Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý bao gồm bệnh viêm phế quản mãn tính và bệnh khí phế thũng, với tình trạng giới hạn thông khí ở phổi và không thể phục hồi hoàn toàn.


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ tư trên thế giới (sau các bệnh mạch vành, ung thư, tai biến mạch máu não). Hiện nay ở nước ta, do thói quen hút thuốc lá và môi trường sống ô nhiễm nên bệnh COPD đang ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân:
- Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu.
- Sự tiếp xúc lâu ngày với các chất kích ứng phổi: bụi, khói hóa chất dộc hại như thợ mỏ, công nhân hóa chất rất dễ mắc phải căn bệnh này.
Khi ta hít vào, không khí sẽ từ khí quản đi xuống phế quản (chia làm hai nhánh: phế quản phải và phế quản trái), tiếp tục đi xuống tiểu phế quản (những nhánh nhỏ của phế quản), rồi đi đến phế nang (túi khí tận cùng của tiểu phế quản). Ở các phế nang, khí oxy sẽ đi vào các mao mạch bao quanh phế nang. 
Và đồng thời khí cacbonic sẽ từ mao mạch đi vào phế nang, rồi được thở ra ngoài. Đây là quá trình trao đổi khí tự nhiên trong cơ thể. Ở người mắc bệnh COPD, do thành phế nang bị tổn thương bởi áp lực lớn của tình trạng viêm nhiễm lâu ngày, quá trình trao đổi khí này mất cân bằng, dẫn đến tình trạng thiếu oxy cho cơ thể.
Triệu chứng:
Người mắc bệnh COPD thường có các triệu chứng:
- Ho.
- Khó thở.
- Tức ngực.
Thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Hơi thở ngắn.
- Khò khè.
- Có đờm vàng…
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh COPD sẽ gây ra các biến chứng suy tim, suy hô hấp… có thể dẫn đến tử vong!
Thuốc điều trị
Sau đây là một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh COPD, có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển bệnh và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhóm thuốc chủ vận ß2: kích thích thụ thể ß2 trên cơ trơn phế quản, giúp cho thông khí dễ dàng, hồi phục hô hấp. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc thuốc xịt, giúp làm giảm các cơn khó thở xảy ra đột ngột và được chia làm 2 nhóm:
Nhóm tác động ngắn hạn: gồm có salbutamol, terbutalin…
Nhóm tác động dài hạn: gồm có salmeterol, formoterol…
Tác dụng phụ gồm có run cơ, vọp bẻ, nhức đầu, buồn nôn và tim đập nhanh…
Nhóm thuốc kháng cholinergic: tác động bằng cách ức chế acetylcholine gây giãn phế quản và giảm tiết dịch nhầy.
Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt, thay thế cho những bệnh nhân bị tác dụng phụ với thuốc chủ vận ß2 và được chia làm 2 nhóm:
Nhóm tác động ngắn hạn như: ipratropium.
Nhóm tác động dài hạn như: tiotropium.
Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, fluticason, budesonid, beclomethason…): tác động kháng viêm lên đường hô hấp giúp phế quản không còn bị hẹp do viêm nhiễm và giảm sự tổn thương ở phổi. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt hay thuốc viên.
Cần lưu ý: không sử dụng nhóm thuốc corticosteroid với người có tiền sử viêm loét dạ dày, cao huyết áp, đái tháo đường…
Nhóm thuốc cromone (cromolyn natri, nedocromil natri…) thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt. Các thuốc này ngăn cản sự phóng thích các chất trung gian hóa học như histamin, serotonin… gây ra các phản ứng viêm và dị ứng đường hô hấp.
Cần lưu ý: không sử dụng nhóm thuốc này cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
Khi sử dụng dạng thuốc xịt, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn và đúng số nhát xịt mà bác sĩ chỉ định. Không nên tự ý tăng giảm liều hay đột ngột ngưng thuốc.
Theophyllin là một hoạt chất thuộc nhóm xanthin có tác dụng giãn phế quản, giúp làm giảm các triệu chứng khó thở, khò khè… ở người mắc bệnh COPD.
Theophyllin thường được trình bày ở dạng thuốc viên với hàm lượng 100mg.
Thuốc kháng sinh: chỉ sử dụng khi có biểu hiện bội nhiễm ở người mắc bệnh COPD:
- Tình trạng khó thở gia tăng.
- Màu sắc của đờm thay đổi.
- Lượng đờm khạc nhiều.
Các thuốc kháng sinh nhóm Beta-lactamin (amoxicillin, cefuroxim, cefotaxim…), Macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin…), Quinolon (offloxacin, ciprofloxacin…) thường được ưu tiên chọn lựa trong điều trị bệnh COPD.
Thuốc điều trị bệnh COPD là những thuốc kê đơn, phải được sự chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh cần tuân theo chặt chẽ các chỉ định sử dụng, để mang lại hiệu quả cao trong điều trị và hạn chế các tác dụng phụ xảy ra.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bệnh nên sống điều độ trong môi trường thông thoáng, hạn chế hút thuốc (tốt nhất là bỏ thói quen hút thuốc), chế độ dinh dưỡng tốt, tăng cường luyện tập thể dục… Chính sự thay đổi lối sống sẽ mang lại tác dụng tích cực, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo DS. Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và Đời sống

Các thuốc không được dùng khi mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết gây ra các rối loạn, đặc biệt ở mạch máu - máu. Dùng thuốc nhằm lập lại thăng bằng, chống lại các triệu chứng bất lợi.

Nhưng nếu dùng không đúng thuốc, không đúng cách thì sự rối loạn ấy sẽ tiến triển theo hướng xấu, khiến bệnh trầm trọng thêm.
Nắm vững bệnh lý trước khi dùng thuốc
Virus Dengue gây ra sốt xuất huyết (SXH) không hoặc có sốc. Trong SXH không sốc: Sự giãn mạch nhẹ, huyết tương thoát ra ngoài thành mạch ít. 
Trong SXH có sốc có 3 biểu hiện: Giãn mạch mạnh, làm cho huyết tương thoát ra ngoài thành mạch nhiều, dẫn đến máu bị cô đặc, lượng máu lưu thông giảm, gây tụt huyết áp, tim nhanh rồi trụy tim mạch. Rối loạn đông máu thể hiện ở chỗ biến đổi thành mạch, hạ tiểu cầu, rối loạn đông máu làm xuất huyết. Hệ thống bổ thể và làm giảm C3-C5 huyết thanh bị kích hoạt.
Sự phát triển virus Dengue có điểm đặc biệt: Khi virut mới xâm nhập, có thể sinh ra kháng thể; kháng thể làm cho virut gắn với tế bào đơn nhân - đại thực bào thành một tổ hợp.
Sau đó, tế bào lympho tấn công vào tổ hợp này, phá hủy tế bào đơn nhân - đại thực bào, lại giải phóng ra virut và chất gây giãn mạch, tromboplastin bạch cầu, chất hoạt hóa C3. 
Chất C3 lại hoạt hóa thành chất kích thích tế bào đơn nhân - đại thực bào. Chu trình lặp lại như trên. Như thế kháng thể không chặn được virut, trái lại làm chỗ ẩn náu cho virut phát triển.
sxh.jpgPhun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết.
Các thuốc thường dùng và không được dùng:
Dùng thuốc hạ nhiệt:
- Chỉ dùng paracetamol: Paracetamol độc với gan, thận nhưng tính độc này chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (15g/ngày với người lớn) và hoặc/ lâu dài hay khi dùng cùng với nhiều rượu (rượu làm cạn kiệt nguồn glutathion để chuyển hóa paracetamol thành chất không độc). 
Còn khi dùng với liều điều trị (thấp hơn nhiều so với liều trên) trong thời gian ngắn (2-5 ngày để hạ sốt) thì paracetamol không gây độc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Liều dùng trong điều trị SXH: Một lần: 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg). Một ngày: 2-3 lần (1.500mg-2.250mg).
- Không được dùng aspirin: Trong SXH có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm. 
Do vậy, trong SXH, không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý việc cấm này vì: aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
- Không dùng kháng viêm không steroid: Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như aspirin nhưng các kháng viêm không steroid đều có tính này (với các mức khác nhau) nên cũng làm cho việc chảy máu trong SXH không cầm được. 
Do vậy không dùng chúng trong SXH. Trên thị trường có các loại thuốc cấm (bán không cần đơn) trong thành phần thường có chứa kháng viêm không steroid. Ví dụ biệt dược: alaxan chứa kháng viêm không steroid (ibuprofen). Tránh dùng nhầm các loại biệt dược loại này.
Dùng dịch truyền:
- Ưu tiên bù dịch bằng đường uống: Người bệnh SXH rất nhạy cảm, dễ bị sốc phản vệ. Nếu SXH ở độ I đầu độ II cần ưu tiên bù dịch bằng đường uống (oresol). Theo Bệnh viên Bạch Mai Hà Nội, nếu cho 100% người bệnh dùng oresol ngay khi nhập viện, thì số người còn lại cần truyền dịch chỉ khoảng 15%.
- Chỉ truyền dịch khi cần thiết: Khi SXH ở cuối độ II hay đầu độ III, huyết tương thoát ra ngoài mạch nhiều, thể tích máu trong lòng mạch giảm sút, sốt cao làm mất nước, làm cho sự giảm sút này tăng thêm, máu bị cô đặc lại, huyết áp tụt xuống, tim nhanh dẫn đến trụy tim mạch cho nên cần truyền dịch. 
Dịch bị mất trong trường hợp này là "mất nước nhiều hơn mất muối" nên dung dịch truyền phải chứa ít muối. Tốt nhất là chọn dung dịch riger lactat (chứa natri clorid + kali clorid + canxi clorid + natrilactat). 
Nếu không có thì trộn dung dịch glucose đẳng trương (5%) với dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) mỗi loại 50%. Khi rất nặng, truyền các dung dịch này mà không nâng được huyết áp thì dùng các dung dịch cao phân tử nhưng phải dùng ở nội viện.
- Liều lượng và thời gian bù dịch:
Cần bù đủ lượng dịch bị mất trong vòng 24 giờ nhưng trong 8 giờ đầu chỉ bù 50% và 16 giờ sau bù tiếp 50% lượng dịch bị mất.
+ Với trẻ em: Lượng dịch cần bù bằng P1 (thân trọng lúc chưa mắc bệnh) trừ đi P2 (thân trọng khi mắc bệnh). Trẻ em trước khi mắc bệnh không cân nên không biết P1. Vì thế, theo kinh nghiệm, có thể tính liều cho trẻ em dựa vào P2. 
Liều tính bằng ml/kg/trong 24 giờ trong ngày thứ nhất, hai, ba như sau: P2 = 7kg, liều 220-165-132; P2 = 8kg-11kg, liều 165-132-88; P2 = 12kg-18kg, liều 132-88-88; P2 = 18kg liều 88-88-88.
+ Với người lớn: Với SXH độ II ở giờ đầu liều 6-7mg/kg/giờ, ở giờ thứ hai và ba liều 5ml/kg/giờ ở thứ tư và năm liều 3ml/kg/giờ. Theo đó tính ra ở SXH độ II ở một người nặng trong các thời điểm trên lượng dịch truyền sẽ là 350ml + 500ml + 300ml = 1.150ml. Với SXH độ III, truyền nhiều hơn ứng với các thời gian trên là lần lượt là các liều:15-20ml/kg/giờ -10ml/kg/giờ - 7,5 ml/kg/giờ.
Truyền thừa dịch sẽ gây rối loạn cân bằng muối nước, rõ nhất là ứ nước trong các mô, tổ chức, hay gặp nhất là tràn dịch màng phổi. Thêm nữa, trong Ringer lactat có kali, truyền thừa kali có hại cho tim.
- Tốc độ truyền dịch: Từ lượng dịch và thời gian cần bù nói trên, tính ra tốc độ truyền bằng ml/giờ nhưng tốt nhất là tính bằng giọt/phút dễ theo dõi hơn. Là tốc độ tính bằng ml/giờ chia ra 3 lần thì ra tốc độ tính bằng giọt/phút. Ví dụ: tốc độ 100ml/giờ chia ra 3 lần thì quy ra bằng tốc độ 33 giọt/phút.
Về nguyên tắc, khi truyền không làm thay đổi nồng độ natri máu quá 1mEq/L trong 1 giờ. Truyền nhanh sẽ làm thay đổi nồng độ natri máu tức thời quá 1mEq/L sẽ tạo ra những rối loạn không có lợi.
Không cần dùng kháng sinh
Dùng kháng sinh nhằm làm yếu virut, tạo điều kiện thuận lợi cho kháng thể tiêu diệt virut bằng cách thực bào. Trong SXH, kháng thể tiêu diệt trái lại làm cho virut phát triển (như nói trên) nên việc dùng kháng sinh không có ý nghĩa. Hơn nữa, trong SXH, máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh máu cao, dễ gây tai biến.
Theo DS Bùi Văn Uy - Sức khỏe và Đời sống

10 sai lầm khi dùng thuốc

Đọc kỹ những khuyến cáo ghi rõ trên vỏ hộp của những loại thuốc không cần toa và tờ hướng dẫn sử dụng nằm bên trong vỏ hộp của những loại thuốc bắt buộc kê toa.




Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu người bị bệnh hoặc tổn thương sức khỏe nghiêm trọng và khoảng 100.000 người tử vong do sử dụng sai dược phẩm. Điều đáng tiếc là những trường hợp tử vong này đều có thể phòng tránh được.
Dưới đây là 10 lỗi lầm trong sử dụng thuốc thường gặp nhất, gây nguy hiểm đến tính mạng thậm chí tử vong.
1. Nhầm lẫn tên thuốc
Điều này dễ xảy ra khi toa thuốc được kê bởi những thầy thuốc có chữ viết rất khó đọc, các nhân viên bán thuốc nhìn cũng "không ra" nên bán cho bệnh nhân một loại thuốc không phải là thuốc họ cần. Điều này rất dễ xảy ra vì các nhà thuốc đều sắp xếp thuốc theo thứ tự a, b, c...
Theo "Chương trình báo cáo lỗi lầm do sử dụng thuốc quốc gia" (Mỹ) thì những trường hợp sai sót do tên thuốc hoặc cách đọc thuốc na ná nhau chiếm đến 25%.
2. Khi các loại thuốc "đụng hàng"
Mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ và tác dụng phụ càng tăng lên nếu sử dụng 2 loại thuốc cùng một lúc bởi chúng có thể tương tác với nhau theo nhiều cách. Ví dụ, nếu bệnh nhân sử dụng một loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp và một loại thuốc khác cũng có tác dụng phụ là tăng huyết áp thì rất nguy hiểm...
Nổi tiếng nhất về tương tác thuốc là một loại thuốc chống đông máu wafarin (coumadin), vì vậy khi được kê thuốc này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ khi muốn dùng thêm thuốc khác.
3. Dùng nhiều loại thuốc có cùng đặc tính
Cái chết của một tài tử trẻ của Úc Heath Ledger là một ví dụ điển hình. Cái chết do cách sử dụng thuốc của Heath Ledger sau này được nhiều chuyên gia y học gọi là "Hội chứng Heath Ledger". Tài tử Heath Ledger đã sử dụng nhiều loại thuốc có cùng đặc tính để trị cho những chứng bệnh khác nhau. Do dùng chung thuốc giảm đau với thuốc chống lo âu và một loại thuốc ngủ, Heath Ledger đã... ngủ giấc ngàn thu vì sự kết hợp thuốc gây ra nhiều độc tính.
Không chỉ riêng những thuốc phải kê toa, các loại thuốc được bán không cần toa cũng có thể gây hại tương tự, chẳng hạn như các loại thuốc kháng histamine, thuốc trị cảm, ho...
4. Dùng thuốc không an toàn so với độ tuổi
Khi lớn tuổi, cơ thể chúng ta xử lý thuốc hoàn toàn khác với khi chúng ta còn trẻ. Người cao tuổi còn bị "dính" thêm nhiều vấn nạn khác như mất trí, xây xẩm, dễ té ngã, huyết áp cao... 
Vì vậy, những loại thuốc gây ra tác dụng phụ như trên càng làm tần suất rủi ro tăng cao, nhất là những người bước qua tuổi 65. Nhà thuốc nên giúp bệnh nhân uống thuốc thuận lợi bằng cách chia liều thuốc sẵn trong một dụng cụ để uống trong tuần.
5. Uống nhầm liều lượng
Thuốc được kê bằng nhiều đơn vị đo lường khác nhau, các đơn vị thường được viết tắt và chỉ cần nhầm lẫn một dấu chấm thôi thì cũng đủ gây họa, chẳng hạn 1.0 mg và 10 mg. Sự nhầm lẫn thường xảy ra nhất ở đơn vị microgram (mcg) và milligram (mg, 1 mg = 1.000 mcg). Điều này thường xảy ra ở bệnh viện khi bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch và cũng thường gặp ở bệnh nhân ngoại trú. Vì vậy, bác sĩ cần viết chữ rõ ràng trên toa thuốc.
6. Uống rượu chung với thuốc
Rất nhiều loại thuốc được khuyến cáo không dùng chung với rượu bia (thường được dán thêm những nhãn phụ trên hộp thuốc, nhãn này thường có màu cam). Đây thực sự là "pha phối hợp nguy hiểm" vì rượu bia sẽ làm gia tăng độc tính các thuốc an thần, thuốc giảm đau và nhiều loại thuốc khác. 
Theo các chuyên gia về sức khỏe thì bệnh nhân tuyệt đối không được uống rượu bia khi sử dụng bất cứ dược phẩm nào. Đối với những dược phẩm không cần kê toa thì rượu bia cũng chẳng tốt gì hơn.
Tất cả loại thuốc đều có tác dụng phụ và tác dụng phụ này càng tăng lên nếu sử dụng 2 loại thuốc cùng một lúc. Trong ảnh: Người bệnh chờ nhận thuốc tại một bệnh viện ở TP HCMẢnh: TẤN THẠNH
Tất cả loại thuốc đều có tác dụng phụ và tác dụng phụ này càng tăng lên nếu sử dụng 2 loại thuốc cùng một lúc. Trong ảnh: Người bệnh chờ nhận thuốc tại một bệnh viện ở TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH
7. Tuy hai mà một
Mỗi loại thuốc bao giờ cũng có 2 tên: tên chung (hay tên hóa học) và tên biệt dược. Tên biệt dược là tên hãng dược phẩm đặt ra với quyền bảo hộ mậu dịch, còn tên chung là tên của chất làm thuốc. 
Mỗi hãng dược phẩm lấy tên biệt dược khác nhau nhưng tên chung thì chỉ có một. Ví dụ như một loại thuốc lợi tiểu có tên chung là furosemide nhưng được hãng này lấy tên là Lasix còn hãng khác thì lấy tên là Furix... 
Thực chất 2 thuốc này chỉ là một với hoạt chất là furosemide. Bệnh nhân có thể dùng 2 thuốc này cùng một lúc mà không biết chúng chỉ là một, nghĩa là bệnh nhân đã dùng gấp đôi liều thuốc.
8. Dùng chung thuốc kê toa với thuốc khác
Một số dược phẩm bán không cần toa có thể gây ra những phản ứng vô cùng nghiêm trọng. Thuốc không cần kê toa nổi tiếng trong việc tương tác với các thuốc kê toa là Maalox chuyên trị những khó chịu ở hệ tiêu hóa có chứa một hoạt chất là bismuth subsalicylate. Chất này có thể gây phản ứng nghiêm trọng cho các thuốc kê toa như thuốc chống đông máu, thuốc dùng cho những bệnh nhân có đường huyết thấp...
Một loại dược thảo nổi tiếng nhất là Saint-John's-wort được bán khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, loại dược phẩm này xuất hiện khá nhiều dưới dạng "hàng xách tay". Nếu thấy trong loại thuốc mà bạn sử dụng có ghi thành phần Saint-John's-wort thì hãy thận trọng. 
Loại thuốc này có công dụng là trị trầm cảm mà không cần phải kê toa. Nó có thể tương tác một cách nguy hại đối với các loại thuốc kháng trầm cảm cần kê toa; tương tác với các thuốc kháng đông máu (như Warfarin) hoặc những loại thuốc tim mạch (như Digoxin)...
9. Khi thực phẩm "ngáng chân"
Thủ phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhất là dịch ép nước bưởi. Các nhà nghiên cứu cho rằng các chất có trong bưởi đã làm mất tác dụng của một loại enzyme có tên là CYP3A4, hiện diện trong các tế bào màng ruột và có khả năng phân giải nhiều loại thuốc. 
Ví dụ như thuốc dùng để hạ huyết áp có thể sẽ làm hạ huyết áp quá mức; nếu thuốc tăng hấp thu thì sẽ đồng nghĩa với việc tăng những tác dụng phụ có hại hoặc gây ra ngộ độc thuốc, chẳng hạn như khi đang dùng thuốc hạ cholesterol, nếu có hiện diện của nước ép bưởi trong cơ thể thì nồng độ thuốc này trong máu sẽ cao hơn, gây ra sự rối loạn cơ, tổn thương gan...
10. Không để ý bệnh nhân suy gan, thận
Khi gan, thận bị suy sẽ làm hạn chế khả năng giải độc của cơ thể. Do đó khi gan, thận bị suy thì dược phẩm sẽ tích lũy trong cơ thể ở liều lượng cao hơn mức bình thường. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. 
Lỗi lầm thường xảy ra khi bác sĩ không hề biết bệnh nhân bị suy gan hay suy thận nên không giảm liều dùng mà vẫn kê thuốc như kê cho một người bình thường. Có rất nhiều loại thuốc mà bác sĩ không được phép kê toa khi bệnh nhân bị suy gan, thận.
Phòng tránh chung
- Khi nhận được một toa thuốc thì người mua cần yêu cầu bác sĩ viết rõ ràng tên thuốc, công dụng và liều lượng. Khi đến nhà thuốc tây thì yêu cầu dược sĩ đối chiếu thật kỹ loại thuốc đã được kê.
- Cần hỏi thật kỹ bác sĩ hoặc dược sĩ về những tác dụng phụ khi bạn được bác sĩ kê toa và đọc kỹ nhãn từng loại thuốc. Nếu bạn thấy nhiều hơn 2 loại thuốc có cùng tác dụng phụ thì cần thông báo cho dược sĩ và bác sĩ biết.
- Đọc kỹ những khuyến cáo ghi rõ trên vỏ hộp của những loại thuốc không cần toa và tờ hướng dẫn sử dụng nằm bên trong vỏ hộp của những loại thuốc bắt buộc kê toa. Cần lưu ý khi thấy thuốc ghi những cảnh báo như: gây buồn ngủ, xây xẩm, chóng mặt...
- Tóm lại, cần hỏi bác sĩ, dược sĩ hay người bán thuốc những gì bạn thắc mắc liên quan đến loại thuốc bạn mua, những thuốc bạn đã dùng trước đó, đồng thời thông báo với bác sĩ, dược sĩ tình trạng suy gan, thận... (nếu có) của bạn để bác sĩ, dược sĩ có sự chọn lựa thuốc phù hợp.
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường - Người lao động

Cảnh báo loại thuốc có thể gây hại gan

Ngày 9/4, ông Nguyễn Việt Hùng, Cục phó Cục Quản lý dược, đưa ra cảnh báo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) về việc sử dụng các sản phẩm thuốc có chứa diacerein.

Theo EMA, cán bộ y tế không kê đơn các sản phẩm chứa diacerein cho bất kỳ bệnh nhân nào đang mắc các bệnh gan hay có tiền sử các bệnh về gan. Chỉ nên giới hạn sử dụng diacerein để điều trị các triệu chứng của thoái hóa khớp hông và gối.
Trước thông tin trên, Bộ Y tế đề nghị các công ty, nhà sản xuất thuốc chứa diacerein cập nhật các thông tin để cảnh báo người sử dụng và in vào nhãn thuốc.
Theo Ngọc Bảo - Pháp luật TPHCM

Tự ý dùng thuốc, nguy hiểm cho chính mình

Do chủ quan, không hiếm người tự mua thuốc theo cảm tính mà không lường được hậu quả do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Những ngày qua, cư dân mạng đặc biệt quan tâm đến chia sẻ của một bà mẹ đã cho con gái 6 tuổi của mình sử dụng cao dán chống say tàu xe khi về quê mà không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như chưa hỏi qua ý kiến của bác sĩ.
Đến khi thấy con có những biểu hiện bất thường như lơ mơ, không nhận thức được xung quanh, tự gây thương tích cho mình… gia đình chị hốt hoảng tìm hiểu.
Lúc này, người nhà mới hay loại cao dán này cấm dùng cho trẻ dưới 8 tuổi. Người từ 8 - 15 tuổi chỉ nên dùng 1/2 miếng.
Do cơ thể còn non yếu, chưa đủ tuổi dùng thuốc này nên bé nhà chị đã bị rơi vào trạng thái ảo giác và rối loạn tinh thần.
Hiện em bé đã qua cơn nguy hiểm nhưng dòng chia sẻ của bà mẹ này đã khiến không ít người giật mình vì thói quen tự dùng thuốc của bản thân.
Nói về hậu quả của các trường hợp bố mẹ tự ý cho con dùng thuốc mà không được bác sĩ kê đơn, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ:
''Đối với trẻ nhỏ, cơ thể còn non yếu nên việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn tới những triệu chứng cho trẻ như nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa, thậm chí phát ban tại các niêm mạc như hậu môn, miệng… gây hội chứng nhiễm độc da dị ứng.
Khi tới bệnh viện thường đã quá nặng, chữa trị khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó một số bậc cha mẹ tự ý cho con uống mà không để ý đến liều lượng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, nếu quá liều có thể gây nhiễm độc gan…''.
Tự ý dùng thuốc, nguy hiểm cho chính mìnhẢnh minh họa
Các phóng viên của báo Đất Việt đã có cuộc khảo sát nhỏ tại một số hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội và không khó để thấy khá nhiều người dân đến mua thuốc mà không cần đơn chỉ định của bác sĩ.
Người dân chỉ tả sơ qua về triệu chứng bệnh, còn người bán chỉ cần nghe qua, không có bất cứ hành động thăm khám nào nhưng vẫn ''tự tin'' chẩn bệnh và bán thuốc cho bệnh nhân.
Thậm chí vì doanh thu mà nhiều nhà thuốc còn ''quên'' luôn việc khuyến cáo các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra cho người bệnh.
Chị Hoa ở Cầu Giấy cho biết: ''Khi bị cảm cúm, sốt hay viêm họng thông thường gia đình tôi tự uống thuốc theo tư vấn của người bán thuốc. Nếu khoảng 2 - 3 ngày không khỏi thì mới đến bệnh viện để khám vì vào viện mất rất nhiều thời gian mà tôi cũng không xin nghỉ làm ở cơ quan được''.
Không chỉ chủ quan không đi khám mà nhiều bà mẹ còn ''vô tư'' mua thuốc không rõ nguồn gốc với hy vọng con mình uống sẽ nhanh tăng cân.
Năm 2012, hàng loạt trẻ em nhập viện do nhiễm độc chì sau quãng thời gian dài dùng thuốc cam. Di chứng để lại là quá lớn như hôn mê, liệt, thậm chí có bé bị ảnh hưởng đến thần kinh trong suốt cuộc đời.
Khoa Chống độc, BV Bạch Mai, nơi từng tiếp nhận không ít bệnh nhân gặp phản ứng dị ứng do tự ý dùng thuốc, trong đó có cả những trường hợp đã tử vong.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Khoa chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo người dân:
''Dù bệnh nặng hay nhẹ cũng nên tìm đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, chẩn bệnh. Tuyệt đối không nghe đồn thổi hoặc tự áp dụng loại thuốc điều trị của người khác để dùng cho bản thân mình.
Không phải tất cả các loại bệnh đều phải dùng thuốc như: cảm lạnh ta có thể ăn một bát cháo hành nóng, uống nước gừng. Viêm họng do lạnh cần giữ ấm, súc miệng bằng nước muối chứ không cần dùng đến kháng sinh. Sốt do virus chỉ cần uống thuốc đề kháng như vitamin, bù nước bằng điện giải là đủ…''.
Theo các chuyên gia y tế, một số loại thuốc có thể hợp với người này nhưng lại gây nguy hiểm với người kia.
Ví dụ như kháng sinh penicillin, vitamin B1, nếu tự ý sử dụng rất có thể xảy ra phản ứng dị ứng của cơ thể, đặc biệt có thể xảy ra sốc phản vệ rất dễ đưa đến tử vong.
Tự ý dùng bừa bãi thuốc coticoides để trị đau nhức và dùng lâu ngày sẽ xảy ra các tai biến hết sức đáng tiếc như loãng xương, phù, cao huyết áp nhưng nếu dùng đúng thì thuốc có tác dụng chống viêm rất tốt.
Đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Dù đã có nhiều cải tiến nhưng việc khám chữa bệnh tại nước ta vẫn còn nhiều bất cập khiến tâm lý người bệnh ngại đến thăm khám.
Tuy nhiên, nếu quá chủ quan, tin vào khả năng ''chỉ cần uống thuốc là khỏi'' có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính sức khỏe của mình.
Vì vậy, dành thời gian để tìm hiểu kỹ loại thuốc mình định sử dụng hoặc tìm đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ tránh được trường hợp ''tiền mất tật mang'' cho bản thân mình và gia đình.

Ghi nhớ đặc biệt khi dùng clopidogrel

Clopidogrel là thuốc chống kết tập tiểu cầu, dự phòng huyết khối trong lòng mạch máu bị xơ vữa. Tuy thuốc có thể ngăn ngừa cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.

Clopidogrel là thuốc chống kết tập tiểu cầu, dự phòng huyết khối trong lòng mạch máu bị xơ vữa. Tuy thuốc có thể ngăn ngừa cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu - là nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ, nhưng thuốc lại có khá nhiều tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho sức khỏe của người sử dụng.
Dùng clopidogrel thế nào?
Clopidogrel giữ tiểu cầu trong máu không kết dính để dự phòng cục máu đông không mong muốn có thể xảy ra trong lòng mạch máu. Thuốc được chỉ định nhằm ngăn ngừa cục máu đông sau khi một cơn đau tim hoặc đột quỵ mới xảy ra.
Đây là loại thuốc phải kê đơn, do đó chỉ được uống thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ tim mạch. Bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc chính xác theo đơn bác sĩ đã kê, không được giảm hoặc tăng liều nếu chưa có ý kiến của bác sĩ. 
Thuốc có thể uống trước hoặc sau bữa ăn, nhưng cần uống đúng giờ, uống với một ly nước to. Trong trường hợp bệnh nhân quên uống thuốc, cần phải uống thuốc ngay khi nhớ ra. 
Nếu thời gian quên thuốc sát với lần uống thuốc tới thì nên bỏ liều thuốc đó mà uống thuốc theo lịch tiếp theo, tuyệt đối không được bổ sung liều đã quên. Bởi nếu bổ sung thêm liều thuốc đó quá gần với lần uống thuốc tới sẽ khiến quá liều thuốc. 
Khi quá liều thuốc, có thể gặp các triệu chứng như nôn mửa, cảm thấy mệt mỏi kiệt sức, khó thở, thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Nếu nghi ngờ quá liều thuốc hoặc gặp phải một trong những hiện tượng này sau khi uống thuốc, bệnh nhân cần tới bệnh viện khám ngay.
Clopidogrel là một trong những thuốc giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong lòng mạch.
Clopidogrel là một trong những thuốc giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trog lòng mạch.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ ít nghiêm trọng như đau dạ dày, hắt hơi xổ mũi, đau họng hoặc chóng mặt đau đầu nhẹ. Nhưng thuốc cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. 
Tác dụng chính của clopidogrel giữ cho máu không đông để ngăn ngừa cục máu đông không mong muốn, nhưng cũng chính với tác dụng này mà thuốc có thể làm cho chảy máu dễ dàng hơn, thậm chí từ một chấn thương nhỏ. 
Điều đó có thể khiến bệnh nhân mất máu nhiều từ một vết thương nhỏ như vết đứt tay. Thuốc cũng gây xuất huyết tại mũi hoặc bất kỳ nơi nào khác như xuất huyết tiêu hóa khiến phân có màu đen, nôn ra máu; đau ngực hoặc cảm giác nặng nề vùng ngực, đau lan đến cánh tay hoặc vai, buồn nôn, đổ mồ hôi. 
Nghiêm trọng hơn, đột nhiên bệnh nhân bị tê hay yếu, đặc biệt ở một bên của cơ thể; đột ngột đau đầu, rối loạn, các vấn đề với ngôn ngữ, tầm nhìn hoặc cân bằng; da xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu, sốt, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường. 
Hiện tượng phát ban, phù nề mặt, thậm chí cả lưỡi và họng khiến bệnh nhân khó thở... Khi gặp phải một trong những tác dụng phụ này, bệnh nhân cần ngừng thuốc ngay và liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Những điều cần tránh khi đang uống thuốc
Không uống rượu trong khi dùng clopidogrel bởi rượu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong dạ dày hay ruột. Do thuốc gây chảy máu nên khi bệnh nhân cần phải phẫu thuật (thậm chí đơn giản như chỉnh nha, nhổ răng) bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ về việc mình đang phải uống thuốc clopidogrel để bác sĩ có những chỉ định thích hợp. 
Cũng vì tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nên trong lúc dùng clopidogrel thì không được dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc nếu đã từng bị dị ứng với clopidogrel hoặc bệnh nhân đang bị loét dạ dày; đang bị xuất huyết (não); trong xét nghiệm máu có rối loạn đông máu. Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh gan, thận. Trong quá trình dùng thuốc cần được làm các xét nghiệm định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều lượng thích hợp cho bệnh nhân.
Theo BS Nguyễn Thị Thúy - Sức khỏe và Đời sống

Thuốc Utrogestan dùng để uống hay đặt âm đạo


Utrogestan được bào chế dạng viên vừa có thể uống và vừa có thể đặt âm đạo. Thuốc có chứa progesteron tự nhiên của cơ thể, có tác dụng trợ thai, kháng estrogen, kháng nhẹ androgen, kháng aldosteron.

Khi uống, thuốc được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sau khi uống thuốc, nồng độ progesteron huyết tương bắt đầu tăng ngay trong giờ đầu tiên và nồng độ cao nhất được ghi nhận sau khi uống thuốc từ 1 đến 3 giờ. Với đường dùng đặt âm đạo, sau khi đặt progesteron được hấp thu nhanh qua niêm mạc âm đạo, nồng độ của progesterone trong huyết tương tăng cao ngay trong giờ đầu tiên sau khi đặt thuốc.
Thuốc sử dụng theo đường uống và đặt âm đạo đều có hiệu quả. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định uống hay đặt âm đạo với liều lượng phù hợp
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons