Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

Da người lớn tuổi kém hiệu quả trong việc chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành vitamin D. Đây được cho là nguyên nhân tăng nguy cơ mất trí nhớ ở người trên 65 tuổi.

Nghiên cứu của Anh về thần kinh học được thực hiện ở 1.650 người trên 65 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa chứng mất trí và lượng vitamin D hấp thụ ở người già.
Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để kết luận những người già cần dùng vitamin D trong điều trị chứng mất trí nhớ.
vitamin-D-BBC-6862-1407472217.jpg
Bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Ảnh: BBC
Vitamin D có nguồn gốc từ một số thực phẩm, dầu cá, viên tổng hợp vitamin D và một nguồn tự nhiên là từ ánh nắng mặt trời được tổng hợp qua da. Ở người lớn tuổi, khả năng tổng hợp vitamin D của da kém đi dẫn đến nguy cơ thiếu hụt và phải phụ thuộc vào các nguồn khác.
Nhóm nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu bởi TS David Llewellyn tại ĐH y Exeter tiến hành trong vòng 6 năm. Tất cả người tham gia đều không mắc chứng mất trí, bệnh tim mạch và đột quỵ lúc bắt đầu nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, trong 1.169 người có lượng vitamin D đầy đủ thì chỉ có 10 trường hợp mắc chứng mất trí. Trong 70 trường hợp thiếu hụt vitamin D trầm trọng thì số người mắc chứng mất trí nhớ chiếm 20%.
TS Llewellyn cho biết: "Chúng tôi dự kiến ​​sẽ tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ vitamin D thấp, nguy cơ mất trí nhớ và bệnh Alzheimer, kết quả đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ liên quan giữa hai yếu tố cao gấp đôi so với dự đoán".
Ông cho biết nghiên cứu là cần thiết vì là căn cứ cho biết nếu ăn thực phẩm giàu vitamin D như dầu cá, hoặc dùng bổ sung vitamin D, có thể "trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn" sự khởi đầu của bệnh Alzheimer và chứng mất trí.
womega-2352-1407472217.jpg
Nguồn vitamin D dồi dào được da tổng hợp từ quá trình tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ảnh: Womega.
Tuy nhiên, TS Llewellyn nói thêm: "Chúng tôi cần phải thận trọng ở giai đoạn này và kết quả mới nhất của chúng tôi không trực tiếp chứng minh rằng nồng độ vitamin D thấp gây ra chứng mất trí".
Rõ ràng, kết quả nghiên cứu là rất đáng khích lệ. Điều này sẽ có tác động rất lớn tới sức khỏe cộng đồng do tính chất nghiêm trọng và tốn kém của bệnh mất trí nhớ.
TS Clare Walton, giám đốc truyền thông nghiên cứu tại Hiệp hội Alzheimer cho biết: "Một nghiên cứu như thế này không đủ để kết luận là thiếu vitamin D có thể gây ra chứng mất trí. Không loại trừ khả năng một yếu tố chưa tìm thấy là nguyên nhân gây ra cả chứng mất trí và mức vitamin D thấp".
Cô nói thêm: "Chúng tôi cần phải nhìn thấy thử nghiệm lâm sàng ở mức độ lớn để kiểm tra trực tiếp việc gia tăng mức độ vitamin D sẽ giúp giảm chứng mất trí ở độ tuổi trên 65".
Theo Khánh Ly - VnExpress/ BBC


Thuốc trợ tim digoxin: hiểu thế nào cho đúng?

Các thuốc loại này được chia làm hai nhóm chính: thuốc trợ tim không phải glucosid và thuốc trợ tim glucosid...

Tác dụng của digoxin
Digoxin làm tăng sức co bóp của cơ tim gián tiếp thông qua việc ức chế men natri - kali - adenosine triphosphatase (Na+ - K+ - ATPase) của bơm ion ở màng tế bào cơ tim, từ đó cản trở việc ion Na+ thoát ra ngoài màng tế bào. 
Do sự ức chế này làm cho nồng độ Na+ trong tế bào tăng cao, vì vậy sự vận chuyển Na+, Ca++ qua màng tế bào cũng bị thay đổi, làm tăng nồng độ Ca++ trong tế bào cơ tim, từ đó thúc đẩy các sợi cơ tim tăng cường co bóp. 
Mặt khác, digoxin còn tác động trên hệ thống thần kinh tự động của tim, làm giảm nhịp tim và giảm tốc độ dẫn truyền nhĩ - thất. Ngoài ra, digoxin còn làm tăng trương lực hệ phó giao cảm và làm giảm hoạt tính của hệ giao cảm.
Thuốc được dùng dưới dạng uống (viên nén, viên nang...) hoặc tiêm. Ở dạng uống, phần lớn digoxin được hấp thu ở ruột non, sau đó sẽ được phân phối tiếp tại một số mô. Nồng độ thuốc thường được tập trung chủ yếu ở thận, tim, gan, tuyến thượng thận, ống tiêu hóa... được chuyển hóa chủ yếu tại gan. 
Phần lớn digoxin được thải trừ qua đường nước tiểu, chỉ có 1 phần (khoảng 25%) được thải trừ qua đường phân. Ở người lớn, với chức năng gan, thận bình thường thì thời gian bán hủy trung bình của digoxin (theo đường uống) là 36 giờ. Khoảng cách giữa nồng độ điều trị và nồng độ ngộ độc là rất hẹp nên rất dễ xảy ra ngộ độc thuốc.
Trước đây, người ta hay dùng bắt đầu bằng liều tấn công, sau đó chuyển sang liều duy trì, nhưng nay người ta thường không còn dùng liều tấn công với một lượng thuốc lớn trong một thời gian ngắn như trên vì cách này rất dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân. 
Trong đa số các trường hợp, các thầy thuốc thường bắt đầu ngay bằng liều duy trì để đạt dần tới liều có hiệu lực điều trị.
Cần đặc biệt chú ý không bao giờ được dùng phối hợp digoxin với các muối canxi (đường tĩnh mạch) vì sự phối hợp này có thể gây nên những rối loạn nhịp tim nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong.
Nhiễm độc digoxin
Một số thống kê đã cho thấy số bệnh nhân dùng digoxin bị nhiễm độc chiếm khoảng 5 - 15% tổng số bệnh nhân dùng thuốc. 
Biểu hiện lâm sàng của nhiễm độc digoxin là khi bệnh nhân đang dùng thuốc mà thấy có một số biểu hiện sau: rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy); rối loạn thần kinh (đau đầu, chóng mặt, ảo giác, mất phương hướng, mê sảng...); rối loạn tim mạch: do tăng tính kích thích, tăng tính tự động và giảm tính dẫn truyền của tế bào cơ tim dẫn đến ngoại tâm thu nhĩ và thất, nhịp nhanh thất, block xoang - nhĩ, block nhĩ - thất các loại, xoắn đỉnh, rung thất...
Khi thấy có các biểu hiện trên thì phải dừng ngay digoxin, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên điện tâm đồ. Điều chỉnh kịp thời các rối loạn về điện giải và thăng bằng kiềm toan, trong đó đặc biệt lưu ý có tình trạng hạ K+ máu. 
Nếu hạ phải bù K+ bằng cách cho bệnh nhân uống dung dịch kali clorua 10%. Trường hợp cần thiết có thể truyền nhỏ giọt kali clorua vào tĩnh mạch sau khi đã pha thuốc vào dung dịch đẳng trương, nhưng với điều kiện đậm độ K+ truyền tĩnh mạch không được vượt quá 13 - 15 mmol/giờ. 
Có thể dùng atropin tiêm tĩnh mạch khi có nhịp chậm xoang hoặc nhịp chậm do block nhĩ - thất. Đối với các rối loạn nhịp thất, đặc biệt là ngoại tâm thu thất, có thể điều trị bằng cách truyền lidocain. 
Gần đây người ta còn dùng phương pháp khá mới để điều trị ngộ độc digoxin, đó là dùng kháng thể đặc hiệu của digoxin. Khi kháng thể này kết hợp với digoxin tạo thành một phức hợp và phức hợp này sẽ được đào thải qua thận làm mất tác dụng của digoxin.
Theo BS Trần Tất Đạt - Sức khỏe và Đời sống


Thuốc và chế độ ăn uống khi cholesterol cao

Với người bị cholesterol máu cao, điều trị bằng thuốc không phải lúc nào cũng tốt; chưa nói đến các thuốc này thường đắt, không phải ai cũng đủ khả năng mua lâu dài.









Bình thường cholesterol là chất cần thiết và có lợi, vì nó là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng, sợi thần kinh, hormone (như hormone sinh dục nam, nữ), vitamin (như vitamin D), giúp gan sản xuất ra acid mật, có lợi cho tiêu hóa.
Người ta chia cholesterol thành hai loại:
Loại có lợi: Là loại phức hợp giữa cholesterol với lipoprotein phân tử lượng cao, có chức năng mang cholesterol tích trong mạch máu ra ngoài.
Loại có hại: Là loại phức hợp giữa cholesterol với lipoprotein phân tử lượng thấp, có chức năng làm cho chất béo bám vào thành mạch gây xơ mỡ động mạch.
Bình thường lượng cholesterol toàn phần nhỏ hơn 200mg%. Khi lớn hơn 240mg% là cao. Tuy nhiên chỉ khi nào loại cholesterol có hại quá cao (lớn hơn 180mg%) và loại cholesterol có lợi quá thấp (dưới 35mg%) thì lúc đó mới có sự rối loạn cân bằng cholesterol. 
Thầy thuốc căn cứ vào sự rối loạn cân bằng này và tiền sử bệnh tật của người bệnh mới quyết định có dùng thuốc hay không. Ðừng vì hiểu không thấu đáo, quá lo lắng, tự ý mua thuốc dùng.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc làm hạ cholesterol thường có 4 nhóm chính, nhưng thường dùng nhất là nhóm fibrat và statin.
- Nhóm fibrat: biệt dược thông dụng là lypanthyl (viên 100mg, 300mg), làm giảm loại cholesterol có hại, tăng cholesterol có lợi, lập lại cân bằng bình thường về hai loại này. Nhờ thế làm giảm hẳn lượng cholesterol trong máu (nếu dùng lâu dài) và từ đó làm giảm nguy cơ xơ mỡ động mạch.
Tuy nhiên thuốc loại này thường làm tổn thương cơ (thường xảy ra hơn đối với người bị đau cơ lan tỏa), ảnh hưởng xấu đến thận và gan (làm tăng chỉ số transaminnaza). Vì thế không được dùng cho người suy gan thận, với người bình thường khi dùng cũng phải định kỳ kiểm tra chức năng gan (đo chỉ số transaminaza).
- Nhóm statin: Biệt dược thông dụng là lescol (viên 20mg). So với nhóm trên, thì nhóm này làm giảm cholesterol có hại và tăng cholesterol có lợi với mức mạnh hơn, do đó ngăn ngừa tốt hơn nguy cơ xơ mỡ động mạch và một số bệnh tim khác.
Một ưu điểm khác là thuốc được hấp thu nhanh và hoàn toàn (khoảng 98%). Thuốc có những tác dụng độc như nhóm trên nên cũng có khuyến cáo tương tự. Ngoài ra chưa có các thông tin đầy đủ cho trẻ dưới 18 tuổi nên không nên dùng cho đối tượng này.
- Nhóm niacin: biệt dược thông dụng niacin (viên nén 5, 50, 100, 150 và 500mg, ống tiêm 1ml chứa 0,17% niacin). Thuốc làm giãn nở các động mạch nhỏ, mao mạch, giảm cholesterol máu. Thường dùng phối hợp với nhóm statin.
Cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, không dùng cho trẻ em, hết sức thận trọng khi dùng cho người sỏi mật, người có bệnh mạch vành. Theo dõi cẩn thận người bệnh có tiền sử vàng da, có bệnh gan hay loét tiêu hóa nếu phải dùng thuốc. Cấm dùng với người rối loạn chức năng gan, loét tiêu hóa, chảy máu động mạch.
- Nhóm resin: biệt dược thông dụng là cholestyramin hoặc cholestipal. Thuốc làm giảm loại lipoprotein phân tử lượng thấp (tức gián tiếp làm giảm cholesterol có hại) và từ đó làm giảm lượng cholesterol toàn phần xuống 25-30%, làm giảm sự tích tụ lipít ngoài thành mạch.
Tuy nhiên bản chất của thuốc là nhựa trao đổi ion, không bị hấp thu qua đường tiêu hóa, sau 3-6 tuần không dùng thuốc, lượng lipoprotein phân tử lượng thấp và cholesterol toàn phần lại tăng lên. Thuốc có thể gây táo bón và tiêu chảy, nôn, nhưng sẽ tự mất đi khi ngừng dùng.
Hiện nay, người ta còn dùng một loại thuốc mới có tên là lipotropic, thực chất là một hỗn hợp gồm các chất hướng mở, vận chuyển mỡ. Hỗn hợp này làm tăng việc sản xuất ra lecithin do đó giúp hòa tan cholesterol, giảm lượng cholesterol thành mạch, ngăn ngừa nguy cơ xơ mỡ động mạch...
Những thuốc nói trên thường đắt, khó dùng. Thầy thuốc chỉ cho khi có sự rối loạn mất cân bằng cholesterol thực sự và khi tiền sử người bệnh không có bệnh tim mạch, tiểu đường.
Phòng chữa bệnh bằng ăn uống
Trong các trường hợp còn lại, thầy thuốc thường khuyên điều trị bằng cách không dùng thuốc mà thực hiện chế độ ăn thích hợp, cụ thể là:
- Phần năng lượng do chất béo cung cấp hàng ngày chỉ được chiếm dưới 30% (khoảng 700Kcalo) so với tổng năng lượng cần dùng hàng ngày (khoảng 2.200 Kcalo). Cơ cấu chất béo phải thay đổi. Giảm các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, pho-mát, margarin...). 
Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng...) vì chúng làm giảm cholesterol toàn phần và giảm cholesterol có hại.
- Không ăn nhiều các thức ăn có cholesterol cao. Nhu cầu hàng ngày là 300mg cholesterol. Một lòng đỏ trứng có trung bình 215mg cholesterol. Thực phẩm hàng ngày không chỉ có trứng mà còn có các loại chứa cholesterol khác (như thịt, sữa, gan, bơ, lòng súc vật...). 
Mỗi tuần chỉ nên ăn ba quả trứng là vừa. Trong 100g tôm có 195mg cholesterol nhưng ít ai ăn tới 100g tôm một ngày nên người ta không đề cập đến việc kiêng tôm. Thịt có màu đỏ (bò, trâu, lợn...) có nhiều cholesterol và acid béo hão hòa và sự hiện diện cả 2 chất này là không lợi cho bệnh tim mạch.
- Ăn nhiều rau quả (vì chúng làm hạ lượng cholesterol) như các loại táo, bưởi, cam, quýt, bắp cải, cải củ, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, tỏi, hành ta, hành tây, gừng ớt. Mỗi ngày nên ăn 200 gam rau lá 100 gam củ, quả non, 200 gam quả chín.
- Ăn cá nhiều hơn ăn thịt, nên chọn loại cá béo, loại chất béo omega-3 có trong mỡ cá béo sẽ làm giảm lipit máu, giảm cholesterol máu.
Như vậy, người bị cholesterol cao không nên kiêng khem quá; nếu biết cách ăn, vẫn có thể béo khỏe. Ngoài chế độ dinh dưỡng nói trên, người bệnh còn cần vận động thường xuyên kiên trì (như dọn dẹp, lên xuống cầu thang, tập thể dục, chăm sóc cây cảnh...) để giảm mập.
Theo DS Bùi Văn Uy - Sức khỏe và Đời sống


Dự trữ thuốc chữa một số bệnh thường gặp

Những bệnh như cảm, sốt, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa thông thường rất dễ xảy ra. Do đó, trong gia đình mỗi người luôn cần dự trữ sẵn một số loại thuốc đề phòng những tình huống xảy ra bất ngờ này…
Thuốc chữa cảm, sốt, nhức đầu
Khi bị nhức đầu, sổ mũi mà không có thuốc uống, bạn sẽ rất khó chịu. Trong khi đó, ngày Tết, mọi người thường chủ quan đi chơi không đội mũ nón, che khẩu trang… nên rất dễ bị nhức đầu, hắt hơi sổ mũi… 
Do đó, cần uống thuốc ngay khi mới có dấu hiệu cảm để bệnh không bị nặng hơn. Thường dùng paracetamol để chữa triệu chứng sốt và đau đầu. 
Loại cho người lớn: viên nén 500mg; Đối với trẻ em, nên dùng dạng siro, gói bột pha dung dịch. Ở trẻ nhỏ hơn khó uống thuốc, bạn có thể dự phòng thuốc hạ sốt loại đặt hậu môn, thông thường nhất là loại viên đạn efferalgan loại 80mg hoặc 150mg. Thuốc đạn này có bản chất cũng là paracetamol có tác dụng giảm đau như đau đầu, đau răng, cảm cúm, sốt…
Dự trữ thuốc chữa một số bệnh thường gặpCần dự phòng một số thuốc chữa bệnh thông thường trong tủ thuốc gia đình
Liều thường dùng ở trẻ em là 10 - 15mg/1kg cân nặng mỗi lần. Sau 6 giờ có thể nhắc lại một lần (nếu cần thiết). Vì có nguy cơ kích thích niêm mạc trực tràng nên việc điều trị bằng viên đạn càng ngắn càng tốt, không nên vượt quá 4 lần/1 ngày và nên thay thế bằng đường uống nếu có thể. 
Dạng viên đạn không thích hợp trong trường hợp bị tiêu chảy. Thuốc này không dùng trong các trường hợp: bệnh nhân dị ứng với paracetamol hoặc các thành phần của thuốc, bệnh nhân bị bệnh gan thận nặng, viêm hậu môn trực tràng hoặc chảy máu trực tràng. Nếu dùng aspirin thì chỉ dành cho người lớn và không dùng cho người có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa.
Thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa
Việc ăn uống không đúng giờ và ăn quá nhiều loại thức ăn có thể khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy, nên dự trữ một ít thuốc trị chứng đầy hơi, khó tiêu, thuốc tiêu chảy trong tủ thuốc gia đình đề phòng những tình huống do ăn uống.
Cần dự phòng nhiều gói oresol để đề phòng trong nhà có nhiều người cùng bị tiêu chảy để bù lượng nước và điện giải đã mất do tiêu chảy. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc. 
Trước khi dùng, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để pha cho đúng tỷ lệ. Mỗi gói oresol sau khi pha chỉ được dùng trong 24 giờ. Ngoài ra có thể dùng viên nén hydrite thay cho oresol. Cần pha viên thuốc với nước đun sôi theo đúng tỷ lệ hướng dẫn trên nhãn thuốc.
Thuốc ho - dị ứng
Bạn nên mua thuốc dạng siro chứa kháng histamin làm dịu ho cho trẻ; nếu là thuốc trị ho loại viên có chứa codein thì chỉ dành cho trẻ lớn và người lớn. Loại siro ho thường dùng là theralene. Theralene được dùng trong các trường hợp ho, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, nổi mề đay, giảm ho khan và ho do kích ứng, đặc biệt khi ho về chiều và đêm. 
Chống chỉ định cho các trường hợp dị ứng với thuốc kháng histamin, trẻ em dưới 24 tháng tuổi, phụ nữ có thai, trong thời kỳ cho con bú.
Cách dùng: vì thuốc có tác dụng gây buồn ngủ nên tốt nhất uống vào buổi tối trước khi ngủ. Người lớn có thể sử dụng terpin-codein: thuốc này chỉ định cho các trường hợp ho gió, ho khan, ho do viêm phế quản, ho do viêm khí quản. Thường dùng mỗi lần 1 viên, ngày 2 - 3 lần. Chú ý trẻ em dưới 6 tuổi không nên dùng.
Thuốc hạ huyết áp
Thông dụng là amlodipin viên 5mg chỉ định cho những người bị tăng huyết áp vô căn nhẹ và trung bình và điều trị dự phòng chứng đau thắt ngực. Liều thông thường là mỗi ngày uống 1 viên. Bạn cũng có thể mua loại thuốc hạ huyết áp tác dụng nhanh nifedipin viên 10mg, thuốc này được sử dụng cho những người bị tăng huyết áp và đau thắt ngực.
Thuốc nhỏ mũi và mắt
Natri clorid 0,9% chỉ định dùng nhỏ mắt trong các trường hợp khô mắt hoặc cảm giác khó chịu, dùng để rửa mắt do bụi, rửa trôi các dị vật nhỏ bám vào mắt, làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi. Liều dùng: nhỏ vào mắt hoặc hốc mũi từ 1 - 3 giọt/1 lần, ngày nhỏ 2 - 3 lần. Cũng có thể nhỏ 5 - 6 giọt/1 lần hoặc nhỏ nhiều lần trong ngày khi cần thiết.
Ngoài những thuốc kể trên, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng urgo phòng khi bị đứt tay; bông băng, dung dịch muối loãng, povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy già, cồn 70 độ, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), trà gừng…
Các thuốc trên cần để ở trong tủ thuốc, tránh xa tầm với trẻ em; để ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiều ánh sáng, ẩm và nóng.
Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài thì cần đi khám tại các cơ sở y tế.
Khi đi mua thuốc, bạn nên nhờ tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ hướng dẫn cách sử dụng. Nên để thuốc và bảng hướng dẫn sử dụng thuốc trong bao bì và có dán nhãn ngoài ghi rõ tên thuốc. 
Nên để riêng thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ em. Với những loại thuốc do bác sĩ kê đơn dành cho người trong gia đình đang sử dụng cũng nên để riêng một gói và dán nhãn bao bì.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng - Sức khỏe và Đời sống

Ngừa bệnh do thiếu vitamin và chất khoáng

Các vitamin (A, B, C, D...) và chất khoáng (sắt, kẽm...) có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Ví dụ, vitamin A tham gia vào hoạt động thị giác, giữ gìn chức phận của tế bào biểu mô trụ. Vitamin C có tác dụng làm tăng sức đề kháng của cơ thể, làm bền thành mạch. 
Sắt có mặt trong mọi tế bào và rất cần thiết trong việc duy trì sự khoẻ mạnh của hệ miễn dịch, các cơ và điều chỉnh sự phát triển của các tế bào. Hầu hết chất sắt được dự trữ trong hemoglobin và myoglobin - 2 tế bào protein máu đỏ có nhiệm vụ vận chuyển ôxy đến các mô và cơ trong cơ thể...
Mặc dù trong cơ thể, các vitamin và chất khoáng này chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra những rối loạn, phát sinh bệnh tật liên quan đến việc thiếu các vitamin và chất khoáng... 
Ví dụ, thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà; thiếu vitamin C giảm sức đề kháng, gây chứng chảy máu dưới da; thiếu vitamin B1 gây phù; thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh; thiếu canxi gây co giật tay chân hay thiếu kali gây rối loạn nhịp tim. 
Thiếu sắt thường tăng dần theo thời gian và có liên quan đến chế độ ăn kém hoặc mất máu nhiều. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, thiếu sắt gây thiếu máu. Các biểu hiện của thiếu sắt như: cơ thể yếu và mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, rụng tóc, đau đầu, móng yếu dễ gãy...
Chế độ ăn uống góp phần bổ sung vitamin và chất khoángChế độ ăn uống góp phần bổ sung vitamin và chất khoáng
Các vitamin và chất khoáng được cung cấp cho cơ thể qua thức ăn, nước uống hàng ngày. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hấp thu tốt và bữa ăn phong phú, đa dạng thì không sợ thiếu các chất này. 
Vì vậy, để phòng ngừa thiếu vitamin và chất khoáng, cần ăn uống thức ăn có chứa đầy đủ chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể như ăn đa dạng các loại rau, củ, quả, thịt, cá, tôm, cua... 
Đối với người già, bệnh nặng kéo dài, sức khỏe suy giảm..., nên bổ sung các vitamin và chất khoáng dưới dạng thuốc để đáp ứng nhu cầu về vitamin, chất khoáng của cơ thể. 
Tuy nhiên, bổ sung loại vitamin hay chất khoáng nào, liều lượng cần bổ sung bao nhiêu và uống trong thời gian bao lâu... cần do bác sĩ chỉ định để tránh dùng thừa.
Theo DS Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe và Đời sống


Cách phát hiện, phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc

Việc uống thuốc không theo chỉ định, không đúng cách có thể khiến bạn gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.


Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc đều có 2 mặt, bên cạnh tác dụng điều trị cũng có thể kèm theo tác dụng phụ mà người bệnh cần lưu ý.

Cách phát hiện tác dụng phụ của thuốc
Phản ứng phụ của thuốc là những tổn thương hoặc những đáp ứng không mong muốn đối với một loại thuốc được dùng với mục đích điều trị. Phản ứng phụ do thuốc có nhiều dạng khác nhau, phổ biến nhất là các tác dụng phụ liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc, biểu hiện dị ứng thuốc, nhiễm độc và tương tác thuốc.
Cách phát hiện, phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc.
Cách phát hiện, phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc.
Mặc dù hầu hết các phản ứng phụ do thuốc gây ra do các loại thuốc kê đơn như kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm giảm đau..., nhưng cũng có thể gặp do các thuốc bán không cần đơn, thuốc bổ, vitamin và thuốc thảo dược.
Các phản ứng phụ do thuốc, tùy từng dạng khác nhau, có thể nhẹ, thoáng qua và khó phát hiện nhưng cũng có thể rất nặng nề, đe dọa tính mạng hoặc gây tàn phế cho người bệnh, có thể biểu hiện tại chỗ hoặc toàn thân. Năm hệ cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các tác dụng phụ của thuốc là hệ da niêm mạc, hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch và các giác quan.
Các phản ứng dị ứng chiếm khoảng 10% tổng số các phản ứng phụ do thuốc. Biểu hiện dị ứng có thể từ mức độ nhẹ như nổi mày đay, sẩn ngứa đến mức độ nguy hiểm, đe dọa tính mạng như sốc phản vệ, hội chứng Lyell...
Các phản ứng phụ không liên quan đến cơ chế miễn dịch bao gồm biểu hiện không dung nạp thuốc, nhiễm độc thuốc, tương tác thuốc, tác dụng thứ phát và phản ứng đặc ứng do thuốc. Biểu hiện không dung nạp gây ra do sự quá nhạy cảm của cơ thể với các tác dụng dược lý thông thường của thuốc, xảy ra ngay cả khi đã giảm liều thuốc.
Một số tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra các hậu quả thứ phát cho người bệnh, ví dụ như các loại glucocorticoid gây suy giảm khả năng miễn dịch khiến người bệnh dễ mắc các loại nhiễm trùng như lao, virut herpes... Đôi khi, tác dụng thứ phát lại đem đến lợi ích cho người bệnh, ví dụ như paracetamol được dùng với mục đích hạ sốt nhưng lại có thêm tác dụng giảm đau.
Cách phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc
Trước hết cần có quan niệm đúng về thuốc: cho dù có quý hiếm, đắt tiền bao nhiêu thì thuốc vẫn là chất ngoại lai, chất lạ bắt cơ thể phải chọn lọc, chuyển hóa, hấp thu và đào thải. Một số thuốc gây tác dụng phụ ở mức độ khác nhau, một số khác có thể trở thành kháng nguyên gây cảm ứng, tạo tiền đề cho dị ứng khi bệnh nhân dùng lại thuốc đó. Vì vậy khi thật cần thiết mới dùng.
Khi đã dùng thuốc phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc về liều lượng, thời gian dùng. Ví dụ, số lần uống thuốc trong ngày, thời điểm uống thuốc (trước hoặc sau bữa ăn), kiêng kỵ ra sao... Những tuân thủ này không thể tùy tiện. 
Đối với một số thuốc, nhất là đối với bệnh nhân có cơ địa dị ứng lại càng phải có quy định chặt chẽ: thử phản ứng da trước khi tiêm, định kỳ kiểm tra máu, chức năng gan thận, nhằm phát hiện sớm những biến đổi bệnh lý có thể xảy ra.
Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam


Phê chuẩn thuốc generic esomeprazole đầu tiên

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ mới đây đã phê chuẩn phiên bản generic đầu tiên của thuốc nexium (esomeprazole) để chữa bệnh trào ngược dạ dày.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ mới đây đã phê chuẩn phiên bản generic đầu tiên của thuốc nexium (esomeprazole) để chữa bệnh trào ngược dạ dày (GERD) ở người trưởng thành và trẻ em từ 1 tuổi trở lên. 
Esomeprazole là thuốc ức chế bơm proton có tác dụng làm giảm lượng acid trong dạ dày, được dùng để giảm thiểu nguy cơ loét dạ dày khi sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chữa viêm dạ dày do Helicobacter pylori cùng với một số thuốc kháng sinh khác và điều trị hội chứng Zollinger-Ellison.
Các viên generic esomeprazole sẽ được phát cùng với một hướng dẫn sử dụng có các thông tin quan trọng về cách sử dụng và các nguy cơ của thuốc. Các nguy cơ lớn nhất là các vấn đề về dạ dày, bao gồm tiêu chảy nặng và một cảnh báo rằng những người uống nhiều liều thuốc ức chế bơm proton hàng ngày trong một thời gian dài có thể có nguy cơ nứt xương.
Một số phản ứng phụ thường gặp nhất trong các thử nghiệm lâm sàng bao gồm đau đầu, tiêu chảy, nôn mửa, đầy hơi, đau bụng, buồn ngủ, táo bón và khô miệng.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons