Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Lạm dụng Viagra có thể dẫn tới bệnh ung thư


Nghiên cứu tại ĐH Tubungen ở Đức cho thấy loại thuốc này thực sự đã kích thích các khối u trên da phát triển mạnh mẽ hơn.
Viagra thuộc loại thuốc y dược được gọi là phosphodiesterase (PDE) có tác dụng ức chế, chữa trị bệnh rối loạn cương dương bằng cách tăng cường máu chảy đến bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng loại thuốc này cũng có vẻ đã vô hiệu hóa khả năng tìm kiếm và ngăn chặn sự phát triển các tế bào ung thư của cơ thể, do đó nó khiến cho các khối u ác tính phát triển mạnh hơn.

Lạm dụng Viagra sẽ thúc đẩy các khối u ác tính có sẵn phát triển mạnh hơn
Theo các nhà nghiên cứu, cơ chế này có thể giải thích nguy cơ tăng cao của bệnh ung thư ác tính mà các nghiên cứu khác phát hiện ở nam giới dùng Viagra.
Vào năm 2014, một nghiên cứu lâu năm trên 15.000 nam giới Mỹ đã cho thấy có mối liên hệ giữa nguy cơ cao mắc ung thư ác tính và việc sử dụng Viagra. Vào năm 2015, một nghiên cứu khác trên 24.000 nam giới tại Thụy Điển cũng có kết luận tương tự.
Mặc dù vậy, những nhà khoa học cho rằng nam giới vẫn có thể sử dụng Viagra có hạn mức, vì loại thuốc này không gây ra bệnh ung thư. Viagra và các loại thuốc tương tự chỉ có thể làm các khối u ác tính có sẵn phát triển mạnh hơn nếu uống các loại thuốc này thường xuyên và dùng liều cao.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Khuyến cáo các loại thuốc gây hại cho thận


Thuốc khi vào cơ thể đa số được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận. Do vậy, ở hai cơ quan này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi bệnh nhân phải dùng thuốc, đặc biệt là đối với những bệnh nhân phải dùng thuốc lâu ngày. Rất nhiều loại thuốc gây ảnh hưởng đến thận theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thuốc trực tiếp gây hại cho thận
Các thuốc này có thể kể đến là: các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin, nhóm aminoglycosid, nhóm quinolon, nhóm sulfamid…; các thuốc chống viêm không steroid (NSAID); các thuốc kháng virut, các thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, các thuốc hạ áp có cơ chế gây giãn mạch và thuốc dự phòng cơn gout cấp… 
Trong đó, nhóm aminoglycosid, cisplatin, mesalazin, amphotericin, các NSAID, vancomycin và penicilamin… là các thuốc hại thận rất mạnh. Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc kể trên khi có thuốc khác thay thế.
Không chỉ thuốc Tây y mà một số thuốc y học dân tộc cũng có thể gây hại cho thận
Các thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid như: streptomycin, neomycin, tobramycin, gentamycin gây suy thận sau khi dùng 7 - 10 ngày với tỷ lệ 10% các ca bệnh. 
Streptomycin và neomycin gây nhiễm độc thận nặng, cho nên hiện nay, neomycin không dùng dạng tiêm và rất hiếm khi dùng dạng uống, streptomycin chỉ dùng trong điều trị lao. Gentamycin  và tobramycin gây nhiễm độc thận trung bình, tuy nhiên, gentamycin lại có tần suất gây nhiễm độc thận cao nhất do hay được sử dụng và bị lạm dụng nhiều.
Các kháng sinh nhóm betalactam kể cả cephalosporin, vancomycin, miocyclin, erythromycin; các thuốc ức chế tiết acid dịch vi như cemitidin; thuốc chữa động kinh như phenobacbital; các thuốc chống rối loạn chuyển hóa lipid như clofibrat… có thể gây dị ứng miễn dịch ở ống thận, mô kẽ vì các tế bào ở vị trí này rất dễ nhạy cảm, có thể dị ứng với các thuốc nói trên mà không lệ thuộc vào liều. 
Tuy tai biến kiểu này chỉ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng nên tần suất thấp nhưng rất khó đề phòng vì không thể biết trước.
Thuốc gián tiếp gây hại cho thận
Ngoài gây hại trực tiếp cho thận và chức năng thận, nhiều thuốc gây những rối loạn liên quan gián tiếp đến thận. Một số thuốc trực tiếp gây giữ nước và do đó có thể gây nặng hơn các biến chứng về tim mạch ở người bị suy thận, như: carbenoxolon, indomethacin. 
Chất carbenoxolone là dẫn chất theo con đường sinh tổng hợp của acid glycyrrhizinic thông qua tác dụng ức chế enzym11-beta-hydroxyl-steroid dehydrogenase. Sự ức chế này làm tăng nồng độ corticosteroid nội sinh trong nội bào, gây co mạch và ứ natri làm giảm chức năng bài tiết của thận và gây tăng huyết áp một cách gián tiếp.
Các thuốc chống tăng huyết áp thuộc nhóm kháng thụ thể AT1 như: irbesartan, valsartan, losartan… có thể gây suy chức năng thận và suy chức năng gan. Do hậu quả của việc ức chế hệ thống Renin-Angiotensin nên đã có báo cáo về những thay đổi chức năng thận, bao gồm suy thận ở người mẫn cảm. 
Cho dù những thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng thuốc, nhưng vì bệnh nhân tăng huyết áp thì thường phải dùng thuốc lâu dài và dùng thuốc ở nhà, nếu không được theo dõi kiểm tra chức năng thận thường xuyên thì rất có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở người bệnh suy tim sung huyết, việc tưới máu thận phụ thuộc vào lượng prostaglandin được sản xuất tại thận, dùng thuốc NSAID sẽ ức chế tác dụng tại chỗ của prostaglandin đối với thận, gây giảm dòng máu qua thận, giữ nước và làm xấu thêm tình trạng suy tim. Dùng digoxin ở người suy thận nặng sẽ làm tăng canxi huyết và/hoặc giảm kali huyết.
Các thuốc điều trị giảm mỡ máu như fibrate, statin cũng có thể gây hại thận rất mạnh do thuốc có thể gây ly giải cơ vân khiến cho các bắp cơ toàn thân đau nhức và yếu sức do viêm và tổn thương cơ ở mức độ rất nghiêm trọng. 
Hai thận làm việc quá mức để cố gắng loại bỏ lượng cơ phân huỷ do dùng statin. Cơ bị ly giải phóng thích các protein vào máu. Những protein này sau đó sẽ tập trung ở thận và gây tổn thương thận, cuối cùng dẫn đến suy thận và có thể gây tử vong. Cũng may là biến chứng ly giải cơ vân rất hiếm gặp, chỉ xảy ra với tỉ lệ dưới 1/10.000.
Các thuốc ức chế men chuyển (captopril, quinapril, enalapril, lisinopril...) gây giảm tưới máu thận và suy thận cấp chức năng. Vì vậy, không chỉ định ức chế men chuyển trong tăng huyết áp do hẹp động mạch thận. 
Các  thuốc lợi tiểu giữ kali như: amilorid, spironolacton có thể gây tăng kali huyết nặng ở người suy thận. Các thuốc kháng tiết cholin như: atropin, scopolamin có thể gây rối loạn chức năng bàng quang và tiểu tiện không tự chủ đối với người có chức năng thận bình thường. Dùng acetazolamid, vitamin D liều cao, vitamin C liều cao dễ gây đọng tạo sỏi thận - tiết niệu.
Không chỉ thuốc tây y mà một số thuốc y học dân tộc nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây hại cho thận. Đặc biệt là các loại thuốc đóng gói sẵn và dán nhãn “gia truyền” bày bán trôi nổi trên thị trường mà không được Bộ Y tế (Cục quản lý Dược) cấp phép lưu hành thực sự là mối họa khôn lường. Nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu thì đã làm thận suy rất nặng.
Do vậy, lời khuyên được đưa ra là: chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự tư vấn tối thiểu của thầy thuốc về cách dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ có hại của thuốc (trong đó có tác dụng hại thận). Nếu có gì nghi ngờ về bệnh của mình thì cách tốt nhất là đến bác sĩ khám để có cách xử trí đúng đắn, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Phụ nữ béo phì uống thuốc tránh thai dễ bị đột quỵ hiếm


Theo nghiên cứu mới đây của một trường đại học ở Hà Lan cho thấy, những phụ nữ bị béo phì (chỉ số khối cơ thể lớn hơn 30 lần) có sử dụng thuốc tránh thai sẽ dễ bị chứng huyết khối tĩnh mạch não (CVT), so với những phụ nữ có cân nặng bình thường.
Phụ nữ béo phì uống thuốc tránh thai dễ bị đột quỵ hiếm - Ảnh 1Phụ nữ béo phì uống thuốc tránh thai dễ bị đột quỵ hiếm
CVT hay tồn tại cục máu đông trong tĩnh mạch não, là một rối loạn hiếm. Tuy nhiên, nó dễ xảy ra ở những bệnh nhân trẻ hơn 40 tuổi và phụ nữ có thai hoặc đang dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Ngoài ra, nghiên cứu không cho thấy có mối liên hệ nào giữa béo phì và CVT ở nam giới hoặc phụ nữ không sử dụng thuốc tránh thai.
“Nguy cơ mắc bệnh CVT gắn liền với việc sử dụng thuốc tránh thai và căn bệnh béo phì nên có thể làm cho các bác sĩ không muốn hoặc từ chối kê đơn thuốc tránh thai cho những phụ nữ béo phì”, Jonathan M. Coutinho từ Đại học Amsterdam tại Hà Lan cho biết.
Nguy cơ bị CVT cũng tương đương với bệnh huyết khối tĩnh mạch, nhưng các nguyên nhân đặc biệt gây ra nó còn bao gồm cả nhiễm trùng cục bộ và chấn thương đầu.
“Sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể gây tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở động mạch với phụ nữ béo phì”, nhận xét Chirantan Banerjee từ Đại học Nam Carolina.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong nghiên cứu công bố trên JAMA Neurology bỏ thuốc ngừa thai có thể sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, do đó càng tăng thêm cơ hội bị khối u máu liên quan đến thai kỳ.
Vì vậy, việc giáo dục và truyền thông tin cho phụ nữ béo phì là rất cần thiết để họ cảnh giác, thận trọng, với các loại thuốc tránh thai và những sự nguy hiểm khác. “Lúc này, phương pháp tránh thai thay thế không gây nguy cơ tụ máu có thể là đặt vòng tử cung", các nhà nghiên cứu đề nghị.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Thuốc chữa bệnh chàm


Do liên quan đến yếu tố cơ địa, thời tiết và các chất tiếp xúc... nên chàm là bệnh rất khó chữa. Việc chọn không đúng thuốc và dùng không đúng cách sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc không khỏi được.
Chàm được biết đến là căn bệnh viêm da dị ứng và đặc điểm của nó là viêm và nổi mụn nhỏ, ngứa ngáy và loét. 
Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ nhưng có thể do cơ địa dị ứng (người mắc hen, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao mắc chàm), do kích thích của hóa chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc).
Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Thời tiết lạnh, stress, đổ mồ hôi nhiều và phấn hoa... cũng là những nguyên nhân có thể khiến da bị chàm.
Chàm được phân ra làm nhiều loại như:
Viêm da dị ứng: Thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, bụng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra, da vùng này đóng vẩy và tróc ra.
Chàm ở tay: Gây ra bởi sự kích thích của hóa chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su... hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hóa chất.
Cần tìm ra nguyên nhân mắc bệnh chàm để dùng thuốc hiệu quả
Chàm đồng tiền: Vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn. Chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng.
Chàm thể tạng: Hay gặp ở những người có cơ địa giãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.
Dùng thuốc như thế nào?
Do bệnh thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn nên việc điều trị sẽ kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể chia thuốc chữa chàm thành hai loại: thuốc dùng ngoài và thuốc uống.
Các thuốc dùng ngoài: Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp.
Hồ nước: Dùng trong giai đoạn đầu, da mới đỏ, chảy nước ít, có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa.
Dung dịch: Thường dùng dung dịch Jarish, thuốc tím 0,001%; vioform 1%. Dùng trong giai đoạn chàm bán cấp. Dùng gạc nhúng vào dung dịch, đắp nhiều lần lên nơi thương tổn.
Thuốc mỡ: Chủ yếu dùng trong giai đoạn chàm mạn tính. Việc dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp tính đề phòng sẽ gây phản ứng mạnh. Các kháng sinh dạng thuốc mỡ như cream synalar-neomycin, cream celestoderm-neomycin, bôi khi có nhiễm khuẩn. 
Các thuốc mỡ chứa corticoid sử dụng để bôi trên tổn thương chàm khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp chàm nhiễm khuẩn. Không nên bôi quá nhiều (diện tích rộng) vì có thể gây biến chứng do tác dụng phụ của thuốc. Trường hợp mạn tính phải dùng khá lâu dài (có thể từ 12-15 tuần). Nếu dùng lâu dài, corticoid có thể gây tai biến ở da.
Thuốc uống:
Thuốc chống ngứa: Để chống ngứa, nên dùng một trong các thuốc chống dị ứng như sirô phenergan, sirô théralene, chlorpheniramin, cetirizine...
Thuốc chống bội nhiễm: Tùy theo tình trạng bội nhiễm, bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh thích hợp. Trong trường hợp chàm có viêm da mủ, cần điều trị chống bội nhiễm bằng cách cho uống kháng sinh (amoxicilin, cephalosporin...).
Sử dụng thuốc cho bé bị chàm sữa
Bệnh chàm rất hay gặp ở trẻ em, còn gọi là chàm sữa, qua tuổi dậy thì, nhiều trường hợp bệnh sẽ tự khỏi. Việc dùng thuốc chữa bệnh chàm ở trẻ có những  lưu ý riêng vì da bé rất non nớt. Khi tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch mang tính sát khuẩn nhẹ như: thuốc tím 0,001%, hồ nước...
Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa corticoid nồng độ thấp trong thời gian ngắn (7-10 ngày). Trường hợp tổn thương da khô, dày sừng nhiều thì có thể dùng các loại thuốc mỡ chứa corticoid hoặc phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid. Không được dùng các dung dịch có acid boric cho trẻ em.
Lưu ý: Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc. Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, cũng không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm. 
Thực tế, đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticoid và dùng dài ngày, khiến trẻ dễ gặp tác dụng phụ như bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da. Ngoài ra, corticoid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm khuẩn. Nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây suy yếu tuyến thượng thận...
Các biện pháp phòng ngừa
Để điều trị bệnh chàm hiệu quả, người bệnh cần đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng các loại trà thanh nhiệt (actiso, hoa hòe, hoa cúc,...), nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin để giải độc cơ thể, bài trừ độc tố, nâng cao sức đề kháng, ăn thức ăn lỏng nhẹ. 
Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá, cà phê, hải sản, đồ hộp, thức ăn sống, lên men, các thức ăn chế biến có nhiều gia vị cay nóng. Giữ vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị bệnh. Tránh cọ xát, gãi, xát xà phòng vì nó sẽ làm vùng da bị bội nhiễm, tạo nên những tổn thương khó lành. 
Người mắc bệnh chàm nên tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng, dễ làm bệnh nặng thêm, nhưng có thể tắm bằng nước lá chè xanh, nước lá cau có pha chút muối loãng để làm dịu cơn ngứa giúp người bệnh dễ chịu hơn rất nhiều


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Cảnh giác thuốc, mỹ phẩm hại da

Cần lưu ý thuốc dùng dạng uống, dạng bôi ngoài da hay mỹ phẩm có thể chứa thành phần làm hại da, cụ thể là gây khô và mỏng da. Dưới đây là những điều cần hết sức lưu ý:
Thuốc uống
Thuốc uống làm khô da cần phải kể đến là isotretinoin. Isotretinoin là dược chất chứa trong thuốc trị mụn trứng cá nặng và là loại gây nhiều tác hại trầm trọng nếu dùng tùy tiện, không đúng cách và không tuân thủ một số yêu cầu.
Isotretinoin là thuốc uống dùng sai rất nguy hiểm vì có nhiều tác dụng phụ có hại, đặc biệt có thể gây quái thai khi người nữ dùng thuốc mà có thai. Isotretinoin đã được chứng minh là gây quái thai, làm cho thai nhi bất toàn về thị giác và thính giác (trẻ sinh ra không có vành tai), dị dạng mặt, chậm phát triển tâm thần. 
Vì chắc chắn gây quái thai nên khi bác sĩ quyết định dùng isotretinoin trị mụn cho người nữ trong tuổi còn sinh nở, bắt buộc phải có bản thỏa thuận điều trị và có chữ ký của người được điều trị. Trong đó, người được điều trị cam kết là đã biết rõ thuốc này có thể gây quái thai. 
Người nữ đang dùng thuốc isotretinoin nếu muốn có thai phải ngưng dùng isotretinoin một tháng trước rồi mới tính chuyện có thai (vì thuốc tích lũy trong cơ thể dài ngày có thể gây hại).
Ngoài tác dụng gây quái thai, isotretinoin còn gây các tác dụng có hại khác, như có thể làm khô da, khô môi, khô miệng, khô mắt. Nhiều khi bác sĩ phải kê thêm thuốc là nước mắt nhân tạo để trị khô mắt cho người bệnh dùng isotretinoin. Còn đối với khô da, nhiều khi người bệnh phải dùng mỹ phẩm chứa chất làm ẩm để bôi lên môi, lên mặt, lên da cánh tay để giảm sự khó chịu. Tác dụng làm khô da thường hết khi ngưng uống thuốc.
Cortibion là thuốc bôi da chứa corticoid, nếu dùng sai sẽ gây hại da trầm trọngẢnh: Hoàng Triều
Cortibion là thuốc bôi da chứa corticoid, nếu dùng sai sẽ gây hại da trầm trọngẢnh: Hoàng Triều
Thuốc bôi ngoài da
Thuốc bôi da làm khô da, mỏng da cần phải kể đến là glucocorticoid, gọi tắt corticoid. Các thuốc bôi ngoài da chứa dược chất corticoid có dạng kem thuốc (crème) hoặc thuốc mỡ (pommade) có thể kể: Cortibion, Celestoderme, Synalar, Halog, Hydrocortisone, Flucinar, Topsyne, Betneval… Đây là những thuốc bôi ngoài da chứa dược chất chống viêm rất quý, nếu dùng đúng chỉ định có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da khó trị (như chàm…) nhưng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, dùng sai chỉ định, như dùng để chữa các vết lở loét, mụn trứng cá, thậm chí dùng như kem dưỡng da (!). 
Nếu bôi lên da mặt, lúc đầu thuốc cho tác dụng tức thời khiến nhiều người rất thích như làm trắng da, mịn da (do làm da mỏng hơn), da láng hơn (do viêm của mụn giảm đi) hoặc sẽ giảm ngứa do dị ứng nhờ tác dụng chống dị ứng của corticoid. Nhưng nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm khô da, mỏng da, teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng rồi đưa đến mụn đỏ, mụn li ti, tăng tiết bã nhờn, giãn mạch máu, làm hư hết da mặt…
Nguy hiểm hơn là trong thời gian qua, nhiều phụ nữ mua “kem trộn tự chế” về bôi lên da mặt làm đẹp. Kem trộn này do một số người không được đào tạo về chuyên môn tự “bào chế” bằng cách pha trộn 3 thứ: kem thuốc cortibion, vitamin E và aspirin tạo thành “kem dưỡng da” và bán trao tay cho các chị em muốn làm đẹp da mặt với bất cứ giá nào. 
Ngoài Cortibion là thuốc bôi da chứa corticoid, nếu dùng sai sẽ gây hại da nghiêm trọng đã đề cập ở trên, kem trộn tự chế còn chứa aspirin là thuốc có bản chất axít, khi bôi lên da sẽ bào mòn, làm mỏng da. Tác động của corticoid cộng với aspirin lúc đầu bôi lên da mặt sẽ làm trắng, làm mịn nhưng dùng lâu dài sẽ hại như thế nào không sao lường được. Tuyệt đối không nên dùng bất cứ loại kem nào gọi là “tự chế”!
Mỹ phẩm
Đa số mỹ phẩm trong thành phần đều chứa cồn (alcohol) và bản chất của cồn khi bôi lên da sẽ làm khô da. Vì vậy, trong các mỹ phẩm tốt của các hãng có uy tín đều có thêm chất làm ẩm để cân bằng, nhờ đó khi bôi lên da không làm khô da. 
Trong thị trường mỹ phẩm phức tạp hiện nay, với đủ loại giá cả từ bình dân đến cao cấp, gọi là phục vụ đủ mọi tầng lớp người tiêu dùng, nhiều khi khó chọn được mỹ phẩm có chất lượng thật tốt để không ảnh hưởng đến làn da của người dùng.
Ta cần lưu ý, ngay cả khi sử dụng mỹ phẩm có chất lượng tốt vẫn không ngăn ngừa được tình trạng dị ứng mỹ phẩm. Biểu hiện của dị ứng mỹ phẩm rất đa dạng, trong đó có khô da, teo da, sạm da, lão hóa da. Vì vậy, phụ nữ cần tránh lạm dụng mỹ phẩm, trong thực tế không có loại mỹ phẩm nào đem lại sức sống, bổ dưỡng cho da cả. Người nào có cơ địa dị ứng như hay nổi mề đay, hen suyễn thì phải rất thận trọng trong việc sử dụng mỹ phẩm.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Thuốc nội tiết cần dùng cho đúng

Thuốc nội tiết là thuốc chứa dược chất là nội tiết tố (hormon). Việc dùng các thuốc này là không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và sự cập nhật thông tin thường xuyên.

Vai trò của hormon
Trong cơ thể, hormon là những chất hóa học được bài tiết bởi các tuyến nội tiết hòa vào máu rồi máu chuyên chở đi khắp nơi, gặp các tế bào đáp ứng sẽ điều hòa chuyển hóa, hoạt động các tế bào này. 
Như hormon gọi là insulin được bài tiết bởi tuyết nội tiết là tuyến tụy, adrenalin được bài tiết bởi tuyến vỏ thượng thận... Chính nhờ các hormon mà toàn bộ các chức năng của cơ thể mới được thể hiện điều hòa như quá trình tăng trưởng, phát triển, tạo nhịp sinh học, tiến hành chuyển hóa thức ăn, thức uống...
Mỗi hormon chỉ tác dụng lên một mô hay cơ quan gọi là mô đích như TSH (thyroid stimulating hormon) chỉ tác động lên tuyến giáp, hay hormon ACTH chỉ tác động lên tuyến vỏ thượng thận... Nhưng cũng có hormon có thể tác động lên mọi mô, cơ quan trong cơ thể như GH (growth hormon) giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển toàn diện.
Hormon có thể có cấu trúc rất phức tạp gọi là cấu trúc steroid (hormon sinh dục) nhưng cũng có cấu trúc đơn giản là acid amin, polypeptide (hormon tuyến giáp, hormon tuyến tủy thượng thận). Hormon tác động với liều lượng rất nhỏ, tức chỉ với lượng rất nhỏ (tính đơn vị là microgram) đã có thể gây biến đổi rất lớn.
Dùng thuốc nội tiết phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Hormon có nhiệm vụ giống như “người đưa thư”. Chúng là công cụ hóa học truyền các tín hiệu từ tế bào này đến tế bào khác. Chúng gửi các tín hiệu đến các cơ quan, các mô và các tế bào thông qua đường máu để thực hiện các chức năng vốn có ở nơi tiếp nhận.
Một số vai trò quan trọng của hormon là: thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của tế bào hoặc các mô; giúp chuyển hóa thức ăn; duy trì sự phát triển bình thường của cơ quan sinh sản, chức năng tình dục; duy trì nhiệt độ cơ thể; điều chỉnh tâm trạng và chức năng nhận thức...
Mọi sự mất cân bằng trong bài tiết hormon trong cơ thể đều dẫn đến bệnh lý, vì thế chính cơ thể có cơ chế “điều hòa ngược” (feedback) điều hòa bài tiết hormon. Tức là khi nồng độ hormon giảm, sự giảm này sẽ kích thích tuyến chỉ huy ra lệnh cho tuyến nột tiết bài tiết nhiều hormon hơn để đưa nồng độ hormon tăng trở lại mức bình thường.
Ngược lại, khi nồng độ hormon tăng quá mức, sự tăng có tác dụng ức chế tuyến chỉ huy và tuyến chỉ huy ra lệnh cho tuyến nội tiết giảm bài tiết hormon để nồng độ trở lại mức bình thường.
Khi nào dùng thuốc nội tiết?
Tuổi tác, rối loạn di truyền, bệnh tật, tiếp xúc với chất độc bên ngoài môi trường và thậm chí là phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể đều có thể ảnh hưởng tới khả năng bài tiết hormon với liều lượng mà cơ thể cần. 
Rối loạn hormon (cả tăng hoặc giảm) đều có thể tác động tiêu cực tới cơ thể, ảnh hưởng đến nhiều chức năng, bộ phận khác nhau. Những rối loạn thường gặp là rối loạn: hormon tuyến giáp, hormon tuyến tụy, hormon tuyến thượng thận, hormon tuyến sinh dục (nam và nữ)… Trong những trường hợp này, các bác sĩ có thể kê đơn các thuốc gọi là thuốc nội tiết khôi phục lại sự cân bằng lượng hormon trong cơ thể của bạn.
Trong trường hợp thiếu hụt hormon, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc nội tiết gọi là trị liệu thay thế. Như phụ nữ được cho dùng thuốc chính là hormon sinh dục nữ là estrogen và progesterone gọi là liệu pháp hormon thay thế (HRT) giúp điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. 
Bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc là dẫn chất estrogen, thường kết hợp thêm dẫn chất progesteron hay còn gọi progestin (progestin và estrogen là hai hormon nữ giúp người phụ nữ có kinh nguyệt và thụ thai) nhằm bổ sung sự thiếu hụt mà cơ thể không thích ứng được và bị rối loạn. 
Còn bệnh nhân nam có khi được bác sĩ cho dùng bổ sung testosterone là hormon sinh dục nam để trị yếu sinh lý, tăng cường khả năng hoạt động tình dục, hoặc dùng trị rối loạn tình dục di truyền như hội chứng Klinefelter. Hoặc bệnh nhân được cho dùng thuốc thay thế hormon tuyến giáp như levoxyl hoặc synthroid (levothyroxine) để điều trị suy giảm chức năng tuyến giáp gọi là nhược giáp…
Thuốc nội tiết cũng có thể dùng chỉ các thuốc trị sự dư thừa hay hoạt động quá mức của hormon, trong trường hợp này gọi là thuốc kháng hormon. Như người bệnh có tuyến giáp hoạt động quá mạnh tiết quá nhiều hormon tuyến giáp là thyroxin đưa đến bệnh cường giáp. Khi đó, bác sĩ cho dùng thuốc kháng giáp là propylthiouracil hoặc methimazole gây ức chế sự tổng hợp hormon tuyến giáp để người bệnh trở lại trạng thái ổn định hormon tuyến giáp gọi là bình giáp.
Nguy cơ khi dùng không đúng thuốc nội tiết
Ta cần biết, bất cứ thuốc nào, kể cả vitamin được cho là thuốc bổ đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nó nếu không được dùng đúng cách, đúng liều, và đặc biệt khi cả dùng đúng cách đúng liều. 
Những bất lợi do dùng thuốc gây ra được gọi chung là “phản ứng có hại của thuốc” (ADR). ADR còn được gọi bằng tên khác như tác dụng phụ, tác dụng ngoại ý, tác dụng không mong muốn… 
Riêng thuốc nội tiết gây rất nhiều ADR vì vậy hầu hết các thuốc nội tiết (ngoại trừ thuốc tránh thai) là thuốc thuộc loại kê đơn, tức thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ sau khi bác sĩ khám chẩn đoán bệnh phải dùng thuốc nội tiết. 
Nếu sử dụng bừa bãi sẽ làm tổn hại sức khỏe của người dùng thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, hormon sinh dục nam testosterone dùng không đúng ở người nam sẽ làm vô sinh, hay dùng không đúng ở người nữ thì làm nam hóa (giọng trầm, mọc râu…).
Liệu pháp hormon thay thế đã được chứng minh có thể cải thiện đáng kể hội chứng hậu mãn kinh, giảm nguy cơ gãy xương (thường có gãy cổ xương đùi và xương quay cánh tay) do loãng xương, giảm rõ rệt hiện tượng teo và viêm teo của đường tiết niệu. Tuy nhiên, lợi ích của liệu pháp được công nhận trước đây là làm giảm tần suất và tính nghiêm trọng của bệnh lý tim mạch, đến nay đã có các công trình nghiên cứu xem xét lại.
Như vậy, ta thấy việc dùng liệu pháp hormon thay thế, trong đó có việc bổ sung estrogen là không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và sự cập nhật thông tin thường xuyên. Thuốc có nguồn gốc hormon nói chung, trong đó có estrogen phải do bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng.
Để sử dụng liệu pháp hormon an toàn, cần lưu ý
Chống chỉ định (tức không được dùng) liệu pháp hormon thay thế ở phụ nữ ngờ rằng có thai, chảy máu bất thường âm đạo, có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hay bị huyết khối, có bệnh về gan; Cân nhắc cho sử dụng hormon với liều thấp nhất và cảnh giác với các tác dụng phụ thuộc loại hiếm nhưng nghiêm trọng mới được ghi nhận: ung thư vú, ung thư tử cung, gây huyết khối, nhồi máu cơ tim… 
Ngoài ra, dùng thuốc chứa estrogen còn có thể gây những tác dụng phụ như nhức đầu, đau vú, nôn, rụng tóc, chảy máu âm đạo bất thường...


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Thuốc tránh thai làm teo não?

Thuốc tránh thai đang được xem là một trong những cách tránh thai hiệu quả nhất, tuy nhiên, thông tin sử dụng loại thuốc này sẽ bị teo não đang khiến không ít người hoang mang.

Thông tin trên xuất phát từ nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thần kinh học tại Đại học California (Los Angeles, Mỹ). Theo đó, bên cạnh việc gây ra một số phản ứng phụ không mong muốn ở người dùng như thay đổi tâm trạng, tăng cân và nôn mửa, thuốc tránh thai còn có thể làm teo não người sử dụng.
Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận này khi phát hiện hai vùng não then chốt, chịu trách nhiệm về cảm xúc và quá trình ra quyết định mỏng hơn ở những phụ nữ uống thuốc tránh thai. Nghiên cứu này được tiến hành với 90 phụ nữ, trong đó 44 người dùng kết hợp các biện pháp tránh thai và 46 người còn lại không sử dụng bất kỳ dạng tránh thai hoóc môn nào.
Các nhà khoa học cho biết, vùng vỏ não trán ổ mắt và vùng vỏ não đai sau có thể teo rút khi phản ứng với các hoóc môn tổng hợp tồn tại trong thuốc tránh thai. Các chất nhân tạo trong thuốc tránh thai đã ức chế những hormone tự nhiên, kích hoạt các thay đổi về hình dạng và chức năng não.
Đây là một thông tin gây sốc và làm nhiều chị em lo lắng. Trên nhiều diễn đàn, họ đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về tác dụng phụ của thuốc tránh thai cũng như đang khá lúng túng để chọn một biện pháp ngừa thai an toàn thay thế.
Khả năng gây tai biến thấp
Trước thông tin trên, BS Lê Thị Kim Dung (Phó Giám đốc Viện Sức khỏe Sinh sản, phụ trách Khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản và Tình dục tại bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) khẳng định: “Chưa có một tài liệu công bố chính thức từ Bộ Y tế, hay một tài liệu chính thống từ ngành sản khoa của thế giới về vấn đề này. Đó có thể là những câu chuyện thêu dệt bên cạnh những tác dụng tốt đẹp của thuốc tránh thai. Không vì thế mà người ta không dùng thuốc tránh thai nữa”.
Theo BS Dung, hàm lượng thuốc tránh thai thấp nên khả năng gây tai biến không lớn. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề sản phụ khoa, bà cho biết, y học chưa từng ghi nhận trường hợp nào vô sinh chỉ vì dùng thuốc tránh thai mặc dù có đưa khuyến cáo rằng dùng thuốc tránh thai có thể làm niêm mạc mỏng dần.
“Bản thân thuốc tránh thai không có hại. Thông tin thuốc tránh thai gây teo não mới chỉ là một nghi vấn trong một khuôn khổ nghiên cứu diện nhỏ. Thuốc tránh thai là một biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa việc có thai ngoài ý muốn, tốt với các đối tượng sử dụng được. Không dùng thuốc tránh thai có thể dẫn đến nguy cơ có thai ngoài ý muốn, khiến việc phá thai gia tăng. Đó mới chính là lý do dẫn tới vô sinh nhiều như hiện nay”, vị chuyên gia khẳng định.
Ngoài thông tin thuốc tránh thai làm teo não, nhiều người còn truyền tai nhau thông tin thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. 
Về điều này, bác sĩ Dung cho rằng căn bệnh này liên quan nhiều đến quá trình nhiễm virus HPV chứ không liên quan gì đến việc dùng thuốc tránh thai. Tuy nhiên, một số người dùng thuốc do không còn lo sợ có thai nên đã quá phóng túng trong quan hệ tình dục. Đây chính là nguyên nhân gây lây lan virus HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung sau này.
Ngược lại, nếu dùng thuốc tránh thai lâu dài, nồng độ một số hoóc môn trong cơ thể, trong đó có estrogen, sẽ thường xuyên được giữ trong trạng thái cân bằng, giúp người phụ nữ giảm thiểu nguy cơ ung thư tử cung. Thuốc tránh thai ngăn cản sự rụng trứng nên cũng có thể làm giảm bớt nguy cơ ung thư buồng trứng.
Thận trọng khi dùng thuốc
“Cũng như bất kỳ một loại thuốc nào khác, thuốc tránh thai có những tác dụng phụ nhất định. Trong quá trình làm việc tôi thấy 3 vấn đề thường xuyên gặp nhất là tình trạng khô âm đạo, giảm ham muốn và tình trạng dễ bị nấm hơn ở những người thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai. 
Khó đưa ra một biện pháp tránh thai hoàn hảo bởi tùy thuộc vào sở thích, cơ địa và tiền sử bệnh tật của từng người. Với thuốc tránh thai cũng vậy, người dùng phải cân nhắc giữa những tác dụng và tác dụng phụ của nó để từ đó chọn ra một biện pháp ít rủi ro và phù hợp nhất đối với mình”, BS Dung tư vấn.
Bà cho biết thêm rằng, dùng thuốc tránh thai khẩn cấp không an toàn bằng loại hằng ngày bởi bản thân loại thuốc này là thuốc nội tiết, trong quá trình sử dụng thuốc có thể phụ thuộc vào thời điểm uống hoặc cơ địa của từng người nên hiệu quả tránh thai không thể đạt 100%.
“Việc sử dụng thuốc tránh thai một cách tự động, bừa bãi hiện nay mới là vấn đề đáng lo ngại bởi loại thuốc này có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc. Người mua không biết mình thuộc cơ địa nào, có chống chỉ định hay không, từ đó dễ dẫn đến tai biến”, BS Dung cảnh báo.
Do đó, trước khi dùng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào, chị em nên đến tư vấn sản khoa và duy trì khám sức khỏe định kỳ. Vẫn theo tư vấn của vị chuyên gia này, chị em nên thay đổi phương pháp tránh thai mỗi 5 năm để hiệu quả tránh thai cao nhất, đồng thời an toàn cho người sử dụng.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons