Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Rước bệnh vào người chỉ vì tự ý dùng thuốc sai cách

Thuốc tân dược luôn là con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng đúng cách thì có tác dụng tốt cho cơ thể, nếu dùng thuốc sai cách có thể gây tai biến và thậm chí dẫn đến tử vong.

Chỉ biết ôm con khóc

Theo chia sẻ của Chị N.T.N (Hải Dương), gia đình chị vừa trải qua sự hãi hùng khi tự ý dùng miếng dán chống xay tàu xe cho con mà không cần bác sĩ kê đơn, cũng như không đọc hướng dẫn trước khi sử dụng.

Vừa qua, trước khi về quê, chồng chị ra hiệu thuốc mua 1 miếng dán chống say để dùng cho con gái 6 tuổi. Vì chỉ mua 1 miếng nên chồng chị cũng không nhận được tờ hướng dẫn sử dụng và người bán thuốc cũng không căn dặn gì thêm.

Chị dán cho con từ 6h sáng, đến khoảng 11h trưa thì thấy mặt con ửng đỏ. Tưởng con bị say nắng nên chị cũng chỉ bắt con nghỉ ngơi. Đến khoảng 4h chiều chị bắt đấu thấy con có biểu hiện không bình thường: miệng nói nhảm, không nhận rõ vật, đi lại loạng quạng, thường bị đâm vào tường hoặc bàn ghế mà không biết, ngay cả bố mẹ con cũng bị nhầm là bạn bè. 

Hành động lúc thì nhanh nhưng lúc lại đờ đẫn nhưng người ngây dại. Những biểu hiện này ngày càng nặng hơn, bé liên tục nói nhảm, hành động vô thức, tự cào cấu mặt mũi, la hét, đi lại liên tục bị va vào các vật cứng. 

Những lúc như vậy chỉ biết ôm con khóc. Đưa con đi khám bác sĩ nói mắt của con chị bị giãn đồng tử mạnh nên cháu không nhìn rõ, tác dụng của thuốc làm cháu bị ảo giác và rối loạn tâm thần, càng về đêm tình trạng của con càng nặng hơn.

Sau khi bình tĩnh lại và cho rằng nguyên nhân có thể là do tác dụng phụ của miếng dán chống say, kiểm tra lại thông tin chị mới biết rằng miếng dán đó cấm dùng cho trẻ dưới 8 tuổi (người từ 8-15 tuổi chỉ nên dùng 1/2 miếng). Lúc này, các bác sỹ cũng chỉ khuyên cho con uống nhiều nước, dỗ con ngủ được thì sẽ nhanh đỡ hơn.

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, những trường hợp sau khi dùng miếng dán say tàu xe dẫn đến những tác phụ như trên không phải là hiếm. Miếng dán say xe là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Khi dán trên da, các dược chất sẽ thấm qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu. 

Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.

Nếu dùng thuốc quá liều, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ tác động đến hệ thần kinh, khiến người dùng bị khô miệng, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn hành vi, ảo giác... Do vậy, không được dán cao ở nơi da bị kích thích hay trầy xước, như thế sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất và có thể gây ngộ độc; không được dán lên mắt, niêm mạc, vùng da bị trầy xước, vùng da nổi mụn...

Đặc biệt không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8 - 15 tuổi thì chỉ dùng nửa miếng dán cho mỗi lần sử dụng.

dùng thuốc sai cáchThuốc tân dược luôn là con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng đúng cách thì có tác dụng tốt cho cơ thể, nếu dùng thuốc sai cách có thể gây tai biến và thậm chí dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa

Sử dụng thuốc cần có sự chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ

BS Huệ nhấn mạnh, không chỉ có thuốc chống say, việc tự ý mua thuốc điều trị bệnh mà khi thuốc không tương xứng với bệnh, dùng thuốc sai cách chẳng những bệnh không hết mà xảy ra hiện tượng nhờn thuốc. Hoặc dẫn đến bệnh có những triệu chứng khác thường sẽ rất khó trong điều trị.

Cùng quan điểm trên, theo Dược sĩ Vũ Thịnh, nếu tự ý dùng thuốc thì cực kỳ nguy hiểm nhất đối với trẻ con vì vậy khi sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ chúng ta cần tuân theo chỉ định nghiêm ngặt. Theo DS Thịnh miếng dán xe tàu xe thường dán vào chỗ huyệt nên ảnh hưởng đến dây thần kinh nên người rất mệt kể cả đối với người lớn, chứ không nói gì đến trẻ nhỏ chưa đủ độ tuổi sử dụng thì rất nguy hiểm.

Khi sử dụng miếng dán xe tàu DS Thịnh lưu ý khi sử dụng miếng dán say tàu xe khi xuống xe cần phải tháo ra ngay đặc biệt không để ngủ qua đêm sẽ không tốt cho sức khỏe.

 Không chỉ có miếng dán say tàu xe bất kỳ các loại thuốc điều trị hay thuốc sử dụng thông dụng, thuốc bôi ngoài da... chúng ta vẫn cần có hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ một cách chuẩn chỉ để tránh những tác dụng phụ xảy ra.

 Khi chưa biết chắc thuốc sử dụng thế nào theo nguyên tắc chúng ta cần hỏi thật kỹ bác sĩ hoặc dược sĩ về những tác dụng phụ khi bạn được bác sĩ kê toa và đọc kỹ nhãn từng loại thuốc.

 Đọc kỹ những khuyến cáo ghi rõ trên vỏ hộp của những loại thuốc không cần toa và tờ hướng dẫn sử dụng nằm bên trong vỏ hộp của những loại thuốc bắt buộc kê toa. Cần lưu ý khi thấy thuốc ghi những cảnh báo như: gây buồn ngủ, xây xẩm, chóng mặt...

Đối với phụ nữ có thai, phụ nữ trong thời kỳ cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất thiết khi sử dụng thuốc tân dược phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. 

Uống thuốc viên có nên ngậm?

Trước đây ngành dược có bào chế thuốc viên bao đường (nay gần như rất ít dùng dạng thuốc này), khi uống thấy có vị ngọt nên nhiều người nghĩ thuốc viên uống có thể ngậm như ngậm kẹo.

Thật ra, chỉ có thuốc viên được ghi rõ là "dùng bằng cách ngậm" thì mới ngậm chứ các loại thuốc viên khác là không được ngậm. Cũng cần lưu ý, có khá nhiều trường hợp không được ngậm viên thuốc uống và cũng không được phân nhỏ thuốc viên nén ra hoặc không mở viên nang để lấy bột, vi hạt bên trong để sử dụng. Vì làm như vậy không chỉ giảm chất lượng điều trị của thuốc mà còn có thể gây tai biến do thuốc.
Thuốc viên ngậm là thuốc người dùng không nuốt mà giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ. 
Thuốc viên ngậm ở khoang miệng, thường ở vị trí giữa miệng và răng, sẽ cho tác dụng tại chỗ như gây tê giảm đau, sát trùng, làm thơm (như viên tyrothricin sát trùng miệng họng). 
Còn thuốc ngậm dưới lưỡi không được nghiền, bẻ nhỏ mà phải giữ nguyên vẹn để đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan (như viên nitroglycerin, sorbitrate sublingual trị đau thắt ngực, dihydroergotamin (ergomar) trị nhức nửa đầu, alphachymotrypsin chống viêm dạng men).
Sau đây là một số dạng thuốc không được ngậm mà cần uống nguyên viên thuốc:
Dạng thuốc bao tan ở ruột: Đây là dạng thuốc giúp thuốc không tan rã ở dạ dày mà chỉ tan rã ở đầu ruột non (tá tràng) và phóng thích dược chất ở ruột. Mục đích của thuốc bao tan ở ruột là:
- Ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày gây hại cho niêm mạc dạ dày, thí dụ viên nén bao tan ở ruột Aspirin pH8.
- Ngăn ngừa dược chất bị hủy hoại bởi axít dịch vị, thí dụ viên nang zymoplex chứa các vi hạt bao tan ở ruột, thực chất vi hạt chứa dược chất pancreatin là các enzym tuyến tụy (còn gọi là men tiêu hóa giúp cho việc tiêu hóa thức ăn) bị hủy hoại nếu tiếp xúc với axít dịch vị ở dạ dày và cả nước bọt ở miệng.
Nếu ngậm thuốc viên bao tan ở ruột sẽ làm hỏng lớp bao và làm hại thuốc.
Dạng thuốc phóng thích dược chất kéo dài: Đây là dạng thuốc thường có bao một lớp màng mỏng đặc biệt, sẽ phóng thích dược chất trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài (phóng thích dược chất suốt 12 hoặc 24h, vì vậy chỉ cần uống thuốc 1 hoặc 2 lần trong ngày thay vì uống 3-4 lần đối với dạng thuốc cổ điển cho tác dụng nhanh).
Thuốc này cũng vậy, nếu ngậm thuốc sẽ làm hỏng lớp bao và làm thuốc phóng thích dược chất ồ ạt gây quá liều sẽ rất có hại.
Nên lưu ý chữ viết tắt sau tên thuốc sẽ cho biết dạng thuốc "phóng thích dược chất kéo dài" hoặc "cho tác dụng chậm, cho tác dụng lặp lại, cho tác dụng được kiểm soát" như: Adalate LA (LA: Libération Allongée, Long Acting), Procan SR (SR: Sustained Release), Adalat Retard, Polaramine Repetabs (Repetabs: Repeat-Action Tablets), Carbiset TR (TR: Time Release), Dilacor XR (XR: Extended Release), Dimetapp Extentabs, Ditropan XL (XL: Extended Release), Dina Cire CR (CR: Controlled Release)…
Dạng thuốc sủi bọt: Đây là dạng thuốc phải giữ nguyên viên, thậm chí phải bảo quản thuốc thật tốt, tránh hút ẩm; chỉ uống sau khi hòa tan trong lượng nước vừa đủ để sủi bọt và tan hết hoàn toàn. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống và càng không được ngậm.
Thuốc chứa dược chất rất đắng: Betapen-VK, Cipro, Ceftin, Desyrel, Equanil… là thuốc phải uống nguyên vẹn viên. Nếu bẻ nhỏ, nghiền nát hay chỉ cần ngậm, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Người lao động

Người cao huyết áp thận trọng khi dùng thuốc gì?

Mục tiêu điều trị cao huyết áp là hạ huyết áp (HA) đến mức mục tiêu, nhằm hạn chế các biến chứng.

Các thuốc thông thường dùng chữa các bệnh khác có thể gây tăng huyết áp làm giảm hiệu lực của thuốc hạ huyết áp đang dùng.
Khi điều trị cho người mắc cả hai bệnh cao huyết áp, đái tháo đường thì buộc phải dùng cùng lúc hai loại thuốc này. Thầy thuốc tính liều phối hợp thích hợp để không gây ra tụt huyết áp. 
Người bệnh cần tuân thủ liều này, đồng thời phải giữ chế độ ăn ổn định (không bỏ bữa, không ăn ít hơn) giữ chế độ luyên tập ổn định (không lao động nặng, không luyện tập quá mức) để tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp.
Các thuốc thông thường gây tăng huyết áp
Corticoid: Tác động lên sự chuyển hóa giữ muối và nước, làm cho nước trong máu trong dịch gian bào tăng, làm tăng glucose - máu… dẫn tới tăng huyết áp. 
Các corticoid nội sinh như: cortisol do tuyến thượng thận sản xuất ra hay chất tương đương có tác động trên chuyển hóa mạnh, nên gây ra tác dụng không mong muốn này mạnh hơn các chế phẩm bán tổng hợp vốn ít tác động lên quá trình chuyển hóa. Cả hai loại khi dùng liều cao, kéo dài đều gây ra tác dụng không mong muốn này.
Cách khắc phục: nếu chỉ bị dị ứng nhẹ chỉ nên dùng các thuốc chống dị ứng như: chlopheniramin, alimemazin fexofenadin, cetirizin. 
Khi bị hen, không dùng corticoid tiêm, uống để kiểm soát hen mà dùng corticoid hít vì dạng bào chế này chỉ dùng với liều thấp, chủ yếu có tác dụng tại chỗ. 
Khi cần phải dùng corticoid thì chỉ dùng liều vừa đủ, dưới 10 ngày. Nếu bị bệnh tự miễn buộc phải dùng corticoid kéo dài thì chỉ dùng liều vừa đủ, trong từng đợt ngắn, cách quãng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Các chất cường giao cảm, như: ephedrin trong thuốc chữa hen; phenylephrin, pseudoephedrin trong thuốc cảm OTC. Các chất này làm giãn phế quản nên đỡ nghẹt mũi, sổ mũi làm cho người bệnh dễ chịu, song có tính cường giao cảm làm cho tim đập nhanh, co mạch ngoại vi, gây tăng huyết áp.
Người cao huyết áp tránh và thận trọng dùng thuốc thông thường gì?
Cách khắc phục: khi bị hen nên kiểm soát hen bằng corticoid hít mà không dùng ephedrin, khi bị cảm nên dùng thuốc hạ nhiệt đơn paracetamol không nên dùng thuốc cảm OTC. Nếu cần thiết dùng thuốc cảm OTC chỉ nên dùng liều vừa đủ, một đợt ngắn 2 - 5 ngày, không nên dùng liều cao, kéo dài.
Thuốc chống trầm cảm IMAO: ức chế enzyme monoaminooxydase (MAO), là enzyme gây hủy các chất dẫn truyền thần kinh nên làm bền các chất này, làm cho các chất này trong synap phục hồi lại ngưỡng bình thường, có tác dụng chống trầm cảm. 
Nhưng enzyme MAO có ở nơi khác như enzyme MAO ức chế việc sản xuất tyramin. IMAO ức chế MAO ở các bộ phận khác làm tăng tyramin một chất làm tăng HA, gây cơn đau đầu dữ dội. 
Như vậy, bản thân IMAO vốn có tiềm năng làm tăng HA. Khi dùng IMAO liều vừa đủ thì IMAO chỉ phục hồi các chất dẫn truyền về ngưỡng bình thường mà không làm cho cơ thể sản xuất thêm các chất dẫn truyền thần kinh nên chỉ có tác dụng chống trầm cảm. 
Khi dùng IMAO liều cao thì IMAO còn ức chế các MAO ở các bộ phận khác, hay khi dùng IMAO với các chất cường giao cảm vốn có tính năng làm cho tim đập nhanh, co mạch ngoại vì… thì sẽ gây tăng HA.
Cách khắc phục: không dùng IMAO liều cao hơn liều tối ưu dùng chống trầm cảm, không dùng IMAO với các chất cường giao cảm.
Kháng viêm không steroid: một số nhóm thuốc chữa CHA như chẹn beta, ức chế men chuyển kích thích tổng hợp chất prosataglandin, một chất gây giãn mạch nên làm hạ HA. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) sức chế sự sản xuất prostaglandin làm giảm hiệu lực hạ huyết áp của thuốc chẹn beta, ức chế men chuyển.
Cách khắc phục: nên tránh dùng chung hai loại thuốc này.
Thuốc co mạch: trừ phân nhóm 1 của chẹn beta có tác dụng chẹn chọn lọc beta-1, giảm lượng máu từ tim tống ra động mạch nên làm hạ huyết áp, còn hầu hết các nhóm thuốc chữa CHA còn lại đều làm hạ HA thông qua việc làm giãn mạch ngoại vi trực tiếp hay gián tiếp. 
Thuốc co mạch như ergotamin làm co mạch ngoại vi, ngược lại với cơ chế làm hạ huyết áp, nên làm giảm hiệu lực hạ HA của các nhóm thuốc trên.
Cách khắc phục: không nên dùng chung thuốc chữa cao huyết áp với thuốc co mạch.
Thức ăn và thuốc chứa nhiều ion natri (Na+): khi nghiên cứu nhóm chuột bị cao huyết áp di truyền thấy Na+ trong sợi cơ trơn thành tiểu động mạch của chúng có nhiều Na+ hơn trong cơ trơn thành tiểu động mạch của nhóm chuột chứng không bị cao HA. 
Na+ không gây co cơ trơn thành tiểu động mạch nhưng kéo theo Ca+2 vào nội bào. Chính Ca+2 khi vào nội bào nhiều thì sẽ gắn kết với phức tropomin C, làm thay đổi cấu trúc không gian của phức này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với myosin gây nên co cơ. 
Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng sẽ cản trở lưu thông máu, dẫn tới cao huyết áp. Như vậy sự tồn tại nhiều Na+ trong nội bào cơ trơn thành tiểu động mạch không lợi cho chuột bị cao huyết áp.
Vì Na+ có vai trò gián tiếp làm tăng sự co cơ, có thể không có lợi cho người cao huyết áp, nên khuyến cáo người bị cao huyết áp không nên ăn mặn (muối Natrichlorid = NaCl). 
Ví dụ: một năm một người miền biển ăn khoảng 6.000g muối (16g/ngày), miền đồng bằng ăn khoảng 5.000g muối (13,5g/ngày). Người sinh ra lớn lên ở vùng nào thì không nên ăn muối vượt mức ăn trung bình của vùng đó. 
Thí dụ thang dinh dưỡng Việt Nam (2013) khuyến cáo mức ăn hạn chế muối dưới 10g/ngày. Nhiều người cao huyết áp chưa hiểu rõ điều này, tạo ra chế độ ăn nhạt, rất bất tiện, rất khổ vì ăn nhạt rất khó, không cảm thấy ngon. Cũng nên biết, người cao huyết áp cũng cần đủ Na+ để thiết lập hệ cân bằng nội môi, nên ăn quá nhạt, không đủ Na+ sẽ có hại.
Tất cả các chất chứa nhiều Na+ như các loại viên hay dung dịch sủi bọt (chưa NAHCO3) thuốc chữa đau dạ dày (chứa NAHCO3, Na2CO3), mì chính (chữa natriglutamat) đều làm tăng Na+, không lợi cho người cao HA chứ không riêng gì muối ăn (NaCl). 
Mỗi ngày giảm ăn 1g muối thì chỉ giảm được 390mg Na+ nhưng uống một viên sủi canxium sandor thì đưa thêm vào cơ thể 290mg Na+, dùng một thìa cà phê mì chính thì đưa vào cơ thể thêm tới 680mg Na+. Nhiều người kiêng ăn mặn (NaCl) mà vẫn thừa Na+ là vì dùng các chất này.
Cách khắc phục: ăn hạn chế muối, không dùng thái quá các loại viên sủi (như dùng viên sủi C để giải khát thường xuyên), không nên dùng thuốc chữa dạ dày chứa Na2CO3 mà nên làm giảm tiết dịch vị bằng chất khác.
Thuốc gây hạ huyết áp
Thuốc lợi tiểu: thuốc này dùng trong điều trị cao huyết áp. Nhưng trong điều trị cao huyết áp, người ta dùng cơ chế hạ HA do ức chế protein vận chuyển natri - chlor qua trung gian giãn mạch, nên chỉ cần dùng liều nhỏ là đã có hiệu lực hạ HA mà không gây mất nước, mất K+ nhiều, nên không gây tụt huyết áp, không hại cho tim mạch(thiazid dùng 100mg/ngày, indapamid dùng 2 - 5mg/ngày). 
Song nếu dùng lợi tiểu với liều cao hay khi phối hợp lợi tiểu với các thuốc chữa CHA khác không tính toán kỹ thì có thể gây mất nhiều nước mất nhiều K+ gây ra tụt huyết áp gây hại cho tim mạch.
Cách khắc phục: khi dùng lợi tiểu đơn trị liệu thì chỉ cần dùng liều nhỏ vừa đủ gây hạ HA (lúc đầu dùng liều thấp rồi tăng dần đến liều có hiệu lực). Khi dùng lợi tiểu trong trị liệu phối hợp thì cần tính toán kỹ để cộng hợp cả hiệu lực hạ HA của lợi tiểu và thuốc khác chỉ đưa HA về mức HA mục tiêu mà không gây tụt HA. 
Có hai cách: hoặc dùng lợi tiểu trước sau đó nghỉ dùng thuốc lợi tiểu vài ba ngày rồi mới dùng thuốc hạ HA khác (như chẹn beta) hoặc nếu phối hợp cùng lúc thì phải phối hợp dần dần thuốc lợi tiểu (lúc đầu phối hợp liều thấp, sau đó tăng dần liều phối hợp đến mức đạt được yêu cầu).
Thuốc giãn mạch: các thuốc chữa cao huyết áp do gây giãn mạch gián tiếp hay trực tiếp mà làm hạ HA. Các thuốc như glyceryl trinitrat, isosorbid cũng gây giãn mạch. Nếu phối hợp thuốc chữa cao huyết áp với thuốc giãn mạch thì hai thuốc này cộng hợp cơ chế giãn mạch, gây ra tụt HA đột ngột.
Cách khắc phục: số thuốc giãn mạch được dùng trong bệnh tim mạch như dùng trong bệnh mạch vành. Nếu người cao huyết áp có nhu cầu dùng cả thuốc hạ HA lẫn thuốc giãn mạch thì cần dùng liều phối hợp thận trọng để không gây ra tụt HA đột ngột.
Thuốc đái tháo đường: thuốc đái tháo đường týp 1 (insulin tiêm) hoặc thuốc đái tháo đường týp 2 (uống) đều làm hạ glucose - máu dẫn đến làm hạ HA, nếu dùng liều cao (quá liều chỉ định) có thể gây tụt HA mạnh.
Cách khắc phục: khi điều trị cho người mắc cả hai bệnh cao huyết áp, đái tháo đường thì buộc phải dùng cùng lúc hai loại thuốc này. Thầy thuốc tính liều phối hợp thích hợp để không gây ra tụt HA. 
Người bệnh cần tuân thủ liều này, đồng thời phải giữ chế độ ăn ổn định (không bỏ bữa, không ăn ít hơn) giữ chế độ luyên tập ổn định (không lao động nặng, không luyện tập quá mức) để tránh hạ đường huyết, tụt HA.
Những thuốc thông thường gây tăng hay gây giảm HA nói trên không phải là chống chỉ định với người cao huyết áp nhưng không lợi cho người cao huyết áp, có trường hợp nên tránh dùng nếu có thể được), có trường hợp phải dùng thận trọng (nếu cần) nhằm hạn chế tác dụng không mong muốn, gây ảnh hưởng không lợi đến việc điều trị cao huyết áp.

Bí mật choáng về màu sắc, hình dáng của viên thuốc

Không phải ngẫu nhiên các viên thuốc lại có màu sắc và hình dáng như bạn thấy. Hãy cùng khám phá bí ẩn màu sắc và hình dáng của chúng.

Viên thuốc ngừa thai có thể làm teo não?

Các viên thuốc ngừa thai từng được biết đến là gây dao động tâm trạng, tăng cân và buồn nôn.

Giờ đây một nghiên cứu mới khẳng định có thể có một tác dụng phụ gây rối loạn khác; nó có thể làm teo não của bạn.
pill_1
Các nhà thần kinh học đã phát hiện ra rằng hai vùng não chịu trách nhiệm đối với cảm xúc và ra quyết định trở nên nhỏ hơn ở những người dùng thuốc ngừa thai.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH California, Los Angeles cho rằng vỏ não vùng trán hốc mắt và võ não vành đai sau có thể teo lại trong phản ứng với các hormone tổng hợp tìm thấy trong thuốc.
Các chất nhân tạo trong thuốc ngăn chận các hormone tự nhiên, gây ra các thay đổi hình dạng và chức năng não, theo nghiên cứu trong tạp chí Human Brain Mapping.
Trong nghiên cứu này, tác giả chính Nicole Petersen tuyển 90 phụ nữ, với 44 phụ nữ đang kiểm soát sinh đẻ bằng nhiều hình thức và 46 phụ nữ không dùng bất kỳ loại kiểm soát sinh đẻ dạng hormone nào.
Các hình ảnh quét não cho thấy não vùng trán hốc mắt – chịu trách nhiệm ra quyết định, và não vành đai sau – tạo ra các cảm xúc, trở nên nhỏ hơn trung bình ở những người dùng thuốc ngừa thai.
Các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn việc teo lại có vĩnh viễn hay không, và giờ đây đang có kế hoạch cho các nghiên cứu xa hơn để tìm cho ra.
Nghiên cứu cũng không thể tìm ra liệu những thay đổi về độ dày của võ não có được phản ánh trong bất kỳ thay đổi thực tế nào trong hành vi của phụ nữ dùng thuốc ngừa thai.
“Các nghiên cứu trong tương lai sẽ là cần thiết đế đánh giá liệu các phản ứng được báo cáo ở đây có tồn tại trong suốt tuần không hoạt dụng thuốc ngừa thai, có kéo dài qua nhiều tuần, tháng, năm, hoặc vĩnh viễn hay không,” các tác giả viết.
Trong một nghiên cứu riêng trong tháng trước, các nhà khoa học nhận thấy rằng uống viên thuốc ngừa thai tăng gấp ba lần nguy cơ phát triển một bệnh nan y trong hệ tiêu hoá.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện các hormone sinh dục trong các viên ngừa thai có thể làm suy yếu đường ruột, tạo ra những điều kiện hoàn hảo cho bệnh Crohn’s (hội chứng viêm ruột) phát triển.
Các bác sĩ cũng e ngại rằng liên tục sử dụng viên thuốc sáng hôm sau – có chứa các liều hormone sinh dục cao so với viên thuốc uống hàng ngày – có thể làm cho phụ nữ dễ mắc bệnh đó hơn.
TS Hamed Khalili, một chuyên gia về tiêu hoá ở Harvard, cho rằng các ca Crohn’s đã tăng lên hai hoặc ba lần trong 50 năm qua, kể từ khi việc sử dụng phổ biến viên ngừa thai bắt đầu.
Theo Khởi Thức - Thế giới tiếp thị/ Nông thôn ngày nay

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Nguy hiểm từ việc dùng thuốc sai cách

Dùng liều cao cho nhanh khỏi
Nhiều người muốn dứt bệnh nhanh nên cố dùng liều cao. Khi dùng thuốc quá liều, nhất là thuốc kháng sinh có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới việc chẩn đoán, điều trị. Chẳng hạn, bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán. Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận. 
Tình trạng lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế.
Nguy hiểm từ việc dùng thuốc sai cách.Nguy hiểm từ việc dùng thuốc sai cách

Uống nhầm liều lượng

Thuốc được kê bằng nhiều đơn vị đo lường khác nhau, các đơn vị thường được viết tắt và chỉ cần nhầm lẫn một dấu chấm thôi thì cũng đủ gây họa, chẳng hạn 1.0 mg và 10 mg. Sự nhầm lẫn thường xảy ra nhất ở đơn vị microgram (mcg) và milligram (mg, 1 mg = 1.000 mcg).
Điều này thường xảy ra ở bệnh viện khi bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch và cũng thường gặp ở bệnh nhân ngoại trú. Vì vậy, bác sĩ cần viết chữ rõ ràng trên toa thuốc.
Uống thuốc không dùng nước
Một số người có thói quen cho viên thuốc vào cổ họng rồi nuốt chửng. Các nhà khoa học trên trang The Health khuyến cáo, cách uống này thiếu khoa học, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các bệnh khác.
Cụ thể khi nuốt thuốc không dùng nước, một số loại thuốc có bao nang với độ bám dính cao sẽ nằm lại trên thành thực quản. Khoảng thời gian lưu lại ở đây càng lâu thì nguy cơ thuốc có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản càng cao, gây bệnh, trong một số trường hợp thuốc có dược tính cao có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Mặt khác, một số nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy việc uống thuốc không dùng nước có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Bởi về cơ chế, thuốc cần được nghiền nát trong dạ dày rồi mới theo máu hấp thụ vào cơ thể. Do đó khi uống với nước sẽ giúp đẩy thuốc đi qua cổ họng và thực quản, đến dạ dày nhanh hơn, từ đó thúc đẩy quá trình hấp thụ vào cơ thể, nâng cao hiệu quả của thuốc.
Qua những phân tích trên, các nhà khoa học khuyên mọi người nên dùng nước để uống thuốc và phải uống cho đủ nước. Tốt nhất hãy dùng nước lọc, hạn chế dùng nước ngọt có gas hoặc các loại nước trái cây khi uống thuốc.
Dùng thuốc không an toàn so với độ tuổi
Khi lớn tuổi, cơ thể chúng ta xử lý thuốc hoàn toàn khác với khi chúng ta còn trẻ. Người cao tuổi còn bị "dính" thêm nhiều vấn nạn khác như mất trí, xây xẩm, dễ té ngã, huyết áp cao...
Vì vậy, những loại thuốc gây ra tác dụng phụ như trên càng làm tần suất rủi ro tăng cao, nhất là những người bước qua tuổi 65. Nhà thuốc nên giúp bệnh nhân uống thuốc thuận lợi bằng cách chia liều thuốc sẵn trong một dụng cụ để uống trong tuần.
Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam

Mù lòa vì thuốc nhỏ mắt

5,7% trên tổng số 140.000 người bị mù ở nước ta là do bệnh glôcôm (1 trong 3 nguyên hàng đâu gây mù mắt, sau đục thủy tinh thể và bệnh đáy mắt).


thuoc-nho-mat
Mắc bệnh vì thiếu hiểu biết
Thời gian trước, hai mắt chị Lâm Thị Hiền 32 tuổi (Q. Tân Bình, TPHCM) bị viêm nhiễm dẫn đến đau mắt đỏ. Đinh ninh là do đi đường nhiều bụi khói nên bị đau mắt, chị ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ. Sau một tuần, mắt hết đau, hết đỏ. Thấy sử dụng thuốc nhỏ mắt vừa tẩy rửa được bụi bẩn, hiệu quả mà ít tốn tiền, nên chị thủ sẵn một lọ, lúc nào cần thì đưa ra nhỏ.
Nhưng gần đây, hai mắt chị Hiền thường xuyên bị đau nhức, cơn đau nhiều khi lan cả hai bên thái dương, đôi khi cảm giác như trời đất tối sầm lại, không nhìn rõ đường đi rồi lại từ từ sáng lại. Khi triệu chứng này lặp lại với thường xuyên hơn chị mới vội vàng đi gặp bác sỹ. Bác sỹ kết luận chị bị thiên đầu thống (còn gọi là bệnh glôcôm) do sử dụng thuốc nhỏ mắt quá nhiều.
Theo BS Nguyễn Thị Quỳnh (Khoa Khám bệnh, Viện Mắt Trung ương): Mắc thiên đầu thống vì thuốc nhỏ mắt không phải là hiếm gặp, rất nhiều bệnh nhân khi bị đau mắt đỏ, ngứa mắt, cộm mắt đã tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt về tự chữa. 
Thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid nên nhanh chóng làm giảm các triệu chứng đau, cộm, đỏ ở mắt. Nhưng nếu sử dụng liên tục trong nhiều tháng, sẽ làm áp lực trong mắt tăng cao dẫn tới bệnh thiên đầu thống, mà bệnh nhân không hề biết. Chỉ đến khi, mắt đục dần thì bệnh nhân mới chịu đến bệnh viện kiểm tra.
Nguy cơ bị mù vĩnh viễn
Theo kết quả điều tra của BV Mặt TW, nguy cơ mù mắt do bệnh thiên đầu thống rất cao, chỉ đứng sau bệnh đục thủy tinh thể. Nhưng bệnh này lại nguy hiểm hơn đục tinh thể vì bệnh nhân thường chủ quan nên khi phát hiện ra bệnh thì đã quá nặng. 
Lúc này chỉ có thể điều trị tạm thời, khó chữa dứt điểm và thường hay bị tái đi tái lại nhiều lần tốn kém tiền bạc. Bệnh làm lõm, teo đầu dây thần kinh thị giác gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị.
BS Nguyễn Thị Quỳnh khuyến cáo, "bệnh nhân không nên mua loại thuốc nhỏ mắt chứa thành phần corticoid vì loại này chỉ có tác dụng chữa trị viêm nhiễm nhất thời, nếu dùng lâu dài sẽ gây tăng áp lực trong mắt khiến mắt bị đục dần. Phương pháp rửa mắt an toàn nhất là nhỏ nước muối sinh lý, như thế sẽ hạn chế được tác nhân gây bệnh cho mắt".
Bạn nên đi khám khi mắt có những biểu hiện như đau nhức mắt, đau lan lên đầu, có thể gây buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ, quầng xanh đỏ... Tuy nhiên có trường hợp mắc bệnh nhưng không có biểu hiện. Những người từ 35 tuổi trở lên, người thường xuyên sử dụng thuốc nhỏ mắt, người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp… là các đối tượng nằm trong tầm ngắm của căn bệnh này.
Theo Thảo Nguyên - Sức khỏe gia đình
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons