Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Khi chúng ta ‘ăn’ kháng sinh trong bữa cơm hàng ngày

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong đó, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Không chỉ lao, sốt rét, viêm phổi mà các thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới cũng đang bị kháng.
Điều đáng nói, nguyên nhân không chỉ từ việc sử dụng thuốc bừa bãi của người dân, của bác sĩ điều trị mà ngay cả trong thực phẩm người dân ăn mỗi ngày cũng đầy rẫy kháng sinh tồn dư trong thịt, cá, tôm, cua…
Người lành, người bệnh đều “ăn” kháng sinh
Tại cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) mới đây, Giáo sư Trần Đông A không khỏi băn khoăn khi đặt ra những vấn đề bức xúc của ngành y tế hiện nay.
Một trong những vấn đề đó là tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ. “Tại một hội nghị y khoa quốc tế, một chuyên gia nước ngoài nói với tôi, Việt Nam sao không kiểm soát kháng sinh, sử dụng bừa bãi, gây đề kháng quá lớn”, GS Trần Đông A cho biết.
Về vấn đề này, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng bức xúc vì trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi heo, nuôi cá hiện nay dùng kháng sinh quá nhiều.
“Nhiều chủ chăn nuôi chưa đợi heo, cá đào thải hết kháng sinh đã xuất bán, khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn”, TS Thượng nói. Từ đó, người dân ăn thực phẩm mỗi ngày cũng là “ăn” cả kháng sinh, lâu dần cũng dẫn đến đề kháng thuốc mà không hiểu tại sao!
Theo các chuyên gia y tế, trong chăn nuôi, để hạn chế rủi ro với các nguy cơ dịch bệnh, người dân có thói quen dùng nhiều loại kháng sinh, thuốc kích thích, bao gồm cả các hoạt chất và thuốc thú y ngoài danh mục lưu hành.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong chăn nuôi công nghiệp có hiện tượng lạm dụng quá nhiều các loại kháng sinh tổng hợp, số hộ sử dụng thuốc kháng sinh có từ 3 – 6 hoạt chất chiếm 27% số trang trại nuôi lợn thịt, 24% trang trại nuôi lợn con và 10% trang trại nuôi gà, vịt.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, đến nay việc sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi gần như bỏ ngỏ, mà chỉ quan tâm nhiều đến các chất kích thích, tăng trọng, tạo nạc…
Trong khi đó, ở cộng đồng và chính trong các bệnh viện, kháng sinh cũng được sử dụng như “ăn rau”. “Hễ nhức đầu, sổ mũi, người dân lại chạy ra nhà thuốc mua thuốc uống, nhân viên quầy thuốc vô tư bán. Nếu uống kháng sinh nhẹ một vài ngày thấy chưa hết bệnh thì dùng luôn kháng sinh mạnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại hội nghị đề kháng thuốc mới đây.
Sự dễ dãi trong mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh đang là một thực tế mà theo TS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược BV Chợ Rẫy TPHCM, không khác gì mua rau ở ngoài chợ về ăn.
Bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc. Ảnh: SGGP
Phải kiểm soát nghiêm ngặt
Không chỉ trong cộng đồng hay trang trại chăn nuôi – trồng trọt, kháng sinh dùng trong bệnh viện cũng đã kháng nhiều loại kháng sinh. Có những loại kháng sinh thế hệ mới vừa đi vào sử dụng tại Việt Nam chưa được 10 năm nhưng cũng bị kháng.
Đó là kháng sinh Imipenem/Cilastatin, Carbapenem đã nhạy cảm đối với các trực khuẩn gram âm không sinh men. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều loại vi khuẩn, trực khuẩn đã đề kháng với kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4 lên tới 50% – 60% như Klebsiella spp, Pseudomonas spp, Acinetobacter spp…
Trong một hội thảo mới đây, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, lo lắng vì nhiều loại kháng sinh không còn hiệu quả điều trị, mặc dù là thế hệ thứ 3, thứ 4. “Không đâu xài kháng sinh như nước ta, nhiều nước vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, còn ta dùng thế hệ 3, 4 mà vẫn bị kháng.
Đến lúc không còn kháng sinh nào đặc hiệu mà xài”, GS Phạm Mạnh Hùng trăn trở. Số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho thấy 30% – 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với Cephalosporin thế hệ 3 và 4; 40% – 60% kháng với Aminoglycosid và Fluoroquinolon…
Thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng khiến hiệu quả điều trị thấp, kéo dài ngày nằm viện, tăng chi phí điều trị. Do đó, cần những giải pháp cấp thiết để ngăn chặn tình trạng này.
Theo GS Trần Đông A, đã đến lúc cần đưa những quy định bắt buộc khắt khe trong sử dụng kháng sinh cũng như chế tài vào Luật Dược, Luật Khám chữa bệnh và cả chăn nuôi, trồng trọt.
“Cần truyền thông, hướng dẫn mạnh mẽ để người dân, cộng đồng đừng lạm dụng kháng sinh nữa”, GS Trần Đông A khẩn thiết đề nghị.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng cần kiểm soát mạnh kháng sinh trôi nổi trên thị trường, có chế tài nghiêm khắc đối với các nhà thuốc bán kháng sinh mà không có đơn thuốc.
Trong điều trị, ông đề nghị các bệnh viện phải tuân thủ làm kháng sinh đồ, thường xuyên bình đơn thuốc để xử lý những bác sĩ sử dụng kháng sinh bừa bãi

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Thuốc hết “đát”, tuyệt đối không được sử dụng!


Hiện nay, một số người đã có thói quen tốt là khi mua thuốc tại  nhà thuốc lưu ý rất kỹ hạn dùng. Họ từ chối mua thuốc nếu thuốc đó có hạn dùng quá gần (gọi là cận “đát”) không thể tích trữ ở nhà lâu dài như mong muốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không thấy được tầm quan trọng của hạn dùng đối với thuốc. 
Có người trữ lọ thuốc bổ chứa vitamin, chất khoáng thuộc loại to chứa hàng mấy trăm viên, dùng một thời gian thì ngưng khi thuốc vẫn còn nhiều, sau đó tính chuyện dùng lại để “tẩm bổ” thì hạn dùng đã hết. Nhìn bề ngoài thấy viên thuốc vẫn còn bóng lưỡng, màu sắc vẫn tươi rói, người này cho rằng dùng chắc chẳng sao, thế là tiếp tục dùng để không lãng phí. 
Việc dùng này có thể nguy hiểm. Thế mà, mới đây Sở Y tế Hà Nội phát hiện có đến hàng trăm ngàn viên thuốc bị tẩy hạn sử dụng, sửa thành hạn dùng mới tại ba cửa hàng thuốc bề thế. Ôi, quả là lòng tham không đáy!
Người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ hạn dùng
Hạn dùng được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng. Thí dụ, hạn dùng của thuốc được ghi 30 tháng 6 năm 2015 nghĩa là trong thời gian từ lúc người dùng thuốc mua thuốc đến ngày 30 tháng 6 năm 2015 là thuốc có giá trị sử dụng và được phép dùng, còn từ ngày 1 tháng 7 năm 2015 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không còn giá trị sử dụng nữa.
Theo luật dược của nước ta, nhãn thuốc lưu hành trên thị trường bắt buộc phải ghi một số nội dung trong đó có hạn dùng (bên cạnh số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất). Nếu trên nhãn thuốc không ghi hạn dùng thì thuốc đó được cho là thuốc giả. Cũng theo luật định, mua, bán, sử dụng thuốc quá hạn dùng là bất hợp pháp. Còn việc sửa hạn dùng để gian lận trong mua bán thuốc phải xem là vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng vì gây hại biết bao nhiêu người.
Nên lưu ý, thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng mặc dù trong vẻ bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi, thuốc trông giống y như khi còn hạn dùng. Thuốc quá hạn dùng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị, làm người bệnh bị bệnh nặng thêm mà còn có thể gây độc gây tử vong. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, tetracyclin quá hạn dùng trở thành rất độc gây hại thận.
Để xác định hạn dùng của một thuốc, không phải nhà sản xuất ấn định bừa mốc thời gian nào đó, đặc biệt mốc thời gian đủ dài có lợi cho việc kinh doanh thuốc, mà trải qua công việc nghiên cứu gọi là thử độ ổn định của thuốc. Đó là tập hợp các thí nghiệm với độ tin cậy cao được thiết kế để xác định tuổi thọ và hạn dùng của thuốc. 
Phương pháp thử độ ổn định thường dùng là phương pháp thử độ ổn định cấp tốc. Gọi là cấp tốc vì phương pháp chỉ thử thuốc trong vòng 3 tháng ở điều kiện môi trường khắc nghiệt với nhiệt độ cao đến 500C, độ ẩm 75% để suy diễn ra tuổi thọ và hạn dùng của thuốc trong thực tế diễn ra trong nhiều năm ở điều kiện môi trường bình thường.
Bên cạnh đó còn có phương pháp thử độ ổn định dài hạn, tức người ta theo dõi dộ ổn định của thuốc với điều kiện tồn trữ, bảo quản trong thực tế cho đến khi thuốc bị sút giảm chất lượng để xác định hạn dùng (có thể theo dõi đến 2, 3 năm). Phương pháp thử dài hạn cho kết quả tin cậy và một số thuốc có yêu cầu bảo quản đặc biệt như chế phẩm vắcxin hay thuốc là hormon cần chọn điều kiện thích hợp để thử theo phương pháp này.
Như vậy, ta thấy hạn dùng được  tìm ra dựa vào nghiên cứu khoa học đàng hoàng và đúng quy cách và cũng vì thế, phải tuyệt đối tuân thủ hạn dùng.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Bạn có biết cách dùng thuốc súc họng?


Các thuốc súc họng thường dùng như: Bột BBM (gồm Natri Borat, Natri Bicarbonnat và menthol) gói 1g, pha với nước ấm (khoảng 200ml), chỉ pha ngay khi dùng vì nếu để lâu menthol sẽ bị thăng hoa. 
Dung dịch givalex, là một chế phẩm được chỉ định rộng rãi trong viêm họng, viêm quanh răng, có tác dụng sát khuẩn rất tốt và chống phù nề. Trong thành phần của dung dịch có menthol nên khi sử dụng nên pha loãng 1/10 để tránh gây tổn thương niêm mạc họng. Nên pha với nước ấm để tăng thêm hiệu quả của nước súc miệng.
Nước muối cũng là một trong những nước dùng để súc miệng, họng. Có thể dùng muối ăn (NaCl) pha với nước (độ mặn tương đương nước canh mà chúng ta ăn hàng ngày). Tốt nhất là dùng nước muối 0,9% (mua trong các nhà thuốc)  là phù hợp nhất. Không nên dùng nước muối quá mặn sẽ gây tổn thương cho tế bào nhưng cũng không nên quá nhạt vì sẽ ít tác dụng sát khuẩn.
Cách súc họng: Ngậm một ngụm nước hay dung dịch súc họng, ngửa cổ, há miệng kêu khà…khà…khà…sau đó ngậm miệng nghỉ một lát, làm như vậy vài ba lần rồi nhổ đi. Không nên ngậm nước súc họng vào rồi nhổ ra ngay, nên cố gắng ngậm lâu tối đa, súc vài lần, mỗi lần vài ba ngụm không chỉ có tác dụng làm sạch các nhày, mủ (nếu có) trong họng mà đảm bảo tác dụng sát khuẩn tốt. Tuy nhiên có một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn, ví dụ listerin chỉ ngậm trong miệng trong 30 giây ngay sau khi đánh răng.
Cần lưu ý, các thuốc súc họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc họng. Mỗi ngày nên thực hiện súc miệng, họng từ một đến ba lần. Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày trừ nước muối. 
Nếu sử dụng kéo dài cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.
Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ. Những tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp là phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi thậm chí có thể sốc phản vệ và tử vong. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng dùng và được xử trí y tế kịp thời (khi cần thiết).

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons