"Trường phái" không kháng sinh
Trường phái này xuất phát từ quan điểm: uống thuốc, dù đúng liều, đúng bệnh cũng không tốt; "can thiệp" sớm bằng thuốc là tước mất "công ăn việc làm" của hệ miễn dịch; chưa so tài cao thấp với các loại vi trùng gây bệnh đã có "tiếp viện" là kháng sinh thì cơ thể sẽ yếu ớt, dễ nhiễm bệnh. Đáng sợ hơn cả là tác dụng phụ của thuốc. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ khiến phần lớn phụ huynh ngần ngại khi cho con uống thuốc.
Chẳng hạn, kháng sinh sẽ gây tai biến cho cơ thể như: dị ứng, nhiễm độc các cơ quan, tiêu chảy. Tác hại thứ hai nghiêm trọng hơn là nếu sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, sẽ gây hiện tượng vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Thực tế cho thấy, có nhiều thuốc kháng sinh hiệu quả trong điều trị trước kia nay đã bị nhiều loại vi khuẩn "lờn mặt", uống vào cũng như không. Vì vậy, khi nhiễm bệnh, phải mua thuốc kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền hơn mới hết bệnh.
Do đó, không ít phụ huynh ngại cho con dùng kháng sinh. Thậm chí có người tự quyết định không dùng để tạo cơ hội cho hệ miễn dịch "đánh đông dẹp bắc"… Tuy nhiên, khi không dùng kháng sinh, không ít phụ huynh đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, dưới dây là những trường hợp từ thực tế:
Một cô con dâu bị mẹ chồng mắng vì không dùng kháng sinh tâm sự: "Khi con bệnh, tôi cho cháu đến một bác sĩ (BS) có uy tín và được tiếng là không lạm dụng kháng sinh. Bé bị ho, đi khám BS chỉ chẩn đoán viêm mũi, họng rồi cho nước biển về xịt và uống thuốc ho. Kết quả là gần một tháng cháu không khỏi. Khi tái khám, BS kiểm tra họng và tai rồi cho biết: vẫn bình thường.
Thấy bé không ổn, hay rên la và ho nhiều, tôi đưa bé đi khám BS khác thì hóa ra con đã bị viêm tai giữa mất rồi. Trước đây tôi luôn ủng hộ trường phái hạn chế dùng kháng sinh, để cơ thể tự đề kháng, bây giờ thì tôi không biết làm sao, cái nào đúng, cái nào sai? Đã thế, tôi còn bị mẹ chồng mắng cho một trận là hành con, để con ốm tới ốm lui, người như dải khoai!".
Một người mẹ khác kể: "Con trai tôi ho từ tuần trước, bình thường cứ ho là ông bà bắt uống kháng sinh. Nhưng lần này tôi kiên trì làm theo hướng dẫn của bạn bè: ngâm chân bé vào nước ấm, giữ ấm cổ, rửa mũi bằng nước muối... Không hiểu tôi có làm sai công đoạn nào không mà sang ngày thứ năm bé ho dữ dội. Ông bà ngoại xót cháu, mắng cho tôi một trận. Cuối cùng, tôi đành im lặng đưa con đi BS và bắt đầu cho cháu uống kháng sinh, mặc dù thật lòng không muốn".
Cũng có người coi việc cho trẻ uống nhiều kháng sinh là chuyện chẳng đặng đừng. "Con tôi cứ húng hắng ho, uống siro hôm nay thì mai phổi đã "ran rít, cọt kẹt" mặc dù không sổ mũi, không sốt. Lần nào bệnh cháu cũng phải uống Klacid, Cefimex... Tôi cũng chịu khó xịt rửa mũi cho con hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm bàn chân, lau mồ hôi lúc con ngủ nhưng lần nào giữ lâu thì năm tháng cháu phải uống kháng sinh một lần, có khi chỉ sau hai tháng lại uống. Khổ ghê!".
"Trường phái" lạm dụng và tùy tiện ?
Theo BS Cao Xuân Minh - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (TP.HCM) thì các nước trên thế giới quản lý kháng sinh rất chặt chẽ, các nhà thuốc chỉ bán khi có toa BS. Ở nước ta ngược lại, các nhà thuốc bán đủ loại kháng sinh mà không cần hỏi giấy BS. Sai lầm lớn nhất mà đa phần mắc phải là ra nhà thuốc kể bệnh và dùng thuốc của nhân viên bán hàng. Việc sử dụng thuốc này dẫn đến hàng loạt sai lầm sau:
- Bệnh cảm, cúm, nhiễm virus thông thường chưa cần dùng kháng sinh đã dùng. Đây là cách mà chúng ta "tập trận" cho vi khuẩn bình thường, đến khi chúng đủ "binh mã" gây bệnh thì thuốc đã lờn, uống vào cũng không tác dụng. Hiện đã có những bệnh ngoài cộng đồng khi vào bệnh viện đã đa kháng thuốc, ví dụ như bệnh viêm phổi cộng đồng. Thậm chí có những bệnh không đáp ứng điều trị. Dùng không đúng loại kháng sinh, không đúng liều, không đúng thời gian cũng dẫn đến lờn thuốc.
- Cũng có trường hợp tuy đưa con đi BS điều trị bệnh nhưng mắc sai lầm trong sử dụng thuốc theo toa. Cụ thể, khi thấy bé hết bệnh, phụ huynh thường tự ý ngưng không cho con dùng cho đến hết toa, phần vì ngại con uống nhiều thuốc quá hại gan thận, phần tiết kiệm chi phí. Song, đây là sai lầm cần tránh vì thuốc dùng không đủ liều sẽ gây lờn thuốc. Như vậy, bản thân kháng sinh không có "tội", mà chỉ trở nên nguy hiểm khi bị dùng sai, lạm dụng.
- Khi con ốm, cần theo dõi kỹ bệnh tình. Trợ thủ tốt nhất cho các BS nhi khoa là các bậc cha mẹ. BS chỉ khám bệnh căn cứ vào triệu chứng và lời khai bệnh, nhưng đa số các bé không biết nói hoặc biết cũng không nói được những gì bé đang cảm nhận. Vì thế, cha mẹ cần để ý triệu chứng của bé để cung cấp thông tin giúp BS chẩn bệnh.
Dùng sao cho đúng?
Kháng sinh ra đời đã cứu hàng tỷ sinh mệnh. Do đó điều cần làm không phải là cự tuyệt hay hạn chế hoặc lạm dụng, mà là dùng thế nào cho đúng? Theo BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khối Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TPHCM, BS chỉ cho kháng sinh khi có ổ nhiễm trùng.
Khi BS chẩn đoán sốt siêu vi thường sẽ không kê đơn thuốc có kháng sinh. Nhưng có không ít trường hợp khởi đầu là nhiễm siêu vi, nhưng khi đề kháng của bé giảm trong quá trình bị bệnh lại không được chăm sóc kỹ lưỡng, cộng thêm thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nên bị bội nhiễm trên nền nhiễm siêu vi, buộc phải điều trị kháng sinh.
Ngoài sốt siêu vi thông thường, có nhiều loại siêu vi gây bệnh trầm trọng có thể tử vong nếu không phát hiện kịp thời như: sốt xuất huyết, viêm não, tay-chân-miệng…
Vì vậy, cần theo dõi bé thật kỹ. Nếu bé sốt, cho uống thuốc hạ sốt. Nếu nhiệt độ hạ, bé tươi tỉnh, vui chơi ăn uống bình thường, khỏe dần thì tốt; nhưng nếu uống thuốc hạ sốt mà không hạ, bé vẫn li bì, ói mửa, bỏ ăn, bỏ bú, bỏ chơi thì dù bệnh ngày đầu tiên cũng cần đi đến BS chuyên khoa. Ngay cả trường hợp bệnh đường tiêu hóa, sau khi cho uống bù nước mà thấy bé sốt cao lừ đừ thì cần đi cấp cứu vì có những con vi trùng độc lực mạnh, gây nhiễm trùng máu, dẫn đến tử vong
Một số loại thuốc các mẹ cho con uống được như: thuốc bổ, nước muối sinh lý nhỏ mắt nhỏ mũi, thuốc hạ sốt theo cân nặng… nhưng với kháng sinh thì bắt buộc phải có chỉ định của BS, đặc biệt là BS chuyên khoa. Ngay cả việc dùng kháng sinh cũng có quy luật, mỗi nhóm vi khuẩn có kháng sinh điều trị riêng. Khi dùng thuốc không giảm, BS sẽ đổi kháng sinh. Phụ huynh cho bé dùng kháng sinh thì cần dùng đúng theo chỉ định của BS về thời gian, tối thiểu từ năm-bảy ngày.
Rèn kháng thể cho bé
Việc rèn kháng thể cho bé cần thực hiện từ khi bé khỏe mới có tác dụng giữ gìn sức khỏe, chống lại bệnh tật khi dịch bệnh bùng phát.
- Cho bé bú sữa mẹ trong năm đầu đời. Đây là nguồn kháng thể cho con mà không một ai có thể tặng cho bé ngoài mẹ. Tận dụng sữa mẹ ngay từ những giọt đầu tiên sau khi bé chào đời.
- Thức ăn nấu xong, để ấm cho bé dùng ngay, không dùng thức ăn hâm đi hâm lại hoặc mua ở hàng quán vì dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, làm kiệt quệ sức đề kháng và sự phát triển của bé. Cho bé dùng thêm sữa chua, giúp bé tiêu hóa tốt.
- Tập cho con những thói quen tốt như ngủ đúng giờ, không thức khuya, vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Các bé sơ sinh cần được mẹ rơ lưỡi. Khi bé lớn thì tập cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý để tiệt trùng vùng hầu họng.
- Tập thể dục cho bé. Với bé sơ sinh là những bài tập nằm trên giường vươn vai, nắn chân. Bé lớn hơn thì gọi dậy sớm để cùng mẹ nghe nhạc và làm vài động tác lắc lư. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con đến nơi thoáng mát để chạy nhảy, vui chơi…
Cuối cùng là tập cho bé thói quen rửa tay sau khi cầm, nắm bất cứ thứ gì, đặc biệt là ôm ấp thú cưng, sờ tay vịn cầu thang nơi công cộng… Thói quen vệ sinh này sẽ ngăn ngừa cho bé rất nhiều bệnh nguy hiểm.
Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM