Nguyên nhân dễ xảy ra tai biến do dùng thuốc
Do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh, điều này làm tăng nguy cơ tương tác thuốc và những phản ứng có hại khác. Thậm chí dùng thuốc điều trị bệnh này lại làm nặng hơn bệnh kia. Ở người cao tuổi có sự suy giảm đáng kể chức năng của một số cơ quan, do vậy, việc đáp ứng với thuốc cũng chậm hơn. Để đạt hiệu quả lại phải tăng liều điều trị nên rất dễ gây độc.
Bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột, dẫn đến việc hấp thu (thức ăn và thuốc) chậm chạp và khó khăn hơn. Khi đó, thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn nên dễ gây biến chứng trên đường tiêu hóa.
Khối lượng các mô ở người già giảm, khối lượng nước giảm nhưng lượng mỡ lại tăng lên. Vì vậy, các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ, còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu nhưng lại tăng thời gian tác dụng dễ dẫn đến tích luỹ gây độc.
Người thân cần hỗ trợ người cao tuổi khi dùng thuốc
Ngoài ra, do loại protein chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc trong máu giảm nên lượng thuốc lưu hành tự do trong cơ thể sẽ tăng, có thể gây tăng quá mức tác dụng dẫn tới nhiều biến chứng với người cao tuổi. Khi vào cơ thể, thuốc được thải trừ chủ yếu qua gan và thận, nhưng ở người già, chức năng gan và thận đều giảm, ảnh hưởng tới chuyển hoá của thuốc, dễ dẫn đến ngộ độc thuốc.
Trí nhớ ở người cao tuổi giảm sút nên thường dễ nhầm lẫn, hay quên, lại cộng thêm mắt kém nhìn mờ, khó nhìn thấy để phân biệt thuốc nên rất dễ xảy ra tình trạng dùng sai y lệnh, dùng sai loại thuốc, vừa uống loại thuốc này rồi lại uống tiếp, điều này rất nguy hiểm.
Nguy cơ do thuốc thường gặp ở người cao tuổi
Với người cao tuổi, không nên để họ tự ý sử dụng thuốc mà người thân phải kiểm soát. Đây là điều hết sức cần thiết để kịp thời phát hiện những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp ở người cao tuổi cần lưu ý:
Rối loạn giấc ngủ: Buồn ngủ là một trong những dấu hiệu thường gặp ở người cao tuổi khi dùng thuốc. Khi sử dụng các thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống dị ứng, thuốc trị cảm (viên thuốc có kết hợp với chlopheniramin) sẽ gây buồn ngủ ở người cao tuổi.
Một số loại thuốc khác có thể gây nên rối loạn giấc ngủ ở các mức độ và cách thức khác nhau như: thuốc giãn phế quản (gây khó ngủ), thuốc lợi tiểu (gây mất ngủ do tiểu tiện đêm), thuốc corticoid (dùng lâu ngày có thể gây chứng ngừng thở khi ngủ), một số thuốc tuần hoàn não uống vào buổi chiều và tối gây tình trạng khó ngủ và mất ngủ.
Rối loạn nhận thức: một số thuốc có tác dụng phụ gây lú lẫn, hay quên, mất trí nhớ như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật (phenytoin hay barbiturat), thuốc trị tăng huyết áp, suy tim… Thậm chí một số kháng sinh cũng có những tác dụng phụ này. Ở người cao tuổi, đây là rối loạn rất dễ nhầm với hiện tượng lão suy làm sút giảm trí tuệ.
Mất thăng bằng tư thế, té ngã: Một số thuốc trị tăng huyết áp dễ gây hạ huyết áp tư thế đứng, thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin H1 (chlopheniramin), các thuốc cảm cúm… làm rối loạn sự giữ thăng bằng khiến người cao tuổi dễ ngã… Khi người cao tuổi ngã sẽ rất nguy hiểm vì ở tuổi cao, xương đã bị loãng nên giòn rất dễ gãy và khó liền.
Vì vậy, khi uống các thuốc này, người cao tuổi nên thận trọng trong việc đổi tư thế. Khi uống thuốc, đang ngồi đứng dậy phải từ từ. Nếu đứng bật dậy rất dễ gây tụt huyết áp tư thế đứng (thấy choáng váng) rất nguy hiểm.
Ho do thuốc: Việc dùng các thuốc long đờm, tiêu chất nhày, giãn phế quản (acetylcystein) giúp làm loãng dịch tiết đường hô hấp để chúng dễ bị bật ra ngoài, nhưng sẽ gây ho, điều này khiến người cao tuổi rất khó chịu, đồng thời phản xạ ho có thể làm nặng thêm tình trạng hen phế quản, mất ngủ, suy hô hấp…
Một số thuốc trị tăng huyết áp mà người cao tuổi thường phải sử dụng, thường gây tắc nghẽn đường hô hấp trên và gây ho mạn tính dai dẳng. Tác dụng phụ gây ho khan của thuốc hạ huyết áp thường tập trung ở 3 nhóm thuốc là: nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril, benazepril, lisinopril), nhóm thuốc chẹn bêta (propranolol, nadolol, metoprolol, atenolol…) và nhóm thuốc chẹn kênh calci (nifedipin, nicardipin, amlodipin…).
Táo bón, tiêu chảy và rối loạn tiểu tiện: Có khá nhiều thuốc gây táo bón và có thể gây khó tiểu hoặc tiểu tiện không kiểm soát cho người cao tuổi như thuốc chống co thắt, an thần, chống trầm cảm, thuốc trị bệnh Parkinson…
Khi bị táo bón, người cao tuổi phải dùng thuốc nhuận tràng. Nếu dùng thuốc nào đó cùng với thuốc nhuận tràng rất có thể thuốc đó sẽ bị tống ra ngoài sớm (do thuốc nhuận tràng làm tăng nhu động ruột), do đó làm giảm hấp thu thuốc, giảm hiệu quả điều trị.
Tình trạng tiêu chảy do thuốc cũng hay gặp ở người cao tuổi khi phải dùng thuốc trị đái tháo đường, kháng sinh, thuốc trị viêm loét đại trực tràng...
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Để tránh các tác dụng không mong muốn hoặc tai biến do thuốc xảy ra, người già rất cần được người thân hoặc người chăm sóc quan tâm và theo dõi sát sao trong quá trình điều trị bệnh. Cần hỏi kỹ bác sĩ thời gian dùng từng loại thuốc, uống vào thời gian nào (sáng, trưa, chiều) hay uống vào lúc nào (no hay đói) hoặc loại thuốc này không uống cùng lúc với loại thuốc nào để tránh các tương tác bất lợi.
Nên thông báo cho bác sĩ loại thuốc mà người già đang dùng và tiền sử đã bị dị ứng với loại thuốc nào để có sự cân nhắc. Tuyệt đối không để người cao tuổi uống thuốc trong tư thế nằm, khi đó thuốc không trôi được xuống dạ dày và đọng lại trên thực quản sẽ gây tác hại tại chỗ. Không để người già tự ý dùng thuốc hoặc dùng theo lời mách bảo (kể cả thuốc bổ)...
Theo DS. Thanh Hoài - Sức khỏe và Đời sống