Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Người mang thai với thuốc điều trị cao huyết áp

Cao huyết áp ngày càng trẻ hóa. Không ít người bị cao huyết áp ngay trong độ tuổi sinh đẻ, mang thai. Mức độ và thời kỳ thuốc huyết áp gây hại với thai thay đổi theo từng nhóm thuốc.


Tác hại của các nhóm thuốc với thai
Nhóm ức chế men chuyển (catopril, lisinopril, enalapril):
Nếu dùng trong 6 tháng cuối thai kỳ, thuốc sẽ gây hạ huyết áp kèm theo  gây suy thận, tăng kali máu của thai dẫn đến teo chân tay, biến dạng mặt, giảm sản sự phát triển phôi và/ hoặc giảm sản sọ trẻ sơ sinh. Sự giảm nước ối ở mẹ biểu thị gần đúng sự giảm chức năng thận của thai. Cũng có khi sự giảm nước ối không thể hiện cho đến khi có các thương tổn thai không thể đảo ngược. 
Vì thế khuyến cáo: không dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển trong 6 tháng cuối thai kỳ. Nếu vì lý do nào đó buộc phải dùng thì cần siêu âm định kỳ đẽ đánh giá môi trường âm  đạo; khi phát hiện có sự giảm nước ối phải dừng thuốc ngay trừ trường hợp cấp cứu cần cứu sống mạng của người mẹ.
Một nghiên cứu trên 29.507 trẻ sơ sinh ra đời từ  năm 1995 - 2000 (công bố trên New England Journal of medicine) cho biết, bà mẹ có thai dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ có làm tăng nguy cơ dị dạng tim mạch, hệ thần kinh trung ương của trẻ. Vì thế có khuyến cáo thêm: tránh dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Nhóm  đối kháng với angiotensin II (telmisartan):
Tác hại cho thai giống như nhóm ức chế men chuyển nhưng vì có tác dụng nhanh mạnh hơn ức chế men chuyển nên có nguy cơ gây hạ huyết áp đột ngột kèm với tác hại cho thai nhiều hơn. Vì vậy, khuyến cáo không dùng nhóm thuốc đối kháng với angiotensin II trong 6 tháng cuối thai kỳ, còn khi phải dùng cho 3 tháng đầu thai kỳ thì phải thăm do hiệu chỉnh liều thích hợp.
Nhóm  thuốc chẹn canxi (nifedipin, amlodipin):
Làm giảm huyết áp mạnh nên giảm tưới máu tử cung gây thiếu oxy cho thai. Trên súc vật: do làm rối loạn tưới máu tử cung nên thuốc gây quái thai: bất thường ở đầu chi (ở chuột và thỏ) chết phôi và thai (ở chuột lang, chuột nhắt, thỏ) kích thước rau thai nhỏ lại nhung mao kém phát triển (ở khỉ) thời gian mang thai kéo dài, thú sơ sinh giảm khả năng sống sót (ở khỉ). Tuy nhiên, liều gây độc và quái thai ở súc vật nếu quy ra cho người thì cao gấp nhiều lần liều thường dùng.
Trên người: chưa có nghiên cứu kiểm chứng đầy đủ. Trong vài trường hợp riêng lẻ thụ tinh trong ống nghiệm, các chất chẹn canxi gây nên các biến đổi sinh hóa có hồi phục ở phần đầu tinh trùng, có thể làn suy giảm chức năng tinh trùng. Do đó có khuyến cáo: không chỉ định nifedipin trong suốt thai kỳ. Riêng trường hợp đặc biệt vì nifedipin có tính chống co thắt tử cung nên trong trường hợp cần chống dọa sảy thai thầy thuốc chỉ định và có sự theo dõi cẩn thận.
Nhóm chẹn beta (atenolol):
Có thể gây hủy phôi và thai (nhưng với liều quy ra gấp khoảng 25 lần liều tối đa dùng cho người), làm chậm nhịp tim ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Chưa có nghiên cứu kiểm chứng đầy đủ trên người; chỉ mới có thông tin ảnh hưởng không lợi của thuốc (atenolol) với thai trên một số ít người dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trên người, thuốc đi qua nhau thai, nồng độ thuốc trong máu mẹ và trong thai nhi bằng nhau. Bởi vậy, có khuyến cáo: không nên dùng nhóm thuốc chẹn bêta (atenolol) trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Nhóm thuốc lợi tiểu:
Trên  súc vật: nghiên  cứu nhiều lần trên thỏ, chuột  không thấy  thuốc gây hại thai hay suy  yếu sinh sản. Trên súc vật dùng liều cao (quy ra xấp xỉ bằng 5 lần liều thường dùng cho người) nhân thấy có một vài độc tính trên chuột, thỏ đã trưởng thành có sự  giảm tăng trưởng ở chuột.
Trên người: gây vàng da thai và trẻ sơ sinh, giảm tiểu cầu, có thể có  các tác dụng khác xảy ra khi đã lớn. Chưa có nghiên cứu kiểm chứng  trên người đầy đủ, kinh nghiệm lâm sàng còn giới hạn. Khuyến  cáo: không nên dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai. Chỉ dùng cho người có thai khi cân nhắc thấy lợi ích chắc chắn cao hơn nguy cơ.
Dùng thuốc cao huyết áp như thế nào?
Người còn trẻ mới chớm bị tăng huyết áp, nên tranh thủ có thai khi bệnh chưa nặng (mới bị tiền cao huyết áp hay cao huyết áp nhưng ở mức nhẹ). Khi bệnh đó nhiều cách đưa huyết áp về mức chấp nhận được mà chưa cần phải dùng thuốc như cải thiện chế độ ăn, luyện tập, tránh căng thẳng trong sinh hoạt gia đình, xã hội.
Nếu người có thai mà bị tăng huyết áp đến mức cần phải dùng thuốc thì nhất thiết phải có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Có thuốc có thể dùng được, có thuốc lại không dùng được trong một giai đoạn nào đó của thai kỳ, thầy thuốc sẽ lựa chọn cho người bệnh một loại thích hợp. 
Bản thân người bệnh cũng phải khám định kỳ (đặc biệt lúc chuyển sang giai đoạn khác của thai kỳ) để thầy thuốc có sự điều chỉnh thuốc nếu thấy cần thiết. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng một thuốc chưa phù hợp lắm, thầy thuốc sẽ cân nhắc giữa lợi ích nguy cơ và cho dùng nếu lợi ích cao hơn nguy cơ nhưng có sự theo dõi cẩn thận và thông báo điều này cho người bệnh biết để tiện hợp tác.
Lời khuyên của thầy thuốc

Cần phân biệt mức tác hại của thuốc cao huyết áp với thai. Có mức phải cấm tuyệt đối không dùng, nhưng cũng có mức không cấm tuyệt đối mà có thể dùng. Biết điều này để hiểu cách vận dụng mềm dẻo của thầy thuốc vào trường hợp cụ thể, hợp tác tốt với thầy thuốc trong điều trị.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Kem thoa steroid: Lợi ít, hại nhiều


Bôi quá nhiều kem thoa steroid và sử dụng chúng trong một thời gian dài là điều vô cùng nguy hại.


Steroid được dùng trong y học cho nhiều mục đích trị liệu khác nhau và được sản xuất dưới nhiều dạng bào chế khác nhau. Kem thoa da có chứa steroid là dạng bào chế phổ biến nhất nhưng cũng là loại sản phẩm được dùng bừa bãi nhất.
Kháng viêm hữu hiệu
Steroid vốn là những hormone có nhiệm vụ “bao la” trong cơ thể. Corticosteroid là những dạng của steroid vốn có đặc tính kháng viêm hữa hiệu. Corticosteroid vốn được sử dụng để điều trị những rối loạn về da như chàm, vảy nến, da nổi mẩn... Chúng có thể được bào chế dưới dạng viên dùng để uống, dạng thuốc chích và dạng kem thoa da. Kem thoa da có chứa steroid thường dễ sử dụng, đồng thời có tác động nhanh hơn.
Kem thoa steroid được phân thành 7 nhóm tùy theo hiệu lực của chúng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kem thoa steroid được phân thành 7 nhóm tùy theo hiệu lực của chúng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dạng bào chế dưới dạng kem thoa có chứa steroid sẽ được thoa trực tiếp vào vùng da cần trị liệu. Chúng có nhiều ưu điểm hơn loại thuốc viên dùng để uống. Do thuốc dạng uống phải “ngao du” trong cơ thể trước khi tới da nên thường mang lại tác động rất chậm so với dạng kem thoa. Dạng kem thoa thì thuốc sẽ được hấp thu ngay qua da và nhờ vậy sẽ tạo ra tác động nhanh hơn. 
Kem thoa steroid sẽ giúp làm giảm quá trình viêm và hỗ trợ các rối loạn da, giúp da bớt ngứa, bớt đau... Dù steroid không chữa được căn nguyên của bệnh chàm nhưng chúng có tác dụng làm giảm một phần các triệu chứng của bệnh này. 
Do có tác động giảm ngứa nên kem thoa steroid có thể giúp bệnh nhân tránh được tình trạng gãy, rách, trầy xước da vốn làm cho bệnh tình thêm khó chịu hơn.
Hiệu lực của kem thoa có chứa steroid được tạo ra bởi hàm lượng của steroid cũng như hàm lượng các chất dầu có trong sản phẩm. Kem thoa steroid được phân thành 7 nhóm tùy theo hiệu lực của chúng.
Nhóm 1 bao gồm các loại steroid với hiệu lực tối đa và nhóm 7 là những loại steroid có hiệu lực thấp nhất.
Quý nhưng phải biết dùng
Thông thường, nếu kê toa, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kem thoa steroid có nồng độ thấp nhất để xem cơ thể của bệnh nhân phản ứng với thuốc như thế nào. Sau đó, hàm lượng steroid sẽ được tăng dần dần nếu loại kem có hàm lượng steroid ở mức thấp nhất không “xi nhê” gì. Các bệnh nhân lầu đầu mắc bệnh chàm thường được kê hydrocortisone (1%) như là sự lựa chọn đầu tiên. 
Khi sử dụng kem thoa có chứa steroid, không nên dùng quá một tuần; nếu kem thoa steroid không giúp cải thiện tình trạng bệnh hoặc làm bệnh tình trở nên “bát nháo” hơn thì cần phải áp dụng một chế độ trị liệu mới hoặc tăng liều steroid hoặc phải dùng những phương thức trị liệu khác.
Bôi quá nhiều kem thoa steroid và sử dụng chúng trong một thời gian dài là điều vô cùng nguy hại. Những loại kem thoa có chứa hàm lượng cao steroid thường được bác sĩ kê cho bệnh nhân dùng trong thời gian ngắn, 1 tuần hoặc 2 tuần chứ không thể lâu hơn. Sử dụng kem thoa steroid bừa bãi sẽ dẫn đến những hậu quả như làm da bị mỏng, da bị biến đổi màu, rạn da...
Khi sử dụng kem thoa steroid mà nhận thấy những dấu hiệu trên, bạn cần phải đi khám bác sĩ da liễu ngay, đừng chậm trễ. Steroid thực sự quý giá, vì vậy cần phải biết giữ gìn, sử dụng đúng chỗ, đúng lúc và không được dùng tùy tiện, tránh hậu quả rất khó lường!

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

5 vitamin và khoáng chất người trên 50 tuổi có thể uống hàng ngày

Trong nhiều trường hợp, dùng các loại thuốc bổ cũng sẽ phát huy tác dụng, cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhất là nhóm trung cao tuổi, đặc biệt là 5 dưỡng chất sau.


Theo Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH), mọi người có thể bổ sung mọi loại dưỡng chất cần thiết qua thực phẩm, nhưng trong nhiều trường hợp, dùng các loại thuốc bổ cũng sẽ phát huy tác dụng, cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhất là nhóm trung cao tuổi, đặc biệt là 5 dưỡng chất sau.
1. Multivitamin tốt cho người cao niên
Theo các chuyên gia Văn phòng Truyền thông, Khoa học và Y học thuộc NIH, tuy các nghiên cứu chưa chứng minh được tác dụng của multivitamin (vitamin tổng hợp hay thuốc bổ đa sinh tố) giúp con người khỏe mạnh hơn, nhưng nó có thể khỏa lấp khoảng trống thiếu hụt dinh dưỡng mà con người thường gặp. 
Theo NIH, nhu cầu dinh dưỡng dao động theo tuổi tác, giới tính và từng giai đoạn cuộc đời. Ví dụ, RDA (định lượng dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho một người bình thường mỗi ngày) về vitamin D tăng lên theo độ tuổi. 
Phụ nữ mãn kinh không cần nhiều sắt như phụ nữ trẻ. Giới chuyên môn đồng ý, multivitamin tốt cho nhóm người cao niên bởi nó giúp cân bằng sức khỏe thể chất, tinh thần, và cân bằng ngay cho chính các nhóm dưỡng chất của cơ thể khi người ta về già, nhất là nhóm người ăn uống kém, hoặc sống trong môi trường thiếu thốn.
2. Vitamin B12
Vitamin B12 rất hữu ích cho sức khỏe, như cho quá trình trao đổi chất, hình thành tế bào máu đỏ, chức năng thần kinh, và tổng hợp DNA. Nếu thiếu hụt nghiêm trọng, có thể gây thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược, và đau thần kinh ngoại vi. Nhiều người cao tuổi gặp khó khăn về hấp thụ vitamin B12 có trong thực phẩm, nhưng lại không nhận thức đầy đủ về vấn đề này. 
Theo khuyến cáo của NIH, tất cả những người trên 50 nên bổ sung vitamin B12qua nguồn thực phẩm (như  ngũ cốc dùng cho ăn sáng) hoặc bổ sung qua chế độ ăn kiêng. Mức RDA vitamin B12 của nhóm người cao niên là rất nhỏ, vì vậy bổ sung vitamin tổng hợp thường xuyên được xem là giải pháp tối ưu.
3. Canxi
Theo NIH, đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu về tác dụng của canxi đối với sức khỏe xương, nhưng kết quả cụ thể vẫn chưa phân khúc rõ ràng. Ví dụ, mới đây, qua phân tích kết quả 26 thử nghiệm lâm sàng cho thấy canxi nếu kết hợp hoặc không kết hợp với vitamin D có khả năng làm giảm nguy cơ gãy xương đốt sống, nhưng lại không làm rủi ro gãy xương hông hoặc xương cánh tay. 
Điều này, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu ngọn ngành, nhất là lý do tại sao?. Canxi là chất dinh dưỡng vô cùng đa dạng, do đó không thể có một khoáng chất dạng vitamin tổng hợp lại có chứa hàm lượng canxi vượt ngưỡng 30% RDA.
Vì lý do nói trên, mỗi người nên tư vấn bác sĩ để quyết định mức cụ thể cần phải bổ sung theo nhu cầu của cá nhân. Thông thường, người cao tuổi cần uống viên canxi dưới hai hình thức mang lại hiệu quả là canxi carbonate và canxi citrate. 
Canxi cacbonat có chứa hàm lượng canxi cao, hấp thụ tốt nhất là uống trong ăn. Ngược lại, calcium citrate có thể được hấp thụ tốt khi dạ dày trống rỗng, và những người có vấn đề về tiêu hóa thường hấp thụ citrate tốt hơn người bình thường. (Nên cung cấp đủ định lượng như quy định trong  RDA. Quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và sỏi thận).
4. Vitamin D
Tại Mỹ, có trên 1/4 nhóm người độ tuổi từ 50 - 71 không tiếp nhận đủ vitamin D cần thiết giúp cho việc hấp thụ canxi. Vitamin D không chỉ tốt cho xương, mà còn làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, hen suyễn, dị ứng và viêm nhiễm. Chưa hết, nếu vitamin D không đủ, quá thấp có thể gia tăng một loạt bệnh như hen suyễn, loãng xương, tiểu đường, cao huyết áp, hạ đường huyết, viêm khớp dạng thấp, và trầm cảm.
Vì tác dụng to lớn như vậy, NIH khuyến cáo, những người trên 50 tuổi nên bổ sung  600 IU (đơn vị quốc tế) mỗi ngày và tăng lên 800 IU đối với nhóm trên 70.
5. Sử dụng công thức AREDS để nâng cao sức khỏe mắt
AREDS là chữ viết tắt của chương trình nghiên cứu mang tên The Age-Related Eye Disease Study (Nghiên cứu về bệnh mắt liên quan đến tuổi tác), với hai giai đoạn AREDS1 và AREDS 2, do Viện Mắt Quốc gia Mỹ tài trợ. 
Trong nghiên cứu, người ta phát hiện thấy một công thức dưỡng chất tổng quát dùng cho nhóm trung cao niên, mang tên AREDS. Chương trình nghiên cứu này phát hiện thấy dùng kết hợp vitamin C, vitamin E, lutein, zeaxanthin, và kẽm có thể làm chậm hình thành căn bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (gọi tắt là AMD). Đặc biệt là phòng ngừa đục thủy tinh thể, giảm nguy cơ  mù lòa ở nhóm người cao niên.
Nếu vào các hiệu thuốc địa phương, người dùng sẽ bắt  gặp nhiều chất bổ sung được quảng bá “tốt cho sức khỏe mắt”, hay nhắc đến “công thức AREDS” hoặc “Nghiên cứu AREDS”, nhưng không được NIH hoặc Cơ quan Quản lý Thực-Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, vì vậy khi mua nên tư vấn bác sĩ nhãn khoa để mua thuốc thứ thiệt do NIH cung cấp, hoặc dược phẩm đã được FDA phê duyệt. Trước khi sử dụng nên đọc kỹ nhãn mác, so sánh với các công thức thương mại.
Một số cảnh báo khi mua và dùng thuốc bổ
Nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn: rất nhiều người có quan niệm dùng càng nhiều thuốc bổ càng tốt, điều này hoàn toàn sai lầm. Khoa học đã nghiên cứu kỹ và thiết lập ra định mức RDA cho phép, quá mức này cơ thể sẽ không hấp thụ được, thậm chí cả từ thức ăn. 
Thực tế, hầu hết vitamin và khoáng chất có thể dùng vượt giới hạn trên, nhưng như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe, nhất là dùng dài kỳ. Ví dụ như sắt chẳng hạn, có thể gây tử vong nếu dùng quá nhiều.
Chú ý khi mua: ngay cả ở Mỹ, FDA cảnh báo có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng, pha trộn nhiều hợp phần vô bổ, không đúng như quảng cáo hoặc thành phần ghi trên nhãn. 
Vì vậy, khi mua chọn những hãng có uy tín, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được phê duyệt, cấp phép của các cơ quan chức năng, tránh mua hàng trôi nổi, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng khi chưa được kiểm duyệt, cấp phép.
Nên nhớ, tự nhiên không có nghĩa là an toàn: phần lớn các loại thuốc bổ sung hay quen gọi là thuốc bổ thường được dán nhãn hay quảng cáo là “tự nhiên”. Điều này không có nghĩa là an toàn, hay không thể tương tác với các thuốc khác. 
Ví dụ, vitamin K, có thể gây trở ngại cho các chất làm loãng máu như Coumadin. Hay Wort St. John có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm và thuốc tránh thai. Gingko (bạch quả) và vitamin E có xu hướng làm loãng máu, vì vậy trước khi phẫu thuật một vài tuần nên tránh dùng hai loại dưỡng chất này. 
Đây là lý do tại sao khi sử dụng thuốc bổ, cho dù dạng gì cũng nên thảo luận với bác sĩ và thực hiện tốt khuyến cáo của chuyên môn.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

7 kiểu uống thuốc gây loãng xương ở người trẻ tuổi


danh-sach-thuoc-gay-loang-xuong-hinh-anh-2Người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh loãng xương vì các loại thuốc gây loãng xương
Loãng xương là bệnh liên quan chặt chẽ đến độ tuổi, giới tính. Tuổi càng cao và thuộc giới tính nữ sẽ bị loãng xương nhiều hơn. Không chỉ vậy, bạn còn có thể mắc bệnh này do sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài.
Thuốc gây loãng xương là một số loại thuốc rất thông thường, một số còn được cho là thuốc bổ. Có thuốc làm giảm tới 50% mật độ khoáng trong xương, có thể làm nguy cơ gãy xương tăng lên từ hai đến ba lần. Danh sách đen gồm:
1. Corticoid
Đây là những thuốc có khả năng ức chế phản ứng viêm siêu mạnh, giúp giảm đau, giảm sưng và giảm tiết dịch. Một số thuốc có thể kể ra là prednisone, hydrocortisone, dexamethasone. Thuốc thường được dùng để chữa các bệnh đường hô hấp, viêm khớp, đau thần kinh và đau xương.
Tuy nhiên, đây là thuốc dễ gây loãng xương nhất. Nó ảnh hưởng trực tiếp lên tế bào xương, làm tăng chức năng hủy xương và giảm chức năng tạo xương. Nó cũng có thể làm giảm nồng độ hoóc môn nữ giới estrogen, một hoóc môn làm tăng khoáng trong xương.
2. Thuốc chống động kinh
Bệnh nhân động kinh (dễ gặp ở nữ) thường phải điều trị dài, có thể tới hai năm. Thế nên tác hại của thuốc tác động mạnh đến người bệnh. Mặt khác, đây là các thuốc có tác dụng phụ làm tăng hoạt động chuyển hóa của men gan, thực chất là những men bất hoạt vitamin D, khiến vitamin D không thể hiện được chức năng. Trong khi đó, vitamin D lại là loại vitamin làm xương chắc khỏe. Tác hại này hay gặp với những thế hệ thuốc cổ điển như phenytoin, phenobarbital, primidone và carbamazepin.
3. Thuốc chống đông máu
Các loại thuốc như heparin và warfarin thường chỉ được sử dụng khi truyền máu để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị bệnh van tim, suy tim, đột quỵ não thể nhồi máu cần sử dụng thuốc này lâu dài sau điều trị. 
Chỉ cần sử dụng liên tục nhóm thuốc này trong một tháng, bệnh nhân sẽ bị gãy xương vì loãng xương. Đó là vì những thuốc này gắn kết với một protein kích thích tế bào tạo xương. Mất protein này, tế bào tạo xương không thể hoạt động hiệu quả.
4. Thuốc an thần
Khi sử dụng thuốc an thần, cơ thể có xu hướng gia tăng nồng độ hoóc môn prolactin. Điều này khiến nồng độ estrogen, hoóc môn vô cùng quan trọng với hệ xương nữ giới, giảm xuống. Như thế, lạm dụng thuốc an thần làm giảm estrogen và mật độ xương tự nhiên.
5. Thuốc lợi tiểu
Loại thường được sử dụng và ảnh hưởng đến loãng xương nhất là nhóm thuốc lợi tiểu quai furosemide. Furosemide làm tăng quá trình thải can-xi qua đường niệu. Can-xi bị tăng đào thải, cơ thể phải huy động can-xi từ xương cho cơ và thần kinh hoạt động. Vừa không được hấp thu thêm can-xi, lại còn mất thêm nên xương mỏng đi. Phụ nữ bị phù, bệnh tim, thận, tăng huyết áp cần chú ý các thuốc này.
6. Thuốc chống viêm loét dạ dày
Các loại thuốc như omeprazole, lansoprazole… rất tốt trong điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng. Tuy nhiên, nó dễ làm loãng xương. Lý do? Chúng ta thường không thèm đến bác sỹ nếu lần đầu chữa khỏi. Hầu hết mọi người hay chắc mẩm nếu tiếp tục bị đau bụng thì cứ đơn thuốc cũ mà dùng. Ít ai biết mật độ xương ở lần sau hoàn toàn khác so với lần uống đầu. Thế nên nếu cứ sử dụng tùy tiện thì xương sẽ bị bệnh.
7. Vitamin A
Số liệu gần đây cho thấy loại vitamin tốt cho mắt này làm ức chế chức năng của tế bào tạo xương, tăng hoạt động của tế bào hủy xương. Lạm dụng vitamin A khiến tốc độ xương bị loãng còn đến sớm hơn so với do tuổi tác gây ra.
Khi sử dụng các thuốc trên kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ. Đừng quên dùng bổ sung canxi, vitamin D và thuốc chống loãng xương biphosphat theo liều thích hợp.
danh-sach-thuoc-gay-loang-xuong-hinh-anh-1
Lạm dụng thuốc và thuốc bổ có thể gây loãng xương từ trẻ
Làm sao giảm nguy cơ loãng xương vì thuốc?
– Không sử dụng những thuốc thế hệ cũ (có nguy cơ bị loãng xương nhiều hơn) mà thay thế bằng các thuốc thế hệ mới.
– Không dùng thuốc gây loãng xương kéo dài quá một tháng. Trong trường hợp bạn bắt buộc phải sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ.
– Không nên lạm dụng vitamin như vitamin A khi không có bệnh.
– Nên sử dụng thực phẩm giàu can-xi trong chế độ điều trị. Những thực phẩm tốt cho bạn là tôm, cua, cá và sữa. Đừng quên ăn thêm dầu thực vật, nó sẽ giúp bạn hấp thu vitamin D tốt hơn.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng cho gan




Số người mắc bệnh về gan ở nước ta ngày càng tăng nên hiện trên thị trường tràn lan rất nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị gan. Nhiều người sử dụng chỉ dựa vào những lời quảng cáo mà không nhận biết được thực chất loại đó có phù hợp với thể trạng cũng như bệnh của mình hay không.

TS. Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, cho biết: “Thực phẩm chức năng hiện có 2 loại: loại thật sự giúp ích cho hỗ trợ điều trị bệnh gan và loại chỉ có giá trị chung trong việc giúp cơ thể chuyển hóa các chất đạm, đường, mỡ hay còn gọi là bồi dưỡng cơ thể.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị mà dùng để hỗ trợ điều trị, làm cơ thể khỏe hơn, gan tốt lên, tăng cường sức đề kháng. Không phải tất cả các loại thực phẩm chức năng đều mang lại hiệu quả. Người dân không hiểu biết dùng lâu dài thực phẩm chức năng có thể sẽ bị tăng men gan, giảm bạch cầu, gây tốn kém. Do đó, người bệnh cần phải được khám bệnh và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”.

Để chọn được loại thực phẩm chức năng vừa hỗ trợ điều trị lại không ảnh hưởng sức khỏe, TS Lan cũng đưa ra lời khuyên, sử dụng không đúng và quá liều đều độc hại. Với các loại thuốc điều trị, bác sĩ đều quy định liều lượng cụ thể từng ngày thì thực phẩm chức năng cũng tương tự, dùng thuốc không đúng chỉ dẫn không chỉ gây tốn kém mà còn khiến bệnh nặng thêm.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Ho có đờm, dùng thuốc gì?


Để điều trị ho cần trị nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài làm cho người bệnh mệt mỏi, lo lắng cần phải dùng đến thuốc để giảm ho.
Khi bị ho có đờm (thấy nặng ngực, cơn ho thường khạc ra chất nhầy và đờm, có cảm giác nghẹt thở và khó thở, thường làm cho người bệnh mệt lả...) có thể dùng một số thuốc sau: terpin hydrat, acetylcystein, bromhexim... Khi dùng các thuốc này cần lưu ý:
Terpin hydrat là thuốc có tác dụng hydrat hóa dịch nhầy phế quản, có tác dụng long đờm, giúp lông mao biểu mô phế quản hoạt động dễ dàng để tống đờm ra ngoài. Thông thường mỗi đợt điều trị chỉ nên dùng từ 3 đến 5 ngày để tránh nhờn thuốc.
Tránh ăn uống đồ quá nóng dễ gây kích thích vòm họng
Acetylcystein (thuốc tiêu chất nhày) có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm để tạo thuận lợi cho đờm dễ thoát ra ngoài bằng phản ứng ho. Thuốc dùng tốt trong các bệnh lý đường hô hấp có đờm nhày quánh như trong viêm phế quản cấp và mạn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây buồn nôn, nôn hoặc co thắt phế (hiếm gặp)...
Nếu dùng dạng dung dịch có thể pha loãng để giảm khả năng gây nôn nhiều do thuốc. Không dùng thuốc cho người có tiền sử hen, quá mẫn với thuốc. Không được dùng đồng thời các thuốc ho khác hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản trong thời gian dùng thuốc acetylcystein.
Bromhexin hydroclorid cũng là thuốc tiêu đờm (long đờm), có tác dụng điều hoà và tiêu nhầy đường hô hấp. Không dùng thuốc này phối hợp với thuốc giảm (chống) ho, vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp. 
Cần thận trọng khi dùng cho người bệnh hen (vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm), người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả (nguy cơ ứ đờm ở những trường hợp này). Thời gian dùng thuốc không được kéo dài  quá 8-10 ngày nếu chưa có ý kiến thầy thuốc. Khi dùng các thuốc này cần uống nhiều nước để giúp làm lỏng đờm quánh.
Nói chung người bệnh cần uống nhiều nước, tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nếu ho kéo dài người bệnh cần đi khám để bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Không phải thuốc tiêm là nhanh khỏi bệnh


- Hay con cho cháu đi khám rồi nhờ bác sĩ tiêm cho nhanh khỏi, chứ để ở nhà thế này, mình biết thế nào?
Chị Thanh nghe lời mẹ chồng, đưa con đi khám ở phòng mạch tư, bác sĩ cho biết, cháu Phúc bị viêm phế quản và kê đơn thuốc kháng sinh về uống. Chị Thanh thấy bác sĩ kê thuốc uống tỏ vẻ không yên tâm nên khẩn khoản đề nghị:
- Bác sĩ cứ kê thuốc kháng sinh loại tiêm rồi tiêm cho cháu.
- Sao chị lại thích dùng thuốc tiêm?
- Dạ, em nghĩ là thuốc tiêm trực tiếp vào máu sẽ nhanh hơn ạ.
Thấy quan niệm của chị Thanh chưa đúng nên bác sĩ nán lại, lựa lời giải thích cho chị rõ:
Uống thuốc là một trong những cách điều trị cơ bản lâu đời của cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Bằng cách này thuốc được hấp thu qua đường tiêu hoá từ từ, tương đối phù hợp với sinh lý và đặc biệt hiếm khi gây phản ứng tức thì đe doạ đến tính mạng người dùng. Và, trong hầu hết các trường hợp đau yếu thông thường thuốc uống hoàn toàn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Còn thuốc tiêm (có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch) là một tiến bộ của y học. 
Thuốc tiêm có ưu điểm là được hấp thu nhanh, trực tiếp vào máu do đó thường cho tác dụng nhanh, mạnh và đầy đủ hơn. Nhưng thuốc tiêm lại có nhiều nhược điểm như hay gây sốc phản vệ, vì vậy, tỷ lệ rủi ro cao hơn nhiều so với đường uống. 
Hơn nữa, nếu không vô trùng tốt dụng cụ tiêm truyền còn làm lây truyền bệnh qua đường máu. Khi tiêm người bệnh sẽ đau đớn hơn và thuốc tiêm bao giờ cũng đắt hơn thuốc uống... Người ta chỉ dùng thuốc tiêm trong các trường hợp cấp cứu hoặc với các ca bệnh không thể dùng thuốc uống được... và việc tiêm thuốc này phải được tiến hành ở các cơ sở y tế có điều kiện về trình độ và trang thiết bị, chứ không thể mang thuốc về nhà tự tiêm được. Vậy bây giờ chị còn thích lựa chọn thuốc tiêm cho con nữa không?
Nghe bác sĩ giải thích, chị Thanh đã hiểu ra vấn đề nên chị chỉ còn biết im lặng tuân theo chỉ định của bác sĩ.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons