Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Các loại thuốc giúp điều chỉnh cholesterol

Khi lượng cholesterol trong cơ thể vượt quá mức "vừa đủ xài" cũng là lúc bạn cần cầu viện đến các loại thuốc hỗ trợ này.





Ở một hàm lượng vừa đủ, cholesterol (một dạng chất béo) rất cần thiết cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, sản xuất màng tế bào, hormone, axit mật để tiêu thụ mỡ… Nhưng quá nhiều cholesterol thì đó thực sự là một tai họa (khởi nguồn cho các vấn đề về tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ).
Và, nếu lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học, cùng chế độ luyện tập hợp lý trong vòng 6 tháng vẫn không giúp bạn cải thiện tình hình; nghĩa là đã đến lúc bạn cần đến sự hỗ trợ của thuốc.
Điểm mặt những loại thuốc hỗ trợ đắc lực làm hạ cholesterol
Statins: Nhóm thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình sản xuất cholesterol trong cơ thể thông qua việc ức chế enzyme HMG-CoA reductase (đóng vai trò trung tâm trong việc sản xuất cholesterol ở gan). 
Nhờ khả năng giảm cholestrol xấu (LDL), statins giúp giảm 60% các bệnh liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột; giảm 17% nguy cơ đột quỵ sau khi điều trị lâu dài. Tuy nhiên, statin ít hiệu quả hơn so với fibrates và niacine trong việc giảm chất béo trung tính và tăng cholestrol tốt (HDL).
Resins: Resins có khả năng "bắt giữ" axit mật, khiến cho cơ thể thiếu hụt loại acid này và bắt buộc phải sử dụng đến cholesterol để tổng hợp thêm acid mật cho hệ tiêu hóa. Cơ chế này cũng sẽ giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
Niacin (còn gọi là vitamin B3, acid nicotinic hay vitamin PP: Với liều lượng 1000 và 2000mg, 2-3 lần/ngày, niacin giảm acid béo tự do trong máu, và như vậy, làm giảm tiết LDL và cholesterol ở gan. Niacin cũng làm tăng hàm lượng cholesterol tốt trong máu.
Tuy là một loại vitamin nhưng bạn vẫn cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng. Vì nếu dùng thuốc ở liều cao có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, đầy hơi, ói mửa, đau đầu, xây xẩm, buồn ngủ, đau yếu cơ, da nóng đỏ, rối loạn giấc ngủ….
Fibrate: Thuốc này làm hạ cholesterol bằng cách làm giảm hàm lượng của các triglycerids trong cơ thể, đồng thời làm gia tăng hàm lượng chất cholesterol tốt. 
Fibrate còn làm giảm nồng độ chất béo trung tính, cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu có liên quan đến các bệnh thuộc hội chứng chuyển hóa như cao huyết áp và tiểu đường. Fibrate thường được kết hợp với stains.
Ezetimib: Đây là một loại thuốc tương đối mới, có tác dụng ức hế sự hấp thu cholesterol từ thức ăn qua niêm mạc ruột vào máu. Nếu uống cùng với bữa ăn sẽ tăng sự hấp thu đến 30%. Loại thuốc này đã được FDA Mỹ chấp thuận cho dùng đơn độc hoặc phối hợp với các statin để hạ cholesterol LDL và cholesterol toàn phần.
Tuy nhiên, khi dùng đơn độc, ezetimib có thể gây một số tác dụng phụ như: đau lưng, đau khớp. Khi phối hợp với các statin, sự phối hợp gây tác dụng phụ đau lưng, đau vùng thượng vị, có thể làm tăng men gan AST, ALT.
Hiểu về thuốc hỗ trợ cholesterol để dùng đúng
Đúng người, đúng lúc
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế là việc sử dụng thuốc để hạ cholesterol không phải là giải pháp cần thiết cho mọi đối tượng máu nhiễm mỡ. Thực tế con số cần dùng đến thuốc chỉ chiếm 1%, mà đa phần là những người mắc chứng mỡ máu cao do di truyền. Nếu cholesterol toàn phần không quá 330mg thì không đáng lo mắc bệnh tim.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên quá tập trung vào lượng cholesterol toàn phần mà quên đi rằng tỷ lệ cholesterol xấu (LDL) và cholesterol tốt (HDL) cũng đóng vai trò quyết định sức khỏe tim mạch của bạn. 
Nếu HDL chiếm tỷ lệ 24% so với cholesterol toàn phần thì bạn có thể yên tâm về sức khỏe tim mạch của mình, nếu dưới 10% rủi ro mắc bệnh tim sẽ cao. Ngược lại, nếu như lượng cholesterol toàn phần của bạn ở mức an toàn nhưng tỷ lệ LDL quá lớn thì vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Phòng chống bệnh tim: hiệu quả đến đâu?
Khó có thể phủ nhận những lợi ích mà các loại thuốc hạ cholesterol mang lại trong việc điều trị bệnh tim mạch và ngăn ngừa tái phát đột quỵ.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, có sự giảm bớt 35% những trường hợp lên cơn đột quỵ lần thứ hai; và giảm 57% tỷ lệ tử vong trong số những người đã uống thuốc hạ cholesterol nói chung so với những người không uống.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức cũng cho biết: Việc ngừng dùng thuốc hạ cholesterol (phổ biến nhất là statin) một cách đột ngột khiến nguy cơ tử vong của bệnh nhân tăng lên 3 lần so với những bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào những bệnh nhân tim phải nằm viện chứ không đề cập đến hậu quả của việc ngừng dùng thuốc hạ cholesterol ở người khỏe mạnh.
Hiện nay, vẫn chưa có những bằng chứng rõ ràng cho việc sử dụng thuốc hạ cholesterol để phòng ngừa ở những người bình thường và những người có nguy cơ bệnh tim mạch thấp.
Chưa kể, một số tài liệu y học còn công bố những bằng chứng cho thấy các tác dụng phụ của nhóm thuốc statin (zocor, pravachol, mevacor, lescol, crestor) và lipitor thực ra nhiều hơn so với những những gì nhà sản xuất thông báo.
Bởi thế, các bác sĩ vẫn khuyến cáo bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi các biện pháp điều chỉnh về chế độ ăn, lối sống, luyện tập tỏ ra không hiệu quả.
Hạn chế tác dụng phụ của thuốc

Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc hạ cholesterol là khiến cho cơ thể giảm khả năng sản xuất CoQ10- một loại đồng enzyme rất cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng tế bào và trung hòa các gốc tự do gây bệnh. 

Sự thiếu hụt CoQ10 khiến cho cơ thể mệt mỏi, suy yếu cơ, đau nhức dẫn đến đau tim. Bởi thế, uống bổ sung CoQ10 khi sử dụng thuốc hạ cholesterol là điều cực kỳ cần thiết.
Theo Ngọc Thụy -  Sức khỏe gia đình





Mắc bệnh nguy hiểm do thiếu vitamin D

Vitamin D rất cần cho tất cả các cơ quan trong cơ thể. Vitamin D giúp điều hòa sự chuyển hóa canxi và phospho, làm tăng hấp thu và đồng hóa canxi tới 50-80% cần thiết cho quá trình cốt hóa. Nhưng hầu hết mọi người thường không chú ý tới việc bổ sung đủ loại vitamin này.
Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nồng độ vitamin D trong máu thấp có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, loãng xương, vẩy nến, viêm đường ruột... hoặc các loại ung thư khác nhau ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống. 
Một nghiên cứu trên 13.000 người Mỹ tuổi trên 20 cho thấy, những người có nồng độ vitamin D thấp có nguy cơ tử vong tăng 26% so với những người có nồng độ vitamin D bình thường. 
Ngoài ra, những người có nồng độ vitamin D trong máu thấp sẽ có nguy cơ tổn thương não, tiền sản giật cao gấp đôi so với những người bổ sung đủ vitamin D đầy đủ.
Mắc bệnh nguy hiểm do thiếu vitamin D
Phơi nắng – một cách bổ sung vitamin D
Đặc biệt với phụ nữ, theo kết quả công bố của nhóm nghiên cứu Trường đại học Y khoa Salzburg và Vienna (Áo), phụ nữ thiếu vitamin D sẽ xuất hiện khối u ở ruột già. 
Tỉ lệ xuất hiện khối u ruột già ở phụ nữ có lượng vitamin D trong máu cao là 17,2%, trong khi ở những phụ nữ có lượng vitamin D trong máu thấp, tỉ lệ xuất hiện khối u ruột già lên đến 25%. 
Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy, ở những phụ nữ được bổ sung vitamin D, tỉ lệ xuất hiện khối u ruột già rất thấp, chỉ là 3,8%. Ngược lại, nhóm không được bổ sung vitamin D trong chế độ ăn thì tỉ lệ xuất hiện khối u ruột già tăng lên đến 12,5%. 
Hơn nữa, phụ nữ được bổ sung vitamin D và canxi giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư gần 80%. Quan trọng hơn, nồng độ vitamin D trong máu càng cao, nguy cơ mắc bệnh ung thư càng thấp; và ngược lại, những người có nồng độ vitamin D thấp thì nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng cao.
Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyên rằng, nếu bổ sung đủ vitamin D theo liều lượng khuyến cáo (người trưởng thành cần được bổ sung khoảng 800 IU mỗi ngày) thì những nguy cơ mắc bệnh sẽ được giảm thiểu đáng kể. 
Vì vậy, để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe, mọi người nên ý thức rõ việc bổ sung vitamin D qua thực phẩm (như bơ sữa, trứng, nước cam). Các loại cá có nhiều chất dầu như cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá trích có lượng vitamin D cao hơn những cá khác. 
Nấm phơi khô cũng chứa vitamin D), cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (trước 8 giờ sáng) giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.
Theo DS Trang Lê - Sức khỏe và Đời sống



Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Những sai lầm khi sử dụng thuốc

Để thuốc phát huy hiệu quả nhất trong điều trị bệnh thì cách dùng thuốc có vai trò quan trọng. Dùng thuốc tùy tiện, không theo hướng dẫn sử dụng dẫn đến tình trạng thuốc không phát huy hiệu quả mà còn gây hại cho cơ thể.
Sai lầm về thời gian dùng thuốc
Khi dùng bất cứ loại thuốc nào người bệnh cần hỏi kỹ bác sĩ về thời gian dùng thuốc: ngày chia mấy lần, uống trước hay sau bữa ăn, loại thuốc này không dùng chung cùng lúc với thuốc nào? và mỗi người cần tập thói quen đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi dùng thuốc. 
Không được tùy tiện thích uống thuốc lúc nào là uống. Nếu hướng dẫn sử dụng ghi “ngày uống 3 lần”, nghĩa là bạn nên chia đều thời gian trong 24 giờ, cứ 8 tiếng uống một lần. Nếu uống cả 3 lần vào ban ngày, nồng độ thuốc trong máu tăng cao, có thể gây nguy hiểm, trong khi buổi đêm lại không có thuốc. 
Nếu có hướng dẫn “uống trước khi ăn”, bạn cần dùng khi dạ dày còn trống. Nếu trong vòng 1 giờ trước khi uống thuốc mà vừa ăn một lô quà vặt thì vẫn là không đúng.
Những sai lầm khi sử dụng thuốc
​Người cao tuổi dễ mắc phải các sai lầm khi dùng thuốc
Sai lầm về cách uống thuốc
Nghiền, bẻ nhỏ thuốc: Đây là sai lầm thường gặp, đặc biệt khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ. Có nhiều dạng thuốc viên không nên nhai hoặc nghiền, bẻ nhỏ. Việc làm này sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc và có thể dẫn đến mất hoặc giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho người dùng. 
Một số loại thuốc được bào chế dưới dạng tác dụng chậm, phóng thích dần vào cơ thể, nếu bạn nghiền nhỏ ra, thuốc sẽ cho tác dụng cấp tập một lần, gây nguy hiểm.
Với một số bệnh nhân đặc biệt (trẻ em, người mắc bệnh nuốt khó hay bệnh nhân có đặt ống thông dạ dày, người cao tuổi), rất khó khi phải uống nguyên viên thuốc. 
Vì vậy, bác sĩ điều trị thường lựa chọn đường dùng khác thay thế hoặc bất đắc dĩ phải dùng giải pháp nhai, nghiền hay bẻ nhỏ viên thuốc. Với những trường hợp này, nên hỏi bác sĩ xem loại thuốc đó có thể nghiền nhỏ hay không.
Uống thuốc thẳng từ chai: Thường gặp với dạng thuốc nước, sirô, dung dịch... Cách uống này dễ làm thuốc bị nhiễm khuẩn, nhanh biến chất, lại không thể kiểm soát chính xác liều lượng, dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị hoặc quá liều.
Nuốt thuốc khô: Một số không dùng nước mà nuốt thuốc luôn. Thuốc có thể làm tổn thương thực quản. Mặt khác do không có đủ nước để làm tan, một số loại thuốc sẽ kết thành sỏi trong cơ thể.
Uống nhiều loại thuốc cùng lúc: Nhiều người phải sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc để trị bệnh. Việc sử dụng nhiều loại thuốc là cần thiết khi mà người bệnh mắc nhiều loại bệnh, nhưng việc uống các thuốc này thế nào, thuốc nào không nên uống với thuốc nào... lại là sai lầm mà ai cũng có thể mắc phải. 
Mỗi loại thuốc có một tính năng và công hiệu riêng, có những tính chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và thời gian tác dụng cũng khác nhau. Việc vơ một nắm các loại thuốc uống cùng lúc cho tiện sẽ không tốt. Làm như vậy, bạn sẽ khó tránh khỏi sự tương tác giữa các loại thuốc. 
Mặt khác, nếu uống nhiều loại thuốc cùng một lúc thì sẽ làm ảnh hưởng đến việc hấp thu, phân bố, trao đổi giữa các thuốc và sự đào thải thuốc ra ngoài cơ thể, cũng như sự kết hợp giữa các loại thuốc với nhau có thể gây những phản ứng cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể. C
hẳng hạn như dùng cùng lúc thuốc thông mũi và thuốc huyết áp, đặc biệt thuốc thông mũi loại chứa pseudoephedrine làm co mạch, giúp giảm sưng và giảm chảy mũi. 
Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm co thắt các mạch máu trong cơ thể gây tăng huyết áp, chống lại thuốc trị huyết áp và nguy hiểm cho người có huyết áp cao. Vì vậy, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian, số lần và cách kết hợp cho hợp lý. Uống mỗi một loại thuốc ít nhất phải cách nhau khoảng một giờ.
Những sai sót không ngờ tới
Nằm uống thuốc: Với tư thế này, thuốc sẽ dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương vách thực quản. Bởi vậy, nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc.
Vận động ngay sau khi uống thuốc: Vừa uống thuốc xong đã tập thể thao hay tham gia vận động ngay là điều không nên làm. Thường phải sau 30-60 phút thì cơ quan tiêu hóa mới hấp thụ và thuốc mới phát huy tác dụng. 
Quá trình này cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.
Theo DS Thanh Hoài - Sức khỏe và Đời sống

Những nguy hại khi dùng thuốc ngủ

Đây là kết quả một nghiên cứu mới của Cục Lạm dụng chất và Dịch vụ sức khỏe tinh thần, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.
Báo cáo chỉ ra rằng số lượng bệnh nhân đi cấp cứu vì quá liều zolpidem - một thành phần hoạt tính có trong một số loại thuốc ngủ kê đơn - đã tăng gần gấp đôi từ giữa năm 2005 tới năm 2010. Phụ nữ chiếm 2/3 số người vào viện.
thuocngu-3614-1408938467.jpg
Ảnh: united-academics.
Chính xác thuốc ngủ nguy hiểm như thế nào? Theo BS Carl Bazil ở ĐH Colmbia, người đã nhấn mạnh rằng các thuốc kê đơn thường mạnh hơn các thuốc không kê đơn, đúng là thuốc ngủ có thể giúp bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nhưng chúng không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết những rối loạn giấc ngủ và có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất là tác động của thuốc ở phụ nữ mạnh hơn trên nam giới. Bazil giải thích: "Phụ nữ có xu hướng chuyển hóa thuốc ngủ chậm hơn nam giới nhưng nhiều người trong đó có cả bác sĩ không biết điều này". 
Năm 2013, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ đã giảm liều khuyến cáo cho phụ nữ từ 10 mg xuống 5 mg. Nhiều bác sĩ vẫn kê liều cao hơn cho phụ nữ, trong khi những phụ nữ khác có thể dùng đơn cũ hoặc lấy thuốc từ chồng. Khi họ dùng quá liều, hậu quả là rất lớn.
Một vấn đề lớn khác khi sử dụng thuốc ngủ là ảnh hưởng trong ngày hôm sau của thuốc. Trong khi thuốc được cho là hết tác dụng sau 8 giờ, tình trạng buồn ngủ có thể kéo dài lâu hơn nếu bạn dùng liều cao. Kết quả là nhiều người vẫn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng khi họ lái xe đi làm và đó là mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn. 
Bazil nói: "Khả năng lái xe giảm là một trong những vấn đề lớn nhất do thuốc ngủ, vì nhiều người không nhận ra rằng họ vẫn chưa tỉnh táo". Nói một cách khác, tình trạng này gần giống với lái xe khi say rượu ở chỗ bạn không có sự phán đoán tốt hoặc phản ứng nhanh, do vậy nguy cơ tai nạn tăng lên đáng kể.
Thuốc ngủ cũng có thể gây hại khi dùng kết hợp với các loại khác, cụ thể là rượu và các chất kích thích. Theo Bazil, nguyên nhân là sự kết hợp này làm tăng tác động của cả hai loại, vì vậy bạn sẽ bị mê man bởi cả thuốc và rượu hoặc chất kích thích. 
Điều đó có nghĩa là thuốc sẽ tác dụng lâu hơn, bạn sẽ cảm thấy lơ mơ, chuệch choạng khi thức giấc. Một kịch bản thậm chí còn cực đoan hơn là bạn sẽ cảm thấy tức thở nếu dùng liều cao hoặc 2 viên một lần và rất có thể phải đi cấp cứu.
Một tác hại nữa là thuốc ngủ cũng có thể khiến bạn có những hành động khác thường trong nhà nếu uống chúng khi chưa sẵn sàng đi ngủ. Hãy xem, thuốc ngủ sẽ hạ gục bạn ngay lập tức. Nhưng một lần nữa, nhiều người không nhận ra tác dụng của thuốc ngủ nhanh như thế nào, vì vậy họ uống một viên trước khi thực hiện một việc nào đó chỉ khoảng nửa giờ và hậu quả là có thể đưa ra những quyết định sai lầm. 
Brazil nói: "Nếu uống thuốc khi chưa đi ngủ, bạn có thể làm những việc lạ, thậm chí có thể là nguy hiểm mà bạn không thể nhớ". Bạn có thể suy sụp, tự đốt cháy mình hoặc thậm chí có quan hệ tình dục nhiều nguy cơ.
Thuốc ngủ cũng có thể gây nghiện, may mắn là tình trạng này không phổ biến. Tác hại lâu dài này của thuốc ngủ kê đơn vẫn chưa được nghiên cứu, nguy cơ lớn là khi bạn ngừng sử dụng thuốc sau khi đã bị phụ thuộc vào chúng. 
"Nếu cơ thể quen với việc dùng thuốc ngủ, bạn sẽ thấy tồi tệ khi ngừng sử dụng thuốc vì cơ thể đã thích nghi. Điều đó có nghĩa bạn sẽ phải dùng nhiều hơn và thật khó để có thể ngủ tốt mà không có thuốc".
Cuối cùng, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng về cơ bản, thuốc ngủ không giải quyết được vấn đề ngủ kém kéo dài. Hãy nghĩ về chúng giống như một công cụ bổ trợ đưa giấc ngủ về đúng chu kỳ và tại một thời điểm nào đó bạn cần ngừng sử dụng nó. 
Để làm được điều này, Bazil khuyên bạn sử dụng chúng đúng một tháng (dưới sự giám sát của bác sĩ) để rèn lại giấc ngủ và sau đó ngừng sử dụng chúng hoàn toàn. Việc sử dụng như thế nào trong tháng đó tùy thuộc vào bạn. Một số người dùng chúng mỗi tối, trong khi những người khác dùng vài lần một tuần khi họ thực sự cảm thấy cần chúng.
Theo Hải Ngân - VnExpress


Kháng sinh clarithromycin nguy hiểm với người bệnh tim mạch

Thuốc kháng sinh clarithromycin sử dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, có thể làm tăng 76% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch.

Một nhóm nhà nghiên cứu Đan Mạch đã đánh giá nguy cơ tử vong bệnh nhân tim mạch liên quan đến việc dùng kháng sinh clarithromycin so với penicillin V.
Nghiên cứu được thực hiện trên 5 triệu người ở Đan Mạch dùng kháng sinh trong độ tuổi 40-74 từ năm 1997 đến 2011.Tổng cộng có 285 trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. 
Trong đó nhóm người từng sử dụng kháng sinh clarithromycin có liên quan đến nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn 76% so với người dùng kháng sinh khác như penicillin V.
Thuốc kháng sinh clarithromycin được cho là có liên quan đến nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch. Ảnh: UK News.
Mỗi năm có hàng triệu người được kê đơn clarithromycinđể điều trị nhiễm trùng như viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm trùng tai, viêm xoang, da... Nó cũng được sử dụng để điều trị một số loại viêm loét dạ dày. Kháng sinh này kéo dài thời gian hoạt động điện của cơ tim - được gọi là khoảng QT. Do đó được cho là làm tăng nguy cơ các vấn đề về nhịp tim, có khả năng gây tử vong.
Uớc tính có khoảng 37 người tử vong do tim mạch trên một triệu người dùng clarithromycin trong nghiên cứu này. TS Mike Knapton, Giám đốc y tế tại Quỹ Tim mạch Anh khuyến cáo, tỷ lệ này khá nhỏ nhưng nhân viên y tế nên thận trọng khi kê toa clarithromycin cho bệnh nhân tim mạch.
Theo Lê Phương - VnExpress


Đề phòng tác hại khi dùng diclofenac giảm viêm, đau

Khi bị các bệnh về khớp như viêm khớp mạn, thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp thiếu niên thì một trong các triệu chứng thường gặp đó là viêm, đau. 
Để giải quyết tình trạng này, thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như diclofenac hay được dùng. Thuốc còn được dùng để giảm đau trong những trường hợp đau cấp (viêm sau chấn thương, sưng nề) và đau mạn hoặc thống kinh nguyên phát.
Đây cũng là một trong những thuốc thiết yếu được Bộ Y tế cho phép dùng trong các trường hợp trên từ tuyến cơ sở và là thuốc có mặt rộng rãi trong các hiệu thuốc với nhiều dạng dùng khác nhau. 
Tuy nhiên, nhiều người bệnh hay mách nhau dùng diclofenac để tự chữa bệnh cho mình và người thân. Điều này sẽ rất nguy hiểm, bởi bên cạnh ưu điểm là giúp người bệnh thoát khỏi nhanh chóng tình trạng viêm, đau nhưng lại là thuốc có nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Vì vậy chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Đề phòng tác hại khi dùng diclofenac giảm viêm, đauTrước khi dùng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa
Tác hại nổi trội hơn cả là thuốc gây hại đường tiêu hóa (đề phòng các trường hợp chảy máu đường tiêu hóa, làm ổ loét tiến triển, nôn ra máu, đại tiện ra máu, kích ứng tại chỗ khi đặt thuốc vào trực tràng). 
Tác hại này là do bản chất của thuốc (thuốc làm giảm tổng hợp prostaglandin dẫn đến ức chế tạo mucin - đây là chất có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa). Vì vậy, đối với trường hợp bị loét dạ dày tiến triển thì tuyệt đối không được dùng thuốc này. 
Cần rất thận trọng dùng ở người có tiền sử loét, chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa (cân nhắc lợi và hại khi dùng thuốc). Một số biểu hiện khác ở đường tiêu hóa như trướng bụng, chán ăn, khó tiêu…
Do ức chế tổng hợp prostaglandin nên khi dùng diclofenac có thể gây viêm thận kẽ, viêm cầu thận, hoại tử nhú và hội chứng thận hư đặc biệt ở những người bị bệnh thận hoặc suy tim mạn tính. Với những người bệnh này, các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng suy thận cấp và suy tim cấp.
Do đó, người bị bệnh tim mạch, suy thận nặng hoặc suy gan nặng, người bị hen hay co thắt phế quản, quá mẫn với thuốc thì không được dùng thuốc này. Khi có triệu chứng dị ứng với diclofenac phải ngừng thuốc ngay và cần sự trợ giúp của y tế (nếu cần thiết).
Đối với người mang thai, chỉ dùng diclofenac khi thật cần thiết và khi người bệnh không dùng được các thuốc chống viêm thuộc các nhóm khác và chỉ dùng với liều cần thiết thấp nhất. 
Không nên dùng thuốc trong ba tháng cuối thai kỳ (vì nguy cơ thuốc ức chế tử cung co bóp và làm ống động mạch đóng sớm, gây tăng áp lực tiểu tuần hoàn không hồi phục, suy thận ở thai). 
Và, những người định mang thai không nên dùng bất kỳ thuốc nào có tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin, kể cả diclofenac, vì ức chế phôi bào làm tổ.
Theo DS Nguyễn Thị An - Sức khỏe và Đời sống

Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

Da người lớn tuổi kém hiệu quả trong việc chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành vitamin D. Đây được cho là nguyên nhân tăng nguy cơ mất trí nhớ ở người trên 65 tuổi.

Nghiên cứu của Anh về thần kinh học được thực hiện ở 1.650 người trên 65 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa chứng mất trí và lượng vitamin D hấp thụ ở người già.
Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để kết luận những người già cần dùng vitamin D trong điều trị chứng mất trí nhớ.
vitamin-D-BBC-6862-1407472217.jpg
Bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Ảnh: BBC
Vitamin D có nguồn gốc từ một số thực phẩm, dầu cá, viên tổng hợp vitamin D và một nguồn tự nhiên là từ ánh nắng mặt trời được tổng hợp qua da. Ở người lớn tuổi, khả năng tổng hợp vitamin D của da kém đi dẫn đến nguy cơ thiếu hụt và phải phụ thuộc vào các nguồn khác.
Nhóm nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu bởi TS David Llewellyn tại ĐH y Exeter tiến hành trong vòng 6 năm. Tất cả người tham gia đều không mắc chứng mất trí, bệnh tim mạch và đột quỵ lúc bắt đầu nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, trong 1.169 người có lượng vitamin D đầy đủ thì chỉ có 10 trường hợp mắc chứng mất trí. Trong 70 trường hợp thiếu hụt vitamin D trầm trọng thì số người mắc chứng mất trí nhớ chiếm 20%.
TS Llewellyn cho biết: "Chúng tôi dự kiến ​​sẽ tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ vitamin D thấp, nguy cơ mất trí nhớ và bệnh Alzheimer, kết quả đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ liên quan giữa hai yếu tố cao gấp đôi so với dự đoán".
Ông cho biết nghiên cứu là cần thiết vì là căn cứ cho biết nếu ăn thực phẩm giàu vitamin D như dầu cá, hoặc dùng bổ sung vitamin D, có thể "trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn" sự khởi đầu của bệnh Alzheimer và chứng mất trí.
womega-2352-1407472217.jpg
Nguồn vitamin D dồi dào được da tổng hợp từ quá trình tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ảnh: Womega.
Tuy nhiên, TS Llewellyn nói thêm: "Chúng tôi cần phải thận trọng ở giai đoạn này và kết quả mới nhất của chúng tôi không trực tiếp chứng minh rằng nồng độ vitamin D thấp gây ra chứng mất trí".
Rõ ràng, kết quả nghiên cứu là rất đáng khích lệ. Điều này sẽ có tác động rất lớn tới sức khỏe cộng đồng do tính chất nghiêm trọng và tốn kém của bệnh mất trí nhớ.
TS Clare Walton, giám đốc truyền thông nghiên cứu tại Hiệp hội Alzheimer cho biết: "Một nghiên cứu như thế này không đủ để kết luận là thiếu vitamin D có thể gây ra chứng mất trí. Không loại trừ khả năng một yếu tố chưa tìm thấy là nguyên nhân gây ra cả chứng mất trí và mức vitamin D thấp".
Cô nói thêm: "Chúng tôi cần phải nhìn thấy thử nghiệm lâm sàng ở mức độ lớn để kiểm tra trực tiếp việc gia tăng mức độ vitamin D sẽ giúp giảm chứng mất trí ở độ tuổi trên 65".
Theo Khánh Ly - VnExpress/ BBC


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons