Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Bác sĩ dinh dưỡng khuyên bà bầu uống axit folic như thế nào cho đúng

Axit folic (folate) là vitamin B cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của mọi tế bào trong cơ thể.


Theo bác sĩ dinh dưỡng Ngọc Thư, phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng 400 microgram axit folic (vitamin B9) mỗi ngày, kể từ khi muốn có thai (thời điểm ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai) cho đến khi thai nhi được 12 tuần tuổi.
Axit folic là chất dinh dưỡng cần thiết để bảo vệ bé chống lại các vấn đề liên quan đến não và tủy sống như bệnh nứt đốt sống. Đây là một dị tật ống thần kinh xảy ra ở thai nhi do một vài ống thần kinh xung quanh hệ thần kinh trung ương không khép kín hoàn toàn. Ngoài ra, axit folic có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và phân chia các tế bào trong cơ thể bé.
Ống thần kinh là bó dây thần kinh chạy bên trong xương sống có chức năng kết nối não với các cơ quan còn lại của cơ thể thai nhi. Ống thần kinh phát triển trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ. Ở giai đoạn này, nhiều phụ nữ còn chưa biết rằng mình đang mang thai. 
Trên thực tế, chúng ta không thể biết chính xác thời điểm mang thai, vì vậy mẹ bầu nên uống axit folic ngay khi có dự định sinh em bé. Một số nghiên cứu cho thấy axit folic cũng có thể ngăn ngừa dị tật tim ở trẻ và các dị tật bẩm sinh về miệng như hở môi, vòm miệng.
Nếu bị thiếu axit folic trong khi mang thai thì bà mẹ có thể bị thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sảy thai cao, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và khuyết tật của ống thần kinh (nứt đốt sống, não úng thủy, thai vô sọ). Đặc biệt, những thai phụ đang điều trị bệnh động kinh grain sốt rét càng cần được bổ sung chất này vì các thuốc họ dùng có thể gây thiếu hụt axit folic.
Trong thai kỳ, mỗi ngày chị em cần uống một viên vitamin có chứa 600 microgam axit folic. Phần lớn phụ nữ không cần nhiều hơn 1000 microgam axit folic mỗi ngày. Nhưng một số phụ nữ, chẳng hạn như những người đã từng có một thai kỳ bị ảnh hưởng bởi dị tật ống thần kinh hoặc phụ nữ bị bệnh hồng cầu liềm, có thể cần lượng axit folic nhiều hơn.
Bên cạnh đó, có thể bổ sung acid folic từ một số loại trái cây và rau củ như đậu (đậu lăng, đậu pinto, đậu đen); rau xanh (đặc biệt là rau bina và rau diếp Romaine); măng tây; bông cải xanh; đậu phộng (không ăn nếu bạn bị dị ứng đậu phộng); trái cây có múi như cam và bưởi; nước cam (loại cô đặc là tốt nhất), cà chua, bơ, bánh mỳ, ngũ cốc.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Những loại thuốc cần có trong túi xách nhân viên văn phòng

Ngày nay bạn dễ dàng mua được thuốc tại các nhà thuốc nhưng có những khi đột xuất không thể mua. Tốt nhất nên chuẩn bị vài loại thuốc thiết yếu trong túi xách để khi cần thì có ngay.
Thuốc giảm đau và hạ sốt
Chuẩn bị sẵn một ít thuốc có thành phần paracetamol để giảm đau và hạ sốt. Mỗi loại thuốc có liều lượng, thành phần, mức độ công hiệu không hoàn toàn giống nhau. Các hoạt chất như ibuprofen, acetaminophen có trong các loại thuốc này cũng là thành phần phổ biến trong thuốc ho, cảm, dị ứng… 
Bạn cần đọc kỹ nhãn thuốc trước khi dùng chung với các loại thuốc khác để tránh vô tình uống quá liều quá liều. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc hạ sốt, các lần dùng nên cách nhau khoảng 4 giờ, nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc.
Thuốc cảm cúm, ho
Dự trữ một ít thuốc ho dextromethorphan, thuốc cảm... Đây là các loại thuốc không cần kê đơn, nhưng người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống, đặc biệt là thai phụ.
Thuốc đau bụng
Smecta, hydrite là thuốc đau bụng nên có trong túi xách của dân văn phòng để phòng trường hợp bị bệnh tiêu chảy và mất nước. Chú ý pha đúng tỷ lệ được hướng dẫn trên bao bì sản phẩm để tránh ngộ độc. Ngoài ra chị em nên chú ý đến các loại thuốc giảm đau bụng kinh khi đến chu kỳ.
Thuốc dị ứng
Có rất nhiều loại thuốc cũng như dạng thuốc dùng để chống dị ứng như thuốc kháng histamin, các thuốc corticosteroid... Khi dùng các thuốc này nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh những tác dụng phụ.
Các loại thuốc đặc trị riêng
Những người có tiền sử bệnh như hen, xoang, cao huyết áp, mắc bệnh lý riêng... luôn phải có thuốc đi theo người để phòng tránh những bất trắc.
Thuốc sát trùng
Loại thuốc cần có là lọ betadine, thuốc sát trùng thông dụng để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương.
Nước muối sinh lý
Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) dùng để nhỏ mắt, mũi, hay súc miệng.
Kem/thuốc bôi
Đừng quên mang theo những tuýp kem, thuốc chữa và ngừa côn trùng đốt; thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ hoặc bôi một lớp mỏng ở mũi để giảm xót.
Bông, băng, gạc y tế
Nên có sẵn vài miếng bông, băng dán cá nhân, băng gạc và băng dính để vệ sinh, băng vết thương nếu không may bị trầy xước cơ thể. 
Cao dán
Nên chuẩn bị một ít cao dán salonpas để chữa cơn đau bên ngoài, sơ cứu đau nhức các cơ và khớp, đau lưng, viêm khớp, vết bầm tím và bong gân.
Nhiệt kế
Bạn có thể tự đo nhiệt độ khi bị sốt ngay tại văn phòng mà không cần đến phòng y tế nếu có một chiếc nhiệt kế thông minh trong túi xách


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Dị ứng, chọn thuốc gì?

Dị ứng là hiện tượng cơ thể phản ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện ngay trong vài giây nhưng cũng có thể muộn hơn sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.
Các bệnh do dị ứng thường gặp
Hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người diễn ra rất phức tạp nên cũng có nhiều nguy cơ xảy ra các sai sót và dị ứng là một trong những sai sót đó. Hiện tượng dị ứng là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít nguy hại.
Các loại phản ứng viêm dị ứng và dẫn tới các bệnh lý liên quan đến dị ứng thường gặp là hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mày đay, sốc phản vệ chàm… Biểu hiện và mức độ của các triệu chứng dị ứng ở mỗi cá thể tùy thuộc vào loại bệnh bị mắc, mức độ mẫn cảm của cơ thể cũng như số lượng và cách tiếp xúc của dị nguyên gây bệnh.
Cần loại bỏ một số dị nguyên gây dị ứng
Điều trị bệnh như thế nào?
Để điều trị các bệnh dị ứng nói chung thì cơ bản là phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh, sử dụng các thuốc chống dị ứng nhằm giảm triệu chứng và thuốc làm giảm mẫn cảm đặc hiệu.
Thuốc chống dị ứng
Do phản ứng viêm dị ứng với sự giải phóng của các hoạt chất trung gian là cơ chế gây bệnh chủ yếu của hầu hết các bệnh dị ứng nên các thuốc chống dị ứng hiện nay đều được phát triển theo hướng tác dụng ức chế phản ứng viêm dị ứng hoặc kháng lại các hoạt chất trung gian, giúp giảm các triệu chứng dị ứng cấp tính. 
Trong những năm gần đây, đã có nhiều nhóm thuốc chống dị ứng mới ra đời theo xu hướng này, trong đó có các thuốc kháng histamin thế hệ mới, kháng leukotrien, kháng thromboxan, kháng các cytokin của tế bào T, ổn định màng tế bào mast và nhiều tác nhân kháng lại các tế bào và phân tử khác.
- Thuốc kháng histamin: Vai trò quan trọng của histamin và thụ thể histamin H1 trong các bệnh dị ứng đã được hiểu biết ngày càng đầy đủ. Các loại thuốc thế hệ mới cũng đã ra đời ngày càng nhiều với mục đích tăng cường hiệu quả và giảm thiểu khả năng tương tác thuốc cũng như các tác dụng có hại của thuốc. 
Các thuốc kháng H1 và thế hệ 2 như loratadin, cetirizin, fexofenadin, levocetirizin, deslorratadin… hiện được ưa sử dụng hơn so với các thuốc thế hệ cũ do thuốc thế hệ mới ít gây buồn ngủ và tác dụng nhanh, ít nguy cơ gây tương tác thuốc và ít tác dụng phụ hơn so với chế phẩm gốc.
- Các thuốc kháng Leukotrien: Leukotrien là một nhóm các hoạt chất trung gian có vai trò không nhỏ trong các phản ứng viêm dị ứng và có thể trực tiếp gây ra nhiều triệu chứng dị ứng như co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhày, giãn mạch… 
Hiện nay, khá nhiều thuốc kháng leukotrien ra đời như montelukast, zafirlukast, zileuton hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này đã được chứng minh trong điều trị các bệnh dị ứng như mày đay mạn tính, viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
Thuốc giảm mẫn cảm đặc hiệu
- Thuốc kháng IgE: Kháng thể IgE có vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản và nhiều bệnh lý dị ứng khác. Sự kết hợp của kháng thể này với kháng nguyên gây bệnh sẽ khởi động chuỗi phản ứng viêm dị ứng. 
Các thuốc kháng IgE tổng hợp như omalizumab có khả năng liên kết và bất hoạt các kháng thể IgE tự do gây giảm nồng độ kháng thể IgE tự do trong máu tới 90%. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy omalizumab có hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp hen phế quản nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.
- Các thuốc kháng thromboxan A2: Do có một số bằng chứng về vai trò của thromboxan A2 trong đợt cấp và quá trình phát triển của các bệnh dị ứng nên các nhà khoa học đã có ý tưởng sử dụng các chất kháng lại hoạt chất này trong điều trị các bệnh dị ứng. Hiện nay, các thuốc kháng thromboxan A2 như ozagrel, ramatroban và seratridust đã được chứng minh hiệu quả rõ rệt trong điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
- Thuốc kháng cytokin của tế bào lympho Th2: Các tế bào lympho Th2 đặc hiệu kháng nguyên được cho là có vai trò khởi phát các phản ứng dị ứng. Điều này đã đưa đến khả năng kiểm soát các bệnh dị ứng bằng cách sử dụng các thuốc ức chế các cytokin của tế bào Th2, suplatast là một trong những dẫn xuất đầu tiên của nhóm này. 
Thuốc đã được chứng minh là có khả năng ức chế sản xuất các kháng thể dị ứng IgE, ngăn ngừa sự xuất hiện các đợt dị ứng cấp tính ở chuột. Hiện nay, nghiên cứu sử dụng các thuốc này trên lâm sàng vẫn đang tiếp tục được tiến hành và có thể là một hướng đi nhiều hứa hẹn.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Người bệnh cần lưu ý gì khi dùng thuốc lợi tiểu?

Thuốc lợi tiểu là thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, do đó làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các không gian bào. Vậy nhóm thuốc này dùng khi nào và cần chú ý gì khi sử dụng?
Các loại thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có thể chia thành 3 nhóm chính sau:
Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid: gồm có các thuốc như clorothiazid, hydroclorothiazid... (nghĩa là trong cấu trúc hoá học của các thuốc thuộc nhóm này có nhân thiazid). Vị trí tác động của nhóm thuốc này là ở ống lượn xa nằm ở vỏ thận làm tăng bài tiết muối, do đó sẽ làm thải nước tiểu. 
Đây là nhóm thuốc lợi tiểu được sử dụng ưu tiên trong điều trị tăng huyết áp do hiệu quả hạ áp cao hơn các nhóm lợi tiểu khác. Biến chứng có thể gặp khi dùng nhóm thiazid là hạ kali máu do tăng sự bài tiết kali vào trong nước tiểu.
Nhóm thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé: Vị trí tác động của nhóm thuốc là nhánh trên của quai Henlé nằm trên vùng tủy thận, có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh hơn nhóm thiazid nên thích hợp dùng trong truờng hợp suy tim và phù nặng. Gồm có flurosemid, acid ethacrynic, bumetamid... Nhóm này cũng gây hạ kali máu.
Người bệnh cần lưu ý gì khi dùng thuốc lợi tiểu? 1
Thuốc lợi tiểu được sử dụng khi bị tăng huyết áp
Hai nhóm thuốc trên được gọi là thuốc "bài tiết" kali
Nhóm thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali: Nhóm thuốc này tác động lên đoạn cuối của ống lượn xa gồm có spironolacton, triamteren, amilorid... Tác dụng lợi tiểu của nhóm này yếu nhưng do có khả năng giữ kali nên thường được phối hợp với thuốc thuộc nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai Henlé. Biến chứng của nhóm này là đôi khi gây tăng ure máu, sỏi thận, chứng to vú ở nam giới...
Ngoài ba nhóm thuốc chính kể trên còn có một số nhóm lợi tiểu khác thường dùng trong những trường hợp đặc biệt như: nhóm thuốc lợi tiểu thẩm thấu (manitol, glycerin) dùng trong phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật mắt, nhóm thuốc lợi tiểu ức chế men carbonic anhydras (acetazolamid) dùng trị tăng nhãn áp.
Dùng trong trường hợp nào?
Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
Bị bệnh tăng huyết áp: Thuốc làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm khối lượng nước trong cơ thể nên gián tiếp làm hạ huyết áp. Trong một số trường hợp, thuốc lợi tiểu có thể dùng duy nhất nhưng thường được kết hợp làm tăng thêm tác dụng của các thuốc hạ huyết áp.
Bị suy tim: Thuốc lợi tiểu gián tiếp làm giảm khối lượng máu lưu hành, làm giảm tiền gánh, tạo điều kiện cho tim đã bị suy yếu hoạt động tốt hơn.
Bị phù: Thuốc lợi tiểu giúp tăng cường đào thải nước bị ứ trong cơ thể do bị bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư)...
Và những lưu ý
Có nhiều thuốc lợi tiểu mà việc chọn lựa sẽ tuỳ theo vào sự chỉ định điều trị, vào nồng độ thải natri mong muốn, vào thời gian tác dụng của thuốc, vào tác dụng phụ đặc hiệu của mỗi loại thuốc và vào tình trạng chức năng thận của người bệnh. Chỉ có thầy thuốc là người am hiểu cơ chế tác động của từng nhóm thuốc mới chọn thuốc thích hợp.
Trong điều trị tăng huyết áp thường chọn thuốc có tác dụng thải natri vừa phải và kéo dài (như nhóm thiazid). Còn điều trị phù, sự lựa chọn thuốc sẽ tuỳ thuộc vào mức độ cần thải muối. Muốn có tác dụng nhanh, đặc biệt trong phù phổi các nhà điều trị thường dùng thuốc có tác động ở quai Henlé uống và cả tiêm tĩnh mạch. Trong suy thận, người ta chỉ có thể dùng thuốc tác động ở quai chứ không dùng các nhóm thuốc khác.
Khi đã dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, không được tự ý ngưng, bỏ thuốc nửa chừng dù cảm thấy khỏe hơn. Có người cho rằng dùng thuốc lợi tiểu đi tiểu nhiều là "thoát dương", giảm kỷ, yếu thận và liệt dương nên đã không tuân thủ điều trị, bỏ thuốc nửa chừng. 
Điều này không nên, chỉ có spironolacton dùng liều cao và lâu ngày có thể gây tình trạng "yếu sinh lý" nhưng ngưng thuốc sẽ hồi phục. Vì vậy, người bệnh nên báo cho thầy thuốc biết tác dụng ngoại ý để thầy thuốc xử trí bằng cách thay thuốc khác chứ không nên tự ý bỏ thuốc.
Giống như mọi trường hợp cần điều trị kéo dài, khi đang dùng thuốc lợi tiểu cần tránh dùng các thuốc có tương tác bất lợi. Tức là khi đang dùng thuốc lợi tiểu không nên tự ý dùng đồng thời các thuốc khác mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. 
Hoặc phải kể cho bác sĩ rõ các thuốc đang dùng khi được chỉ định thuốc lợi tiểu để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp. Ví dụ: thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé nếu dùng đồng thời với kháng sinh cephalosporin sẽ làm tăng độc tính của cephlosporin và bác sĩ sẽ tránh cho dùng thuốc kiểu phối hợp này.
Khi bác sĩ chỉ định kết hợp thuốc lợi tiểu "bài tiết" kali và thuốc lợi tiểu "tiết kiệm" kali vẫn phải theo dõi tình trạng kali máu của người bệnh vì cân bằng của cơ thể vẫn có thể nghiêng về hoặc tăng hoặc giảm kali quá mức.
Trong cơ thể, chất điện giải natri và kali đồng hành khăng khít với nhau. Các thuốc lợi tiểu thông dụng (nhóm thiazid và tác động ở quai Henlé) có tác dụng thải natri đồng thời làm mất kali. Trong khi đó kali lại đóng vai trò rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt. 

Vì vậy, người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để được bổ sung kali. Hoặc dùng thuốc lợi tiểu mà lại có triệu chứng vọp bẻ (chuột rút), yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh phải đến bác sĩ khám ngay. Có khi bác sĩ cho dùng thêm thuốc bù kali mới giải quyết được tình trạng mất kali do dùng thuốc lợi tiểu.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Mách mẹ bầu bổ sung vitamin tổng hợp đúng cách

Khi mang thai mẹ bầu được khuyến cáo nên bổ sung đầy đủ thuốc vitamin tổng hợp, nếu bổ sung trước khi có ý định thụ thai thì càng tốt hơn.

Kể cả khi mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học thì vẫn nên bổ sung các loại vitamin này, đặc biệt là axit folic. Vì axit folic trong thuốc dễ hấp thụ hơn axit folic tự nhiên có trong thực phẩm. Tuy nhiên nhiều mẹ vẫn chưa có kiến thức về cách bổ sung thuốc vitamin tổng hợp sao cho đúng cách.
Cách chọn loại vitamin tổng hợp tốt
Kể từ khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA không điều chỉnh lưu lượng từng loại vitamin có trong thuốc, nên cũng không có tiêu chuẩn quy định về loại vitamin nào nên có trong thuốc vitamin tổng hợp. Vì vậy khi có ý định bổ sung thuốc, bạn cần sự tư vấn và chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sỹ sẽ kê cho bạn thuốc vitamin tổng hợp. Lưu ý khi uống thuốc này, bạn không được bổ sung bất kỳ loại thuốc vitamin nào khác, trừ khi có chỉ định của bác sỹ.
Bạn nên chọn loại thuốc vitamin bổ sung có bổ sung axit folic và sắt, hai chất khó bổ sung đầy đủ từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên lượng vitamin phải vừa đủ, không được vượt quá mức nếu không sẽ gây hại cho thai nhi nếu mẹ bị thừa vitamin, đặc biệt là vitamin A.
Vitamin A có nguồn gốc từ động vật có thể gây ra dị tật bẩm sinh trong trường hợp dùng liều cao. Đó là lý do tại sao vitamin A có trong các loại thuốc vitamin tổng hợp cho bà bầu thường một phần ở dạng beta-carotene.
Mách mẹ bầu bổ sung vitamin tổng hợp đúng cách
Beta-carotene là một chất dinh dưỡng được tìm thấy trong trái cây và rau quả, được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Không giống như vitamin A từ động vật, beta-carotene được coi là an toàn ngay cả khi lỡ dùng liều cao.
Có nguy hiểm không nếu lỡ uống hai viên vitamin tổng hợp trong cùng một ngày?
Bạn không cần quá lo lắng. Vitamin tổng hợp với liều lượng 2 viên một ngày không gây hại đến mẹ và bé. Nhưng nếu dùng thường xuyên như vậy sẽ gây nguy hiểm đấy nhé. Vì vậy nên nhớ chỉ uống duy nhất một viên vitamin tổng hợp một ngày. Tùy từng trường hợp, bác sỹ sẽ kê thêm cho bạn thuốc bổ sung canxi hoặc sắt riêng.
Làm thế nào nếu gặp khó khăn khi uống thuốc?
Thuốc vitamin tổng hợp thường to và khó nuốt, khi uống hay bị buồn nôn, khó chịu. Nếu gặp tình trạng này, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ để thay đổi loại thuốc bọc đường bên ngoài, hoặc bổ sung riêng rẽ từng loại thuốc nhỏ hơn. Cũng có thể bổ sung thay thế bằng loại thuốc vitamin tổng hợp có thể nhai được.
Nếu uống thuốc bị khó chịu ở đường tiêu hóa
Nếu bạn đang uống thuốc vitamin tổng hợp có nhiều hơn 30 mg sắt, bạn sẽ bị khó chịu ở đường tiêu hóa của bạn. Uống ít hơn 30 mg sắt sẽ không bị.
Ngoài ra uống nhiều thuốc sắt cũng gây táo bón, nóng trong, buồn nôn hoặc trường hợp hiếm là tiêu chảy.
Nếu các triệu chứng quá trầm trọng, bạn cần sự tư vấn của bác sỹ. Tùy vào thể trạng sức khỏe, bác sỹ sẽ cân nhắc liệu có thể chuyển sang một loại vitamin với hàm lượng sắt ít hơn. Nếu không được, bạn có thể thử uống nước ép mận, ăn 2-3 khẩu phần trái cây mỗi ngày để giảm tình trạng táo bón.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Các thuốc thường dùng trong nha khoa

Thuốc gây tê tại chỗ
Các thủ thuật can thiệp răng miệng cần phải có thuốc gây tê tại chỗ. Vì miệng có chứa nhiều đầu mút thần kinh cảm giác. Mặt khác, miệng lại là nơi có nhiều niêm mạc nên vô cùng nhạy cảm. Vì thế, mọi can thiệp vào răng miệng đều cần tới thuốc gây tê như nhổ răng, lấy tủy, triệt tủy.
Các thuốc gây tê tại chỗ thường dùng như novocain, lidocain, xylocain, procain, benzocain trong đó xylocain gây tê rất mạnh. Thuốc có thể được dùng dưới dạng dung dịch tiêm hoặc dung dịch nước súc miệng.
Không tự ý dùng thuốc điều trị các bệnh răng miệng
Thuốc giảm đau, chống viêm
Các bệnh răng miệng ít khi gây ra đau nhức, ngoại trừ sâu răng. Nhưng một khi đã đau thì rất khó chịu, có khi người bệnh phát sốt vì đau răng và các thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng trong các trường hợp này hoặc sau khi thực hiện thủ thuật.
Các thuốc giảm đau thông dụng là paracetamol, aspirin, ibuprofen. Đôi khi cần sử dụng tới thuốc chống viêm loại mạnh là corticoid.
Dùng các thuốc này có chung một lưu ý là cần phải dùng kéo dài chừng 5 ngày để giảm đau. Cần phải lưu ý dùng ngay sau bữa ăn thì sẽ tránh được tác dụng phụ kích ứng trên dạ dày. Với một số người bệnh có tiền sử viêm dạ dày hoặc bệnh dạ dày thực quản thì nên dùng thêm một số loại thuốc giảm tiết dịch dạ dày khác như cimetidin hoặc omeprazol. Cần hết sức lưu ý không sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Thuốc diệt khuẩn
Bệnh viêm nhiễm ở răng miệng đa phần là do vi khuẩn gram âm gây ra. Chúng gây ra các nhiễm trùng như viêm nha chu, viêm quanh răng, viêm lợi, viêm niêm mạc miệng, hôi miệng. Trong những trường hợp này cần phải dùng tới các thuốc kháng sinh mới điều trị khỏi viêm nhiễm hoặc ổn định viêm trước khi can thiệp thủ thuật.
Hiện nay, các kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn gram âm là các kháng sinh dòng penicillin như amoxillin, phenoxymethylpenicillin. Ngoài ra, có thể chọn kháng sinh dòng cephalosporin thế hệ 3 điều trị như cefixim. Kháng sinh dòng này có phổ tác dụng tốt với vi khuẩn gram âm.
Nếu trong trường hợp các kháng sinh trên không có, hoặc người bệnh bị dị ứng, không dung nạp, phản ứng phụ nặng hoặc điều trị không đáp ứng, bạn cần phải thay thế thuốc kháng sinh. Dòng kháng sinh thay thế là clindamycin, clarithromycin.
Bạn cần lưu ý, các kháng sinh trên có thể gây ra phản ứng mặc dù dùng đường uống. Một số kháng sinh gây mệt mỏi rõ, gây trạng thái đầy hơi, khó chịu. Do vậy, người bệnh không nên sử dụng đồng thời các thực phẩm lạ trong thời gian điều trị nhằm loại trừ phản ứng dị ứng phát sinh. Các thực phẩm sinh hơi cũng nên hạn chế nhằm loại bỏ phản ứng đầy bụng do thuốc gây ra.
Thuốc diệt vi-rút và chống nấm
Trong nhiều trường hợp, người bệnh bị nhiễm vi-rút hoặc nhiễm nấm ở khoang miệng, bạn cần tới hai thuốc này để khống chế. Các thuốc chống vi-rút có thể dùng là acyclovir, penciclovir. Acyclovir dùng trong trường hợp là nhiễm vi rút herpes rất đặc hiệu. Ngoài hai thuốc trên, có thể sử dụng thêm nước súc miệng để chống bội nhiễm như dung dịch chlorhexidin 0,2% hoặc hydrogen peroxid 6%. Các thuốc chống nấm có thể dùng là fluconazol, nystatin. Liệu trình điều trị nhiễm nấm vùng miệng thường là dùng 1 viên duy nhất trong 1 ngày và kéo dài 7 ngày liên tục.
Thuốc chống khô miệng
Đôi khi, một số người bệnh lại than phiền với bạn họ bị khô miệng một cách rất bất thường trong khi không có các vấn đề về bệnh lý cũng như dùng thuốc… Sự khô miệng ở đây là do giảm tiết nước bọt quá mức. Để khắc phục, bạn cần sử dụng thuốc kích thích tiết nước bọt như pilocarpin. Thuốc có tác dụng kích thích vào tuyến nước bọt gây tăng tiết, kích thích vào cơ trơn thành ống tuyến co bóp để đẩy nước bọt vào miệng.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Bật mí những cách uống thuốc dễ nhất

Nếu việc uống thuốc viên là nỗi ám ảnh của bạn vì sợ hóc, sợ ọe và sợ mùi vị không mấy hấp dẫn của nó, thì dưới đây là vài tia hy vọng cho bạn.

Tuy một số người thực sự bị một chứng bệnh gọi là chứng khó nuốt - thường là hậu quả của đột quỵ hoặc những bệnh như xơ cứng rải rác và bệnh Parkinson - song phần lớn chúng ta khó uống thuốc chỉ đơn thuần là do rào cản tâm lý.
Uống thuốc cách nào là dễ nhất?
Nhưng các nhà khoa học Đức tin rằng họ đã tìm ra cách để giúp mọi người uống thuốc dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.
TS Walter Haefeli, người đứng đầu nghiên cứu tại trường Đại học Heidelberg, cho biết khoảng 10% số người khó uống thuốc coi đây như một lý do để “né” việc dùng thuốc viên.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu 151 người lớn được phát 16 loại viên giả dược có hình dạng khác nhau, với tổng cộng 283 lượt uống. Họ xem xét cả các viên nén và viên nang (viên con nhộng) hình dạng truyền thống.
Kết quả cho thấy với cả hai loại, việc uống viên thuốc với ít nhất 20ml nước - khoảng 1 thìa canh - là hiệu quả nhất.
Sau mỗi lần uống một viên thuốc, những người tham gia lại đánh giá mức độ dễ uống. Sau đó các đối tượng được đề nghị uống vên thuốc (viên nén và viên nang) với một số tư thế đặc biệt, sử dụng kỹ thuật mà nhóm nghiên cứu đề xuất.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng cách tốt nhất để uống thuốc dạng viên nén là “tu chai”.
Theo cách này, viên thuốc được đặt trên lưỡi, môi ngậm chặt vào miệng chai nước và viên thuốc được nuốt xuống nhờ động tác mút một ngụm nước.
Tuy nhiên, với viên nang, thì kỹ thuật “cúi đầu”lại là tốt nhất, trong đó viên nang được nuốt xuống với tư thế thẳng người, đầu hơi cúi ra trước.
Trong nghiên cứu, những người tình nguyện được yêu cầu thử cả hai cách và đánh giá xem uống thuốc theo cách nào thì dễ hơn.
Kỹ thuật “tu chai” cải thiện được việc nuốt viên thuốc ở 60%, trong khi 88% số người thử cách “cúi đầu”cho biết cách này dễ hơn.
TS Haefeli nói: “Cả hai kỹ thuật mà chúng tôi mô tả đều có hiệu quả rõ ràng với các đối tượng nghiên cứu mà không gặp khó khăn nào, và nên được khuyến nghị thường xuyên.”
Ông cho rằng việc chọn cách nào tùy thuộc vào hình dạng của viên thuốc.
Ông cho rằng việc chọn cách nào tùy thuộc vào hình dạng của viên thuốc.
“Viên nang, với tỷ trọng thấp hơn nước, sẽ nổi “lềnh bềnh” trong miệng và do đó tư thế của đầu chính là vấn đề.
“Ngược lại, để nuốt viên nén, gần như luôn có tỷ trọng cao hơn nước, thì cần tập trung để thuốc chìm xuống vùng hầu họng.” Đây là giao lộ hình nón dẫn từ mũi và miệng xuống thực quản và khí quản.
TS Haefeli cũng nói thêm rằng viên nén hình tròn được thấy là khó uống nhất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Family Medicine.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons