Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Không dùng tùy tiện kem thoa có chứa steroid


Corticosteroid vốn được sử dụng để điều trị những rối loạn về da như chàm, vảy nến, da nổi mẩn... Chúng có thể được bào chế dưới dạng viên dùng để uống, dạng thuốc chích và dạng kem thoa da.




Steroid được dùng trong y học cho nhiều mục đích trị liệu khác nhau và được sản xuất dưới nhiều dạng bào chế khác nhau. Kem thoa da có chứa steroid là dạng bào chế phổ biến nhất, tuy nhiên đây cũng là loại sản phẩm được dùng bừa bãi nhất.
Steroid vốn là những hoóc-môn có nhiệm vụ “mênh mông bao la” trong cơ thể. Corticosteroid là những dạng của steroid vốn có đặc tính kháng viêm hữu hiệu. Corticosteroid vốn được sử dụng để điều trị những rối loạn về da như chàm, vảy nến, da nổi mẩn... Chúng có thể được bào chế dưới dạng viên dùng để uống, dạng thuốc chích và dạng kem thoa da. 
Kem thoa da có chứa steroid thường dễ sử dụng đồng thời có tác động nhanh hơn. (Không nên nhầm lẫn corticosteroid với các loại steroid đồng hóa vốn thường được các lực sĩ dùng để tăng cường cơ bắp).
Không dùng tùy tiện kem thoa có chứa steroid 1
Sử dụng kem thoa steroid bừa bãi làm da bị mỏng, rạn và bị biến đổi màu...
Dạng bào chế dưới dạng kem thoa có chứa steroid sẽ được thoa trực tiếp vào vùng da cần trị liệu. Chúng có nhiều ưu điểm hơn loại thuốc viên dùng để uống. Do thuốc dạng uống  phải “ngao du” trong cơ thể trước khi tới da, do đó thường mang lại một tác động rất chậm so với dạng kem thoa. 
Dạng kem thoa thì thuốc sẽ được hấp thu ngay qua da và nhờ vậy sẽ cho một tác động nhanh hơn. Kem thoa steroid sẽ giúp làm giảm quá trình viêm và hỗ trợ các rối loạn da, giúp da bớt ngứa, bớt đau... Dù steroid không chữa được căn nguyên của bệnh chàm nhưng chúng có tác dụng làm giảm một phần các triệu chứng của bệnh chàm. 
Do có tác động giảm ngứa nên kem thoa có steroids sẽ giúp bệnh nhân không gãy da, vốn thường sẽ gây rách da, trầy xước da và càng làm cho bệnh tình càng khó chịu hơn.
Hiệu lực của kem thoa có chứa steroid bởi hàm lượng của steroid có trong sản phẩm cũng như hàm lượng của các chất dầu có trong sản phẩm. Kem thoa steroid được phân thành 7 nhóm tùy theo hiệu lực của chúng. Nhóm 1 bao gồm các loại steroid với hiệu lực tối đa, và nhóm 7 là những loại steroid có hiệu lực thấp nhất.
Thông thường, nếu được bác sĩ kê toa, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kem thoa steroid có nồng độ thấp nhất để xem cơ thể của bệnh nhân phản ứng với thuốc như thế nào. Sau đó hàm lượng steroid sẽ được tăng dần dần nếu lọai kem có hàm lượng steroid ở mức thấp nhất không có “xi nhê” gì. Các bệnh nhân lần đầu mắc bệnh chàm thường được kê hydrocortisone (1%) như là một sự lựa chọn đầu tiên. Khi sử dụng kem thoa có chứa steroid không nên dùng quá một tuần, nếu kem thoa steroid không giúp cải thiện tình trạng bệnh hoặc làm bệnh tình trở nên “bát nháo” hơn thì phải cần phải áp dụng một chế độ trị liệu khác.
Bôi quá nhiều kem thoa steroid và sử dụng chúng trong một thời gian  lâu là một điều vô cùng tác hại. Những loại kem thoa có chứa hàm lượng cao steroid thường được bác sĩ kê cho bệnh nhân dùng trong một thời gian ngắn. 
Một tuần hoặc 2 tuần chứ không thể lâu hơn. Sử dụng kem thoa steroid bừa bãi sẽ dẫn đến những hậu quả như làm da bị mỏng, da bị biến đổi màu, rạn da... Khi sử dụng kem thoa steroid mà bạn cảm thấy những dấu hiệu trên, bạn cần phải đi khám bác sĩ da liễu ngay, đừng chậm trễ. Những báo cáo y học gần đây còn khuyến cáo rằng nếu sử dụng bừa bãi kem thoa steroid, người sử dụng có thể làm tăng thêm rủi ro bị ung thư.
Steroid thực sự là “của quý”. Vì vậy, cần phải biết giữ gìn, cần sử dụng đúng chỗ và đúng lúc, không được sử dụng tùy tiện. Sử dụng theo kiểu rỉ tai hay “mượn” thuốc từ người thân sẽ mang lại một hậu quả... buồn.



Ăn bưởi khi uống thuốc dễ gây đột tử


Bưởi là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho cơ thể. Ngoài ra, bưởi còn là một thực phẩm chữa bệnh, hỗ trợ điều trị các bệnhcao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh xơ cứng động mạch. Đặc biệt, bưởi có công dụng giúp giảm béo, cho phái đẹp một vóc dáng hoàn hảo.
Ăn bưởi sai cách dễ gây hại cho sức khỏe.
Ăn bưởi sai cách dễ gây hại cho sức khỏe
Không chỉ có tép bưởi, vỏ bưởi cũng có tác dụng chữa bệnh không kém. Trong đó có chứa chất glycosides giúp tăng độ lưu thông cho máu, giảm thiểu sự hình thành của huyết khối, giúp phòng chống tắc nghẽn mạch máu não.
Tuy bưởi rất có lợi trong nhiều mặt nhưng nếu dùng sai cách hay ăn chúng quá nhiều cũng rất dễ gây hại cho cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Trường hợp xấu nhất này có thể xảy ra nếu bạn ăn bưởi trong khi đang uống một số loại thuốc điều trị. Khi đang dùng thuốc chống dị ứng, nếu bạn ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi, có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim… thậm chí có thể dẫn đến đột tử.
Bên cạnh đó, những người béo phì có lượng mỡ trong máu cao, vừa uống thuốc giảm béo vừa uống một cốc nước ép bưởi thì có thể dẫn đến hiện tượng đau cơ hay gây ra những bệnh về thận.
Bởi vậy, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo rằng, bệnh nhân đang sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc cho người già thì tuyệt đối không nên ăn bưởi và uống nước ép từ bưởi trong quá trình điều trị để tránh những tác dụng phụ đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, nếu bạn ăn bưởi quá nhiều cũng dễ gây ra đau bụng vì bưởi có tính lạnh. Vì vậy, dù tốt thật nhưng nên ăn bưởi có chừng mực để bảo vệ sức khỏe của mình.




Thuốc tâm thần phân liệt: Hiểu để dùng hiệu quả, an toàn


Một vài nét về tâm thần phân liệt
Xưa kia, dựa vào triệu chứng lâm sàng để định bệnh trầm cảm. Loạn thần có các triệu chứng tiêu cực được xếp vào dạng trầm cảm loạn thần. Về sau, do nhận thức đầy đủ triệu chứng, bệnh sinh nên người ta tách dạng này thành một bệnh riêng, gọi là bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia). 
Còn khái niệm loạn thần (psychotic) dùng chỉ một trạng thái, một triệu chứng, không dùng chỉ một bệnh. Ngoài bệnh tâm thần phân liệt (TTPL), còn có trạng thái loạn thần do uống rượu, dùng ma túy, nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
Chưa có tài liệu nào chứng minh thảo dược hay một phép chữa nào có thể chữa khỏi tâm thần phân liệt nên việc bỏ hóa dược, đi tìm “thuốc lá gia truyền” hay đi tìm cách chữa “phù phép” đều không đúng.
Có nhiều giả thiết về bệnh sinh tâm thần phân liệt. Giả thiết được nhiều nhà y học tán đồng là do tăng quá mức chất dẫn truyền thần kinh dopamin. Từ giả thiết này, chế tạo ra các thuốc làm giảm sản xuất hay ức chế dopamin để chữa bệnh. Có thể coi thuốc tâm thần phân liệt như là thuốc ức chế thần kinh trung ương (đưa trạng thái hoạt động tâm thần quá mức về trạng thái hoạt động tâm thần bình thường).
Thuốc tâm thần phân liệt có 2 nhóm: nhóm điển hình hay cổ điển dùng để chữa chủ yếu thể điển hình; có 18 loại thuốc trong đó hơn 50% là dẫn chất phenothiazin còn lại là dẫn chất benzamid, butyrophenon, thioxanthen. Nhóm thuốc không điển hình hay thế hệ mới dùng chữa chủ yếu thể tâm thần phân liệt không điển hình; bao gồm khoảng 10 loại thuốc có cấu trúc khác nhau nhưng dược tính cơ bản giống nhau như: risperidon, olanzapin, clozapin, quitiapin.
Hiểu để dùng đúng thuốc tâm thần phân liệt
Khi bị tâm thần phân liệt nhất thiết phải dùng thuốc: bệnh sinh tâm thần phân liệt là do sự tăng quá mức chất dẫn truyền thần kinh dopamin. Dùng thuốc làm giảm sản xuất hay ức chế dopamin là tác động vào nguyên nhân bệnh. Có tâm lý liệu pháp, liệu pháp hành vi góp phần mang lại một số hiệu quả nhất định nhưng không thể thay thế được thuốc. 
Người tâm thần phân liệt thường nghĩ mình không bị bệnh, không thích, không chịu dùng thuốc. Ở bệnh viện, điều dưỡng viên phải tìm mọi cách cho người bệnh dùng thuốc (có khi yêu cầu phải uống hết thuốc trước mặt mình mà không giao thuốc cho người bệnh tự dùng). Ở nhà, người nhà phải nhắc người bệnh dùng thuốc đúng hướng dẫn.
Phải dùng đúng liều, không bỏ dở: bệnh tâm thần phân liệt là bệnh mạn tính, khó chữa khỏi hẳn. Dùng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng, đưa bệnh đến mức bệnh ổn định. Lúc đó, người bệnh sẽ có trạng thái tâm thần bình thường, nếu tiếp tục dùng thuốc duy trì, thời gian ổn định sẽ kéo dài. 
Trong thời gian ổn định, người bệnh có thể học tập làm việc như người bình thường. Tùy giai đoạn mà thầy thuốc sẽ cho liều khác nhau. Ví dụ: với chlopromazin 0,25mg, trong cơn cấp dùng liều cao (mỗi lần vài chục viên), bệnh thuyên giảm dùng liều thấp (4 - 6 viên/ngày) bệnh ổn định dùng liều duy trì (2 viên/ngày). Sợ độc không dám dùng liều cao, khi mới giảm triệu chứng đã bỏ thuốc, không dùng liều duy trì đều không đúng, sẽ không đem lại hiệu quả.
Tránh nhầm lẫn bệnh dẫn tới dùng nhầm thuốc: người bệnh tâm thần phân liệt có thể có triệu chứng âm tính với tư duy nghèo nàn, ý chí suy đồi mất hứng thú, vô cảm, mất động lực, gọi chung là suy giảm năng lượng tâm thần. 
Mới nhìn qua triệu chứng này tương tự như triệu chứng trong trầm cảm: mất khí sắc buồn rầu, ủ rũ, giảm hứng thú và sự quan tâm đến mọi việc, cảm thấy tương lai ảm đạm, tư duy chậm chạp, liên tưởng khó khăn… gọi chung là trạng thái giảm khí sắc, giảm năng lượng, giảm hoạt động. Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có hiện tượng hoang tưởng. 
Mới nhìn qua triệu chứng này có vẻ giống với hoang tưởng trong trầm cảm nhưng hoang tưởng trong trầm cảm phản ảnh sự trầm uất, tiêu cực; trong khi đó, hoang tưởng trong tâm thần phân liệt phản ánh sự rối loạn tư duy, phấn khích. Người bệnh, người nhà không có kiến thức chuyên môn, không thể phân biệt được hai bệnh này. 
Nếu không khám tại chuyên khoa tâm thần mà dựa vào triệu chứng để tự dùng thuốc thì có thể nhầm thuốc bệnh này sang thuốc bệnh kia, sẽ có hại (vì tác dụng dược lý của chúng ngược nhau: thuốc tâm thần phân liệt như là thuốc ức chế trong khi thuốc trầm cảm như là thuốc kích thích).
Thuốc tâm thần phân liệt: Hiểu để dùng hiệu quả, an toàn
Khi mới giảm triệu chứng đã từ chối dùng thuốc, không dùng liều duy trì sẽ không đem lại hiệu quả
Phải chọn thuốc đúng theo thể bệnh: nhóm thuốc điển hình (cổ điển) có hiệu lực chắc chắn trên thể điển hình, giá thành thấp. Có 70 - 80% người tâm thần phân liệt thuộc thể điển hình. Do thế nhóm thuốc điển hình được chọn cấp miễn phí trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. 
Nhóm thuốc không điển hình (thế hệ mới) được chọn dùng trong 3 trường hợp: bệnh thuộc thể âm tính dùng loại thuốc điển hình (cổ điển) không có hiệu quả. Kém dung nạp, không đáp ứng được với nhóm điển hình. Khi dùng loại thuốc điển hình bị triệu chứng ngoại tháp không chịu được.
Chỉ có khoảng 20 - 30% số người bệnh tâm thần phân liệt rơi vào 3 trường hợp trên. Nhóm thuốc không điển hình ít có các tác dụng phụ rầm rộ như rối loạn ngoại tháp, rối loạn vận động muộn như nhóm thuốc điển hình. Tuy nhiên, nhóm thuốc không điển hình cũng có một số tác dụng phụ khó nhận biết, không kém phần nguy hiểm. 
Chẳng hạn như Olanzapin gây hạ huyết áp tư thế đứng, tăng triglycerid huyết, tăng trọng. Clozapin làm giảm bạch cầu hạt, gây chết người. Giá thuốc khá cao. Nếu bị tâm thần phân liệt thể điển hình đã dùng thuốc nhóm điển hình (cổ điển) như chloprmazin có hiệu quả thì không nhất thiết phải chuyển sang dùng nhóm không điển hình.
Biết để tránh các tác dụng không muốn
Gây mất tập trung, giảm nhanh nhẹn, buồn ngủ, ngủ lơ mơ: tất cả thuốc tâm thần phân liệt đều có tác dụng không mong muốn này, đặc biệt nhóm thuốc có cấu trúc dẫn chất phenothiazin chứa nhóm chức histaminergic (như clopromazin) thì càng nặng. Khi dùng thuốc, không được lái tàu xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao, làm các việc mạo hiểm vì dễ gây ra tai nạn.
Gây hội chứng ngoại tháp (EPS = Extra Pyramidal Syndrome): EPS là hội chứng rối loạn vận động và phối hợp vận động, đi lại khó khăn, dễ mất thăng bằng, té ngã, dễ bị tai nạn; cử động chậm, sờ vào vật gì cũng rờ rẫm lóng ngóng; nói năng không lưu loát, không thành câu, từng tiếng một, rời rạc. 
Vào bệnh viện tâm thần, thấy nhiều người bệnh đi đứng lóng ngóng, lựng khựng, thường giơ một tay lên lấy thăng bằng nhưng cũng có khi bị té ngã, nói năng không lưu loát, lập cập. Đó là do dùng nhóm thuốc không điển hình, cụ thể là dùng clopromazin, một loại thuốc gây ra hội chứng ngoại tháp mạnh. Nhóm thuốc không điển hình ít gây ra hội chứng ngoại tháp (EPS) hơn nhóm thuốc điển hình nhưng không phải là hoàn toàn không có mà vẫn gặp khi dùng liều cao.
Gây hội chứng vận động muộn: sau hội chứng ngoại tháp thường gặp hội chứng rối loạn vận động muộn ở vùng miệng - lưỡi - cơ nhai làm cho nói chậm, khó; với biểu hiện đặc trưng là các cơ ở vùng này hoạt động nhịp nhàng nhưng không theo ý muốn, thí dụ môi cứ mấp máy liên tục, miệng luôn giật méo về một bên.
Để tránh hiện tượng này chỉ dùng thuốc với liều tối thiểu đủ hiệu lực. Khi người bệnh bị hội chứng ngoại tháp (EPS), không cho họ đi lại nhiều, tham gia giao thông, điều dưỡng viên phải đi sát, theo dõi, nâng đỡ khi cần thiết; phải chịu khó nghe để hiểu họ, không được cáu gắt.
Gây hội chứng an thần kinh ác tính (NMS=Neuroleptic Malignant Syndrome): khi dùng thuốc TTPL liều cao, hay phối hợp chúng với các thuốc an thần kinh khác, với các thuốc làm trầm suy hệ thần kinh trung ương thì xảy ra hiện tượng “làm dịu” quá mức, “an thần kinh” quá mức hay gọi là hội chứng an thần kinh ác tính (NMS), NMS gồm 3 nhóm triệu chứng đặc trưng: biểu hiện về vận động và hành vi gồm: cứng cơ, loạn trương lực cơ, mất vận động, không nói, mù mờ về ý thức, kích động. 
Biểu hiện về rối loạn thần kinh thực vật gồm: sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tăng. Biểu hiện về cận lâm sàng gồm: tăng bạch cầu, tăng enzyme gan, tăng enzyme CPK (creatininphosphokinase), có myoglobin trong máu nước tiểu, có thể kèm suy thận. Khi nặng thường có đủ các biểu hiện này; lúc mới khởi đầu hay khi nhẹ có thể không có đủ. 
NMS ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hầu hết các cơ phận, đặc biệt là hệ tim mạch, hô hấp; dẫn tới đến tử vong với tỉ lệ rất cao khoảng 76% (1960); hiện nay dù có các phương pháp cấp cứu tốt hơn song vẫn còn ở mức 10 - 20%.Nhóm thuốc điển hình thường hay gây ra NMS hơn nhóm thuốc không điển hình.
Để tránh NMS, cần dùng thuốc tâm thần phân liệt với liều tối thiểu có hiệu lực, tránh phối hợp với các thuốc an thần kinh khác hay các thuốc làm trầm suy hệ thần kinh trung ương; nếu cần phối hợp thì phải có chỉ định của thầy thuốc, tính lại liều các thành phần chặt chẽ. Nguyên tắc dùng thuốc là khởi đầu liều thấp, sau mỗi vài ngày, mỗi tuần, mỗi vài tuần (tùy theo thuốc) tăng liều từng nấc cho đến khi đạt yêu cầu, rồi dùng liều duy trì.
Khi xảy ra NMS cần: ngừng ngay thuốc, đưa ngay đến nơi cấp cứu. Các biện pháp cấp cứu gồm: dùng các thuốc giảm sốt, kiểm tra thường xuyên dấu hiệu sinh tồn, cân bằng nước - chất điện giải, chức năng thận. Dùng thuốc chống Parkinson, dùng thuốc giãn cơ vân dantrolen (mỗi ngày 100 - 200mg, chia làm 4 lần dùng) có thể làm giảm được cứng cơ. Điều trị liên tục trong 4 - 5 ngày.
Gây mệt mỏi, hạ huyết áp, trụy mạch: thuốc tâm thần phân liệt gây ức chế thần kinh trung ương, gây ngủ lơ mơ, gây mệt mỏi, hạ huyết áp, trụy mạch. Nên cho người bệnh nằm khi tiêm liều cao (trong cấp cứu cơn cấp) nên nằm nghỉ (không đứng lên, đi lại, hoạt động) sau khi mới dùng thuốc uống hay tiêm.



Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Thận trọng với các thuốc gây ra trạng thái trầm cảm

Có những thuốc thông thường gây ra trạng thái trầm cảm, cần có các giải pháp khắc phục thích hợp, đặc biệt đối với người bệnh đang dùng thuốc trầm cảm.
Nhóm thuốc chẹn beta:
Nhóm thuốc chẹn beta (atenolol, metoprolol, propranolol, carvediol, satolol) dùng chữa cao huyết áp, đau thắt ngực, điều hòa nhịp tim. Chúng có khả năng làm tăng trầm cảm. Lý do: nhóm thuốc này chặn sự hoạt động của beta adrenergic nên ức chế sự hoạt động của norepinephrin, một chất dẫn truyền thần kinh. Cách khắc phục: thay các thuốc chẹn beta adrenergic bằng các thuốc khác.
Nhóm thuốc corticoid:
Nhóm này gồm các thuốc dùng kháng viêm, chống dị ứng trong các bệnh về xương khớp, dùng chữa các bênh tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống. Lý do: corticoid làm giảm lượng serotonin một chất dẫn truyền thần kinh; do đó làm tăng trầm cảm. Biểu hiện gồm các triệu chứng đơn lẻ hay kết hợp. 
Ở người lớn: thay đổi tính tình, lo lắng, sợ hãi, kích thích, cáu bẳn, hưng phấn hay lãnh đạm, thờ ơ, mất ngủ, li bì. Ở trẻ em: hay có các rối loạn hành vi như: nói lắp, quấy khóc. Dùng ngắn ngày có xu hướng bị hưng cảm; dùng dài ngày có xu hướng bị trầm cảm. Có 20 - 63% số người lớn dùng corticoid kéo dài bị rối loạn này, trong đó 6% ở mức nặng. Rối loạn nhận thức gồm thiếu hụt về trí nhớ, ngôn ngữ, lời nói...
Giải pháp khắc phục: có thể thay thế bằng nhóm kháng viêm không steroid như aspirin diclofenac, bằng thuốc chống dị ứng, hay bằng các thuốc ức chế miễn dịch khác. Trong trường hợp cần phải dùng corticoid thì nên dùng các loại corticoid bán tổng hợp (prednisolon) với liều tối thiểu. Người trong trạng thái trầm cảm có hiệu lực chỉ không quá 10 ngày.
Nhiều loại thuốc có thể khiến người bệnh bị trầm cảm
Nếu phải dùng kéo dài (như trong một số bệnh tự miễn) thì chỉ dùng liều tối thiểu đạt được hiệu lực an toàn và dùng tách ra từng đợt cách quãng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Nhóm benzodiazepin:
Nhóm thuốc thường dùng để an thần gây ngủ thư giãn cơ như: diazepam (seduxen), alprazolam (xanax), lorazepam (ativan), temazepam, triazolam. Chúng làm tăng trầm cảm. Lý do: khi vào gan chúng không được chuyển hóa hoàn toàn; riêng người lớn tuổi, do sức khỏe sút kém mà thiếu enzyme chuyển hóa; kết quả là benzodiazepin tích tụ lại gây độc. Một mặt khác, trong cơ thể có hệ GABA - Glutamic ở thế cân bằng động, trong đó Glutamic làm tăng các hoạt động kích thích, GABA làm tăng các hoạt động ức chế. Benzodiazepin làm tăng hoạt động ức chế của GABA, gây nên hiện tượng ức chế giống như trầm cảm.
Cách khắc phục: nếu người trầm cảm bị kích thích khó ngủ nên dùng các thuốc trầm cảm thuộc nhóm trầm cảm 3 vòng ( TCA) có tính an thần như: amitriptylin. Khi cần thiết có thể phối hợp thuốc trầm cảm TCA với benzodiazepin như diazepam nhưng với liều thấp, chỉ trong thời gian ngắn, lúc mới dùng TCA. Bình thường, với các trường hợp khác chỉ dùng benzodiazepin liều vừa đủ không dùng quá 10 ngày.
Nhóm thuốc kích thích thần kinh:
Nhóm này thường có methylphenidat (ritalin) modafinil (provigil) dùng điều trị chứng buồn ngủ quá mức ban ngày, buồn ngủ triền miên, ngủ rũ, chứng ngưng thở khi ngủ, chứng giảm tập trung tăng động (ADHD). Chúng làm tăng trầm cảm. Lý do: chúng tăng hoạt động của hệ dopaminergic gây ra dạng trầm cảm có tính loạn thần (nay còn gọi là tâm thần phân liệt) với các triệu chứng âm tính (với biểu hiện cảm xúc cùn mòn, tư duy nghèo nàn, ý chí suy đồi mất hứng thú, vô cảm, mất động lực…), gần giống như triệu chứng trầm cảm.
Cách khắc phục: trong trường hợp bị trầm cảm, giảm sút năng lượng tâm thần do sự suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh trong synap xuống dưới ngưỡng sinh lý bình thường thì phải dùng loại thuốc làm phục hồi các chất này đến ngưỡng sinh lý như thuốc trầm cảm 3 vòng (TCA), thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI) hay thuốc ức chế monoaminooxydase (MAOI) mà không được dùng các thuốc kích thích thần kinh.
Nhóm thuốc chữa rối loạn lipid máu statin:
Cholesterol là nguyên liệu tổng hợp nên các chất có cấu trúc sterol trong đó có các chất dẫn truyền thần kinh. Statin ức chế sự tổng hợp cholesterol chống rối loạn lipid máu cũng đồng thời làm giảm nguyên liệu tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh. Khi thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh thì gây ra trầm cảm.
Cách khắc phục: để điều trị rối loạn lipid máu, cần dùng chế độ ăn thích hợp, dùng các thuốc khác kết hợp với statin để không phải dùng statin đơn liều cao. Chỉ dùng statin trong khung liều khuyến cáo (cho từng thuốc trong nhóm). Sự tổng hợp cholesterol xảy ra tại gan vào ban đêm, nên uống vào bữa tối cho hiệu quả cao hơn.
Người dùng thuốc cần chú ý gì?
Người bình thường, khỏe mạnh khi dùng các nhóm thuốc trên liều cao và/hoặc kéo dài thì có thể bị trạng thái trầm cảm nhưng khi giảm liều hoặc ngừng thuốc thì trạng thái trầm cảm ấy sẽ mất dần đi, không gây ra bệnh trầm cảm.
Người có sẵn các nguy cơ bị trầm cảm nếu dùng các thuốc này liều cao và/ hoặc kéo dài thì chúng sẽ làm tăng thêm nguy cơ, dễ xuất hiện bùng phát trầm cảm. Ví dụ: bị bệnh tự miễn, bênh xương khớp mạn kéo dài làm suy nhược lo âu chán nản, có sẵn nguy cơ trầm cảm; nếu lại dùng corticoid liều cao và / hoặc kéo dài sẽ dễ xuất hiện, bùng phát trầm cảm.
Người đã bị bênh trầm cảm thì không được dùng các nhóm thuốc này vì các thuốc làm mất tác dụng của thuốc trầm cảm đang dùng, gây nên trạng thái trầm cảm làm cho bệnh nặng thêm.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Sử dụng vitamin tan trong dầu có gì khác?

Nếu sử dụng bừa bãi, nó có thể gây ra những tác hại, bởi khi lượng cung cấp vượt quá nhu cầu thì có sự tích lũy trong cơ thể gây nên rối loạn do thừa vitamin.

Cũng như các loại vitamin khác, vitamin tan trong dầu rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng bừa bãi, nó có thể gây ra những tác hại, bởi khi lượng cung cấp vượt quá nhu cầu thì có sự tích lũy trong cơ thể gây nên rối loạn do thừa vitamin. Vậy sử dụng loại vitamin này như thế nào cho đúng?
Nhu cầu vitamin tan trong dầu của mỗi người
Vitamin tan trong dầu bao gồm các loại vitamin A, vitamin D và vitamin E. Các loại vitamin này có đặc điểm hấp thu cùng với các chất dầu mỡ, vì vậy khi thiếu điều kiện này thì cơ thể không hấp thu được. Quá trình hấp thu đòi hỏi phải có acid mật làm chất nhũ hóa vì mỡ không tan được trong máu, để thuốc hấp thu tốt thì nên uống trong hoặc sau bữa ăn. 
Khi dùng quá liều, các vitamin này không thải trừ hết qua thận mà tích lũy chủ yếu ở gan và mô mỡ, do đó khi dùng liều cao và kéo dài sẽ gây độc tính, đặc biệt là vitamin A và D. Các vitamin này tương đối bền vững với nhiệt độ cao, do vậy chúng không bị phá hủy trong quá trình nấu nướng.
Nhu cầu hàng ngày về vitamin tan trong dầu đối với người bình thường phụ thuộc vào lứa tuổi. Với trẻ dưới 1 tuổi, nhu cầu vitamin A là 1.500IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày, vitamin E là 5IU/ngày; với trẻ từ 1 - 4 tuổi, nhu cầu vitamin A là 2.500IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày, vitamin E là 10IU/ngày; với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, nhu cầu tương đương là 5.000IU/ngày, 400IU/ngày và 30IU/ngày.
Khi nào cần bổ sung?
Các vitamin luôn có sẵn trong ngũ cốc và thực phẩm, vì vậy đối với những người không có quá trình rối loạn hấp thu ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, tắc mật, viêm tụy, loét dạ dày - tá tràng...) và không ăn kiêng, có chế độ ăn cân đối với thực phẩm đảm bảo chất lượng thì không nhất thiết phải bổ sung vitamin dưới dạng thuốc.
Khi thiếu vitamin nhẹ có thể điều trị bằng cách dùng chế độ ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin. Vitamin A có nhiều trong gan cá thu, trứng, thịt, cá, sữa, gấc, cà chua, cà rốt và rau xanh. Vitamin D chủ yếu có trong thức ăn từ động vật: sữa, bơ, gan, trứng, thịt. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật: dầu cám, dầu lạc và trong các hạt nảy mầm, rau xanh; có một lượng nhỏ trong lòng đỏ trứng gà, gan...
Việc bổ sung vitamin dưới dạng thuốc chỉ khi thiếu trầm trọng hoặc trong trường hợp chưa có điều kiện sửa đổi lại chế độ ăn. Thường thì ít có hiện tượng thiếu đơn độc một chất, vì vậy việc bổ sung vitamin dưới dạng hỗn hợp có hiệu quả hơn khi dùng các chất đơn lẻ.
Điều gì sẽ xảy ra khi thừa vitamin tan trong dầu?
Nhóm vitamin tan trong dầu có thể gây ra tình trạng thừa vitamin nếu lạm dụng thuốc; hoặc một số ít trường hợp thừa vitamin cấp tính do ăn loại thức ăn có chứa lượng lớn vitamin tan trong dầu lớn như ăn gan gấu trắng, gan cá thu... Khi lượng vitamin dư thừa quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc. Tùy thuộc vào loại vitamin dư thừa mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:
Sử dụng vitamin tan trong dầu có gì khác? 1
Thừa vitamin D gây tác hại khó lường
Vitamin A dùng thừa sẽ xuất hiện các triệu chứng: ngứa da vẩy nến, xung huyết ở da và các niêm mạc, tóc khô, xơ xác, dễ gãy, chán ăn, buồn nôn, giảm prothrombin, chảy máu và thiếu máu. Trẻ em dưới 4 tuổi thường xuyên uống vitamin A có hàm lượng hơn hoặc bằng 5.000IU/ngày có thể bị ngộ độc mạn tính với triệu chứng đau xương, ban đỏ, viêm da tróc vảy, viêm miệng... Nếu dùng liều vitamin A hơn hoặc bằng 100.000IU/ngày có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực sọ não. Phụ nữ có thai dùng kéo dài vitamin A hơn 5.000IU/ngày trong khi vẫn ăn uống đầy đủ và hấp thu tốt sẽ có nguy cơ thừa vitamin A, gây quái thai.
Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích lũy thuốc, làm tăng canxi trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp. Ngoài ra có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp. Trẻ em dưới 1 tuổi được cho ăn bằng các hỗn hợp thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa vitamin này. Việc bổ sung thường xuyên vitamin D với liều hơn 400IU/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi có tình trạng sức khỏe bình thường sẽ làm tăng canxi trong máu, thậm chí còn có thể gây suy thận và tử vong.
Vitamin E dùng liều cao trên 3.000IU/ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, viêm ruột hoại tử. Tiêm vitamin E liều cao vào tĩnh mạch dễ gây tử vong.
Làm sao để không thừa vitamin?
Để tránh thừa vitamin tan trong dầu, trước hết cần thận trọng khi sử dụng các chế phẩm có hàm lượng lớn hơn 5 lần nhu cầu hàng ngày.
Khi dùng thuốc ở dạng hỗn hợp vitamin thì phải phân biệt các công thức dành cho trẻ em dưới 1 tuổi, cho trẻ dưới 4 tuổi và cho người lớn (tính từ 11 tuổi trở lên).
Đường đưa thuốc ưu tiên trong mọi trường hợp là đường uống. Đường tiêm chỉ dùng trong trường hợp không hấp thu được bằng đường tiêu hóa (nôn nhiều, tiêu chảy...) hoặc khi cần bổ sung gấp vi chất và trong nuôi dưỡng nhân tạo ngoài đường tiêu hóa.
Như vậy, không nên lạm dụng vitamin, đặc biệt là vitamin tan trong dầu. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ khi dùng vitamin.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Có thuốc 'làm mập'?

Ðối với khá nhiều người, “có sức khỏe” cũng đồng nghĩa là phải “có thân hình mập mạp”.

Ðặc biệt đối với trẻ, mặc dù đã có sự cân bằng giữa thể trọng và chiều cao của chúng nhưng một số phụ huynh vẫn muốn con “tròn trịa”, thậm chí lúc nào cũng bị ám ảnh, muốn sự tròn trịa đạt được càng nhanh càng tốt.
Và thế là dẫn đến sự lạm dụng loại thuốc tạm gọi là “thuốc làm mập”.
Thực chất của các thuốc làm mập?
Thuốc làm mập đầu tiên phải kể là thuốc chống viêm glucocorticoid, (thường được gọi tắt là corticoid), gồm nhiều loại như dexamethason (thường được gọi nôm na là “đề xa” hay thuốc “hột dưa”), prednison, prednisolon...
Có thuốc 'làm mập'?
Cần cảnh giác với tác dụng phụ của các thuốc được coi là "làm mập"
Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.
Do thuốc corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể (cần lưu ý ngoài corticoid còn nhiều thuốc khác cũng có tác dụng này như phenylbutazon chống viêm, carbenoxolon trị loét dạ dày...), gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ bị béo phì, mặt tròn như mặt trăng, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing).
Chính do cơ thể có vẻ như mập ra và tăng cân khi uống thuốc này liên tục và kéo dài (mà một số người cứ tưởng là tốt) là biểu hiện một tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Song song với tác dụng phụ gây béo phì, thuốc còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị bệnh lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm).
Thuốc thứ hai giúp làm mập một cách gián tiếp, đó là durabolin (nandrolon phenylpropionat). Đây là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosteron nhưng lại có cấu trúc hóa học hơi khác testosteron.
Testosteron chủ yếu trị thiểu năng sinh dục nam, tức trị “yếu sinh lý” do thiếu hormon còn tác dụng chủ yếu của durabolin là đồng hóa protein, nghĩa là giúp cơ thể hấp thu, biến dưỡng tốt chất đạm và vận chuyển các acid amin của chất đạm vào bên trong mô cơ, làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức. Vì vậy, durabolin còn gọi là thuốc steroid tăng đồng hóa.
Thuốc được chỉ định trị chứng gầy ốm, sụt cân, mất sức sau khi bệnh nặng. Ta thường nghe nói đến doping trong thể thao, các vận động viên thường doping bằng thuốc anabolic steroid (tác dụng tương tự như durabobin) để tăng khối cơ bắp, tăng lực nhằm đạt thành tích cao trong thi đấu. Dạng thuốc của durabolin là thuốc tiêm, mỗi tuần tiêm một ống.
Một số thuốc anabolic steroid được dùng dưới dạng uống. Chống chỉ định của thuốc là không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ còn trẻ (vì đây là dẫn chất hormon sinh dục nam). Ở một số nước châu Á như Ấn Ðộ, người ta đã mất rất nhiều công sức chống lại tình trạng lạm dụng, dùng bừa bãi thuốc anabolic steroid ở trẻ em!
Thuốc thứ ba thường được dùng là cyproheptadin. Ðây là thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng lại có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn làm cho người dùng thuốc ăn nhiều hơn (đương nhiên phải ăn uống đầy đủ chất) để tăng trọng. Tuy nhiên cần lưu ý, cyproheptadin chỉ kích thích sự thèm ăn tạm thời và có nhiều tác dụng phụ.
Khi đang dùng thuốc, thuốc sẽ kích thích ăn ngon miệng nhưng khi ngưng thuốc sẽ chán ăn trở lại. Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không được dùng (tức chống chỉ định) đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi và người cao tuổi suy nhược.
Ðối với trẻ em, thuốc có thể gây cơn co giật - gọi là tác dụng phụ thần kinh ngoại tháp. Thuốc cũng không được dùng ở người bị tăng nhãn áp, u tuyến tiền liệt, loét tá tràng. Do lợi bất cập hại như vậy nên nhiều nước đã không còn chỉ định dùng cyproheptadin trị chứng chán ăn.
Cần cảnh giác với những loại thuốc Đông y giả mạo
Ðã có tình trạng kết hợp thuốc nguy hiểm là dùng chung corticoid với cyproheptadin để ăn ngon và mau tăng trọng trong các thuốc Đông y. Trước năm 1975, ở miền Nam, giới chuyên môn y dược đã báo động về tình trạng kết hợp hai loại thuốc trên gây hại rất nhiều. Ðặc biệt, còn phải đề cập đến các loại thuốc Đông y “giả mạo”.
Không ít người từng biết và có khi sử dụng nhầm các thuốc được quảng cáo chủ trị: “Mát huyết, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ...”.
Trên thực tế, các thuốc Đông y “giả mạo” này có trộn thuốc tân dược là corticoid, cyproheptadin để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức sẽ giảm ngay (do tác dụng giảm đau chống viêm của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại đông dược “giả mạo” này không sao lường được.
Vì vậy, nếu lạm dụng các thuốc trên để hy vọng mập ra, nhất là đối với trẻ em sẽ là điều hết sức nguy hiểm.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Loạn khuẩn ruột do kháng sinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy, có thể do vi khuẩn, virut, nhiễm ký sinh trùng nhưng cũng có thể do dùng kháng sinh.

Đây là một tác dụng phụ không mong muốn khi dùng kháng sinh cho trẻ. Hầu hết thường nhẹ và tự hết khi bạn ngưng dùng kháng sinh. Đôi khi có một loại tiêu chảy nặng xảy ra gọi là viêm ruột màng giả.
Vì sao kháng sinh gây loạn khuẩn?
Bình thường trong đường ruột luôn tồn tại một quần thể vi khuẩn lành tính với nhiều loài khác nhau. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở thế cân bằng nhằm tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ các chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.
Kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp nhất cũng có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. 
Khi sử dụng một hoặc nhiều loại kháng sinh mạnh có tác dụng lên nhiều loại vi khuẩn, với liều cao và kéo dài thì các loài vi khuẩn lành tính nói trên cũng bị kháng sinh tiêu diệt, phá vỡ thế cân bằng gây ra hiện tượng loạn khuẩn, do đó thúc đẩy sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc mới xâm nhập, dẫn tới chứng tiêu chảy hoặc viêm ruột do kháng sinh.
Loạn khuẩn ruột do kháng sinh
Khi uống kháng sinh, vi khuẩn có lợi cho đường ruột cũng bị tiêu diệt, dễ gây ra loạn khuẩn ruột
Kháng sinh có nhiều nhóm khác nhau, trong mỗi nhóm có nhiều loại biệt dược mà hầu hết kháng sinh đều có thể gây ra sự mất cân bằng vi khuẩn trong cơ thể, vì vậy, khi muốn sử dụng một loại kháng sinh nào đó phải biết được kháng sinh đó thuộc nhóm nào, nhất là khi muốn kết hợp kháng sinh. Các loại kháng sinh hay gây tiêu chảy nhất là ampicillin, các cephalosporin, erythromycin và clindamycin.
Biểu hiện khi bị loạn khuẩn do kháng sinh
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh là nhẹ với biểu hiện chính là đi ngoài phân sống, phân lỏng nhiều lần trong ngày, đặc biệt không có sốt, triệu chứng tự hết sau khi ngừng dùng kháng sinh. Nếu tiêu chảy do các nguyên nhân nhiễm khuẩn ở trẻ đều có sốt, mức độ tiêu chảy nặng hơn, kèm theo các biểu hiện tiêu hóa khác như nôn, đau bụng.
Một số trường hợp suy giảm miễn dịch, trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh lý nặng kèm theo, khi dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao, kéo dài có thể gây ra tình trạng tiêu chảy nặng hơn, được gọi là viêm đại tràng giả mạc.
Trong trường hợp này, các biểu hiện có thể gặp bao gồm: tiêu chảy, phân nhiều nước và có thể có máu; đau bụng; buồn nôn và nôn, sốt. Với các trường hợp viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh, cần đưa trẻ đến bác sĩ và xét nghiệm phân để chẩn đoán phân biệt.
Điều trị như thế nào?
Để hạn chế tác dụng không mong muốn của kháng sinh nói chung và loạn khuẩn ruột do kháng sinh gây ra nói riêng, trước hết các bà mẹ cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc điều trị cho con.
Với trường hợp nhẹ, khi ngừng kháng sinh đang sử dụng thì triệu chứng thuyên giảm rõ rệt hoặc có thể khỏi hẳn.
Khi bị loạn khuẩn mà vẫn phải sử dụng kháng sinh hoặc bị loạn khuẩn nặng thì phải điều trị hỗ trợ thêm các chế phẩm vi sinh có chứa probiotic và prebiotic có tác dụng cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, với trường hợp kết hợp với các chế phẩm vi sinh mà không có hiệu quả cần đưa bé tới gặp bác sĩ để thay thế bằng kháng sinh khác và được điều trị tiêu chảy kịp thời. Không sử dụng men tiêu hóa trong các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh.
Cần làm gì tại nhà?
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt ở trẻ em, thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải. Vì vậy, phải cho bé uống bù nước ngay khi biết bé bị tiêu chảy.
Ngay tại nhà, cần bù nước cho trẻ bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
Một điểm hết sức quan trọng nữa đó là trong khi bé bị tiêu chảy cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm, cho bé ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu bé còn bú mẹ hoặc bú sữa ngoài thì vẫn tiếp tục duy trì cho bú.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons