...
Các thuốc hay dùng để trị chứng này là:
- Thuốc kháng acid: là những hợp chất có tính bazơ để trung hòa HCl có trong dịch tiết của dạ dày. Hay dùng là các muối của nhôm, muối magne, calci carbonat hoặc natri carbonat (nabica). Tuy nhiên cần lưu ý, nabica không được dùng cho người bị tăng huyết áp, bệnh tim, suy gan hoặc có thai do có nồng độ natri cao.
- Thuốc chống loét: hay dùng là các thuốc kháng tiết acid dịch vị như nhóm ức chế bơm proton (omeprazole, lansoprazole, esomeprazole, pantoprazole...), nhóm ức chế thụ thể H2 (cimetidin, famotidin, ranitidine...).
- Thuốc kích thích nhu động: hay dùng là các chất như domperidon, metoclopramide, itopride, mosapride, tegaserod. Các thuốc này có tác dụng rất tốt để kích thích nhu động đường tiêu hóa, giúp cho thức ăn được nhào trộn nhanh và tránh đầy bụng, khó tiêu.
- Thuốc chống đầy hơi: hay dùng là simethicon, dimethicon và sena, có tác dụng tốt khử bỏ hơi tích tụ trong đường tiêu hóa, tăng trung tiện, giảm khó chịu cho người bệnh.
- Các thuốc hỗ trợ tiêu hóa, trị chứng khó tiêu: hay dùng là các men tiêu hóa như amylase, diastase, biodiastase, cellulase, lipase, protease. Ngoài ra, cũng có thể dùng thêm thuốc hỗ trợ tiêu hóa pancreatin giúp làm giảm sự phá hủy pancreatin bởi acid dịch vị. 
Người hay bị chứng khó chịu sau ăn, đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch không tiêu cũng có thể dùng một số trà thảo dược, gừng hoặc sản phẩm bổ sung có nguồn gốc thiên nhiên để giải độc cơ thể, lợi mật, lợi tiểu để giúp cho quá trình tiêu hóa được thuận lợi.
Người mắc chứng khó chịu sau ăn cần phải thay đổi cách ăn, ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá nhiều chất kích thích hoặc gia vị gây khó tiêu. Nên đi bộ chậm rãi sau khi ăn, tránh lười vận động, ăn xong lại nằm. 
Mang trang phục thoải mái, tránh mặc quần áo, đồ lót, dây nịt quá chật ảnh hưởng đến sự vận động và tiêu hóa thức ăn của cơ thể. Trong dịp Tết cổ truyền, nên ăn có chừng mực các thực phẩm dễ gây đầy bụng như bánh chưng, móng giò, thịt mỡ, các loại giò, các loại bánh mứt kẹo.




 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons