Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Sắp có thuốc tránh thai chung cho cả nam lẫn nữ?


Các nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận diện được một protein có tên gọi ABHD2 ở tinh trùng, chuyên trách việc cung cấp năng lượng cho "con giống" tìm tới chỗ trứng và xâm nhập để thụ tinh. Do đó, theo nhóm nghiên cứu, việc vô hiệu hóa protein này có thể ngăn chặn cuộc gặp gỡ giữa tinh trùng và trứng, khiến việc thụ thai không thể xảy ra.

Tiến sĩ Stuart Moss đến từ Viện sức khỏe quốc gia Mỹ - cơ quan tài trợ nghiên cứu trên, nhấn mạnh, việc phát triển các hợp chất mới, vô hiệu hóa ABHD2 rốt cuộc sẽ tạo ra các phương pháp tránh thai mới. Và điều thú vị là, chúng có thể dùng chung cho cả hai giới.
Về mặt lý thuyết, một viên thuốc tránh thai như vậy có thể dùng chung cho cả nam lẫn nữ, cho phép cánh mày râu chia sẻ nhiều hơn gánh nặng tránh thai.
Mặc dù phái yếu đã có các thuốc uống tránh thai từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng những nỗ lực cho ra đời một viên thuốc tránh thai cho phái mạnh đang bị các đặc tính sinh vật học ngáng trở. Trong khi một phụ nữ thường chỉ rụng một quả trứng mỗi tháng, thì một người đàn ông khỏe mạnh sản sinh ra tới 1.000 tinh trùng mỗi nhịp tim đập và chỉ một trong số các "con giống" đó là cần cho quá trình thụ thai.
Ngoài ra, nhiều người cũng lo lắng rằng liệu cánh mày râu có sẵn sàng uống loại thuốc dễ bị coi là làm suy giảm sự nam tính của họ hay không và liệu phụ nữ có phó mặc cho họ làm điều đó hay không.
Phát hiện mới được công bố sau khi một nhóm nghiên cứu khác của Mỹ cho biết đã đạt tiến triển trong việc bào chế một loại thuốc dành riêng cho nam giới mà không gây ra tác dụng phụ. Giáo sư Gunda Gerog thuộc Đại học Minnesota thông báo tại hội nghị thường niên của Hiệp hội hóa học Mỹ rằng, bà đã thực hiện các điều chỉnh nhỏ giúp tiến gần hơn tới việc phát triển thành công thuốc tránh thai cho phái mạnh. Thuốc của bà dựa vào việc khám phá ra một enzym được tinh trùng sử dụng để thâm nhập vào bên trong trứng.
Dù rất vui mừng trước các thông tin khám phá trên, nhưng một số chuyên gia vẫn thận trọng cảnh báo dư luận chờ tới khi các viên thuốc tránh thai kiểu mới đó chính thức được trình làng.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Cơ thể thừa chất sắt gây ung thư, đột quỵ



Theo một nghiên cứu của trường Đại học Hoàng gia London, ngay khi vừa uống thuốc viên bổ sung chất sắt, bạn đã có thể gây hại cho DNA của mình trong vòng 10 phút.
Các nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo mọi người cần chú ý về lượng chất sắt hấp thu vào cơ thể.
Lượng sắt thích hợp rất cần thiết cho cơ thể vì sắt đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy từ phổi tới các mô. Thiếu sắt có thể gây ra thiếu máu. Thuốc bổ sung chất sắt do đó rất phổ biến, đa dạng, thông thường mỗi viên chứa 18mg sắt.
Nhưng mỗi người chỉ nên nạp khoảng 50mg sắt mỗi ngày vì này hoàn toàn có khả năng nạp đủ qua đường ăn uống.

Nếu nạp quá nhiều chất sắt cho cơ thể có thể sẽ gây ung thư, đột quỵ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thêm sắt vào tế bào nội mô trích từ thành mạch máu của người. Lượng sắt này tương đương với lượng thường thấy trong mạch máu sau khi uống thuốc viên cung cấp sắt.
Họ phát hiện ra rằng chỉ trong vòng 10 phút, lượng sắt thêm vào đã kích hoạt hệ thống phục hồi của DNA. Hiệu ứng này kéo dài khoảng sáu tiếng.
Lượng sắt quá cao đã được biết là sẽ gây hại cho tế bào con người. Tuy nhiên, nghiên cứu này còn cho thấy rằng lượng sắt thường có trong thuốc bổ sung dưỡng chất cũng có thể gây hại cho tế bào, ít nhất là với kết quả trong phòng thí nghiệm. Các tế bào có vẻ nhạy cảm với sắt hơn mức con người thường nghĩ.
Các bệnh nhân nếu được kê đơn từ bác sĩ nên tiếp tục uống thuốc, vì họ thực sự thiếu sắt. Nhưng những người khác nên cẩn thận với các loại thuốc bổ sung chất. Hơn nữa, các bác sĩ cũng nên cẩn trọng về lượng sắt trong thuốc kê đơn cho bệnh nhân.
Thừa sắt là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tật. Nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy người nạp qúa nhiều sắt hơn mức thường tăng cao nguy cơ bị trụy tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư và nhiều chứng bệnh thần kinh khác. Đặc biệt, nguy cơ trụy tim, đột quỵ sẽ cao hơn ở phụ nữ.
Trong thí nghiệm với động vật, thừa sắt làm tăng tốc độ xơ vữa động mạch. Sắt thừa kích hoạt sản sinh các gốc tự do, gây hại cho mạch máu và oxy hóa LDL cholesterol. Sắt thừa cũng làm tăng nguy cơ sưng viêm, gây ra rất nhiều loại bệnh tật.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Sai lầm khi dùng thuốc kháng sinh tổn hại sức khỏe của bạn


Theo nghiên cứu (năm 2009-2010) do Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện, về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn thuộc Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, cho thấy tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp chiếm tới 74%.
Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp khiến thất bại điều trị ở nhóm bệnh nhân này lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp. 88% nhà thuốc thành thị và 91% là ở nông thôn bán kháng sinh không theo đơn.
Theo BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, điều trị kháng sinh cho bệnh nhân không nhiễm trùng, lạm dụng kết hợp kháng sinh, tiếp tục dùng kháng sinh cho bệnh nhân không có đáp ứng... là những sai lầm thường gặp trong sử dụng kháng sinh.
Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi uống thuốc kháng sinh ai cũng nên biết để không hủy hoại sức khỏe của bạn:
Kéo dài hay rút ngắn liệu trình
Sau thời gian dùng kháng sinh nhưng không cải thiện, nhiều người quyết định tự ý kéo dài thêm liệu trình, hoặc rút ngắn liệu trình khi tình trạng thuyên giảm mà không tái khám đúng hẹn. Không ít phụ huynh còn tự chữa bệnh cho con mình bằng toa thuốc của bé khác, dẫn đến bệnh trở nặng hơn.
“Việc không tuân thủ điều trị kháng sinh nói chung khiến bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng. Từ đó, chi phí bỏ ra tốn kém hơn do phải điều trị, nhập viện và phải đổi sang kháng sinh khác thường đắt tiền hơn”, ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp BV Nhi Đồng 1 phân tích.
Tự kê toa
Việc sử dụng kháng sinh nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ, bởi ở trình độ của họ mới có thể xác định đúng bệnh, loại kháng sinh, liều dùng và thời gian uống. Trên thực tế, kháng sinh chỉ được dùng khi trẻ xác định bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng kháng sinh ngay khi gặp các triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho…
Uống nhầm liều
Thuốc được kê bằng nhiều đơn vị đo lường khác nhau, các đơn vị thường được viết tắt và chỉ cần nhầm lẫn một dấu chấm thôi thì cũng đủ gây họa, chẳng hạn 1.0 mg và 10 mg.
Sự nhầm lẫn thường xảy ra nhất ở đơn vị microgram (mcg) và milligram (mg, 1 mg = 1.000 mcg). Đ
iều này thường xảy ra ở bệnh viện khi bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch và cũng thường gặp ở bệnh nhân ngoại trú.
Vì vậy, bác sĩ cần viết chữ rõ ràng trên toa thuốc.
Dùng lại kháng sinh thừa từ các đợt kê toa trước
Không ít bệnh nhân khỏi bệnh từ đợt kháng sinh trước, thấy thuốc có hiệu quả nên khi có những triệu chứng bệnh gần giống như vậy liền mang thuốc thừa ra dùng lại. Nguyên tắc là thuốc thừa nên được loại bỏ, không giữ lại để dùng cho lần sau.
Kê toa hoặc uống thuốc của người khác
Tình trạng này được các chuyên gia y tế đánh giá là khá phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người thường uống thuốc theo kinh nghiệm của các “bác sĩ nhân dân”, khi thấy triệu chứng bệnh tương tự nhau. Uống kháng sinh không đúng có thể gây biến chứng, nặng thêm tình trạng bệnh và làm khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, góp phần vào tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới cho hay, tình trạng đề kháng kháng sinh hay còn gọi nôm na là “lờn thuốc” của Việt Nam hiện đang nằm trong những nước cao nhất thế giới.
Quan niệm kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày không hiệu quả
Trong khi nhiều bệnh nhân thường không tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị kháng sinh dài ngày thì số khác lại nghĩ rằng kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày không đủ thời gian để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Theo ThS. BS Trần Anh Tuấn, kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày đang là xu hướng điều trị nhiễm khuẩn, vì các lợi ích mang lại. Người bệnh sử dụng kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày (3 -5 ngày) thường dễ tuân thủ liệu trình, không bỏ ngang, mang lại hiệu quả điều trị tối đa.
“Sử dụng kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày vẫn đủ khả năng khỏi bệnh hoàn toàn và tránh tái phát. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày cũng ít tốn kém chi phí hơn, hạn chế tác dụng phụ và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải bệnh nào, người bệnh nào, kháng sinh nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Chỉ qua thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ của bạn mới quyết định được điều này”, ông nhấn mạnh.
Dùng thuốc không an toàn so với độ tuổi
Khi lớn tuổi, cơ thể chúng ta xử lý thuốc hoàn toàn khác với khi chúng ta còn trẻ. Người cao tuổi còn bị “dính” thêm nhiều vấn nạn khác như mất trí, xây xẩm, dễ té ngã, huyết áp cao...
Vì vậy, những loại thuốc gây ra tác dụng phụ như trên càng làm tần suất rủi ro tăng cao, nhất là những người bước qua tuổi 65.
Nhà thuốc nên giúp bệnh nhân uống thuốc thuận lợi bằng cách chia liều thuốc sẵn trong một dụng cụ để uống trong tuần.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Thuốc mới trị bệnh ung thư phổi hiếm gặp


Thuốc có tên xalkori (crizotinib) đã được sử dụng để điều trị một số dạng ung thư phổi, nay được FDA tiếp tục mở rộng để sử dụng điều trị các khối u dương tính với một đột biến di truyền có tên ROS-1 được tìm thấy trong nhóm ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC), dạng bệnh nguy hiểm nhất của ung thư phổi bởi tỷ lệ tử vong rất cao.
Thuốc mới trị bệnh ung thư phổi hiếm gặp
Bệnh nhân ung thư phổi có cơ hội được điều trị hiệu quả với loại thuốc mới. Ảnh:Cityofhope.
Theo TS. Richard Pazdur, Giám đốc, Phân ban Huyết học và sản phẩm Ung thư của FDA, ung thư phổi là căn bệnh khó điều trị, một phần vì bệnh nhân có các đột biến khác nhau, trong số này có những đột biến rất hiếm gặp, chiếm khoảng 1% trong nhóm bệnh nhân NSCLC.
Việc mở rộng sử dụng thuốc xalkori sẽ cung cấp lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân có đột biến gen ROS-1 hiếm gặp và khó điều trị. Bằng cách ngăn chặn hoạt động của các protein ROS-1 trong các khối u, crizotinib có thể ngăn chặn bệnh NSCLC phát triển và di căn.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Chọn thực đơn phù hợp... cho thuốc


Cả thực phẩm và thuốc đều cần thiết cho cơ thể nhưng đôi khi sự hòa lẫn với nhau lại mang đến những phản ứng bất lợi. Do vậy, để thuốc phát huy tối đa hiệu quả điều trị cần cân nhắc trước khi kết hợp hai yếu tố này cùng một lúc.
Ảnh hưởng qua lại giữa thực phẩm và thuốc
Nguy cơ gây tương tác giữa thực phẩm và thuốc uống tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của cơ thể, tình trạng bệnh, chế độ ăn uống, chủng loại thực phẩm, sử dụng nhiều loại dược phẩm… Thuốc có thể làm tăng hoặc giảm dinh dưỡng của thực phẩm. 
Ngược lại, tình trạng dinh dưỡng của người bệnh có thể làm giảm tác dụng hoặc làm tăng độc tính của thuốc. Ngoài ra, thực phẩm có thể làm trì hoãn hoặc gây khó khăn cho sự hấp thụ thuốc, làm sự chuyển hóa mau hoặc chậm, ngăn chặn tác dụng của thuốc. Cần lưu ý là thức ăn đặc biệt ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu của các dạng thuốc phóng thích chậm.
Một số thực phẩm có thể gây khó khăn cho sự hấp thụ thuốc
Nếu thuốc được uống vào sau bữa ăn thì thức ăn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hấp thu của thuốc. Thức ăn còn tạo thành rào cản vật lý ngăn cản việc hoà tan của thuốc và sự tiếp xúc của thuốc với niêm mạc ruột hoặc tạo ra các liên kết và các phản ứng hoá học với thuốc, từ đó gây cản trở sự hấp thu của thuốc.
Những thức ăn chứa nhiều lipid thường nổi ở bên trên nên chậm tống ra khỏi dạ dày hơn so với các thức ăn chứa nhiều glucid và protid. Các loại thuốc dưới dạng không ion hóa có ái tính cao với lipid, nếu được uống sau bữa ăn có thể hòa tan trong lớp lipid của thức ăn và do đó sẽ chậm được đưa xuống ruột và cũng sẽ chậm được hấp thu vào máu. Bữa ăn chứa nhiều protid làm tăng lượng máu đến ruột, trong khi lipid gây giảm lượng máu này. 
Thông qua nhiều cơ chế khác nhau, thức ăn có thể làm chậm hoặc làm giảm sự hấp thu của khá nhiều loại thuốc như alendronate (thuốc điều trị gút và các bệnh xương khớp), doxazosin (thuốc chữa bệnh tim mạch), levodopa (thuốc chữa bệnh parkinson), atenolol (thuốc chống tăng huyết áp)... 
Tuy nhiên, thức ăn có thể làm tăng đáng kể sự hấp thu của nhiều loại thuốc như: kháng sinh clarithromycin, cefuroxime; danazol (nội tiết tố); itraconazole (thuốc trị ký sinh trùng, chống nấm)...
Kết hợp thuốc và thức ăn như thế nào?
Thực phẩm có thể gây cho thuốc nhiều trở ngại trong việc phát huy tác dụng và hiệu quả điều trị, nhưng nếu sử dụng thực phẩm và thuốc đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc, đồng thời thức ăn có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột trước sự kích thích của thuốc, giúp tránh được nhiều bệnh đối với hệ tiêu hóa khi dùng thuốc kéo dài. Vì vậy, việc biết được loại thuốc mình đang dùng phù hợp hoặc không phù hợp với lọai thực phẩm nào sẽ giúp cho hiệu quả dùng thuốc cao hơn.
Thông thường, trong khi kê đơn, bác sĩ sẽ dặn dò người bệnh thời điểm dùng thuốc phù hợp và trong các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có ghi thời gian dùng: trước, trong hay sau khi ăn, nhưng không bao giờ nhà sản xuất nói rõ là nên hay không nên ăn thức ăn gì khi đang dùng thuốc. Vì vậy, người dùng thuốc cần biết một số nét cơ bản về tính tương thích của các thực phẩm và thuốc chữa bệnh.
Các loại thuốc glicozid chữa bệnh tim mạch rất giống về mặt hóa học so với protein. Do đó, khi dùng chúng, cần giảm lượng protein trong thức ăn (ăn ít thịt, gia cầm, cá, phô mai, đậu đỗ). Đừng bỏ hoàn toàn các thực phẩm này, nhưng cần giảm bớt lượng sử dụng và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian uống được nêu trong hướng dẫn hay do bác sĩ chỉ định.
Mỡ (lipid) làm giảm sự tiết dịch vị dạ dày, làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn chậm đi, điều đó có nghĩa sau khi ăn, thuốc sẽ được hấp thu chậm hơn. Nhưng lipid lại cần cho sự hấp thu các loại thuốc tan trong mỡ (vitamin A, D, E, K, thuốc chống đông máu...). Ngược lại, khi phải dùng thuốc aspirin, nên ăn thức ăn có ít chất đạm, mỡ.
Đường và các thực phẩm ngọt làm chậm sự tác động của các chất có trong dạ dày, dẫn đến sự hấp thu các loại thuốc sulphadimetoxin, sulphametoxipiridazin, các thuốc tương tự với chúng và nhiều thuốc khác chậm đi. 
Thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa thường có vị đắng để kích thích dịch vị dạ dày, tăng cảm giác thèm ăn và giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn. Nếu ăn đồ ngọt trong khi sử dụng thuốc tiêu hóa sẽ làm giảm hiệu quả vốn có của thuốc và gây ra tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Dịch tiêu hóa có ảnh hưởng mạnh đến quá trình biến đổi thuốc trong cơ thể. Khi đói, độ acid của dịch dạ dày thấp, tốt cho những loại thuốc như glicozid chữa bệnh tim mạch cũng như những loại thuốc không kích thích niêm mạc dạ dày. Các thuốc này uống khi đói sẽ được hấp thu nhanh hơn.
Trong thời gian ăn, độ acid của dịch dạ dày rất cao, do đó ảnh hưởng đáng kể đến độ ổn định của thuốc và sự hấp thu chúng vào máu. Trong môi trường acid, tác dụng của erytromixin, lincomixin  và các thuốc kháng sinh khác bị giảm một phần.
Hiệu quả trị liệu của các thuốc sulphanilamid (kháng sinh) bị suy giảm đáng kể hay mất hoàn toàn khi dùng cùng thực phẩm giàu acid folic (có nhiều trong gan, thận, rau bina, xà lách và bí đỏ).
Khi uống các loại thuốc tẩy giun sán, cần ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như trái cây, rau xanh để tăng thêm nhu động của ruột, giúp nhanh chóng tống giun sán ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, không nên ăn những thức ăn nhiều mỡ vì thuốc tẩy giun sán có khả năng hòa tan trong mỡ, làm tăng độc tính đối với cơ thể, hạ thấp hiệu quả trị giun.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Chọn thuốc trị ho ở người cao tuổi


Ho là một triệu chứng mà người cao tuổi hay gặp, họ thường đến gặp thầy thuốc với dáng vẻ thiểu não do ho làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ, làm cho bệnh mạn tính nặng hơn và nhiều khi làm cho họ không kiểm soát được tiểu tiện. Do đó, giảm và chấm dứt cơn ho là yêu cầu cần thiết giúp người cao tuổi tránh được nỗi lo lắng, bất an.
Có nhiều nguyên nhân gây ra ho. Đối với mỗi nguyên nhân thì cách sử dụng thuốc cũng khác nhau nhưng có một nguyên tắc chung là dùng thuốc điều trị nguyên nhân gây ho và không nên dùng thuốc làm ngắt cơn ho. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ho và thuốc điều trị.
Nhiễm vi khuẩn ở phế quản, thanh quản gây ho khan
Ho do nhiễm khuẩn
Trước hết phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân gây ho. ở người cao tuổi, do sức đề kháng đã giảm, mức độ hấp thu thuốc kháng sinh, việc thải độc qua gan thận cũng giảm theo, nhất là các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm amynoglycoside, sulfamide (co-trimoxazol)... 
Bên cạnh đó, chức năng thận suy giảm làm cho kháng sinh dễ gây độc cho gan nên cần phải giảm liều. Từ những lưu ý như vậy nên khi được chẩn đoán ho do nhiễm khuẩn trong các bệnh viêm mũi xoang, viêm họng, viêm phế quản... thì người cao tuổi cần phải được sử dụng kháng sinh sớm. 
Nhóm kháng sinh được lựa chọn an toàn nhất là nhóm beta lactam. Nếu cần phối hợp thuốc, phải cân nhắc tính đối kháng hay tính hiệp đồng của thuốc. Nắm vững cơ địa, tiền sử bệnh và các thuốc đang sử dụng của người bệnh. 
Ngoài ra, đối với người bị ho do viêm phế quản mạn tính thì cần cân nhắc sử dụng thuốc long đờm nhằm tạo điều kiện để phản xạ ho tống chất tiết ra ngoài làm thông đường dẫn khí.
Nếu chất tiết ít nhưng đặc khó tống ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhydrat. Nếu chất tiết nhiều và đặc, việc làm loãng sẽ tăng thể tích gây khó khăn cho việc thông khí thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như acetylstein, carboxystein. 
Có thể dùng thuốc làm giảm ho nhưng với liều thích hợp chứ không vì muốn hết ho ngay mà dùng liều quá cao, vì liều quá cao sẽ làm mất hết phản xạ ho, nghĩa là làm cho việc tống chất tiết bị trở ngại. Sử dụng thuốc kháng viêm để tránh tình trạng thông khí bị trở ngại. 
Có thể dùng corticoid uống, xông hay hít nhưng phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc có thể gây tác dụng phụ toàn thân. Trong một số trường hợp cần thiết, người bệnh còn được sử dụng thuốc chống tắc nghẽn phế quản làm giãn phế quản nhằm giảm sự tắc nghẽn đường dẫn khí như theophylin, các thuốc chủ vận beta 2 (loại tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol và loại có tác dụng dài như salmeterol, formoterol).
Khám cho người cao tuổi để phát hiện sớm ho. Ảnh: TM
Ho do thuốc điều trị tăng huyết áp
Đối với người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, việc sử dụng thuốc, nhất là coversyl để hạ huyết áp có thể gây ho do kích ứng niêm mạc. Thực tế cho thấy, hiện tượng ho khan thành cơn khi sử dụng coversyl chiếm tới 1/3 số người sử dụng thuốc. 
Việc điều trị cắt cơn ho sẽ khó khăn nếu không phát hiện ra nguyên nhân này, có bệnh nhân đã phải chịu đựng cơn ho tới hàng năm. Trong các trường hợp này, biện pháp xử trí tốt nhất là phải đổi thuốc điều trị huyết áp kết hợp với sử dụng thuốc ức chế cơn ho và chống dị ứng trong giai đoạn đầu. 
Thuốc ức chế cơn ho có codein có tác dụng giảm ho do tác dụng ức chế trung tâm hô hấp. Sau khi uống, tác dụng giảm ho xuất hiện trong vòng 1 - 2 giờ và có thể kéo dài 4 - 6 giờ. Codein được chuyển hóa ở gan và thải trừ ở thận dưới dạng tự do hoặc kết hợp với acid glucuronic. Ở liều điều trị codein ít gây co thắt mật và gây nghiện hơn so với morphin. 
Tuy nhiên không sử dụng thuốc này cho người có tiền sử hen phế quản, COPD - tâm phế mãn ở người cao tuổi. Ngoài ra, cần sử dụng thêm thuốc kháng histamin H1. Loại thuốc này được hấp thu nhanh sau khi uống và đều có chuyển hóa trong gan. Do thời gian bán thải ở người cao tuổi kéo dài hơn nên thường phải giảm liều và sử dụng trong thời gian ngắn.
Ho do trào ngược dạ dày - thực quản
Ho do trào ngược dạ dày - thực quản xảy ra khi cơ vòng thực quản bất thường, không khép kín hẳn sau khi thức ăn đã xuống dạ dày và làm dịch chứa acid chảy ngược từ dạ dày lên trên thực quản, đi đến họng, gây kích thích phản xạ thực quản - khí quản - phế quản và gây ho. Để điều trị chứng ho này cho người bệnh, bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng histamin H2 như: cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin. 
Chúng ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày, nên ức chế bài tiết cả dịch acid cơ bản (khi đói) và dịch acid do kích thích (bởi thức ăn, histamin, cafein, insulin...). Các thuốc nhóm này có tác dụng làm liền các vết loét dạ dày và tá tràng, làm giảm bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, từng bước giảm và ngắt cơn ho.
Ho do các khối u của đường thở hoặc chèn ép đường thở
Loại ho do bệnh lý này thường giảm khi dùng thuốc ức chế cơn ho nhưng không bao giờ hết triệu chứng, do đó phải kết hợp với loại bỏ khối u nếu có thể.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Cho trẻ uống thuốc: Tưởng dễ mà khó


Sau khi đưa trẻ rời bệnh viện về nhà thì các bậc cha mẹ phải làm thêm một việc quan trọng mà trong những ngày trẻ nằm viện, họ không cần phải làm. Đó là cho trẻ uống thuốc. Nhiều người lo lắng nên cho trẻ uống bao nhiêu là vừa và uống như thế nào.
Cần nắm rõ liều lượng thuốc
Liều lượng thuốc thường do bác sĩ chỉ định hoặc với những thuốc không cần kê toa thì liều lượng được ghi trên vỏ hộp thuốc. Cần phải biết rõ liều lượng thuốc cho trẻ uống trước khi đưa trẻ về nhà. Đối với trẻ nhỏ thì liều lượng thuốc thường được xác định theo trọng lượng của trẻ. Cho trẻ uống thuốc quá ít hoặc quá nhiều đều mang đến rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, phụ huynh cần biết rõ trọng lượng của con mình.
Ngoài ra, phụ huynh cần hỏi kỹ bác sĩ tại bệnh viện về thời gian cho trẻ em uống thuốc. Nếu trẻ dùng nhiều loại thuốc ở những thời điểm khác nhau trong ngày, tốt nhất nên nhờ y sĩ hay điều dưỡng viết ra một thời khóa biểu dùng thuốc rõ ràng.
Dụng cụ dùng để đong thuốc cũng rất quan trọng. Đối với dạng thuốc lỏng nên dùng muỗng, tách có chia vạch được bán kèm theo chai thuốc. Không nên dùng các loại muỗng ăn thông thường ở nhà bếp vì có thể làm sai lệch liều lượng thuốc. Riêng đối với ống nhỏ đếm giọt thuốc, lọ thuốc nào phải dùng ống nhỏ ấy, không được dùng ống nhỏ của lọ thuốc này để đếm giọt ở lọ thuốc khác.
Đối với dạng thuốc lỏng, nếu nhãn thuốc yêu cầu phải lắc lọ trước khi dùng thì cần lắc mạnh lọ thuốc liên tục trong khoảng 30 giây.

Dùng thuốc trong thời gian bao lâu cần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: Tấn Thạnh
Dùng thuốc trong thời gian bao lâu cần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: Tấn Thạnh
Thận trọng hơn với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh chỉ có thể thích hợp với thuốc dạng lỏng. Để trẻ ở vị trí giống như khi cho trẻ bú mẹ hoặc cho ngồi ở ghế cao. Từ từ cho thuốc vào một bên má trong của trẻ (không nên cho thuốc nước vào ngay sau cuống họng vì thuốc có thể làm cho trẻ bị ho, sặc, nghẹt thở...), sau đó dùng tay ấn nhẹ 2 bên má của trẻ để thuốc đi vào dễ dàng. 
Cũng có thể dùng núm vú cao su để đưa thuốc vào cơ thể của trẻ. Cho thuốc vào bình sạch, cho thêm vài muỗng nước sạch và đảo đều, sau đó cho trẻ bú đến hết thuốc. Tráng bình bằng 2 hoặc 3 muỗng canh nước sạch rồi cho trẻ bú tiếp.
Đối với những trẻ lớn hơn thì có thể dùng thuốc dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Một số loại viên nén có thể cà nhuyễn và một số viên nang có thể tháo ra để lấy phần bột thuốc bên trong. Tuy nhiên, vì không phải thuốc nào cũng có thể cà nhuyễn hoặc tháo bỏ nang thuốc, do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện xem những loại thuốc trẻ sẽ dùng có thể cà nhuyễn hoặc tháo rời nang hay không. Lưu ý rằng thuốc sau khi cà nhuyễn hoặc tháo ra khỏi nang phải cho trẻ uống ngay, không nên để lâu vì thuốc sẽ biến chất.
Đừng “đánh lừa” trẻ
Thông thường, trẻ em thường thích một loại hương vị “ruột” nào đó. Vì vậy, cần tìm hiểu sở thích của trẻ để chúng dễ dàng chấp nhận việc uống thuốc. Đa số các loại thuốc dạng lỏng dành cho trẻ em đã được bào chế với nhiều mùi vị khác nhau, như cam, dâu, vanilla, sô-cô-la...
Đối với những loại thuốc quá đắng, cần nên cho trẻ ngậm một mẩu nước đá nhỏ vì nhiệt độ lạnh trên lưỡi sẽ khiến trẻ không còn cảm nhận được vị đắng. Điều quan trọng phụ huynh cần lưu ý là không nên “đánh lừa” trẻ bằng cách nói thuốc là kẹo, là chè hay xi-rô..., bởi sẽ có lúc, khi gặp một viên thuốc rơi đâu đó thì chúng sẽ nghĩ là kẹo hoặc nhìn thấy một chai thuốc lỏng lại chắc đó là xi-rô.
Trong trường hợp bận công việc hoặc vì lý do nào đó mà bạn quên cho trẻ uống thuốc, hãy lập tức cho chúng uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm mà bạn nhớ ra gần với thời điểm để uống liều kế tiếp thì bỏ hẳn liều đã quên. Chờ đến thời gian liều kế rồi cho trẻ uống như bình thường (chỉ một liều bình thường chứ không được cho uống bù liều đã quên).
Trước khi cho trẻ uống thuốc cần rửa tay sạch bằng xà phòng và lau tay khô bằng khăn sạch. Tất cả dược phẩm đều phải để xa tầm với của trẻ em.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons