Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Statins làm tăng nguy cơ đái tháo đường týp 2

Theo các nhà nghiên cứu Phần Lan thì statins có liên quan đến việc tăng nguy cơ đái tháo đường týp 2 hơn 50% sau khi đã điều chỉnh các yếu tố khác. Theo họ thì statins tăng nguy cơ đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 theo một số cách thức. 
Đầu tiên là thuốc có thể tăng sự đề kháng insulin, tiếp theo là thuốc này làm giảm khả năng của tuyến tụy trong việc tiết insulin.
TS Ronald Goldberg, giám đốc đơn vị rối loạn mỡ máu của Viện nghiên cứu đái tháo đường (Đại học Miami) cho rằng những bằng chứng cho thấy statins tăng đề kháng insulin và người dùng khởi phát ĐTĐ, do họ ít đáp ứng với đề kháng insulin để tạo nhiều thêm insulin. 
Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng nghiên cứu của họ chỉ thấy được mối liên hệ giữa dùng statins và nguy cơ ĐTĐ. Bởi vì nghiên cứu chỉ được giới hạn trong đàn ông da trắng và không rõ nó có đúng ở phụ nữ hoặc nhóm dân tộc khác. 
Ở Mỹ có hơn 29 triệu người bị ĐTĐ, theo Hội ĐTĐ Mỹ. ĐTĐ týp 2 xảy ra khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin, một hoóc-môn cần thiết cho quá trình chuyển hóa đường trong thức ăn. Để bù trừ lượng đường tăng lên, cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin. 
Những nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy statins tăng nguy cơ ĐTĐ ở người, tuy nhiên những nghiên cứu này tập trung vào vai trò statins trong phòng chống bệnh tim mạch, không trên nguy cơ ĐTĐ. Các chuyên gia của Đại học Phần Lan đã xem xét tác động của statins trong 9.000 đàn ông không ĐTĐ trong hơn 6 năm theo dõi. 
Những người này có khoảng tuổi 45 - 73 tuổi. 1/4 số đàn ông này uống statins lúc bắt đầu nghiên cứu. Sức khỏe của những người này được theo dõi 6 năm, trong thời gian này có 625 người được chẩn đoán ĐTĐ týp 2 mới phát. 
Sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác thì người được điều trị bằng statins tăng 46% nguy cơ khởi phát đái tháo đường so với người không uống statins. Nguy cơ ĐTĐ tăng lên với liều lượng thuốc statin là simvastatin và atorvastatin. 
Statins làm giảm nhạy cảm insulin 24% và giảm tiết insulin 12%. Liều cao simvastatin tăng nguy cơ 44%, trong khi liều thấp tăng nguy cơ 28%. Liều cao atorvastatin tăng 37%. 
Trong thực tiễn, statins được kê đơn mà không quan tâm đến bệnh nhân có bị ĐTĐ týp 2 hay không. Các chuyên gia cho rằng cần phải có khuyến cáo trong điều trị thuốc giảm mỡ máu nhóm statin.
Theo Đặng Minh Trí - Sức khỏe và đời sống

Những nguy hại khi dùng thuốc ngủ

Đó có thể là một loại thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn. Các thuốc kê đơn thực sự nguy hiểm hơn bạn nghĩ.

Đây là kết quả một nghiên cứu mới của Cục Lạm dụng chất và Dịch vụ sức khỏe tinh thần, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Báo cáo chỉ ra rằng số lượng bệnh nhân đi cấp cứu vì quá liều zolpidem - một thành phần hoạt tính có trong một số loại thuốc ngủ kê đơn - đã tăng gần gấp đôi từ giữa năm 2005 tới năm 2010. Phụ nữ chiếm 2/3 số người vào viện.
thuocngu-3614-1408938467.jpg
Ảnh: united-academics.
Chính xác thuốc ngủ nguy hiểm như thế nào? Theo BS Carl Bazil ở ĐH Colmbia, người đã nhấn mạnh rằng các thuốc kê đơn thường mạnh hơn các thuốc không kê đơn, đúng là thuốc ngủ có thể giúp bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nhưng chúng không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết những rối loạn giấc ngủ và có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất là tác động của thuốc ở phụ nữ mạnh hơn trên nam giới. Bazil giải thích: "Phụ nữ có xu hướng chuyển hóa thuốc ngủ chậm hơn nam giới nhưng nhiều người trong đó có cả bác sĩ không biết điều này". 
Năm 2013, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ đã giảm liều khuyến cáo cho phụ nữ từ 10 mg xuống 5 mg. Nhiều bác sĩ vẫn kê liều cao hơn cho phụ nữ, trong khi những phụ nữ khác có thể dùng đơn cũ hoặc lấy thuốc từ chồng. Khi họ dùng quá liều, hậu quả là rất lớn.
Một vấn đề lớn khác khi sử dụng thuốc ngủ là ảnh hưởng trong ngày hôm sau của thuốc. Trong khi thuốc được cho là hết tác dụng sau 8 giờ, tình trạng buồn ngủ có thể kéo dài lâu hơn nếu bạn dùng liều cao. 
Kết quả là nhiều người vẫn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng khi họ lái xe đi làm và đó là mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn. Bazil nói: "Khả năng lái xe giảm là một trong những vấn đề lớn nhất do thuốc ngủ, vì nhiều người không nhận ra rằng họ vẫn chưa tỉnh táo". 
Nói một cách khác, tình trạng này gần giống với lái xe khi say rượu ở chỗ bạn không có sự phán đoán tốt hoặc phản ứng nhanh, do vậy nguy cơ tai nạn tăng lên đáng kể.
Thuốc ngủ cũng có thể gây hại khi dùng kết hợp với các loại khác, cụ thể là rượu và các chất kích thích. Theo Bazil, nguyên nhân là sự kết hợp này làm tăng tác động của cả hai loại, vì vậy bạn sẽ bị mê man bởi cả thuốc và rượu hoặc chất kích thích. 
Điều đó có nghĩa là thuốc sẽ tác dụng lâu hơn, bạn sẽ cảm thấy lơ mơ, chuệch choạng khi thức giấc. Một kịch bản thậm chí còn cực đoan hơn là bạn sẽ cảm thấy tức thở nếu dùng liều cao hoặc 2 viên một lần và rất có thể phải đi cấp cứu.
Một tác hại nữa là thuốc ngủ cũng có thể khiến bạn có những hành động khác thường trong nhà nếu uống chúng khi chưa sẵn sàng đi ngủ. Hãy xem, thuốc ngủ sẽ hạ gục bạn ngay lập tức. 
Nhưng một lần nữa, nhiều người không nhận ra tác dụng của thuốc ngủ nhanh như thế nào, vì vậy họ uống một viên trước khi thực hiện một việc nào đó chỉ khoảng nửa giờ và hậu quả là có thể đưa ra những quyết định sai lầm. 
Brazil nói: "Nếu uống thuốc khi chưa đi ngủ, bạn có thể làm những việc lạ, thậm chí có thể là nguy hiểm mà bạn không thể nhớ". Bạn có thể suy sụp, tự đốt cháy mình hoặc thậm chí có quan hệ tình dục nhiều nguy cơ.
Thuốc ngủ cũng có thể gây nghiện, may mắn là tình trạng này không phổ biến. Tác hại lâu dài này của thuốc ngủ kê đơn vẫn chưa được nghiên cứu, nguy cơ lớn là khi bạn ngừng sử dụng thuốc sau khi đã bị phụ thuộc vào chúng. 
"Nếu cơ thể quen với việc dùng thuốc ngủ, bạn sẽ thấy tồi tệ khi ngừng sử dụng thuốc vì cơ thể đã thích nghi. Điều đó có nghĩa bạn sẽ phải dùng nhiều hơn và thật khó để có thể ngủ tốt mà không có thuốc".
Cuối cùng, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng về cơ bản, thuốc ngủ không giải quyết được vấn đề ngủ kém kéo dài. Hãy nghĩ về chúng giống như một công cụ bổ trợ đưa giấc ngủ về đúng chu kỳ và tại một thời điểm nào đó bạn cần ngừng sử dụng nó. 
Để làm được điều này, Bazil khuyên bạn sử dụng chúng đúng một tháng (dưới sự giám sát của bác sĩ) để rèn lại giấc ngủ và sau đó ngừng sử dụng chúng hoàn toàn. Việc sử dụng như thế nào trong tháng đó tùy thuộc vào bạn. Một số người dùng chúng mỗi tối, trong khi những người khác dùng vài lần một tuần khi họ thực sự cảm thấy cần chúng.
Theo Hải Ngân - VietNamNet

Vitamin D tăng sức đề kháng cho người cao tuổi

Các nhà khoa học thuộc Đại học Loyola Chicago (Mỹ) cho biết, sự thiếu hụt vitamin D và các bệnh mạn tính liên quan đến lão hóa như suy giảm nhận thức.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Loyola Chicago (Mỹ) cho biết, sự thiếu hụt vitamin D và các bệnh mạn tính liên quan đến lão hóa như suy giảm nhận thức, trầm cảm, loãng xương, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, bệnh ung thư có liên hệ với nhau.
TS Sue Penckofer cho biết: "Sự thiếu hụt vitamin D là một tình trạng y khoa nghiêm trọng phổ biến ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người cao tuổi".
Người cao tuổi dễ có nguy cơ thiếu vitamin D do chế độ ăn uống, ít hoạt động ngoài trời và khả năng hấp thu vitamin D của da cũng kém đi. 
Viện Y khoa Mỹ thường khuyên những ai dưới 70 tuổi nạp 600 IU vitamin D/ngày và trên 70 tuổi là 800 IU/ngày. Vitamin D thường được cơ thể tổng hợp khi da được tắm nắng sáng sớm cũng như có trong sữa, cá, trứng...
Theo Vũ Trường - Sức khỏe và đời sống

Khả năng thuốc trầm cảm gây xơ vữa mạch vàn

Số khỉ dùng thuốc chống trầm cảm SSRI bị mảng xơ vữa mạch vành phát triển nhiều gấp 3 lần so với khỉ dùng giả dược. Tỉ lệ đó tăng lên gấp 6 lần ở nhóm khỉ bị trầm cảm.

Dạng thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin tăng khả năng xơ vữa mạch vành ở khỉ. Ảnh: Hypericum
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychosomatic Medicine, các nhà khoa học Mỹ tại Trung tâm Y tế Wake Forest Baptist ở bang North Carolina đã cho 42 con khỉ cái độ tuổi trung niên dùng chế độ ăn kiểu phương Tây chứa nhiều mỡ và cholesterol trong 18 tháng. Các hành vi trầm cảm của chúng cũng được ghi nhận trong thời gian này.
Một số con vật được chọn ngẫu nhiên cho dùng mỗi ngày một viên thuốc chống trầm cảm thuộc dạng thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI), có tên thương mại là Zoloft hoặc giả dược để đối chiếu trong 18 tháng.
Kết quả cho thấy số khỉ dùng SSRI bị mảng xơ vữa mạch vành phát triển nhiều gấp 3 lần so với nhóm khỉ dùng giả dược. Tỉ lệ đó tăng lên gấp 6 lần ở nhóm khỉ bị trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu nói rằng khỉ cái được chọn do bệnh mạch vành là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ Mỹ và tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở nữ giới cao gấp đôi đàn ông.
Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Carol Shively, nói rằng tuy cần có nghiên cứu thêm nhưng đây là dấu hiệu lâm sàng quan trọng về khả năng SSRI gây xơ vữa mạch vành ở người.
Theo Trúc Lâm - Người lao động

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Say nóng say nắng, dùng thuốc gì?

Say nắng say nóng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao.

Say nắng, say nóng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao. Rối loạn bệnh lý này thường xảy ra ở những người già yếu, trẻ em có sức chịu nóng kém, người mới ốm dậy, người lao động quá sức, người làm việc căng thẳng trong điều kiện nắng nóng gay gắt...

Trong say nắng say nóng có nhiều rối loạn khác nhau, nhưng đứng về mặt điều trị thì có ba rối loạn đáng lưu ý là: thân nhiệt tăng quá cao là do cơ thể bị nhận thêm nhiệt từ môi trường cộng với tình trạng tăng sản sinh nhiệt do lao động. 

Mặc dù cơ thể luôn có phản ứng điều hòa để làm mát cơ thể. Song do nhiều lý do khác nhau mà các cơ chế này hoặc thực hiện không hiệu quả hoặc quá khả năng không điều hòa kịp dẫn đến cơ thể bị tăng thân nhiệt. 

Thường ở những trường hợp bị nặng, thân nhiệt có thể lên đến trên 39oC như những trường hợp sốt cao thực thụ. Tình trạng mất quá nhiều muối và nước là rối loạn đáng lưu ý thứ hai. 

Đây là hậu quả của việc mất mồ hôi mà không được bù nước kịp thời. Và rối loạn thứ ba là nhiễm nội độc tố quá lớn. Tình trạng nhiễm nội độc tố dẫn đến suy đa phủ tạng chỉ xuất hiện từ ngày thứ 2 từ khi say nóng, say nắng mức độ nặng trở đi. Các nội độc tố này được cho là xuất hiện từ các rối loạn chuyển hóa, hấp thu.
Theo các rối loạn trên, thuốc có thể cải thiện tình hình bao gồm các thuốc dưới đây:
Thuốc hạ nhiệt: 
Thuốc đầu tiên nên dùng nhất đó là thuốc hạ thân nhiệt, ưu tiên dùng paracetamol. Thuốc này có tác dụng ức chế các prostaglandin là các chất gây tăng thân nhiệt điển hình và là các chất giải phóng mạnh dưới tác dụng của thân nhiệt tăng cao. Thân nhiệt tăng cao làm hủy hoại tế bào và làm tăng giải phóng các chất này. Ức chế thành công các prostaglandin chúng ta có thể hạ được thân nhiệt như mong muốn.
Để có hiệu quả, việc lựa chọn dạng thuốc dùng là rất quan trọng. Nếu như thân nhiệt của người bệnh chỉ từ 39-40oC thì chúng ta có thể dùng dạng viên sủi 1 viên 500mg liều duy nhất. Nhớ là phải hòa tan thuốc trong cốc nước rồi mới uống và uống ngay khi có dấu hiệu tăng thân nhiệt. Trong trường hợp này, bạn không cần uống thuốc sau ăn.
Nhưng nếu như thân nhiệt của bạn tăng trên 40oC thì bạn cần phải dùng dạng thuốc tiêm truyền để thuốc nhanh phát huy tác dụng. Efferalgan được bào chế hẳn dưới dạng truyền đóng trong chai pha chế sẵn. Có thể dùng trực tiếp dạng này ở người bệnh có thân nhiệt trên 40-410C thì mới có khả năng hạ nhiệt thành công và chỉ thực hiện việc tiêm truyền tại các cơ sở y tế.
Say nóng say nắng, dùng thuốc gì?
Các thuốc giãn cơ:
Mặc dù say nắng say nóng không làm tăng co thắt cơ nhưng việc dùng thuốc giãn cơ là cần thiết. Trong nỗ lực hạ thân nhiệt thì cơ chế làm giãn mạch là một cơ chế “vàng”. Mạch ngoại vi giãn ra, máu được chuyển từ trung tâm ra ngoại vi để thải nhiệt nên có hiệu ứng hạ thân nhiệt vô cùng lớn. 
Thuốc giãn cơ làm giảm trương lực cơ, giảm chèn ép mạch máu nên có thể góp phần hạ nhiệt ở một mức độ nhất định. Chúng ta chỉ cần dùng thuốc giãn cơ với liều duy nhất là ổn. Thuốc hay được dùng là dantrolen.
Dung dịch bù nước điện giải: 
Đây là dung dịch muối, đường. Uống dung dịch này rất có ý nghĩa, vừa cung cấp nước cho cơ thể tránh bị mất nước do ra quá nhiều mồ hôi lại vừa cung cấp điện giải - vốn là một chất đang bị rối loạn nghiêm trọng dưới tiết trời nắng nóng gay gắt. 
Dung dịch tốt nhất có thể dùng là oresol vẫn được dùng để trị tiêu chảy. Một gói pha với 1 lít nước và cho người bệnh uống từ từ. Chừng 15 phút lại cho uống khoảng 100ml (một ngụm to). 
Sau đó người bệnh sẽ tỉnh dần. Nếu không đi mua kịp thì bạn có thể tự pha chế với công thức đường: muối là 5:1. Làm sao cho đủ 18g (15g đường, 3g muối) rồi pha trong 1 lít nước là thành công. Nhớ là chỉ uống nước nguội hoặc nước mát, không uống nước lạnh. Trường hợp thân nhiệt tăng cao trên 390C, chúng ta phải xem xét tới khả năng truyền dịch điện giải để bù nước nhanh và làm mát nhanh.
Thuốc corticoid: 
Thuốc corticoid không được phép tự sử dụng trong các trường hợp này mà chỉ được phép dùng tại các tuyến bệnh viện và có bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ hồi sức cấp cứu. Thuốc có tác dụng ức chế và giảm bớt tác dụng gây viêm đa phủ tạng của các nội độc tố nhằm giải thoát cho trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Việc dùng thuốc phải hết sức cân nhắc và chỉ dùng ở những bệnh nhân nặng (bị đột qụy do nóng).
Ngoài các thuốc trên, một số thuốc khác có thể có tác dụng như dopamin, noradrenalin, adrenalin… Đây là các thuốc dùng trong hồi sức tích cực và chỉ được sử dụng do bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu những trường hợp đe dọa là trụy tuần hoàn.
Ngoài việc dùng thuốc thì cấp cứu làm mát cho bệnh nhân say nóng say nắng là quan trọng nhất. Người ta thấy nếu như chúng ta cấp cứu nhanh và hạ thân nhiệt cấp tốc trong vòng 30 phút đầu tiên thì khả năng cứu sống bệnh nhân là rất cao. Nhưng nếu như chúng ta chậm trễ thì có dùng thuốc cực mạnh, khả năng cứu nạn là rất mong manh.
Các biện pháp cấp cứu làm mát cấp tốc là: đưa vào chỗ râm mát, thoáng gió, cởi bỏ quần áo, tránh tụ tập đông người, lau nước mát vào mặt, chườm nước đá vào nách, bẹn, bật quạt liên tục. Tuyệt đối không cho uống chè đường, cà phê hay bất cứ chất kích thích nào khác. Vì nếu bệnh nhân hôn mê thì sẽ rất nguy hiểm còn nếu bệnh nhân tỉnh thì chỉ càng làm cho chuyển hóa sinh nhiệt tăng lên mà thôi.
Theo BS lê Thanh Huyền - Sức khỏe và Đời sống

Uống thuốc cũng phải học

Không phải chỉ cho vào miệng rồi nuốt, để thuốc có tác dụng, bạn cần đảm bảo nhiều điều hơn thế.

Thức uống thích hợp nhất để uống thuốc là nước lọc.
Thức uống thích hợp nhất để uống thuốc là nước lọc
Đi khám bệnh về, chị Nguyễn Thu H. 45 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM vào giường nằm nghỉ. Chị uống thuốc vừa được bác sĩ kê với một ngụm nước nhỏ trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Uống thuốc xong, chị yên tâm nằm ngủ. Những lần sau chị cũng uống như thế. Được mấy ngày chị thấy họng mình như có gai đâm, đau hơn cả lúc chưa đi khám bệnh.
Đồng thời, chị có cảm giác đau rát âm ỉ liên tục ở vùng ngực sau xương ức và vùng bụng trên rốn, đặc biệt là khi ăn uống. Chị lại phải đến bệnh viện để nội soi tiêu hóa. Tại đây, bác sĩ phát hiện có một vết loét đường kính 15mm ở thực quản (đoạn ống tiêu hóa nối từ họng đến dạ dày).
Nguyên nhân do chị H. uống thuốc với quá ít nước lại uống với tư thế không đúng, thuốc không trôi được xuống dạ dày mà đọng lại ở thực quản, hoạt chất bám vào thực quản gây kích ứng.
Loét thực quản vì uống thuốc sai
Trao đổi với phóng viên, BS Trần Ngọc Lưu Phương, BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM cho biết, nhiều bệnh nhân khi uống thuốc nhưng uống ít nước, thậm chí không cần nước; hoặc uống thuốc ở tư thế nằm hoặc nằm ngay sau khi uống thuốc, thuốc có thể chưa xuống đến dạ dày và lưu lại ở thực quản.
Vị trí thường bị tổn thương nhất là đoạn 1/3 giữa thực quản, đây là nơi hẹp nhất của thực quản. Nếu uống thuốc không đủ nước hoặc uống ở tư thế nằm sẽ làm cho các viên thuốc có vỏ mềm, nhất là các viên thuốc được bào chế dưới dạng viên nang (con nhộng), dễ bám dính trên thành thực quản.
Một số thuốc khi tan sẽ tạo ra các hợp chất có tính kiềm hoặc acid làm tổn thương trực tiếp và bỏng thành thực quản, có thể tạo ra ổ loét lớn với đường kính lên đến 30mm hoặc đồng thời nhiều ổ loét.
BS Phương cho biết thêm, nhiều người bệnh kể lại rằng do không biết tác hại của vấn đề này nên có khi nuốt nguyên cả viên thuốc mà không kèm nước. Loét thực quản do thuốc hay gặp ở người cao tuổi. 
Do đặc điểm sinh lý theo tuổi thì chức năng co bóp nhu động của thực quản để đẩy thuốc xuống dạ dày của người già thường kém hơn so với người trẻ. Bệnh cũng gặp ở nữ nhiều hơn nam giới do các thuốc dễ gây loét thực quản thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý da liễu và phụ khoa.
Học cách uống thuốc
Tư thế thích hợp nhất: Là uống thuốc ở tư thế ngồi hoặc đứng, sau khi uống khoảng 15-30 phút mới nằm xuống.
Đồ uống thích hợp là nước lọc
Nước là đồ uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hoà tan thuốc.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Khoa dược Đại học Y dược TPHCM phân tích: Việc uống thuốc không đúng cách có thể dẫn đến tương tác thuốc làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc và có thể gây ngộ độc. Nước làm thuốc dễ dàng trôi từ thực quản xuống dạ dày, tránh sự đọng viên thuốc hoặc hoạt chất trên thành thực quản.
Điều này đặc biệt quan trọng với người già vì ở đối tượng này lượng dịch tiết ít và thành thực quản khô nên khó dẫn thuốc. 
Nước không những làm tăng độ hoà tan, giúp cho thuốc khuếch tán đến khắp bề mặt ống tiêu hóa mà còn tạo điều kiện cho sự hấp thu tốt hơn vào máu, hiệu quả điều trị của thuốc được kịp thời. Lượng nước nhiều sẽ giúp thuốc bài xuất nhanh qua thận và do đó giảm được độc tính của nhiều loại thuốc.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức khuyên, lượng nước cần để uống thuốc phải từ 100-200ml. Tuy nhiên, ngoại lệ có một số loại thuốc chỉ cần dùng một lượng nước nhỏ chừng 30-50ml như kavet hoặc các thuốc dạng gói bột chữa viêm loét dạ dày theo cơ chế giảm toan (antacid), do cần tạo một lượng bột sánh giữ lâu trong dạ dày để tăng tác dụng trung hòa axit.
Những loại nước không nên dùng
Không nên uống thuốc với các loại nước như nước hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có ga vì các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu thuốc quá nhanh.
Không dùng sữa để uống thuốc vì i-on canxi trong sữa có thể tạo phức với nhiều loại thuốc, ví dụ tetracyclin nếu uống cùng với sữa sẽ bị cản trở hấp thu. 
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thuốc nên uống chung với sữa như dùng thuốc gây bào bọt dạ dày (Aspirin), hay dễ nôn ói (thuốc ngừa thai phải uống hàng ngày), hay cần chất béo để thuốc dễ hấp thu (vitamin A, vitamin D).
Không dùng nước chè, cà phê uống thuốc. Chất tanin trong nước chè có thể gây kết tủa nhiều loại thuốc chứa sắt hoặc alcaloid hay caffein có trong cà phê có thể làm tăng độ hòa tan của một số thuốc như Ergotamin nhưng lại cản trở hấp thu các loại thuốc liệt thần.
Không phải thuốc nào cũng bẻ nhỏ
Một số thuốc có tác dụng dài như thuốc tiểu đường, nếu bạn nhai, hoặc bẻ nhỏ sẽ tăng nguy cơ quá liều ngay lúc uống và làm giảm tác dụng ở thời điểm cuối ngày.
Một số thuốc bao tan trong ruột, nếu bạn bẻ nhỏ hay nhai thì sẽ khiến chúng kích thích niêm mạc dạ dày gây loét dạ dày. Bởi vậy khi gặp các thuốc có các ký hiệu Adalate LP, Procan SR, Adalat LA trong tên thuốc, hay thuốc được bao phim thì đừng bẻ mà uống cả viên. Nếu không chắc chắn, bạn nên hỏi dược sĩ.
Theo Hồng Duyên - Sức khỏe gia đình

Aspirin kéo giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung

Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại Viện Ung thư Roswell Park ở New York nêu khả năng dùng aspirin thường xuyên và lâu dài có thể kéo giảm đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Trong khảo sát được công bố trên tờ Journal of Lower Genital Tract Disease, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của 26.831 bệnh nhân đến khám bệnh tại Viện Ung thư Roswell Park , trong số này có 328 bệnh nhân ung thư cổ tử cung. Tất cả số người nói trên được yêu cầu cung cấp thông tin về thời gian và tần suất dùng aspirin và/hoặc acetaminophen trong khoảng 16 năm.
Dùng aspirin thường xuyên và lâu dài giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung Ảnh: Forbes
Dùng aspirin thường xuyên và lâu dài giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung Ảnh: Forbes
Các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung giảm trong khoảng từ 41% đến 47% - tỉ lệ giảm cao nhất thuộc về nhóm người dùng aspririn 7 lần hoặc hơn mỗi tuần trong thời gian 5 năm hoặc hơn. Họ nhận thấy việc sử dụng acetaminophen không kéo giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Kirsten Moysich, khuyến cáo: "Sử dụng aspirin vẫn là lựa chọn phòng ung thư hấp dẫn bởi nhiều người thích uống thuốc phòng ngừa hơn là thay đổi thói quen như bỏ hút thuốc lá, theo chế độ ăn lành mạnh hoặc luyện tập thể dục tích cực".
The
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons