Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Dùng thuốc Prednisone liên tục nhiều năm liền nguy hại không?

Em là nam năm nay 26 tuổi bị bệnh viêm cột sống dính khớp và em đã uống thuốc Prednisone được 6 năm rồi, bây giờ em vẫn uống duy trì hằng ngày (sáng 2 viên, chiều 1 viên). Cho em hỏi là em uống dài vậy có sao không? Uống bao lâu mới có tác dụng nguy hiểm điến tính mạng?
 
(Nguyễn Phương, 26 tuổi - Thừa Thiên Huế)
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bạn Phương thân mến,
Prednisone là thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid, chỉ định trong các bệnh lý về khớp, bệnh chất tạo keo, da, mắt, hô hấp, huyết học, thận và dị ứng đáp ứng với corticosteroid.
Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp nhiễm nấm toàn thân, viêm gan siêu vi A, B cấp, loét dạ dày – tá tràng.
Khi sử dụng có thể gặp một số tác dụng phụ như ứ muối nước gây phù, suy tim, tăng huyết áp, giảm canxi, mất kali, yếu cơ, teo cơ, loãng xương, loét dạ dày – tá tràng, viêm tụy, xuất huyết da, tăng áp lực nội sọ, rối loạn kinh nguyệt, chậm tăng trưởng ở trẻ em, đục thủy tinh thể, suy tuyến thượng thận…
Các tác dụng phụ thường xảy ra khi dùng thuốc bừa bãi, không đúng cách và dùng thuốc dài ngày. Do vậy, bạn sử dụng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời thường xuyên đi khám để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn nhé.
Chúc bạn sức khỏe,

Th.S Dược Trần Thị Lạc Diệp/ Hasan – Dermapharm

Men tiêu hóa: Hiểu đúng để dùng đúng

Hiện nay, khá nhiều người gọi men tiêu hóa (MTH) là thuốc hay chế phẩm có tác dụng giúp chức năng tiêu hóa tốt hơn, đặc biệt dùng cho trẻ em khi chúng chán ăn. Xem xét kỹ, ta sẽ thấy chế phẩm được gọi là MTH ấy thực ra là 2 loại khác nhau về bản chất, như vậy chữ MTH đã được dùng nên hiểu đúng với 2 nghĩa.
Chỉ dùng men tiêu hóa khi cần thiết
Nghĩa thứ nhất để chỉ chế phẩm chứa các enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Ở đây dùng từ MTH là đúng. Ta nên biết rằng từ miệng có dịch tiêu hóa là nước bọt chứa amylase (tiêu hóa tinh bột); còn ở dạ dày tiết ra dịch vị chứa axít hydrocloric và pepsin (tiêu hóa protein, tức chất đạm); trong đường ruột có dịch tụy, dịch mật, gọi chung là dịch ruột chứa nhiều enzyme như amylase (tiêu hóa tinh bột), lipase (tiêu hóa chất béo), trypsin (tiêu hóa chất đạm)... giúp hoàn tất việc tiêu hóa thức ăn, thức uống; nếu thiếu sẽ sinh ra khó tiêu, đầy bụng.
Một số thức ăn hằng ngày có thể hỗ trợ tiêu hóa nhờ kích thích bài tiết các MTH như một số gia vị thường dùng (gừng, hành, tỏi, tiêu, ớt...), một số khác cung cấp chính enzyme tiêu hóa thức ăn (đu đủ, thơm, sản phẩm lên men...). Để bổ sung MTH với thành phần là các enzyme, người ta làm ra các chế phẩm là thuốc. 
Ví dụ như Neopeptine là thuốc chứa các loại MTH như amylase, papain (enzyme có trong đu đủ xanh) và chất chống đầy hơi là simethicone, có tác dụng trị chứng ăn khó tiêu, đầy bụng, đặc biệt có dạng thuốc uống nhỏ giọt thích hợp cho trẻ con.
Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết để tránh lệ thuộc vào thuốcẢnh: Hoàng Triều
Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết để tránh lệ thuộc vào thuốc. Ảnh: Hoàng Triều
Nên lưu ý khi bổ sung MTH dưới dạng thuốc, xem như chúng ta đã bổ sung từ ngoài vào giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, vì thế chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Không nên lạm dụng vì dùng dài ngày sẽ gây tác dụng ngược do lượng MTH được cung cấp nhiều từ bên ngoài sẽ ức chế các tuyến tiết ra MTH nội sinh có trong cơ thể.
Hiện nay, một số phụ huynh cho trẻ dùng quá đà thuốc Neopeptine vì lầm tưởng thuốc làm cho tăng cân. Như đã nói, thuốc không có tác dụng làm cho tăng cân mà chỉ giúp trẻ thiếu MTH ăn uống tốt hơn; lưu ý khi dùng thuốc vẫn phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mới mong tăng cân. 
Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết để tránh lệ thuộc vào thuốc, thông thường chỉ dùng không quá 7-10 ngày, ngưng dùng thuốc 7-10 ngày nếu muốn tiếp tục dùng lại. Các phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc thử trong một thời gian, nếu thấy trẻ ăn uống tốt thì tiếp tục dùng, còn dùng thử mà không thấy cải thiện thì ngưng dùng.
Nên gọi là men vi sinh
Nghĩa thứ hai của MTH mà một số phụ huynh hay dùng để chỉ chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột và có ích cho sức khỏe người dùng. Trong trường hợp này, không nên gọi là MTH mà nên gọi là men vi sinh hay gọi theo tiếng nước ngoài đã trở thành thông dụng là probiotic. Probiotic có nguồn gốc vi sinh vật và có nghĩa là "trợ sinh".
Ta nên biết trong ruột con người hiện diện rất nhiều loại vi khuẩn (VK) tạo thành quần thể gọi là tạp khuẩn ruột. Trong tạp khuẩn ruột, ngoài VK gây bệnh còn có VK có ích. Chính các VK có ích giúp tiêu hóa tốt thức ăn, tiêu sạch và tái hấp thu phần thức ăn còn sót lại ở ruột già, giúp tổng hợp một số vitamin nhóm B, vitamin K…, đặc biệt giúp cân bằng với VK có hại, làm cho VK có hại không tăng sinh quá đáng gây bệnh. 
Nếu vì lý do nào đó (như an toàn vệ sinh thực phẩm quá kém, uống nhiều bia rượu, dùng kháng sinh, stress...), sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn đường ruột, thể hiện qua các tình trạng: tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng…
Được sử dụng từ lâu đời, men vi sinh trong thực phẩm như sữa chua (yaourt), dưa chua, kim chi... cho thấy lợi ích và an toàn đối với hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, trong trường hợp không đủ lượng hoặc bị mất cân bằng quá đáng tạp khuẩn ruột, lúc đó có thể dùng chế phẩm men vi sinh. 
Riêng đối với trẻ em, cũng giống trường hợp MTH nêu trên, các bậc phụ huynh hãy cho dùng thử trong một thời gian, nếu thấy trẻ ăn uống tốt thì tiếp tục dùng, còn dùng thử mà không thấy cải thiện thì ngưng dùng. 
Mặt khác, cho trẻ dùng thuốc khi thật cần thiết, tức nghi ngờ trẻ bị rối loạn tạp khuẩn; thông thường chỉ dùng không quá 7-10 ngày, ngưng dùng thuốc 7-10 ngày nếu muốn tiếp tục dùng lại. Một thực phẩm có tác dụng gần tương tự men vi sinh, chính là sữa chua. Ăn sữa chua vừa được cung cấp chất dinh dưỡng vừa có tác dụng giúp cân bằng hệ tạp khuẩn ruột.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Sức khỏe và Đời sống

Chặn hệ lụy do thuốc điều trị động kinh lamotrigin

Những tác dụng không mong muốn khó lường của lamotrigin được phát hiện sau khi đã đưa vào thị trường.

Những tác dụng không mong muốn khó lường của lamotrigin được phát hiện sau khi đã đưa vào thị trường, vì vậy trong các tờ hướng dẫn kèm theo thuốc không ghi đầy đủ. Hiện lamotrigin vẫn còn được lưu hành tại nhiều nước, cũng có ở nước ta với nguồn nhập không chính thức. Cần có sự cảnh giác cần thiết.
Phạm vi dùng rộng rãi
Lamotrigin được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt dùng trong động kinh cục bộ (12/1964) dùng đơn trị liệu cho động kinh cục bộ ở người lớn khi chuyển đổi từ dùng các dạng valrpoat sang (1/2004)), dùng trong động kinh cục bộ trẻ em 2 tuổi; hội chứng Lennox-Gastaut (8/1998). 
Là thuốc được chọn lựa hàng đầu trong động kinh cục bộ. Thuốc cũng được FDA phê duyệt dùng trong trầm cảm rối loạn lưỡng cực (6/2003). Gân đây nhất cũng được FDA phê duyệt dùng tránh thai khẩn cấp. 
Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau dây thần kinh sinh ba, đau nửa đầu, cơn đau do thần kinh, trầm cảm đơn cực, rối loạn mất nhân cách, rối loạn ảo giác, rối loạn tâm thần phân liệt - xúc cảm (schizo- afective), rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Chặn hệ lụy do thuốc điều trị động kinh lamotrigin
Hội chứng Stevens Johnson có thể xảy ra khi dùng lamotrigin.
Nhưng nhiều tác dụng phụ khó lường
Gây phát ban nặng bao gồm cả hội chứng Stevens Johnson:
Tỷ lệ bị phát ban so với số người dùng chữa động kinh ở bệnh nhi 2-16 tuổi là 0,8%, ở người lớn 0,3%. Trong một nghiên cứu thuần tập trên 1.983 bệnh nhi 2-16 tuổi dùng lamotrigin điều trị động kinh có 1 ca tử vong do phát ban nặng. 
Theo kinh nghiệm thế giới, phát ban nặng của lamotrigin bao gồm sự hủy hoại biểu bì, tử vong; tuy nhiên, con số quá ít nên khó cho phép lượng giá các trường hợp nặng này chính xác. 
Ngày 4/2/2015, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản thông báo: Tại nước này đã có 370.000 người dùng lamotrigin chữa động kinh, trầm cảm. Tính từ tháng 9/2014 đến 12/2014 có 4 trường hợp tử vong do các tác dụng phụ của thuốc, nếu tính cả tử vong do tổn thương da nghiêm trọng tương tự nhưng chưa truy cứu đầy đủ nguyên nhân là 12 trường hợp. Tính chung, tỷ lệ gây phát ban do Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra cao hơn tỷ lệ biết trước đây. Bộ này đề nghị nhà sản xuất sửa đổi các lưu ý về sử dụng lamotrigin nhằm đảm bảo an toàn.
Trong nhiều trường hợp ghi nhận lamotrigin có thể gây phát ban nhẹ (5% ở người dùng) rồi tự hết, có thể tiếp tục dùng thuốc. Tuy nhiên, không có cơ sở nào để tin chắc sẽ không chuyển sang phát ban nặng. Tất cả các trường hợp phát ban đe dọa tính mạng xảy ra trong vòng 2 -8 tuần dùng thuốc, nhưng cũng có trường hợp xảy ra sau 6 tháng dùng.
Theo kinh nghiệm thế giới, nguy cơ bị phát ban nặng lên do 3 yếu tố: dùng vượt quá liều khuyến cáo ban đầu hoặc dùng vượt quá liều khuyến cáo leo thang của lamotrigin, dùng chung với valproat (yếu tố thứ ba này chưa được chứng minh). Do điều này không thể dự đoán các trường hợp phát ban nặng trong quá trình dùng.
Gây viêm màng não vô khuẩn
Năm 2010, FDA thông báo từ 12/1994- 11/2009 đã ghi nhận 40 trường hợp viêm màng não vô khuẩn liên quan đến dùng lamotrigin, trong đó có 35/40 trường hợp nặng phải nhập viện. Các triệu chứng bao gồm: sốt, đau đầu, ớn lạnh, nôn mửa, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng. Phần lớn hết triệu chứng sau khi ngừng dùng lamotrigin.
Gây nhiều tác dụng không mong muốn khi dùng tránh thai
Lamotrigin có tác dụng ngăn chặn hoặc trì hoãn việc rụng trứng trong vòng 5 ngày, do đó, FDA phê duyệt dùng để ngừa thai khẩn cấp (biệt dược Ella), dùng uống trong vòng 120 giờ sau khi giao hợp cho mọi lứa tuổi theo đơn của thầy thuốc. Ella có tác dụng không mong muốn gây nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, khó chịu trong thời gian kinh nguyệt, mệt mỏi. Khuyến cáo không được dùng làm thuốc tránh thai thường xuyên, đặc biệt không dùng cho người cho con bú.
Hội chứng Lennox- Gastaut là hội chứng động kinh do tổn thương thực thể não ở trẻ em gồm những cơn động kinh và thoái triển tâm lý, biểu hiện bằng những cơn co cứng ngắn trong giấc ngủ, các cơn vắng ý thức không điển hình, các cơn mất trương lực làm trẻ ngã đột ngột, các cơn co giật toàn khối hai bên hay cục bộ. Những cơn này xảy ra hàng chục lần và có thể kết hợp với các cơn cục bộ vận động, cơn co - giật toàn bộ hoặc cơn co - giật nửa người. Điện não đồ có hình ảnh bất thường.
Theo DS Hà Thủy Phước - Sức khỏe và Đời sống

Thuốc bôi ngoài da: Dùng sao cho đúng?

Các dược chất có trong thuốc bôi ngoài da có thể thấm vào máu và nếu thuốc có độc tính thì cơ thể sẽ bị nhiễm độc nếu bôi dài ngày.


Bôi ngoài, hại trong
Thuốc bôi ngoài da là một chế phẩm tiện lợi trong điều trị các bệnh tổn thương ngoài da. Hiện nay có nhiều dạng thuốc bôi trên thị trường như mỡ Benzosali, hồ nước, mỡ Acyclovir, kem kẽm oxit, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xanh-methylen... Nhìn chung, thuốc bôi bao gồm một hoặc nhiều thành phần: chất béo, nước, bột và thuốc.
Có 5 loại thuốc bôi cơ bản đó là: dạng dung dịch, dạng bột, dạng hồ, dạng kem và dạng mỡ:
1. Dạng dung dịch: Đa phần là các thuốc sát trùng như: Xanh metylen, Acid boric, Tím gentian. Dạng dung dịch này chủ yếu được dùng cho vết thương, loét da, chảy nước.
2. Dạng bột: Thành phần dược liệu có trong thuốc bột thường là các kháng sinh như Clorocid. Thuốc bôi dạng này chủ yếu được dùng cho các vết thương nhiễm trùng chảy nước nhiều và liên tục.
3. Thuốc mỡ: là hỗn hợp gồm các chất diệt khuẩn như kháng sinh, các acid hữu cơ, các chất làm bong vảy da như acid salicylic, các kháng sinh chống nấm, corticoid, vitamin... Thuốc mỡ chỉ được dùng cho vết thương đã khô và đóng vảy.
4. Dạng hồ: là dạng thuốc bôi trong đó thành phần bao gồm chất béo, bột tạo hình và thuốc. Vì có nhiều bột hơn nên thuốc bôi ngoài da dạng hồ được sử dụng trong giai đoạn bán cấp, vết thương chuẩn bị se da.
5. Kem: là một dạng thuốc bôi mà thành phần của nó có đủ: mỡ, glycerin, nước và thuốc. Nó thường được dùng để chế tạo mỹ phẩm. Thuốc đôi khi cũng được bào chế dạng kem với chủ định là làm mát da.
Việc sử dụng thuốc dùng ngoài da cũng phức tạp và nhiều lúc đòi hỏi sự thận trọng không kém gì thuốc để uống. Các hoạt chất có trong thuốc bôi ngoài da có thể ngấm vào cơ thể gây tác động toàn thân.
Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần biết cơ chế tác dụng của thuốc, phản ứng của cơ thể với thuốc ấy. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện do sử dụng thuốc bôi ngoài da không đúng cách.
Cách đây không lâu, BV Nhi Đồng 2, TPHCM đã tiếp nhận một trẻ hai tháng tuổi bị hoại tử đầu ngón tay phải cắt bỏ phần hư chỉ vì người thân mua kem chứa thuốc chống viêm glucocorticoid thoa mụn bóng nước trên da của trẻ.
Một trường hợp bị phản ứng phụ từ thuốc bôi ngoài da khác là ông Đ., ở Quảng Xương, Thanh Hóa.Ông Đ. bị bệnh vẩy nến, khi mới mắc có đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ kê loại thuốc mỡ Daivonex. Bôi thời gian đầu thấy đỡ nên những lần sau khi bệnh tái phát nặng hơn, ông Đ. vẫn tự mua loại thuốc này để bôi. Sau hơn 7 tháng, ông thấy người mệt mỏi, chán ăn, huyết áp cao nên phải nhập viện. Bác sĩ kết luận ông bị viêm cầu thận vì dùng thuốc bôi da quá lâu, gây tác dụng phụ.
Điển hình của loại thuốc dùng ngoài da có thể gây tác dụng phụ và ảnh hưởng toàn thân nếu sử dụng bừa bãi là thuốc có chứa glcocorticoid (gọi tắt corticoid) hoặc chứa fluoro-corticoid là dược chất có tác dụng rất mạnh. Nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng vì mất sự đề kháng, hoặc da mặt bị mụn trứng cá, phát mụn tấm khắp mặt...
Không những thế, nếu bôi lâu ngày, độc tính của thuốc có thể thấm qua da vào máu làm cho trẻ con chậm lớn hoặc các cô gái tiền dậy thì bị rối loạn sự phát triển hệ lông. 
Do có khả năng gây tai biến như thế nên mặc dù chỉ được dùng ngoài da, nhưng các loại thuốc bôi có chứa corticoid, fluorocorticoid vẫn bị quy vào thuốc độc dược bảng A, tức là thuốc phải được bán theo toa của bác sĩ, phải dùng đúng liều lượng và không dùng quá 7 ngày.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thuốc bôi da cũng là thuốc
BS Bùi Cẩm Trúc, thành viên của Hiệp hội Thẩm mỹ Da Hoa Kỳ, bác sĩ điều trị tại Phòng khám BS Trúc khuyến cáo, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng phụ. Sử dụng thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da, có khi cả tuổi, giới, thời tiết, nghề nghiệp… thì mới có hiệu quả cao.
Theo nguyên tắc, mỗi loại kem bôi da không được sử dụng quá 15 ngày và những lần sau phải đổi sang thuốc mới để tránh nhờn thuốc. Cần bôi thử ở từng vùng nhỏ và theo dõi phản ứng, nếu không thấy có hiện tượng gì lạ xuất hiện như ngứa tăng lên, nổi mẩn... thì mới dùng thuốc bôi rộng toàn vùng tổn thương.
Một số thuốc bôi da nếu kết hợp với thuốc khác sẽ gây phản ứng. Một số bệnh khi dùng thuốc bôi cũng yêu cầu kiêng cữ và thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt. 
Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh, không nên tự ý mua thuốc chữa mà phải được bác sỹ kê đơn, hướng dẫn dùng thuốc, đặc biệt với phụ nữ đang mang thai vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Khi bôi thuốc cần làm vệ sinh da, làm sạch tổn thương và vùng da xung quanh trước thì thuốc mới có hiệu quả.
Riêng đối với trẻ sơ sinh, phải tránh dùng các loại xà bông có chứa hexaclorophen (như Phisohex) vì có thể gây ngộ độc thần kinh. Hoặc không được dùng với dầu gió, dầu cù là có chứa bạc hà (menthol), long não (camphor) bôi lên mũi trẻ sơ sinh vì có thể gây kích ứng làm ngưng hô hấp .
Đối với các mỹ phẩm như: kem dưỡng da, kem trị mụn, kem trị tàn nhang cũng cần phải xem như dược phẩm và phải dùng với ý thức và thận trọng như dùng một loại thuốc dùng ngoài da. Thực tế, có nhiều loại kem như kem trộn dùng thời gian ngắn rất hiệu quả nhưng càng về sau gây teo da giãn mạch, dễ bị ngứa, khó dứt được thuốc bôi và để lại hậu quả lâu dài về mặt thẩm mỹ.
Tử vong vì thuốc bôi miệng ở trẻ mọc răng
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA)đã phát hiện 22 trường hợp ở nước này bị tác dụng phụ nặng do lidocaine bôi miệng ở trẻ em trong năm 2014. Trong số này có 6 trường hợp tử vong, 3 trường hợp nguy kịch, 11 trường hợp phài nhập viện và 2 trẻ phải can thiệp y tế nhưng không vào viện.
Lidocaine là dạng thuốc bôi chưa được FDA phê chuẩn để điều trị đau miệng do mọc răng ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, và tình cờ nuốt phải thuốc này có thể gây co giật, tổn thương não nặng và và bệnh tim ở trẻ em.
Theo Ngọc Ân - Sức khỏe gia đình

Thuốc tim mạch: Không dùng bừa bãi

Khi bạn bị cảm, ho, viêm họng, tiêu chảy, nôn ói... nói chung là bị bệnh nhẹ, có thể dùng thuốc vài ngày sẽ khỏi bệnh. Thế nhưng, với bệnh tim mạch thì khác

Thuốc để chữa các bệnh tim mạch, gọi tắt là thuốc tim mạch, không thể uống một sớm một chiều trong thời gian ngắn mà cần có quá trình điều trị lâu dài, với sự thận trọng. Thậm chí, nhiều bệnh lý tim mạch đòi hỏi bạn phải dùng thuốc suốt đời, ví dụ như: tăng huyết áp, suy tim…
Người ta chia thuốc tim mạch ra thành các nhóm: thuốc điều trị suy tim, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị loạn nhịp tim, thuốc điều trị cơn đau thắt ngực...
Đối với thuốc tim mạch, cần lưu ý những điều sau:
Không tự ý mua thuốc tim mạch để tự chữa trị
Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc uống mà không có sự đánh giá, theo dõi của bác sĩ, có thể xảy ra tai biến do thuốc. Ví dụ:
- Một số thuốc lợi tiểu nếu sử dụng tùy tiện có thể làm rối loạn điện giải gây vọp bẻ, mỏi cơ, thậm chí gây rối loạn chuyển hóa mỡ.
- Thuốc trợ tim (digital) tự ý dùng mà không có sự đánh giá, chỉnh liều của bác sĩ có thể dẫn đến ngộ độc, loạn nhịp tim.
- Thuốc hạ áp nếu dùng không đúng cách, quá liều có thể gây tụt huyết áp dẫn đến nhiều hậu quả không hay.
- Thuốc chống đông dùng trong một số bệnh tim mạch (rung nhĩ, bệnh nhân có bệnh van tim đã được thay van nhân tạo…) nếu không được bác sĩ theo dõi có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết ngoài da, xuất huyết não.
Dùng thuốc tim mạch phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ
Bởi vì chỉ có bác sĩ nắm vững tính năng các thuốc, khám bệnh trực tiếp sẽ lựa chọn thuốc thích hợp và hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc dùng thuốc. Ví dụ, đối với bệnh tăng huyết áp (THA), sự lựa chọn thuốc trị THA sẽ tùy thuộc vào: yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có sự tổn thương các cơ quan (như: suy thận, suy tim, dày thất trái…), có kèm bị bệnh đái tháo đường… Đặc biệt, đối với việc dùng thuốc trị THA, bác sĩ sẽ giúp tuân thủ các nguyên tắc sau:
Trước hết, dùng liều thấp ban đầu và tăng liều dần dần với chỉ một loại thuốc. Nếu không hiệu quả, mới kết hợp 2 thuốc. Nếu thuốc được chọn đầu tiên có hiệu quả kém và có nhiều tác dụng phụ thì đổi nhóm thuốc khác, không cần tăng liều hoặc kết hợp thêm thuốc thứ 2.
Không tự ý ngưng thuốc khi đang dùng đơn thuốc trị bệnh tim mạch
Nhiều người bị bệnh tăng huyết áp, sau một thời gian điều trị, huyết áp trở về bình thường. Họ tự cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi huyết áp của bạn về bình thường - có nghĩa là huyết áp đang được kiểm soát tốt bởi chế độ dùng thuốc. 
Vì vậy, bạn cần điều trị duy trì với liều lượng thích hợp mà không tự ý ngưng dùng. Nếu được, bạn nên tái khám và ngỏ ý muốn ngưng thuốc với bác sĩ tim mạch đang điều trị cho bạn. Thông thường bác sĩ không cho ngưng thuốc mà có thể điều chỉnh chế độ dùng thuốc của bạn. 
Tự bạn không thể quyết định được loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc trong sự điều chỉnh này. Chỉ có bác sĩ mới có thể điều chỉnh liều thuốc thấp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất. Phải có chương trình theo dõi, tái khám với bác sĩ tim mạch thì trái tim bạn được chăm sóc một cách cẩn thận và hiệu quả nhất.
Bên cạnh dùng thuốc nên tập thể dục với cường độ thích hợp
Bên cạnh dùng thuốc nên tập thể dục với cường độ thích hợp
Không tự ý đổi thuốc khi đang dùng đơn thuốc trị bệnh tim mạch
Lấy trường hợp một bệnh tim mạch phổ biến là THA. Và thuốc trị THA có nhiều loại (hiện có 7 nhóm thuốc và mỗi nhóm có cả chục loại thuốc), cho nên vấn đề sử dụng thuốc trị THA không đơn giản mà khá phức tạp. 
Chỉ có bác sĩ điều trị mới là người có thẩm quyền chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc an toàn và hiệu quả, đặc biệt, bác sĩ sẽ là người đưa ra quyết định có nên thay thuốc điều trị bấy lâu nay bằng một thuốc mới hay không. 
Mọi sự thay đổi về dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ và thay đổi như thế nào là thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi thuốc vì việc làm này rất nguy hiểm, dùng không đúng sẽ bị độc hại do thuốc hoặc bệnh THA nặng hơn đến mức nguy hiểm.
Cần thực hiện biện pháp khác
Song song với chế độ điều trị dùng thuốc, hầu hết các bệnh nhân bệnh tim mạch cần phải thay đổi, điều chỉnh lối sống, chế độ làm việc sao cho bớt stress, nên tập thể dục với cường độ thích hợp, ngưng hút thuốc lá, chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo… Nếu bạn ỷ lại vào thuốc tim mạch mà ăn uống thoải mái, không kiêng cữ, có chế độ ăn quá mặn đối với bệnh THA, thuốc sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Tóm lại, một chế độ sinh hoạt, ăn uống đúng mực, một tinh thần lạc quan, một chế độ dùng thuốc và tái khám nghiêm túc sẽ giúp bạn kiểm soát được bệnh tim mạch một cách chủ động và tối ưu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Một thực tế thường xảy ra là nhiều người thấy mình có vẻ có bệnh tim mạch giống với một người nào đó nên tự ý mua thuốc giống họ để uống mà không hề đi khám bệnh. Điều này hết sức nguy hiểm. Cần nhớ rằng, việc dùng thuốc là cho từng cá thể và dùng phải hết sức tinh tế, không thể áp dụng một cách máy móc, lấy đơn thuốc người này cho người kia dùng, dùng không đúng sẽ xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Sức khỏe và Đời sống

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Uống nhiều thuốc cảm sẽ bị “nghiện”

Người bị bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường và các chức năng về thận không tốt thì nên cẩn trọng khi dùng các loại thuốc cảm

Chuyên gia cho biết: Ephedrine là một loại kiềm sinh vật được lấy ra từ Ephedra trong thuốc Đông y, có tác dụng chặn ho, điều hoà khí thở, giảm niêm mạc mũi tụ máu. Vì vậy, mọi người không cần phải lo lắng đến việc bị “nghiện” hay trúng độc.
Ngoài ra, hàm lượng Ephedrine  trong thuốc thành phẩm rất ít, người lớn mỗi lần chỉ uống từ 15-30mg, mỗi ngày uống lượng cao nhất là 150mg, còn cách rất xa so với lượng uống có thể trúng độc, và không gây ra tác dụng phụ như “nghiện” thuốc mà nhiều người lo lắng.
Nhưng, chuyên gia cũng khuyến cáo, người bị bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường và các chức năng về thận không tốt thì nên cẩn trọng khi dùng các loại thuốc có chứa Ephedrine.
Uống nhiều thuốc cảm dễ buồn ngủ
Không ít người có cảm giác mỗi lần uống thuốc cảm đều cảm thấy buồn ngủ, nên gây ra hiện tượng một số người thường xuyên phải lái xe khi bị cảm cũng không dám uống thuốc.
Trên thực tế, chỉ là một số thành phần nhỏ trong thuốc cảm làm cho mọi người buồn ngủ.
Chuyên gia cho rằng, thuốc cảm làm cho chúng ta buồn ngủ là vì trong thuốc cảm có chất chống histamine giúp cho giảm nhẹ nghẹt mũi, sổ mũi và hắt xì hơi.
Vì vậy, người thường xuyên lái xe khi mua thuốc cảm chỉ cần chú ý không chọn thuốc cảm có chứa thành phần này là được.
Thuốc tổng hợp hiệu quả càng tốt
Khi chọn mua thuốc cảm, rất nhiều người cho rằng thuốc cảm tổng hợp có tác dụng càng cao.
Chuyên gia nhận định, uống thuốc cảm tổng hợp có lúc gây ra tác dụng xấu, mặc dù thuốc tổng hợp có chức năng khá toàn diện, nhưng lại không chú trọng đến một triệu chứng cụ thể nào đó.
Rất nhiều thuốc cảm tổng hợp có  khác biệt trong tỉ lệ thành phần bào chế.
Vì vậy, khi đi mua thuốc cảm, chúng ta phải chú ý đến triệu chứng cụ thể để mua, ví dụ đau họng thì chỉ nên mua thuốc đau họng, không nên mua thuốc tổng hợp kèm luôn cả trị sổ mũi, ho khan, ho ra đờm.
Bị cảm chỉ uống thuốc đông y
Rất nhiều người cho rằng thuốc đông y tác dụng phụ ít, vì thế khi bị cảm chỉ “kiên trì” uống thuốc đông y.
Chuyên gia chỉ rõ, nhìn từ góc độ dược lý, khi mới chớm cảm lạnh dùng thuốc đông y thì có thể có tác dụng khống chế virus truyền cảm rất tốt, nhưng khi cảm đã quá nặng mà vẫn dùng thuốc đông y thì quá muộn, bởi vì thuốc đông y cần thời gian dài mới có tác dụng, lúc này nên chọn thuốc Tây để thay thế.
Một lúc uống nhiều loại thuốc cảm thì có tác dụng càng nhanh
Một số người công việc bận rộn, muốn cảm khỏi thật nhanh nên có lúc mua nhiều loại thuốc cảm về uống cùng một lúc vì nghĩ uống càng nhiều thuốc thì bệnh khỏi càng nhanh.
Chuyên gia cho rằng, thuốc cảm không cùng một nhà sản xuất có thể có nhiều thành phần giống nhau, nếu đồng thời cùng uống nhiều loại sẽ làm cho lượng thuốc tăng thêm, như thế không có lợi cho sức khoẻ.
Ngoài ra, có nhiều người mặc dù chỉ uống một loại thuốc nhưng lại tự ý tăng thêm lượng.
Chuyên gia cũng cho biết, thuốc cảm chỉ được uống trong phạm vi liều lượng chỉ định, những người già, người có thể chất yếu nên uống lượng ít, sau đó tăng lên từ từ, để tránh gây ra những phản ứng không tốt.
Bị cảm là lập tức uống kháng sinh
Rất nhiều người cho rằng bị cảm tức là trong người đã có chứng viêm, cần phải uống thuốc kháng sinh.
Trên thực tế, sau khi bị cảm, trước tiên thường ho khan 1-2 ngày, sau đó trong đường hô hấp bài tiết tăng lên, hình thành nên đờm.
Vào giai đoạn cuối của chứng viêm hoặc chứng viêm mãn tính, đờm sẽ trở nên cô đặc và tích tụ trong đường hô hấp, sau khi ho khan sẽ dẫn đến ho ra đờm, khi người bệnh ho ra đờm có màu vàng thì lúc đó đã bị nhiễm khuẩn, lúc này mới là lúc cần phải uống thuốc kháng sinh.
Uống thuốc càng sớm cảm càng nhanh khỏi
Rất nhiều người cho rằng, uống thuốc cảm càng sớm thì bệnh sẽ hết sớm.
Các chuyên cảnh báo, đây là quan niệm sai lầm.
Cảm lúc bắt đầu thông thường có triệu chứng nhẹ, 2-3 ngày sau là nghiêm trọng nhất, sau đó dần dần “bình phục”, có nhiều lúc cảm tự “chữa trị” cho mình, tự đến rồi tự đi.
Theo các chuyên gia, lúc chớm cảm, chưa có biểu  hiện gì là cảm nặng thì không nên uống thuốc cảm,  chỉ cần uống những loại thuốc phòng chống cảm là được.  
Theo Dương Hằng – VTC News/ Health 365

Thuốc nhỏ mắt Atropin 0.01% làm chậm tiến triển bệnh cận thị ở trẻ

Thuốc nhỏ mắt atropin 0.01% gần như kiểm soát sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ nhỏ như atropin 1% mà tác dụng phụ lại ít hơn.

NewYork (Reuters Health) 28/10 - Theo báo cáo mới của chuyên khoa mắt,  thuốc nhỏ mắt atropin 0.01% gần như có hiệu quả kiểm soát sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ nhỏ như atropin 1%  mà tác dụng phụ lại ít hơn.
Trong bài báo ngày 1/10, Tiến sĩ Donald Tan và các cộng sự tại trung tâm mắt quốc gia Singapore nói rằng Atropin 0.01% hiện tại chưa có trên thị trường, tuy nhiên những phát hiện chung cho thấy một liều atropin vào mỗi tối dường như là một chế độ an toàn và hiệu quả để làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ em, với tác động tối thiểu trên chức năng thị giác.
Các thử nghiệm ngẫu nhiên đã chỉ ra rằng thuốc nhỏ mắt chứa atropin với nồng độ 1% và 0.5% có thể làm chậm tiến triển của bệnh cận thị, nhưng ảnh hưởng đến kích thước của đồng tử và gây trở ngại cho việc điều tiết.
Để tìm sự cân bằng tốt hơn giữa hiệu quả và tác dụng phụ, một nhóm gồm 400 trẻ em được chọn lựa ngẫu nhiên, tuổi từ 6 - 12 tuổi, bị cận thị ít nhất 2 độ, được chỉ định nhỏ atropin 0.5%, 0.1% hay 0.01% vào 2 mắt trong 2 năm.
Những nhà nghiên cứu nói rằng thoạt đầu chỉ sử dụng liều thấp nhất để kiểm soát vì cho là không có tác dụng, nhưng kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Nhóm tác giả nhận thấy rằng sự tiến triển trung bình của bệnh cận thị trong 2 năm ở 3 nhóm tương ứng là 0.3, 0.38 và 0.49 độ. So sánh với các nghiên cứu trước đây của họ, sau 2 năm độ cận tăng 0.28 độ với atropin 1% và 1.2 độ với giả dược
Sự tăng độ cận chênh lệch 0.19 độ giữa các nhóm ở trong nghiên cứu lâm sàng là không đáng kể. Mặt khác, atropin 0.01% ảnh hưởng không đáng kể đến kích thước của đồng tử và sự điều tiết của mắt.
Hơn nữa, báo cáo cho thấy rằng tác dụng phụ phổ biến nhất là viêm kết mạc dị ứng và viêm da xảy ra ở 16 bệnh nhân trong nhóm sử dụng atropin 0.5% và 0.1%, nhưng lại không thấy xảy ra ở nhóm sử dụng atropin 0.01%
Tác giả kết luận rằng atropin 0.01% là nồng độ khả thi làm giảm sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ em và giảm tác dụng phụ trên thị giác.
Theo BS Nguyễn Hoàng Thanh Tuyền - BV Nhi đồng 2 TPHCM
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons